Chương 7
Mới đầu giờ chiều, lớp 8A4 đã ồn ào, náo nhiệt. Buổi liên hoan cuối năm, bọn học trò bụng dạ nôn nao nên đứa nào cũng lật đật đi sớm.
Tổ trang trí dưới sự chỉ huy của "họa sĩ" Cung cắt vô số hóa bằng giấy mày dán la liệt bốn vách tường khiến căn phòng quen thuộc hằng ngày sáng rực hẳn lên, trông vô cùng lạ mắt. Đã thế, những dải kim tuyến sặc sỡ vắt từ góc này qua góc khác, óng a óng ánh ngay trên đầu mọi người khiến buổi liên hoan chưa bắt đầu mà không khí đã rộn ràng, náo nức.
Trên các dãy bàn, bánh trái và nước ngọt được Hiền Hòa và Kim Em, hai nhân vật quan trọng trong tổ những công, bê ra sắp thành từng hàng dài.
Nhỏ Hiền Hòa mới loay hoay bưng bê được một lúc, Việt hà và An Dung đã chạy lại níu tay:
- Đi!
- Đi đâu?
- Tụi mình phải kiếm chỗ vắng dượt lại bài Hổng dám đâu!
- Hổng dám đâu! - Kim Em trừng mắt - Bạn Hiền Hòa còn đang phải phụ mình dọn bánh
đấy!
- Thôi mà, bạn nhờ người khác đi! - Nhỏ An Dung thấy Kim Em làm căng, bèn đấu dịu - Để tụi này dượt lại một tí, kẻo lát nữa trục trặc nửa chừng thì ngượng lắm!
An Dung vừa nói vừa ranh mãnh nháy mắt với hai bạn. Kim Em không nhìn thấy vẻ tinh quái của An Dung, tiếp tục hùng hổ:
- Không được! Hát hò là phải tập từ trước, ai lại để nước đến chân...
Đang thao thao, chợt cảm thấy điều khác lạ, Kim Em ngưng bặt và ngoảnh cổ sang bên cạnh. Mặt nó bỗng thuỗn ra khi thấy Hiền Hòa và Việt Hà biến đi đâu mất. Kim Em chớp chớp mắt một lúc rồi thở dài quay lại trách cứ An Dung. Nhưng An Dung cũng không còn ở chỗ cũ. Nhân lúc Kim Em đang sửng sốt, nó đã lén len qua đám đông chuồn ra cửa.
Ngược lại với ban "Tam ca áo trắng" "ca sĩ ô-pê-ra" Dưỡng chẳng cần đi đâu xa. Nó đứng ở
góc lớp, ngoác miệng rống bài "Trống cơm" đến đinh tai nhức óc.
Thoạt đầu, tôn trọng một ca sĩ đang luyện giọng trước khi lên sân khấu, tụi bạn bấm bụng làm ngơ. Nhưng đến khi thằng Dưỡng hát đi hát lại bài hát đến lần thứ mười thì nhiều đứa chịu hết nổi.
Đỗ Lễ hằm hè:
- Thôi, tra tấn bạn bè thế đủ rồi mày! Thằng Cung đưa tay bịt tai:
- Ngày mai chắc tao phải đến bệnh viện Tai Mũi Họng để kiểm tra lại màng nhĩ quá!
Dưỡng chứng tỏ mình là một đứa lì lợm không ai bằng. Tụi bạn càng trêu, nó càng hét tợn. Chỉ đến khi nhỏ Vành Khuyên lại gần vờ nhỏ nhẹ:
- Dưỡng phải giữ giọng để lát nữa hát chính thức chứ! Thì nó mới chịu vui vẻ "tắt đài".
Trong lúc đó, mấy đứa tổ 4 cứ bu quanh Quý ròm, gạn hỏi:
- Bài thơ của Quý xong rồi chứ?
- Dĩ nhiên! Đến giờ này mà chưa xong thì còn nói gì nữa!
- Thế bài thơ đó như thế nào? - Nhỏ Hiển Hoa gạ gẫm - Quý đọc thử xem!
- Làm gì sốt ruột thế? - Quý ròm nhún vai - Đằng nào lát nữa bạn cũng sẽ nghe kia mà!
Nhỏ Hiển Hoa định hỏi xem Quý ròm có chắc sẽ giật giải trong buổi liên hoan này không nhưng sực nhớ bữa trước Quý ròm gầm gừ tuyên bố "Tôi làm thơ không phải để đoạt giải", nó liền kịp thời tốp lại.
Mấy đứa ở tổ 2, tổ 3 và tổ 5 dường như đã tập dượt kỹ lưỡng các hoạt cảnh nên chẳng thấy tụi nó lộ vẻ lo âu như những tổ khác. Tụi thằng Bá, Đặng Đạo, Tú Anh, Hải Ngọc chỉ mải lo giành giật nhau mấy cuốn lưu bút, cãi nhau chí chóe.
- Học sinh nghiêm!
Tiếng lớp trưởng Xuyến Chi thình lình vang lên khiến cả lớp lập tức im phắt, đứa nào đứa nấy lật đật đứng thẳng người và đổ dồn mắt ra cửa.
Dẫn đầu là cô Trinh, theo sao là thầy Hiếu, cô Nga, cô Diệu Lý và các thầy cô khác, tất cả đang tươi cười chậm rãi tiến vào.
Cô Trinh vẫy tay:
- Các em ngồi xuống đi!
Nhỏ Xuyến Chi ứng tiếng hô:
- Học sinh nghỉ!
Cả lớp lục tục ngồi xuống. Mấy đứa tổ 1 và tổ 3 dồn ra sau, chừa mấy dãy bàn đầu cho các "thượng khách".
Đợi ai ấy an tọa, "speaker" Hạnh từ từ tiến ra giữa bục điều khiển chương trình.
Trước tiên nó mời lớp trưởng Xuyến Chi lên "tuyên bố lý do". Tiếp theo, lớp phó văn thể mỹ Vành Khuyên được mời lên giới thiệu các tiết mục "hấp dẫn và đặc sắc". Khi giới thiệu đến hoạt cảnh của tổ 2 và tổ 3, nhỏ Vành Khuyên không dám đọc câu "đặc sắc và vui nhộn chưa từng có" trong tờ giấy ghi sẵn. Cho đến lúc đó, mặc dù đã tự tin lên nhiều, Vành Khuyên vẫn chưa hình dung được phản ứng của thầy cô trước màn hoạt cảnh do bọn Hải quắn bày ra. Phớt lờ những bộ mặt nhăn nhó của băng "tứ quậy" ngồi bên dưới, nó cố tình cắt xén bớt những câu "quảng cáo" giật gân do thằng Lâm "thi sĩ Hoàng Hôn" đề nghị.
- Bây giờ thi sĩ Lan Kiều sẽ mở đầu chương trình văn nghệ bằng bài thơ Trường em! - Vành Khuyên vừa bước xuống, nhỏ Hạnh đã dõng dạc - Xin thầy cô và các bạn cho một tràng pháo tay để động viên tinh thần thi sĩ!
Tiếng vỗ tay lập tức vang lên rào rào.
Lan Kiều bẽn lẽn bước ra "sân khấu". Lan Kiều trước nay chỉ làm thơ đăng báo. Nó chưa bao giờ đọc thơ trước đám đông, nhất là trong đám đông đó có cả các thầy cô lúc này đang nhìn chòng chọc vào nó chờ đợi.
Phải hắng giọng hai, ba lần, Lan Kiều mới mở miệng được. Nó ấp úng:
- Thưa các thầy cô... thưa các bạn... Lan Kiều xin đọc...
Rồi không nói rõ là đọc gì, nó hấp tấp "trình bày" luôn:
- "Anh gạch - Đo đỏ - Nho nhỏ - Dễ thương..."
Bài thơ này Lan Kiều làm đã lâu, lại bằng lối thơ hai chữ vần vèo dễ thuộc, nhưng lúc này nó đọc cứ vấp lên vấp xuống khiến mấy đứa trong tổ 2 nhăn như bị, chắc mẩm phen này mất đứt cái phần thưởng quý giá của cô Trinh.
Nhưng dù Lan Kiều trình bày không được trơn tru lắm, bài thơ Trường em vẫn nhận được lời khen ngợi và những tràng pháo tay nồng nhiệt của các thầy cô.
Chí Mỹ không biết nhặt được ở đâu một cành hoa ny-lông, hí hửng chạy lên sân khấu dúi vào tay thi sĩ khiến thi sĩ lỏn la lỏn lẻn và cuống quít chạy vội về chỗ ngồi.
Ở trên bục, nhỏ Hạnh tiếp tục làm nhiệm vụ:
- Để tiếp nối chương trình, ca sĩ Dưỡng sẽ trình bày bản dân ca quen thuộc Trống cơm. Xin các thầy cô và các bạn bình tĩnh thưởng thức!
Lời giới thiệu của nhỏ Hạnh khiến cả lớp cười ồ. Thầy Quảng quay sang cô Diệu Lý, ngơ ngác:
- Thưởng thức ca nhạc tại sao lại phải bình tĩnh hở cô? Cô Diệu Lý lắc đầu:
- Điều này chắc thầy phải hỏi cô Trinh.
Hôm trước, cô Trinh đã bị thằng Dưỡng làm mất vía một lần, tất nhiên cô biết rõ tại sao nhỏ Hạnh lại "cảnh báo" khán thính giả một cách nghiêm khắc như thế. Nhưng khi thầy Quảng và cô Diệu Lý thắc mắc, cô chỉ nhoẻn miệng cười không đáp.
Cô Trinh không đáp, nhưng thằng Dưỡng đã tích cực giải đáp ngay.
Nó phồng ngực, hai tay nắm chặt, gân cổ nổi vồng:
- Tình bằng có cái trống cơm, khen ai khéo vỗ...
Thằng Dưỡng làm các thầy cô giật nảy. Nếu đem cái "trống cơm" thật ra "vỗ" vào lúc này chắc cũng không thể khiến người nghe chóng mặt đến thế.
Cô Kim Anh và cô Hạ Huệ ngậm chặt miếng bánh ăn dở, thầy Hiếu và thầy Thừa đặt vội ly
nước ngọt xuống bàn, còn cô Trinh thì húng hắng ho.
Cô Nga hấp tấp quay lại phía sau, nhìn lướt đám học trò, có lẽ cô định nói câu quen thuộc "Ôi, cô nhức đầu quá! Em nào có mang theo chai dầu gió, cho cô mượn xem nào!" nhưng sực nhớ ra đây là buổi liên hoan văn nghệ cuối năm, chứ không phải đang tiết sử, cô liền thất vọng quay lên.
May mà bản Trống cơm không đến nỗi quá dài. Khi Dưỡng hát xong câu cuối cùng, ai nấy đều thở phào như vừa thoát khỏi một trận oanh kích. Mừng "tai qua nạn khỏi", mọi người vỗ tay như sấm.
Đang mồ hôi mồ kê nhễ nhại, nghe tiếng vỗ tay, mặt mày Dưỡng tươi hơn hớn. Nó liếm môi, hăm hở:
- Nếu các thầy cô và các bạn còn muốn nghe nữa, em xin hát thêm bản thứ hai. Bản này có tên là...
Sự hăng hái của Dưỡng khiến các khán giả mặt xám như chàm đổ. "Speaker" Hạnh hoảng hốt cắt ngang:
- Cảm ơn nhiệt tình của ca sĩ Dương. Nhưng vì thời gian có hạn, xin bạn cảm phiền!
Dương vẫn chưa chịu buông tha mọi người. Nó cứ đứng trơ, giọng nằn nì:
- Bài này ngắn thôi mà...
Nhỏ Hạnh càng quýnh. Không biết làm sao, nó đành nói thẳng:
- Một lần nữa, xin cảm ơn bạn. Và... mời bạn về chỗ ngồi!
Bị đuổi thằng cánh, Dưỡng hằm hằm bước xuống, bụng tức con nhỏ Hạnh "vùi dập nhân tài" kia không để đâu cho hết.
Hôm trước thằng Quang nói với cô Trinh là tổ 1 của nó tham gia hai tiết mục, Dưỡng sẽ hát bản Trống cơm để tạo cảm giác mạnh, sau đó ban "Tam ca áo trắng" sẽ hát bản Hổng dám đâu để giúp khán giả hoàn hồn lại.
Tưởng Quang nói đùa, không ngờ sự thực lại diễn ra đúng y như thế.
Khi ba con nhỏ Hiền Hòa, Việt Hà và An Dung bước ra chào khán giả và cất giọng lảnh lót "Trên cành cao chim hót mời em đi giữa mùa xuân..." thì cô Kim Anh và cô Hạ Huệ mới nuốt trôi được miếng bánh nãy giờ còn nghẹn ngang cổ họng, thầy Hiếu và thầy Thừa mới bình tĩnh cầm ly nước mà không sợ tuột tay làm rớt và cô Trinh mới thôi ho, cô Nga mới thôi nhấp nhổm quay đầu nhìn quanh quất.
Không chỉ các thầy cô, khi ban "Tam ca áo trắng" cất lên bài hát quen thuộc, tụi bạn trong lớp tưởng như có một làn gió mát thổi ngang lớp học và không hẹn mà mấy chục cái miệng cùng đồng loạt hát theo, nhiều đứa còn vỗ tay đánh nhịp:
- "Đá bóng với đá cầu, nhảy dây, bắn bi, trốn tìm. Ôi hấp dẫn tuyệt vời nhưng mà em hổng dám đâu! Hổng dám đâu em còn phải học bài! Hổng dám đâu, em còn phải làm bài..."
Tổ 3 tiếp nối chương trình bằng một hoạt cảnh, theo như lời thằng Bá đăng ký với cô Trinh, là hoạt cảnh về đề tài học tập.
Cả lớp hồi hộp nhìn thằng Phước đeo râu, mang mục kỉnh, đạo mạo bước lên sân khấu. Năm đứa còn lại, kể cả lớp trưởng Xuyến Chi và lớp phó Vành Khuyên, lục tục bước theo sau và đứng dàn hàng ngang trước mặt Phước, vòng tay cúi đầu ngoan ngoãn ra phết.
Đến khi thằng Phước cất lời:
- Các con ơi!
Và năm đứa kia dạ ran thì tụi bạn mới biết thằng Phước là "cha" của cả tổ nó.
Đỗ Lễ cười hí hí, vọt miệng:
- Cha ơi! Con đói bụng...
Đỗ Lễ tính trêu thằng Phước một câu bá láp gì đó nhưng bắt gặp cái trừng mắt của nhỏ Hạnh, nó liền rụt cổ nín thinh.
Phớt lờ sự phá bĩnh của Đỗ Lễ, Phước vẫn tiếp tục nói với "các con", nó vừa nói vừa dang rộng hai tay, trịnh trọng, tha thiết:
- "Việc học đối với các con hình như khó nhọc, mẹ con nói phải đấy! Cha chưa bao giờ trông thấy các con đi học với dáng điệu quả quyết và nét mặt hớn hở như cha mong muốn. Các con thử tưởng tượng nếu các con ngồi không ở nhà thì ngày giờ của các con sẽ trống trải biết là dường nào... Các con hãy nghĩ đến những người thợ làm lụng cả ngày, tối đến còn phải cắp sách đi học, những cô thiếu nữ suốt tuần lễ bị giam giữ trong xưởng, chủ nhật đến cũng rủ nhau đi học, những binh lính hết giờ luyện tập, cũng đem tập vở ra học, viết. Cho đến những trẻ mù, trẻ câm, chúng cũng đều học cả..."
Giọng thằng Phước càng lúc càng diễn cảm:
- "Mỗi buổi sáng, lúc các con đến trường, các con hãy nghĩ cũng giờ ấy trong thành phố ta có tới ba vạn đứa trẻ cũng ngồi dán mình trong lớp bốn tiếng đồng hồ như các con để được mở mang trí tuệ. Các con hãy nghĩ: xấp xỉ giờ này, trẻ com trong các nước trên hoàn cầu cũng đều đi học cả. Các con hãy tưởng tượng những đứa trẻ lếch thếch trên những đường hẻm nhà quê, rảo bước trong các phố phường huyên náo, dưới bầu trời oi ả hay trong cơn mưa tuyết lạnh lùng, chúng đi thuyền ở những xứ lắm sông ngòi, cưỡi ngựa qua những cánh đồng mông quạnh hoặc ngồi xe trượt trên những bãi băng giá lạnh. Chúng xuống lũng lên đèo, chúng xuyên rừng lội suối, chúng vượt qua những ngọn đồi hẻo lánh hoang vu. Ăn mặc hàng ngàn lối khác nhau, nói bằng trăn thứ tiếng khác nhau, chúng đi một mình hay lũ năm lũ ba, sách cắp trong tay hay cặp đeo dưới nách. Từ ngôi trường cùng tột lấp trong ánh tuyết nước Nga cho tới nóc trường hẻo lánh lẩn trong khóm gồi xứ Ẳ Rập, có tới hàng triệu triệu đứa trẻ cùng học một điều bằng những thể thức khác nhau..."
Hoạt cảnh của tổ 3 chẳng ra hoạt cảnh tẹo nào. Hoạt cảnh là phải có hoạt động, có diễn tiến, có kịch tính. Đằng này thằng Phước chỉ đứng nói khan. Nhưng lạ lùng thay, cả lớp im phăng phắc, mặt đứa nào đứa nấy đều lộ vẻ ngẩn ngơ, xúc động.
Tất nhiên nhiều đứa biết thừa Phước đang đọc bức thư của cha Enricô gửi cho con, trích trong cuốn Tâm hồn cao thượng của Edmond de Amicis mà hồi ở cấp 1, tụi nó đã được học qua. Nhưng giọng điệu chân thành của lời văn khi đọc lên vẫn khiến người nghe cảm thấy nao nao khó tả.
Hôm trước Phước lỡ ba hoa với cô chủ nhiệm là tổ nó sẽ dựng hoạt cảnh về học tập. Nhưng sau khi bàn tới tính lui đến nát óc, đứa nào cũng thấy đề tài học tập quá xá hóc búa, rốt cuộc nhỏ Tú Anh bèn đề nghị đọc lá thư này thay cho hoạt cảnh. Nhưng để cho cô Trinh và tụi bạn khỏi bắt bẻ và trách cứ, tụi nó vẫn phân vai cha vai con và bắt thằng Phước đeo râu, mang kính ra vẻ ta đây cũng chuẩn bị công phu lắm lắm.
Các thành viên tổ 3 không ngờ tiết mục đơn giản của mình lại thành công ngoài sức tưởng
tượng. Không những tụi bạn nghệt mặt ra vì xúc động mà ngay cả các thầy cô cũng bị đoạn văn làm cho xao xuyến. Bức thư người cha gửi cho Enricô khiến các thầy cô cứ chớp chớp mắt mơ màng nhớ lại thời cắp sách của mình.
Giọng thằng Phước mỗi lúc một cất cao, hùng hồn:
- "Các con hãy tưởng tượng trong cái tổ kiến học sinh gồm hàng trăm dân tộc khác nhau ấy, các con có hân hạnh dự phần... Các con hãy tự nhủ: ví phỏng một mai sự hoạt động ấy ngừng hẳn thì nhân loại sẽ trở lại đời mọi rợ, sẽ sa vào cõi tối tăm..."
Ngay từ đầu, Phước đã nhận ngay ra hiệu quả của bài văn trên gương mặt mọi người. Ngay cả nó, nó cũng bị bài văn lôi cuốn. Đến đoạn cuối thì giọng nó đã khản đặc:
- "Cố lên, hỡi những tên lính nhỏ trong đạo quân lớn lao kia! Cố lên, các con ơi! Lấy sách vở làm khí giới, lấy lớp học làm quân đội, lấy thế giới làm bãi chiến trường, coi sự ngu dốt là cừu địch và lấy sự văn minh của nhân loại làm cuộc khải hoàn, các con phải phấn đấu luôn luôn và chớ hề làm tên lính hèn nhát!"
Phước chấm dứt bài "diễn văn" giữa mồ hôi nhễ nhại và giữa tiếng vỗ tay như sấm dậy của mọi người. Phước thấy mình lâng lâng bay bổng. Nó tưởng mình đang lơ lửng trên chín tầng mây. Sung sướng quá, nó không chịu rời sân kháu, dù "hoạt cảnh" đã kết thúc. Giơ thẳng hai tay lên trời, nó cao hứng làm một chuyện không có trong kịch bản là ngoác miệng kêu tên từng "đứa con:
- Cố lên, Bá con, Đặng Đạo con! Cố lên Xuyến Chi con, Vành Khuyên và Tú Anh con!
Xự "cương ẩu" của Phước quả là tai họa. Những cảm xúc bồi hồi mà bài văn đem lại đã bị Phước làm tan biến ngay tút xuỵt. Đang ngẩn ngơ, thấy Phước kêu tụi bạn trong tổ bằng "con" ngọt xớt, tụi bạn bỗng phá ra cười.
Lớp trưởng Xuyến Chi tất nhiên phát hiện ngay ra sự bất lợi. Lúc về chỗ ngồi, nó không ngớt cằn nhằn Phước:
- Hoạt cảnh đang thành công, bị bạn làm cho hỏng bét! Nhỏ Tú Anh phụ họa:
- Ừ, nếu bạn Phước không cao hứng chọc cười, tiết mục của tổ mình đứng hạng nhất là cái chắc!
Đặng Đạo cũng gật gù:
- Thằng Phước này bậy ghê!
Bị tụi bạn trong tổ tấn công tới tấp, Phước nổi khùng:
- Bậy cái đầu mày! Tao làm cha, chẳng lẽ tao âu yếm kêu tên các con tao không được hả? Thấy thằng Phước nói ngang như cua, bọn Xuyến Chi chỉ biết lắc đầu ngó lơ chỗ khác.