Chương 5
Nhỏ Hạnh "góp ý chuẩn bị" cho tổ 4 cả thảy năm mẩu chuyện. Quý ròm và Tiểu Long ngồi dỏng tai nghe say sưa.
Cả năm mẩu chuyện, mẩu nào cũng làm hai đứa tròn xoe mắt. Suốt ngày chúi mũi vào đống lọ cổ cao cổ thấp, "thần đồng toán" mù tịt về lịch sử đã đành. Nhưng ngay cả "Song phi cước" Tiểu Long, diễn viên võ thuật thượng thặng của nền điện ảnh tương lai cũng ngớ người ra khi phát giác trong lịch sử nước nhà không chỉ có "Bắc Hiệp" Lý Ông Trọng oai trấn Hung Nô mà còn có cả Lê Văn Khôi tay không đánh cọp, uy dũng không thua gì anh hùng Lương Sơn Bạc Võ Tòng, có Lê Như Hổ ăn mạnh như rồng, chén tì tì một lúc gần hai con heo và ba mươi lon gạo, có Lê Phụng Hiểu làng Cổ Bi tay không nhổ cây, bứng phăng cả gốc lẫn rễ, một mình đánh nhau với cả làng Đàm Xá, có Nguyễn Biểu đơn thân vào đồn giặc ung dung ngồi ăn tiệc đầu người không hề run sợ, có Phạm Ngũ Lão ngồi bệt giữa đường mải lo việc nước, bị giáo đâm thủng đùi máu chảy ròng ròng vẫn không hay...
Những mẩu chuyện này, có chuyện Tiểu Long và Quý ròm đã biết, có chuyện chúng chưa từng nghe. Nhưng ngay cả những chuyện đã đọc qua, chúng cũng chỉ nhớ mang máng, bây giờ nghe nhỏ Hạnh thuật lại chi tiết, rành mạch, có lớp có lang, hai đứa cảm thấy những nhân vật phi thường kia như đang hiện ra mồn một trước mắt.
Tiểu Long nghe máu chảy rần rật trong người. Nó bóp chặt nắm đấm:
- Nước mình sao lắm người tài thế!
Quý ròm không chịu thua. Nó ưỡn bộ ngực ròm:
- Dân tộc Việt Nam là dân tộc anh hùng mà lại! Nếu không làm sao cha ông ta đánh thắng được một lô một lốc những giặc Ân, giặc Nam Hán, giặc Tống, giặc Nguyên Mông, giặc Minh, giặc...
- Thôi, thôi, đủ rồi! - Tiểu Long cắt ngang lời bạn - Mới xem sách từ trưa đến giờ mà đã nhớ được chừng ấy là giỏi rồi, khỏi kể nữa!
Thằng mập làm Quý ròm cụt hứng quá xá. Nó nhăn mặt trách móc:
- Ta đang "yêu nước" mà mày cà khịa!
- Cà khịa gì đâu! - Tiểu Long phân bua - Tại vì tao đang lo...
- Lo gì?
- Lo không biết phải chọn chuyện nào để dựng hoạt cảnh! Chuyện nào tao cũng thích!
Tiểu Long lo đúng ghê! Bởi Quý ròm cũng vậy. Nó cũng phân vân tợn. Nó chả biết nên chọn chuyện nào trong năm mẩu chuyện nhỏ Hạnh vừa kể.
Trầm ngâm một hồi, nó nói:
- Theo tao, tổ mình nên chọn chuyện Nguyễn Biểu hoặc chuyện Phạm Ngũ Lão!
Tiểu Long thu nắm tay quẹt mũi:
- Tao thích chuyện Lê Văn Khôi hoặc Lê Phụng Hiểu hơn!
Quý ròm nguýt bạn:
- Để mày có dịp trổ tài đấm đá chứ gì!
Bị Quý ròm nói trúng ngay tim đen, Tiểu Long lỏn lẻn ngó lơ chỗ khác:
- Đâu phải vậy!
Thấy thằng mập mắc cỡ, Quý ròm không nỡ trêu tiếp. Nó nghiêm nghị:
- Chuyện Lê Văn Khôi và Lê Phụng Hiểu chỉ nói lên sức mạnh thể chất, còn chuyện Nguyễn Biểu và Phạm Ngũ Lão mới nói được hào khí và lòng yêu nước của người Việt Nam!
Phân tích của Quý ròm khiến Tiểu Long hơi xiêu xiêu. Và nhỏ Hạnh "bồi" thêm một câu làm nó xiêu hẳn. Nhỏ Hạnh nói:
- Quý nói đúng đấy! Hạnh cũng cho câu chuyện về Nguyễn Biểu và Phạm Ngũ Lão có ý nghĩa sâu sắc hơn!
Thế là rốt cuộc Nguyễn Biểu và Phạm Ngũ Lão được chọn.
Nhưng mỗi tổ chỉ được dựng một hoạt cảnh. Không thể vừa Nguyễn Biểu lại vừa Phạm Ngũ Lão được. Tiểu Long và Quý ròm ngó nhau:
- Sao mày?
Cả hai cái miệng cùng hỏi và cùng phá ra cười.
Nhỏ Hạnh không cười. Nó nói:
- Theo Hạnh, tổ mình nên chọn mẩu chuyện về Phạm Ngũ Lão!
Quý ròm khịt mũi:
- Tại sao?
Nhỏ Hạnh điềm đạm giải thích:
- Câu chuyện về lòng khí khái, can trường của Nguyễn Biểu đọc thì rất xúc động nhưng nếu dựng thành hoạt cảnh thì lại trông rất ghê! Nếu các bạn cho Nguyễn Biểu ngồi trên sân khấu ung dung cầm đũa gắp... con mắt bỏ vào miệng nhai thì chắc chắn sẽ có vài bạn nữ trong lớp ngất xỉu!
Lập luận xác đáng của nhỏ Hạnh khiến hai bạn nó ngẩn ngơ buột miệng:
- Ờ há!
Theo cô Trinh nói, nhỏ Hạnh sẽ không được tham gia cuộc thi vào đầu tuần tới với tư cách thành viên tổ 4. Nó chỉ được "góp ý" cho tổ của nó trong thời gian chuẩn bị thôi.
Nhưng lời góp ý nhỏ nhẹ của nó nặng cỡ mấy trăm ký. Quý ròm và Tiểu Long chỉ biết gật đầu lia lịa.
Chiều hôm sau, năm đứa còn lại trong tổ 4 tập trung tại khoảnh sân sau của nhà Tiểu Long để tập kịch, à quên, để dựng hoạt cảnh về tướng quân Phạm Ngũ Lão.
Nhỏ Kim Em, nhỏ Hiển Hoa và thằng Cung ngồi xúm xít trên chiếc băng dài. Quý ròm đứng đối diện, mặt mày trịnh trọng:
- Tổ chúng ta sẽ dựng hoạt cảnh về Phạm Ngũ Lão! Các bạn đều biết Phạm Ngũ Lão cả rồi chứ gì?
- Biết! - Cung láu táu - Đường Phạm Ngũ Lão chỗ chợ Thái Bình bây giờ người ta gọi là phố Tây! Toàn Tây ba lô ở không hà! Bữa nào tụi mình...
- Dẹp! - Quý ròm cau mày cắt ngang - Chả có bữa nào sất! Tao hỏi là hỏi về ông Phạm Ngũ Lão chứ không hỏi đường Phạm Ngũ Lão! Mày thích thì cứ tới đó một mình đi!
Bị Quý ròm nạt nộ, Cung sửng cồ:
- Mày có phải là tổ trưởng đâu mà làm tàng ghê thế!
Quý ròm nổi điên:
- Nhỏ Hạnh nghỉ, tao thay không được sao? Nếu mày thích thì tao nhường cho mày đấy!
Hoạt cảnh chưa dựng mà chiến tranh đã lăm le nổ ra khiến nhỏ Kim Em và nhỏ Hiển Hoa nhăn như bị. Hai cái miệng cùng can gián:
- Thôi, Cung đừng cãi với Quý nữa! Quý thay Hạnh là đúng rồi!
Rồi quay sang Quý ròm, nhỏ Kim Em nháy mắt:
- Thôi, Quý nói tiếp đi!
Tiểu Long bưng khay nước từ trong nhà đi ra, thấy không khí có vẻ khác lạ, ngơ ngác hỏi:
- Chuyện gì vậy?
- Có gì đâu! Chỉ đùa chơi thôi! - Nhỏ Hiển Hoa cười khỏa lấp.
Trong khi đó, Quý ròm phồng ngực cố hít một hơi dài cho "hạ hỏa" rồi mới tiếp tục:
- Có thể các bạn đã biết cả, nhưng trước khi bắt đầu phân vai cho từng người, tôi xin kể lại mẩu chuyện về Phạm Ngũ Lão thêm một lần nữa để các bạn hình dung về hoạt cảnh chúng ta sắp dàn dựng.
Nhưng Quý ròm chưa kể ngay. Theo thói quen "trịnh trọng" xưa nay, nó thò tay cầm ly nước Tiểu Long đưa, thong thả nhắp một ngụm rồi mới gật gù hắng giọng:
- Phạm Ngũ Lão người làng Phù Ủng, mồ côi cha từ lúc lên năm, sống với mẹ trong một túp lều tranh nghèo nàn. Thuở nhỏ ham đọc sách, ngâm thơ lại giỏi võ nghệ, có chí lớn. Lớn lên, gặp lúc nước nhà giặc giã, Phạm Ngũ Lão say sưa nghiên cứu binh thư trận pháp, chờ dịp tòng quân giết giặc lập công. Một hôm, Phạm Ngũ Lão ngồi đan sọt giữa đường, đầu óc loay hoay tính kế diệt giặc, mải nghĩ đến nỗi Hưng Đạo vương trẩy quân ngang qua ông vẫn không hay biết. Quân lính thấy một người ngồi trơ giữa đường không chịu đứng dậy liền xốc tới hò hét quát tháo. Phạm Ngũ Lão vẫn không nhúc nhích. Cho là ông bướng bỉnh, quân lính lấy giáo đâm vào đùi ông, thế mà ông vẫn không hay. Đâm liên tiếp đến ba nhát, thấy đùi ông máu chảy ròng ròng mà sắc mặt ông vẫn thản nhiên, cặp mắt xa xăm như đang nghĩ ngợi tận đẩu tận đâu, quân lính hoảng quá bèn quay lui bẩm báo. Hưng Đạo vương nghe chuyện lấy làm lạ, bèn sai quân lính đưa mình tới gặp. Vương hỏi "Kẻ kia ở đâu, sao lại cản đường ta đi?". Bấy giờ Phạm Ngũ Lão mới giật mình bừng tỉnh, ấp úng thưa "Thưa Đại vương, tôi mải nghĩ kế dẹp giặc, không may sơ ý cản đường Đại vương, xin Đại vương tha tội!". Hưng Đạo vương cho ông là người khác thường, liền ra lệnh đem thuốc dấu rịt vết thương và cho ông theo về kinh đô. Về sau trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông, ông lập được nhiều công to, được phong các chức Đại tướng quân rồi Thượng tướng quân...
Quý ròm kể xong một hồi vẫn chẳng thấy đứa nào lên tiếng. Thằng Cung, nhỏ Kim Em và nhỏ Hiển Hoa còn mải mơ màng đến hình ảnh hào hùng của vị tướng quân họ Phạm. Trước nay tụi nó đi qua đi lại trên đường Phạm Ngũ Lão bên hông chợ Thái Bình không biết bao nhiêu là lần nhưng tụi nó đâu có biết vị tướng quân này có một giai thoại đẹp đẽ và kiêu hùng đến thế.
Mãi một lúc, thằng Cung mới ngước nhìn Quý ròm, tặc tặc lưỡi:
- Ông này hay ghê hén mày?
- Ông nào?
- Thì cái ông mày vừa kể chứ ông nào! Ông Phạm Ngũ Lão để giáo đâm vào đùi ấy!
- Còn phải nói! - Quý ròm nhún vai, rồi nó kể công - Tao phải lục tìm cả buổi trong sách mới ra được câu chuyện này đấy!
Cung phục Quý ròm quá xá. Thằng ròm này hay thật! Mẩu chuyện nó tìm cảm động ghê! Vậy mà khi nãy mình lại bảo nó không xứng làm tổ trưởng, thật bậy quá sức!
Trong khi Cung áy náy bao nhiêu thì Tiểu Long tức cười bấy nhiêu. Nó biết tỏng Quý ròm chẳng "lục tìm cả buổi" gì sất. Quý ròm chỉ nghe nhỏ Hạnh kể. Và bây giờ nó huênh hoang kể lại.
Nhưng Tiểu Long không muốn làm bạn cụt hứng. Mặc Quý ròm ba hoa, nó chỉ tủm tỉm cười.
Nhỏ Hiển Hoa bắt gặp cái nhếch mép kín đáo của Tiểu Long, tò mò hỏi:
- Bạn Tiểu Long cười gì thế?
Tiểu Long giật thót:
- Tôi có cười gì đâu!
- Có! Tôi thấy bạn cười nè!
- À, à! - Tiểu Long bối rối đáp bừa - Đó là tôi cười ông... Phạm Ngũ Lão!
Câu trả lời của Tiểu Long khiến cả nhỏ Kim Em cũng tròn xoe mắt:
- Ông Phạm Ngũ Lão có gì đáng cười đâu?
Thắc mắc của nhỏ Kim Em làm Tiểu Long giận điên, không phải giận nhỏ Kim Em mà giận chính nó. Chẳng thà làm thinh quách cho rồi, mình càng đáp lại càng thòi ra lắm câu bá láp, khổ ghê! Tiểu Long vừa làu bàu vừa tìm cách chống đỡ:
- Tôi cười chuyện ổng ngồi giữa đường ấy mà! Ngồi đâu không ngồi, lại ra giữa đường ngồi đan sọt, nếu hồi đó cũng có cảnh sát giao thông như bây giờ, chắc ổng bị điệu về bót quá!
Nhỏ Kim Em "xì" một tiếng:
- Vậy mà cũng cười! Bạn ngộ ghê!
Nhỏ Hiển Hoa hùa theo:
- Ừ, mình cũng chẳng thấy có gì đáng cười cả!
Bị hai con nhỏ cùng tổ chê tối mày tối mặt, Tiểu Long ngượng nghịu đưa tay quẹt mũi, ấp úng nói xuôi theo:
- Tôi cũng thế!
Nhỏ Hiển Hoa không hiểu:
- Cũng thế là sao?
Tiểu Long ngó lơ chỗ khác:
- Là khi nãy tôi thấy buồn cười nhưng bây giờ lại chẳng thấy đáng cười tẹo nào!
Cái lối đối đáp xụi lơ của Tiểu Long khiến nhỏ Hiển Hoa và nhỏ Kim Em che miệng cười khúc khích.
- Trật tự, trật tự nào! - Quý ròm lừ mắt nhìn Tiểu Long và hai cô bạn gái - Các bạn cứ ồn ào như thế làm sao tôi phân vai được!
Tiểu Long mừng húm trước sự can thiệp kịp thời của Quý ròm. Nó lập tức khôi phục vẻ nghiêm trang. Nhỏ Hiển Hoa và nhỏ Kim Em cũng lật đật xoay mình cố ngồi cho ngay ngắn.
Quý ròm khoa tay trong không khí:
- Bây giờ tổ mình sẽ dựng lại cảnh Phạm Ngũ Lão ngồi đan sọt giữa đường và gặp Trần Hưng Đạo đi ngang.
Rồi đưa mắt sang Tiểu Long, Quý ròm nói tiếp:
- Tiểu Long to con, rất thích hợp với vai Phạm Ngũ Lão...
Thấy chung quanh không ai phản đối gì, Quý ròm hí hửng phân công tiếp:
- Còn tôi sẽ đóng vai Trần Hưng Đạo...
- Vì tôi nhỏ con!
Thằng Cung thình lình "đế" một câu khiến không khí trang nghiêm tức khắc bị phá vỡ. Cung vừa nói vừa cười hăng hắc. Tiểu Long, nhỏ Hiển Hoa và nhỏ Kim Em vừa bị Quý ròm nhắc nhở, đang cố làm nghiêm, trước tình cảnh này cũng không thể làm nghiêm được nữa. Ba đứa bụm miệng cười rung cả người. Tiểu Long vừa cười hí hí vừa thận trọng lùi tuốt ra xa, sợ Quý ròm nổi cáu chơi trò "giận cá chém thớt".
Quý ròm nổi cáu thật. Bị Cung kê nguyên một cái tủ to đùng như vậy vào miệng, làm sao nó không cáu sườn cho được! Nhưng Quý ròm không "chém thớt". Nó chỉ "giận cá chém... cá". Nó nhìn Cung, mắt long sòng sọc:
- Chơi trò phá bĩnh hả mày?
- Phá bĩnh gì đâu! - Cung nhún vai - Tao chỉ nhận xét theo sự thật thôi!
- Sự thật cái đầu mày! - Giọng Quý ròm xịt khói - Mày thù tao về chuyện đường Phạm Ngũ Lão có Tây ba lô lúc nãy nên tìm cách trả đũa chứ gì!
- Bậy! - Cung vẫn cứng cỏi - Đây là tao góp ý cho tổ thôi. Còm ròm như mày mà đóng vai Hưng Đạo đại vương chỉ tổ khiến tụi bạn trong lớp cười méo miệng!
Biết thằng Cung kiếm cớ trả thù mình nhưng trước lý lẽ vững chắc của đối phương, Quý ròm đành nghẹn họng. Nó ngắc ngứ một hồi rồi nhếch môi hỏi:
- Thế tao không đóng vai Trần Hưng Đạo thì mày đóng chắc? - Rồi không đợi Cung trả lời, nó hậm hực "xì" một tiếng - Mày cũng đâu có mập mạp hơn tao mấy tí!
Quý ròm nói đúng. Thằng Cung quả cũng không thể đóng vai Hưng Đạo đại vương được. Nhưng dường như Cung không màng đến vinh dự đó. Nó gật gù:
- Đúng! Tao cũng không thể đóng vai này được!
- Thế ai đóng? - Quý ròm ngẩn tò te - Tổ mình còn ai là con trai nữa đâu!
Cung chỉ tay vào nhỏ Kim Em:
- Kim Em sẽ đóng!
Ba, bốn cái miệng há hốc:
- Kim Em?
Còn nhỏ Kim Em thì giãy nảy:
- Không được đâu! Mình là con gái, làm sao đóng vai Trần Hưng Đạo được?
- Được! - Cung nhìn Kim Em, nheo mắt nói - Bạn là con gái nhưng so với các thành viên trong tổ, bạn chỉ nhỏ con hơn Tiểu Long thôi! Chỉ cần đeo râu vào, bạn sẽ hóa thành một đại vương oai phong lẫm liệt ngay tắp lự!
- Ờ, phải rồi! - Nhỏ Hiển Hoa vỗ tay - Mình cũng từng xem gái giả trai trên sân khấu mấy lần rồi! Giống hệt à!
Quý ròm không ngờ sự thể lại xoay ra như vậy. Không tiện tranh giành với "nữ giới", nó đành tặc lưỡi:
- Gái giả trai chẳng có gì là khó! Chỉ cần hóa trang thật khéo thôi!