Chương 3
Xấp bài đang nằm trước mặt cô Trinh là xấp bài tập làm văn lớp 8A4 nộp từ tuần trước. Đó là bài văn phân tích tác phẩm. Đề bài yêu cầu tìm hiểu, phân tích tâm trạng của con hổ trong bài thơ Nhớ rừng của tác giả Thế Lữ.
Khi cô vừa giở xấp bài vừa tuyên bố thằng Lâm không hiểu nhiều điều quan trọng về lịch sử, cả lớp ngơ ngác nhìn nhau, chẳng hiểu cô định nói gì.
Cô Nga dạy môn sử. Cô Trinh chỉ dạy môn văn. Và bài làm cô sẽ phát ra hôm nay là bài tập làm văn chứ có phải bài kiểm tra sử đâu.
Nhiều đứa đoán non đoán già một hồi chẳng ra, liền ngoảnh cổ nhìn Lâm nhưng thấy thằng này mặt mày chả biểu lộ cảm xúc gì, lại ngước lên nhìn cô, chờ đợi.
Cô Trinh dường như muốn kéo dài sự hồi hộp cho học trò hơn nữa. Cô kêu lớp trưởng Xuyến Chi lên, đưa xấp bài cho nó phát ra. Riêng bài làm của Lâm thì cô giữ lại.
Thấy đứa nào cũng có bài làm trong tay, chỉ riêng mình chờ hoài không thấy, Lâm cứ nhấp nha nhấp nhổm, mắt dán chặt vào xấp giấy ngày một vơi trên tay Xuyến Chi.
Đến khi nhỏ Xuyến Chi phát xong bài tập làm văn cuối cùng, Lâm không nhịn được, liền gọi giật:
- Xuyến Chi! Bài của tôi đâu?
Nhỏ Xuyến Chi chỉ tay lên bàn cô giáo:
- Bài của bạn ở trên kia kìa!
Lâm thấp thỏm nhìn theo tay chỉ của Xuyến Chi. Đúng lúc đó, cô Trinh cầm bài văn trước mặt lên, hắng giọng:
- Bây giờ các em yên lặng nghe cô đọc bài làm của bạn Lâm...
Đang ồn ào hỏi điểm nhau, nghe cô nói vậy, cả lớp lập tức im phăng phắc. Đứa nào đứa nấy nín thở nhìn chăm chăm vào tờ giấy trên tay cô, mặt mày háo hức hệt như khán giả đang chờ sân khấu kéo màn vậy.
Bài văn của Lâm đoạn đầu không có gì đáng nói, cũng tương tự bài làm của những đứa khác.
Nhưng đến đoạn sau đây thì cô Trinh nhấn mạnh từng chữ: "Nhìn cảnh vật chung quanh, hổ nhớ lại thời quá khứ oanh liệt, thời "tung hoành hống hách những ngày xưa", cũng giống như những lúc em cùng ba mẹ ra ngồi chơi bên bến Bạch Đằng, nhìn sóng nước bềnh bồng bỗng nhớ lại ngày xưa Trần Hưng Đạo đã oanh liệt đánh đắm tàu giặc nơi đây...".
Đọc đến đây, cô Trinh ngừng lại và ngước mắt nhìn khắp lớp, hỏi:
- Bạn Lâm viết như vậy có chính xác không, các em?
Nhỏ Hiền Hòa nhanh miệng:
- Thưa cô, không ạ!
- Thế bạn Lâm đã viết sai chỗ nào?
- Thưa cô, bến Bạch Đằng ở thành phố Hồ Chí Minh không phải là nơi Trần Hưng Đạo đánh nhau với quân Nguyên Mông ạ!
Cô Trinh chưa kịp nói gì, Lâm đã quay sang nhỏ Hiền Hòa, ngoác miệng cãi:
- Ai bảo bạn là không phải? Bộ bạn không thấy bên cạnh bến Bạch Đằng còn có bến Chương Dương và bến Hàm Tử nữa sao? Trong sách sử có viết rõ ràng mà còn cãi bướng!
Trong khi nhỏ Hiền Hòa đang ngớ ra trước những "dẫn chứng hùng hồn" của Lâm thì Minh Vương hăm hở giơ tay:
- Thưa cô, bạn Lâm nói không đúng ạ! Bến Bạch Đằng, bến Chương Dương và bến Hàm Tử là tên đường chứ không phải tên sông ạ!
Lâm còn đang ngơ ngác trước sự "tấn công" đột ngột của Minh Vương thì cô Trinh đã gật đầu:
- Minh Vương nói đúng! Con sông mà gia đình em Lâm thường ra ngồi trên bờ hóng mát là sông Sài Gòn chứ không phải sông Bạch Đằng...
Thấy cô giáo bênh vực hai đứa kia, Lâm tức tối cãi:
- Thế tại sao lại có tượng Trần Hưng Đạo đứng trên bờ chỉ tay xuống sông hở cô?
Cô Trinh mỉm cười:
- Việc dựng tượng các danh nhân lịch sử ở nơi này nơi khác để kỷ niệm có phải là chuyện lạ đâu em! Ở Ngã sáu Sài Gòn có tượng Thánh Gióng, ở Ngã sáu Chợ Lớn có tượng An Dương Vương, như vậy đâu có nghĩa làng Gióng hoặc huyện Phong Khê thuộc thành phố Hồ Chí Minh!
Nghe cô Trinh giải thích một hồi, Lâm nghe lòng dịu lại. Nó định hỏi cô thế sông Bạch Đằng nằm ở đâu thì thằng Dưỡng đã nhanh nhẩu:
- Thế sông Bạch Đằng chính là sông Hồng, phải không cô?
- Sông Bạch Đằng nằm ở miền Bắc nước ta nhưng không phải là sông Hồng! - Cô Trinh khẽ lắc đầu - Sông Bạch Đằng thuộc tỉnh Hải Dương cũ, dài hơn hai mươi ki-lô-mét, trước đây còn có tên là sông Vân Cừ hay sông Rừng. Chính tại dòng sông này, năm 938 Ngô Quyền đã dùng cọc lim vót nhọn bí mật cắm xuống sông để đánh quân Nam Hán, năm 981 Lê Hoàn đánh thắng quân Tống và năm 1288 Trần Hưng Đạo lại dùng chiến thuật này để đánh thắng quân Nguyên Mông...
Cô Trinh vừa nói xong, nhỏ Hiền Hòa liền quay xuống nhìn Lâm:
- Thấy chưa! Bây giờ thì biết ai cãi bướng rồi nhé!
Vẻ mặt vênh váo của nhỏ Hiền Hòa làm Lâm tức điên. Nó cong môi "xì" một tiếng:
- Hừ, làm như giỏi lắm đấy!
Nhỏ Hiền Hòa nhất quyết không chịu hiền hòa. Lâm vừa nói dứt, nó "độp" lại ngay:
- Chứ gì nữa! Ít ra tôi cũng giỏi hơn người nào cứ đinh ninh Trần Hưng Đạo đánh đắm tàu giặc trên sông Sài Gòn!
Cú "phản kích" độc địa của nhỏ Hiền Hòa kéo theo những tiếng cười hí hí khiến Lâm tức muốn nẩy đom đóm mắt. Nó chỉ tay vào nhỏ Hiền Hòa, mặt mày đỏ gay:
- Bạn giỏi sao hôm trước cô Nga bảo bạn kể tên các nữ tướng của nước ta, bạn kể ra một lèo tới... bốn bà Trưng lận!
Đòn trả đũa của Lâm còn "nặng ký" hơn đòn của "đối phương" gấp bội. Tới phiên nhỏ Hiền Hòa đứng chết trân giữa những tràng cười ngặt nghẽo vang lên từ các dãy bàn.
Chả là hôm trước trong giờ sử, cô Nga kêu nhỏ Hiền Hòa kể tên năm nữ tướng của Việt Nam, nó chỉ kể được Bà Triệu, Hai Bà Trưng và Bà Lê Chân rồi tắc tị.
Lắp bắp mãi, nó mới kể thêm được "nữ tướng" Mỵ Châu khiến cô Nga tròn xoe mắt:
- Mỵ Châu là ai thế?
- Dạ, là vợ của Trọng Thủy, thưa cô!
Cô Nga cố nén cười:
- Mỵ Châu không phải là nữ tướng!
Nhỏ Hiền Hòa nhíu mày một hồi, lại đáp:
- Thưa cô, đó là nữ tướng Mỵ Nương ạ!
Lần thứ hai cô Nga tròn mắt:
- Mỵ Nương nào thế em?
- Dạ, Mỵ Nương là con vua Hùng Vương, người mà Sơn Tinh Thủy Tinh đi hỏi làm vợ đó cô!
- Nhưng ai bảo em Mỵ Nương là nữ tướng?
Nhỏ Hiền Hòa bối rối:
- Dạ, không ai bảo cả ạ! Em chỉ đoán thế thôi!
- Em đừng có đoán bừa! - Cô Nga tặc lưỡi - Nữ tướng phải là người có công đánh giặc kìa!
- A, có công đánh giặc hả cô! - Nhỏ Hiền Hòa chợt reo lên - Vậy thì em nhớ ra rồi! Đó là Trưng Trắc và Trưng Nhị ạ!
Cô Nga cau mày:
- Nhưng khi nãy em đã kể tên hai nữ tướng này rồi kia mà!
- Đâu có, cô! - Nhỏ Hiền Hòa ngạc nhiên một cách thành thật - Khi nãy em mới chỉ kể có Bà Triệu, Bà Lê Chân và Hai Bà Trưng thôi!
Khi nhỏ Hiền Hòa nói tới đây, không chỉ cô Nga mà nhiều đứa trong lớp cũng đã muốn cười lắm rồi. Nhưng thấy cô Nga vẫn giữ vẻ mặt nghiêm nghị, không đứa nào dám hé môi.
Cô Nga làm nghiêm cũng chẳng phải dễ dàng gì. Phải vất vả lắm cô mới giữ được giọng nói bình thường:
- Thế theo em, Hai Bà Trưng và Trưng Trắc, Trưng Nhị khác nhau như thế nào?
Tới lúc này, thấy lớp học bỗng dưng xôn xao, lại nghe cô giáo hỏi vặn, nhỏ Hiền Hòa đã cảm thấy chột dạ lắm rồi. Nhưng đã lỡ phóng lao, nó đành phải nhắm mắt theo lao:
- Thưa cô, khác nhau ở chỗ Trưng Trắc và Trưng Nhị đánh nhau với quân Tô Định, còn Hai Bà Trưng đánh nhau với quân Mã Viện ạ!
Nhỏ Hiền Hòa vừa dứt câu, chung quanh liền nổ ra những tràng cười sặc sụa. Đám học trò bấm bụng nén cười nãy giờ không còn kềm chế được nữa, cả mấy chục cái miệng thi nhau "hi hi, ha ha, hê hê" đủ giọng khiến nhỏ Hiền Hòa chết điếng, mặt mày xám ngoét như phải chàm.
Bây giờ nhớ lại câu trả lời hôm nọ, nhỏ Hiền Hòa còn cảm thấy người nóng bừng như hơ lửa. Vậy mà lúc nãy nó quên khuấy mất chuyện đó. Lúc nãy nghe thằng Lâm oang oang bảo mình cãi bướng, nhỏ Hiền Hòa điên tiết vặc lại, không ngờ thằng Lâm lại lôi chuyện "bốn bà Trưng" ra cà khịa lại nó.
Cô Trinh dĩ nhiên không hiểu đầu cua tai nheo ra sao. Thấy cả lớp cười nghiêng cười ngửa, cô gõ tay xuống bàn:
- Các em giữ trật tự nào! Chuyện gì mà cười cợt om sòm thế?
Lâm mau mắn:
- Thưa cô, chuyện "bốn bà Trưng" ạ!
- "Bốn bà Trưng" là chuyện gì?
Lâm không bỏ lỡ cơ hội kể tội "kẻ thù". Nó bô bô thuật lại câu chuyện chết cười bữa trước.
Cả lớp lại một phen ôm bụng. Nhỏ Hiền Hòa lại một phen muốn chui xuống gầm bàn. Còn cô Trinh thì lắc đầu, chép miệng:
- Các em học sử như vậy thì nguy quá!
Nghe cô than thở, Hải quắn vọt miệng phân trần:
- Nhưng môn sử khó nhớ lắm, cô ơi!
Cô Trinh nhíu mày:
- Vậy tại sao các em vẫn làm bài được?
Ba, bốn cái miệng tranh nhau đáp:
- Chúng em chỉ nhớ lúc làm bài thôi ạ! Thi xong, chúng em quên tuốt hết cô ơi!
Thằng Tần nêu thắc mắc:
- Với lại những điều cô nói đâu có trong bài học hở cô!
- Điều gì không có trong bài học?
- Những điều cô kể về sông Bạch Đằng ấy! Trong sách đâu có bảo sông Bạch Đằng dài bao nhiêu mét, cũng đâu có nói trước đây nó có tên gọi là gì!
Thấy thằng Tần "lập luận" vững chắc, mấy đứa kia lại nhao nhao hùa theo:
- Đúng rồi đó cô! Trong bài học đâu thấy nói những chuyện đó!
Bị học trò "tấn công" tới tấp, cô Trinh vẫn điềm tĩnh. Cô vẫy tay ra hiệu cho học trò ngồi xuống rồi chậm rãi nói:
- Tất nhiên môn sử trong nhà trường không thể nói đầy đủ hết mọi thứ! Nhưng chẳng lẽ các em không có cách nào tự tìm hiểu thêm về lịch sử nước nhà?
- Khó lắm cô ơi! - Thằng Lâm bép xép lại ngứa miệng - Bây giờ các trung tâm chỉ dạy toán, lý hóa, ngoại ngữ và vi tính không hà! Chẳng ở đâu mở lớp dạy thêm môn sử cả!
Cô Trinh trang nghiêm:
- Các em có thể trau dồi kiến thức lịch sử qua sách báo! Bất cứ quốc gia nào cũng có quá trình dựng nước và giữ nước của mình. Mỗi sự kiện lịch sử, mỗi anh hùng hoặc mỗi danh nhân bao giờ cũng là niềm tự hào của một dân tộc nên luôn luôn được ghi chép lại và lưu truyền qua nhiều thế hệ! - Cô Trinh ngừng một chút rồi thong thả tiếp - Nếu không hiểu biết về lịch sử, các em sẽ không biết rằng bên cạnh những anh hùng chống ngoại xâm lừng lẫy như Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Huệ, từ xưa nước ta đã có nhà bác học Lê Quý Đôn, các nhà toán học Lương Thế Vinh, Vũ Hữu, các nhà y học Tuệ Tĩnh, Hải Thượng Lãn Ông...
Thằng Dưỡng ngạc nhiên bật hỏi:
- Ủa, Hải Thượng Lãn Ông là người nước mình hả cô? Vậy mà trước nay em cứ tưởng ổng là người Trung Quốc!
Cô Trinh mỉm cười:
- Hải Thượng Lãn Ông tên thật là Lê Hữu Trác, được xem là ông tổ nghề y của nước ta!
Rồi trước ánh mắt ngẩn ngơ của học trò, cô Trinh gật gù hỏi:
- Mấy hôm nay các em xem phim Người tình của Tần Thủy Hoàng trên ti-vi, vậy các em có biết nước ta từng có một nhân vật sang ở nước Tần, làm quan tới chức Tư lệ Hiệu úy, được Tần Thủy Hoàng rất tin dùng, sai ông đem quân ra trấn giữ ở đất Lâm Thao để trấn áp giặc Hung Nô hay không?
Nghe vậy, đám học trò nôn nao hỏi:
- Ai vậy cô?
- Có thật không cô?
Cô Trinh không trả lời, mà mỉm cười nói tiếp:
- Giặc Hung Nô khiếp uy ông, không dám động binh. Đến khi ông giã từ nước Tần trở về Việt Nam, thấy vắng bóng ông, Hung Nô liền đem quân sang quấy nhiễu. Dẹp mãi không được, Tần Thủy Hoàng phải sai đúc tượng ông bằng đồng đặt ở cửa thành Tư Mã, đất Hàm Dương. Tượng rất to lớn, làm rỗng bên trong, chân tay đầu cổ có thể cử động được. Mỗi khi có người đến viếng, binh lính chui vào bên trong điều khiển máy móc cho tượng cử động. Giặc Hung Nô thấy vậy, tưởng ông vẫn còn, liền rút quân về...
Đám học trò lại nhấp nha nhấp nhổm:
- Ông nào oai vậy cô?
Thằng Lâm láu táu:
- Ổng giỏi võ hơn Triển Chiêu không cô?
- Các em giữ yên lặng để cô kể cho nghe!
Chưa bao giờ lớp học ngoan ngoãn đến thế. Cô Trinh vừa nói xong, cả mấy chục cánh tay khoanh để trên bàn, mấy chục cái miệng ngậm tăm và mấy chục cặp mắt hướng về phía cô giáo, háo hức chờ đợi...
Ở trên bục giảng, cô Trinh quên phắt mình là cô giáo dạy văn. Cô quên phắt hôm nay mình còn phải sửa bài tập cho học trò. Cô nhìn các em, bồi hồi nhớ lại mình lúc còn bé. Cô nhớ lúc đó những câu chuyện của người thầy dạy sử đã khiến cô sung sướng và tự hào như thế nào. Cô nhớ câu chuyện về Lý Ông Trọng, người được sắc phong là Hiệu úy Uy mãnh Anh liệt Phụ tín Đại vương, lúc đó đã khiến cô xúc động đến ngẩn ngơ ra sao.
Bây giờ, nhìn vẻ mặt hăm hở và ánh mắt long lanh xao xuyến của học trò, cô tưởng như nhìn thấy hình bóng của tuổi thơ mình trong đó. Và cô dịu dàng kể:
- Ngày xưa, ở huyện Từ Liêm có một chàng trai họ Lý, húy là Ông Trọng, mình cao hai trượng ba thước, khí chất cương nghị và mạnh mẽ khác thường...