Vì sao gọi là Phổ siêu nhất thiết Tam-ma-địa? Vì khi trụ Tam-ma-địa này, sẽ vượt qua hết các pháp của hữu tình trong ba cõi, nên gọi là Phổ siêu nhất thiết Tam-ma-địa.Vì sao gọi là Quyết phán nhất thiết Tam-ma-địa? Vì khi trụ Tam-ma-địa này, có thể quyết định các pháp hữu tình, nên gọi là Quyết phán nhất thiết Tam-ma-địa.Vì sao gọi là Tán do dự Tam-ma-địa? Vì khi trụ Tam-ma-địa này, có thể làm tan biến hết tất cả do dự đối với các đẳng trì và tất cả pháp, nên gọi là Tán do dự Tam-ma-địa.Vì sao gọi là Vô sở trụ Tam-ma-địa? Vì khi trụ Tam-ma-địa này, không thấy các pháp có chỗ trụ, nên gọi là Vô sở trụ Tam-ma-địa.Vì sao gọi là Nhất tướng trang nghiêm Tam-ma-địa? Vì khi trụ Tam-ma-địa này, không thấy các pháp có một tướng nhỏ nào, nên gọi là Nhất tướng trang nghiêm Tam-ma-địa.Vì sao gọi là Dẫn phát hành tướng Tam-ma-địa? Vì khi trụ Tam-ma-địa này, có thể dẫn phát các loại hành tướng đối với các đẳng trì và tất cả pháp nhưng hoàn toàn không thấy có năng và sở dẫn phát, nên gọi là Dẫn phát hành tướng Tam-ma-địa.Vì sao gọi là Nhất hành tướng Tam-ma-địa? Vì khi trụ Tam-ma-địa này, thấy các đẳng trì không có hai hành tướng, nên gọi là Nhất hành tướng Tam-ma-địa.Vì sao gọi là Ly hành tướng Tam-ma-địa? Vì khi trụ Tam-ma-địa này, thấy các đẳng trì hoàn toàn không có hành tướng, nên gọi là Ly hành tướng Tam-ma-địa.Vì sao gọi là Diệu hành tướng Tam-ma-địa? Vì khi trụ Tam-ma-địa này, sẽ làm cho hành tướng của các đẳng trì vi diệu và lìa bỏ các hý luận, nên gọi là Diệu hành tướng Tam-ma-địa.Vì sao gọi là Ðạt chư hữu để tán hoại Tam-ma-địa? Vì khi trụ Tam-ma-địa này, đạt được trí thông đạt như thật ngộ nhập các đẳng trì và tất cả pháp.
Ðược ngộ nhập rồi, sẽ thông đạt sự tán hoại của các hữu pháp, khiến chúng không còn chỗ nào sót cả, nên gọi là Ðạt chư hữu để tán hoại Tam-ma-địa.Vì sao gọi là Bảo kiên cố Tam-ma-địa? Vì khi trụ Tam-ma-địa này, thấy Phật, Pháp, Tăng không thể phá hoại được, vì đồng vô tướng, nên gọi là Bảo kiên cố Tam-ma-địa.Vì sao gọi là Giải thoát âm thanh văn tự Tam-ma-địa? Vì khi trụ Tam-ma-địa này, thấy các đẳng trì vắng lặng, giải thoát tất cả tướng âm thanh văn tự, nên gọi là Giải thoát âm thanh văn tự Tam-ma-địa.Vì sao gọi là Nhập thi thiết ngữ ngôn Tam-ma-địa? Vì khi trụ Tam-ma-địa này, ngộ nhập các pháp kiến lập (thi thiết) ngữ ngôn, không chấp trước, không ngăn ngại của tất cả đẳng trì, nên gọi là Nhập thi thiết ngữ ngôn Tam-ma-địa.Vì sao gọi là Cự xí nhiên Tam-ma-địa? Vì khi trụ Tam-ma-địa này, chiếu sáng các đẳng trì với ánh sáng oai nghiêm, nên gọi là Cự xí nhiên Tam-ma-địa.Vì sao gọi là Nghiêm tịnh tướng Tam-ma-địa? Vì khi trụ Tam-ma-địa này, có thể làm thanh tịnh trang nghiêm tất cả tướng định, nên gọi là Nghiêm tịnh tướng Tam-ma-địa.Vì sao gọi là Vô tiêu xí Tam-ma-địa? Vì khi trụ Tam-ma-địa này, không thấy dấu hiệu đối với các đẳng trì, nên gọi là Vô tiêu xí Tam-ma-địa.Vì sao gọi là Cụ diệu tướng Tam-ma-địa? Vì khi trụ Tam-ma-địa này, thấy diệu tướng các định hoàn toàn đầy đủ, nên gọi là Cụ diệu tướng Tam-ma-địa.Vì sao gọi là Bất hỷ nhất thiết khổ lạc Tam-ma-địa? Vì khi trụ Tam-ma-địa này, không thích quán sát tướng khổ vui của các đẳng trì, nên gọi là Bất hỷ nhất thiết khổ lạc Tam-ma-địa.Vì sao gọi là Vô tận hành tướng Tam-ma-địa? Vì khi trụ Tam-ma-địa này, không thấy hành tướng các định có chỗ tận, nên gọi là Vô tận hành tướng Tam-ma-địa.Vì sao gọi là Cụ tổng trì Tam-ma-địa? Vì khi trụ Tam-ma-địa này, có thể giữ gìn thắng sự các định một cách bao quát, nên gọi là Cụ tổng trì Tam-ma-địa.Vì sao gọi là Nhiếp phục nhất thiết chánh tánh tà tánh Tam-ma-địa? Vì khi trụ Tam-ma-địa này, đối với các đẳng trì chánh tánh, tà tánh nhiếp phục các kiến, khiến chúng chẳng khởi, nên gọi là Nhiếp phục nhất thiết chánh tánh tà tánh Tam-ma-địa.Vì sao gọi là Tức vi thuận Tam-ma-địa? Vì khi trụ Tam-ma-địa này, hoàn toàn không thấy có tướng nghịch và thuận đối với các đẳng trì và tất cả pháp, nên gọi là Tức vi thuận Tam-ma-địa.Vì sao gọi là Ly ái tắng Tam-ma-địa? Vì khi trụ Tam-ma-địa này, hoàn toàn không có tướng thương ghét trong các đẳng trì và tất cả pháp, nên gọi là Ly ái tắng Tam-ma-địa.Vì sao gọi là Vô cấu minh Tam-ma-địa? Vì khi trụ Tam-ma-địa này, hoàn toàn không thấy tướng cấu uế và tướng sáng suốt, nên gọi là Vô cấu minh Tam-ma-địa.Vì sao gọi là Cụ kiên cố Tam-ma-địa? Vì khi trụ Tam-ma-địa này, làm cho các đẳng trì đều được kiên cố, nên gọi là Cụ kiên cố Tam-ma-địa.Vì sao gọi là Mãn nguyệt tịnh quang Tam-ma-địa? Vì khi trụ Tam-ma-địa này, làm cho các đẳng trì tăng thêm công đức như ánh sáng trăng tròn, làm nước biển tăng thêm, nên gọi là Mãn nguyệt tịnh quang Tam-ma-địa.Vì sao gọi là Ðại trang nghiêm Tam-ma-địa? Vì khi trụ Tam-ma-địa này, làm cho các đẳng trì thành tựu các loại vi diệu nhiệm mầu hy hữu, đại trang nghiêm, nên gọi là Ðại trang nghiêm Tam-ma-địa.Vì sao gọi là Phổ chiếu thế gian Tam-ma-địa? Vì khi trụ Tam-ma-địa này, sẽ soi sáng các đẳng trì và tất cả pháp, làm cho các loài hữu tình đều được khai mở trí hiểu biết, nên gọi là Phổ chiếu thế gian Tam-ma-địa.Vì sao gọi là Ðịnh bình đẳng tánh Tam-ma-địa? Vì khi trụ Tam-ma-địa này, chẳng thấy sự sai khác giữa định và tán loạn của đẳng trì, nên gọi là Ðịnh bình đẳng tánh Tam-ma-địa.Vì sao gọi là Viễn ly trần cấu Tam-ma-địa? Vì khi trụ Tam-ma-địa này, có thể diệt trừ được bụi trần của tất cả phiền não, nên gọi là Viễn ly trần cấu Tam-ma-địa.Vì sao gọi là Hữu tránh vô tránh bình đẳng lý thú Tam-ma-địa? Vì khi trụ Tam-ma-địa này, không thấy tánh và tướng sai khác giữa hữu tránh và vô tránh trong các pháp và tất cả định, nên gọi là Hữu tránh vô tránh bình đẳng lý thú Tam-ma-địa.Vì sao gọi là Vô sào huyệt vô tiêu xí vô ái lạc Tam-ma-địa? Vì khi trụ Tam-ma-địa này, phá được các sào huyệt, xả bỏ dấu hiệu đoạn trừ các sự ái lạc mà không bị chấp trước, nên gọi là Vô sào huyệt vô tiêu xí vô ái lạc Tam-ma-địa.Vì sao gọi là Quyết định an trụ chơn như Tam-ma-địa? Vì khi trụ Tam-ma-địa này, thường không xả bỏ chơn như thật tướng của các đẳng trì và tất cả pháp, nên gọi là Quyết định an trụ chơn như Tam-ma-địa.Vì sao gọi là Ly thân ngữ ý uế ác Tam-ma-địa? Vì khi trụ Tam-ma-địa này, đối với thân, ngữ, ý hoàn toàn vô sở đắc, phá hoại tất cả thân, ngữ, ý xấu, tự tại không chướng ngại trong các đẳng trì, nên gọi là Ly thân ngữ ý uế ác Tam-ma-địa.Vì sao gọi là Như hư không Tam-ma-địa? Vì khi trụ Tam-ma-địa này, quán tất cả pháp hoàn toàn vô sở hữu, không chướng ngại như hư không mênh mông, nên gọi là Như hư không Tam-ma-địa.Vì sao gọi là Vô nhiễm vô trước Tam-ma-địa? Vì khi trụ Tam-ma-địa này, quán tất cả pháp đều đồng một tướng, tướng ấy là vô tướng, vô nhiễm, vô trước, nên gọi là Vô nhiễm vô trước Tam-ma-địa.Thiện Hiện! Ðó là tướng Ðại thừa khi Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu .Lại nữa, Thiện Hiện! Tướng Ðại thừa của các Đại Bồ-tát ấy là bốn niệm trụ.
Bốn niệm trụ là gì? Một là thân niệm trụ; hai là thọ niệm trụ; ba là tâm niệm trụ; bốn là pháp niệm trụ.Thế nào là thân niệm trụ? Nghĩa là khi Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, dùng vô sở đắc làm phương tiện, tuy đối với nội thân, hoặc ngoại thân, hoặc nội ngoại thân, luôn trụ pháp quán thân trên thân, nhưng không câu hữu với tầm và tứ, nhiệt tâm tinh tấn đầy đủ chánh tri, diệt trừ được tham ưu thế gian.Thế nào là thọ niệm trụ? Nghĩa là khi Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, dùng vô sở đắc làm phương tiện, đối với nội thọ, hoặc ngoại thọ, hoặc nội ngoại thọ, tuy trụ quán thọ trên thọ, nhưng không câu hữu với tầm và tứ, nhiệt tâm tinh tấn biết rõ sự tỉnh giác, trừ được tham ưu thế gian.Thế nào là tâm niệm trụ? Nghĩa là khi Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, dùng vô sở đắc làm phương tiện, đối với nội tâm, hoặc ngoại tâm, hoặc nội ngoại tâm, tuy trụ quán tâm trên tâm, nhưng không câu hữu với tầm và tứ, nhiệt tâm tinh tấn, chánh niệm tỉnh giác, trừ được tham ưu thế gian.Thế nào là pháp niệm trụ? Nghĩa là khi Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, dùng vô sở đắc làm phương tiện, đối với nội pháp, hoặc ngoại pháp, hoặc nội ngoại pháp, tuy trụ quán pháp trên pháp, nhưng không câu hữu với tầm và tứ, nhiệt tâm tinh tấn, chánh niệm tỉnh giác, diệt trừ được tham ưu thế gian.Lại nữa, Thiện Hiện! Khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, các Đại Bồ-tát dùng vô sở đắc làm phương tiện, đối với nội thân luôn quán thân trên thân, nhiệt tâm tinh tấn, chánh niệm tỉnh giác, diệt được tham ưu thế gian.
Nghĩa là khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, Đại Bồ-tát dùng vô sở đắc làm phương tiện, quán kỹ tự thân khi đi như thật biết đang đi, khi đứng như thật biết đang đứng, khi ngồi như thật biết đang ngồi, khi nằm như thật biết đang nằm.
Mỗi oai nghi sai khác nơi tự thân đều như thật biết như vậy, nhiệt tâm tinh tấn, chánh niệm tỉnh giác, diệt được tham ưu thế gian.
Ðó là Đại Bồ-tát khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, dùng vô sở đắc làm phương tiện, trụ pháp quán thân trong nội thân, nhiệt tâm tinh tấn, chánh niệm tỉnh giác, diệt được tham ưu thế gian.Lại nữa, Thiện Hiện! Khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, các Đại Bồ-tát dùng vô sở đắc làm phương tiện, trụ pháp quán thân trong nội thân, nhiệt tâm tinh tấn, chánh niệm tỉnh giác, diệt được tham ưu thế gian.
Nghĩa là khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, Đại Bồ-tát dùng vô sở đắc làm phương tiện, quán kỹ tự thân biết rõ sự qua lại, biết rõ sự nhìn tới nhìn lui, biết rõ sự cúi xuống ngước lên, biết rõ sự co duỗi, mặc Tăng-già-lê, đắp y ôm bát, khi ăn khi uống, khi nằm nghỉ, lúc kinh hành, khi ngồi dậy, lúc nghinh rước, thức ngủ nói năng im lặng, nhập xuất các định đều chánh niệm biết rõ.
Ðó là Đại Bồ-tát khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, dùng vô sở đắc làm phương tiện, trụ pháp quán thân trong nội thân, nhiệt tâm tinh tấn, chánh niệm tỉnh giác, diệt được tham ưu thế gian.Lại nữa, Thiện Hiện! Khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, các Đại Bồ-tát dùng vô sở đắc làm phương tiện, trụ pháp quán thân trên thân, nhiệt tâm tinh tấn, chánh niệm tỉnh giác, diệt được tham ưu thế gian.
Nghĩa là khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, Đại Bồ-tát dùng vô sở đắc làm phương tiện, quán kỹ tự thân khi thở vào như thật biết thở vào, khi thở ra như thật biết thở ra, khi hơi thở dài như thật biết hơi thở dài, khi hơi thở ngắn như thật biết hơi thở ngắn.
Như thợ quay bánh xe hoặc đệ tử vị ấy, khi lực bánh xe quay lâu như thật biết lực bánh xe lâu, khi lực bánh xe mau như thật biết lực xe mau.
Đại Bồ-tát này cũng như vậy, như thật biết rõ sự sai khác của hơi thở ngắn và hơi thở dài.
Ðó là Đại Bồ-tát khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, dùng vô sở đắc làm phương tiện, trụ pháp quán thân trong nội thân, nhiệt tâm tinh tấn, chánh niệm tỉnh giác, diệt được tham ưu thế gian.Lại nữa, Thiện Hiện! Khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, các Đại Bồ-tát dùng vô sở đắc làm phương tiện, nhiệt tâm tinh tấn, chánh niệm tỉnh giác, nên trừ được tham ưu thế gian.
Nghĩa là khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, Đại Bồ-tát dùng vô sở đắc làm phương tiện, như thật biết rõ các giới sai khác của tự thân, đối với địa giới như thật biết rõ đây là địa giới; đối với các thủy giới như thật biết rõ đây là thủy giới; đối với các hỏa giới như thật biết rõ đây là hỏa giới; đối với phong giới như thật biết rõ đây là phong giới.
Như đồ tể giỏi hoặc đệ tử vị ấy, sau khi giết trâu rồi dùng dao thật bén mổ xẻ thân phân làm bốn phần, hoặc ngồi hoặc đứng như thật biết rõ.
Đại Bồ-tát này cũng vậy, khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, dùng vô sở đắc làm phương tiện, quán sát sự sai khác của bốn giới, địa, thủy, hỏa, phong nơi tự thân.
Đó là Đại Bồ-tát khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, dùng vô sở đắc làm phương tiện, trụ pháp quán thân trong nội thân, nhiệt tâm tinh tấn, chánh niệm tỉnh giác, diệt được tham ưu thế gian.Lại nữa, Thiện Hiện! Khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, các Đại Bồ-tát dùng vô sở đắc làm phương tiện, trụ pháp quán thân trong nội thân, nhiệt tâm tinh tấn, chánh niệm tỉnh giác, diệt trừ tham ưu thế gian.
Nghĩa là khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, Đại Bồ-tát dùng vô sở đắc làm phương tiện, quán kỹ tự thân từ chân đến đỉnh đầu, trong đó đầy dẫy những thứ bất tịnh, bên ngoài nó được lớp da mỏng bao bọc.
Tuy được gọi thân này nhưng chỉ gồm các loại tóc, lông, móng, răng, da dày, da mỏng, máu thịt, gân mạch, xương tủy, tim, gan, phổi, thận, lá lách, mật, bao tử, ruột già, ruột non, phân, nước tiểu, nước mũi, nước bọt, nước giải, nước mắt, mồ hôi, đàm mủ, mỡ chài, mỡ nước, não, ghèn, ráy tai.Bên trong tràn đầy những thứ bất tịnh này.
Như trong kho của các trưởng giả hoặc nông phu, chứa đầy các loại ngũ cốc, gồm: nếp, mè, lúa, đậu, bắp v.v… Người sáng mắt mở kho ra xem biết đúng như thật trong ấy chỉ có nếp, mè, lúa v.v… Đại Bồ-tát này cũng như vậy, quán kỹ tự thân, từ chân đến đỉnh đầu đầy dãy bất tịnh chẳng đáng tham đắm.
Ðó là Đại Bồ-tát khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, dùng vô sở đắc làm phương tiện, trụ vào pháp quán thân trong nội thân, nhiệt tâm tinh tấn, chánh niệm tỉnh giác, diệt được tham ưu thế gian.Lại nữa, Thiện Hiện! Khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, các Đại Bồ-tát dùng vô sở đắc làm phương tiện, trụ vào pháp quán thân trong nội thân, nhiệt tâm tinh tấn, chánh niệm tỉnh giác, nên trừ được tham ưu thế gian.
Nghĩa là khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, các Đại Bồ-tát dùng vô sở đắc làm phương tiện, khi đến gò mả quan sát tử thi bị vứt bỏ, hoặc thây chết đã một ngày, hai ngày cho đến bảy ngày.
Tử thi chướng sình lên, sắc ngã xanh bầm, da thối rữa, máu mủ lan tràn.
Thấy việc này rồi, tự nghĩ thân ta tánh chất cũng như vậy, đủ pháp như thế, nếu chưa chứng Niết-bàn rốt cuộc cũng như vậy, nên sanh nhàm chán xa lìa.
Đó là Đại Bồ-tát khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, dùng vô sở đắc làm phương tiện, trụ pháp quán thân trong nội thân, nhiệt tâm tinh tấn, chánh niệm tỉnh giác, diệt được tham ưu thế gian.Lại nữa, Thiện Hiện! Khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, các Đại Bồ-tát dùng vô sở đắc làm phương tiện, trụ vào pháp quán thân trong nội thân, nhiệt tâm tinh tấn, chánh niệm tỉnh giác, nên trừ được tham ưu thế gian.
Nghĩa là khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, Đại Bồ-tát dùng vô sở đắc làm phương tiện, đi đến chỗ gò mả nhìn tử thi bị vứt bỏ, đã một ngày hoặc hai ngày, cho đến bảy ngày, tử thi bị các loài cầm thú như chim, diều hâu, quạ, kênh kênh, cọp beo, chó sói, chồn v.v… hoặc mổ, hoặc quắp lấy, cắn xé ăn nuốt xương thịt vun vãi.
Thấy việc này rồi, tự nghĩ bản tánh thân ta đủ pháp giống như thế.
Nếu chưa chứng Niết-bàn cuối cùng cũng như vậy, nên sanh nhàm chán và xa lìa.
Đó là Đại Bồ-tát khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, dùng vô sở đắc làm phương tiện, trụ vào pháp quán thân trong nội thân, nhiệt tâm tinh tấn, chánh niệm tỉnh giác, nên trừ được tham ưu thế gian.Lại nữa, Thiện Hiện! Khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, các Đại Bồ-tát dùng vô sở đắc làm phương tiện, trụ vào pháp quán thân trong nội thân, nhiệt tâm tinh tấn, chánh niệm tỉnh giác, nên trừ được tham ưu thế gian.
Nghĩa là khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, Đại Bồ-tát dùng vô sở đắc làm phương tiện, đi đến chỗ gò mả quán sát tử thi bị vứt bỏ, bị chim thú ăn rồi bất tịnh thối rữa, máu mủ chảy lan tràn, phát sanh vô lượng thứ trùng, đủ loại giòi, dơ bẩn hôi thúi hơn chó chết.
Thấy việc này rồi, tự nghĩ thân ta bản tánh giống vậy, đủ pháp như thế, nếu chưa được Niết-bàn rốt cuộc cũng như vậy, nên phát sanh sự nhàm chán xa lìa.
Đó là khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, Đại Bồ-tát dùng vô sở đắc làm phương tiện, trụ vào pháp quán thân trong nội thân, nhiệt tâm tinh tấn, chánh niệm tỉnh giác, trừ được tham ưu thế gian.Lại nữa, Thiện Hiện! Khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, các Đại Bồ-tát dùng vô sở đắc làm phương tiện, trụ vào pháp quán thân trong nội thân, nhiệt tâm tinh tấn, chánh niệm tỉnh giác, trừ được tham ưu thế gian.
Nghĩa là khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, Đại Bồ-tát dùng vô sở đắc làm phương tiện, đi đến chỗ gò mả quán sát tử thi bị vứt bỏ, trùng giòi ăn rồi, rả thịt lồi xương, lóng đốt dính nhau, gân buộc máu tràn, chỉ còn thịt bầy nhầy.
Thấy việc này rồi, tự nghĩ thân ta bản tánh giống vậy, đủ pháp như thế.
Nếu chưa chứng Niết-bàn cuối cùng cũng như vậy, nên sanh nhàm chán và xa lìa.
Đó là khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, Đại Bồ-tát dùng vô sở đắc làm phương tiện, trụ vào pháp quán thân trong nội thân, nhiệt tâm tinh tấn, chánh niệm tỉnh giác, trừ được tham ưu thế gian.Lại nữa, Thiện Hiện! Khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, các Đại Bồ-tát dùng vô sở đắc làm phương tiện, trụ vào pháp quán thân trong nội thân, nhiệt tâm tinh tấn, chánh niệm tỉnh giác, trừ được tham ưu thế gian.
Nghĩa là khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, Đại Bồ-tát dùng vô sở đắc làm phương tiện, đi đến chỗ gò mả quán sát tử thi bị vứt bỏ đã thành xương vụn, máu thịt cạn khô, chỉ còn những sợi gân dính lại.
Thấy việc này rồi, tự nghĩ thân ta bản tánh giống vậy, đủ pháp như thế, nếu chưa đạt Niết-bàn rốt cuộc cũng như vậy, nên phát sanh sự nhàm chán xa lìa.
Đó là khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, Đại Bồ-tát dùng vô sở đắc làm phương tiện, trụ vào pháp quán thân trong nội thân, nhiệt tâm tinh tấn, chánh niệm tỉnh giác, trừ được tham ưu thế gian.Lại nữa, Thiện Hiện! Khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, các Đại Bồ-tát dùng vô sở đắc làm phương tiện, trụ vào pháp quán thân trong nội thân, nhiệt tâm tinh tấn, chánh niệm tỉnh giác, trừ được tham ưu thế gian.
Nghĩa là khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, Đại Bồ-tát dùng vô sở đắc làm phương tiện, đi đến chỗ gò mả quán sát tử thi vị vứt bỏ, chỉ còn lại xương trắng, trắng tinh như ngọc tuyết kha, các gân mục nát, lóng đốt rời rạt.
Thấy việc này rồi, tự nghĩ thân ta bản tánh giống vậy, đủ pháp như thế, nếu chưa được Niết-bàn rốt cuộc cũng như vậy, nên sanh nhàm chán xa lìa.
Đó là khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, Đại Bồ-tát dùng vô sở đắc làm phương tiện, trụ vào pháp quán thân trong nội thân, nhiệt tâm tinh tấn, chánh niệm tỉnh giác, trừ được tham ưu thế gian.Lại nữa, Thiện Hiện! Khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, các Đại Bồ-tát dùng vô sở đắc làm phương tiện, trụ vào pháp quán thân trong nội thân, nhiệt tâm tinh tấn, chánh niệm tỉnh giác, trừ được tham ưu thế gian.
Nghĩa là khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, Đại Bồ-tát dùng vô sở đắc làm phương tiện, đi đến chỗ gò mả quán sát tử thi bị vứt bỏ, đã thành sắc trắng, đốt xương phân tán, vun vãi khắp nơi.
Thấy việc này rồi, tự nghĩ thân ta bản tánh giống vậy, đủ pháp như thế, nếu chưa được Niết-bàn rốt cuộc cũng như vậy, nên phát sanh sự nhàm chán xa lìa.
Đó là khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, Đại Bồ-tát dùng vô sở đắc làm phương tiện, trụ vào pháp quán thân trong nội thân, nhiệt tâm tinh tấn, chánh niệm tỉnh giác, trừ được tham ưu thế gian.Lại nữa, Thiện Hiện! Khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, các Đại Bồ-tát dùng vô sở đắc làm phương tiện, trụ vào pháp quán thân trong nội thân, nhiệt tâm tinh tấn, chánh niệm tỉnh giác, trừ được tham ưu thế gian.
Nghĩa là khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, Đại Bồ-tát dùng vô sở đắc làm phương tiện, đi đến chỗ gò mả quán sát tử thi bị vứt bỏ, các xương phân tán khắp nơi, xương bàn chân chỗ này, xương ống chân chỗ kia, xương đầu gối chỗ nọ, xương đùi chỗ khác, xương sống chỗ khác, xương hông chỗ khác, xương ngực chỗ khác, xương vai chỗ khác, xương cánh tay chỗ khác, xương bàn tay chỗ khác, xương cổ chỗ khác, xương hàm chỗ khác, xương má chỗ khác, xương đầu chỗ khác.
Thấy việc này rồi, tự nghĩ thân ta bản tánh giống vậy, nếu chưa được Niết-bàn rốt cuộc cũng như vậy, nên sanh sự nhàm chán xa lìa.
Đó là khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, Đại Bồ-tát dùng vô sở đắc làm phương tiện, trụ vào pháp quán thân trong nội thân, nhiệt tâm tinh tấn, chánh niệm tỉnh giác, trừ được tham ưu thế gian.Lại nữa, Thiện Hiện! Khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, các Đại Bồ-tát dùng vô sở đắc làm phương tiện, trụ vào pháp quán thân trong nội thân, nhiệt tâm tinh tấn, chánh niệm tỉnh giác, trừ được tham ưu thế gian.
Nghĩa là khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, Đại Bồ-tát dùng vô sở đắc làm phương tiện, đến chỗ gò mả quán sát tử thi bị vứt bỏ, hài cốt ngỗn ngang, gió thổi nắng đốt, mưa chan sương thấm, trải qua năm tháng màu sắc trắng như ngọc tuyết kha.
Thấy việc này rồi, tự nghĩ thân ta bản tánh giống vậy, nếu chưa được Niết-bàn rốt cuộc cũng như vậy, nên sanh sự nhàm chán xa lìa.
Đó là khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, Đại Bồ-tát dùng vô sở đắc làm phương tiện, trụ vào pháp quán thân trong nội thân, nhiệt tâm tinh tấn, chánh niệm tỉnh giác, trừ được tham ưu thế gian.Lại nữa, Thiện Hiện! Khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, các Đại Bồ-tát dùng vô sở đắc làm phương tiện, trụ vào pháp quán thân trong nội thân, nhiệt tâm tinh tấn, chánh niệm tỉnh giác, trừ được tham ưu thế gian.
Nghĩa là khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, Đại Bồ-tát dùng vô sở đắc làm phương tiện, đến chỗ gò mả quán sát tử thi bị vứt bỏ, trải qua hơn trăm năm, hoặc hơn ngàn năm chỉ còn bột xương và đất, biến dạng thành màu xanh, có màu như lông bồ câu, hoặc có thứ mục nát ra bột như bụi, trộn lẫn vào đất, khó phân biệt được.
Thấy việc này rồi, tự nghĩ thân ta bản tánh giống vậy, nếu chưa được Niết-bàn rốt cuộc cũng như vậy, nên sanh sự nhàm chán xa lìa.
Đó là khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, Đại Bồ-tát dùng vô sở đắc làm phương tiện, trụ vào pháp quán thân trong nội thân, nhiệt tâm tinh tấn, chánh niệm tỉnh giác, trừ được tham ưu thế gian.Thiện Hiện! Khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, các Đại Bồ-tát dùng vô sở đắc làm phương tiện, như trụ pháp quán thân trong nội thân sai khác này, nhiệt tâm tinh tấn, chánh niệm tỉnh giác, trừ được tham ưu thế gian.
Nương vào ngoại thân để quán thân, nương vào nội ngoại thân để quán thân, nhiệt tâm tinh tấn, chánh niệm tỉnh giác, trừ được tham ưu thế gian, tùy theo pháp thích ứng, Bồ-tát đều như vậy cả.Thiện Hiện! Khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, các Đại Bồ-tát dùng vô sở đắc làm phương tiện, trụ vào thọ, tâm, pháp, bên trong, bên ngoài để quán thọ, tâm, pháp, nhiệt tâm tinh tấn, chánh niệm tỉnh giác, trừ được tham ưu thế gian, tùy theo pháp thích ứng, nói rộng như trên.Thiện Hiện! Như vậy, khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, Đại Bồ-tát dùng vô sở đắc làm phương tiện, trụ vào thân, thọ, tâm, pháp bên trong, bên ngoài để quán thân, thọ, tâm, pháp, tuy quán như vậy nhưng vô sở đắc.Thiện Hiện! Ðó là tướng Ðại thừa của Đại Bồ-tát khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu.Lại nữa, Thiện Hiện! Tướng Ðại thừa của các Đại Bồ-tát là bốn chánh đoạn.
Những gì là bốn?Thiện Hiện nên biết: Khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, Đại Bồ-tát nào dùng vô sở đắc làm phương tiện, đối với các pháp ác bất thiện chưa sanh làm cho chúng chẳng sanh, nên cố gắng phát sanh và giữ tâm chuyên cần, siêng năng đúng đắn.
Ðó là thứ nhất.Khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, Đại Bồ-tát nào dùng vô sở đắc làm phương tiện, đối với các pháp ác bất thiện đã sanh làm cho chúng chấm dứt hẳn, nên cố gắng phát sanh và giữ tâm chuyên cần đúng đắn.
Ðó là thứ hai.Khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, Đại Bồ-tát nào dùng vô sở đắc làm phương tiện, đối với pháp thiện chưa sanh làm cho chúng phát sanh, nên cố gắng phát sanh và giữ tâm chuyên cần siêng năng đúng đắn.
Ðó là thứ ba.Khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, Đại Bồ-tát nào dùng vô sở đắc làm phương tiện, đối với pháp thiện đã sanh làm cho chúng an trụ và luôn làm tăng trưởng chúng nhiều thêm đến viên mãn, nên cố gắng phát sanh và giữ tâm chuyên cần siêng năng đúng đắn.
Ðó là thứ tư.Thiện Hiện! Ðó là tướng Ðại thừa của Đại Bồ-tát khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu.Lại nữa, Thiện Hiện! Tướng Ðại thừa của các Đại Bồ-tát là bốn thần túc.
Những gì là bốn?Thiện Hiện nên biết: Đại Bồ-tát nào khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, dùng vô sở đắc làm phương tiện, để tu tập Dục đẳng trì đoạn hành, thành tựu thần túc; nương vào sự xa lìa, sự vô nhiễm, diệt trừ, hồi hướng xả.
Ðó là thứ nhất.Đại Bồ-tát nào khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, dùng vô sở đắc làm phương tiện, tu hành Cần đẳng trì đoạn hành, thành tựu thần túc; nương vào sự xa lìa, sự vô nhiễm, diệt trừ, hồi hướng xả.
Ðó là thứ hai.Đại Bồ-tát nào khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, dùng vô sở đắc làm phương tiện, tu tập Tâm đẳng trì đoạn hành, thành tựu thần túc; nương vào sự xa lìa, sự vô nhiễm, diệt trừ, hồi hướng xả.
Ðó là thứ ba.Đại Bồ-tát nào khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, dùng vô sở đắc làm phương tiện, tu tập Quán đẳng trì đoạn hành, thành tựu thần túc; nương vào sự xa lìa, sự vô nhiễm, diệt trừ, hồi hướng xả.
Ðó là thứ tư.Thiện Hiện! Ðó là tướng Ðại thừa của Đại Bồ-tát khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu.Lại nữa, Thiện Hiện! Tướng Ðại thừa của các Đại Bồ-tát là năm căn.
Những gì là năm?Thiện Hiện nên biết: Đại Bồ-tát nào khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, dùng vô sở đắc làm phương tiện, để tu tín căn, tinh tấn căn, niệm căn, định căn, tuệ căn.Thiện Hiện! Ðó là tướng Ðại thừa của Đại Bồ-tát khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu.Lại nữa, Thiện Hiện! Tướng Ðại thừa của các Đại Bồ-tát là năm lực.
Những gì là năm?Thiện Hiện nên biết: Đại Bồ-tát nào khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, dùng vô sở đắc làm phương tiện, để tu tập tín lực, tinh tấn lực, niệm lực, định lực, tuệ lực.Thiện Hiện! Ðó là tướng Ðại thừa của Đại Bồ-tát khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu.Lại nữa, Thiện Hiện! Tướng Ðại thừa của các Đại Bồ-tát là bảy chi đẳng giác.
Những gì là bảy?Thiện Hiện nên biết: Đại Bồ-tát nào khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, dùng vô sở đắc làm phương tiện, để tu niệm giác chi, trạch tập pháp giác chi, tinh tấn giác chi, hỷ giác chi, khinh an giác chi, định giác chi, xả giác chi; nhưng phải nương vào sự xa lìa, sự vô nhiễm, sự diệt trừ, hồi hướng xả.Thiện Hiện! Ðó là tướng Ðại thừa của Đại Bồ-tát khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu.Lại nữa, Thiện Hiện! Tướng Ðại thừa của các Đại Bồ-tát là tám chi thánh đạo.
Những gì là tám?Thiện Hiện nên biết: Đại Bồ-tát nào khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, dùng vô sở đắc làm phương tiện, để tu chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định; nương vào sự xa lìa, sự vô nhiễm, diệt trừ, hồi hướng xả.Thiện Hiện! Ðó là tướng Ðại thừa của Đại Bồ-tát khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu.Lại nữa, Thiện Hiện! Tướng Ðại thừa của các Đại Bồ-tát là ba pháp môn giải thoát.
Những gì là ba?Thiện Hiện nên biết: Đại Bồ-tát nào khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, dùng vô sở đắc làm phương tiện, quán tất cả pháp tự tướng đều là không, an trụ tâm như vậy, gọi là pháp môn giải thoát không, còn gọi là không Tam-ma-địa.
Ðó là môn thứ nhất, các Đại Bồ-tát muốn học Ðại thừa nên học trong đó.Đại Bồ-tát nào khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, dùng vô sở đắc làm phương tiện, quán tất cả pháp vì tự tướng đều là không, nên đều không có tướng, an trụ tâm như vậy, gọi là pháp môn giải thoát vô tướng, cũng gọi là vô tướng Tam-ma-địa.
Ðó là môn thứ hai, các Đại Bồ-tát nếu muốn học Ðại thừa nên học trong đó.Đại Bồ-tát nào khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, dùng vô sở đắc làm phương tiện, quán sát tất cả pháp vì tự tướng là không, nên không có sở nguyện, an trụ tâm như vậy, gọi là pháp môn giải thoát vô nguyện, cũng gọi là vô nguyện Tam-ma-địa.
Ðó là môn thứ ba, các Đại Bồ-tát muốn học Ðại thừa nên học trong đó.Thiện Hiện! Ðó là tướng Ðại thừa của Đại Bồ-tát khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa.Lại nữa, Thiện Hiện! Tướng Ðại thừa của các Đại Bồ-tát là mười một trí.
Những gì là mười một? Đó là khổ trí, tập trí, diệt trí, đạo trí, tận trí, vô sanh trí, pháp trí, loại trí, thế tục trí, tha tâm trí, như thuyết trí.Thế nào là khổ trí? Nghĩa là trí dùng vô sở đắc làm phương tiện, biết khổ nên chẳng sanh.
Ðó là khổ trí.Thế nào là tập trí? Nghĩa là trí dùng vô sở đắc làm phương tiện, biết được sự tập khởi nên vĩnh viễn đoạn trừ.
Ðó là tập trí.Thế nào là diệt trí? Trí nào dùng vô sở đắc làm phương tiện, biết được sự đoạn diệt nên tác chứng.
Ðó là diệt trí.Thế nào là đạo trí? Trí nào dùng vô sở đắc làm phương tiện, biết được đạo nên tu tập.
Ðó là đạo trí.Thế nào là tận trí? Trí nào dùng vô sở đắc làm phương tiện, biết được tham, sân, si hết.
Ðó là tận trí.Thế nào là vô sanh trí? Trí nào dùng vô sở đắc làm phương tiện, biết được các hữu không còn sanh nữa.
Ðó là vô sanh trí.Thế nào là pháp trí? Trí nào dùng vô sở đắc làm phương tiện, biết được năm uẩn v.v… mỗi mỗi đều có tự tánh riêng.
Ðó là pháp trí.Thế nào là loại trí? Trí nào dùng vô sở đắc làm phương tiện, biết được tướng sai khác của năm uẩn v.v… nghĩa là khổ, vô thường, không, vô ngã v.v… Ðó là loại trí.Thế nào là thế tục trí? Trí nào dùng vô sở đắc làm phương tiện, biết được các hữu tình tu hành có sai khác và biết được danh tướng giống và khác của các pháp v.v… Ðó là thế tục trí.Thế nào là tha tâm trí? Trí nào dùng vô sở đắc làm phương tiện, biết được tâm và tâm sở pháp của hữu tình khác nhưng không phân vân trở ngại.
Ðó là tha tâm trí.Thế nào là như thuyết trí? Trí nào dùng vô sở đắc làm phương tiện, biết được tướng tất cả pháp giống như lời nói, tức là trí nhất thiết tướng của Như Lai.
Ðó là như thuyết trí.Thiện Hiện! Nên biết mười một trí này là tướng Ðại thừa của Đại Bồ-tát khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu.Lại nữa, Thiện Hiện! Tướng Ðại thừa của các Đại Bồ-tát là ba căn vô lậu.
Những gì là ba? Một là vị tri đương tri căn, hai là dĩ tri căn, ba là cụ tri căn.Thế nào là vị tri đương tri căn? Nghĩa là các bậc hữu học đối với các Thánh đế chưa hiện quán hoàn toàn, chưa đắc Thánh quả nhưng đã có tín căn, tinh tấn căn, niệm căn, định căn, tuệ căn.
Ðó là vị tri đương tri căn.Thế nào là dĩ tri căn? Nghĩa là các bậc hữu học đối với các Thánh đế đã đạt được hiện quán, đã đắc Thánh quả có đầy đủ tín căn, tinh tấn căn, niệm căn, định căn, tuệ căn.
Ðó là dĩ tri căn.Thế nào là cụ tri căn? Nghĩa là các bậc vô học hoặc A-la-hán, hoặc các Ðộc giác, hoặc Đại Bồ-tát đã trụ thập địa, hoặc chư Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác đã tín căn, tinh tấn căn, niệm căn, định căn, tuệ căn.
Ðó là cụ tri căn.Nếu ba căn này dùng vô sở đắc làm phương tiện, thì phải biết đó là tướng Ðại thừa của Đại Bồ-tát khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu.Lại nữa, Thiện Hiện! Tướng Ðại thừa của các Đại Bồ-tát là ba Tam-ma-địa.
Những gì là ba? Một là Tam-ma-địa có tầm có tứ, hai là Tam-ma-địa không tầm có tứ, ba là Tam-ma-địa không tầm không tứ.Thế nào là Tam-ma-địa có tầm có tứ? Nghĩa là Đại Bồ-tát đã xa lìa pháp dục ác bất thiện, có tầm có tứ, ly sanh hỷ lạc, nhập vào sơ tịnh lự an trụ đầy đủ.
Ðó là Tam-ma-địa có tầm có tứ.Thế nào là Tam-ma-địa không tầm có tứ? Nghĩa là Đại Bồ-tát đạt đến định trung gian giữa sơ tịnh lự và đệ nhị tịnh lự.
Ðó là Tam-ma-địa không tầm có tứ.Thế nào là Tam-ma-địa không tầm không tứ? Nghĩa là Đại Bồ-tát từ đệ nhị tịnh lự cho đến định Phi tưởng phi phi tưởng xứ.
Ðó là Tam-ma-địa không tầm không tứ.Với ba loại này đều dùng vô sở đắc làm phương tiện, thì biết đó là tướng Ðại thừa của Đại Bồ-tát khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu.Lại nữa, Thiện Hiện! Tướng Ðại thừa của Đại Bồ-tát là mười tùy niệm.
Những gì là mười? Một là tùy niệm Phật, hai là tùy niệm Pháp, ba là tùy niệm Tăng, bốn là tùy niệm giới, năm là tùy niệm xả, sau là tùy niệm thiên, bảy là tùy niệm nhàm chán, tám là tùy niệm tử, chín là tùy niệm thân, mười là tùy niệm hơi thở.Với mười pháp này nếu dùng vô sở đắc làm phương tiện, thì biết đó là tướng Ðại thừa của Đại Bồ-tát khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu.Lại nữa, Thiện Hiện! Tướng Ðại thừa của Đại Bồ-tát là bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc, tám giải thoát, tám thắng xứ, chín định thứ đệ, mười biến xứ v.v… thiện pháp thanh tịnh, dùng vô sở đắc làm phương tiện.
Nên biết đó là tướng Ðại thừa của Đại Bồ-tát khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu.Lại nữa, Thiện Hiện! Tướng Ðại thừa của Đại Bồ-tát là mười lực Phật.
Những gì là mười?Thiện Hiện nên biết: Nếu dùng vô sở đắc làm phương tiện, như thật biết rõ các pháp nhân quả của tướng xứ phi xứ, đó là lực thứ nhất.Nếu dùng vô sở đắc làm phương tiện, như thật biết rõ tướng các loại hữu tình trong quá khứ, hiện tại, vị lai do tạp nghiệp khác nhau mà chịu quả khác nhau, đó là lực thứ hai.Nếu dùng vô sở đắc làm phương tiện, như thật biết rõ tướng mọi loại cảnh giới khác nhau của thế gian, đó là lực thứ ba.Nếu dùng vô sở đắc làm phương tiện, như thật biết rõ nhiều loại thắng giải chẳng phải một loại thắng giải của tất cả hữu tình, đó là lực thứ tư.Nếu dùng vô sở đắc làm phương tiện, như thật biết rõ các căn hơn kém của các loại hữu tình, đó là lực thứ năm.Nếu dùng vô sở đắc làm phương tiện, như thật biết rõ hành tướng biến hành, đó là lực thứ sáu.Nếu dùng vô sở đắc làm phương tiện, như thật biết rõ các pháp như căn, lực, giác chi, giải thoát, tịnh lự, đẳng trì, đẳng chí, nhiễm, tịnh, sai khác của các loại hữu tình, đó là lực thứ bảy.Nếu dùng vô sở đắc làm phương tiện, như thật biết rõ các loại hữu tình có vô lượng đời trước sai khác, đó là lực thứ tám.Nếu dùng vô sở đắc làm phương tiện, do thiên nhãn thanh tịnh như thật biết rõ các hữu tình có vô lượng loại sanh tử sai khác, đó là lực thứ chín.Nếu dùng vô sở đắc làm phương tiện, như thật biết rõ đã chấm dứt các lậu đạt được tâm vô lậu giải thoát, chứng được tuệ giải thoát vô lậu; ngay trong hiện tại tự xác chứng đầy đủ, có thể chơn chánh biết rõ ta sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, những việc cần làm đã xong, không còn trở lại đời sống này nữa, đó là lực thứ mười.Phải biết: Đây là tướng Ðại thừa của Đại Bồ-tát khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu.Lại nữa, Thiện Hiện! Tướng Ðại thừa của các Đại Bồ-tát là bốn điều không sợ.
Những gì là bốn?Thiện Hiện nên biết: Đại Bồ-tát nào dùng vô sở đắc làm phương tiện, tự xưng ta là người Chánh đẳng giác.
Nếu có Sa-môn, hoặc Bà-la-môn, hoặc Thiên ma, hoặc những hạng khác trong thế gian dựa vào pháp để vấn nạn, làm cho Bồ-tát phải suy nghĩ bởi lời nói rằng: Pháp này chẳng phải Chánh đẳng giác.
Đối với sự vấn nạn đó ta xác nhận đúng đắn nó là vô lý.
Đối với sự vấn nạn đó, vì thấy nó phi lý nên được an ổn, trụ không sợ hãi, tự xưng ta ở ngôi vị Ðại tiên tôn kính, ở giữa đại chúng rống lên tiếng Sư tử chúa, chuyển xe diệu phạm luân.
Xe ấy thanh tịnh, chánh chơn Vô thượng, tất cả Sa-môn, Bà-la-môn v.v… không ai có thể chuyển được đúng pháp, đó là điều không sợ thứ nhất.Đại Bồ-tát nào dùng vô sở đắc mà làm phương tiện, tự xưng ta đã chấm dứt các lậu hoặc.
Nếu có Sa-môn, hoặc Bà-la-môn, hoặc Thiên ma phạm, hoặc kẻ khác trong thế gian dựa vào pháp mà lập nạn và làm cho Bồ-tát suy nghĩ nơi lời nói: Lậu hoặc này chưa được chấm dứt.
Nhờ chánh kiến ta thấy sự vấn nạn ấy vô lý.
Vì thấy sự vấn nạn ấy vô lý nên được an ổn, trụ không sợ hãi, tự xưng ta ở ngôi vị Ðại tiên tôn kính, ở giữa đại chúng rống lên tiếng Sư tử chúa, chuyển xe diệu phạm, xe ấy thanh tịnh chánh chơn Vô thượng, tất cả Sa-môn, Bà-la-môn v.v… đều không ai có thể chuyển được đúng pháp, đó là điều không sợ thứ hai.Đại Bồ-tát nào dùng vô sở đắc mà làm phương tiện, vì các đệ tử thuyết pháp chướng đạo.
Nếu có Sa-môn, hoặc Bà-la-môn, hoặc Thiên ma phạm, hoặc kẻ khác trong thế gian y pháp vấn nạn, làm cho Bồ-tát suy nghĩ bởi lời nói thế này: Tu tập pháp này không thể ngăn đạo.
Nhờ chánh kiến ta thấy sự vấn nạn ấy vô lý.
Vì thấy sự vấn nạn ấy vô lý nên được trụ an ổn, trụ không sợ hãi, tự xưng ta ở ngôi vị Ðại tiên tôn kính, ở giữa đại chúng rống lên tiếng Sư tử chúa, quay xe diệu phạm.
Xe ấy thanh tịnh chánh chơn Vô thượng, tất cả Sa-môn, Bà-la-môn v.v… không ai có thể chuyển đúng như pháp được, đó là điều không sợ thứ ba.Đại Bồ-tát nào dùng vô sở đắc mà làm phương tiện, vì các đệ tử nói đạo chấm dứt khổ.
Nếu có Sa-môn, hoặc Bà-la-môn, hoặc Thiên ma phạm, hoặc kẻ khác trong thế gian y pháp lập ra sự vấn nạn, làm cho Bồ-tát suy nghĩ bởi lời nói thế này: Tu đạo này không thể chấm dứt khổ được.
Nhờ chánh kiến ta thấy sự vấn nạn ấy vô lý.
Vì thấy sự vấn nạn ấy vô lý nên được trụ an ổn, trụ không sợ hãi, tự xưng ta ở ngôi vị Ðại tiên tôn kính, ở giữa đại chúng rống tiếng Sư tử chúa, chuyển xe diệu phạm.
Xe ấy thanh tịnh chánh chơn Vô thượng, tất cả Sa-môn, Bà-la-môn v.v… không ai có thể chuyển như pháp được, đó là điều không sợ thứ tư.Nên biết đó là tướng Ðại thừa của Đại Bồ-tát khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu..