Chương 3
Tùng! Tùng! Tùng!
Tiếng trống ra chơi vừa vang lên, Bá đã vội nhỏm người dậy. Nhưng nó mới dợm chân, chưa kịp phóc ra ngoài, lưng quần đã bị một bàn tay níu lại.
- Buông ra! Đứa nào chơi gì kỳ vậy?
- Tao đây chứ ai! - Đặng Đạo cười hì hì, vừa nói vừa thả tay ra. Bá quắc mắt:
- Bộ mày hết chuyện đùa rồi hả?
- Tao không đùa! Đây là lệnh của tổ trưởng.
Bá ngoảnh sang Xuyến Chi, mặt hầm hầm. Nhưng nó chưa kịp mở miệng cự nự, Xuyến Chi đã chặn ngang:
- Ai bảo với bạn là tổ mình sẽ dựng hoạt cảnh?
Như va phải tường, Bá mất ngay vẻ hùng hổ.
- Đâu có ai bảo! - Giọng Bá xụi lơ.
Nhỏ Vành Khuyên tròn mắt:
- Thế sao bạn dám đăng ký với cô giáo?
Thấy mình vì lòng tốt lên tiếng "giải vây" cho cả tổ, vậy mà bây giờ lại bị hai con nhỏ "chức sắc" trong tổ xúm vào hạch hỏi, tra khảo. Bá nổi quạu:
- Chứ chẳng lẽ để bạn Xuyến Chi đứng trơ giữa lớp như ông phỗng đá à?
Cú phản kích của Bá làm Xuyến Chi đỏ mặt. Nó gân cổ định cự lại tên tổ viên bướng bỉnh
nhưng không hiểu nghĩ sao, cuối cùng nó thở đánh thượt:
- Thôi được! Nhưng đã nói thì phải làm đấy! Bá hừ mũi:
- Làm thì làm chứ! Nhỏ Tú Anh chớp mắt:
- Thế Bá định dựng hoạt cảnh gì vậy?
- Tôi đã nói rồi! Hoạt cảnh về học tập!
- Thì về học tập! Nhưng nội dung của nó như thế nào?
- Nội dung hả? - Bá gãi gáy - Nội dung thì... tôi vẫn chưa nghĩ ra!
- Trời ơi là trời! - Phước kêu lên - Bộ mày tính giỡn mặt với cô Trinh hả Bá? Bá liếm môi:
- Thì để từ từ tao nghĩ! Phước nheo mắt:
- Thế nếu cuối cùng mày nghĩ không ra thì sao?
- Nếu nghĩ không ra hở? - Hét gãi gáy, Bá lại gãi cằm - Nếu nghĩ không ra thì tổ mình sẽ... dựng lại hoạt cảnh vua Quang Trung tiến đánh đồn Ngọc Hồi!
- Kiếm giùm tao chai dầu gió, Đặng Đạo ơi! - Phước bật ngửa người ra sau, rên rỉ - Thằng
Bá làm tao sắp xỉu rồi!
Đặng Đạo gục mặt xuống bàn:
- Mày sắp xỉu nhưng tao thì đã xỉu rồi đây nè!
Xuyến Chi không xỉu, cũng không sắp xỉu. Nhưng mặt nó xanh lè xanh lét. Nó nhìn Bá bằng ánh mắt hoang mang:
- Bộ khi hứa với cô như vậy, bạn chưa chuẩn bị gì hết hả?
- Đã chuẩn bị gì đâu! - Bá nuốt nước bọt - Tôi đã nói rồi. Tôi làm vậy là để tổ mình khỏi bị mất mặt với các tổ khác thôi.
Nhỏ Vành Khuyên nhún vai:
- Liều mạng đến thế là cùng! Bộ sáng nay bạn điểm tâm bằng mật gấu chắc? Nhỏ Tú Anh rụt rè lên tiếng:
- Đằng nào cũng đã lỡ rồi! Bây giờ tụi mình phải cố nghĩ ra nội dung cho hoạt cảnh thôi!
Trong tổ 3, nhỏ Tú Anh là đứ ít nói. Nhưng khi nó đã mở miệng, ý kiến của nó nghe mới hợp lý làm sao!
Sáu cái đầu lập tức chụm lại bàn bạc sôi nổi. Tụi nó vừa phát biểu vừa cãi cọ vừa hăng hái chê bai lẫn nhau, nói chung là nhốn nháo không thể tả.
Nhưng so với sự náo loạn ở tổ 2 và tổ 5 lúc này, không khí ở tổ 3 dù sao cũng êm thấm hơn nhiều.
Cũng như các thành viên của tổ 3, mười hai đứa trong hai tổ kia cũng chẳng đứa nào chịu ra chơi. Trống vừa nện "tùng, tùng" là tám cái đầu lập tức ngoảnh phắt lại chỗ ngồi của băng "tứ quậy".
Đỗ Lễ nóng nảy lên tiếng trước:
- Này, tổ tao bàn chuyện hợp tác với tổ 2 hồi nào mà mày nói vung lên thế hở Hải quắn? Hải Ngọc hùa theo:
- Ừ, Hải Ngọc cũng có nghe nói gì đâu! Minh Vương hừ mũi, giận dỗi:
- Tao là tổ trưởng mà còn không biết nói gì người khác!
Tổ trưởng tổ 2 Lan Kiều cũng không giấu vẻ ngạc nhiên. Nó nhìm lom lom vào mặt Hải quắn:
- Sao khi nãy Hải lại xướng lên thế?
Trước sự chất vấn tới tấp của mọi người, Hải quắn vẫn chẳng hề lộ vẻ bối rối. Nó dang rộng hai tay, điệu bộ trông rất kịch:
- Bình tĩnh, bình tĩnh! Các bạn hãy bình tĩnh! Có gì thì "ngồi xuống uống miếng nước, ăn miếng bánh" rồi từ từ thương lượng!
Đỗ Lễ "xì" một tiếng:
- Tưởng sao! Lại đi bắt chước câu nói cửa miệng của thằng Tiểu Long! Hải quắn trừng mắt:
- Kệ tao mày! Tao mời mày uống nước ăn bánh chứ có mời mày nhảy vào họng tao mày ngồi chồm hổm đâu!
Hải Ngọc giật áo Đỗ Lễ:
- Thôi, bạn ngồi yên nghe bạn Hải giải thích đi!
Sau câu nói của Hải Ngọc, cả bọn lập tức bấm bụng ngồi im, chong mắt chờ xem Hải quắn nói gì.
- Bây giờ các bạn nghe tôi hỏi nè! - Hải quắn đảo mắt một vòng, giọng thản nhiên - Có phải cô Trinh muốn buổi liên hoan văn nghệ của lớp ta thật vui nhộn không?
- Phải! - Nhiều đứa đáp.
- Vậy theo các bạn, những tiết mục mà lớp ta đăng ký sáng nay có đáp ứng được mong mỏi của cô Trinh không?
Nhỏ Lan Kiều chớp mắt:
- Ờ... ờ...
- Chẳng có gì phải "ờ, ờ" cả! - Hải quắn hừ giọng - Nói trắng ra là những tiết mục đó, kể cả màn đọc thơ của bạn, chẳng có chút gì gọi là vui nhộn cả! Minh Vương chép miệng:
- Thôi được rồi, cứ coi như là không vui nhộn! Thế thì sao?
Hải quắn cười toe:
- Nếu đã vậy thì tổ 2 và tổ 5 có nghĩa vụ cùng hợp tác dàn dựng một tiết mục thật vui nhộn để cô giáo vui lòng chứ sao! Nhỏ Lan Kiều nhíu mày:
- Nhưng hai tổ đã bàn bạc gì với nhau đâu?
- Bạn yên chứ! - Hải quắn hươ tay - Tôi và Quốc Ân đại diện cho tổ 2, còn Lâm và Quới
Lương đại diện cho tổ 5, bốn đứa tôi đã bàn bạc với nhau rồi. Lời "khai báo" của Hải quắn khiến Lan Kiều muốn té lăn ra đất.
Phải cố gắng lắm nó mới trấn tĩnh được. Nó hỏi mà miệng méo xệch:
- Thế sao các bạn không bàn qua trong tổ? Hoặc ít ra cũng phải trao đổi với tôi và Minh Vương chứ?
Lâm vọt miệng đáp thay:
- Chẳng qua là do bọn này vừa chợt nghĩ ra hoạt cảnh này thôi! Vì vậy không thể bàn bạc kịp!
Nhỏ Bội Linh tò mò:
- Các bạn nghĩ ra hoạt cảnh gì thế?
Quới Lương xoay qua Bội Linh, vẻ bí mật:
- Hoạt cảnh này độc đáo lắm!
- Độc đáo?
- Ừ, có một không hai đấy! Chắc chắn ở trường ta chưa bao giwof có một hoạt cảnh vui nhộn như thế này!
Minh Vương nhìn Quới Lương bằng ánh mắt nghi ngờ:
- Chỉ giỏi tài nói khoác!
Minh Vương nói với Quới Lương nhưng Quốc Ân lại nổi khùng. Nó quay lại:
- Bọn này không thèm nói khoác đâu nhé! Hoạt cảnh này khi biểu diễn, bảo đảm khán giả sẽ cười lăn bò càng! Minh Vương nhếch mép:
- Hoạt cảnh gì mà ghê thế? Quốc Ân vung tay:
- Chúng ta sẽ đóng giả thầy cô giáo!
Tiết lộ của Quốc Ân khiến tụi bạn ngẩn tò te. Nhỏ Lệ Hằng nãy giờ ngồi làm thinh, lúc này không kềm được thắc mắc:
- Đóng giả thầy cô giáo là sao?
- Là thế này này! - Hải quắn "e hèm" một tiếng rồi chậm rãi giải thích - Dạy chúng ta năm nay ngoài cô Trinh chủ nhiệm, còn có những thầy cô khác nữa phải không?
Đỗ Lễ châm chọc:
- Rõ là một câu hỏi thừa!
Hải quắn phớt lờ, tiếp:
- Và mỗi thầy cô đều có một điểm đặc biệt, đúng không?
Hải Ngọc nhăn nhó:
- Hải Ngọc chả hiểu gì cả! Điểm đặc biệt là đặc biệt như thế nào?
- Có vậy mà cũng không hiểu! - Đỗ Lễ cười hề hề - Chẳng hạn cô Kim Anh dạy hóa học nhưng không dạy toán, còn thầy Hiếu thì chỉ dạy toán mà không dạy sử, cô Nga dạy sử lại không dạy Anh văn...
Hải quắn sầm mặt:
- Tao không giỡn với mày nghe Đỗ Lễ!
- Tao cũng đâu có giỡn! - Đỗ Lễ thè lưỡi. Lần thứ hai, Hải Ngọc giật tay bạn:
- Bạn đừng trêu nữa! Để xem bạn ấy nói gì? Nhỏ Lan Kiều chớp chớp mắt:
- Thế điểm đặc biệt mà Hải nói là những điểm gì vậy?
Hải quắn không trả lời ngày thắc mắc của tổ trưởng. Nó nhìn quanh, trịnh trọng hỏi:
- Thế theo các bạn, điểm đặc biệt nhất của thầy Hiếu là gì? Lệ Hằng vọt miệng:
- Thầy dạy rất dễ hiểu! Quốc Ân "xì" một tiếng:
- Điều đó chả có gì gọi là đặc biệt! Cô Kim Anh, cô Diệu Lý cũng giảng bài dễ hiểu vậy! Chí Mỹ reo lên:
- A, tao biết rồi! Thầy rất nghiêm!
- Lại sai bét! - Quôc Ân tiếp tục phản bác - Thầy Quảng, cô Hạ Huệ còn nghiêm hơn cả
thầy Hiếu!
So sánh của Quốc Ân hoàn toàn đúng sự thật. Vì vậy, bọn trẻ lại nhăn trán nhíu mày, cố tìm
xem điểm đặc biệt của thầy Hiếu nằm ở chỗ nào.
Chỉ có Hải Ngọc là không buồn nghĩ ngợi lâu lắc. Vốn là đứa không thích hành hạ đầu óc, nó bộp chộp hỏi ngay:
- Thế điểm đặc biệt của thầy Hiếu là gì?
Hải quắn chưa kịp mở miệng, Quới Lương đã sốt sắng giải đpá. À, nó chưa giải đáp ngay. Mà gật gù hỏi:
- Đến một ngày nào đó phải rời khỏi trường này, khi nhớ tới thầy Hiếu thì bạn sẽ hình dung ra thầy như thế nào? Có nghĩa là hình ảnh đầu tiên giúp bạn nhớ rõ ràng về thầy là hình ảnh gì?
Hải Ngọc cắn môi:
- Hình ảnh đầu tiên về thầy hở?
Nhưng Hải Ngọc không phải phân vân lâu. Câu hỏi gợi ý quá xá cụ thể của Quới Lương khiến Hải Ngọc nhanh chóng sáng mắt:
- À, Hải Ngọc nhớ ra rồi! Thầy Hiếu có điểm đặc biệt là không bao giờ dùng khăn lau bảng, toàn chùi bằng tay cho nhanh, do đó khi hết giờ hai tay thầy luôn dính đầy phấn trắng, đúng không?
Hải quắn toét miệng cười:
- Giỏi lắm! Bạn nói đúng phóc!
Thấy con nhỏ Hải Ngọc lù khù ngồi cạnh mình được khen, Đỗ Lễ ức lắm. Nó gân cổ, quyết không chịu thua:
- Thầy Hiếu còn một điểm đặc biệt nữa là rất hay nói câu "Trời ơi! Em làm toán như thế
này là em giết tôi rồi!".
Khi nhắc lại câu nói của thầy Hiếu, Đỗ Lễ giả giọng ồm ồm khiến tụi bạn không nhịn được cười. Nhớ lại chuyện xảy ra hồi đầu năm, cả bọn càng cười ngặt nghẽo, cười đến chảy nước mắt khiến tụi tổ 3 đang ngồi "họp" ở bàn trên phải tò mò quay đầu dòm.
Hồi đó mới nhập học, tụi học trò 8A4 còn chưa biết "đặc điểm" của thầy, bị thầy làm cho một phen vừa chết sợ vừa chết cười. Chả là hôm đó Tiểu Long bị kêu lên bảng giải toán, tất nhiên nó làm sai be sai bét. Thầy Hiếu nhìn vào bài giải của Tiểu Long, xong thầy quay qua nhìn sững nó:
- Em định giết tôi hả Long?
Tiểu Long vốn sợ môn toán như sợ hùm, bị kêu lên bảng tâm thần đã bất an, nay bỗng nhiên nghe thầy bất thần hỏi độp một câu đầy vẻ "hình sự", mặt nó xám như chàm đổ:
- Thưa thầy, em đâu dám... giết người ạ!
- Còn chối nữa hả? - Thầy Hiếu giơ hai tay lên trời - Em làm toán như thế này là em giết tôi rồi còn gì!
Cả lớp đang nín thở bỗng nổ ra tràng cười như chợ vỡ. Còn Tiểu Long thì mặt mày từ xanh chuyển qua đỏ, miệng mồm méo xệch, không biết vên khóc hay nên cười.
Từ đó, mỗi khi nghe thầy "điều tra" xem có phải học trò định "ám sát" thầy không, học trò nhẹ nhõm biết thầy bực mình chuyện học hành chứ không phải thắc mắc chuyện "vụ án".
Đợi tụi bạn bớt huyên náo, Hải quắn quẹt nước mắt, khen:
- Đặc điểm bạn Đỗ Lễ vừa nêu rất tuyệt. Đó đúng là câu nói ưa thích của thầy! Hải quắn "e hèm" một tiếng rồi tiếp tục nêu câu hỏi:
- Bây giờ tới cô Nga. Theo các bạn thì cô Nga có đặc điểm gì nổi bật?