Hà Vị chờ hồi lâu, không nghe Tạ Vụ Thanh bên kia nói gì.
“Chỗ anh rất náo nhiệt thì phải?” Cô hỏi thăm dò, “Mới về… nên lo cho cơ thể mình, xã giao không có điểm dừng”.
Trong điện thoại anh cười dịu dàng: “Biết rồi”.
“Anh có cuộc gọi”.
Anh lại nói.
“Em còn một câu”.
Cô gấp gáp ngăn anh.
Thật may, anh chưa ngắt máy.
Cô nhỏ giọng bảo: “Anh đến Thiên Tân, nên ở lại nhà chú chín, nơi này dù sao cũng an toàn hơn”.
Hà Vị nắm ống nghe, chờ anh trả lời.
“Không muốn phiền Cửu tiên sinh”, anh thấp giọng, “Không nói nữa”.
“Vâng”.
Trong tiếng tút, tút, tút, cô tựa vào vách tường.
Từ lúc gặp lại cô đã cảm thấy anh xa cách, vừa nãy khi nói chuyện càng hiện rõ, cô ngờ ngợ hình như Tạ Vụ Thanh đang cố gắng áp chế, đè nén điều gì đó.
Sáng sớm hôm sau, thím lớn đột nhiên lên cơn đau kịch liệt.
Thím vừa nhịn đau, vừa vui sướng nắm chặt tay chú chín, lại nhíu mày, không ngừng “ai ui” kêu lên, chốc lát lại mỉm cười làm tim Hà Tri Khanh như muốn ngừng đập.
Từ trời sáng đến tối đen, tận lúc hửng sương đêm.
Tiếng khóc nức nở cất lên, là của đứa con đầu tiên nhà chú chín Hà truyền đến.
Mấy ngày nay chú chín không ngủ ngon, sắc mặt trắng bệch, người hầu muốn bế đứa nhỏ đến cho ông nhìn nhưng ông không buồn quan tâm, tự đẩy xe lăn vào phòng sinh.
Con trẻ có thể lại có, nhưng Đỗ Tiểu Uyển của Cửu gia chỉ duy nhất trên đời.
Đến khi Hà Tri Khanh tận mắt nhìn thấy thím lớn nằm trên giường chậm chạp uống sữa, tâm tình mới buông xuống.
Hốc mắt ông ươn ướt, nhìn tuy hốc hác nhưng nét mặt vui vẻ nhìn Đỗ Tiểu Uyển: “Một đêm này của ta, mất hết mười năm tuổi thọ rồi…”
Thím cười nhìn ông: “Nhân vật đại trung đại nghĩa đã đến, ông trời sẽ che chở cho nhà ta”.
Người thím lớn nhắc đến là Tạ Vụ Thanh.
Hà Vị nghe thấy, lòng cũng thầm vui.
Người trong nhà tất bật cả đêm, vừa xong việc ai về phòng nấy nghỉ ngơi, cô đánh một giấc đến tận trưa mới tỉnh dậy, nghe người báo, có khách chờ ngoài tiền sảnh.
Ở Thiên Tân cô làm gì còn người khách nào?
“Có người, con từng gặp rồi”.
Thím nhỏ nhẹ giọng nhắc nhở.
Hình như từ khi Tạ Vụ Thanh xuất hiện, người cũ liền lũ lượt kéo lên đài diễn.
Cô bước vào tiền sảnh, trông thấy những vị khách hôm nay.
Trong số đó có một ông lão râu tóc bạc phơ, khuôn mặt chữ nhật nhìn rất quen mắt.
Ông lão nhìn Hà Vị cười cười, cô nhớ mấy năm trước mình đã từng gặp bộ dạng này, lúc đó vì chuyện hoàng đế bị đuổi khỏi Tử Cấm Thành nên ông ta đến tìm Tạ Vụ Thanh.
Lúc hoàng đế Tốn Thanh đến định cư ở tô giới Thiên Tân, rất nhiều người theo tư tưởng cổ hủ cũng đi theo, vì sống dựa vào người Nhật nên không ít kẻ mặc quần áo Nhật Bản.
Trên người vị quan lớn tuổi của triều đình Tốn Thanh cũng đang mặc kimono, tóc mai hai bên được cắt ngắn, chải chuốt bóng loáng, chẳng ra sao, trông thật buồn cười.
Người Nhật kia mặc âu phục nước Anh, giống hệt bộ tây trang trên người lãnh sự Pháp cùng phiên dịch viên, cả đám ngồi cạnh nhau, nhìn qua cứ ngỡ mấy con rối được trưng bày trên tủ kính của tiệm bách hoá tô giới.
Bọn họ đến đây, là vì chuyện cổ phần muối trong tay Hà Vị.
Thật ra cô có thể gặp riêng từng nhóm, có điều vẫn là chú chín nhìn xa trông rộng, để cô tiếp luôn cả hai bên cùng lúc.
Như vậy, bất kể là người Nhật hay người Pháp chỉ có thể nói qua loa sơ sài, không cách nào đi sâu vào chuyện chính.
Ngược lại Hà Vị càng thoải mái.
Sau Bắc phạt, từ “Cục Thương vận” ban đầu đổi tên thành “Cục Quản lý Thu nhập Thuế Muối”, nói cách khác, hình thức kinh doanh do chính phủ nắm quyền giờ là quan đốc thương mại [1].
[1] Quan đốc thương mại là một hình thức kinh doanh tự do được chính phủ giám sát áp dụng từ cuối thời nhà Minh, vào thời nhà Thanh và Dân quốc.
Nó cho phép thương nhân phát hành cổ phiếu, sau đó chính phủ sẽ phái người xem xét quản lý.
Cổ phần muối vừa tung ra đã bị cô đoạt được tiên cơ.
Cô làm chuyện này vô cùng cẩn mật, không ngờ vẫn bị những kẻ này đánh hơi tới.
Hà Vị xoè cây quạt trong tay, nhẹ nhàng phe phẩy, mỉm cười: “Đối với chuyện cổ phần muối này, tôi cũng thấp cổ bé họng, không biết nói thế nào”.
Ông già mặc kimono ha hả hai tiếng, cười như không cười: “Cô hai khiêm tốn rồi.
Hà gia có tàu biển vận tải tính bằng tấn chuyên để chở muối, nghĩ sao cũng thấy có ý định kinh doanh.
Huống hồ đây còn là quan đốc thương mại, từ đầu đã nắm được công văn phê chuẩn cổ phần muối, còn không phải thuộc về những nhà lớn như các người sao”.
Ông lão xuất thân từ quan trường của Thanh triều, so với hai người nước ngoài cùng một phiên dịch viên kia lại rất am hiểu đạo lý đối nhân xử thế.
“Hơn nữa, nơi sản xuất muối đều thuộc cửa khẩu ven biển, ai mà không biết Hà gia quan hệ rất tốt với những vùng cửa khẩu ven biển chứ? Mối tương liên này đã có từ những năm đầu Dân quốc.
Chưa kể ở Thiên Tân còn rất nhiều xưởng muối, mà xưởng muối là nguồn cung chủ yếu của cổ phần muối, tầm quan trọng thế nào không cần nói cũng biết.
Địa vị Hà gia và Cửu gia ở Thiên Tân ra sao, mọi người đều rõ như ban ngày, sao lại bảo thấp cổ bé họng được”.
Hà Vị mỉm cười, tránh nặng tìm nhẹ nói: “Nếu chú chín biết mình được mọi người khen ngợi như thế, hẳn còn vui hơn nghe tin thím tôi sinh con gái”.
Phiên dịch viên kể lại lời này với người Pháp, người Pháp lập tức cười, nói chúc mừng gia đình cô.
Tên người Nhật hỏi ông lão mặt dài, ông lão miễn cưỡng thuật lại những lời ấy cho hắn nghe, người Nhật cũng học theo người Pháp, nói chuyện về đứa nhỏ.
Hà Vị đã quen “đánh Thái Cực” với đám người này, nhân cơ hội kéo câu chuyện càng lúc càng xa.
Người Nhật, người Pháp cùng người phiên dịch chẳng thấy vấn đề gì, chỉ duy nhất ông lão mặt dài không vui, nhưng ngại mọi người đều bàn về hỉ sự, không tiện ngắt lời.
Con mèo bất ngờ vọt ra khỏi phòng trà, nhảy phốc lên đùi cô.
Chú chín nuôi mèo này rất có linh tính, theo chân chú chín gặp hết khách này đến khách khác, chỉ cần chủ nhân có ý định chấm dứt buổi trò chuyện, nó sẽ chạy đến làm nũng.
Lúc này cũng thế.
Cô vuốt ve lưng mèo, bảo Khấu Thanh mang nước đường vừa nấu xong đến.
Thím nhỏ theo Khấu Thanh đúng lúc đi vào, cùng Hà Vị nói chuyện đông nam tây bắc với những người kia suốt một canh giờ, sau đó tiễn khách đi hết.
Hà Vị ôm mèo, đi phòng trà.
Hà Tri Khanh không có tâm sự, vui vẻ tự đắc nhấp trà, nhẫn ban chỉ trên ngón tay cái theo tiết tấu lọc cọc lọc cọc gõ lên mặt bàn, trông thấy cô đến, ông đỡ lấy mèo: “Vì số cổ phần muối này mà không ít kẻ đến gặp ta.
Người Anh, người Pháp, hôm nay có thêm người Nhật.
Theo ta thấy, con mau dẫn Tư Niên trở về Bắc Bình đi, không cần chờ uống rượu đầy tháng đâu”.
Ở Thiên Tân và Thượng Hải có rất nhiều tô giới, người ngoại quốc cũng nhiều, thế nên kéo theo không ít phiền phức.
Suy tính của chú chín, cô có thể hiểu được.
Cô lơ đãng “ừm” một tiếng.
Hiện tại Tạ Vụ Thanh đã đến Thiên Tân, sao cô có thể đi được.
Cô ngồi xuống cạnh chú chín: “Chú chín, chú có thể hỏi giúp cháu anh ấy đang ở nơi nào trong Thiên Tân không ạ?”
Hà Tri Khanh nhìn cô: “Theo ta nghĩ, cậu ấy không muốn con nhìn thấy đâu”.
“Con biết”, cô hỏi lại, “Nhưng giả dụ thím bị bệnh, không muốn chú biết, vậy chú vẫn yên tâm ở đây uống trà sao?”
Hà Tri Khanh ngẫm nghĩ, đúng là vậy.
Ông mở ngăn kéo tủ thấp đầu giường, lấy ra một quyển sổ tay danh bạ điện thoại, tìm kiếm một lát, lại gọi mấy cuộc.
Hà Tri Khanh cẩn trọng đối đáp, thuận miệng hỏi thăm Trịnh gia.
Lát sau Hà Tri Khanh ngắt điện thoại, nói: “Nếu cậu ta đột ngột xuất hiện ở Thiên Tân, chắc chắn đã sắp xếp chu toàn, chưa chắc có thể tìm ra.
Kiên nhẫn một chút”.
Sau giờ ngọ có tin.
Không ai biết vị Tạ tiên sinh kia, có điều gần đây chuyện về Trịnh gia lại rất nhiều.
Hà Tri Khanh kể: “Năm xưa Trịnh gia mua một miếng đất trong khu Tam Bất Quản, mở không ít cửa hàng buôn bán.
Gần đây làm ăn phát đạt, phiền phức cũng nhiều, ngay chiều hôm trước có kẻ gây sự ở rạp hát, đánh nhau làm nhiều người bị thương.
Mấy vị thầy thuốc giang hồ mát tay nhất tại Thiên Tân đều được mời đến, trong đó có một tiên sinh tổ truyền về thuật bó xương”.
Trực giác mách bảo cô.
Hà Tri Khanh đoán được suy nghĩ của cô: “Nếu không cho con đến đó một chuyến, e là con không bỏ qua.
Lấy xe của ta đi đi, tuy không ai quản nhưng xe của Cửu gia vẫn có người biết”.
Cô “vâng” một tiếng, toan đi.
“Trước lúc cậu ấy quay về, ta không định nhắc những chuyện này, sợ hắn cũng không thể về nữa, con nghe xong càng đau lòng”, chú chín dịu giọng nói, “Ta từng hỏi thăm bạn bè, mấy năm qua Tạ Khanh Hoài bị giam cầm, có rất nhiều học sinh trong giảng võ đường ở phương Nam viết thư mong được xả thân cứu hắn.
Theo ta thấy là đang hại hắn, sao đám kia có thể để một người có danh vọng cao nhường ấy sống sót ra ngoài? Ta nghĩ, hẳn cậu ấy chịu không ít khổ cực”.
“Người sinh ra trên đời, tài danh thì bạc mệnh”, chú chín kết luận, “Hiện tại cậu ta bình an trở lại, đã là chuyện không ngờ”.
Hà Vị không muốn chậm trễ, vừa lấy được địa chỉ rạp hát lập tức đến khu Tam Bất Quản.
Rất nhiều người lâu năm ở đây nhận ra xe của Cửu gia, vừa trông thấy liền sai người đưa đến trước cửa.
Hà Vị mở nửa cửa xe, nói với ông chủ đứng đợi sẵn ngoài rạp: “Nói lại với người Trịnh gia, tôi đến từ Hà Cửu công quán, tìm một tiên sinh tên Lâm Kiêu”.
Lát sau, một người bước ra từ rạp hát, chính là Lâm Kiêu.
Cô xuống xe: “Lâm Kiêu tiên sinh cũng đến nghe kịch à?”
“Phải, hôm nay có vở Tây Sương Ký không tệ”, đối với người ngoài Lâm Kiêu luôn ứng phó thoả đáng, duy chỉ Hà Vị là hắn không dám ngăn cản, “Cô hai… muốn nghe không?”
“Ừm”, cô thấy tờ giấy đỏ dán ngoài rạp hát viết tên người diễn hôm nay, thuận miệng bảo, “Tây Sương Ký tôi thích nhất là diễn viên này”.
Hà Vị đội cái mũ che nắng khá lớn, nối gót theo Lâm Kiêu bước vào trong.
Ban ngày rạp hát không đắt như buổi tối, chỉ có mấy tên phục vụ đang lau bàn ghế và sân khấu.
Ông chủ đích thân vén một nửa tấm rèm thêu chỉ vàng cho cô, đi về phía sau ngõ nhỏ.
Con ngõ nối liền với vách tường sòng bạc bên cạnh.
“Thầy thuốc bó xương nổi tiếng nhất Thiên Tân đã đến rồi?” Vừa đi, cô vừa thấp giọng hỏi han Lâm Kiêu.
Lâm Kiêu không dám đáp, chỉ gật đầu.
Đi được một quãng, cuối cùng cũng vào sân.
Chỗ này rất nhỏ, vì không muốn người khác chú ý nên cố tình không sắp xếp quá hoành tráng.
Phân nửa sân là chiếu bạc cùng ghế dựa của sòng bài chất đống, nửa còn lại là cửa gỗ nho nhỏ dẫn ra một gian khác.
Cửa gỗ bị khoá.
Sương phòng bên kia có mấy sĩ quan trung niên ra ra vào vào sắp xếp giấy tờ.
Trước phòng chính reo rèm trúc, bên trong tĩnh lặng.
Cô quét mắt nhìn Lâm Kiêu, ý hỏi có phải phòng này không.
Lâm Kiêu khẽ gật đầu.
Hà Vị đứng trước rèm trúc, lấy lại bình tĩnh, duỗi tay vén rèm.
Lâm Kiêu muốn cản nhưng không được.
… Hắn không dám.
Tay cô vừa vén rèm, bước chân lên bậc cửa.
Vì muốn hạ nhiệt trong phòng nên rèm cửa sổ đều được kéo kín mít, che đi nắng mặt trời.
Nhưng đang giữa hè, cho dù ánh sáng bên ngoài đều bị chắn lại, cô vẫn nhìn rõ mồn một những người ở trong.
Một cái quạt điện cánh màu xanh lá dài khoảng 16 tấc tái chế từ vách tường đa dụng đặt trên bàn trà, thổi gió vào chậu đá đối diện, giúp không khí trong phòng dịu lại.
Giữa tiếng quạt kẽo kẹt xoay tròn, Tạ Vụ Thanh ngồi dựa trên sô pha đôi màu đỏ sẫm, trước mặt là bàn nhỏ chất đầy sách báo cùng bản thảo.
Anh xoay bút máy trên tay.
Chân bị gãy được bó lại bằng thạch cao và băng gạc, đặt nghiêng trên ghế cao hơn sô pha.
Còn có, một người ngồi trên ghế, một người tựa vào cửa sổ, thêm người khác đang cầm dao trái cây gọt táo.
Hà Vị liếc mắt quanh phòng… Tất cả đều là người quen, họ là hội học sinh Bảo Định năm đó cô từng gặp qua…
Tạ Vụ Thanh ngẩng đầu, dừng động tác trên tay.
Cô vốn ôm một bụng đau xót, còn cả nỗi uỷ khuất bị anh giấu diếm, muốn bày ra bộ dáng tức giận.
Nhưng lại bị đám người ngồi đầy phòng phá bĩnh.
“Chúng tôi phải xuất phát đến sân ga ngay”, một trong số đó là người có đôi mắt hoa đào năm ấy, hai bên tóc mai của hắn điểm bạc, nhưng vẫn mang theo nụ cười rạng rỡ năm xưa: “Phải nói tạm biệt với thầy Tạ rồi”.
Giọng điệu này, giống hệt đang báo cáo với sư mẫu.
Hà Vị mím môi, đặt túi xách ngọc trai lên tủ cửa bên cạnh: “Các anh… cứ tiếp tục đi, tôi thấy trời hơi nóng, hỏi các anh có muốn dùng ít hoa quả ướp lạnh không thôi?”
…
Bên ngoài rèm trúc, Vương Cẩn nói vọng vào: “Phơi nắng ở đây nghe trộm cái gì hả? Không thấy nóng à”.
Không ai đáp lời hắn.
Câu này vừa hỏi xong càng lúng túng hơn, Lâm Kiêu tất nhiên đã nghe được động tĩnh bên trong.
Cô xoay người, vén rèm trúc bước ra ngoài.
Vương Cẩn ôm một chồng điện báo, Lâm Kiêu kéo hắn sang một bên.
Vương Cẩn vừa nhìn thấy Hà Vị, hai mắt sáng rực, định gọi cô lại nhưng sững người, hắn biết trong phòng vẫn đang bàn chính sự.
Hà Vị ngó Lâm Kiêu, nhỏ giọng trách cứ: “Sao anh không nói với tôi bên trong có người đang nói chuyện?”
“…” Lâm Kiêu thầm than, dáng vẻ vừa nãy của cô hai ngoại trừ thiếu tướng quân nào ai dám ngăn cản, nhưng hắn vẫn ép xuống, thấp giọng nói ra một câu khiến người khác ưng ý, “Tôi cứ tưởng… chuyện của thiếu tướng quân, không cần giấu cô hai”.
Vậy cũng nên để cô chuẩn bị tâm lý chứ.
Vài phút sau, mấy người trong phòng lục tục đi ra.
Quần áo của họ không giống lúc họp mặt bạn bè trước đây, có một số ăn mặc như thương nhân, số khác giống người đọc sách, còn có rất nhiều kẻ mặc tây trang, khoác áo choàng theo phong cách nửa mới nửa cũ.
Tuổi họ lớn hơn Tạ Vụ Thanh rất nhiều, trên dưới đều đã qua bốn mươi, nhưng mắt nhìn Hà Vị vẫn như lần đầu gặp, hoặc có khi còn sớm hơn, là lúc còn học ở trường Bảo Định… Chỉ sợ mang theo nỗi niềm gặp lại người xưa, khiến cô nhớ đến cảnh tượng hôm qua.
Vội vàng gặp gỡ, vội vàng rời đi.
Hà Vị chờ mọi người khuất hẳn, cô đứng trước cửa do dự chốc lát.
Người ta bảo gióng trống lấy can đảm, lại hết sạch… Khí thế vừa rồi yếu đi không ít, cô vén rèm, bước vào trong.
Cửa gỗ đóng lại từ bên ngoài.
Người đóng cửa chắn hẳn rất gấp nên quên mất còn có lò xo, một tiếng đập mạnh chấn động khiến cô giật mình.
…
Quạt điện vẫn kẽo kẹt kêu, phả từng luồng khí lạnh của khối đá lên mặt cô.
Tạ Vụ Thanh ngồi trên sô pha, không thể cử động, đành chờ cô chậm chạp bước vào.
Trong cuộc đời Tạ Vụ Thanh, hiếm khi xuất hiện những chuyện “ngoài ý muốn” liên quan đến tính mạng.
Anh dùng hết tâm tư, thấu hiểu một chữ “chết” là gì.
Chỉ duy nhất lần ở Bách Hoa Thâm Xử nhiều năm về trước… Còn có tình huống bất ngờ hôm nay, không can hệ đến sống chết, chỉ nói chuyện trăng gió.
Anh đặt bút máy lên chồng giấy viết tay, nhẹ nhàng hỏi: “Trước khi cô hai đến nên gọi báo một tiếng”.
Vì trưa hè nóng bức nên anh mở rộng cổ áo sơ mi, kéo cao tay áo, thêm cái chân bó bột vướng víu phải xắn cả ống quần lên.
Tạ Vụ Thanh ăn mặc không xốc xếch, ngồi trước mặt cô, dù có ngại ngùng cũng không thể nhúc nhích.
Cô vòng qua bàn bát tiên giữa nhà, đi đến cạnh cái chân còn nguyên vẹn của Tạ Vụ Thanh.
“Là ai trêu chọc em vậy?” Anh vẫn mỉm cười, “Trông rất giận?”
Cô nhìn anh, nhìn một hồi bỗng dưng nước mắt dâng lên.
“Em cứ nghĩ anh vừa gặp em đã vội bỏ đi là vì chính sự, em còn tự an ủi mình, nhất định anh sẽ không sao…” Cổ họng cô nghẹn đặc, thở gấp mấy hơi mới nói tiếp, “Anh bị thương sao không cho em thấy? Bọn họ ai cũng biết, lại muốn gạt em? Anh như vậy… không lẽ định giấu em cả đời ư?”
“Nếu có thể”, anh nói khẽ, “Anh thật muốn giấu em cả đời”.
Trong chớp nhoáng, nước mắt cô trào ra, như thể bù cho hôm qua lúc gặp nhau không rơi giọt nào.
Thêm một lúc, nước mắt như xâu chuỗi lăn dài xuống má, rơi trên người cô, hoà vào lòng đất.
Tạ Vụ Thanh nhìn cô khóc, ý cười trên mặt dần thu lại.
Anh không thể di chuyển, chỉ đành vươn người sang nắm tay cô.
Hà Vị gạt ra, tự lau nước mắt trên mặt.
“Cô hai không phải người thích khóc mà”, Tạ Vụ Thanh dịu dàng dỗ dành, “Chỉ bị thương một chân thôi, không đáng để em khóc như vậy”.
…
Trải qua nhiều năm vẫn không lành được nên phải đến Thiên Tân tìm thầy thuốc, sao có thể nói chỉ có một chân bị thương chứ?
Nhưng anh vĩnh viễn đều không để tâm, như thể người bị thương vốn không phải mình.
“Vì sao không đáng? Em không thể đau lòng sao, không lẽ anh muốn em cười ư? Còn phải nói đùa với anh nữa?” Cô dứt lời, nước mắt lại đong đầy, “Em hỏi anh, gãy chân có đau lắm không? Dù anh họ Tạ, dù cả nhà anh đời đời trung liệt, nhưng anh chỉ là một người sống bằng da bằng thịt…”
“Thiếu tướng quân mình đồng da sắt, dù có chết cũng ngậm cười… Nhưng ít nhất em có quyền được khóc của mình”, cô càng nói càng đau lòng, “Em cũng chỉ là người bình thường”.
Tạ Vụ Thanh buồn cười, vuốt ve tay cô: “Không phải anh vẫn còn sống sao?”
Hà Vị sợ nếu mình dùng sức đẩy anh ra sẽ động đến chân bị thương của anh, chỉ đành để anh tuỳ ý nắm tay, ngã ngồi lên sô pha bằng da mềm mại.
Nhiệt độ của cô gái nhỏ rất ấm, so với nắng gắt chói chang còn nóng hơn, tựa lên người Tạ Vụ Thanh càng khiến anh thấy không chân thật.
Cô khóc mãi không ngừng, khóc đến mức quên luôn ý định ban đầu.
Những lo lắng bất an suốt năm năm qua không phút nào phai nhạt… giờ phút này đều theo nước mắt trút bỏ sạch sẽ.
Nhà Hà Vị đã chẳng còn ai, cô giống như đứa trẻ mồ côi, anh trai mất, chú hai qua đời, giờ chỉ còn sản nghiệp vận tải cùng Tư Niên để cô tiếp tục phấn đấu.
Chỉ cần nghĩ đến cảnh Tạ Vụ Thanh bị bắt giam trong tù, hoặc bị hành quyết từ lâu… cả đêm cô không thể ngon giấc.
…
Tạ Vụ Thanh quệt ngón tay gạt nước mắt trên mặt cô, chầm chậm nhẹ nhàng không chê phiền, anh chỉ sợ nếu không giúp cô lau sạch, một khi hơi ẩm thấm vào da thịt sẽ làm mặt cô sưng đỏ.
Anh đút tay vào túi nhưng chẳng có gì, quần quân đội hôm nay anh mặc không có sẵn khăn lông.
Tay Tạ Vụ Thanh trong túi không tìm được gì, chậm chạp rút ra…
Anh nói bằng giọng chỉ đủ hai người nghe thấy: “Đừng khóc nữa nghe em?”
— HẾT CHƯƠNG 41 —.