Kính vạn hoa - Tập 21 - Tướng quân


Chương 2
Cô Trinh quay ra cửa, vẫy tay:
- Lâm vào chỗ ngồi đi!
Rồi cô lướt mắt qua bọn Quý ròm, Tiểu Long, nhỏ Hạnh, Xuyến Chi và Bội Linh:
- Các em cũng về chỗ cả đi!
Như được tha bổng, "Bao Thanh Thiên", "Triển Chiêu", "Công Tôn Sách" và hai kẻ "thảo dân" ở huyện Hóc Môn thở đánh phào và rón rén quay về bàn mình.
Từ khi cô Trinh thình lình xuất hiện, công đường giả bỗng chốc hóa thành công đường thật. Cả lớp im thít nghển cổ nhìn lên bàn cô giáo, thấp thỏm chờ xem cô sẽ xử tội làm náo loạn lớp học của cả lớp như thế nào, nhất là trong số những kẻ đầu têu lại có cả lớp trưởng Xuyến Chi và lớp phó học tập Hạnh. Đó là chưa kể Quý ròm còn dám kêu cô là Bàng Thái sư, nhân vật phản diện đáng ghét nhất trong bộ phim Bao Thanh Thiên đang chiếu mỗi ngày trên Đài truyền hình thành phố.
Nhưng cô Trinh chẳng có vẻ gì muốn ra lệnh "khai đao". Cô đưa mắt nhìn một vòng khắp lớp rồi tươi cười hỏi:
- Các em thích phim Bao Công lắm phải không?
Thấy cô giáo vui vẻ, cả lớp nhao nhao:
- Dạ, thích lắm cô!
- Phim Bao Công hấp dẫn lắm cô ơi!
Thằng Lâm cao hứng ngoác miệng đọc to lời bài hát trong phim:
- Phủ Khai Phong có Bao Thanh Thiên
Thiết diện vô tư, rõ ngay gian
Anh hùng hào kiệt yêu trợ giúp
Vương Triều Mã Hán ở cạnh bên
Toàn thiên thử thân như chim én
Triệt địa thử...
Sợ "thi sĩ Hoàng Hôn" biến lớp học thành Câu lạc bộ thi ca và âm nhạc, cô Trinh liền cắt ngang:
- Nhưng em Lâm có biết Bao Công là ai không?
Thấy cô chú ý đến mình, Lâm nhanh nhẩu vọt miệng:
- Biết, cô! Bao Công tức là Bao Thanh Thiên!
Những đứa khác sợ mất phần, liền tranh nhau đáp:
- Là Thanh Thiên đại lão gia, cô!
- Là Bao hắc tử, cô!
- Là Âm Dương phán quan nữa, cô!
Cô Trinh gõ tay xuống bàn ra hiệu cho cả lớp im lặng, rồi thong thả nói:
- Điều cô muốn hỏi là tiểu sử của Bao Công kìa! Cô không hỏi các biệt danh. Em nào biết thì giơ tay lên!
Cô Trinh vừa nói xong, gần một nửa lớp rùng rùng giơ tay khiến cô không khỏi ngạc nhiên.
Cô chỉ Tần:
- Em nói đi!
Tần đứng dậy, mặt mày hớn hở:
- Thưa cô, Bao Công tên thật là Bao Chửng, sinh tại Hợp Phì, Lư Châu thuộc Trung Quốc. Vì ông xử án công minh nên người ta gọi ông là Bao Thanh Thiên! - Rồi để khoe khoang sự hiểu biết của mình hơn nữa, nó hùng hồn "giảng" cho cô giáo - Thanh Thiên tức là "trời xanh" đó cô!
- Điều đó thì cô biết rồi! - Cô Trinh mỉm cười - Thế em còn biết gì về nhân vật Bao Công nữa!
Tần chưa kịp đáp thì những đứa giơ tay nãy giờ đã rần rần:
- Em, cô!
- Em nè, cô!
Cô Trinh chỉ nhỏ Hiền Hòa:
- Em!
Hiền Hòa đứng dậy:
- Thưa cô, ngoài thời gian làm Phủ doãn phủ Khai Phong, Bao Công còn giữ nhiều chức vụ quan trọng khác như Giám sát ngự sử, Long Đồ các Trực học sĩ và Khu mật Phó sứ nữa ạ!
- Còn gì nữa không?
- Dạ, hết rồi ạ!
Nghe nhỏ Hiền Hòa bảo "hết", thằng Lâm nóng nảy vọt miệng:
- Thưa cô, bạn Hiền Hòa kể còn thiếu cô ơi!
- Còn thiếu? - Cô nhìn Lâm.
Lâm đứng dậy:
- Dạ, đúng thế ạ! Ngoài những chức vụ trên, Bao Công còn làm Gián quan Viện Tư gián, làm Tam ty sứ, và lúc mất còn được truy phong làm Lễ bộ thượng thư nữa ạ!
Đám học trò khiến cô Trinh càng lúc càng kinh ngạc. Chẳng biết bằng cách nào chúng lại thuộc lòng tiểu sử cái ông Bao Công này như thế! Cô hỏi:
- Các em đọc được những điều đó từ đâu thế?
- Đọc ở trong báo đó cô! - Cả lớp đồng thanh "giải đáp thắc mắc" cho cô chủ nhiệm - Từ hồi Đài truyền hình chiếu phim Bao Thanh Thiên, cả chục tờ báo viết về ổng, tụi em tìm đọc rồi đem đố nhau, riết rồi đứa nào cũng thuộc hết cô ơi!
Thấy cô Trinh có vẻ quan tâm đến đề tài Bao Công, thằng Lâm bép xép không bỏ lỡ cơ hội khoe khoang "kiến thức":
- Em còn biết diễn viên đóng vai Bao Công là Kim Siêu Quần nữa đó cô! Kim Siêu Quần đóng phim được trả hai trăm ngàn đô-la Hồng Kông mỗi giờ, vợ Kim Siêu Quần là Trần Kỳ...
- Thôi, thôi, đủ rồi em! - Cô Trinh hoảng hốt khoát tay, sợ thằng Lâm nổi hứng lôi tuột cả cháu chắt của ông Kim Siêu Quần này ra kể đến tối - Cô hỏi về nhân vật Bao Công chứ có hỏi về diễn viên đóng vai Bao Công đâu!
- Về Bao Công hả cô?
Lâm liếm mép, vẻ như chưa chịu thôi. Nó vốn ghiền phim Bao Thanh Thiên như con nít ghiền kẹo kéo. Cả tháng nay, nó sưu tầm các bài báo viết về những gì liên quan đến bộ phim này và cắt dán đầy cả một cuốn tập. Tại cô Trinh không cho kể chứ nếu không, nó có thể kể vanh vách về đời tư của các diễn viên Kim Siêu Quần, Hà Gia Kính, kể cả những diễn viên phụ như Long Long, Dương Hùng...
- À! - Đang nghĩ ngợi, Lâm chợt nhớ ra liền buột miệng reo - Em còn biết năm sinh và năm mất của ông Bao Công nữa đó cô! Ổng sinh năm 999, đậu tiến sĩ năm 1027 và mất năm 1062.
Cô Trinh gật đầu:
- Thế ông Bao Công làm quan dưới triều vua nào?
Lâm đáp như máy:
- Thưa cô, dưới triều vua Tống Nhân Tông ạ!
- Giỏi lắm! - Cô Trinh khen, rồi gật gù hỏi tiếp - Thế lúc đó nước ta đang ở dưới triều vua nào?
Tới đây thì Lâm tắc tị. Nó đứng thộn mặt một hồi, rồi ấp úng:
- Thưa cô, điều đó đâu có trong phim Bao Thanh Thiên ạ!
Cô Trinh vẫn điềm nhiên:
- Không có trong phim Bao Thanh Thiên nhưng có trong môn lịch sử chứ? Em chưa học qua sao?
- Em cũng chẳng nhớ nữa! - Lâm gãi đầu - Có thể em đã học nhưng bây giờ em quên mất rồi ạ!
Cô Trinh quay nhìn cả lớp:
- Em nào có thể trả lời được?
Khi cô hỏi về Bao Công, cả chục đứa nhao nhao tranh nhau đáp nhưng lúc này thì cả lớp im ru.
Cô Trinh vẫn kiên trì chờ đợi. Nhưng lớp học vẫn kiên trì làm thinh khiến cô sốt ruột, lại hỏi:
- Sao? Chả lẽ không em nào biết hay sao?
Câu hỏi gặng của cô khiến thằng Lâm nhột nhạt quá chừng. Nó liếm môi đáp bừa:
- Thưa cô, lúc đó nước ta đang ở triều vua Lê Lợi ạ!
Thấy cô giáo lắc đầu, Hải quắn liền vọt miệng cầu may:
- Triều nhà Trần, thưa cô!
Cô Trinh lại lắc đầu:
- Các em phải suy nghĩ kỹ càng trước khi trả lời chứ! Lê Lợi chống giặc Minh, Trần Hưng Đạo chống giặc Nguyên Mông, trong khi ở đây là nhà Tống kia mà!
Được cô gợi ý, lớp phó trật tự Minh Vương thập thò giơ tay:
- Thưa cô, trong sách nói Lý Thường Kiệt phạt Tống bình Chiêm, như vậy thời nhà Tống bên Trung Quốc chắc ở nước mình đang là nhà Lý hở cô?
- Đúng rồi! - Cô Trinh gục gặc đầu - Nhưng là triều vua nào của nhà Lý!
Minh Vương nói đúng được nhà Lý đã là phúc ba đời, còn nói rõ triều vua nào nữa thì có tài thánh nó mới mong đáp được.
Nó ngần ngừ một lúc rồi ngượng ngùng thú nhận:
- Thưa cô, em không biết ạ!
Cô Trinh lại quay nhìn cả lớp:
- Sao, chẳng em nào biết ư? Bao Công đỗ tiến sĩ năm 1027, vậy năm đó nước ta đang ở dưới triều vua nào?
Cả lớp xì xào bàn tán, đầu cổ quay tới quay lui nhặng xị nhưng mãi vẫn không có cánh tay nào đưa lên.
Tiểu Long liếc Quý ròm:
- Sao mày?
- Sao cái gì?
- Năm 1027, nước mình thuộc triều vua nào?
- Thuộc nhà Lý.
Tiểu Long nhăn mặt:
- Dĩ nhiên là nhà Lý, nhưng Lý gì?
- Lý Tiểu Long chứ Lý gì!
Quý ròm buông một câu ngang phè khiến Tiểu Long sầm mặt:
- Dẹp mày đi! Tao hỏi thật mà mày cứ đùa!
- Chứ không đùa thì tao biết làm gì! - Quý ròm bứt tai - Những chuyện này, bố ai nhớ nổi! Mày hỏi nhỏ Hạnh thì may ra!
Nhỏ Hạnh ngồi tuốt ngoài đầu bàn. Tiểu Long phải nhoài người qua lưng Quý ròm khều áo nó:
- Hạnh nè!
- Gì? - Nhỏ Hạnh quay lại.
- Hạnh có biết lúc đó là triều vua nào không?
Nhỏ Hạnh chưa kịp đáp thì cô Trinh đã trông thấy:
- Em Long làm gì mà ngả tới ngả lui thế?
Tiểu Long hoảng vía phân trần:
- Thưa cô, em định hỏi xem bạn Hạnh có biết được triều vua nào không ạ!
Câu trả lời của Tiểu Long khiến cô Trinh đưa mắt nhìn sang người học trò cưng của mình. Nhỏ Hạnh học môn văn của cô giỏi nhất lớp, tính nết lại ngoan ngoãn, siêng năng, trước nay vẫn thường giúp cô trong công việc sổ sách. Nhưng không chỉ có vậy, nhỏ Hạnh của cô còn nổi tiếng trong toàn trường là người có trí nhớ siêu hạng, "một bộ từ điển bách khoa biết đi". Thế mà cô quên bẵng mất.
Cô liền hắng giọng gọi:
- Hạnh!
Nhỏ Hạnh khép nép đứng dậy:
- Dạ.
- Em có thể trả lời câu hỏi vừa rồi không?
- Dạ, được ạ!
- Em nói cho các bạn nghe đi!
Nhỏ Hạnh chớp mắt:
- Thưa cô, ở nước ta vua Lê Đại Hành trị vì từ năm 980 đến năm 1005, vua Lý Thái Tổ trị vì từ năm 1010 đến năm 1028, vua Lý Thái Tông trị vì từ năm 1028 đến năm 1054. Như vậy, căn cứ theo những cột mốc về thời gian thì Bao Công sinh ra vào thời vua Lê Đại Hành ở nước ta, đỗ tiến sĩ vào thời vua Lý Thái Tổ và ra làm quan vào thời vua Lý Thái Tông ạ!
Nhỏ Hạnh thao thao liệt kê một loạt những dãy số khiến cả lớp ngẩn ngơ. Tuy chẳng lạ gì kho kiến thức đồ sộ của "nhà thông thái" mang kiếng cận này, nhiều cái miệng vẫn "ồ" lên thán phục.
Cô Trinh dĩ nhiên quá sức hài lòng. Cô gật gù:
- Giỏi lắm! Một người Việt Nam phải hiểu biết về lịch sử của nước mình rành mạch như thế chứ!
Rồi cô nói thêm:
- Các em tìm hiểu về nhân vật Bao Công cũng tốt. Nhưng nếu chỉ hiểu về lịch sử nước người trong khi hoàn toàn mù mờ về lịch sử nước mình thì không hợp lý chút nào!
Thằng Lâm giơ tay:
- Nhưng thưa cô, Đài truyền hình chỉ chiếu phim về Bao Thanh Thiên, Tần Thủy Hoàng chứ có chiếu phim về Lê Đại Hành hay Lý Thái Tổ đâu ạ!
Trước băn khoăn cắc cớ của Lâm, cô Trinh thoáng bối rối. Nhưng rồi cô trấn tĩnh được ngay. Cô nói:
- Đó là khiếm khuyết của các nhà làm phim. Nhưng các em không thể vin vào đó để bào chữa cho sự lơ là của mình đối với môn lịch sử được!
Lâm vẫn chưa chịu thôi. Nó cố phân bua cho bằng được:
- Nhưng thưa cô, có phải ai cũng nhớ nổi các triều vua thời xưa đâu ạ! Bạn Hạnh là người đến từ... hành tinh khác, là trường hợp ngoại lệ rồi cô ơi!
Những điều thằng Lâm nói tuy là ương bướng nhưng không phải hoàn toàn vô lý. Quốc Ân, Quới Lương và Hải quắn, ba đứa trong băng "tứ quậy" lập tức hùa theo bạn:
- Đúng rồi đó cô!
- Gì chứ những năm lên ngôi rồi xuống ngôi khó nhớ lắm cô ơi!
Cô Trinh vẫy tay cho cả lớp yên lặng, rồi điềm nhiên hỏi lại:
- Thế tại sao các em lại nhớ vanh vách năm sinh, năm mất, cả năm đỗ tiến sĩ của ông Bao Công ở bên Trung Quốc thế?
Câu hỏi vặn của cô Trinh khiến bọn Quới Lương "tắt đài" ngay tắp lự. Nhưng cô Trinh dường như không chú ý đến ba đứa "a dua" đó. Trước những khuôn mặt đang ngẩn ra của băng "tứ quậy", cô thong thả giở xấp bài đặt trên bàn rồi nhìn thẳng vào chỗ thằng Lâm đứng, cô nghiêm nghị nói tiếp:
- Em Lâm không chỉ không biết về các triều vua thôi đâu! Em còn không biết nhiều điều quan trọng khác nữa!


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui