Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa


Lúc ấy, Xá-lợi Tử bạch Phật:– Bạch Thế Tôn! Làm thế nào mà chúng Đại Bồ-tát y vào các cảnh tướng hành pháp như thế?Phật dạy:– Này Xá-lợi Tử! Pháp các chúng Đại Bồ-tát còn không thể đắc huống gì phi pháp.

Đạo còn không đắc huống gì phi đạo.

Đối với tịnh giới còn không đắc, cũng không chấp huống gì phạm giới.Các Bồ-tát này không rơi vào ba cõi, cũng không rơi vào các đường sanh tử, không chấp thân mạng huống gì cảnh ngoài.

Đối với dòng sanh tử đã làm bờ bến, đã qua biển lớn, đã vượt nạn lớn.Này Xá-lợi Tử! Các chúng Đại Bồ-tát nương các cảnh tướng pháp hành, biết tất cả cảnh đều không có tánh cảnh.

Do nhân duyên này, các thiện sĩ đối với tất cả cảnh đều không chấp trụ.

Như Sư tử chúa không vướng mắc các cảnh, các thiện sĩ này đối với các cảnh giới không nhiễm, không tạp.

Vượt qua tất cả cảnh, như nhà buôn lớn không gì trở ngại.

Các thiện sĩ này nương các cảnh tướng hành pháp như thế, không có chỗ chấp trước.Này Xá-lợi Tử! Ta hoàn toàn không thấy bất cứ một vị Bồ-tát nào trong đại chúng này không tin hiểu sâu xa, hay còn nghi hoặc do dự về pháp này.Này Xá-lợi Tử! Tất cả Bồ-tát ở trong chúng này đối với pháp nghi hoặc, do dự đều đã dứt hẳn.

Như vậy, các thiện sĩ này đối với pháp tự không do dự, cũng có thể vĩnh viễn đoạn dứt tất cả sự nghi hoặc của hữu tình.

Do nhân duyên này, các thiện sĩ đối với tất cả pháp đều không do dự, có thể vì loài hữu tình quyết định giảng nói tất cả tánh của pháp đều không sở hữu.Này Xá-lợi Tử! Vào đời sau nếu có người nghe được pháp này, đối với tất cả pháp cũng dứt trừ được nghi ngờ, do dự; cũng dứt hẳn các chỗ nghi ngờ cho tất cả hữu tình.

Nghĩa là tuyên nói pháp yếu như Ta đã nói.Này Xá-lợi Tử! Ta hoàn toàn không nói các loài hữu tình căn lành mỏng ít mà có thể tin hiểu sâu xa và dung nạp được pháp này.

Họ chẳng thể dùng được tài pháp như vậy.Xá-lợi Tử! Các loài hữu tình căn lành mỏng ít còn không nghe tên pháp như vậy, huống là có thể giữ gìn, suy nghĩ, tu tập.

Nếu có người được nghe pháp này, Ta nhất định thọ ký cho họ được pháp Phật.

Đời sau họ đối với các pháp Phật có thể rống tiếng rống sư tử.

Như ngày nay Ta ở trong đại chúng rống tiếng rống sư tử, rống tiếng không sợ hãi, rống tiếng đại trượng phu, rống tiếng trí tự nhiên.Này Xá-lợi Tử! Nếu có người được nghe pháp yếu sâu xa đã thuyết như vậy, cho đến có thể khởi một lòng tin vui không phỉ báng, thì Ta cũng thọ ký cho họ đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.Vì sao? Xá-lợi Tử! Vì nếu các hữu tình nghe pháp sâu xa hoan hỉ tin nhận rất là khó được.Này Xá-lợi Tử! Nếu các hữu tình nghe pháp sâu xa sanh lòng tin vui, phát tâm quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, thì các hữu tình này rất khó đạt được.

Ta nói thành tựu căn lành rộng lớn, đầy đủ tư lương, mặc giáp mũ lớn, mới mau chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.

Như vậy, nếu các hữu tình nghe nói Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa hoan hỉ tin thích, luôn luôn nghe nhận, người này đạt được phước vô lượng, vô biên, huống là có thể thọ trì, giảng nói cho người khác.

Nếu chưa vào Chánh tánh ly sanh hoặc người đối với nhị thừa không quyết định, Ta đều thọ ký cho kẻ ấy được quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, làm lợi lạc cho hữu tình tận đời vị lai, thường không đoạn mất.Này Xá-lợi Tử! Nếu các hữu tình thành pháp thấp kém, Ta không thấy họ đối với pháp rộng lớn có nghĩa dung nạp.

Pháp rộng lớn đó là sự giác ngộ của Phật.Này Xá-lợi Tử! Các loài hữu tình có nhiều người thành tựu pháp thấp kém, sự tin hiểu cũng đều thấp kém, không thể vun trồng thiện căn rộng lớn, họ đối với chánh pháp không nhiễm rộng lớn sâu xa, không thể tin nhận.Này Xá-lợi Tử! Các loài hữu tình thành tựu pháp rộng lớn, chỗ tin hiểu cũng đều rộng lớn, hướng đến Đại thừa, thành tựu sự nghiệp, khéo mặc giáp mũ, khéo suy nghĩ chọn nghĩa lý sâu xa, khéo đi đường lớn ngay thẳng không nguy hiểm, xa lìa rừng rậm, đi đường bằng phẳng, không có các chông gai, sỏi đá, hầm hố, sạch sẽ không dơ, không tà không cong, làm lợi ích thế gian, tạo an vui thế gian, thương xót thế gian, cùng các trời, người làm nghĩa rộng lớn, đem lại lợi ích an vui cho các hữu tình, tạo chiếc thang vững chắc, làm sự soi sáng lớn, đủ đại từ bi thương xót tất cả.

Đối với hữu tình muốn làm lợi ích, muốn cùng an vui, muốn giúp an ổn, ban khắp cho hữu tình đầy đủ sự an vui.

Như vậy, hữu tình tức là Bồ-tát, là Ma-ha-tát, có thể khéo thọ dụng của báu đại pháp là Ma-ha-tát, có thể khéo tìm cầu của báu đại pháp, của báu tối thắng đều thuộc về họ không phải ai khác.Vì sao? Nếu có loài hữu tình không gần bạn lành, chưa trồng thiện căn, phước đức cạn mỏng, tin hiểu thấp kém, thì họ đối với chánh pháp không nhiễm sâu xa rộng lớn, không thể tin nhận như vậy.

Ta y theo từng loại hữu tình sai khác mà mật ý nói: Các cõi hữu tình nhiều loài sai khác, tùy loại hơn kém ưa thích nhau.Các loài hữu tình tin hiểu thấp kém lại thích hữu tình tin hiểu thấp kém.

Các loài hữu tình tin hiểu rộng lớn, lại thích hữu tình tin hiểu rộng lớn.Xá-lợi Tử bạch Phật:– Bạch Thế Tôn! Như vậy, Bát-nhã ba-la-mật-đa lấy pháp gì làm cảnh sở hành?Phật dạy:– Này Xá-lợi Tử! Bát-nhã ba-la-mật-đa lấy pháp vô biên làm cảnh sở hành.

Ví như phong giới đi qua vô biên cảnh giới, như vậy, Bát-nhã ba-la-mật-đa lấy pháp vô biên làm cảnh sở hành.

Như cõi hư không qua cảnh vô biên, Bát-nhã ba-la-mật-đa lấy pháp vô biên làm cảnh sở hành.

Lại như phong giới lấy hư không rộng lớn làm cảnh sở hành, Bát-nhã ba-la-mật-đa lấy các pháp Không làm cảnh sở hành.Này Xá-lợi Tử! Như hư không giới và phong giới đều không có nơi nào mà có thể thấy được, cũng lại không vì sanh khởi pháp tướng mà hiện tiền.

Cũng vậy, Bát-nhã ba-la-mật-đa đối với pháp đều không chỉ rõ được, cũng lại không vì sanh khởi pháp tướng mà hiện tiền.Này Xá-lợi Tử! Như hư không giới và phong giới đều không thể chấp, không viên thành thật, cũng không sắc tướng để có thể tính toán.

Như vậy, Bát-nhã ba-la-mật-đa đều không thể chấp, không viên thành thật, không sắc tướng để tính toán biết được.Này Xá-lợi Tử! Như hư không giới và phong giới không có chút pháp nào là viên thành thật mà có thể chỉ bày.

Cũng vậy, Bát-nhã ba-la-mật-đa không có chút pháp nào là viên thành thật mà có thể chỉ bày.Xá-lợi Tử bạch Phật:– Bạch Thế Tôn! Như vậy, Bát-nhã ba-la-mật-đa lấy gì làm tướng?Phật dạy:– Này Xá-lợi Tử! Bát-nhã ba-la-mật-đa hoàn toàn không có tướng.Này Xá-lợi Tử! Như hư không giới và phong giới không có chút pháp nào là viên thành thật mà có thể chỉ tướng ấy.

Cũng vậy, Bát-nhã ba-la-mật-đa không có chút pháp nào là viên thành thật mà có thể chỉ tướng ấy.Vì sao? Xá-lợi Tử! Vì Bát-nhã ba-la-mật-đa này lìa các tướng, không có chút tướng nào có thể đắc.Này Xá-lợi Tử! Như cõi hư không không chỗ vướng mắc, chướng ngại, Bát-nhã ba-la-mật-đa này không chỗ vướng mắc, chướng ngại.

Do đây nên Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa lấy vô trước làm tướng.Này Xá-lợi Tử! Không phải pháp vô trước có tướng có thể đắc.

Nhưng vì tùy theo danh ngôn nghĩa lý thế gian mà nói như thế này: Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa lấy vô trước làm tướng.Này Xá-lợi Tử! Tuy nói Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa lấy vô trước làm tướng, nhưng vì Bát-nhã ba-la-mật-đa này không có tướng có thể đắc, nên không thể nói lấy vô trước làm tướng, vì pháp vô trước không có tướng trạng.Này Xá-lợi Tử! Nói vô trước ấy là chấp trước sự biết khắp, chấp trước bất khả đắc, chấp trước như thật tánh, biết khắp tất cả điên đảo chấp trước gọi là vô trước.

Không phải trong các chấp trước có chấp trước có thể đắc.

Do đây nên nói chấp trước như thật tánh, chấp trước bất khả đắc.Này Xá-lợi Tử! Nói vô trước tức là Bát-nhã ba-la-mật-đa; tức nói vô trước là tướng trí.Này Xá-lợi Tử! Các pháp đều lấy vô trước làm tướng.

Vì tướng các pháp bất khả đắc nên gọi là tướng vô trước.

Không có chút pháp nào vì khởi tướng mà hiện.

Vì ở trong đây không có tướng nào có thể đắc, nên gọi là vô tướng.

Do vô tướng nên nói vô trước.

Nếu tất cả pháp có chút tướng ấy thì ở trong đây có chấp trước có thể đắc.

Vì tất cả pháp tướng đều không, nên trong đây không có chấp trước để có thể đắc.

Nói các pháp lấy vô trước làm tướng, tuy là nói thế mà không như thế, vì tướng vô trước không thể nói được.Vì sao? Vì tướng vô trước không sở hữu, tánh xa lìa nên bất khả đắc.Này Xá-lợi Tử! Pháp tướng vô trước không thể chỉ rõ, không thể hiện rõ nhưng vì hữu tình mà dùng phương tiện để chỉ rõ tướng vô trước này nên không chấp trước.Này Xá-lợi Tử! Các tướng tạp nhiễm tức là vô tướng.

Không phải pháp tạp nhiễm làm phát khởi tướng mà hiện tiền.Này Xá-lợi Tử! Các pháp tạp nhiễm, điên đảo hiện tiền, các điên đảo ấy đều là vô tướng.

Nếu là vô tướng thì không thể nói được, nên pháp hữu tướng tức là vô tướng.Này Xá-lợi Tử! Các pháp thanh tịnh cũng không có tướng.Vì sao? Các pháp tạp nhiễm còn không có tướng huống gì pháp thanh tịnh mà có tướng được.Này Xá-lợi Tử! Nếu người có thể biết khắp tánh như thật của các pháp tạp nhiễm, thì với các tạp nhiễm kia đều bất khả đắc.

Nhưng các hữu tình do điên đảo nên khởi các tạp nhiễm.

Các điên đảo ấy đều không chơn thật.

Nếu không chơn thật thì không có thật thể, cũng không có thật tướng.

Nếu có khả năng biết khắp như thật tức là thanh tịnh.

Các tướng tạp nhiễm còn bất khả đắc, huống là tướng thanh tịnh mà có thể đắc.

Thế nên hai pháp thanh tịnh và tạp nhiễm đều không có tướng, không viên thành thật.Này Xá-lợi Tử! Các pháp vô tướng không viên thành thật gọi là vô trước.

Nên nói các pháp lấy vô trước làm tướng, vì tất cả pháp lấy vô trước làm tướng nên nói là vô trước.

Phàm phu ngu si chấp tướng vô trước.Này Xá-lợi Tử! Như vậy, nói tất cả pháp lấy vô trước làm tướng, phải biết tướng vô trước này tức là chỗ hành của trí.

Cũng là chỗ hành của Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Chỗ hành của tướng trí vô trước này, cũng gọi là Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Nên nói Bát-nhã ba-la-mật-đa hành cảnh vô biên, các tánh vô trước.

Nên biết đó gọi là hành cảnh vô biên.Này Xá-lợi Tử! Chỗ hành xứ nên biết là sự hiển bày này không phải chỗ hành xứ.

Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa không phải tướng hành xứ có thể trình bày.Này Xá-lợi Tử! Cảnh sở hành ấy nên biết là hiển bày không phải cảnh sở hành.

Vì tất cả pháp tánh như thật, tánh như sở hữu đều bất khả đắc.

Tất cả pháp không phải cảnh sở hành, vì tất cả pháp không tánh cảnh vậy.

Nếu ai có khả năng biết khắp các pháp thì gọi là hành tất cả cảnh.

Tuy nói như vậy mà như không nói.

Hoặc có khả năng biết khắp các pháp như vậy đều không chấp trước, thì gọi là tướng vô trước.

Do nghĩa lý này nên nói Bát-nhã ba-la-mật-đa lấy vô trước làm tướng.Này Xá-lợi Tử! Như đã nói pháp yếu sâu xa, cảnh trí Như Lai, hoặc muốn tuyên thuyết, phân biệt, khai thị, giúp đỡ nhiều ít, trong sự giúp đỡ này, chỉ có bậc chứng ngộ chân lý hướng tới đại giác ngộ, các hàng Thanh văn, Đại Bồ-tát Bất thối chuyển và bậc quán chiếu thấu suốt chúng sanh, đối với Vô sanh thừa không còn bị quay trở lại.

Bậc quán chiếu thấu suốt chúng sanh cũng đối với pháp yếu sâu xa như vậy có thể chơn chánh tu hành xa lìa nghi hoặc.

Và Bồ-tát Thân chứng đã được tịnh nhẫn, đối với pháp yếu này cũng chắc chắn không còn nghi ngờ.Này Xá-lợi Tử! Còn phàm phu ngu si đối với pháp vi diệu này thì không phải chỗ hành của họ.Này Xá-lợi Tử! Như vậy, giáo pháp tương ưng Bát-nhã ba-la-mật-đa đã nói rất là khó đắc; hoàn toàn không bao giờ rơi vào tay các loài hữu tình tin hiểu thấp kém.

Nếu các hữu tình đã từng phụng thờ nhiều Phật, thành tựu căn lành, thanh tịnh tối thắng, với lòng tin hiểu rộng lớn, thì nên biết, giáo pháp tương ưng Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa đã nói, sẽ rơi vào tay các loài hữu tình đã trồng vô lượng căn lành rộng lớn, thành tựu nhu hòa, ý vui thanh tịnh, quá khứ đã ở vô lượng chỗ Phật, trồng giống Bồ-đề, phát thệ nguyện rộng, làm hạnh Bồ-tát, cưỡi xe Phật cưỡi, gần gũi Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, như lý thưa hỏi giáo pháp sâu xa.Nếu giáo pháp tương ưng Bát-nhã ba-la-mật-đa này rơi vào tay các vị ấy, thì nên biết các loài hữu tình này đã chứng được Vô sanh pháp nhẫn hoặc gần chứng Vô sanh pháp nhẫn.

Hoặc giáo pháp tương ưng Bát-nhã ba-la-mật-đa này rơi vào tay các vị ấy, nên biết các loài hữu tình này mau chứng được quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, ngoại trừ vì nguyện lực từ bi nên không cầu mau chứng, và các loài hữu tình này đã được chư Phật thọ ký, hoặc không lâu sẽ được thọ ký.

Nên biết, giả như các loài hữu tình này chưa được Phật hiện tiền thọ ký, thì cũng như người đã được Phật hiện tiền thọ ký.Này Xá-lợi Tử! Nếu các hữu tình căn lành chưa thuần thục, phước đức cạn mỏng, thì tên kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa này còn không được nghe, huống gì được cầm nắm, đọc tụng, nhận giữ, biên chép, cúng dường, vì người khác rộng nói.

Họ không bao giờ làm được như vậy.

Nếu các hữu tình căn lành đã thành thục, nhờ nguyện lực kiếp trước thì được gặp kinh này, nghe, nhận giữ, biên chép, đọc tụng, cung kính, cúng dường vì người khác rộng nói.Này Xá-lợi Tử! Nếu các hữu tình căn lành vững chắc, ý vui nhu hòa, giáo pháp tương ưng Bát-nhã ba-la-mật-đa này rơi vào tay các vị ấy, thì Ta thọ ký cho các thiện nam, thiện nữ v.v… kia, hoặc Bồ-tát thừa, hoặc Thanh văn thừa, nhờ đắc pháp này mà thâm tâm vui thích an lạc.

Dù trước đây hay giải đãi, thích ngủ nghỉ, khởi biết bất chánh, không trụ chánh niệm, hoặc tâm tán loạn, hoặc ham ăn uống, hoặc ưa của báu, hoặc thích lời thô tháo, hoặc vui bạo ác, hoặc ôm lòng ngạo mạn, hoặc căn ám độn không hiểu rõ, nhưng nhờ sức căn lành như vậy, mà tất cả lỗi trước đều chuyển đổi, do đắc pháp yếu sâu xa này.

Giả sử là Thanh văn chuyển thành Bồ-tát, đối với pháp sâu xa thêm vui thích, đối với các cảnh giới có thể không buông lung, đối với các pháp lành vui thích tu hành, mạnh mẽ chánh cần, lìa các giải đãi, một lòng nhiếp niệm, giữ gìn các căn, không nói lời thô, không làm bạo ác, thường tu cung kính, thích tập đa văn, nỗ lực tinh tấn, không bị tham nhiễm, khéo lựa chọn pháp nghĩa sâu xa.

Nếu muốn đầy đủ công đức như vậy thì phải siêng năng tu học pháp yếu sâu xa.Này Xá-lợi Tử! Nếu các Bồ-tát hoặc Thanh văn thừa nghe pháp yếu này được quả thù thắng.

Nghĩa là nghe pháp yếu sâu xa này, quyết định không trở lại làm các việc buông lung.

Đối với các pháp ác không sanh tin giữ, khéo muốn tinh tấn đều không lui giảm.

Đối với chỗ tu hành không sanh khinh lờn chậm hoãn.

Đối với pháp tà bên ngoài không thích nghĩ tìm.

Đối với pháp tham, sân, si không biểu hiện nhiều.

Các quả vô lượng, vô biên như vậy đều do được nghe pháp yếu sâu xa này.Này Xá-lợi Tử! Pháp yếu sâu xa không phải chỉ có tai nghe liền gọi là quả, mà cần phải không buông lung, tinh tấn tu hành, hiểu rõ như thật xa lìa các ác.

Mình và người đều lợi mới gọi là quả.Lại nữa, người nghe pháp nghĩa là đối với pháp yếu biết rõ như thật, tinh tấn tu học, đối với chánh pháp không khởi sự hiểu làm sai khác.

Người nào đối với chánh pháp phát sanh sự hiểu và làm sai khác, phải biết kẻ ấy không gọi là nghe pháp.Này Xá-lợi Tử! Đối với nghĩa phương tiện thiện xảo mà các ông đã nghe, không được hiểu trái ngược, an trụ chánh hạnh.

Nếu đối với pháp nghĩa mà phát khởi sự hiểu biết trái ngược, không tu hành chơn chánh, thì phải biết họ đối với chánh pháp của Phật nhất định không thuận nhẫn.Xá-lợi Tử! Ở trong chánh pháp và Tỳ-nại-da của Ta, nếu người nào làm đúng như pháp gọi là thuận nhẫn.

Nói thuận nhẫn ấy nghĩa là đối với chánh pháp chọn lựa không trái, phát triển chánh hạnh.Này Xá-lợi Tử! Người nào đầy đủ thuận nhẫn, an trụ chánh hạnh, phải biết kẻ ấy chắc chắn không rơi vào các đường ác, địa ngục, bàng sanh, ngạ quỉ, mau chứng đắc quả thù thắng chánh pháp.Này Xá-lợi Tử! Nếu các loài hữu tình không tin giữ chút căn lành nào, thì dù họ có thoát khỏi các đường ác, siêng tu tinh tấn, cũng không thể giữ gìn, cho đến đối với pháp chưa đủ chánh kiến, vẫn còn rơi vào các đường ác.Này Xá-lợi Tử! Nếu đối với chánh pháp tu học đầy đủ đắc thuận nhẫn rồi, mới có thể không gây tạo và nhận lấy nghiệp cảm đường ác.

Không còn giải đãi, phát sanh ra thuận thối phần.

Đối với chỗ thấp kém không sợ sa đọa.

Đối với sự tu hành tâm không khinh lờn chậm hoãn.Vì sao? Xá-lợi Tử! Họ đối ở trong phần tạp nhiễm, thanh tịnh có khả năng biết khắp một cách đúng đắn, được thấy như thật, đạt tất cả pháp.

Sự phát khởi điên đảo, tâm hiện hư dối không sanh chấp trước.

Đối với nghĩa lý chánh pháp sâu xa họ đã đắc chánh kiến, đầy đủ thuận nhẫn, thông minh lanh lẹ, điều hòa uyển chuyển, giữ giới thanh tịnh, thực hành khuôn phép chánh hạnh luật nghi.

Do được thuận nhẫn hoàn toàn đầy đủ, nên không những trời, rồng, Dược-xoa, A-tố-lạc v.v… cung kính họ, mà tất cả các người, trời, rồng, Dược-xoa, A-tố-lạc v.v… còn thương tưởng, quay về cúng dường, vây quanh ủng hộ, khiến ác duyên không làm tổn hại thân thể và chỗ tu hành của họ; huống gì những người siêng năng tu chánh pháp thuận nhẫn.

Nếu được thuận nhẫn thì trời, rồng, Dược-xoa, A-tố-lạc v.v… thường theo ủng hộ, cung kính cúng dường không dừng bỏ.Lúc ấy, Xá-lợi Tử bảo Thiện Hiện:– Vì sao cụ thọ im lặng không nói, vì sao không nói Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa? Hôm nay Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác hiện tiền làm chứng.

Nay đại chúng đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa là pháp khí chơn thật.

Ý vui thanh tịnh xin nguyện nghe pháp sâu xa.Thiện Hiện đáp:– Xá-lợi Tử! Tôi đối với các pháp đều không thấy gì, nên tôi im lặng không nói.Này Xá-lợi Tử! Tôi hoàn toàn không thấy Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, cũng không thấy có các chúng Bồ-tát, không có khả năng nói, không thấy có chỗ nói.

Cũng không thấy do đây, vì đây, nhân đây, thuộc đây, nương đây mà nói.

Tôi đối với trong đây đã không thấy gì, sao lại bảo tôi vì các chúng Bồ-tát giảng nói Bát-nhã ba-la-mật-đa.Giả sử tôi muốn nói, ai là người nói, điều gì được nói.

Cũng lại không biết, vì sao, nguyên nhân gì, thuộc gì, nương gì mà nói? Tôi phải giảng nói Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này như thế nào?Này Xá-lợi Tử! Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa không thể giảng nói, không thể trình bày, không thể hí luận.Này Xá-lợi Tử! Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa không thể giảng nói, không thể trình bày, không thể hí luận.

Nếu có thể dùng phương tiện biểu thị như vậy tức là trình bày Bát-nhã ba-la-mật-đa.Này Xá-lợi Tử! Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa không phải quá khứ, không phải vị lai, không phải hiện tại.Này Xá-lợi Tử! Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa không thể lấy tướng quá khứ để nói, không thế lấy tướng vị lai để nói, không thế lấy tướng hiện tại để nói.Này Xá-lợi Tử! Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa không có tướng nên không thể nói được.Này Xá-lợi Tử! Tôi hoàn toàn không thấy Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa có tướng như vậy, có thể đem tướng này tuyên thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa?Này Xá-lợi Tử! Tướng ba đời uẩn, xứ, giới v.v… không phải Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa.

Tướng ba đời uẩn, xứ, giới v.v… có chơn như, tánh không hư dối, tánh không đổi khác, tánh như sở hữu, là Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa.Này Xá-lợi Tử! Tướng ba đời uẩn, xứ, giới v.v… có chân như, tánh không hư dối, tánh không đổi khác, tánh như sở hữu, không thể thiết lập, không thể trình bày, không thể hí luận, không phải nghiệp nói v.v… không phải chỗ có thể giải thích, trình bày.Này Xá-lợi Tử! Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa không do trình bày tướng các pháp mà hiện tiền.Không do trình bày tướng uẩn, xứ, giới mà hiện tiền.Không do trình bày tướng hành, không hành mà hiện tiền.Không do trình bày tướng duyên khởi mà hiện tiền.Không do trình bày tướng danh sắc mà hiện tiền.Không do trình bày tướng ngã, hữu tình v.v… mà hiện tiền.Không do trình bày tướng pháp giới mà hiện tiền.Không do trình bày tướng có trói buộc, lìa trói buộc mà hiện tiền.Không do trình bày tướng nhân duyên mà hiện tiền.Không do trình bày tướng khổ, vui mà hiện tiền.Không do trình bày tướng an lập, không an lập mà hiện tiền.Không do trình bày tướng sanh, diệt mà hiện tiền.Không do trình bày tướng nhiễm, tịnh mà hiện tiền.Không do trình bày tướng bản tánh, không phải bản tánh mà hiện tiền.Không do trình bày tướng thế tục, thắng nghĩa mà hiện tiền.Không do trình bày tướng chắc thật, hư dối mà hiện tiền.Không do trình bày tướng dời chuyển, vào ra mà hiện tiền.Vì sao? Xá-lợi Tử! Vì Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa lìa các tướng, nên không thể trình bày đây là Bát-nhã ba-la-mật-đa, ở đây là Bát-nhã ba-la-mật-đa, do đây là Bát-nhã ba-la-mật-đa, vì đây là Bát-nhã ba-la-mật-đa, nhân đây là Bát-nhã ba-la-mật-đa, thuộc đây là Bát-nhã ba-la-mật-đa, nương đây là Bát-nhã ba-la-mật-đa.Này Xá-lợi Tử! Ta không thấy pháp nào do pháp này mà trình bày rõ Bát-nhã ba-la-mật-đa.Này Xá-lợi Tử! Không có chút pháp nào có hiển bày, có thể nắm giữ Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa.Này Xá-lợi Tử! Không phải Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa có thể hiển bày, có thể nắm giữ các uẩn, xứ, giới, duyên khởi, minh thoát.Này Xá-lợi Tử! Các diệu tuệ thông đạt vượt ngoài thế gian cũng không thể hiển bày, nắm giữ Bát-nhã ba-la-mật-đa.Này Xá-lợi Tử! Nếu như pháp không thể hiển bày, nắm giữ các pháp, thì làm sao trình bày Bát-nhã ba-la-mật-đa.Này Xá-lợi Tử! Nếu có thể biết rõ nghĩa lý chơn thật các pháp, thì có thể biết rõ, giảng nói Bát-nhã ba-la-mật-đa.Này Xá-lợi Tử! Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa không phải do nêu rõ pháp sở hữu mà hiện tiền.Này Xá-lợi Tử! Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa không do trình bày uẩn, xứ, giới mà hiện tiền.Không do trình bày danh và sắc mà hiện tiền.Không do trình bày các pháp nhiễm tịnh mà hiện tiền.Không do trình bày các duyên khởi mà hiện tiền.Không do trình bày các điên đảo mà hiện tiền.Không do trình bày ngã, hữu tình v.v… mà hiện tiền.Không do trình bày địa, thuỷ, hỏa, phong, không thức giới mà hiện tiền.Không do trình bày Dục, Sắc, Vô sắc giới mà hiện tiền.Không do trình bày bố thí, tham lam, giữ giới, phạm giới, nhẫn nhục, giận dữ, tinh tấn, giải đãi, tĩnh lự, tán loạn, Bát-nhã, ác tuệ mà hiện tiền.Không do trình bày niệm trụ, chánh đoạn, thần túc, căn, lực, giác chi, đạo chi, tĩnh lự, giải thoát, đẳng trì, đẳng chí, vô lượng thần thông mà hiện tiền.Không do trình bày các đạo đế, đạo quả mà hiện tiền.Không do trình bày pháp Thanh văn, Độc giác, Bồ-tát, Phật địa mà hiện tiền.Không do trình bày sở hữu pháp trí và phi trí mà hiện tiền.Không do trình bày pháp Niết-bàn mà hiện tiền.Này Xá-lợi Tử! Như không có pháp, do trình bày pháp mà hiện tiền, tôi làm sao nói Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này?Này Xá-lợi Tử! Nếu ai có thể rõ biết Bát-nhã ba-la-mật-đa đã nói như vậy, không do trình bày pháp sở hữu mà hiện tiền, thì có thể biết rõ Bát-nhã ba-la-mật-đa, cũng có thể giảng nói Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa.Này Xá-lợi Tử! Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa không vì các pháp có hợp có tan mà hiện tiền.Vì sao? Xá-lợi Tử! Bát-nhã ba-la-mật-đa không vì các uẩn, các xứ, các giới có hợp có tan, không vì các hành có hợp có tan, không vì duyên khởi có hợp có tan, không vì điên đảo có hợp có tan, không vì Dục, Sắc, Vô sắc giới có hợp có tan, không vì địa, thuỷ, hỏa, phong, không thức giới có hợp có tan, không vì ngã, hữu tình v.v… có hợp có tan, không vì pháp giới có hợp có tan, không vì bố thí, tham lam, giữ giới, phạm giới, nhẫn nhục, giận dữ, tinh tấn, giải đãi, tĩnh lự, tán loạn, Bát-nhã, ác tuệ có hợp có tan, không vì niệm trụ, chánh đoạn, thần túc, căn, lực, giác chi, đạo chi, tĩnh lự, giải thoát, đẳng trì, đẳng chí, vô lượng thần thông có hợp có tan, không vì các đạo đế và đạo quả có hợp có tan, không vì Thanh văn, Độc giác, Bồ-tát, Phật địa và pháp có hợp có tan, không vì ba đời quá khứ, vị lai, hiện tại bình đẳng có hợp có tan, không vì Niết-bàn có hợp có tan mà hiện tiền.Này Xá-lợi Tử! Như không có pháp nào vì pháp có hợp có tan mà hiện tiền, thì tôi làm sao nói Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa?Này Xá-lợi Tử! Do tôi quán nghĩa này mà nói như vậy, thật ra Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa không thể giảng nói.Này Xá-lợi Tử! Tôi hoàn toàn không thấy có pháp như thế, để gọi là người nói, pháp được nói, và có thể gọi là do đây, vì đây, nhân đây, thuộc vào đây, nương theo đây mà có sự nói.

Cho nên làm sao khiến tôi vì các Bồ-tát mà thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa.Khi ấy, Phật bảo Đại Bồ-tát Thiện Dũng Mãnh:– Thiện nam tử! Các Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, đối với tất cả pháp đều không chỗ hành.Vì sao? Thiện Dũng Mãnh! Vì tất cả pháp đều do điên đảo mà cùng khởi, nó không thật, không có, là tà ngụy hư dối.Này Thiện Dũng Mãnh! Ví như người đối với pháp có sự hành, thì hành điên đảo, đều hành không thật.

Như vậy, nếu Bồ-tát có sự hành là hành điên đảo, hành không thật, chẳng phải các điều Bồ-tát hành điên đảo và hành không thật hiểu rõ được; cũng không phải Bồ-tát hành điên đảo, hành không thật có thể hành Bát-nhã ba-la-mật-đa.Này Thiện Dũng Mãnh! Điên đảo không thật tức không phải sự hành, nên Bồ-tát không ở trong đó mà hành.Này Thiện Dũng Mãnh! Nói điên đảo tức là hư dối, là sự chấp trước của phàm phu ngu si.

Các pháp như vậy, không có như vậy, chấp trước như vậy, không như tướng của nó, nên nói là điên đảo không thật.

Các Bồ-tát không hành điên đảo, không hành không thật, do đây Bồ-tát gọi là thật ngữ, cũng gọi là người thực hành không điên đảo.Nếu thật không điên đảo tức là không có sự thực hành.

Nên nói Bồ-tát thực hành không có chỗ hành.

Đoạn tất cả hành gọi là Bồ-tát hành.

Hạnh Bồ-tát không thể trình bày là đây, do đây, tại đây, từ đây, không thể hiển bày rõ ràng hạnh Bồ-tát.Vì sao? Thiện Dũng Mãnh! Vì các Bồ-tát dứt tất cả hành và hành Bồ-tát hạnh.

Nghĩa là dứt phàm phu, Thanh văn, Độc giác, có chấp trước hành, hành hạnh Bồ-tát.Này Thiện Dũng Mãnh! Như vậy, Bồ-tát đối với các pháp Phật cũng không hành, cũng không chấp trước đây là pháp Phật, pháp Phật do đây, pháp Phật ở đây, pháp Phật thuộc đây.

Như vậy, Bồ-tát không hành tất cả: phân biệt khác, phân biệt hành.

Nghĩa là các Bồ-tát không phân biệt hành và phân biệt khác.

Đoạn tất cả phân biệt, phân biệt khác gọi là Bồ-tát hạnh.Này Thiện Dũng Mãnh! Phân biệt, nghĩa là phân biệt tự tánh các pháp.

Phân biệt khác, nghĩa là phân biệt sai khác các pháp, không phải tất cả pháp có thể phân biệt và phân biệt khác.

Vì tất cả pháp không thể phân biệt và phân biệt khác.

Nếu phân biệt pháp thì đối với các pháp làm phân biệt khác, nhưng tất cả các pháp xa lìa phân biệt và phân biệt khác.Này Thiện Dũng Mãnh! Nói phân biệt nghĩa là một bên.

Nói phân biệt khác là hai bên.

Chẳng phải các Bồ-tát hành có bên, không bên.

Nếu các Bồ-tát đối với bên, không bên đều không sự hành, thì các Bồ-tát cũng không thấy giữa.

Nếu người thấy giữa tức hành ở giữa.

Nếu người hành giữa tức hành ở bên.

Chẳng có giữa, có hành, có hiện, có bày, xa lìa hành tướng vậy.Này Thiện Dũng Mãnh! Đã nói ở giữa phải biết tức là tám chi thánh đạo.

Như vậy, thánh đạo đối với tất cả pháp hoàn toàn không đắc mà hiện tiền.

Như vậy, thánh đạo đối với tất cả pháp hoàn toàn không thấy mà hiện tiền.Này Thiện Dũng Mãnh! Nếu đối với pháp không tu tập, không trừ bỏ, bấy giờ gọi là đạo bị ngừng dứt.

Đạo ngừng dứt này đối với tất cả pháp, không tu tập, không từ bỏ, vượt qua sự tu tập từ bỏ, chứng tất cả pháp bình đẳng thật tánh.

Do chứng các pháp bình đẳng thật tánh, nên tướng đạo còn không có huống gì thấy có đạo.Này Thiện Dũng Mãnh! Đạo ngừng dứt ấy nghĩa là A-la-hán Bí-sô đã lậu tận.Vì sao? Thiện Dũng Mãnh! Vì đạo trừ bỏ ấy không phải tu, không phải từ bỏ nên gọi là từ bỏ.

Từ bỏ ấy cũng không có nên gọi là từ bỏ.

Vì tu tập từ bỏ nên gọi là từ bỏ.Này Thiện Dũng Mãnh! Nếu có tu tập, từ bỏ nên có sở đắc không gọi là từ bỏ.

Từ bỏ ở trong đây nghĩa là từ bỏ tánh tu.

Trong đây không tu nên gọi là từ bỏ.

Vì tu tập không có nên từ bỏ cũng không có.

Tuy nói như vậy mà như không nói.Vì sao? Thiện Dũng Mãnh! Vì từ bỏ không thể nói lìa tánh từ bỏ vậy.

Lại lìa cái gì? Nghĩa là pháp điên đảo không phát khởi lại và pháp không thật không phát khởi lại.Này Thiện Dũng Mãnh! Không phải các điên đảo có thể khởi điên đảo.

Bởi vì điên đảo ấy không thật phát khởi, chẳng phải ở trong này có thật phát khởi.

Nếu ở trong này có thật khởi thì không gọi là điên đảo.

Vì không thật khởi nên gọi điên đảo.Này Thiện Dũng Mãnh! Các chúng Bồ-tát tùy giác ngộ các pháp mà lìa các điên đảo.Vì sao? Vì các chúng Bồ-tát hiểu rõ điên đảo đều không thật có.

Nghĩa là trong điên đảo không có tánh điên đảo.

Do biết điên đảo thật không chỗ có, vì chẳng phải trong điên đảo có tánh điên đảo vậy.Nói các Bồ-tát tùy giác ngộ các pháp mà lìa các điên đảo.

Do giác ngộ các pháp lìa các điên đảo, nên không còn đối với pháp lại sanh điên đảo.Nếu ở trong đây không còn điên đảo thì đối với pháp này cũng không có sự hành.

Vì sao? Thiện Dũng Mãnh! Vì tất cả điên đảo đều có hành, do có hành nên có cùng khởi.

Sự hành, cùng khởi đều do điên đảo hư dối phân biệt.

Các chúng Bồ-tát đối với pháp hành đều không phân biệt, cũng không cùng khởi, nên gọi là xa lìa điên đảo.

Do không điên đảo nên không có sự hành.

Do không có sự hành thì không có sự khởi.

Nên nói Bồ-tát hành không chỗ hành.

Không chỗ hành ấy nghĩa là đối với các pháp hoàn toàn không chỗ hành, cũng không quán xét, cũng không thị hiện có tướng hành.

Cho nên nói Bồ-tát hành không chỗ hành.

Nếu có thể hành được không chỗ hành như thế là hành Bát-nhã ba-la-mật-đa.Này Thiện Dũng Mãnh! Nếu Đại Bồ-tát hành không duyên sắc là hành Bát-nhã ba-la-mật-đa; hành không duyên thọ, tưởng, hành, thức là hành Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Vì sao? Thiện Dũng Mãnh! Vì các Bồ-tát này biết tánh các duyên là xa lìa.

Nếu biết tánh các duyên kia xa lìa thì không chỗ hành, nên nói Bồ-tát hành không chỗ hành.Này Thiện Dũng Mãnh! Nếu Đại Bồ-tát hành không duyên nhãn là hành Bát-nhã ba-la-mật-đa; hành không duyên nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý là hành Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Vì sao? Thiện Dũng Mãnh! Vì các Bồ-tát này biết tánh các duyên không thật.

Nếu biết tánh các duyên kia không thật thì không chỗ hành, nên nói Bồ-tát hành không chỗ hành.Này Thiện Dũng Mãnh! Nếu Đại Bồ-tát hành không duyên sắc là hành Bát-nhã ba-la-mật-đa; hành không duyên thanh, hương, vị, xúc, pháp là hành Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Vì sao? Thiện Dũng Mãnh! Vì các Bồ-tát này biết tánh các duyên điên đảo phát khởi.

Nếu biết điên đảo phát khởi thì chẳng thật.

Nếu biết tánh các duyên điên đảo phát khởi không thật thì không chỗ hành, nên nói Bồ-tát hành không chỗ hành.Này Thiện Dũng Mãnh! Nếu Đại Bồ-tát hành không duyên nhãn thức là hành Bát-nhã ba-la-mật-đa; hành không duyên nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thức là hành Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Vì sao? Thiện Dũng Mãnh! Vì các Bồ-tát này biết các duyên đều là hư dối.

Nếu biết các duyên đều hư dối thì không chỗ hành, nên nói Bồ-tát hành không chỗ hành.Này Thiện Dũng Mãnh! Nếu Đại Bồ-tát hành không duyên sắc là hành Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Vì sao? Thiện Dũng Mãnh! Vì các Bồ-tát này biết các duyên không tánh duyên.

Nếu biết duyên không tánh duyên thì không chỗ hành, nên nói Bồ-tát hành không chỗ hành.Này Thiện Dũng Mãnh! Nếu Đại Bồ-tát hành không duyên ngã, hữu tình v.v… là hành Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Vì sao? Thiện Dũng Mãnh! Vì các Bồ-tát như thật biết ngã, hữu tình v.v… tánh tưởng không chơn thật.

Nếu có thể biết ngã, hữu tình v.v… tánh tưởng không chơn thật, thì đối với các hành đều không chỗ hành.

Nếu đối với các hành hoàn toàn không chỗ hành thì lìa các hành, nên nói Bồ-tát hành không chỗ hành.Này Thiện Dũng Mãnh! Nếu Đại Bồ-tát không hành tưởng ngã, tưởng hữu tình, cho đến tưởng người biết, tưởng người thấy là hành Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Vì sao? Thiện Dũng Mãnh! Vì các Bồ-tát từ bỏ tất cả tưởng.

Nếu người có thể từ bỏ tất cả tưởng thì đối với các tưởng đều không chỗ hành, nên nói Bồ-tát hành không chỗ hành.Này Thiện Dũng Mãnh! Nếu Đại Bồ-tát không hành điên đảo, tà kiến, các triền cái là hành Bát-nhã ba-la-mật-đa; hành không duyên điên đảo, tà kiến, các triền cái là hành Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Vì sao? Thiện Dũng Mãnh! Vì các Bồ-tát này biết các duyên điên đảo, tà kiến, triền cái đều không thật có.

Nếu biết hành điên đảo, tà kiến, triền cái đều không thật có thì không chỗ hành, nên nói Bồ-tát hành không chỗ hành.Này Thiện Dũng Mãnh! Nếu Đại Bồ-tát hành không duyên duyên khởi là hành Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Vì sao? Thiện Dũng Mãnh! Vì các Bồ-tát này biết khắp duyên khởi và duyên kia.

Nếu các Bồ-tát biết khắp duyên khởi và duyên kia thì không chỗ hành, nên nói Bồ-tát hành không chỗ hành.Này Thiện Dũng Mãnh! Nếu Đại Bồ-tát hành không duyên cõi Dục, cõi Sắc, cõi Vô sắc là hành Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Vì sao? Thiện Dũng Mãnh! Vì các Bồ-tát này có thể từ bỏ được tất cả duyên trong ba cõi.

Nếu các Bồ-tát có thể từ bỏ được tất cả duyên trong ba cõi thì không chỗ hành, nên nói Bồ-tát hành không chỗ hành.Này Thiện Dũng Mãnh! Nếu Đại Bồ-tát hành không duyên bố thí, tham lam, giữ giới, phạm giới, nhẫn nhục, sân hận, tinh tấn, giải đãi, tĩnh lự, tán loạn, Bát-nhã, ác tuệ là hành Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Vì sao? Thiện Dũng Mãnh! Vì các Bồ-tát biết khắp sự duyên bố thí, tham lam cho đến Bát-nhã, ác tuệ.

Nếu các Bồ-tát biết khắp sự duyên như vậy thì không chỗ hành, nên nói Bồ-tát hành không chỗ hành.Này Thiện Dũng Mãnh! Nếu Đại Bồ-tát hành không duyên không niệm trụ, chánh đoạn, thần túc, căn, lực, giác chi, đạo chi, tĩnh lự, giải thoát, đẳng trì, đẳng chí, vô lượng thần thông v.v… là hành Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Vì sao? Thiện Dũng Mãnh! Vì các Bồ-tát đối với các sự duyên hiểu rõ tự tại, cũng có thể từ bỏ được.

Nếu các Bồ-tát đối với các sự duyên hiểu rõ tự tại, cũng có thể từ bỏ được thì không chỗ hành, nên nói Bồ-tát hành không chỗ hành.Này Thiện Dũng Mãnh! Nếu Đại Bồ-tát hành không duyên Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo là hành Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Vì sao? Thiện Dũng Mãnh! Vì các Bồ-tát trừ bỏ sự duyên khổ, tập, diệt, đạo.

Nếu có thể từ bỏ được sự duyên thì không có việc trừ bỏ, cũng không chỗ hành, nên nói Bồ-tát hành không chỗ hành.Này Thiện Dũng Mãnh! Nếu Đại Bồ-tát hành không duyên minh thoát là hành Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Vì sao? Thiện Dũng Mãnh! Vì các Bồ-tát trừ bỏ được tất cả sự duyên minh thoát.

Nếu có thể trừ bỏ được tất cả sự duyên minh thoát thì không chỗ hành, nên nói Bồ-tát hành không chỗ hành.Này Thiện Dũng Mãnh! Nếu Đại Bồ-tát hành không duyên đoạn tận không sanh, không tạo tác là hành Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Vì sao? Thiện Dũng Mãnh! Vì các Bồ-tát có thể trừ bỏ sự duyên đoạn tận không sanh, không tạo tác.

Nếu có thể trừ bỏ được tất cả sự duyên này thì không chỗ hành, nên nói Bồ-tát hành không chỗ hành.Này Thiện Dũng Mãnh! Nếu Đại Bồ-tát hành không duyên địa, thủy, hỏa, phong, không, thức giới là hành Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Vì sao? Thiện Dũng Mãnh! Vì các Bồ-tát có thể trừ bỏ sự duyên địa, thủy, hỏa, phong, không, thức giới.

Nếu có thể trừ bỏ các sự duyên này thì không chỗ hành, nên nói Bồ-tát hành không chỗ hành.Này Thiện Dũng Mãnh! Nếu Đại Bồ-tát hành không duyên Thanh văn, Độc giác, Bồ-tát, Phật địa là hành Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Vì sao? Thiện Dũng Mãnh! Vì các Bồ-tát trừ bỏ sự duyên Thanh văn, Độc giác, Bồ-tát, Phật địa.

Nếu các Bồ-tát có thể trừ bỏ sự duyên Thanh văn, Độc giác, Bồ-tát, Phật địa thì không chỗ hành, nên nói Bồ-tát hành không chỗ hành.Này Thiện Dũng Mãnh! Nếu Đại Bồ-tát hành không duyên pháp Thanh văn, Độc giác, Bồ-tát, Phật là hành Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Vì sao? Thiện Dũng Mãnh! Vì các Bồ-tát có thể trừ bỏ sự duyên pháp của Thanh văn, Độc giác, Bồ-tát, Phật.

Nếu các Bồ-tát có thể trừ bỏ sự duyên pháp Thanh văn, Độc giác, Bồ-tát, Phật thì không chỗ hành, nên nói Bồ-tát hành không chỗ hành.Này Thiện Dũng Mãnh! Nếu Đại Bồ-tát hành không duyên Niết-bàn là hành Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Vì sao? Thiện Dũng Mãnh! Vì các Bồ-tát biết tất cả sự duyên Niết-bàn.

Nếu các Bồ-tát biết tất cả sự duyên Niết-bàn thì không chỗ hành, nên nói Bồ-tát hành không chỗ hành.Này Thiện Dũng Mãnh! Nếu Đại Bồ-tát hành không duyên tướng hảo thanh tịnh là hành Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Vì sao? Thiện Dũng Mãnh! Vì các Bồ-tát có thể trừ bỏ sự duyên tướng hảo thanh tịnh.

Nếu các Bồ-tát có thể trừ bỏ sự duyên tướng hảo thanh tịnh thì không chỗ hành, nên nói Bồ-tát hành không chỗ hành.Này Thiện Dũng Mãnh! Nếu Đại Bồ-tát hành không duyên thanh tịnh cõi Phật là hành Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Vì sao? Thiện Dũng Mãnh! Vì các Bồ-tát có thể trừ bỏ sự duyên thanh tịnh cõi Phật.

Nếu các Bồ-tát có thể trừ bỏ sự duyên thanh tịnh cõi Phật thì không chỗ hành, nên nói Bồ-tát hành không chỗ hành.Này Thiện Dũng Mãnh! Nếu Đại Bồ-tát hành không duyên công đức viên mãn của Thanh văn là hành Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Vì sao? Thiện Dũng Mãnh! Vì các Bồ-tát có thể trừ bỏ sự duyên công đức viên mãn của Thanh văn.

Nếu các Bồ-tát có thể trừ bỏ sự duyên công đức viên mãn của Thanh văn thì không chỗ hành, nên nói Bồ-tát hành không chỗ hành.Này Thiện Dũng Mãnh! Nếu Đại Bồ-tát hành không duyên công đức viên mãn của Bồ-tát là hành Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Vì sao? Thiện Dũng Mãnh! Vì các Bồ-tát có thể trừ bỏ sự duyên công đức viên mãn của Bồ-tát.

Nếu các Bồ-tát có thể trừ bỏ sự duyên công đức viên mãn của Bồ-tát thì không chỗ hành, nên nói Bồ-tát hành không chỗ hành.Này Thiện Dũng Mãnh! Nếu các Bồ-tát có thể hành được như vậy là hành Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Nếu các Bồ-tát có thể hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thì biết khắp tất cả duyên mà hành, trừ bỏ tất cả duyên mà hành..


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui