Chương 9
Anh em thằng Nở lại được triệu tập “làm nhiệm vụ”.
Trước bưu cục Bàu Cát, ngay trên lề đường, có một hòm thư màu vàng được gắn vào một cây sắt để tiện cho khách bỏ thư. Hòm thư chia làm hai ngăn, một ngăn đề “Thành phố Hồ Chí Minh”, ngăn kia đề “Các tỉnh khác”. Khách bỏ thư nếu đã niêm thư và dán sẵn tem ở nhà, khi đi ngang qua bưu cục chỉ cần dừng xe với tay bỏ thư vào hòm, khỏi cần mất thì giờ vào bên trong.
Anh em thằng Nở đứng quanh quẩn trước hòm thư từ sáng sớm. Trưa hôm qua, sau khi không thấy công an xuất hiện, nhỏ Xảo đã hết sợ. Hôm nay, nó và thằng Nở được bọn Quý ròm dặn phải đứng chơi ngay trước hòm thư. Hễ thấy bất cứ ai dừng xe muốn bỏ thư, hai đứa phải chìa tay ra, nhã nhặn: “Cô, chú đưa cháu bỏ giùm cho!” và tất nhiên trước khi bỏ thư vào hòm, tụi nó có nhiệm vụ phải liếc chiếc phong bì xem đó có phải là lá thư mà cả bọn chờ đợi hay không.
Kế hoạch của Quý ròm vạch ra, anh em thằng Nở thực hiện một cách hoàn hảo. Tất cả khách gửi thư đều vui vẻ đưa thư cho hai anh em nó bỏ giùm, lại còn cảm ơn rối rít và hết lời khen ngợi: “Hai đứa bé con nhà ai mà ngoan ngoãn, tử tế ghê!” khiến anh em nó khoái chí cười luôn miệng.
Nhưng đến khi Quý ròm, Tiểu Long và Văn Châu xuất hiện thì anh em thằng Nở hết cười nổi:
Quý ròm hỏi:
- Có gì không?
Miệng Nở méo xẹo:
- Không có gì!
Việc cô gái bí mật nào đó cứ nhất định không chịu xuất hiện ở bưu cục Bàu Cát dĩ nhiên không phải lỗi của anh em thằng Nở. Nhưng nhìn vẻ hồi hộp chờ đợi của bọn Quý ròm, Nở vẫn cảm thấy áy náy sao sao ấy! Nó có cảm giác mình cũng phải chịu một phần trách nhiệm trong chuyện này!
Như đọc được tâm trạng của thằng nhóc, Tiểu Long dặt tay lên vai Nở:
- Mày yên tâm! Còn chiều nay nữa!
Mắt Nở chớp lia:
- Anh tin rằng chiều nay cô gái kia sẽ tới ư?
Tiểu Long gật đầu:
- Nhất định cô ta sẽ tới!
Nghe cái giọng chắc như cua gạch của Tiểu Long, Nở thấy ngực mình nhẹ hẳn. Nó kéo tay nhỏ Xảo, miệng cười tươi:
- Vậy tụi em về trước nghen!
Thằng Nở tính tình khác xa thằng Mạnh. Với những vụ điều tra như thế này, Mạnh không đời nào bỏ qua. Thế nào đó cũng nằng nặc đòi ở lại “tham gia” cho bằng được. Nở không vậy. Nó không ham làm thám tử. Nó chỉ mong sớm chấm dứt “nhiệm vụ” để về nhà đi bán báo. Quý ròm nhìn theo anh em Nở, cười nói:
- Cảm ơn tụi mày nhiều nhá!
Nở quay đầu lại gật gật theo đúng phép lịch sự rồi cắm cúi dông thẳng.
Văn Châu nhìn Tiểu Long:
- Tôi đi mua bánh mì ăn trưa nghen?
Tiểu Long đưa tay xoa bụng:
- Ý kiến hay đấy!
Một lát, bọn Quý ròm mỗi đứa tay cầm một ổ bánh mì vừa nhai nhồm nhoàm vừa đứng tán gẫu ngay trước hòm thư.
Trông bề ngoài, bọn chúng có vẻ như những đứa trẻ vô tâm và rỗi việc. Nhưng nếu ai tinh ý như tác giả, sẽ thấy sự thực không phải vậy. Bọn trẻ miệng nói nhưng mắt không ngừng trông ngang liếc ngửa như đang nóng lòng chờ đợi ai.
Bọn Quý ròm đứng đợi khoảng nửa tiếng thì có một chiếc xe gắn máy trờ tới, thắng “rét” ngay trước mặt.
- Này, các chú bé kia! - Người đàn ông mập mạp ngồi trên xe trợn mắt – Sao lại đứng che khuất cái hòm thư thế?
Quý ròm cười tươi:
- Chú định bỏ thư hả chú?
- Hừ! Không bỏ thư thì thắng xe lại làm gì!
Người đàn ông vừa đáp vừa lúi húi mở cặp.
Quý ròm nhanh nhẹn chìa tay ra:
- Chú đưa cháu bỏ giùm cho!
Người đàn ông nhướn mắt:
- Bây giờ lại có “cò bỏ thư” nữa à? Chà, “nghề” này mới à nha!
Quý ròm đỏ mặt:
- Chú hiểu lầm rồi! Tụi cháu bỏ giùm thư không lấy tiền công đâu ạ!
Người đàn ông vẫn nắm khư khư lá thư trên tay, giọng nghi hoặc:
- Chú bé tử tế thế sao?
Quý ròm hiền lành:
- Dạ, rất tử tế ạ! Ở trường thầy cô dạy tụi cháu có dịp nên giúp đỡ kẻ khác! Tụi cháu làm theo lời thầy cô đó, thưa chú!
Nghe giọng điệu khoa trương, Văn Châu và Tiểu Long phải cúi gằm mặt để nén cười. Nhưng người đàn ông thì không buồn giữ gìn. Ông cười phá lên:
- Chà, chú em láu lỉnh lắm! Này, thế thì “giúp đỡ kẻ khác” đi này!
Quý ròm mừng rơn. Nó hăm hở đón lấy phong thư trên tay người đàn ông. Nhưng rồi mặt nó bỗng xịu ngay xuống: đó không phải là thư gửi cho trung phong Sĩ Hoàng.
Cho đến bốn giờ chiều ngày hôm đó, bọn Quý ròm còn có dịp “giúp đỡ kẻ khác” thêm năm, sáu lần nữa. Và cũng như anh em thằng Nở, bọn Quý ròm được các khách bỏ thư khen nức nở. Nhưng dù vậy, chẳng đứa nào trong bọn vui nổi. Bởi vì “nhân vật” mà tụi nó mong được “giúp đỡ” đến cháy ruột cháy gan vẫn không thấy đến.
Tiểu Long ngần ngừ nhìn Quý ròm:
- Hay là…
Quý ròm đưa tay ngăn lại:
- Đừng sốt ruột! Cứ chờ thêm lát nữa!
Sau “một lát”, Tiểu Long lại quay sang bạn:
- Theo tao…
Bàn tay Quý ròm lại lật đật giơ lên:
- Chờ thêm một lát!
- Một lát là bao lâu? - Lần này Tiểu Long không chịu ngậm miệng.
Quý ròm mím môi:
- Tụi mình sẽ đợi thêm nửa tiếng đồng hồ nữa!
Thật ra lúc này bụng dạ Quý ròm cũng thấp thỏm không kém gì hai bạn. Chỉ có điều nó không để lộ ra ngoài mặt đó thôi. Thời gian càng lúc càng cạn dần mà người hâm mộ bí ẩn nọ vẫn biệt tăm khiến Quý ròm bắt đầu đâm ra nghi ngờ sự phỏng đoán của nhỏ Hạnh.
Nhưng đúng vào lúc bọn trẻ bắt đầu cảm thấy tuyệt vọng và Quý ròm chuẩn bị lên tiếng kêu các bạn ra về thì một cô giá đạp xe đạp từ xa tiến lại. Cô gái hình như đi chợ về, giỏ xe đằng trước chất dăm cái túi nhỏ nằm xen giữa mấy bó rau muống xanh ngắt.
Thấy chiếc xe ngừng ngay trước mặt, không đợi cô gái kia kịp hỏi, Quý ròm đã thấp thỏm:
- Chị gửi thư hả chị?
Cô gái mỉm cười:
- Ừ.
Quý ròm lễ phép:
- Chị đưa thư đây em bỏ giùm cho!
Vừa đón lấy lá thư từ tay cô gái, Quý ròm nín thở liếc mắt lên phong bì.
Trong một thoáng, tim Quý ròm như ngừng đập. Phong thư trên tay nó đúng là phong thư mà tụi nó chờ đợi suốt hai ngày nay. Chỗ người gửi để trống còn chỗ người nhân tên của trung phong Sĩ Hoàng được viết bằng nét chữ nghiêng nghiêng với chứ S có hai khoanh tròn u không lẫn vào đâu được. Và đang nằm ngay ngắn ở góc phong bì chính là con tem “Thiếu nữ bên hoa sen’ quen thuộc.
Vẻ sửng sốt của Quý ròm khiến Văn Châu và Tiểu Long lập tức chụm đầu dòm.
- Gì vậy các em? – Cô gái ngạc nhiên hỏi.
- Dạ, dạ, không có gì đâu ạ! - Quý ròm giật mình đáp - Tụi em thấy con tem đẹp quá nên tò mò ngắm nghía thế thôi!
Quý ròm trớ nhanh như máy, vừa nói nó vừa lật đật nhét chiếc phong bì vào khe hở của hòm thư.
Cô gái nhoẻn miệng cười:
- Ừ, con tem này đẹp thật! Thôi, chị về đây! Cảm ơn các em nhé!
Khi nói như vậy, cô gái không ngờ rằng mình vừa đi khoảng mười mét, ba đứa trẻ kia đã hối hả tót lên hai chiếc xe dựng ở bờ tường, len lén bám theo.
Tiểu Long hí hửng nhấn mạnh bàn đạp khiến Quý ròm phải đập tay lên lưng nó:
- Chậm lại! Đây có phải bắt cướp đâu mà mày phóng hăng thế!
Văn Châu nghiêng đầu qua Tiểu Long:
- Phen này mình lập công lớn, bạn tha hồ xin chữ ký và chụp hình chung với anh Sĩ Hoàng nhé!
Tiểu Long vờ khịt mũi, làm như không nghe câu nói của Văn Châu. Nhưng nó biết lòng nó đang sung sướng lắm. Như vậy l cuối cùng, ba đứa nó và anh em thằng Nở đã không dẫn xác lên quận Tân Bình và ngồi chết gí trước bưu cục Bàu Cát một cách vô ích. Cuối cùng sau bao phen hồi hộp và lo âu tụi nó đã gặp được cô gái bí ẩn kia. Và nhất là cuối cùng, tụi nó đã giúp cho “thần tượng” của mình có cơ hội viếng thăm và cảm ơn cô gái về sự động viên lớn lao cô đã dành cho anh trong những ngày tháng khó khăn…
Đang miên man nghĩ ngợi, Tiểu Long bỗng giật thót người khi thấy cô gái dừng lại và thong thả xuống xe.
Không ngờ nhà cô gái lại cách bưu cục Bàu Cát gần đến thế, suýt chút nữa Tiểu Long và Văn Châu đã trờ xe sát tới. May mà cuối cùng hai đứa thắng lại kịp và nhanh chóng lủi vào sau một gốc cây.
Trong khi cô gái loay hoay mở ổ khoá cửa thì bọn Quý ròm thập thò căng mắt nhìn lên bảng số nhà và cố ghi vào trong óc đãy chữ số khá rắc rối: 37A/108
Nhưng sự “thu hoạch” của bọn Quý ròm trong ngày hôm đó không chỉ có vậy. Lúc cô gái sắp sửa dắt xe vào nhà, bà hàng xóm thình lình thò đầu ra khỏi cửa:
- A, cô Hường đi chợ về rồi hả? Cô có nhớ mua giùm ký đường cho tôi không vậy?