Kính vạn hoa - Tập 31 - Thằng thỏ đế


Chương 1
Cả lớp đang yên lặng hí hoáy chép thời khóa biểu thì Quốc Ân huých cùi chỏ vào hông Hải quắn, thì thào:
- Mày xem kìa!
- Gì?
Quốc Ân hất hàm về phía Duy Dương:
- Thằng này chắc mới từ tu viện ra!
Duy Dương ngồi kế Quỳnh Như ở bàn trên ngay trước mặt Quốc Ân. Năm ngoái đó là chỗ ngồi của Chí Mỹ. Năm nay Chí Mỹ chuyển đi trường khác, còn Duy Dương lại từ trường khác chuyển về đây.
Ngoài Chí Mỹ, hôm khai giảng lớp 9A4 còn phát hiện ra sự vắng mặt của An Dung và Việt Hà, một đứa nghỉ học ở nhà phụ mẹ buôn bán, một đứa theo gia đình về quê. Thay vào đó là hai con nhỏ lạ hoắc. Chỉ có cái tên là quen thuộc: Mỹ Linh và Cẩm Vân.
Trong buổi liên hoan văn nghệ cuối năm lớp tám, An Dung, Việt Hà cùng Hiền Hòa hát bài Hổng dám đâu, được bạn bè gọi đùa là ban “Tam ca Áo Trắng”. Nhưng ban “Tam ca Áo Trắng” lúc đó chẳng có cái tên nào nổi tiếng. Năm nay chẳng biết hai con nhỏ Mỹ Linh và Cẩm Vân mới toanh kia có hát hò ra gì không mà cái tên nghe giống hệt tên các ca sĩ lừng danh.
Nhưng Quốc Ân không quan tâm đến bọn con gái cho lắm. Từ sáng đến giờ, nó chỉ tò mò quan sát thằng Duy Dương, thứ nhất do Duy Dương thuộc phe tóc ngắn, thứ hai do Duy Dương được xếp chung tổ học tập với nó, lại ngồi lừng lững ngay trước mặt như chọc vào mắt nó.
Nghe Quốc Ân xì xầm, Hải quắn ngước mắt nhìn Duy Dương. Thằng này vẫn đang cặm cụi ghi chép thời khóa biểu thầy Vĩnh Long vừa ghi lên bảng, đầu không ngớt ngẩng lên cúi xuống, không hay hai đứa ngồi đằng sau đang “bình phẩm” về mình.
- Từ hồi vô lớp đến giờ nó không nói chuyện với ai!- Quốc Ân lại lào thào vào tai bạn.
Hải quắn khịt mũi:
- Học sinh mới nào mà chả vậy!
- Không phải đâu! – Quốc Ân hất hàm lên bàn đầu, chỗ Mỹ Linh và Cẩm Vân ngồi.
Mày xem hai con nhỏ kia kìa! Cũng là học sinh mới mà chúng nó có lầm lì như thằng này đâu!
Hải quắn lại liếc Duy Dương thêm một cái nữa rồi cúi xuống chép tiếp, tặc lưỡi vẻ muốn chấm dứt câu chuyện:
- Tao chẳng thấy có gì lạ cả!
Sự thờ ơ của Hải quắn khiến Quốc Ân tức điên.
Không biết làm gì cho hả tức, nó bặm mội đẩy mạnh cây thước trên bàn tới trước, thúc vào lưng Duy Dương một cái.
Duy Dương giật bắn quay lại nhìn.
Quốc Ân cười hề hề:
- Tao lỡ tay!
- Không sao!
Duy Dương vui vẻ nói, thậm chí nó còn nhoẻn miệng cười.
Phản ứng của Duy Dương ra ngoài tiên liệu của Quốc Ân. Vì thế nó càng bực. Sau một hồi loay hoay nghĩ kế, nó thò chân đạp mạnh vào chân ghế của dãy bàn phía trước.
Ngay lập tức mấy đứa bàn trên kêu be be:
- Ai chơi gì kỳ vậy?
- Trời đất, hỏng bét hết thời khóa biểu rồi!
Quỳnh Như quay ra sau:
- Bạn Hải phải không?
Hải quắn trừng mắt:
- Không có nói ẩu à nghen!
Lan Kiều ngó Quốc Ân:
- Vậy chắc bạn Quốc Ân rồi?
Quốc Ân gân cổ chưa kịp chối thì thấy Vĩnh Long đã bước xuống. Thầy Vĩnh Long dạy toán, năm nay làm chủ nhiệm lớp thay cô Trinh. Dạy lớp 9A4 chỉ có hai giáo viên cũ là thầy Đoàn và cô Nga. Còn lại là các thầy cô mới, trong đó ba người có tên lót đều là Vĩnh: thầy Vĩnh Long dạy toán, cô Vĩnh Bình dạy văn và cô Vĩnh An dạy tiếng anh. Lúc thầy Vĩnh Long đọc danh sách các thầy cô bộ môn, cả lớp cứ che miệng cười khúc khích.
- Có chuyện gì thế các em? – Thầy Vĩnh Long đứng ngay đầu bàn chỗ Duy Dương ngồi, hắng giọng hỏi.
Quỳnh Như đứng lên, giọng vẫn chưa nguôi ấm ức:
- Thưa thầy, có bạn nào ở phía sau đạp vào chân ghế khiến tụi em chép hư hết ạ!
Thầy Vĩnh Long đưa mắt nhìn lướt qua ba gương mặt xanh lét phía bàn sau, giọng không vui:
- Em nào chơi nghịch thế?
Lệ Hằng lật đật đứng lên:
- Thưa thầy, không phải em ạ!
Hải quắn lập tức làm theo:
- Thưa thầy không phải em ạ!
Quốc Ân cũng nhanh không kém:
- Thưa thầy, không phải em ạ!
Trán thầy Vĩnh Long cau lại. Thầy nhìn ba gương mặt, thấy học trò mình đứa nào cũng thật như đếm, làm như lúc nãy cái ghế tự xê dịch chứ không có ai động vào.
Nhưng thầy Vĩnh Long quyết không mắc mưu thủ phạm được. Thầy không nói gì, chỉ lặng lẽ bước ra phía sau quan sát.
Quốc Ân mừng rơn. Nó chắc mẩm mình đã thoát nạn. Thầy chẳng tra hỏi thêm lời nào, hẳn thầy đã quyết định chấm dứt cuộc điều tra! Nó hớn hở nhủ bụng và khẽ nhếch môi cười.
Nhưng ngay vào lúc nó đang mở cờ trong bụng thì thầy Vĩnh Long bỗng lên tiếng:
- Quỳnh Như, Lệ Hằng và Hải ngồi xuống! Còn em Quốc Ân đứng đó cho đến lúc có trống đổi tiết!
Mặt Quốc Ân lập tức biến sắc. Nó quay phắt lại phía sau, ấp úng:
- Thưa thầy, em …
Thầy Vĩnh Long khoát tay:
- Em đừng chối nữa! Em nhìn ghế của các bạn kìa!
Phải mất một lúc Quốc Ân mới hiểu thầy Vĩnh Long nói gì. Nó chồm người qua bàn, nhìn xuống và chợt nghe lạnh toát sống lưng. Thì ra trên hiện trường chiếc ghế của tụi bàn trên vẫn đang nằm lệch theo đà đạp của nó. Đầu ghế phía Duy Dương chếch lên trên, còn đầu ghế phía Lan Kiều chếch xuống dưới. Như vậy thủ phạm dứt khoát là người ngồi ngay sau lưng thằng Duy Dương chứ không phải ai khác.
Trong thoáng mắt, Quốc Ân méo xệch miệng. Nó cúi gằm mặt xuống, tay bối rối chà tới chà lui vết mực trên mặt bàn như để che giấu sự xấu hổ.
Trước khi quay lên bảng, thầy Vĩnh Long lướt mắt khắp lớp, nghiêm giọng nói:
- Năm nay là năm cuối cấp, các em nên chú tâm học hành!
Thầy Vĩnh Long chỉ nói ngắn gọn thế thôi, không đả động gì đến trò nghịch phá vừa rồi, và cố nhiên là thầy dặn dò cả lớp. Nhưng Quốc Ân có cảm giác như lúc này thầy đang nói với chính mình. Hàng chục cặp mắt của tụi bạn lúc này đang đổ dồn vào nó, hiện rõ vẻ trách móc càng khiến nó có cảm giác nó là một tội phạm đang đứng trước tòa.
Quốc Ân vừa thẹn vừa tức. Không phải tức nó mà tức thằng Duy Dương. Muôn sự cũng tại thằng “tu sĩ” này mà ra. Nếu thằng Duy Dương đừng lầm lầm lì lì, nếu khi bị nó thúc cây thước kẻ vào lưng, thằng Duy Dương đừng nhe răng ra cười như đười ươi thì nó đâu có nổi cáu “tung cước” vào chân ghế để đến nỗi bị bêu xấu trước lớp.
Chính vì sự hậm hực đó mà khi tiếng trống đổi tiết vừa vang lên, Quốc Ân vội vã buông phịch người xuống ghế và làm bộ vô tình quẹt cây thước kẻ vào gáy thằng Duy Dương một cú ra trò.
Thằng Duy Dương có lẽ đau lắm. Nó đưa tay xoa xoa ót và quay lại nhìn Quốc Ân bằng vẻ mặt nhăn nhó. Nhưng cũng như lần trước, nó chẳng nói gì, cũng chẳng tỏ vẻ giận dữ hay bực bội. Cũng rất có thể là nó định nhe răng cười nhưng vì đau quá nên nó không cười nổi.
Lần này Quốc Ân không buồn nói “Tao lỡ tay”, cũng không thèm nhoẻn miệng cười khỏa lấp. Mặt vênh lên, nó nhìn Duy Dương với vẻ gây chiến lộ liễu. Rõ là nó muốn nói “Tao cố ý đấy! Thế thì sao nào?”
Chả hiểu thằng Duy Dương có đọc được sự khiêu khích trong thái độ của Quốc Ân hay không mà sau khi nhăn nhó quay xuống, nó lại làm thinh nhăn nhó … quay lên.
Hải quắn nhìn Quốc Ân:
- Mày đừng trêu nó nữa!
Hải quắn làm Quốc Ân ngạc nhiên quá chừng. Nó tròn mắt:
- Mày “bồ đề bồ tát” tự khi nào thế hả?
- Tao chẳng “bồ đề bồ tát” gì sất! – Hải quắn khịt mũi – Nhưng trêu vào nó cũng như trêu vào cục bột, tao chẳng thấy khoái tí ti ông cụ nào!
Quốc Ân đánh mắt lên chỗ Duy Dương. Liếm môi nói:
- Nó vờ vịt đấy. Chẳng qua nó sợ thầy Vĩnh Long. Đến giờ chơi mày sẽ thấy!
Nhưng đến giờ chơi, Hải quắn vẫn chẳng thấy gì cả. Vẻ như thằng Duy Dương không nhớ gì đến vụ va quẹt khi nãy.
Thoạt đầu, lạ thầy lạ bạn, nó ngồi một đống trong lớp. Nhưng rồi buồn tình, nó men ra ngoài hành lang đứng dựa cột nhìn bạn bè chạy nhảy.
Duy Dương đứng một lát đã thấy băng “tứ quậy” tiến lại. Tất nhiên nó không biết đây là bốn đứa nghịch phá nổi tiếng trong lớp. Nhưng chỉ nhận ra mỗi thằng Quốc Ân, nó đã thấy chột dạ.
Duy Dương lấm lét nhìn băng “tứ quậy” một cái rồi vờ nhìn ra sân.
- E hèm! – Quốc Ân vỗ vai Duy Dương – Mày không ra chơi với tụi nó à?
Cái vỗ của Quốc Ân khá mạnh làm Duy Dương nhăn mặt. Nó vừa đáp vừa nhích ra xa:
- Không!
- Sao thế?
- Ừ.
Câu trả lời của Duy Dương không giống câu trả lời chút nào.
Quốc Ân nheo mắt:
- Ừ là sao?
- Ừ là … là …
Hình như ngay cả Duy Dương cũng không biết “Ừ” là sao. Nó ấp úng cả buổi vẫn chẳng tìm ra cách giải thích trôi chảy.
Hải quắn gật gù:
- Chắc mày chưa quen ai?
Thấy có người gỡ bí dùm, Duy Dương mừng rỡ:
- Ừ.
Nó lại ừ. Nhưng lần này Quốc Ân chẳng hỏi “ừ là sao”, mà nói:
- Thế bây giờ mày chơi với tụi tao đi!
Trước đề nghị đột ngột của Quốc Ân, Duy Dương có vẻ ngập ngừng:
- Chơi trò gì vậy?
- Chơi vật nhau, xem ai thắng.
- Thôi, tao không thích vật nhau đâu! – Duy Dương rụt cổ.
Quốc Ân cười hề hề:
- Vật nhau mà không thích! Thế thì chơi trò đánh nhau vậy?
Duy Dương lại lắc đầu, mắt nhìn bọn Quốc Ân với vẻ ngờ vực.
Thằng Lâm đột ngột xen lời:
- Nếu mày không thích những trò mạnh bạo thì chơi “oẳn tù tì”!
Duy Dương liếm môi:
- “Oẳn tù tì” hở?
- Ừ, “oẳn tù tì”! – Mắt Lâm ánh lên vẻ tinh quái – Người nào thua sẽ cõng người kia đi vòng quanh lớp.
- Chắc gì mày đã thua mà lo!
- Tao đâu có lo! – Duy Dương gãi đầu – Nhưng thắng tao cũng không thích. Tao không thích để người khác cõng!
Quốc Ân sầm mặt:
- Tụi tao rủ chơi trò gì mày cũng không chịu, đích thị mày là một đứa kiêu căng phách lối rồi!
Quới Lương nhanh nhẩu phụ họa:
- Ừ, nó chẳng thèm chơi với tụi mình!
Duy Dương cười khổ:
- Không phải đâu!
Quốc Ân bĩu môi:
- Mày đừng chối! Rõ là mày coi tụi tao chẳng ra cái củ cà rốt gì!
Thấy những người bạn mới lên án mình ghê quá, Duy Dương đành gật đầu xuôi theo:
- Ừ, thì chơi!
Nó nói chơi mà miệng méo xẹo.
Duy Dương chơi “oẳn tù tì” với băng “tứ quậy”, chỉ từ thua đến thua!
Nó chìa cái bao thì Quới Lương chìa cái kéo. Nó chìa cái kéo thì Quốc Ân chìa cái búa. Còn khi nó chìa ra cái búa thì thằng Lâm chìa ra cái bao.
Cái bao phủ kín cái búa, cái búa đập vỡ cái kéo, cái kéo đâm thủng cái bao, vì vậy mà thằng Duy Dương phải è cổ cõng hết đứa này đến đứa khác đi lòng vòng quanh lớp, mồ hôi mồ kê chảy ròng ròng.
Chơi một lát lưng áo nó đã ướt đẫm như vừa từ dưới suối lên.
Nói cho công bằng, không phải thằng Duy Dương chơi dở. Chỉ tại tụi “tứ quậy” ăn gian quá xá cỡ. Bao giờ bốn đứa náy cũng đợi cho thằng Duy Dương khờ khạo chìa tay ra trước, dựa vào đó tụi nó mới quyết định nên đưa ra thứ vũ khí gì để khắc chế đối phương.
Không hiểu Duy Dương có thấy được sự gian lận của tụi thằng Quốc Ân hay không mà nó chẳng phản ứng gì, chỉ lặng lẽ khom lưng xuống cho tụi kia phóc lên và phi như phi ngựa.
Nhưng Duy Dương không phải là ngựa. Cõng năm, sáu vòng, nó đã thấm mệt, hai chân như muốn rời ra.
Nó nhìn tụi “tứ quậy”, quệt mồ hôi trán, hổn hển nói:
- Thôi, tao không chơi nữa!
Quốc Ân nhếch môi:
- Chơi một lát nữa đi! Chưa tới giờ vô lớp mà!
May cho Duy Dương, trong khi nó chưa nghĩ ra cách nào để từ chối thì ba tiếng trống “tùng, tùng, tùng” đã kịp thời vang lên giải vây cho nó.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui