Kính vạn hoa - Tập 05 - Xin lỗi mày, Tai To

Chương 1
DÌ KHUÊ ƠI! DÌ KHUÊ À!
Đang ngồi đọc sách trên gác, tự nhiên phát hiện khung cảnh chung quanh vắng lặng, nhỏ Hạnh thấp thỏm buột miệng kêu.
Kêu xong, chờ một hồi chẳng nghe tiếng dì Khuê đáp, nhỏ Hạnh đoán dì đã đi chợ. Nhưng còn thằng Tùng, nó ở dưới nhà sao chẳng nghe tiếng Tùng, nó ở dưới nhà sao chẳng nghe tiếng lục đục quen thuộc? Hay nó đã chạy chơi đâu rồi?
Nhỏ Hạnh lại ngoác miệng:
- Tùng ơi! Tùng à!
Đúng như nó dự đoán, tiếng gọi của nó rơi tõm vào thinh không.
Đợi một lát, nhỏ Hạnh lại gân cổ gọi:
- Tùng ới ời!
Vẫn chẳng có tiếng đáp lại. Nhất định thằng này đã chuồn đi đâu rồi! Chẳng hiểu nó có nhớ khóa cửa ngoài không? Nhỏ Hạnh cau mày lẩm bẩm và sau một thoáng lưỡng lự, nó tiếc rẻ gấp cuốn sách đang đọc dở lại và lẹp xẹp lê bước xuống cầu thang.
Nhà dưới vắng tanh vắng ngắt. Suốt từ phòng ngủ, phòng làm việc của ba ra đến tận phòng khách tịnh không một bóng người. Giờ này ba mẹ đang ở sở làm, dì khuê đi chợ còn thằng Tùng chắc sang chơi bên nhà hàng xóm.
Thực ra gặp những lúc yên tĩnh như thế này, nhỏ Hạnh thích lắm. Tính nó không ưa ồn ào náo nhiệt. Bao giờ đi học về, ăn cơm xong, nó cũng tót lên ghế bố nằm đọc sách. Đọc sách chán, nó lại ngồi vào bàn loay hoay giở tập ra học. Có một đứa con ham học như nhỏ Hạnh, ba mẹ chả cần nhắc nhở. Thậm chí mẹ còn lo âu, sợ nó học nhiều sinh ốm.
Nhỏ Hạnh không ốm nhưng đến năm học lớp năm, mẹ phát hiện nó mắc tật cận thị. Ngồi trong lớp, nhìn lên bảng chỉ thấy lờ mờ, nó cứ xin thầy đổi lên bàn thứ bảy. Sau đó nó chuyển lên bàn thứ sáu, rồi thứ năm. Ngồi bàn thứ năm một thời gian, nó lại xin lên bàn trên nữa. Cho đến khi được thầy xếp ngồi ở bàn đầu, vẫn không thấy rõ chữ trên bảng, nó bèn quay sang dòm tập đứa ngồi cạnh.
Vậy mà nhỏ Hạnh vẫn chưa biết mình bị cận thị. Cho đến hôm mẹ chở nó đi mua cuốn “Đạo đức” thì mọi chuyện mới vỡ lở. Sau khi đi lòng vòng mấy hiệu sách vẫn không tìm thấy cuống muốn mua, trên đường về lúc chạy qua một sạp sách báo bày bên lề đường, thấy người ta treo la liệt các loại sách giáo khoa, mẹ dừng xe lại, bảo:
- Con nhìn thử xem có cuốn “Đạo đức” trong đó không?
Nhỏ Hạnh thản nhiên:

- Đứng đây xa quá, con đâu có nhìn rõ chữ!
- Con không nói đùa đấy chứ? – Mẹ sửng sốt – Cách có mấy mét mà con không đọc thấy gì sao?
- Mẹ cũng có đọc được đâu! – Nhỏ Hạnh phụng phịu cãi – Nếu đọc được, mẹ đâu có bảo con!
Mẹ giải thích bằng giọng lo lắng:
- Nhưng mẹ bị cận thị, mà hôm nay mẹ lại quên mang theo kính! Còn con thì khác!
- Con chẳng khác tí nào đâu! – Nhỏ Hạnh hồn nhiên đáp – Ở lớp, con cũng chẳng nhìn thấy gì trên bảng, chỉ toàn nhìn tập bạn để chép bài!
Rồi nó hào hứng kể chuyện nó cứ dăm ba bữa lại phải xin đổi chỗ ngồi như thế nào và thầy nó chiều ý nó ra sao cho mẹ nghe.
Đến lúc đó, mẹ mới biết điều gì đã xảy ra với con mình. Ngay lập tức, mẹ đưa nó đến bệnh viện khám mắt và tiếp theo dẫn nó đến hiệu kính thuốc để sắm cho nó một cặp kính 1.5 đi-ốp theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Chuyện đó xảy ra cách nay đã bao năm rồi, từ hồi nhỏ Hạnh chưa vào trường Tự Do và còn chưa biết Tiểu Long và Quý ròm là ai. Bây giờ cặp kính vẫn còn chễm chệ trên sống mũi nó, đã tăng thêm 0.5 đi-ốp và thỉnh thoảng lại xệ xuống khiến nó chốc chốc phải đưa tay đẩy lên.
Sở dĩ tác giả nói dông dài về nhỏ Hạnh như vậy không phải để giải thích tại sao nó đeo kính mà không đeo một thứ gì khác trên mắt mà chính là để cho bạn đọc thấy rằng nhỏ Hạnh là một đứa ham học ngay từ hồi còn học cấp một.
Và một đứa ham học như vậy sống trong cảnh nhà yên ắng cũng thích thú chẳng khác gì cá sống trong nước.
Nhưng là một đứa nhát gan, nhỏ Hạnh không tài nào yên tâm ngồi thu mình trên gác để tận hưởng cái thú đó. Nó cứ sợ thằng Tùng bỏ đi chơi quên khóa cửa, kẻ trộm sẽ thừa cơ lẻn vào nhà. Mà ở cái chung cư nó đang sống, đã có khối nhà bị mất trộm. Cứ nghĩ đến cảnh mình đang ngồi đọc sách trên gác, còn kẻ trộm thì đang lục lọi vơ vét ở dưới nhà, nhỏ Hạnh đã nghe lạnh toát sống lưng.
Đã không nghĩ thì thôi, càng nghĩ vơ nghĩ vẩn, nhỏ Hạnh càng run. Nó thận trong bước ra kiểm tra cửa trước. Nhìn thoáng qua, thấy cửa khóa bên trong, nhỏ Hạnh thở phào. Như vậy là thằng Tùng còn ở trong nhà. Ủa, nhưng nó chui vào xó xỉnh nào kìa?
Nhỏ Hạnh dỏng tai nghe ngóng. Đứng một hồi, chẳng nghe thấy gì, nó nhíu mày đi lần xuống nhà sau.
Kế phòng ngủ là cánh cửa mở ra hành lang dẫn xuống bếp và phòng tắm. Ban ngày cánh cửa này luôn luôn mở, chỉ trước khi đi ngủ dì Khuê mới đóng lại.
Nhưng lúc này cánh cửa đang đóng im ỉm trước mặt nhỏ Hạnh. Ngạc nhiên, Hạnh rón rén lại gần áp tai vào cửa, và nó nghe rõ ràng có tiếng sột soạt và tiếng cười khúc khích ở đằng sau.

Chắc thằng quỷ Tùng lại giở trò nghịch tinh gì đây! Nhỏ Hạnh thầm nhủ và nhẹ nhàng đưa tay đẩy cửa. Nhưng cánh cửa hình như bị chặn từ bên kia bởi một vật nặng nào đó.
Nhỏ Hạnh mím môi xô mạnh. Chiếc ghế chướng ngại vật liền bị đẩy chệch qua một bên và cánh cửa hé ra.
Đập vào mắt nhỏ Hạnh là hai thằng nhóc. Một là thằng Tùng, đứa kia là thằng Đạt, bạn học cùng lớp với Tùng, nhà ở cách đây mấy dãy phố.
Hai đứa đang thích chí ngồi nhìn con Tai To cuống quýt đưa hai chân trước lên loay hoay tìm cách gỡ chiếc bao ni-lông úp trên mõm. Chiếc bao ni-lông được giữ chặt bằng một sợi dây thun ràng bên ngoài nên mặc dù rất cố gắng, con Tai To chẳng làm sao tháo tuột ra được. Nó cuống cuồng vùng vẫy, thậm chí bò toài xuống đất, lăn lộn một cách tuyệt vọng.
Nhỏ Hạnh xuất hiện đúng vào lúc ánh mắt con Tai To đang lộ vẻ van xin tội nghiệp.
- Này, này, các em làm gì thế? – Nhỏ Hạnh sửng sốt kêu lên.
Sự xuất hiện thình lình của bà chị khiến Tùng hốt hoảng:
- Tụi em có làm gì đâu ạ!
- Chơi nghịch thế mà bảo là không làm gì!
Vừa nói nhỏ Hạnh vừa bước lại chỗ Tai To, tháo chiếc bao quái ác trên mõm nó ra.
Tùng đã kịp thời lấy lại bình tĩnh. Nó dài giọng:
- Đấy chẳng phải là chơi nghịch! Em phạt nó đấy!
- Nó làm gì mà em phạt?
Tùng mím môi :

- Ai bảo nó xé tập của em!
Nhỏ Hạnh nheo mắt:
- Nó trèo lên bàn học của em à?
- Không phải là trèo lên bàn học! – Tùng ấp úng – Nhưng vẫn la xé tập!
- Chị chả hiểu gì cả! – Nhỏ Hạnh vờ ngơ ngác – Tập học bao giờ cũng được để ngăn nắp trên bàn. Con Tai To lại không trèo lên bàn được, thế làm sao nó có thể xé tập của em?
Câu hỏi oái oăm của bà chị làm Tùng cứng họng. Nó ngắc ngứ một lát rồi không nói không rằng, quay mình chạy vụt đi.
Lát sau, nó xuất hiện với cuốn tập tơi tả trên tay, giọng mếu máo:
- “Thành tích” của con Tai To đây nè! Em có nói dối với chị đâu!
Rồi nó sụt sịt, vẻ tức tưởi:
- May mà đây là cuốn tập nháp! Nếu không nó xé cuốn tập học ở lớp, chắc em phải nghỉ học luôn!
Nhỏ Hạnh cầm cuốn tập săm soi một hồi rồi gật gù:
- Đúng là cuốn tập đã bị xé. Nhưng co lẽ không phải do Tai To. Có thể một con chó hàng xóm đã gây ra chuyện nàỵ
- Chính con Tai To mà! – Tùng kêu lên đầy ấm ức – Em nhìn thấy rõ ràng! Thậm chí em còn rượt theo nó để giật cuốn tập lại!
- Nhưng em đã bảo Tai To không trèo lên bàn học của em kia mà? – Nhỏ Hạnh vặn vẹo – Thế thì làm sao nó đụng tới cuốn tập này được?
- Cuốn tập này ấy à? – Tùng bối rối hỏi lại, rồi sau một thoáng ngần ngừ nó đành tặc lưỡi thú nhận – Thực ra thì... cuốn tập này em không để trên bàn! Trưa hôm qua em nằm dưới sàn nhà tập vẽ, lúc dì Khuê giục đi ngủ, em vội vàng thế là... thế là...
Nhỏ Hạnh nheo mắt nhìn em:
- Thế là em cứ để cuốn tập dưới sàn, quên cất đi chứ gì?
- Thì vậy! – Tùng khụt khịt mũi tìm cách bào chữa – Nhưng mà ai chả có lúc quên! Mẹ thỉnh thoảng cũng vỏ quên chìa khóa rồi cuống cuồng đi tìm vậy!

- Đừng có lôi mẹ vào đây! – Nhỏ Hạnh nghiêm mặt – Em làm thì em chịu! Trong chuyện này không thể trách Tai To được! Chỉ tại em cứ vứt tập vở bừa bãi dưới sàn thôi!
Tùng vùng vằng:
- Nhưng trước đây em vẫn bỏ quên tập dưới sàn nhà mà có xảy ra chuyện gì đâu! Chỉ tại mẹ đem con Tai To về thôi! Từ ngày có nó nhà ta mới lắm chuyện!
- Lêu Lêu! – Nói thế mà cũng nói được! – Nhỏ Hạnh quệt hai ngón tay vào má, trêu em – Chỉ có em luộm thuộm mới thấy lắm chuyện thôi! Đã vậy, còn đổ thừa cho Tai To nữa!
Bị nhỏ Hạnh tấn công tới tấp, nhất là trước mặt bạn bè, Tùng đổ quạu:
- Chị nói gì mặc chị! Em cứ phạt nó đấy! Em bỏ quên tập dưới sàn thì chị cứ phạt em, nhưng Tai To xé tập của em thì em có quyền phạt nó!
Thằng Tùng đột ngột “lý sự” khiến nhỏ Hạnh ngớ người ra. Thông minh như nó mà trong lúc bất ngờ cũng không tìm ra cách nào để bắt bẻ được thằng em.
- Thôi được! – Cuối cùng nhỏ Hạnh hạ giọng – Em muốn phạt Tai To thì cứ phạt! Nhưng chỉ nên đánh khẽ nó vài cái thôi! Chả ai đi phạt một con chó bằng cách bịt mõm nó lại cả!
Từ khi nhỏ Hạnh xuất hiện rầy la cậu em, thằng Đạt vẫm im thin thít. Nó sợ chị thằng Tùng sẽ hỏi tội đồng lõa của nó. Nhưng câu nói vừa rồi của nhỏ Hạnh khiến Đạt cảm thấy ngứa ngáy quá chừng.
- Thế mà có đấy! – Đạt đột ngột buột miệng – Ở nhà em vẫn thấy cậu em bịt mõm con Mi-na hoài!
- Con Mi-na nào? – Nhỏ Hạnh tròn mắt.
- Con chó của nhà em ấy! – Đạt chớp mắt – Ngày nào nó cũng bị cậu em phạt về đủ thứ tội!
- Ái chà chà! – Như phát giác ra điều gì, nhỏ Hạnh chợt kêu lên – Hóa ra trò bịt mõm này là em bày cho thằng Tùng phải không?
- Đâu có! – Đạt rùn vai – Trò đó ai mà chả biết, cần gì phải bày!
Lời bào chữa của Đạt chẳng thuyết phục được nhỏ Hạnh mảy may. Nhỏ Hạnh gí tay vào trán nó:
- Em hư lắm đấy nhé! Bày cho bạn toàn chuyện gì đâu không!
Rồi không để thằng nhóc kịp phân bua, nhỏ Hạnh cúi xuống ôm con Tai To đang nằm khép nép dưới chân, quay lưng đi thẳng một mạch.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận