Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa


Lại nữa, Thiện Hiện! Tướng Ðại thừa của các Đại Bồ-tát là bốn sự hiểu biết thông suốt.

Những gì là bốn? Một là nghĩa hiểu biết thông suốt; hai là pháp hiểu biết thông suốt; ba là từ hiểu biết thông suốt; bốn là biện hiểu biết thông suốt.Thiện Hiện! Bốn sự hiểu biết thông suốt này là dùng vô sở đắc làm phương tiện.

Nên biết đó là tướng Ðại thừa của Đại Bồ-tát khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu.Lại nữa, Thiện Hiện! Tướng Ðại thừa của các Đại Bồ-tát là mười tám pháp Phật bất cộng.

Những gì là mười tám?Nghĩa là các vị Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác bắt đầu từ đêm chứng được quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, cho đến đêm nhập Vô dư y Niết-bàn, ở trong khoảng thời gian này thường không lầm lỗi, không có lời nói hung bạo, không mất chánh niệm, không các thứ tưởng, tâm luôn trong định, luôn chọn pháp để xả bỏ, ý chí không thối lui, tinh tấn không thối lui, niệm không lui, định không lui, tuệ không lui, giải thoát trí kiến không lui.Trong tất cả nghiệp của thân, trí là dẫn đầu, và tùy theo trí mà chuyển.

Tất cả nghiệp của miệng, trí là dẫn đầu, và tùy theo trí mà chuyển y.

Tất cả nghiệp của ý, trí là dẫn đầu, và tùy theo trí mà chuyển y.Trong quá khứ đã khởi lên trí kiến không chấp trước, không ngăn ngại.

Ở hiện tại đang khởi lên trí kiến không chấp trước, không ngăn ngại.

Ở vị lai sẽ khởi lên trí kiến không chấp trước, không ngăn ngại.Mười tám pháp Phật bất cộng như thế đều hoàn toàn dùng vô sở đắc làm phương tiện.

Nên biết đó là tướng Ðại thừa của Đại Bồ-tát khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu.Lại nữa, Thiện Hiện! Tướng Ðại thừa của các Đại Bồ-tát ấy gồm các môn văn tự Đà-la-ni.

Những môn văn tự Đà-la-ni nào? Nghĩa là bằng tánh bình đẳng của văn tự, tánh bình đẳng của ngôn ngữ mà đi vào môn các chữ.

Thế nào là môn tánh bình đẳng văn tự và tánh bình đẳng ngôn ngữ?Thiện Hiện nên biết: Khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, Đại Bồ-tát dùng vô sở đắc làm phương tiện, nhập môn chữ Suy, ngộ tất cả pháp vốn không sanh.Nhập môn chữ Lạc, ngộ tất cả pháp xa lìa trần cấu.Nhập môn chữ Bả, ngộ được giáo lý thắng nghĩa của tất cả pháp.Nhập môn chữ Giả, ngộ tất cả pháp xa lìa sanh tử, dù tử hoặc sanh đều dùng vô sở đắc làm phương tiện.Nhập môn chữ Na, ngộ tất cả pháp xa lìa danh tướng, hoặc danh hoặc tướng đều dùng vô sở đắc làm phương tiện.Nhập môn chữ Kha, ngộ tất cả pháp xuất thế gian, vì nhân duyên ái nhiễm nên chẳng hiện tiền.Nhập môn chữ Ðà, ngộ tất cả pháp điều phục, vắng lặng, chơn như, bình đẳng không phân biệt.Nhập môn chữ Bà, ngộ tất cả pháp lìa sự trói buộc và cởi mở.Nhập môn chữ Đồ, ngộ tất cả pháp xa lìa nhiệt não, kiêu căn, uế trược, đạt được sự thanh tịnh.Nhập môn chữ Sa, ngộ tất cả pháp không quái ngại.Nhập môn chữ Phược, ngộ tất cả pháp chấm dứt đường ngôn ngữ.Nhập môn chữ Ðả, ngộ tất cả pháp chơn như bất động.Nhập môn chữ Dã, ngộ tất cả pháp như thật chẳng sanh.Nhập môn chữ Sắc Tra, ngộ tướng chế phục và tướng nhậm trì của tất cả pháp bất khả đắc.Nhập môn chữ Ca, ngộ tác giả tất cả pháp bất khả đắc.Nhập môn chữ Ta, ngộ thời và tánh bình đẳng của tất cả pháp bất khả đắc.Nhập môn chữ Ma, ngộ tất cả pháp tánh ngã và ngã sở bất khả đắc.Nhập môn chữ Già, ngộ tánh hành động chấp thủ của tất cả pháp bất khả đắc.Nhập môn chữ Tha, ngộ tánh chất tất cả pháp chỗ y cứ bất khả đắc.Nhập môn chữ Xà, ngộ tất cả pháp năng sở sanh khởi bất khả đắc.Nhập môn chữ Thấp Phược, ngộ tất cả pháp tánh an ổn bất khả đắc.Nhập môn chữ Ðạt, ngộ tánh có thể giữ gìn cõi giới của tất cả pháp bất khả đắc.Nhập môn chữ Xả, ngộ tánh Xa-ma-tha của tất cả pháp bất khả đắc.Nhập môn chữ Khư, ngộ tánh bình đẳng như hư không bất khả đắc.Nhập môn chữ Sàn, ngộ tánh cùng tận của tất cả pháp bất khả đắc.Nhập môn chữ Tát Ðả, ngộ tất cả pháp tánh nhậm trì bất khả đắc.Nhập môn chữ Nhã, ngộ tất cả pháp tánh năng sở tri bất khả đắc.Nhập môn chữ Thích Tha, ngộ tánh chấp trước nghĩa của tất cả pháp bất khả đắc.Nhập môn chữ Ha, ngộ tánh thường làm nhân của tất cả pháp bất khả đắc.Nhập môn chữ Bạc, ngộ tánh phá hoại của tất cả pháp bất khả đắc.Nhập môn chữ Xước, ngộ tất cả pháp tánh che đậy dục lạc bất khả đắc.Nhập môn chữ Táp Ma, ngộ tánh đáng nhớ nghĩ của tất cả pháp bất khả đắc.Nhập môn chữ Hạp Phạ, ngộ tánh kêu gọi của tất cả pháp bất khả đắc.Nhập môn chữ Sa, ngộ tất cả pháp lìa sự dõng mãnh.Nhập môn chữ Kiên, ngộ tánh bình đẳng sâu dày của tất cả pháp bất khả đắc.Nhập môn chữ Sỉ, ngộ tánh tịch tụ của tất cả pháp bất khả đắc.Nhập môn chữ Noa, ngộ tất cả pháp lìa sự ồn náo.Nhập môn chữ Phả, ngộ tất cả pháp không có quả báo.Nhập môn chữ Tắc Ca, ngộ tất cả pháp lìa tánh chất chứa.Nhập môn chữ Dật Ta, ngộ tánh tướng suy lão của tất cả pháp bất khả đắc.Nhập môn chữ Chước, ngộ tất cả pháp không dấu chân.Nhập môn chữ Tra, ngộ tánh đuổi bức nhau của tất cả pháp bất khả đắc.Nhập môn chữ Trạch, ngộ chỗ cứu cánh của tất cả pháp bất khả đắc.Thiện Hiện nên biết: Môn chữ Trạch này có thể ngộ nhập vào tận cùng của pháp không.

Ngoại trừ những chữ này nếu biểu thị các pháp không thì bất khả đắc.

Vì sao? Vì nghĩa các chữ này không thể tuyên thuyết, không thể nêu rõ, không thể viết, không thể chấp thủ, không thể quán sát, vì lìa các tướng.Thiện Hiện nên biết: Thí như hư không là chỗ quay về của tất cả vật.

Những môn chữ này cũng lại như thế, nghĩa không của các pháp đều nhập vào môn này mà được hiển rõ.Thiện Hiện nên biết: Nhập vào chữ Suy này v.v… gọi là nhập vào môn chữ.

Đại Bồ-tát nào đối với môn chữ này, đạt được trí thiện xảo.

Đại Bồ-tát ấy đối với các âm thanh, ngôn ngữ được trình bày, được biểu thị đều không quái ngại, đối với tánh không bình đẳng của tất cả pháp đều có thể nắm giữ được hết, đối với các tiếng nói đều được thiện xảo.Đại Bồ-tát nào có thể nghe và nhập vào môn các chữ này, xác định tướng trạng của nó, xác định câu cú, nghe rồi thọ trì đọc tụng thông thạo, vì người giảng nói, không có sự chấp trước, chẳng mong danh dự lợi dưỡng cung kính.

Do nhân duyên này được ba mươi món công đức thù thắng lợi ích.

Những gì là ba mươi? Nghĩa là được nghĩ nhớ dõng mãnh, được tàm quý hơn, được sức kiên cố, được pháp chỉ thú, được tăng thượng giác, được thù thắng tuệ, được sự biện tài vô ngại, được môn tổng trì, được không nghi hoặc, được gặp lời thuận không ưa lời trái, không ghét, được an trụ bình đẳng, không phân biệt cao thấp, được dùng lời khéo léo đối với hữu tình, được uẩn thiện xảo, được giới thiện xảo, được xứ thiện xảo, được chơn lý thiện xảo, được duyên khởi thiện xảo, được nhân thiện xảo, được duyên thiện xảo, được pháp thiện xảo, được trí căn thắng liệt thiện xảo, được tha tâm trí thiện xảo, được thần cảnh trí thiện xảo, được thiên nhĩ trí thiện xảo, được túc trụ tùy niệm trí thiện xảo, được sanh tử trí thiện xảo, được lậu tận trí thiện xảo, được xứ phi xứ trí thiện xảo, được vãng lai trí thiện xảo, được oai nghi lộ trí thiện xảo.

Ðó là ba mươi công đức thù thắng lợi ích.Thiện Hiện nên biết: Khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, Đại Bồ-tát dùng vô sở đắc làm phương tiện, đạt được môn văn tự Đà-la-ni này.

Phải biết đó là tướng Ðại thừa của Đại Bồ-tát khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu.Lại nữa, Thiện Hiện! Câu hỏi tiếp theo của ông là thế nào thì biết Đại Bồ-tát hướng đến Ðại thừa? Thiện Hiện nên biết: Đại Bồ-tát nào siêng năng tu hành sáu pháp Ba-la-mật-đa, từ địa này đến địa khác, với mức độ như vậy nên biết các Đại Bồ-tát ấy hướng đến Ðại thừa.Cụ thọ Thiện Hiện bèn thưa Phật rằng:– Thế nào là Đại Bồ-tát siêng năng tu hành pháp Ba-la-mật-đa từ địa này đến địa khác?Phật bảo Thiện Hiện:– Đại Bồ-tát nào biết được tất cả pháp không từ đâu đến, cũng không đi về đâu.

Vì sao? Vì tất cả pháp không đi, không đến, không xuất phát cũng không tới đích.

Do đó nên các pháp không biến hoại.

Đại Bồ-tát này không nhớ nghĩ, chẳng suy tư về địa bắt đầu, tuy tu nghiệp trị địa nhưng chẳng thấy có địa ấy.

Ðó là Đại Bồ-tát siêng năng tu hành sáu pháp Ba-la-mật-đa, từ địa này đến địa khác.Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:– Thế nào là Đại Bồ-tát tu nghiệp trị địa?Phật bảo Thiện Hiện:– Khi trụ ở địa thứ nhất, các Đại Bồ-tát phải khéo tu trị mười loại thắng nghiệp.

Những gì là mười?Một là dùng vô sở đắc làm phương tiện, tu trị nghiệp tịnh thắng ý lạc, vì tướng lợi ích của nó bất khả đắc.Hai là phải dùng vô sở đắc làm phương tiện, khéo tu trị nghiệp bình đẳng tâm đối với tất cả hữu tình.

Vì tất cả hữu tình đều bất khả đắc.Ba là phải dùng vô sở đắc làm phương tiện, khéo tu trị tất cả nghiệp xả, thí.

Vì người bố thí, kẻ nhận, vật thí đều bất khả đắc.Bốn là dùng vô sở đắc làm phương tiện, phải khéo tu trị nghiệp thân cận thiện hữu, vì không chấp trước đối với thiện hữu.Năm là dùng vô sở đắc làm phương tiện, khéo tu trị nghiệp siêng năng cầu Chánh pháp.

Vì giáo pháp ấy bất khả đắc.Sáu là dùng vô sở đắc làm phương tiện, khéo tu trị nghiệp thường muốn xuất gia.

Vì sự xả bỏ gia cư ấy bất khả đắc.Bảy là dùng vô sở đắc làm phương tiện, khéo tu trị nghiệp mến kính thân Phật, vì nhân của các tướng hảo bất khả đắc.Tám là dùng vô sở đắc làm phương tiện, khéo tu trị nghiệp xiển dương giáo pháp, vì giáo pháp được phân biệt bất khả đắc.Chín là dùng vô sở đắc làm phương tiện, khéo tu trị nghiệp phá hoại kiêu căng, ngạo mạn, vì các pháp hưng thịnh bất khả đắc.Mười là dùng vô sở đắc làm phương tiện, nên khéo tu trị nghiệp thường ưa nghe lời chân thật, vì tất cả ngôn ngữ đều bất khả đắc.Thiện Hiện nên biết: Khi trụ địa thứ nhất, các Đại Bồ-tát nên khéo tu trị mười thắng nghiệp này, nhờ vậy mà địa thứ nhất mau được viên mãn.Lại nữa, Thiện Hiện! Khi trụ địa thứ hai, các Đại Bồ-tát nên tu tập và tư duy tám pháp khiến cho chúng mau viên mãn.

Những gì là tám?Một là thanh tịnh giới.

Hai là biết ơn trả ơn.

Ba là trụ vào năng lực an nhẫn.

Bốn là thọ hoan hỷ tối thắng.

Năm là chẳng bỏ hữu tình.

Sáu là thường khởi đại bi.

Bảy là đem tâm kính tin học hỏi, vâng lời, cúng dường sư trưởng như phụng thờ chư Phật.

Tám là siêng năng tu tập, cầu Ba-la-mật-đa.Thiện Hiện nên biết: Khi trụ địa thứ hai, các Đại Bồ-tát, nên chánh tư duy, nên siêng tu học làm cho tám pháp này mau được viên mãn.Lại nữa, Thiện Hiện! Khi trụ địa thứ ba, các Đại Bồ-tát nên tinh cần an trụ năm pháp.

Những gì là năm? Một là siêng cầu đa văn, thường không nhàm chán pháp đã được nghe, cũng chẳng chấp trước văn tự.

Hai là đem tâm vô nhiễm thường hành pháp thí, tuy giáo hóa rộng rãi nhưng chẳng tự cao.

Ba là vì trang nghiêm tịnh độ nên trồng các căn lành, tuy dùng hồi hướng nhưng chẳng tự cao.

Bốn là vì hóa hữu tình, tuy không nhàm chán mỏi mệt với sanh tử vô biên nhưng chẳng buông lung.

Năm là tuy trụ vào tàm quý nhưng không chấp trước.Thiện Hiện nên biết: Khi trụ địa thứ ba, các Đại Bồ-tát phải thường an trụ năm pháp này không được tạm rời.Lại nữa, Thiện Hiện! Khi trụ địa thứ tư, các Đại Bồ-tát nên thọ trì không bỏ mười pháp.

Những gì là mười?Một là chẳng lìa bỏ chỗ vắng vẻ.

Hai là thường thích ít ham muốn.

Ba là thường ưa tri túc.

Bốn là thường không lìa bỏ công đức Ðầu-đà.

Năm là thường không lìa bỏ các học xứ.

Sáu là phải sanh tâm nhàm chán xa lìa.

Bảy là thường ưa phát khởi tâm tương ưng với Niết-bàn.

Tám là thường ưa xả bỏ tất cả vật.

Chín là bất cứ lúc nào tâm cũng chẳng mê muội.

Mười là thường không luyến trước tất cả sự việc.Thiện Hiện nên biết: Khi trụ địa thứ tư, các Đại Bồ-tát nên thọ trì không xả bỏ mười pháp này.Lại nữa, Thiện Hiện! Khi trụ địa thứ năm, các Đại Bồ-tát nên xa lìa mười pháp.

Những gì là mười? Một là nên xa lìa gia cư.

Hai là nên xa lìa Bí-sô-ni.

Ba là nên xa lìa nhà keo kiệt.

Bốn là nên xa lìa hội chúng tranh cãi tức giận.

Năm là nên xa lìa sự khen mình chê người.

Sáu là nên xa lìa mười nghiệp đạo ác.

Bảy là nên xa lìa tăng thượng mạn.

Tám là nên xa lìa sự điên đảo.

Chín là nên xa lìa sự do dự.

Mười là nên xa lìa tham, sân, si.Thiện Hiện nên biết: Khi trụ địa thứ năm, các Đại Bồ-tát nên xa lìa mười pháp này.Lại nữa, Thiện Hiện! Khi trụ địa thứ sáu, các Đại Bồ-tát nên viên mãn sáu pháp, nên xa lìa sáu pháp.

Thế nào là viên mãn sáu pháp? Nghĩa là nên viên mãn sáu pháp Ba-la-mật-đa như bố thí.

Thế nào gọi là xa lìa sáu pháp? Nghĩa là nên xa lìa sáu tâm hạ liệt.

Những gì là sáu? Một là nên xa lìa tâm Thanh văn.

Hai là nên xa lìa tâm Ðộc giác.

Ba là nên xa lìa tâm nhiệt não.

Bốn là nên xa lìa tâm thấy người hành khất đến mà không vui, bực bội.

Năm là nên xa lìa tâm đã bố thí vật sở hữu rồi luyến tiếc, ăn năn.

Sáu là nên xa lìa tâm tìm cách lẫn tránh người đến cầu xin.Thiện Hiện nên biết: Khi trụ địa thứ sáu, các Đại Bồ-tát thường nên viên mãn sáu pháp đã nói trước, và nên xa lìa sáu pháp nói sau.Lại nữa, Thiện Hiện! Khi trụ địa thứ bảy, các Đại Bồ-tát thường nên xa lìa hai mươi pháp, thường nên viên mãn hai mươi pháp.Thế nào là thường nên xa lìa hai mươi pháp? Một là thường nên xa lìa sự chấp ngã cho đến chấp kiến.

Hai là thường nên xa lìa chấp đoạn.

Ba là thường nên xa lìa chấp thường.

Bốn là thường nên xa lìa chấp tưởng tướng.

Năm là thường nên xa lìa chấp kiến.

Sáu là thường nên xa lìa chấp danh sắc.

Bảy là thường nên xa lìa chấp uẩn.

Tám là thường nên xa lìa chấp xứ.

Chín là thường nên xa lìa chấp giới.

Mười là thường nên xa lìa chấp sự thật.

Mười một là thường nên xa lìa chấp duyên khởi.

Mười hai là thường nên xa lìa chấp trước ba cõi.

Mười ba là thường nên xa lìa chấp tất cả pháp.

Mười bốn là thường nên xa lìa chấp đối với tất cả pháp đúng lý và không đúng lý.

Mười lăm là thường nên xa lìa kiến chấp y Phật.

Mười sáu là thường nên xa lìa kiến chấp y Pháp.

Mười bảy là thường nên xa lìa kiến chấp y Tăng.

Mười tám là thường nên xa lìa kiến chấp y giới.

Mười chín là thường nên xa lìa kiến chấp y Không.

Hai mươi là thường nên xa lìa nhàm chán sợ sệt tánh Không.Vì sao gọi là thường nên viên mãn hai mươi pháp? Một là thường nên viên mãn thông suốt không.

Hai là thường nên viên mãn chứng được vô tướng.

Ba là thường nên viên mãn biết vô nguyện.

Bốn là thường nên viên mãn thanh tịnh ba luân.

Năm là thường nên viên mãn sự thương xót hữu tình nhưng không chấp trước hữu tình.

Sáu là thường nên viên mãn sự thấy tất cả pháp tánh bình đẳng và ở trong đó không có sự chấp trước.

Bảy là thường nên viên mãn sự thấy tánh bình đẳng của tất cả hữu tình và ở trong đó không có sự chấp trước.

Tám là thường nên viên mãn sự thông suốt chơn lý đưa đến cứu cánh và ở trong đó không có sự chấp trước.

Chín là thường nên viên mãn trí Vô sanh pháp nhẫn.

Mười là thường nên viên mãn thuyết chơn lý tất cả pháp đồng một tướng.

Mười một là thường nên viên mãn sự diệt trừ phân biệt.

Mười hai là thường nên viên mãn sự xa lìa các vọng tướng.

Mười ba là thường viên mãn sự xa lìa các kiến.

Mười bốn là thường nên viên mãn sự xa lìa phiền não.

Mười lăm là thường viên mãn sự thiện xảo khi tu chỉ quán.

Mười sáu là thường nên viên mãn sự điều phục tâm tánh.

Mười bảy là thường nên viên mãn sự vắng lặng tâm tánh.

Mười tám là thường nên viên mãn tánh của trí vô ngại.

Mười chín là thường nên viên mãn không có sự ái nhiễm.

Hai mươi là thường nên viên mãn tùy tâm mong cầu đến các cõi Phật, ở trong chúng hội Phật đó mà hiện thân ra.Thiện Hiện nên biết: Khi trụ địa thứ bảy, các Đại Bồ-tát nên xa lìa hai mươi pháp trước và thường nên viên mãn hai mươi pháp sau.Lại nữa, Thiện Hiện! Khi trụ địa thứ tám, các Đại Bồ-tát thường nên viên mãn bốn pháp.

Những gì là bốn? Một là thường nên viên mãn sự ngộ nhập tâm hành của tất cả hữu tình.

Hai là thường nên viên mãn du hí thần thông.

Ba là thường nên viên mãn sự trang nghiêm cõi Phật cho chính mình, giống như các cõi Phật mà mình đã được thấy.

Bốn là thường nên viên mãn phụng sự cúng dường chư Phật Thế Tôn, đối với thân Như Lai phải như thật quán sát.Thiện Hiện nên biết: Khi trụ địa thứ tám, các Đại Bồ-tát thường nên viên mãn bốn pháp này.Lại nữa, Thiện Hiện! Khi trụ địa thứ chín, các Đại Bồ-tát thường nên viên mãn bốn pháp.

Những gì là bốn? Một là thường nên viên mãn trí căn thắng liệt.

Hai là thường nên viên mãn nghiêm tịnh cõi Phật.

Ba là thường nên viên mãn thường nhập các định như huyễn đẳng trì.

Bốn là thường nên viên mãn làm cho thiện căn của các hữu tình được thành thục, mà nhập vào các cõi bằng cách giáo hóa chúng sanh.Thiện Hiện nên biết: Khi trụ địa thứ chín, các Đại Bồ-tát thường nên viên mãn bốn pháp này.Lại nữa, Thiện Hiện! Khi trụ địa thứ mười, các Đại Bồ-tát thường nên viên mãn mười hai pháp.

Những gì là mười hai? Một là thường nên viên mãn lãnh thọ vô biên đại nguyện không luận nơi nào, tùy theo sở nguyện đều được thành tựu.

Hai là thường nên viên mãn trí nghe được các loại âm thanh khác nhau: Chư thiên, rồng, Dược-xoa, Kiền-đạt-phược, A-tố-lạc, Yết-lộ-trà, Khẩn-nại-lạc, Mạc-hô-lạc-già, nhơn phi nhơn v.v… Ba là thường nên viên mãn biện thuyết vô ngại.

Bốn là thường nên viên mãn nhập thai đầy đủ.

Năm là thường nên viên mãn sự chào đời đầy đủ.

Sáu là thường nên viên mãn gia tộc đầy đủ.

Bảy là thường nên viên mãn dòng họ đầy đủ.

Tám là thường nên viên mãn quyến thuộc đầy đủ.

Chín là thường nên viên mãn sanh thân đầy đủ.

Mười là thường nên viên mãn xuất gia đầy đủ.

Mười một là thường nên viên mãn trang nghiêm cội Bồ-đề đầy đủ.

Mười hai là thường nên viên mãn tất cả công đức thành tựu đầy đủ.Thiện Hiện nên biết: Khi trụ địa thứ mười, các Đại Bồ-tát thường nên viên mãn mười hai pháp này.Thiện Hiện nên biết: Đại Bồ-tát nào trụ địa thứ mười rồi, đối với ta thắng pháp đã tu ở các địa trước đều được viên mãn, cùng nói lời thích ứng với các Như Lai không khác.Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:– Bạch Thế Tôn! Thế nào là Đại Bồ-tát dùng vô sở đắc làm phương tiện, nên khéo tu trị nghiệp tịnh thắng ý lạc?Phật bảo Thiện Hiện:– Đại Bồ-tát nào dùng tác ý tương ưng với trí nhất thiết trí, tu tập tất cả căn lành thù thắng.

Ðó là Đại Bồ-tát dùng vô sở đắc làm phương tiện, nên khéo tu trị nghiệp tịnh thắng ý lạc?– Bạch Thế Tôn! Thế nào là Đại Bồ-tát dùng vô sở đắc làm phương tiện, khéo tu trị nghiệp bình đẳng với tất cả hữu tình?– Thiện Hiện! Đại Bồ-tát nào dùng tác ý tương ưng với trí nhất thiết trí, phát bốn tâm vô lượng từ, bi, hỷ, xả.

Ðó là Đại Bồ-tát dùng vô sở đắc làm phương tiện, khéo tu trị nghiệp bình đẳng với tất cả hữu tình.– Bạch Thế Tôn! Thế nào là Đại Bồ-tát dùng vô sở đắc làm phương tiện, khéo tu trị nghiệp xả thí tất cả?– Thiện Hiện! Đại Bồ-tát nào khi hành bố thí không có sự phân biệt đối với tất cả hữu tình.

Ðó là Đại Bồ-tát dùng vô sở đắc làm phương tiện, khéo tu trị tất cả nghiệp xả thí.– Bạch Thế Tôn! Thế nào là Đại Bồ-tát dùng vô sở đắc làm phương tiện, khéo tu trị nghiệp thân cận bạn lành?– Thiện Hiện! Đại Bồ-tát nào thấy các thiện hữu khuyến hóa hữu tình, khiến chúng tu tập trí nhất thiết trí, liền gần gũi cung kính, cúng dường, tôn trọng, ngợi khen, học hỏi Chánh pháp, ngày đêm thừa phụng, tâm không biếng nhác.

Ðó là Đại Bồ-tát dùng vô sở đắc làm phương tiện, khéo tu trị nghiệp thân cận bạn lành.– Bạch Thế Tôn! Thế nào là Đại Bồ-tát dùng vô sở đắc làm phương tiện, khéo tu trị nghiệp siêng năng cầu Chánh pháp?– Thiện Hiện! Đại Bồ-tát nào tác ý tương ưng với trí nhất thiết trí, siêng năng cầu Chánh pháp Vô thượng của Như Lai, chẳng rơi vào địa vị Thanh văn và Ðộc giác.

Ðó là Đại Bồ-tát dùng vô sở đắc làm phương tiện, khéo tu trị nghiệp siêng năng cầu Chánh pháp.– Bạch Thế Tôn! Thế nào là Đại Bồ-tát dùng vô sở đắc làm phương tiện, nên khéo tu trị nghiệp thường muốn xuất gia?– Thiện Hiện! Đại Bồ-tát nào dù sanh bất cứ nơi nào, cũng nhàm chán gia cư ồn ào, phức tạp, chèn ép, ngột ngạt như lao ngục, thường vui thích Phật pháp và xuất gia thanh tịnh, tịch tịnh vô vi, như hư không không ngăn ngại.

Ðó là Đại Bồ-tát dùng vô sở đắc làm phương tiện, khéo tu trị nghiệp thường muốn xuất gia.– Bạch Thế Tôn! Thế nào là Đại Bồ-tát dùng vô sở đắc làm phương tiện, khéo tu trị nghiệp kính mến thân Phật?– Thiện Hiện! Đại Bồ-tát nào trông thấy hình tướng đức Phật, dầu chỉ một lần, cho đến khi chứng được trí nhất thiết trí, luôn luôn nhớ nghĩ đến Phật.

Ðó là Đại Bồ-tát khéo dùng vô sở đắc làm phương tiện, khéo tu trị nghiệp kính mến thân Phật.– Bạch Thế Tôn! Thế nào là Đại Bồ-tát dùng vô sở đắc làm phương tiện, khéo tu trị nghiệp xiển dương giáo pháp?– Thiện Hiện! Khi Phật còn tại thế và sau Niết-bàn, Đại Bồ-tát vì các hữu tình xiển dương giáo pháp, đầu giữa sau đều thiện, văn nghĩa tinh xảo, thuần nhất viên mãn, phạm hạnh thanh tịnh.

Đó là Khế kinh, Ứng tụng, Ký biệt, Phúng tụng, Tự thuyết, Bổn sanh, Bổn sự, Duyên khởi, Thí dụ, Phương quảng, Hy pháp và Luận nghị.

Ðó là Đại Bồ-tát dùng vô sở đắc làm phương tiện, khéo tu trị nghiệp xiển dương giáo pháp.– Bạch Thế Tôn! Thế nào là Đại Bồ-tát dùng vô sở đắc làm phương tiện, khéo tu trị nghiệp phá hoại kiêu mạn?– Thiện Hiện! Đại Bồ-tát nào đem tâm cung kính khiêm nhường, chế ngự tâm kiêu mạn.

Do đó không sanh vào dòng họ thấp hèn.

Ðó là Đại Bồ-tát dùng vô sở đắc làm phương tiện, khéo tu trị nghiệp phá hoại kiêu mạn.– Bạch Thế Tôn! Thế nào là Đại Bồ-tát dùng vô sở đắc làm phương tiện, khéo tu trị nghiệp thường ưa thích lời chân thật?– Thiện Hiện! Đại Bồ-tát nào biết đúng mới nói, lời nói và việc làm hợp nhau.

Ðó là Đại Bồ-tát dùng vô sở đắc làm phương tiện, khéo tu trị nghiệp thường ưa thích lời chân thật.Thiện Hiện nên biết: Khi trụ địa thứ nhất, các Đại Bồ-tát nên khéo tu trị mười thắng nghiệp này khiến chúng mau viên mãn.– Bạch Thế Tôn! Thế nào là Đại Bồ-tát thanh tịnh tịnh giới?– Thiện Hiện! Đại Bồ-tát nào không khởi tâm Thanh văn, Ðộc giác v.v… và các pháp khác như phá giới, ngăn Bồ-đề.

Ðó là Đại Bồ-tát thanh tịnh tịnh giới.– Bạch Thế Tôn! Thế nào là Đại Bồ-tát biết ơn và báo đáp ơn?– Thiện Hiện! Đại Bồ-tát nào khi hành các hạnh thù thắng của Bồ-tát, được chút ân huệ của người, còn phải đền đáp xứng đáng, huống gì được ơn lớn lại chẳng đáp đền cho tương xứng sao.

Ðó mới là Đại Bồ-tát biết ơn báo đáp ơn.– Bạch Thế Tôn! Thế nào là Đại Bồ-tát trụ năng lực an nhẫn?– Thiện Hiện! Đại Bồ-tát nào, mặc dù tất cả hữu tình đều muốn phá hại, nhưng Đại Bồ-tát không hề có tâm bực tức, làm hại họ.

Ðó là Đại Bồ-tát trụ năng lực an nhẫn.– Bạch Thế Tôn! Thế nào là Đại Bồ-tát cảm nhận sự hoan hỷ thù thắng?– Thiện Hiện! Đại Bồ-tát nào thấy các hữu tình thành thục được hạnh Tam thừa nên thâm tâm vui mừng.

Ðó là Đại Bồ-tát nhận được sự hoan hỷ thù thắng.– Bạch Thế Tôn! Thế nào là Đại Bồ-tát không bỏ hữu tình?– Thiện Hiện! Đại Bồ-tát nào thường cứu vớt khắp tất cả hữu tình, làm cho họ xa lìa khổ nạn.

Ðó là Đại Bồ-tát không bỏ hữu tình.– Bạch Thế Tôn! Thế nào là Đại Bồ-tát thường khởi đại bi?– Thiện Hiện! Khi hành các hạnh thù thắng Bồ-tát, Đại Bồ-tát nào nghĩ: Ta vì lợi ích tất cả hữu tình, dù nhiều kiếp như vô lượng, vô số cát sông Hằng, ở đại địa ngục chịu nhiều khổ sở nặng nề, hoặc đốt, hoặc nấu, hoặc chặt, hoặc cắt, hoặc treo, hoặc mài hoặc giã v.v… chịu vô lượng sự thống khổ như thế, đến nỗi khiến các loại hữu tình kia cưỡi xe Như Lai mà nhập Niết-bàn.

Cứ như vậy cho đến hết cảnh giới tất cả hữu tình, nhưng tâm đại bi của ta vẫn không lười mỏi.

Ðó là Đại Bồ-tát thường khởi đại bi.– Bạch Thế Tôn! Thế nào là Đại Bồ-tát đem tâm kính tín các Sư trưởng, thường phụng sự cúng dường như phụng sự chư Phật?– Thiện Hiện! Đại Bồ-tát nào vì cầu quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, nên cung kính, tùy thuận Sư trưởng, nhưng không bị luyến ái.

Ðó là Đại Bồ-tát đem tâm kính tín các Sư trưởng, thường phụng sự cúng dường như phụng sự chư Phật.– Bạch Thế Tôn! Thế nào là Đại Bồ-tát siêng cầu tu tập Ba-la-mật-đa?– Thiện Hiện! Đại Bồ-tát nào chuyên tâm tu học tất cả Ba-la-mật-đa, chẳng đoái hoài đến các việc khác, vì muốn thành thục tất cả hữu tình.

Ðó là Đại Bồ-tát siêng cầu tu tập Ba-la-mật-đa.Thiện Hiện nên biết: Khi trụ địa thứ hai, các Đại Bồ-tát nên tư duy và học khiến cho mau viên mãn tám pháp này.– Bạch Thế Tôn! Thế nào là Đại Bồ-tát siêng cầu đa văn, thường không nhàm chán pháp đã nghe, cũng không chấp trước văn tự?– Thiện Hiện! Đại Bồ-tát nào phát khởi sự siêng năng tinh tấn nghĩ: Nếu tất cả Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác trong cõi Phật này, hoặc mười phương thế giới đã thuyết giảng Chánh pháp, thì ta sẽ lắng nghe, thọ trì, đọc tụng, tu học rốt ráo, không để thiếu sót nhưng không chấp trước văn tự trong đó.

Ðó là Đại Bồ-tát siêng cầu đa văn, thường không nhàm chán pháp đã nghe, cũng chẳng chấp trước văn tự.– Bạch Thế Tôn! Thế nào là Đại Bồ-tát đem tâm vô nhiễm, thường hành pháp thí, dù mở rộng sự giáo hóa nhưng chẳng tự cao?– Thiện Hiện! Đại Bồ-tát nào vì các hữu tình thuyết giảng Chánh pháp, chứ chẳng phải vì đem căn lành này hồi hướng quả Bồ-đề, huống chi cầu những việc khác, tuy giáo hoá nhiều nhưng chẳng buông lung, kiêu căng.

Ðó là Đại Bồ-tát thường đem tâm vô nhiễm, thực hành pháp thí, dù mở rộng sự giáo hóa nhưng chẳng tự cao.– Bạch Thế Tôn! Thế nào là Đại Bồ-tát vì nghiêm tịnh cõi Phật, nên trồng các căn lành, tuy để hồi hướng nhưng chẳng tự cao?– Thiện Hiện! Đại Bồ-tát nào tinh tấn dõng mãnh tu các căn lành, vì muốn trang nghiêm thanh tịnh cõi Phật, vì muốn thanh tịnh cõi lòng của chính mình và của mọi người, tuy làm như vậy nhưng chẳng tự cao.

Ðó là Đại Bồ-tát vì nghiêm tịnh cõi Phật nên trồng các căn lành tuy để hồi hướng nhưng chẳng tự cao.– Bạch Thế Tôn! Thế nào là Đại Bồ-tát vì giáo hóa hữu tình, dù chẳng nhàm chán với vô biên sanh tử nhưng không buông lung, kiêu căng?– Thiện Hiện! Đại Bồ-tát nào vì muốn thành thục tất cả hữu tình, nên trồng các căn lành, trang nghiêm thanh tịnh cõi Phật, cho đến chưa viên mãn trí nhất thiết trí, chưa thành tựu trọn vẹn tất cả Phật pháp, thì dù phải chịu vô biên sanh tử, khổ nhọc nhưng không hề nhàm chán mỏi mệt, cũng chẳng tự cao.

Ðó là Đại Bồ-tát vì giáo hóa hữu tình, dù chẳng nhàm chán với vô biên sanh tử nhưng không buông lung, kiêu căng.– Bạch Thế Tôn! Thế nào là Đại Bồ-tát tuy có hổ thẹn nhưng không chấp trước?– Thiện Hiện! Đại Bồ-tát nào chuyên cầu quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, vì đầy đủ hổ thẹn nên quyết không khởi lên tác ý về Thanh văn, Ðộc giác, nhưng ở trong đó không được chấp trước, không sanh nhàm chán mà hủy báng.

Ðó là Đại Bồ-tát tuy có hổ thẹn nhưng không chấp trước.Thiện Hiện nên biết: Khi trụ địa thứ ba, các Đại Bồ-tát nên an trụ năm pháp như vậy, siêng năng, tinh tấn tu tập khiến mau viên mãn.– Bạch Thế Tôn! Thế nào là Đại Bồ-tát trụ chỗ vắng vẻ thường không từ bỏ?– Thiện Hiện! Đại Bồ-tát nào vì cầu quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, tuy vượt những bậc của Thanh văn, Ðộc giác, nhưng thường chẳng từ bỏ chỗ vắng vẻ.

Ðó là Đại Bồ-tát trụ chỗ vắng vẻ thường không từ bỏ.– Bạch Thế Tôn! Thế nào là Đại Bồ-tát thường ưa sự thiểu dục?– Thiện Hiện! Đại Bồ-tát không vì bản thân mà mong cầu quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, huống chi mong cầu những việc của thế gian và hàng Nhị thừa.

Ðó là Đại Bồ-tát thường ưa thiểu dục.– Bạch Thế Tôn! Thế nào là Đại Bồ-tát thường ưa hỷ túc?– Thiện Hiện! Đại Bồ-tát nào chuyên cầu quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề nên không chấp trước các việc khác.

Ðó là Đại Bồ-tát thường ưa hỉ túc.– Bạch Thế Tôn! Thế nào là Đại Bồ-tát thường chẳng lìa bỏ công đức Ðầu-đà?– Thiện Hiện! Đại Bồ-tát nào xét kỹ pháp nhẫn trong giáo pháp thâm sâu của Phật.

Ðó là Đại Bồ-tát thường chẳng lìa bỏ công đức Ðầu-đà.– Bạch Thế Tôn! Thế nào là Đại Bồ-tát thường chẳng xả bỏ các học xứ?– Thiện Hiện! Đại Bồ-tát nào giữ vững giới đã học, chẳng dời đổi cũng chẳng chấp thủ tướng của chúng.

Ðó là Đại Bồ-tát thường chẳng xả bỏ các học xứ.– Bạch Thế Tôn! Thế nào là Đại Bồ-tát rất nhàm chán, muốn xa lìa các dục lạc?– Thiện Hiện! Đại Bồ-tát nào chẳng khởi lòng dục đối với dục lạc hấp dẫn.

Ðó là Đại Bồ-tát nhàm chán, muốn xa lìa các dục lạc.– Bạch Thế Tôn! Thế nào là Đại Bồ-tát thường muốn phát khởi tâm tương ưng Niết-bàn?– Thiện Hiện! Đại Bồ-tát nào hiểu biết hết tất cả pháp thường không tạo tác.

Ðó là Đại Bồ-tát thường muốn phát khởi Niết-bàn tương ưng với tâm.– Bạch Thế Tôn! Thế nào là Đại Bồ-tát thường muốn xả bỏ tất cả vật?– Thiện Hiện! Đại Bồ-tát nào thường không chấp thủ nội ngoại pháp.

Ðó là Đại Bồ-tát thường muốn xả bỏ tất cả vật.– Bạch Thế Tôn! Thế nào là Đại Bồ-tát chẳng mê muội bất cứ lúc nào?– Thiện Hiện! Đại Bồ-tát nào đối với các thức, tâm an trụ nhưng không chấp trước.

Ðó là Đại Bồ-tát chẳng mê muội bất cứ lúc nào.– Bạch Thế Tôn! Thế nào là Đại Bồ-tát thường không luyến tiếc tất cả sự việc?– Thiện Hiện! Đại Bồ-tát nào chẳng có tư duy gì về tất cả sự việc.

Ðó là Đại Bồ-tát thường không luyến tiếc tất cả sự việc.– Thiện Hiện nên biết: Khi trụ địa thứ tư, các Đại Bồ-tát phải thường thọ trì không được tạm ngưng đối với mười pháp này.– Bạch Thế Tôn! Thế nào là Đại Bồ-tát xa lìa gia cư?– Thiện Hiện! Đại Bồ-tát nào tánh ưa dạo chơi cõi nước của chư Phật, sanh ở chỗ nào cũng muốn xuất gia, cạo bỏ râu tóc, ôm bình bát, mặc ba pháp y, hiện làm Sa-môn.

Ðó là Đại Bồ-tát xa lìa gia cư.– Bạch Thế Tôn! Thế nào là Đại Bồ-tát nên xa lìa Bí-sô ni?– Thiện Hiện! Đại Bồ-tát nào thường phải xa lìa các Bí-sô ni, không cùng họ ở chung trong khoảng thời gian rất ngắn, chẳng khởi tâm xấu về họ.

Ðó là Đại Bồ-tát xa lìa Bí-sô ni.– Bạch Thế Tôn! Thế nào là Đại Bồ-tát nên xa lìa nhà keo kiệt?– Thiện Hiện! Đại Bồ-tát nào suy nghĩ như vầy: Ta nên vì lợi ích an vui lâu dài cho tất cả hữu tình, khiến hữu tình này nương nhờ phước lực của họ mà cảm được, làm vị thí chủ tốt như vậy, vì thế ở trong đây ta chớ nên keo kiệt, ganh ghét.

Suy nghĩ như vậy rồi, vị ấy xa lìa nhà keo kiệt.

Ðó là Đại Bồ-tát xa lìa nhà keo kiệt.– Bạch Thế Tôn! Thế nào là Đại Bồ-tát nên xa lìa hội chúng tranh cãi, tức giận?– Thiện Hiện! Đại Bồ-tát nào suy nghĩ thế này: Hội chúng nào gồm Thanh văn và Ðộc giác, trong đó nói pháp yếu tương ưng với hàng Nhị thừa, làm cho ta lui mất tâm đại Bồ-đề.

Vì thế, ta quyết định nên xa lìa chúng hội ấy.Lại nghĩ như vầy: Những kẻ hay tức giận tranh cãi ấy có thể làm cho các hữu tình phát khởi sự sân hại, tạo ra nhiều loại nghiệp ác bất thiện.

Đối với đường lành còn chống trái huống gì đại Bồ-đề.

Vì thế quyết định xa lìa sự tức giận tranh cãi.

Ðó là Đại Bồ-tát nên xa lìa hội chúng tranh cãi tức giận.– Bạch Thế Tôn! Thế nào là Đại Bồ-tát nên xa lìa sự khen mình chê người?– Thiện Hiện! Đại Bồ-tát nào không thấy có pháp trong, pháp ngoài, xa lìa sự khen mình chê người.

Ðó là Đại Bồ-tát nên xa lìa sự khen mình chê người.– Bạch Thế Tôn! Thế nào là Đại Bồ-tát nên xa lìa mười nghiệp đạo ác?– Thiện Hiện! Đại Bồ-tát nào suy nghĩ thế này: Đối với cảnh giới thiện như trời, người mà mười điều ác này còn ngăn ngại như vậy, huống gì đối với Thánh đạo và đại Bồ-đề.

Thế nên nhất định ta phải xa lìa chúng.

Ðó là Đại Bồ-tát nên xa lìa mười nghiệp đạo ác.– Bạch Thế Tôn! Thế nào là Đại Bồ-tát nên xa lìa sự tăng thượng mạn?– Thiện Hiện! Đại Bồ-tát nào hoàn toàn không thấy có các pháp trong và ngoài đáng để mà phát khởi sự tăng thượng mạn.

Vì thế nên quyết định xa lìa sự tăng thượng mạn như vậy.

Ðó là Đại Bồ-tát nên xa lìa tăng thượng mạn.– Bạch Thế Tôn! Thế nào là Đại Bồ-tát nên xa lìa sự điên đảo?– Thiện Hiện! Đại Bồ-tát nào quán các sự điên đảo hoàn toàn bất khả đắc, vì thế nhất định phải xa lìa sự điên đảo.

Ðó là Đại Bồ-tát nên xa lìa sự điên đảo.– Bạch Thế Tôn! Thế nào là Đại Bồ-tát nên xa lìa sự do dự?– Thiện Hiện! Đại Bồ-tát nào xét thấy sự do dự hoàn toàn bất khả đắc, vì thế nên quyết định xa lìa sự do dự.

Ðó là Đại Bồ-tát nên xa lìa sự do dự.– Bạch Thế Tôn! Thế nào là Đại Bồ-tát nên xa lìa tham, sân, si?– Thiện Hiện! Đại Bồ-tát nào hoàn toàn không thấy có tham, sân, si, nên xa lìa ba độc này.

Ðó là Đại Bồ-tát nên xa lìa tham, sân, si.Thiện Hiện nên biết: Khi trụ địa thứ năm, các Đại Bồ-tát phải thường xa lìa, không nên gần gũi, tu tập theo mười pháp này.– Bạch Thế Tôn! Thế nào là Đại Bồ-tát nên viên mãn sáu pháp Ba-la-mật-đa?– Thiện Hiện! Đại Bồ-tát nào viên mãn sáu pháp Ba-la-mật-đa, vượt qua các bậc Thanh văn, Ðộc giác v.v… Nếu trụ vào sáu Ba-la-mật-đa này, thì thánh chúng Tam thừa có thể vượt qua năm loại sở tri đến bờ giác.

Những gì là năm? Một là quá khứ; hai là vị lai; ba là hiện tại; bốn là vô vi; năm là bất khả thuyết.

Cho nên Đại Bồ-tát nhất định phải viên mãn bố thí v.v… sáu pháp Ba-la-mật-đa.

Ðó là Đại Bồ-tát nên viên mãn sáu pháp Ba-la-mật-đa.– Bạch Thế Tôn! Thế nào là Đại Bồ-tát nên xa lìa tâm Thanh văn?– Thiện Hiện! Đại Bồ-tát nào nghĩ như vầy: Tâm Thanh văn thừa chẳng phải đạo để chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề nên phải xa lìa.

Vì sao? Vì nhàm chán sanh tử.

Ðó là Đại Bồ-tát nên xa lìa tâm Thanh văn.– Bạch Thế Tôn! Thế nào là Đại Bồ-tát nên xa lìa tâm Ðộc giác?– Thiện Hiện! Đại Bồ-tát nào nghĩ như vầy: Tâm Ðộc giác thừa chẳng phải đạo để chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề nên phải xa lìa.

Vì sao? Vì ưa thích Niết-bàn.

Ðó là Đại Bồ-tát nên xa lìa tâm Ðộc giác.– Bạch Thế Tôn! Thế nào là Đại Bồ-tát nên xa lìa tâm nhiệt não?– Thiện Hiện! Đại Bồ-tát nào khởi nghĩa như vầy: Tâm nhiệt não vì lo sợ sanh tử chẳng phải đạo để chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề nên phải xa lìa tâm nhiệt não.

Vì sao? Vì sợ sanh tử.

Ðó là Đại Bồ-tát nên xa lìa tâm nhiệt não.– Bạch Thế Tôn! Thế nào là Đại Bồ-tát nên xa lìa tâm mỗi khi thấy người nào đến xin sầu não, chẳng vui?– Thiện Hiện! Đại Bồ-tát nào nghĩ như vầy: Tâm ưu sầu không vui này chẳng phải đạo để chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề nên phải xa lìa.

Vì sao? Vì trái với từ bi.

Ðó là Đại Bồ-tát nên xa lìa tâm hễ thấy người nào đến xin sầu não, chẳng vui.– Bạch Thế Tôn! Thế nào là Đại Bồ-tát nên xa lìa tâm hối tiếc, buồn rầu hối hận đối với vật sở hữu đã cho?– Thiện Hiện! Đại Bồ-tát nào nghĩ như vầy: Tâm hối tiếc này chẳng phải đạo để chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, nên phải xa lìa.

Vì sao? Vì trái nghịch với bản nguyện.

Nghĩa là trước đây khi phát Bồ-đề tâm, ta có nguyện: Tất cả vật sở hữu của ta tùy theo mong cầu của kẻ đến xin đều thí cho hết, chẳng để họ thiếu thốn.

Thế mà hôm nay đã cho sao còn hối tiếc.

Ðó là Đại Bồ-tát nên xa lìa tâm hối tiếc đối với vật sở hữu đã cho.– Bạch Thế Tôn! Thế nào là Đại Bồ-tát nên xa lìa tâm tìm cách lẫn tránh đối với kẻ đến xin?– Thiện Hiện! Đại Bồ-tát nào nghĩ như vầy: Tâm lẫn tránh này chẳng phải đạo để chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề nên phải xa lìa.

Vì sao? Vì trái với lời nguyện ban đầu.

Nghĩa là trước đây khi phát Bồ-đề tâm, ta có nguyện: Phàm ai đến xin những vật sở hữu của ta, ta đều cho theo nhu cầu của họ, chẳng để họ thiếu thốn.

Tại sao hôm nay lại trốn tránh họ.

Ðó là Đại Bồ-tát nên xa lìa tâm trốn tránh với kẻ đến xin.Thiện Hiện nên biết: Khi trụ địa thứ sáu, các Đại Bồ-tát thường nên viên mãn sáu pháp đã nói ở trước, và nên xa lìa sáu pháp đã nói ở sau, nhưng trong đó không có sự chấp thủ..


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui