Chương 7
Quý ròm chiều chiều bắc ghế ngồi cạnh giường nằm của nhỏ Diệp, kể chuyện cho em nghe, mong em khuây khỏa. Đó là chuyện lạ. Xưa nay Quý ròm chưa bao giờ có những "nghĩa cử" như vậy. "Nó chỉ quát nạt em là giỏi", mẹ vẫn nói về Quỷ ròm như vậy, mỗi khi bắt gặp cảnh nhỏ Diệp ngồi nghe anh giảng bài mà nước mắt nước mũi sì sụt.
Nhưng bây giờ thì mẹ không nói về Quý ròm như thế nữa. Cả bà, cả ba, cả anh Vũ cũng vậy. Bây giờ mọi người nói "Ờ, nó thương em ghê!".
Lúc đầu nghe mọi người khen mình, Quý ròm cảm thấy bối rối quá chừng. Nó cứ thấy ngường ngượng làm sao. Nhưng bây giờ thì nó hơi quen quen rồi.
Trước đây nó nghĩ nó chỉ thương em sơ sơ nên khi được khen nó cảm thấy lúng túng và xấu hổ. Bây giờ, nó biết là nó thương nhỏ Diệp nhiều hơn nó tưởng, vì vậy nó không còn cảm giác làm mình vờ vịt để đánh lừa mọi người nữa.
Ừ, nếu không thương em thì dễ gì nó chịu bó gối ngồi nhà mỗi chiều kể chuyện cho em nghe, mặc dù nó vô cùng sốt ruột khi thấy nhỏ Diệp cứ nằm hoài không chịu hết ốm để nó có thể mặc sức rong chơi cùngTiểu Long và nhỏ Hạnh.
Nói đúng ra, Quý ròm không chỉ kể chuyện cho mỗi mình nhỏ Diệp. Hai, ba ngay gần đây, đám bạn nhỏ Diệp dắt díu nhau tới thăm nó, thấy Quý ròm có tài kể chuyện thêm mắm thêm muối khá hấp dẫn, bèn rủ nhau nán lại nghe ké.
Sự kiện bất ngờ này làm Quý ròm phấn khởi tợn. Thương em thì Quý ròm nhà ta quả có thương thật nhưng ngồi đóng đinh một chỗ để kể hết chuyện này đến chuyện khác, hết ngày này qua ngày khác, nó đã bắt đầu thấy chán.
Đó là chưa nói Quý ròm vốn chẳng có nhiều chuyện để kể. Xưa nay nó chỉ đọc toàn sách khoa học kỹ thuật. Để có thể giúp em khuây khỏa, nó phải chạy qua nhà nhỏ Hạnh bê về hai bộ truyện cổ dày cộm của Andersen và Grimm, chúi mũi đọc mê đọc mải.
Nhưng may làm sao, đúng vào lúc nó cảm thấy nhạt dần hứng thú, đám bạn của nhỏ Diệp lại hùa vào khen lấy khen để:
- Ôi, anh Quý kể chuyện hay ghê!
- Cứ y như chương trình kể chuyện trên tivi ấy!
Quý ròm đang xụi lơ như chiếc xe hết xăng, nay bỗng dưng được tiếp thêm nhiên liệu, tức khắc "nổ bình bịch" trở lại:
- Ối, nhằm nhò gì! Anh còn nhiều chuyện hay hơn nữa cơ!
- Như chuyện gì chẳng hạn?
Quý ròm vung tay, vẫn "anh anh em em" ngọt xớt:
- Nhiều lắm1 Như chuyện Em bé bán diêm chẳng hạn! Chiều mai các em đến đây, anh sẽ kể cho nghe!
Nghe Quý ròm hứa hẹn, chiều hôm sau, mới hai giờ bọn nhóc đã có mặt. Bây giờ thì ngay cả tác giả truyện này cũng không rõ bọn nhóc này đi thăm người ốm hay là đi thăm anh của người ốm! Nhưng nhỏ Diệp chăng băn khoăn gì về chuyện đó. Hễ nghe bạn bè tán dương anh mình là nó sung sướng rồi!
Khi kể chuyện cho mỗi mình nhỏ Diệp, Quý ròm trịnh trọng một thì khi kể chuyện cho cả một đám thính giả đang háo hức nghển cổ kia, dĩ nhiên Quý ròm phải trịnh trọng mười.
Nó vuốt vuốt cổ áo, đằng hắng một tiếng rõ to:
- Yên lặng! Yên lặng!
Bọn nhóc đang lao nhao lập tức im phắt. Quý ròm khoái lắm, tiếp tục ra oai:
- Đặt tay chân cho ngay ngắn lại!
Bọn nhóc vội vã thu tay xếp chân.
Chờ thêm một phút cho không khí thêm phần trang nghiêm, Quý ròm mới từ tốn mở đầu:
- Ngày xửa ngày xưa, có một em bé bán diêm sống rất nghèo khổ. Lúc người đàn bà hiền hậu của em còn sống, dĩ nhiên em không đến nỗi cơ cực như vậy. Nhưng sau khi bà mất, gia đình em ly tán và em phải sống chui rúc trên một căn gác xép tồi tàn và rách rưới với một người cha lúc nào cũng đánh mắng em...
- Tội ghê! Còn bé như thế mà đã...
Quý ròm mới kể đến đó, nhỏ Thùy Vân ngồi bên cạnh bỗng ngậm ngùi buột miệng. Nhưng vừa hé môi, bắt gặp cái trừng mắt của Quý ròm, nó lật đật ngậm chặt miệng lại.
- Vào một đêm giáng sinh giá rét nọ, - Quý ròm kể tiếp - em đi lang thang ngoài phố để bán diêm. Nhưng em đi mãi, đi mãi, dọ dẫm qua khắp các ngả phố tối tăm và lạnh buốt mà vẫn không bán được bao diêm nào, bụng lại đói meo vì suốt ngày chẳng có gì vào bụng. Em cũng không dám về nhà vì sợ bị cha đánh. Cuối cùng, em đành chui vào một góc tường để tránh rét...
- A! - Một tiếng reo thình lình vang lên cắt đứt lời kể của Quý ròm - Tưởng Em bé bán diêm là chuyện nào chứ chuyện này thì em đã đọc rồi!
Quý ròm đánh mắt sang thằng Đạt, hừ giọng:
- Mày đọc rồi thì ngồi im để cho những người khác nghe!
Thằng Đạt là bạn thằng Tùng em nhỏ Hạnh. Nó tuy chẳng chơi thân với nhỏ Diệp nhưng từ ngày nhỏ Diệp ốm, nó và thằng Nghị vẫn hay theo thằng Tùng qua nhà Quý ròm chơi.
Thằng Đạt bép xép là chúa hay cãi, nhưng bị Quýa ròm nạt, lại bắt gặp những ánh mắt khó chịu của đám thính giả xung quanh, liền rụt cổ nín thinh.
Nhỏ Diệp nhỏ nhẹ:
- Anh kể tiếp đi!
Quý ròm lườm thằng Đạt một cái nữa rồi hắng giọng:
- Thu mình trong góc khuất vẫn không hết cóng, em đánh liều rút từ trong bao ra một que diêm và quẹt vào tường để sưởi. Ngọn lửa lúc đầu xanh lam, dần dần ngả sang màu biếc, rồi trắng ra, rực hồng quanh que gỗ, trông rất vui mắt. Em hơ tay lên hơi nóng dịu dàng, tưởng tượng mình đang ngồi trước lò sưởi ấm áp của những tháng ngày xa xưa...
Giọng Quý ròm bùi ngùi, đầy diễn cảm khiến bọn nhóc xúc động đến thuỗn mặt.
- Nhưng rồi que diêm tắt và lò sưởi biến mất. Em đánh que diêm thứ hai. Khi ngọn lửa lóe lên, bức tường trước mắt em biến thành một tấm rèm bằng vải màn. Em nhìn xuyên qua tấm rèm, thấy trong nhà bàn ăn đã dọn. Khăn trải trắng tinh, bên trên bày toàn bát đĩa bằng sứ quí giá, và có cả một con ngỗng quay thơm phức...
Nhỏ Oanh bồn chồn vọt mienẹg:
- Thế rồi que diêm có tắt không hở anh?
Quý ròm chưa kịp trả lời thì thằng Đạt dã ngứa miệng đáp thay:
- Diêm nào là diêm chả tắt!
Nhỏ Diệp lo lắng hỏi xen:
- Thế khi que diêm tắt, mọi thứ cũng sẽ biến mất theo luôn ư?
Lần thứ hai, Đạt lại cướp lời Quý ròm. Nó cười hề hề, vẻ hiểu biết:
- Tất nhiên rồi! Con ngỗng quay và bức rèm kia chỉ là tưởng tượng thôi, làm quái gì có thật!
Thấy thằng Đạt lắm mồm cứ nhảy chồm chồm vào miệng mình, Quý ròm tức lắm. Nhưng nó cố nén, kể tiếp:
- Que diêm tắt, trước mặt em chỉ còn trơ bức tường lạnh lẽo. Bàn ăn thịnh soạn biến mất, quanh em vẫn là phố xá vắng teo, lạnh buốt, tuyết phủ trắng xóa, xa xa vọng lại tiếng bước chân của những khách qua đường quần áo ấm áp đang náo nức đến nơi hò hẹn...
Lần này tới phiên nhỏ Thùy Vân nôn nao lên tiếng:
- Rồi em bé sẽ quẹt tiếp que diêm thứ ba chứ?
Khi nay vừa mở miệng, bị Quý ròm trừng mắt, Thùy Vân hoảng vía ngậm tăm. Nó dặn bụng "ngồi im, ngồi im" nhưng cuối cùng nó lại không nhịn được. Hoàn cảnh đáng thương của em bé bán diêm khiến nó quên bẵng những gì nó tự nhủ nãy giờ.
Hỏi xong, Thùy Vân mới sực nhớ, liền giật mình len lét liếc về phía Quý ròm. Nhưng Quý ròm lúc này tỏ ra dễ tính khác thường. Nghe Thùy Vân hỏi, nó gật đầu vui vẻ:
- Đúng thế! Sau đó em bé quẹt que diêm thứ ba. Lần này, em nhìn thấy một cây thông Noel hiện ra trước mắt. Cây thông rất đẹp, đẹp hơn gấp nhiều lần những cây thông em từng nhìn thấy qua cửa kính của các hiệu buôn giàu có. Hàng ngàn ngọn nến sáng rực, lấp lánh trên cành lá xanh tươi và có rất nhiều bức tranh màu sắc rực rỡ giống hệt những bức bày trong các tủ hàng. Em vươn đôi tay về phía cây thông nhưng rồi...
- ...que diêm phụt tắt! - Đạt nhanh nhẩu tiếp lời.
Trong khi Quý ròm cau mày đánh mắt sang Đạt định "quạt" cho nó một trận về cái tội nói hớt thì nhỏ Diệp, nhỏ Oanh, nhỏ Thùy Vân, kể cả thằng Nghị ít lời ngồi lặng lẽ nãy giờ, đều đồng loạt nhao nhao phản đối:
- Đừng có nói bậy! Que diêm không tắt!
Đạt mím môi:
- Tắt!
- Không tắt!
Đạt cười khảy:
- Chắc chắn là tắt! Em đã đọc truyện này rồi. Tới chỗ này thì diêm tắt.
Nghe Đạt khăng khăng, bốn đứa kia lập tức quay nhìn Quý ròm, vẻ cầu cứu.
Quý ròm thở đánh thượt, buồn bã xác nhận:
- Đúng là tới chỗ này thì diêm tắt! - Rồi lướt mắt qua những khuôn mặt đang ngẩn ngơ kia, nó vội vã nói thêm - Nhưng sau đó, em bé quẹt que diêm thứ tư, và lần này thì người bà hiền hậu của em hiện ra. Bà mỉm cười với em, âu yếm vuốt tóc em và ôm em vào lòng.
Tới lúc này, chuyện người bà hiện ra chẳng làm bọn nhóc vui lên mấy tí. Nhỏ Diệp thở dài, bất giác lặp lại "luận điệu" của thằng Đạt:
- Nhưng đó chỉ là tưởng tượng thôi. Rồi que diêm thứ tư cũng sẽ tắt theo những que diêm kia và người bà lại biến mất!
Giọng lưỡi bi quan của nhỏ Diệp khiến Quý ròm cảm thấy xao xuyến khôn tả. Nhỏ Diệp tuy bề ngoài lém lỉnh, nghịch ngợm nhưng thật ra lại là đứa rất đa cảm. Hôm trước Quý ròm kể chuyện Con mèo đi hia, mới kể đến chỗ người em út định giết con mèo, chỉ định giết thôi chứ chưa giết, mà nhỏ Diệp đã bịt tai giãy nảy lên rồi, huống hồ gì chuyện Em bé bán diêm.
Chuyện Em bé bán diêm có kết thúc rất buồn thảm. Khi người bà tan biến theo ánh sáng của que diêm, em bé đã cuống quít quẹt hết que diêm này đến que diêm khác để mong giữ bà lại. Và sáng hôm sau khách qua đường nhìn thấy trong xó tường một bé gái có đôi má hồng nằm chết giữa những que diêm vương vãi, miệng vẫn còn mỉm cười. Hẳn khi từ giã cõi đời để về bên kia thế giới, em đang mỉm cười với bà em trong giấc mơ được thắp lên từ những que diêm bé nhỏ.
Quý ròm liếc nhỏ Diệp, rồi đưa mắt qua chỗ nhỏ Oanh, nhỏ Thùy Vân và thằng Nghị đang ngồi thấp thỏm chờ nghe tiếp, lòng rất đỗi phân vân.
Mãi một lúc, Quý ròm mới hắng giọng kể tiếp, quyết làm cho câu chuyện khác di:
- Việc người bà hiện ra không phải là tượng tượng đâu. Người bà hiện ra và không biến đi đâu nữa!
- Ôi, hay quá - Ba, bốn cái miệng cùng reo - Thật thế hở anh?
- Thì thật chứ sao! - Quý ròm nói giọng quả quyết, lần đầu tiên nó nói dối một cách hoan hỉ Khi người bà hiện, em bé nói với bà "Bà ơi, bà ề luôn với cháu nhé!", và người bà gật đầu "Ừ, bà sẽ về ở luôn với cháu! Bà sẽ không đi đâu nữa"...
- Không phải! Không phải vậy! - Đạt thình lình hét tướng - Anh kể sai rồi!
Rồi trước vẻ mặt ngơ ngác lo âu của bọn nhóc chung quanh, Đạt làm một lèo, nhanh đến nỗi Quý ròm không kịp chặn lại:
- Em bé không nói "Bà ơi, bà về luôn với cháu nhé" mà nói "Bà ơi, cho cháu đi theo bà với". Sau đó người bà cầm lấy tay em bé bay vút lên cao, cao mãi, cao tít mù! Mà bay cao như vậy có nghĩa là về chầu trời đấy!
Nhỏ Diệp tái mặt:
- Là chết ư?
- Thì chết chứ sao! Vừa đói vừa rét, lại ngồi suốt đêm ở ngoài trời, làm sao em bé bán diêm đó sống nổi!
Đạt ưỡn ngực đáp, mặt nhơn nhơn vì đã nêu ra một lập luận vững chắc.
Trong khi đó, bốn đứa còn lại mặt như đưa ma. Nhỏ Diệp quay sang Quý ròm, giọng thiểu não:
- Nhóc Đạt nói có đúng không hở anh?
- Đúng thế quái nào được! - Quý ròm gầm gừ - Tao đã bảo em bé không chết là không chết!
Đạt gân cổ:
- Chết!
Quý ròm nghiến răng:
- Không chết!
Đạt nhất quyết không chịu thua. Nó vung tay:
- Chết ngủm cù đeo! Trong sách bảo vậy!
Quý ròm bĩu môi:
- Xạo đi!
- Em chả xạo! - Đạt đỏ mặt tía tai - Trong sách còn nói rõ sáng hôm sau những người đi đường bắt gặp em bé bán diêm nằm chết còng queo bên vách tường...
Đạt "nói có sách mách có chứng" khiến Quý ròm nghẹn họng. Phải loay hoay mất một lúc, nó mới nghĩ ra được cách phản bác.
- Hê hê! Nói xạo mà cũng không biết cách! - Quý ròm nhếch mép châm chọc, rồi không để Đạt kịp phản ứng, nó nói luôn - Nghe tao hỏi nè! Em bé bán diêm ở suốt đêm ngoài trời, đúng không?
Đạt gật đầu:
- Đúng.
- Mà đêm đó là đêm giáng sinh giá rét vì tuyết rơi không ngừng, đúng không?
Đạt lại gật đầu:
- Đúng.
Quý ròm cười ranh mãnh:
- Và nếu em bé bán diêm chết còng queo như mày nói thì tất nhiên phải nằm yên một chỗ không động đậy, đúng không?
Thấy Quý ròm hỏi vòng vo, Đạt bắt đầu chột dạ. Nhưng những câu hỏi Quý ròm nêu ra đều là sự thật, nó không thể không thừa nhận. Nó nhìn Quý ròm, giọng ngập ngừng:
- Đúng thế!
Chỉ chờ có vậy, Quý ròm giơ hai tay lên trời, giọng đắc thắng:
- Như vậy rõ là mày xạo rồi! Một thi thể bất động phơi suốt đêm ngoài trời chắc chắn sẽ bị tuyết lấp béng mất, sáng hôm sau còn nhìn thấy thế quái nào được!
Bọn nhỏ Diệp nín thở theo dõi cuộc chất vấn nãy giờ, đến đây thở đánh phào một cái và hớn hở hùa theo:
- Đúng rồi! Không thể có chuyện đó được.
- Tuyết đã rơi suốt đêm thì nhà cửa còn bị phủ kín, nói chi là một xác chết!
- Hi hi! Thế mà dám bảo em bé bán diêm về chầu trời! Xạo ơi là xạo!
Bọn nhỏ Diệp mặt mày tươi tỉnh bao nhiêu thì Đạt bí xị bấy nhiêu. Nó tức muốn xịt khói lỗ tai nhưng nhìn quanh thấy chẳng ai muốn tin lời nó, nó đành mếu xệch miệng:
- Truyện kể thế nào thì em nhắc lại như thế, còn chuyện tại sao tuyết không lấp em bé bán diêm là do sách viết thế chứ đâu phải em xạo...
Nghe thằng Đạt phân trần và đổ thừa mọi tội lỗi cho ông nhà văn Andersen, Quý ròm không khỏi cười thầm. Thực ra, tác giả truyện Em bé bán diêm đã cẩn thận sẵp xếp cho nhân vật vào nấp giữa hai bức vách để tránh rét ngay từ đầu, nên em bé bán diêm không bị tuyết lấp là điều đương nhiên. Nhưng thằng Đạt vừa bẻm mép vừa khù khờ này lại không chú ý đến chi tiết đó, cứ mồm năm miệng mười lôi ông Andersen ra trách móc.
- Ờ, tao nghĩ lại rồi! - Cuối cùng !uý ròm tìm cách xoa dịu Đạt Mày khong xạo, nhưng có lẽ mày nhớ nhầm!
Quý ròm tưởng "gỡ" cho Đạt cái tội "xạo", đối phương sẽ cảm kích mà im mồm đi cho. Nào ngờ, Quý ròm vừa nói xong, Đạt lại nhảy nhổm:
- Không! Em không xạo, cũng không nhớ nhầm! Đích xác là như thế! Nếu anh không tin, hôm nào em tìm cuốn sách có câu chuyện Em bé bán diêm này đến cho anh xem.
Thấy Đạt đòi trưng bằng cớ, Quý ròm biết càng đôi co nhì nhằng càng bất lợi. Nó gạt phắt:
- Tao chả cần xem cuốn sách của mày! Nếu mày đã nhớ nhầm thì sách cũng có thể... in nhầm, xem làm cái cóc khô gì!
Trong khi Đạt há hốc miệng trước lời phán ngang như cua của Quý ròm thì giọng nhỏ Diệp nhỏ nhẹ vang lên:
- Ừ, sách cũng có thể in nhầm lắm chứ!
Câu nói của nhỏ em khiến Quý ròm cảm kích đưa mắt nhìn sang. Và nó bất giác ngẩn người khi thấy nhỏ Diệp ủng hộ mình mà mặt mày của nhỏ sao buồn hiu đến vậy!