Chương 8
Tiểu Long là con nhà võ, chẳng lạ gì tôn chỉ của võ thuật. Vì vậy, nghe Duy Dương thuật lại những lời răn dạy của ba nó, Tiểu Long tin ngay.
Nó chỉ không hiểu một điều.
- Này, thế ba mày có dặn mày nhịn những ai hiếp đáp mày không? – Hôm sau, gặp Duy Dương, Tiểu Long tò mò hỏi.
Duy Dương chột dạ:
- Tao có bị ai hiếp đáp đâu!
Tiểu Long khịt mũi:
- Thế tụi thằng Quốc Ân bắt mày è lưng ra cõng thì không phải hiếp đáp à?
- Không!
Thái độ bướng bỉnh của Duy Dương khiến Tiểu Long nổi sùng:
- Vậy chẳng lẽ mày thích làm ngựa cho người khác cưỡi?
Duy Dương đỏ mặt:
- Dĩ nhiên tao không thích. Nhưng đã lỡ chơi thua thì phải chịu.
- Thì đừng chơi!
Duy Dương ấp úng:
- Nhưng tụi nó dọa.
Tiểu Long mở to mắt:
- Nhưng thật ra mày đâu có sợ!
Duy Dương cười như mếu:
- Thì mày cũng biết rồi đấy. Tao không sợ tụi nó nhưng tao sợ đánh nhau. Ba tao đã dặn rồi, nếu không cần thiết …
Tiểu Long vỗ vai bạn cười xòa:
- Như vậy tức là nhịn nhục, hiểu chưa hả ngốc?
Nói xong, Tiểu Long bất giác mỉm cười. Nó thấy bốn chữ “hiểu chưa hả ngốc” quen thuộc quá bèn thuận miệng nói ra, bây giờ mới sực nhớ đó là cái câu Quý ròm vẫn thường dùng để nói với nó.
Duy Dương không để ý đến chữ “ngốc” Tiểu Long vừa lỡ miệng dành cho nó. Nó gật gù lẩm bẩm:
- Ừ, như vậy nghĩa là nhịn nhục …
Tiểu Long nói với vẻ hiểu biết:
- Con nhà võ tất nhiên phải giỏi nhịn. Nếu không kiềm chế, sẽ có ngày đả thương người khác, sẽ khiến người khác gãy chân gãy tay …
- Ba tao không nghĩ như mày! – Duy Dương bỗng ngắt ngang lời bạn.
Tiểu Long ngạc nhiên:
- Thế ba mày nghĩ sao?
- Ba tao chỉ sợ tao gãy chân gãy tay thôi!
- Ba mày nói thế thật à?
- Ừ.
- Lạ thật đấy! Mày không đả thương người khác thì thôi, ai đả thương nổi mày?
Duy Dương nuốt nước bọt:
- Ba tao sợ tao gặp rủi ro. Mà con người ta thì chỉ có thể tránh đòn chứ không thể tránh rủi ro.
Tiểu Long nhếch môi:
- Mày nói cứ như ông cụ non ấy!
Duy Dương gãi tai:
- Đó là câu nói của ba tao, tao chỉ nhắc lại thôi.
Tiểu Long trầm ngâm một thoáng rồi gật gù:
- Thế ra ở trường mày nhất định không chơi vật nhau, leo trèo, chạy nhảy cũng là vì sợ rủi ro?
- Ừ, ba tao dặn thế.
- Thế sao hôm qua mày lại choảng nhau với tụi tao, rồi hôm trước nữa …
- Tại vì đó là cứu người …
Tiểu Long nheo mắt nhìn Duy Dương, không để bạn nói hết câu:
- Tao hiểu rồi! Đó cũng là do ba mày dặn chứ gì?
Dường như nhận ra nhận ra vẻ trêu chọc trong giọng thằng mập, Duy Dương cúi đầu lí nhí:
- Thì thế.
Nhưng Tiểu Long không có ý trêu bạn. Nó hít vào một hơi, giọng cảm khái:
- Ba mày tuyệt thật đấy! Hôm nào mày dẫn tụi tao về nhà thăm ba mày nhé!
Quý ròm và nhỏ Hạnh nghe Tiểu Long thuật lại câu chuyện về Duy Dương thì ngạc nhiên lắm. Vì vậy nghe Tiểu Long rủ tới nhà Duy Dương, hai đứa tán thành ngay.
Nhà Duy Dương ở trên tầng ba của một chung cư sáu tầng. Hành lang rộng rãi nhưng tối tăm, lớp nhớp những nước là nước.
- Nước ở đâu chảy tràn lan vậy mày? – Quý ròm vừa nhảy tránh các vũng nước vừa hỏi.
Duy Dương ngượng ngập giải thích:
- Đường ống dẫn nước của chung cư bị hỏng. Mọi người phải xách thùng, thau, xô, chậu đi hứng nước ở vòi nên làm đổ ra đấy!
Cả bọn leo lệt bệt mãi cũng tới nơi. Duy Dương dẫn bọn Tiểu Long vào nhà, kéo ghế mời:
- Tụi mày ngồi ở đây nhé!
Quý ròm láu táu:
- Ba mẹ mày có nhà không?
- Mẹ tao đi làm, trưa không về. Để tao đẩy ba tao ra!
Bọn Quý ròm ngẩn tò te, chưa kịp hỏi lại “đẩy” là thế nào, Duy Dương đã khuất dạng sau cánh cửa thông.
Tiểu Long ngó nhỏ Hạnh:
- Thằng Duy Dương nói thế là sao hở Hạnh?
Nhỏ Hạnh nhíu mày chưa kịp đáp, tiếng bánh xe lăn lọc cọc đã vang lên khiến cả bọn quay đầu nhìn chăm chăm vào chỗ cánh cửa ăn thông phòng ngoài với phòng trong.
Và khi ba thằng Duy Dương xuất hiện, Tiểu Long, Quý ròm va nhỏ Hạnh lập tức nghệt mặt ra.
Thì ra ba thằng Duy Dương không đi lại như người bình thường được. Ông ngồi trên xe lăn, phía sau thằng Duy Dương đang khom người đẩy.
- Chào các cháu! – Ba thằng Duy Dương niềm nở chào bọn trẻ.
- Chào bác ạ! – Cả bọn đồng thanh, mặt vẫn chưa hết ngỡ ngàng.
Nhưng ba thằng Duy Dương dường như chẳng để ý gì đến chuyện đó. Ông vẫn tươi cười:
- Các cháu học chung lớp với Duy Dương hả?
- Dạ.
- Duy Dương là học sinh mới, có gì các cháu nhớ bảo ban cho nó nghen!
Cả bọn lại lễ phép:
- Dạ.
Duy Dương sung sướng khoe:
- Các bạn này học giỏi lắm đó ba!
Ba Duy Dương hiền lành:
- Vậy con phải ráng noi gương các bạn nghen con!
Ba Duy Dương trò chuyện vui vẻ một lát rồi cáo từ:
- Thôi các cháu ngồi chơi nhé! Bác phải vào làm việc đây!
Duy Dương quay xe đẩy ba nó vào.
Lúc nó quay ra, Quý ròm tò mò hỏi:
- Ba mày đang làm gì trong đó vậy?
- Ba tao đang bế hộp các- tông.
Tiểu Long tỏ vẻ hiểu biết:
- Ba mày xếp bao bì cho người ta hả?
- Ừ, bạn của ba tao là chủ một cơ sở sản xuất! – Duy Dương gật đầu – từ ngày ba tao bị nạn, bác ấy đưa đến các thứ này cho ba tao gia công. Công việc nhẹ nhàng, vừa đỡ buồn lại vừa có tiền.
Tiểu Long nhìn quanh:
- Mẹ mày đi làm suốt, còn mày thì đi học, vậy ai đi hứng nước?
Duy Dương nhìn ra cửa:
- Có cô Minh hứng giùm.
- Cô Minh là cô mày hả?
- Không, cô chỉ là hàng xóm.
- Ngày nào cô ta cũng hứng nước giùm cho nhà mày à?
- Ừ, ngày nào cũng thế.
Tiểu Long chép miệng:
- Nhà mày có cô hàng xóm tốt ghê há?
- Ờ … ờ …
Duy Dương ậm ừ, có vẻ bối rối.
Vẻ bối rối của Duy Dương chỉ thoáng qua cho nên Quý ròm và Tiểu Long không nhìn thấy. Chỉ có nhỏ Hạnh nhận ra vẻ khác lạ trong giọng nói và ánh mắt của Duy Dương.
Trong một thoáng, nó có cảm giác cô Minh này có liên quan như thế nào đó với gia đình Duy Dương.
Cảm giác đó theo đuổi Hạnh trên suốt đường về. Có một lúc, không đừng được, nó quay qua Quý ròm:
- Lúc nãy Quý có để ý đến thái độ của Duy Dương khi nói đến cô Minh không?
- Không! – Quý ròm ngạc nhiên – Bộ Hạnh phát hiện ra điều gì đặc biệt hở?
- Hạnh thấy khi nhắc đến cô hàng xóm tốt bụng này, dường như Duy Dương không được tự nhiên.
Quý ròm lắc đầu:
- Tôi chẳng thấy gì cả!
Tiểu Long liếm môi:
- Hạnh cho là có điều gì ngoắt ngoéo trong chuyện này sao?
- Hạnh cũng chả rõ! – Nhỏ Hạnh lắc mái tóc – Nhưng Hạnh nghĩ chắc là có điều gì đó không bình thường …
- Ừ, có thể lắm! – Quý ròm cau mày – Nếu không, tại sao ngày nào cô Minh cũng hứng nước cho nhà thằng Duy Dương.
Tiểu Long đưa tay quẹt mũi:
- Tao thấy chuyện hứng nước giùm chẳng có gì đáng nghi cả! Hàng xóm giúp nhau là chuyện thường!
- Nhưng đây là ngày nào cũng hứng giùm! – Quý ròm phản đối – Mày chưa ở chung cư nên mày không biết đó thôi!
Quý ròm khoa tay:
- Nhà tao hồi trước ở chung cư, cực ghê lắm. Những ngày đường ống hư, nước chảy rì rì từ các vòi, phải hứng cả buổi trời mới được một thau nước nhỏ. Đó là chưa kể gặp lúc máy bơm hỏng, phải lội xuống tuốt tầng trệt để ì ạch xách nước lên. Thôi thì bao nhiêu là chuyện phiền toái!
- Quý nói đúng đấy! – Nhỏ Hạnh vỗ vỗ trán theo thói quen – Hàng xóm giúp nhau là giúp lúc ngặt nghèo kia, còn làm thay công việc hết ngày này sang ngày khác như cô Minh hẳn là phải có duyên cớ đặc biệt!
Tiểu Long phẩy tay:
- Ngày mai, hỏi thằng Duy Dương là biết ngay thôi chứ khó gì!