Kính vạn hoa - Tập 21 - Tướng quân


Chương 10
Quốc Ân đeo râu dài, cổ mang gông, hai tay bị trói, lếch thếch đi phía trước. Kèm sát phía sau là Hải quắn cùng ba tên thuộc hạ Lan Kiều, Quỳnh Như và Lệ Hằng. Bốn đứa này đi đứng hùng hổ, miệng không ngừng quát tháo. Chốc chốc Hải quắn còn cao hứng co chân đá vào người Quốc Ân khiến thằng này co rúm lại. Đây rõ là cảnh giải tù.
Chí Mỹ gắn ria mép, nước mắt nước mũi sì sụt, tất tả chạy theo người bị bắt. Căn cứ vào râu ria trên mặt, có thể đoán ra họ là hai cha con.
Mặc dù bị Hải quắn và ba tên thuộc hạ kịch liệt ngăn cản, cuối cùng Chí Mỹ vẫn níu được tay "cha mình" và bám riết lấy, vẻ như đòi đi theo.
Quốc Ân quay lại nhìn "con", nghiêm mặt khuyên bảo gì đó. Thoạt đầu, Chí Mỹ lắc đầu tỏ ý không chịu vâng theo. Nhưng đến khi Quốc Ân mặt mày sa sầm lộ vẻ giận dữ thì Chí Mỹ buông tay "cha", không đòi theo nữa.
Trong khi Hải quắn cùng Lan Kiều, Lệ Hằng, Quỳnh Như tiếp tục giải Quốc Ân lên đường thì Chí Mỹ đứng tại chỗ đưa tay gạt lệ, mặt buồn rười rượi trông theo. Một hồi lâu nó mới thất thểu quay về... chỗ ngồi.
Hoạt cảnh "bí hiểm"của tổ 2 khiến toàn thể tổ 3 xanh mặt.
Tổ 3 là tổ tập trung nhiều học sinh giỏi như nhỏ Tú Anh, lớp trưởng Xuyến Chi và lớp phó Vành Khuyên. Vậy mà khi cô Trinh hỏi "Các em tổ 3 có biết hoạt cảnh của tổ 2 diễn tả sự kiện gì không?", cả sáu đứa trong tổ đều bối rối đưa mắt nhìn nhau.
Các tổ khác cũng chụm đầu bàn tán sôi nổi và cũng như tổ 3, mặc dù đã suốt một tuần nghiên cứu đủ thứ tài liệu sách báo vẫn chẳng tổ nào đoán ra cặp "cha con" Quốc Ân - Chí Mỹ là những nhân vật nào trong lịch sử.
Tiểu Long khều Quý ròm:
- Mày biết tụi nó diễn tích gì không?
Quý ròm thở phì:
- Nước mình có tới mấy ngàn năm chống ngoại xâm, người bị giặc bắt có đến hàng đống, tao làm sao biết hết được!
Thấy Quý ròm trả lời ngang phè, Tiểu Long ngán ngẩm chẳng buồn hỏi nữa. Nó ngước mắt nhìn lên chỗ ban giám khảo ngồi, ước gì nhỏ Hạnh đừng bị cô Trinh mời lên ngồi trên đó.
Cô Trinh lặp lại câu hỏi đến lần thứ ba, thấy tổ 3 vẫn im ru bà rù, liền đưa mắt nhìn quanh:
- Các tổ khác, tổ nào trả lời được?
Nhưng "các tổ khác" vẻ như kiên quyết noi gương tổ 3. Cô Trinh hỏi đi hỏi lại hai, ba lần, cả lớp vẫn im như thóc.
Trong lúc đứa nào đứa nấy đang chờ ban giám khảo tuyên bố "lớp này dốt đặc" thì Lâm bất thần đứng dậy:
- Thưa cô, em biết ạ!
Lại thằng Lâm nhanh nhẩu đoảng! Tụi bạn sửng sốt nhủ bụng và trố mắt tò mò xem nó trả lời ra sao.
Cô Trinh gật đầu:
- Em nói đi!
Lâm ung dung đáp, vẻ như đã quên bẵng cú "sụp hố" vừa rồi:
- Thưa cô, hoạt cảnh của tổ 2 diễn tả cảnh Vương ông bị bọn sai nha bắt ạ!
- Vương ông? - Cô Nga tròn mắt - Vương ông nào thế?
- Vương ông là cha của Vương Thúy Kiều đó cô! Ổng bị thằng bán tơ vu oan nên sai nha đến bắt, vì vậy con trai ổng là Vương Quan mới chạy theo năn nỉ!
Cô Trinh mỉm cười:
- Em đọc chuyện này ở đâu thế?
Lâm ưỡn ngực:
- Ở trong Truyện Kiều của Nguyễn Du đó cô! Truyện Kiều hay lắm cô ơi!
Lâm học văn chẳng có gì xuất sắc, nhưng lại thuộc khá nhiều thơ. Vì vậy, nó có tài đặt vè, từng vỗ ngực tự xưng là "thi sĩ Hoàng Hôn".
Nhưng lần này "thi sĩ Hoàng Hôn" đã bị "bé cái nhầm".
Cô Trinh lắc đầu:
- Đây là hoạt cảnh lịch sử chứ không phải hoạt cảnh văn học! Lâm ngồi xuống đi!
Lâm vừa ngồi xuống thì nhỏ Xuyến Chi đột ngột đứng lên:
- Thưa cô, em nhớ ra rồi ạ!
- Em nói đi!
Nhỏ Xuyến Chi liếm môi:
- Thưa cô, hoạt cảnh vừa rồi của tổ 2 diễn tả chuyện Nguyễn Trãi đòi đi theo cha ạ!
- Hay lắm! - Cô Trinh long lanh mắt - Thế tại sao Nguyễn Trãi lại đi theo cha?
- Thưa cô, tại cha của ông bị giặc Minh bắt ạ!
- Tại sao giặc Minh bắt cha của ông?
Nhỏ Xuyến Chi ấp úng:
- Thưa cô, em không biết ạ!
Cô Nga bỗng hỏi xen:
- Thế em có biết cha của Nguyễn Trãi tên là gì không?
Nhỏ Xuyến Chi lại lắc đầu:
- Thưa không ạ!
Rồi sợ không trả lời được hai câu liền sẽ bị cho điểm thấp, nó vội vã nói:
- Nhưng em biết khi cha ông bị giặc giải đi, ông theo cha đến tận ải Nam Quan, cứ nằng nặc đòi đi cùng cho bằng được. Cha ông không cho, khuyên ông trở về lo việc báo thù cho cha rửa hận cho nước...
- Thôi được! - Cô Nga gật gù - Em trả lời thế đã khá lắm rồi!
Rồi cô vẫy tay:
- Em ngồi xuống đi! Cô cho tổ 3 điểm chín!
Cô Trinh quay sang Hạnh:
- Em nhớ rõ sự kiện này chứ?
- Dạ nhớ ạ!
- Vậy em nói thêm cho các bạn biết đi!
- Thưa cô! - Nhỏ Hạnh từ tốn - Cha của Nguyễn Trãi tên là Nguyễn Phi Khanh, làm quan dưới triều Hồ Qui Li. Khi quân Minh sang xâm lược nước ta, ông cùng vua tôi nhà Hồ bị giặc bắt giải về Kim Lăng. Hai con ông là Nguyễn Trãi và Nguyễn Phi Hùng đưa ông đến tận Nam Quan nhưng ông chỉ cho Nguyễn Phi Hùng theo sang Kim Lăng, còn Nguyễn Trãi thì ông khuyên trở về tìm cách báo thù rửa hận...
Lời giải thích thao thao của nhỏ Hạnh khiến năm thành viên còn lại của tổ 4 tiếc ngẩn tiếc ngơ. Nhất là bây giờ tới lượt tụi nó phải giải đáp hoạt cảnh tổ 3 đang sắp sửa bày ra kia.
Hiển Hoa quay sang Cung:
- Tiếc quá hở Cung?
- Tiếc chuyện gì?
- Chuyện bạn Hạnh đó! Nếu bạn Hạnh không lên trên kia, tổ mình chả phải thấp thỏm!
Cung vênh mặt:
- Chả có gì phải lo!
Thấy thằng Cung học hành làng nhàng này giở giọng hách xì xằng, nhỏ Hiển Hoa tính nói kháy một câu nhưng nó chưa kịp mở miệng thì một con voi từ ngoài cửa lù lù đi vô.
Thằng Bá khoác áo đỏ, cổ buộc khăn vàng, ngồi vắt vẻo trên lưng voi, râu ria tua tủa, mặt mày oai vệ.
Cũng như con voi của bọn Quý ròm, con voi của tổ 3 khoác một tấm vải dày, bên dưới thò ra bốn cái cẳng chân đang chậm chạp bước, rõ là chân của thằng Phước và thằng Đặng Đạo.
Tiểu Long trợn mắt:
- Ồ, tụi này cũng cỡi voi!
Cung "xì" một tiếng:
- Con voi của tụi nó xấu hoắc, chẳng bằng một góc con voi của tổ mình!
Ý Cung muốn khoe khoang tài trang trí... voi của nó. Nhưng Cung không nói khoác. Con voi Bá đang cỡi thua xa con voi của tổ 4.
Kim Em cười khúc khích:
- Voi gì chẳng có tai, cũng chẳng có vòi!
Quý ròm bĩu môi:
- Thế mà cũng là voi đấy!
Quả thật, tổ 3 chả buồn dán tai voi bằng giấy, chẳng có chiếc vòi ngoe nguẩy bằng ống cao su. Vòi và tai voi được vẽ ngay trên tấm vải khoác.
Phước và Đặng Đạo chui vào dưới tấm vải làm voi cho Bá cỡi, tổ 3 chỉ còn lại Vành Khuyên, Xuyến Chi và Tú Anh.
Ba con nhỏ này đi sau lưng voi, cùng khệ nệ khiêng một tấm ván dài, chắc là mặt bàn hư mượn trong nhà kho của trường. Ba đứa đặt ngang tấm ván trước ngực giả làm mộc, nghiêm nghị bước theo sau Bá.
Cả bọn đang tiến lừ lừ, thình lình Bá vung tay hét tướng "Xung phong!". Ngay lập tức Vành Khuyên, Xuyến Chi và Tú Anh khiêng tấm ván chạy ào lên phía trước.
Con voi của Bá cũng tiến lên theo, hăm hở rảo quanh một vòng, rồi... đủng đỉnh quay đầu đi trở ra hành lang.
Hoạt cảnh tổ 3 dàn dựng đơn giản đến mức năm đứa ở tổ 4 mặt mày đều thất sắc.
Nhỏ Hiển Hoa quay ra sau:
- Tụi nó dựng hoạt cảnh kiểu gì lạ quá Quý ơi!
Quý ròm làu bàu:
- Đánh đố thế này, bố ai mà biết!
Tiểu Long cũng buồn bã đồng tình:
- Hồi trước đánh giặc ai mà chẳng cỡi voi! Làm sao biết được nhân vật này là nhân vật nào!
Trong tổ, chỉ có thằng Cung là chẳng tỏ vẻ bực dọc. Khi con voi chở thằng Bá đi ngang qua trước mặt nó để ra hành lang, chả rõ nó phát hiện được điều gì mà mặt nó bỗng tươi hơn hớn.
Cung phấn khởi đến mức chả buồn đợi cô giáo hỏi, đã láu táu đứng lên:
- Thưa cô, người cỡi voi kia chính là Trần Hưng Đạo ạ!
Hành động đột ngột của Cung làm tụi Quý ròm ngẩn tò te.
Cả cô Trinh cũng ngạc nhiên:
- Sao em biết đó là Trần Hưng Đạo?
Cung đắc ý:
- Bởi vì Trần Hưng Đạo khi ra trận thường cỡi voi, hơn nữa bọn giặc mà vị anh hùng kia đang tiến đánh chính là giặc Nguyên Mông ạ!
Cô Trinh tròn mắt:
- Làm sao em biết vị anh hùng cỡi voi kia đang tiến đánh giặc Nguyên Mông?
Thắc mắc của cô Trinh cũng là thắc mắc của những đứa bạn cùng tổ với Cung. Chẳng đứa nào hiểu thằng Cung uống mật gấu này dựa vào đâu để quả quyết bọn giặc tụi thằng Bá đang tiến đánh là giặc Nguyên Mông. Mười cặp mắt của bọn Quý ròm nhìn chòng chọc vào Cung, hồi hộp chờ xem nó trả lời ra sao.
Nhưng Cung chẳng trả lời gì cả. Nó ngần ngừ một hồi rồi hỏi lại cô giáo:
- Ủa, vậy không phải là giặc Nguyên Mông hả cô?
Cô Nga ngồi cạnh mỉm cười:
- Tất nhiên là không phải! Em ngồi xuống đi! Lần sau phải suy nghĩ kỹ lưỡng trước khi đáp, không nên đoán mò như thế!
Cung vừa ngồi xuống, Quý ròm đã cự nự:
- Biết thì nói, không biết thì im quách đi cho! Mày làm xấu lây cả tổ!
Lời trách của cô Nga làm Cung đỏ bừng mặt. Lời trách của Quý ròm càng làm nó thêm nóng gáy. Và cho đến khi nghe những tiếng cười hí hí đầy chế giễu nổi lên ở bàn trên, chỗ tụi thằng Bá và Đặng Đạo ngồi - lúc này tụi tổ 3 đã về lại chỗ cũ - thì Cung không nhịn nổi. Nó đứng bật dậy:
- Thưa cô...
Cô Trinh nhướn mắt:
- Gì đó em?
- Thưa cô... - Cung đột nhiên ấp úng - Thưa cô...
Cô Nga mỉm cười động viên:
- Có gì em cứ nói đi!
Cung liếm môi thanh minh:
- Thưa cô, khi nãy không phải em nói bừa đâu! Chính bạn Đặng Đạo nói là giặc Nguyên Mông đấy ạ!
Trong khi Đặng Đạo ngồi ngẩn tò te trước lời tố cáo bất ngờ của Cung thì cô Trinh cau mày hỏi:
- Bạn Đặng Đạo bảo em thế ư?
Cung nuốt nước bọt:
- Thưa cô, bạn ấy không bảo thẳng với em, nhưng lúc bạn ấy cùng bạn Phước "chở" bạn Bá đi ra cửa, em nghe bạn ấy nhắc hai tiếng "Nguyên Mông" rõ ràng ạ!
Đặng Đạo hầm hầm đứng dậy:
- Thưa cô, bạn Cung bịa đấy cô ơi! Tụi em dại gì đi nhắc cho tổ khác!
Cung tức tối cãi:
- Thưa cô, có phải bạn ấy nhắc đúng đâu! Bạn ấy cố ý nhắc sai để tụi em bị điểm thấp đấy ạ!
Cung càng ra sức phân trần, bọn Quý ròm càng ngượng chín người. Thằng Cung này thật đúng là "ngốc tử"! Trong khi ngoác miệng tố cáo người khác đến đỏ mặt tía tai, nó đã tự tố cáo cái tội nghe lỏm đáng xấu hổ của mình mà không biết!
Đã mấy lần, Quý ròm tính thò tay lên bàn trên giật áo Cung ra hiệu cho nó ngồi xuống nhưng sợ các tổ khác chú ý nên không dám. Nó đành vờ chúi đầu vào cuốn tập trên bàn, làm bộ ta đây không biết gì hết!
Quý ròm mắt dán vào tập, nhưng tai vểnh lên nghe ngóng. Và đúng như lo lắng của nó, tiếng cô Trinh nghiêm khắc vang lên:
- Em Cung không tự suy nghĩ, buột miệng đáp bừa theo điều mình nghe lỏm, như vậy là sai! Còn em Đặng Đạo cố ý nhắc bậy cho bạn, cũng sai nốt!
Lời phán xử của cô Trinh làm Cung giật thót. Bây giờ nó mới kịp nhận ra phần sai trái của mình, bèn ngậm miệng làm thinh.
Nhưng Đặng Đạo thì bất phục. Nó thống thiết kêu oan:
- Thưa cô, em không hề nhắc bậy cho bạn Cung ạ! Không tin, cô hỏi bạn Phước xem!
Phước cùng Đặng Đạo đóng vai "voi", Phước làm hai chân trước, Đặng Đạo làm hai chân sau, nếu Đặng Đạo nhắc, tất nhiên Phước phải nghe thấy. Nghĩ vậy, cô Trinh thuận theo đề nghị của Đặng Đạo. Cô gọi:
- Phước!
- Dạ! - Phước đứng lên.
Cô Trinh nghiêm mặt:
- Em trả lời thật đi! Em có nghe bạn Đặng Đạo cố tình nhắc sai cho các bạn khác hay không?
Phước lắc đầu, quả quyết:
- Thưa cô, không ạ! Em chẳng nghe thấy gì cả!
Cùng lúc đó, trên bàn ban giám khảo, nhỏ Hạnh nghiêng đầu qua phía cô Trinh:
- Khi nãy em có nghe bạn Đặng Đạo nói một câu gì đó, thưa cô!
Cô Trinh nhìn chăm chăm vào Phước, hừ giọng:
- Em cố tình che giấu cho bạn phải không?
Phước xanh mặt:
- Thưa cô...
Cô Trinh cắt ngang:
- Em khai thật đi! Chính tai bạn Hạnh nghe rõ ràng kìa!
Trong khi Phước nhăn mày nhíu mặt cố nhớ xem lúc nãy bạn mình có giở trò gì không thì Đặng Đạo bỗng reo lên:
- A, em nhớ rồi, thưa cô!
Cô Trinh gật gù:
- Em nhận tội rồi phải không?
Đặng Đạo khụt khịt mũi:
- Thưa cô, khi nãy em có nói, nhưng không phải nhắc bậy cho các bạn. Em chỉ nói với bạn Bá thôi ạ!
- Nói với bạn Bá? - Cô Trinh chớp mắt - Thế em nói gì với bạn Bá?
- Thưa cô, khi tụi em làm voi đã phân công bạn Bá cỡi trên lưng bạn Phước. Nhưng lúc con voi quay ra cửa, bạn Bá cứ tuột dần ra phía sau, thế là... thế là...
Nói tới đây, Đặng Đạo bỗng ngắc nga ngắc ngứ cả buổi khiến cô Trinh sốt ruột:
- Thế là sao?
Đặng Đạo nuốt nước bọt:
- Thưa cô, thế là... thế là bạn Bá... để đít ngay trên đầu em ạ!
Lời tường thuật thật thà và giàu hình ảnh của Đặng Đạo khiến cả lớp nãy giờ nín thở theo dõi "vụ án" bỗng phá ra cười rũ rượi.
Cô Trinh cố nén cười, gõ tay xuống bàn:
- Các em im lặng nào!
Rồi quay sang Đặng Đạo, cô nheo mắt:
- Chuyện đó thì liên quan gì đến chuyện bạn Cung tố cáo em nhắc bậy?
- Thưa cô, có chứ ạ! - Đặng Đạo quệt mồ hôi trán - Lúc bị bạn Bá ngồi lên đầu, em nổi cáu gắt khẽ "Mày nhích tới phía trước đi! Để nguyên cái mông lên đầu tao như thế, gãy cổ tao còn gì!". Thế là bạn Cung nghe lõm bõm được hai tiếng "nguyên mông"...
Cả lớp mới vừa im lặng được một chút đã lại đồng loạt cười nghiêng cười ngửa. Đứa nào đứa nấy cười đau cả bụng. Lần này thì cả ban giám khảo cũng không làm nghiêm được nữa. Cô Trinh, cô Nga và nhỏ Hạnh đưa mắt nhìn nhau, môi mím lại để khỏi phì cười.
Quý ròm vừa chùi nước mắt vừa bảo Tiểu Long:
- Thằng Cung này thật khiến mình chết tức lại vừa chết cười mày ạ!
Rồi chồm lên bàn trên, Quý ròm thò tay định khều vai Cung và "xỏ" nó một câu cho bõ tức nhưng khi sắp chạm vào đối phương, Quý ròm bỗng rụt tay lại. Thằng Cung trước mắt nó bây giờ nom tội quá. Vẻ nhơn nhơn biến mất, lúc này Cung co rúm người như con tôm, mặt cúi gằm không dám nhìn ai. Lời trình bày của Đặng Đạo và tiếng cười cợt của cả lớp khiến Cung xấu hổ chín người. Lúc này nó chỉ muốn chui tọt ngay xuống đất.
Không chỉ Quý ròm, ngay cả cô Trinh cũng kịp nhận ra vẻ đau khổ trong dáng điệu ủ rũ của Cung. Cô liền giơ tay:
- Các em im lặng! Còn ba em Cung, Phước và Đặng Đạo ngồi xuống đi!
Rồi để nhanh chóng dập tắt những tiếng cười vẫn còn rơi rớt, cô nhìn về phía tổ 4, hắng giọng hỏi:
- Sao, các em ở tổ 4 đã nhận ra hoạt cảnh của tổ 3 đề cập đến sự kiện lịch sử nào chưa?
Nghe cô giục, Kim Em và Hiển Hoa đồng loạt quay ra sau:
- Quý nghĩ ra chưa?
Quý ròm xụi lơ:
- Chưa!
Quý ròm miệng đáp còn mắt thì nhìn lên chỗ nhỏ Hạnh ngồi, cầu cứu. Nhưng nhỏ Hạnh ngồi kế cô Trinh và cô Nga, lại có bao nhiêu cặp mắt đang nhìn vào, có cho vàng nó cũng không dám "cứu bồ" lộ liễu.
Nhỏ Hạnh ngồi im, môi mím chặt nhưng Quý ròm phát hiện bàn tay trái của nhỏ Hạnh đang nắm lấy vạt áo.
Đầu Quý ròm xoay tít: Tại sao nhỏ Hạnh lại nắm lấy vạt áo nhỉ? Vạt áo thì nói lên điều gì? Càng nghĩ ngợi Quý ròm càng ngẩn ngơ. Nó chả hiểu nhỏ Hạnh nắm lấy vạt áo là để "nhắc tuồng" cho tổ 4 hay đó chỉ là một cử chỉ vô tình.
Trong lúc Quý ròm tuyệt vọng, định đứng dậy mở miệng nhận thua, một ánh chớp chợt lóe ngang óc nó. À, chắc nhỏ Hạnh muốn mình chú ý đến chiếc áo thằng Bá mặc khi nãy. Hà hà, mình nghĩ ra rồi, khi nãy thằng Bá mặc áo màu đỏ! Quý ròm mừng rơn. Nó nhớ nó đã từng đọc một cuốn sách trong đó người ta bảo vua Quang Trung, người anh hùng áo vải đất Tây Sơn, mỗi khi ra trận thường mặc chiến bào màu đỏ. Đúng rồi, đây chính là Quang Trung Nguyễn Huệ! Hồi đầu năm, lớp nó đã được học bài "Tây Sơn đánh tan quân Thanh". Vua Quang Trung cỡi voi đốc chiến hạ đồn Ngọc Hồi. Quân Thanh tung kỵ binh ra trận, Quang Trung cho voi chiến huỳnh huỵch đạp đất xông lên. Chiến mã quân Thanh thấy voi, sợ hãi rú lên quay đầu chạy, chà đạp lên nhau. Quân Thanh trên mặt đồn chúc nòng súng khạc lửa bắn nhầu vào quân Tây Sơn. Quang Trung chia quân xung kích thành hai mươi toán, mỗi toán mười người khiêng mộc gỗ bện rơm ướt bên ngoài nhất loạt xông lên. Đạn quân Thanh bị mộc cản, mất hiệu lực. Tới sát chân thành, quân xung kích Tây Sơn vứt mộc, rút đoản đao xông vào kịch chiến. Đại quân phía sau thừa thế tràn lên như nước vỡ bờ. Đồn Ngọc Hồi chìm trong bão lửa, quân Thanh tháo chạy tán loạn...
Ý này gợi ý kia, trong thoáng chốc Quý ròm bỗng dần dần nhớ lại những điều đã học, những điều mà nó đinh ninh mình đã quên mất từ lâu.
Do đó khi cô Trinh hỏi lại lần thứ hai:
- Tổ 4 có trả lời được không?
Thì Quý ròm bật ngay dậy, dõng dạc:
- Thưa cô, đó là cảnh vua Quang Trung hạ đồn Ngọc Hồi ạ!
Trong khi cô Trinh gật gù khen "Giỏi lắm!" thì mấy đứa tổ 4 vừa nhẹ nhõm thở phào vừa ngạc nhiên không hiểu tại sao thằng ròm này mới đây còn ngơ ngơ ngác ngác trước câu hỏi của cô giáo mà bây giờ đã đáp vanh vách thế không biết.
- Tại sao em biết đó là cảnh vua Quang Trung hạ đồn Ngọc Hồi? - Cô Trinh lại hỏi.
Quý ròm hùng hồn:
- Thưa cô, vì vua Quang Trung khi ra trận thường mặc áo đỏ. Hơn nữa khi đánh đồn Ngọc Hồi, Quang Trung đã ra lệnh cho quân sĩ dùng ván bện rơm để chống đỡ hỏa lực của quân địch. Khi nãy các bạn Vành Khuyên, Xuyến Chi và Tú Anh khiêng cái mặt bàn chạy tới chạy lui chính là để tả cảnh này đấy ạ!
Một lần nữa cô Trinh lại khen Quý ròm "Giỏi lắm!". Cô gục gặc đầu, vẻ hài lòng:
- Em ngồi xuống đi! Cô cho tổ 4 điểm tám. Đáng lẽ các em được điểm mười nhưng khi nãy Cung đã đáp sai một lần nên tổ các em bị trừ hai điểm!
Công bố của cô Trinh làm Quý ròm tức điên. Lần đầu tiên, nó tự lực trả lời trơn tru một câu đố về lịch sử mà không cần nhờ tới nhỏ Hạnh, à quên, nhỏ Hạnh có "mách nước" tí xíu, nhưng không đáng kể, vậy mà chỉ được có tám điểm. Khi nãy tổ 3 trả lời quờ quạng về Nguyễn Trãi, thế mà cũng được chín điểm. Tổ nó tám điểm coi như xếp bét lớp, nhục ơi là nhục!
Chính vì nỗi buồn phiền pha lẫn ấm ức đó mà "tên lính hầu" Quý ròm bước chân cứ thất tha thất thểu, chẳng còn bụng dạ đâu để đón nhận những lời trầm trồ của lũ bạn khi con voi của "Hưng Đạo vương" vừa đủng đỉnh bước vừa vung vẩy chiếc vòi một cách oai phong.
Thấy "Phạm Ngũ Lão" Tiểu Long ngồi đan rổ giữa đường, "Hưng Đạo vương" Kim Em hất đầu ra hiệu cho "lính hầu" Quý ròm.
Quý ròm bước tới, quát một tiếng lấy lệ rồi thờ ơ cầm khúc cây đâm vào đùi Tiểu Long.
Thằng Lâm ngồi bên dưới cười hô hố:
- Đâm nhẹ quá! Phải đâm nguyên cái mông nó ấy!
Câu nói giễu cợt của Lâm làm cả chục cái miệng cười theo.
Phía trên, voi Cung không rõ giận hay thẹn, chân cẳng run bắn khiến "Trần Hưng Đạo" ngồi trên lưng không ngừng lắc la lắc lư, mặt mày xám ngoét.
"Lính hầu" Quý ròm chứng kiến tất cả những cảnh đó. Từ nãy đến giờ đang buồn giận về chuyện điểm thấp, lại tức cái thói bép xép hại bạn của thằng Cung không biết làm sao phát tiết, giờ thấy thằng Lâm giở giọng cà khịa, còn thằng Cung thì rung rinh muốn hất cả "Trần Hưng Đạo" xuống đất, Quý ròm tức muốn xịt khói lỗ tai.
Môi mím chặt, tay run lên, nó nắm chặt khúc cây và thay vì đâm ỉu xìu như khi nãy, nó lụi một nhát thật lực vào đùi Tiểu Long như để trút cơn phẫn nộ.
Tiểu Long bất thần bị đâm đau điếng, mặt nhăn nhó chưa kịp nói gì đã bị Quý ròm lụi thêm một nhát thứ hai.
Nhát thứ hai của Quý ròm còn mạnh hơn nhát thứ nhất, mạnh đến nỗi khi "Hưng Đạo vương" xuống voi bước lại, "Phạm Ngũ Lão" vẫn không sao đứng dậy thi lễ được.
Đến lúc này, Quý ròm mới giật mình choàng tỉnh. Nó vội cúi xuống đỡ Tiểu Long đứng lên, bụng rủa mình tơi tả.
Kim Em nhìn thoáng qua bộ dạng của Tiểu Long, biết sự tình nghiêm trọng, liền nói qua quít vài câu rồi lật đật leo lên lưng voi ra lệnh quay đầu. Ở phía sau, giữa tiếng vỗ tay vang như sấm của khán giả, "tên lính hầu" dìu "Phạm tướng quân" cà nhắc đi theo.
Chưa có hoạt cảnh nào được hoan nghênh như thế. Bởi lẽ Tiểu Long đã diễn cảnh Phạm Ngũ Lão bị giáo đâm vào đùi vô cùng sinh động và cảnh tên lính hầu dìu Phạm tướng quân đi theo Hưng Đạo vương mới cảm động làm sao!
Ngoài Tiểu Long, Quý ròm và Kim Em, chẳng ai biết đó là sự lỡ tay của Quý ròm trong cơn khích động.
Vì vậy, trong khi Minh Vương tổ trưởng tổ 5 đứng lên trả lời ban giám khảo và đáp đâu trúng đó, đạt điểm mười gọn ơ thì ở dưới chỗ ngồi, Tiểu Long cự nự Quý ròm:
- Mày điên hả?
- Điên gì đâu!
- Không điên sao mày đâm tao nhát nào nhát nấy muốn què giò thế?
- Tao lỡ tay tí đỉnh mà!
- Hừ, tí đỉnh! Tí đỉnh mà đến giờ tao vẫn còn nghe buốt trong xương!
May cho Quý ròm, trong khi Tiểu Long vẫn chưa có vẻ gì muốn ngừng trách cứ thì cô Trinh đã lên tiếng kịp thời:
- Qua cuộc thi hoạt cảnh lịch sử vừa rồi, cô và cô Nga rất hài lòng trước sự chuẩn bị khá kỹ lưỡng của các em. Những cuộc thi bổ ích như thế này sẽ còn được tổ chức thêm nhiều lần nữa, vì vậy cô hy vọng các em không ngừng ôn luyện kiến thức và tìm hiểu sâu hơn về lịch sử nước nhà. Lịch sử là môn học đặc biệt, đó là môn học về nguồn gốc, tổ tông của mình. Càng hiểu lịch sử các em sẽ càng yêu mến và tự hào hơn về dân tộc mình. Những tấm gương sáng trong lịch sử sẽ động viên, khích lệ các em trong học tập cũng như trong cuộc sống...
Cô Trinh ngừng một lát như để những lời nói của mình ngấm vào tâm hồn học trò rồi khoan thai tiếp:
- Riêng ở cuộc thi sáng nay, về phần trả lời câu hỏi, các tổ 1, 2 và 5 đều đạt điểm tối đa, đồng hạng nhất. Còn về phần dàn dựng hoạt cảnh, tổ 4 nổi bật hơn cả. Bây giờ cô mời tổ trưởng tổ 1, tổ 2, tổ 5 và em Long ở tổ 4, người đóng xuất sắc vai Phạm Ngũ Lão bước lên bục để nhận quà thưởng của ban giám khảo...
Công bố của cô Trinh khiến các thành viên tổ 4 ngạc nhiên một cách sung sướng. Được tám điểm, xếp hạng bét, tưởng trắng tay đến nơi, không ngờ đến phút chót lại được lãnh giải "diễn viên xuất sắc".
Quý ròm quay sang Tiểu Long, cười khì:
- Thấy chưa! Còn trách tao nữa thôi! Nếu tao không đâm mày thẳng cánh đến nỗi mày phải đi cà nhắc, làm quái gì mày "vớ" được cái "giải thưởng cao quý" này!
Nhưng Quý ròm không hào hứng được lâu. Khi Tiểu Long bước ra khỏi chỗ cùng Tần, Lan Kiều và Minh Vương tiến lên bảng, Quý ròm bỗng méo xệch miệng khi cô Nga nhìn sững Tiểu Long, thật thà thắc mắc:
- Bây giờ là lúc nhận phần thưởng chứ đâu phải lúc diễn hoạt cảnh, sao em cứ đi khập khà khập khiễng thế?


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui