Chương 8
Cuộc so tài giữa bọn Quý ròm và đám trẻ mới quen một lần nữa lại bất phân thắng bại. Keo vừa rồi nhằm phân định kẻ thắng người thua nhưng rốt cuộc phe Quý ròm không ai bắt chước được môn “thiết trảo công” của thằng Thái, ngược lại phe Tâm hô cũng lắc đầu trước tuyệt kỹ “thiết đầu công” rùng rợn của “đại lực sĩ” Tiểu Long.
Trọng tài Việt vui vẻ tuyên bố:
- Cuộc thi thứ nhất xem như hoà!
Tâm hô gãi mái tóc bù, giọng xuôi xị:
- Vậy là không bên nào được nhận phần thưởng hở anh?
Anh Việt xoa hai tay vào nhau, tủm tỉm:
- Ngược lại thì đúng hơn! Cả hai phe đều được thưởng!
Rồi quay sang bọn Quý ròm, anh nheo nheo mắt:
- Các bạn trẻ này là khách, được ưu tiên lên trước! Nào, xin mời!
Quý ròm đại diện cả bọn, hí hửng bước lên.
Anh Việt hào phóng chỉ tay vào chiếc bàn đặt phần thưởng:
- Em có thể tuỳ ý chọn món nào em thích.
Nhỏ Hạnh không ngờ có cái màn “tuỳ ý” này, liền mừng rỡ nhắc:
- Quả cầu bạc! Quả cầu bạc!
Quý ròm tai thính như mèo. Nó chỉ ngay vào quả cầu bạc:
- Em chọn món này!
Dường như quả cầu bạc cũng là phần thưởng mà bọn Tâm hô thích thú và háo hức mong ngóng nãy giờ. Do đó khi thấy anh Việt long trọng ôm quả cầu bạc trao cho Quý ròm, cả chục tiếng thở dài đồng loạt vang lên kèm theo những cái chép miệng xuýt xoa.
- Thế là công cốc!
- Thật tiếc đứt ruột!
- Chờ mỏi cổ rốt cuộc quả cầu về tay kẻ khác, tức ơi là tức!
Những lời than vãn tiếc nuối đó, nhỏ Hạnh nghe rõ mồn một nhưng đang rất mê quả cầu, nó phớt lờ tất cả , hân hoan vươn tay ra đón món phần thưởng quý giá Quý ròm đang tí tởn ôm về.
Tâm hô lên sau, chán nản và ngơ ngác. Dòm dò một hồi, nó chọn đại chiếc cặp sách rồi lững thững cầm về giữa những tiếng hò reo không lấy gì làm nồng nhiệt lắm của đồng bọn.
Trò chơi tiếp theo là trò dạy nghề. Mỗi bên cử ra một người. Người đó sẽ được phe dối phương rỉ tai về một nghề bất kỳ. Không được nói ra miệng, chỉ bằng động tác, người đó phải diễn xuất làm sao cho phe mình nói trúng được cái nghề mình đang mô tả là thắng cuộc. Rõ ràng, muốn thắtrò chơi này, bọn trẻ phải giỏi nghệ thuật kịch câm.
Trong các buổi sinh hoạt ở trường, bọn Quý ròm dã từng chơi và giành chiến thắng trong trò này nhiều lần, do đó khi nghe phe Tâm hô đề nghị trúng ngay “môn ruột”, đứa nào đứa nấy mừng rơn.
Tiểu Long hớn hở ra mặt:
- Phen này phe mình thắng chắc!
- Hẳn nhiên rồi! - Quý ròm khoái chí - Tụi nó đề nghị trò này chẳng khác nào muốn “tự sát”!
Nhỏ Hạnh cũng không giấu vẻ tươi tỉnh:
- Ráng lên nghe Quý! Đừng quên trước nay tụi mình chưa bao giờ thua trong trò chơi này đấy!
- Quên sao được! - Quý ròm nhe răng cười tự tin.
Mạnh như cũng lây nỗi hân hoan của các ông anh bà chị. Nó ưỡn ngực hét tướng:
- Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta!
Thằng Mạnh hô khẩu hiểu lớn đến nỗi mọi người đều kinh động. Những cặp mắt đổ dồn vào thằng oắt nhỏ người mà lớn mồm này khiến nhỏ Hạnh phải suỵt khẽ:
- Em đừng có hét ầm lên như thế!
Mạnh cười hì hì:
- Em động viên tinh thần phe mình.
- Thôi, động viên thế đủ rồi! Bây giờ bắt đầu đi!
Thằng Thái không biết tiến đến bên cạnh bọn Quý ròm từ lúc nào, đang nheo mắt nhìn Mạnh, nói như trêu.
Quý ròm nhăn nhó:
- Mày xê ra xa một chút đi! Chờ tụi tao bàn bạc đã!
Thái không nói gì, lặng lẽ nhích lui ra sau, chờ đợi.
Một lát, Quý ròm thò tay ngoắt:
- Lại đây!
Thái lại gần, kề tai sát mặt Quý ròm, miệng hỏi khẽ:
- Nghề gì vậy?
- Nghề y tá!
Khi đưa ra nghề này, bọn Quý ròm hy vọng phe Tâm hô sẽ nhầm với nghề bác sĩ. Trước nay, bọn Quý ròm đã cho biết bao đối thủ vào bẫy khi đưa ra nghề này.
Nào ngờ Thái là thằng nhóc khôn rạch trời. Thừa biết âm mưu của bọn Quý ròm, nó bèn đóng một mình hai vai. Trước tiên, nó giả làm ông bác sĩ, đeo ống nghe ở tai, khám bệnh viết toa, rồi quay sang bên cạnh nói gì đó với người y tá. Đoạn, nó bước qua bên cạnh đóng vai y tá, gật gù lắng nghe, sau đó soạn ống tiêm, thuốc men đặt lên chiếc băng ca, chậm rãi đẩy xuống phòng bệnh, chích thuốc cho bệnh nhân.
Thái diễn tả xuất sắc đến nỗi bọn Quý ròm đứa nào đứa nấy tái xạm mặt. Và quả như sự lo lắng của tụi nó, khi chích thuốc cho “bệnh nhân” xong, “y tá” Thái thẳng người đậy và chỉ tay vô ngực mình, hàng chục cái miệng bên phe Tâm hô liền đồng loạt nhao nhao:
- Nghề y tá! Nghề y tá!
Anh Việt quay sang Quý ròm:
- Đúng không em?
- Dạ, đúng ạ!
Quý ròm lỏn lẻn gật đầu và để nhanh chóng khoả lấp thất bại vừa rồi, nó rảo nhanh về phía bọn Tâm hô, hăm hở giục:
- Tới phiên tao!
Phe Tâm hô dường như đã bàn bạc từ trước. Quý ròm vừa giục, thằng nhóc áo xanh đã “ra đề thi” ngay. Nó kề sát tai Quý ròm thì thào:
- Nghề đẩy phụ!
Tưởng mình nghe nhầm, Quý ròm hỏi lại:
- Mày bảo nghề gì?
- Nghề đẩy phụ!
- Nghề đẩy phụ? - Quý ròm nghi hoặc lặp lại.
- Ừ!
Lúc tưởng mình nghe nhầm, Quý ròm ngạc nhiên. Nhưng khi biết mình không nghe nhầm, nó càng sửng sốt.
Nó nhìn chòng chọc vào mặt thằng nhóc áo xanh:
- Nghề đẩy phụ là nghề gì? Mày có bịa ra không đấy?
- Tao mà bịa ra, cô hồn vặn cổ tao liền!
Nghe đối phương thề độc, Quý ròm không ngờ vực nữa. Nhưng nó vẫn chưa hết thắc mắc:
- Nhưng nghề đẩy phụ là nghề gì sao tao không biết?
Thằng nhóc áo xanh mỉm cười:
- Đấy là do mày ít đi đây đi đó nên mày không biết thôi!
Nói xong một câu đầy vẻ “giáo huấn”, thằng nhóc áo xanh chậm rãi giải thích. Đến lúc đó, Quý ròm mới hiểu thế nào là nghề đẩy phụ. Thì ra có những đứa trẻ chuyên kiếm sống bằng cách đứng ở các đầu cầu có độ dốc cao như cầu chữ Y, cầu Bình Triệu hay cầu Sài Gòn. Chúng lảng vảng ở những nơi đó từ sáng đến tối, chờ khi nào có các loại xe thồ, xe xích lô hay xe ba gác vượt cầu ì ạch vì chở nặng, chúng xúm lại xin đẩy phụ để được “bồi dưỡng”.
Khổ nỗi, khi chưa biết nghề đẩy phụ là cái nghề cóc cắn gì thì Quý ròm cũng lo, nhưng chỉ lo in ít, còn đã biết đó là nghề gì rồi, nó đâm lo tợn, mồ hôi bỗng chốc túa ra đầy trán.
Nó hoang mang bước về phía Tiểu Long, nhỏ Hạnh và thằng Mạnh, đầu rối bòng bong, không biết phải diễn tả như thế nào để phe nó có thể đoán trúng cái nghề oái oăm này.
Quý ròm hoang mang một thì đám bạn nó hoang mang mười. Khi Quý ròm làm động tác đẩy xe lên dốc, Tiểu Long tưởng bở vọt miệng đáp ngay:
- Nghề đạp xe ba gác!
Và nó lập tức chết điếng người, bụng ngay ngáy sợ nhỏ Hạnh trách cứ khi bắt gặp cái lắc đầu thiểu não của Quý ròm. Lúc nãy, trước khi bắt đầu cuộc chơi, Tâm hô đã giao hẹn mỗi phe chỉ được nói một lần, không được nói lại.
May sao, đúng vào lúc nhỏ Hạnh định mở miệng nhận thua, thằng nhóc áo xanh đột nhiên rộng lượng:
- Cho phe mày nói thêm một lần nữa đấy!
Lần này sau khi tranh cãi lâu thật lâu với Tiểu Long và Mạnh, nhỏ Hạnh ngập ngừng đáp:
- Nghề đánh xe ngựa!
Tâm hô cười hề hề:
- Phe mày thua rồi! Đó là nghề đẩy phụ!
- Đừng có ăn gian! - Mạnh sửng cồ - Trên đời này làm gì có nghề nào là nghề đẩy phụ!
Tâm hô chưa kịp phản ứng trước thái độ nóng nảy của Mạnh thì Quý ròm đã nhanh chóng can thiệp. Nó nhìn Mạnh, buồn bã nói:
- Đúng là có nghề đẩy ụ! Tụi mình thua keo này rồi!
Thất bại vừa rồi khiến Mạnh vô cùng ấm ức. Nó nói nhỏ vào tai Tiểu Long:
- Anh bảo tụi nó dạy nghề trọng tài bóng đá đi!
- Nghề trọng tài bóng đá?
- Ừ, chắc chắn tụi nó sẽ nhầm với nghề cảnh sát giao thông!
Tiểu Long đem “sáng kiến” của Mạnh bàn với hai bạn. Quý ròm bĩu môi:
- Nghề trọng tài bóng đá dễ ợt! Tụi nó chỉ cần co chân giả bộ đá bóng, xong thổi hoét một cái, rồi vờ rút thẻ vàng thẻ đỏ trong túi giơ lên là biết ngay!
Nhỏ Hạnh vỗ vỗ trán:
- Hay mình đề nghị tụi nó làm cảnh sát giao thông! Như vậy tụi nó dễ nhầm với trọng tài bóng đá hơn!
Quý ròm nhíu mày một hồi rồi gật gù:
- Cũng được! Nghề cảnh sát giao thông khó làm điệu bộ hơn nghề trọng tài!
Nhưng một lần nữa, thằng Thái khiến bọn Quý ròm dở cười dở mếu.
Chúa ranh ma, Thái đóng vai cảnh sát giao thông lúc cúp điện, đèn xanh đèn đỏ đèn vàng đều tắt ngóm. Nó bước ra giữa ngã tư tưởng tượng, điều khiển các luồng xe cộ bằng tay. Điều đó quả ra ngoài ý nghĩ của Quý ròm và nhỏ Hạnh. Bởi vì trong tình huống đặc biệt đó, cảnh ságiao thông chính hiệu cũng chỉ dựa vào động tác tay để hướng dẫn các dòng xe lưu thông giống như thằng Thái cảnh sát giao thông giả hiệu thôi.
Dĩ nhiên Thái vừa làm qua loa vài ký hiện là phe nó nhận ra ngay:
- A, cảnh sát giao thông!
Có đứa còn vỗ tay hát:
- Cảnh sát giao thông
Mời ông mời bà
Bước qua bước lại…
Lần này không đợi anh Việt hỏi, Quý ròm lật đật mở miệng nhận thua rồi nôn nóng phóng qua phe đối phương nhận “đề thi” để mong “gỡ gạc”.
Nào ngờ “đề thi” thứ hai còn khiến Quý ròm tá hoả hơn “đề thi” thứ nhất. Vừa nghe thằng nhóc mũi hếch mở miệng thì thào, Quý ròm đã giật nảy:
- Làm gì có nghề bán chỗ đứng! Tụi mày đừng có chơi trò gian lận!
Câu nói của Quý ròm làm thằng nhóc mũi hếch nổi nóng:
- Chơi có trọng tài mà gian lận nỗi gì! Nếu trọng tài tuyên bố tụi tao bịa ra những nghề không có thật, tụi tao sẵn sàng nhận thua, không những thế tụi tao sẽ thay nhau cõng bốn đứa tụi mày về tới tận nhà luôn!
Thấy đối phương nói cứng, Quý ròm không dám phản đối nữa. Nó đành rầu rĩ dỏng tai nghe thằng nhóc mũi hếch giải thích nghề “bán chỗ đứng” là cái nghề độc đáo như thế nào và lo lắng không biết phải diễn tả cái nghề quái dị đó ra sao.
Theo lời thằng nhóc mũi hếch thì mấy năm trước đây, tức là vào cái thời hoàng kim của nghệ thuật cải lương, các bà các cô ngày nào cũng chen nhau xếp hàng nghìn nghịt trước các rạp hát và hồi đó, rất nhiều đứa trẻ đã “phất” lên nhờ cái nghề “bán chỗ đứng” kỳ khôi này.
Đứa trẻ hành nghề này suốt ngày phải quanh quẩn trước các rạp hát, hễ đánh hơi thấy các quầy bán vé rục rịch mở cửa là lẹ làng nhảy vào xếp hàng.
Trong khi những khán giả chân chính mắt nhìn đăm đăm về phía quầy vé chờ tới lượt mình thì vị khán giả nhóc con này mặt mày lơ láo trông ngang liếc ngửa, nom “gian” không thể tả.
Khi phát hiện một khán giả nhiệt tình nhưng chậm chân đang vò đầu bứt tai vì không mua được vé, cứ chen vào hàng lại bị những người tới trước đẩy bật ra, đứa trẻ hành nghề “bán chỗ đứng” lập tức tiếp cận với “con mồi” để lễ phép xin nhường lại vị trí béo bở của mình với một giá cả phải chăng. Và trong lịch sử của nghề “bán chỗ đứng” trước các rạp hát, những đề nghị loại này hình như chưa bao giờ bị “khách hàng” từ chối.
Quý ròm cũng vậy. Nó không thể “từ chối”. Nó buộc phải thể hiện một thứ nghề ngỗng mà chỉ nghĩ đến thôi nó vừa cảm thấy đau khổ lại vừa muốn phá ra cười.
Và đến khi Tiểu Long nhìn chăm chăm những cử chỉ xun xoe mời mọc của nó rồi tí tởn la lớn “Nghề bán vé số!” thì Quý ròm không nhịn được nữa, bèn ôm bụng cười.
- Đúng không mà cười?- Tiểu Long ngẩn ngơ nhìn bạn.
Quý ròm chưa kịp đáp thì thằng nhóc mũi hếch đã lên tiếng:
- Sai bét bè be rồi! Cho tụi mày nói lại đấy!
Phe Tiểu Long lại bàn bạc, lại tranh cãi, lại đáp:
- Nghề giữ xe!
Tất nhiên, lại sai. Và thằng nhóc mũi hếch lại hoà phóng:
- Cho nói thêm lần nữa!
Nhưng lần này, Tiểu Long, nhỏ Hạnh và thằng Mạnh vừa chụm đầu vào, Quý ròm đã nhăn nhó:
- Khỏi đoán! Phe mình đáp không trúng đâu!
Nhỏ Hạnh tròn mắt:
- Nghề gì mà khó thế?
- Nghề… bán chỗ đứng!
Quý ròm đáp xuôi xị. Rồi bằng giọng ngán ngẩm, nó méo xệch miệng gượng gạo mô tả cho những bộ mặt đang ngơ ngác kia biết cái nghề lạ tai nọ thực ra là cái nghề quái quỷ gì.