Chương 3
Rồi Quý ròm cũng tự hiểu ra. Nó mắc cỡ với Tiểu Long và nhỏ Hạnh không phải vì "âm mưu" muốn trở thành thi sĩ của nó bị phát giác.
Quý ròm mắc cỡ chính vì nó bắt đầu nghi ngờ "năng khiếu văn chương" của mình. Nếu thơ của nó hay đến mức vừa gửi tới, báo lập tức đăng ngay và sau khi đọc xong bạn bè thi nhau xuýt xoa khen ngợi và giành nhau xúm đen xúmđỏ quanh nó để... xin chữ ký, hẳn Quý ròm chẳng việc gì phải chối bay chối biến khi bị nhỏ Hạnh tiết lộ hành động của mình. Thậm chí lúc đó không những nó gật đầu ngay tút xuỵt mà mũi nó còn nở to và ngực nó ưỡn về phía trước đến một tấc là ít.
Nhưng hoàn cảnh nó đang rơi vào chẳng có vẻ gì giống như vậy. Đã hai tuần lễ trôi qua, báo Khăn Quàng Đỏ đã ra được hai số mà bài thơ của thi sĩ Bình Minh vẫn biệt tăm biệt tích.
Quý ròm bắt đầu chột dạ. Nó không rõ thư của nó bị thất lạc hay vì bài vở quá nhiều tòa soạn chưa thể đăng ngay hay do bài thơ của nó ẹ quá nên tòa soạn đã vứt vào sọt rác để dành bán giấy vụn rồi. Quý rỏm không rõ nguyên nhân và trong khi chờ đợi cho rõ, nó thầm cầu mong nguyên nhân thứ ba đừng bao giờ xảy ra.
Đó là Quý ròm chỉ cầu mong thôi, còn sự thể như thế nào, nó mù tịt. Vì vậy, bụng nó cứ ngay ngáy. Và cũng vì vậy, khi nhỏ Hạnh bảo với Tiểu Long dạo này nó đang làm thơ, nó đã gân cổ chối biến. Làm thơ tất nhiên chẳng có gì đáng xấu hổ nhưng nếu làm thơ chả ra ôn gì, đã vậy trước đó lại lớn giọng chê ổng chê eo thơ của nhỏ Lan Kiều, thì quả là có chui xuống đất ở với giun may ra mới khỏi ngượng.
Thấy Quý ròm không chịu thừa nhuận chuyện thơ thẩn, nhỏ Hạnh cũng chẳng buồn gặng hỏi. Đoán thằng ròm có nỗi khổ tâm riêng, nó chẳng nỡ dồn bạn vào chân tường, mặc dù nó cũng không rõ tại sao hôm trước Quý ròm nói chuyện làm thơ hung hăng đến thế mà nay lại làm như chuyện đó chẳng dính dáng gì tới mình.
Trong khi đó, Quý ròm tiếp tục làm bài thơ thứ hai. Nó quyết chứng minh cho mọi người thấy so với sự kỳ diệu của toán học, thơ chẳng phải là chuyện hóc hiểm gì. Nó quyết làm cho nhỏ Hạnh sáng mắt ra.
Hơn nữa, nhưng vinh quanh mà nhỏ Lan Kiều liên tiếp đón nhận từ khi bài thơ "Trường em" và "tiểu sử tác gỉa" được đăng lên báo khiến Quý ròm càng quyết tâm chứng minh con nhỏ thi sĩ lóc chóc này chẳng hơn gì mình.
Lần này Quý ròm chẳng thèm làm thơ hai chữ. Bài thơ hai chữ của nó gửi đi gần một tháng nay bặt tăm như sỏi ném xuống hồ. Có lẽ sau khi đăng bài "Trường em" của nhỏ Lan Kiều, báo Khăn Quàng Đỏ bắt đầu chán thơ hai chữ.
Quý ròm làm thơ lục bát. Nó lôi sách ra nghiên cứu vần luật, thấy thơ lục bát chẳng có gì ghê gớm. Cứ một câu sáu, rồi một câu tám, hoài hoài như thế! Chuyện gieo vần cũng cực kỳ đơn giản: chữ cuối câu sáu vần với chữ thứ sáu câu tám, chữ cuối câu tám vần với chữ cuối câu sáu. Sách chép sờ sờ:
Khi con tu hú gọi bầy
Lúa chiêm đương chín, trái cây ngọt dần
Vườn râm dậy tiếng ve ngân
Bắp rây vàng hạt đầy sân nắng đào...
Cũng có khi chữ cuối câu sáu vần với chữ thứ tư câu tám:
Con cò lặn lội bờ sông
Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non.
Nhưng chữ nào vần với chữ nào, Quý ròm không ngán. Nó tự tin mình thừa sức làm cả trăm câu "sáu sáu tám tám" như thế.
Thế là Quý ròm nhà ta đóng cửa phòng hì hục sáng tác. Lần này, Quý ròm chẳng buồn viết về đề tài trường lớp. Nó viết bài thơ "Nhà em". Bài "Nhà em" bắt đầu như sau:
Nhà em có một người bà
Tiếp theo là mẹ, kế là ba em.
Sau đó, theo phong cách của một nhà toán học chính cống, Quý ròm lần lượt kê khai số người trong nhà, hệt như các chủ hộ vẫn kê khai nhân khẩu:
Sau ba em, tới anh em
Cộng em vào nữa là thêm một người
Em em đứng ở sau đuôi
Đếm đi đếm lại sáu người không hơn.
Rồi Quý ròm hân hoan kết luận:
Cả nhà gắn bó keo sơn
Từ trên xuống dưới xanh rờn niềm vui!
Hạ xong câu kết, Quý ròm thở phào buông bút xuống bàn và ngả người ra lưng ghế. Nó vừa gật gù nhẩm lại bài thơ trong đầu vừa cảm thấy hài lòng về chính mình quá xá. Nếu có sẵn huy chương trong túi thì nó đã lôi ra tự gắn cho mình rồi!
Rồi dường như thấy lẩm nhẩm trong đầu không đã, Quý ròm chồm người dậy vớ lấy tờ giấy gí sát vào tận mắt đọc đi đọc lại. Và càng đọc nó càng thấy lòng nó "xanh rờn niềm vui" xiết bao! Bài thơ ngắn gọn nhưng đầy ý nghĩa. Lại vần vèo đâu ra đó đàng hoàng. Con nhỏ Lan Kiều gặp may kia chỉ hí hoáy được thứ thơ hai chữ, bắt nó làm loại thơ "chữ cuối câu sáu vần với chữ thứ tư hoặc chữ thứ sáu câu tám" này, chắc nó khóc thét!
Cũng như bài thơ thứ nhất, bài thơ thứ hai này được Quý ròm chép lại sạch sẽ và cẩn thận, rồi cho vào phong bì háo hức gửi đi.
Nhưng Quý ròm chỉ háo hức lúc bỏ tác phẩm của mình vào thùng thư bưu điện thôi. Sau đó, nỗi háo hức nguội dần, nguội dần và chẳng mấy chốc đã biến thành nỗi thất vọng sâu xa. "Niềm vui xanh rờn" trong lòng nó ngày một héo hon khi suốt mấy số báo liên tiếp, nó dò mỏi cả mắt vẫn chẳng thấy bài thơ "ngắn gọn mà đầy đủ ý nghĩa" của nó đâu.
Bài thơ "Nhà em" có vẻ nhất quyết đi theo vị tiền bối của nó là bài thơ "Lớp em" dạo nọ, nghĩa là bài trước bài sau quyết dắt díu nhau đi vào nơi... vô tận, để tác giả ngồi một mình trong đau khổ, thấy cuộc đời sao quá đỗi chua cay.
Nhưng nỗi đau khổ của Quý ròm chưa dừng lại ở đó.
Một hôm, nhỏ Diệp đột nhiên lại gần ông anh, nheo mắt nói:
- Chà, dạo này trong nhà mình có nhiều chuyện lạ, à nghen!
Nhỏ Diệp nói trống không nhưng đủ khiến Quý ròm xám mặt.
- Mày định ám chỉ bậy bạ gì đó? - Quý ròm lừ mắt nhìn nhỏ em.
- Kỳ cục à nha! - Nhỏ Diệp rụt cổ - Tự nhiên lại kêu người ta ám chỉ bậy bạ! Đúng là có tật giật mình!
Quý ròm giật mình thật. Nhưng nó vẫn cố nói cứng:
- Mày suốt ngày chỉ nói nhăng nói cuội!
Em chả nói nhăng nói cuội gì cả! - Nhỏ Diệp nghinh mặt - Em chỉ bảo nhà ta dạo này có chuyện lạ thôi!
Biết không hù dọa được con nhóc cứng đầu này, Quý ròm liếm môi, hạ giọng:
- Chuyện gì mà mày bảo là chuyện lạ?
Nhỏ Diệp nhìn lên trần nhà:
- Có người tự dưng mê đọc báo Khăn Quàng Đỏ!
- Thì sao? - Quý ròm hừ mũi - Đó chẳng phải là báo dành cho thiếu nhi là gì!
Nhỏ Diệp láu lỉnh:
- Dĩ nhiên là báo dành cho thiếu nhi! Nhưng trước nay "thiếu nhi" chả bao giờ để mắt tới, bây giờ "thiếu nhi" bỗng dưng tuần nào cũng mua, bảo không lạ sao được!
- Chả có gì lạ cả! - Quý ròm nhún vai, phớt lờ chuyện nhỏ em tinh quái cố tình nhấn mạnh hai, ba lần chữ "thiếu nhi" để chọc quê mình - Trước đây tao không thích đọc báo Khăn Quàng Đỏ nhưng bây giờ tao thích, thế thôi!
Lối giải thích ngang phè của Quý ròm dĩ nhiên không làm nhỏ Diệp thỏa mãn. Nó "hứ" một tiếng:
- Nói như anh! Chẳng ai lại đột nhiên thích một thứ trước đây mình không thích cả!
- Mày ngốc quá! - Quý ròm làm bộ gầm gừ, đầu nó xoay như chong chóng để nghĩ kế - Gần đây báo Khăn Quàng Đỏ mở thêm mục "Nhà khoa học trẻ", vì vậy mà tao thích xem chứ có quái gì đâu!
Lần này thì nhỏ Diệp làm thinh. Lý do Quý ròm nêu lên quá sức xác đáng khiến nó không bắt bẻ vào đâu được. Tuy vậy, nhỏ Diệp chưa thực tin hẳn vào mồm mép của ông anh. Nó không nói gì nhưng anh mắt không giấu vẻ ngờ vực.
Quý ròm thông minh siêu đẳng, làm gì chẳng đọc được những ý nghĩ trong đầu nhỏ em. Nhưng cũng chính vì vậy mà Quý ròm cảm thấy yên tâm. Một khi con nhóc tinh ranh này còn nghi nghi hoặc hoặc chứng tỏ nó chưa đánh hơi được chuyện mình đang tập tành làm thơ! Nếu nó biết mình lén lút gửi thơ cho báo Khăn Quàng Đỏ và cả hai bài liên tiếp đều ra đi... không hẹn ngày trở lại, chắc chắn nó không chỉ trêu chọc mình qua quít như thế này!
Nhưng nhỏ Diệp không dừng lại ở đó. Nó thôi cật vấn nhưng sau một hồi ngẫm nghĩ, nó lại nhíu mày thăm dò:
- Mục "Nhà khoa học trẻ" hay không?
- Tất nhiên là hay! - Quý ròm nhếch mép - Nếu không hay tao đã chẳng mua báo!
Nhỏ Diệp chìa tay ra:
- Vậy anh cho em mượn đọc qua thử xem!
Thái độ của nhỏ Diệp làm Quý ròm tức sôi:
- Bộ mày tính điều tra tao hả?
Nhỏ Diệp tỉnh khô:
- Em chỉ xem cho biết thôi!
- Không xem xét gì cả! Tao không cho mượn!
Nhỏ Diệp không hề nao núng. Nó cười cười:
- Vậy thì em biết rồi!
Quý ròm giật thót:
- Mày biết gì?
Nhỏ Diệp nheo mắt:
- Nếu anh không cho em mượn chứng tỏ anh mua báo không phải để đọc mục "Nhà khoa học trẻ" như anh nói!
Sự ma mãnh của nhỏ em làm Quý ròm chột dạ. Nếu không cho con nhóc này mượn báo, hẳn nó sẽ nghi tợn. Chắc chắn nó sẽ không từ bỏ bất cứ "thủ đoạn" nào để âm thầm theo dỏi mình. Và nếu như vậy, chuyện mình hì hà hì hục làm thơ sớm muộn gì cũng sẽ vỡ lở. Với Tiểu Long và nhỏ Hạnh, mình còn có thể giấu diếm được chứ với một đứa ở ngay bên nách như con nhỏ Diệp quỷ quái này thì thực khó thể đề phòng.
Nghĩ lợi nghĩ hại một hồi, Quý ròm đành tặc lưỡi nói với nhỏ em, giọng cố ra vẻ thản nhiên nhưng mặt lại méo xẹo:
- Báo để ở trong phòng học của tao ấy! Mày muốn xem thì cứ vào xem!