Kính vạn hoa - Tập 35 - Trúng số độc đắc

Chương 10
Thật ra Văn Châu đã gặp người đàn ông tốt bụng đó nhiều lần, chỉ có điều nó không biết đó thôi.
Sở dĩ xảy ra tình huống trớ trêu đó bởi vì khi thuật lại câu chuyện trên với Văn Châu, Dũng cò không hề biết người đàn ông đó đã gặp ba mẹ nó trước khi gặp nó và cuộc gặp gỡ giữa ông ta với nó ở công viên Văn Lang không phải là cuộc gặp gỡ tình cờ mà đã có sự sắp đặt trước.
Dũng cò không biết cũng phải. Vì sau khi bỏ trốn khỏi nhà, nó đâu có tận mắt chứng kiến ba nó đã nổi cơn lôi đình như thế nào khi phát hiện lá vàng trong hũ sành của ông không cánh mà bay.
Dĩ nhiên ba nó chẳng khó khăn gì để xác định ai là thủ phạm. Lúc đó, nếu có mặt Dũng cò ở nhà, có lẽ ông sẽ không ngần ngại xé nó ra làm hai mảnh.
Không trút giận được lên đầu đứa con bất hiếu, ông xổ ấm ức lên đầu bà vợ. Ông đổ lỗi bà đã làm hư thằng bé. Rằng bà chẳng bao giờ để mắt đến con cái, chẳng bao giờ dạy dỗ nó, chỉ giỏi quần tam tụ ngũ bên chiếu bài với mấy con mụ hàng xóm rỗi hơi, làm gương xấu cho con.
Bị chồng lên án, mẹ Dũng cò vừa khóc tấm tức vừa kịch liệt phản kích. Rằng chính ông mới là người cha vô trách nhiệm, suốt ngày chè chén say sưa, chẳng để ý gì đến vợ con, nhà cửa. Thằng Dũng có ngày hôm nay có đổ đốn cũng chính từ lối sống bê tha của ông mà ra.
Ba mẹ Dũng cò nói qua nói lại, nguyền rủa và đổ lỗi lẫn nhau suốt ba ngày ba đêm. Như để cho cuộc cãi cọ thêm phần tưng bừng náo nhiệt, ly tách ấm chén thỉnh thoảng vỡ loảng xoảng, nồi niêu xoong chảo chốc chốc rơi lanh canh tạo nên một sự hỗn loạn chưa từng có.
Nhưng sức người có hạn, đến ngày thứ tư những tiếng quát tháo, la lối dần dần giảm xuống và thu gọn lại thành những âm thanh rền rĩ, những tiếng nức nở, những tràng thở dốc.
Khi người ta nói ít đi, người ta có thì giờ để nghĩ ngợi nhiều hơn. Ngày thứ tư, ba mẹ Dũng cò bắt đầu nghĩ đến nó. Thoạt đầu nghĩ một cách tức tối, rồi thấy lo lo, nhớ nhớ. Cuối cùng là hoảng hốt. Nó đi đâu thế? Nó ở nhờ nhà ai hay ngủ bờ ngủ bụi? Tệ hơn nữa, nó còn sống hay nó đã chết? Bấy giờ ba mẹ nó mới bàng hoàng nhớ ra họ chỉ có một đứa con trai duy nhất. Là nó.
Thế là ba mẹ nó quýnh lên. Ba nó tỉnh rượu, mẹ nó quên cỗ bài tứ sắc, cả hai cuống quít đi tìm nó khắp nơi, sục sạo cả nhà quen lẫn nhà là trong xóm. Dũng cò vẫn biệt tăm. Có lúc họ nghe nói nó ở chỗ thằng Khìn, nhưng khi họ tìm đến nơi thì Dũng cò đã không còn ở đó. Chẳng ai biết nó đi đâu, kể cả đám thằng Khìn. Cứ như thể hiện giờ Dũng cò đang đăng ký nhập hộ khâu đâu chỗ … Diêm Vương hay sao ấy.
Tới ngày thứ bảy thì ba mẹ Dũng cò đã lo sốt vó. Và kinh hãi nữa. Tới lúc này ba nó chả nhớ gì tới lá vàng bị mất. Ông cảm thấy so với đứa con độc nhất của mình, lá vàng kia chẳng có ý nghĩa gì cả. Ông bắt đầu hối hận đã rượu chè bê bết, đã một thời gian dài bỏ bê con cái, không những bỏ bê mà còn đối xử thô bạo với nó nữa. Tiếng khóc lóc, lời trách cứ của vợ lẵng nhẵng bên tai suốt ngày suốt đêm càng làm ông thêm rối trí.
Đúng và lúc vợ chồng ông định báo công an thì có người mách ông gọi điện thoại đến tổng đài 1080 để xin tư vấn.
Ông không tin tưởng lắm vào kiểu tư vấn từ xa này nhưng vẫn nhấc máy quay số, gọi là “còn nước còn tát” và để thử thời vận.
Sau khi nghe yêu cầu của ba Dũng cò, cô nhân viên trực tổng đài nối dây nói đến một chuyên gia tư vấn về gia đình. Đó chính là người đàn ông đã gặp Dũng cò ở ngoài công viên.
Ông là một nhà báo, thời gian rảnh vẫn cùng vài đồng nghiệp tham gia và tổ chức từ vấn của tổng đài 1080. Câu chuyện của ba Dũng cò đã thu hút sự chú ý của ông và sau cuộc nói chuyện qua điện thoại, ông đề nghị được gặp trực tiếp người đàn ông đau khổ bên kia đầu dây.
Ba Dũng cò gọi điện buổi trưa, buổi chiều người đàn ông đã có mặt ở nhà Dũng cò.
Quá hoang mang lo lắng, ba Dũng cò không hề giấu giếm chút gì về những điều tệ hại đã xảy ra trong gia đình mình từ trước đến nay.
Người đàn ông ngồi nghe, ngạc nhiên về “thành tích giang hồ” của một thằng nhóc mười sáu tuổi đã là “chúa đảng Rồng Xanh” rồi “chúa đảng Chim Ưng”, sẵn sàng bỏ học ra hè phố lập băng trấn lột. Nhưng càng nghe, nỗi ngạc nhiên của ông càng lắng xuống, chỉ còn lại trong lòng nỗi xót xa, thương cảm.
Ba mẹ nó là dân lao động, chỉ vì đột ngột phất lên như diều sau cơn sốt nhà đất mà đâm ra rượu chè, cờ bạc đến nỗi tiêu tan cả sự nghiệp lẫn ý chí và biến đứa con thành một kẻ đua đòi, ham chơi hơn ham học.
Người đàn oong nhanh chóng vạch ra một kế hoạch để truy tìm và cứu vớt Dũng cò.
Bằng nghiệp vụ điều tra của một nhà báo chuyên nghiệp ông chỉ mất hai ngày đã tìm ra nhưng nơi Dũng cò thường lai vãng. Và cuộc gặp gỡ giữa ông và nó đã được bố trí một cách hết sức ngẫu nhiên.
Nhà báo tận tâm đó chính là ba của nhỏ Hạnh. Chỉ đến khi Văn Châu gặp nhỏ Hạnh trình bày kế hoạch giúp đỡ Dũng cò thì mọi chuyện mới vỡ lở.
- Thế nào hở Văn Châu? – Vừa gặp Văn Châu, nhỏ Hạnh đã mỉm cười hỏi – Bạn đã nghĩ ra kế hoạch riêng của bạn chưa?
- Rồi. Tôi sẽ giúp đỡ Dũng cò.
- Dũng cò?
Nhỏ Hạnh há hốc miệng. Nó nhớ ngay lại cuộc đụng độ giữa tụi nó và “đảng Chim Ưng” trước đây. Trong cuộc đụng độ nảy lửa đó, Văn Châu và Dũng cò đã ở về hai phe đối địch không đội chung trời. “Đảng Chim Ưng” tan rã, Dũng cò thù bọn Quý ròm tận xương tủy. Và trong bọn, tất nhiên nó thù Văn Châu nhất hạng. Vì Văn Châu là chị họ của nó.
Nhỏ Hạnh tưởng mối thù này đời đời kiếp kiếp không tan, tưởng hai bên sẽ không bao giờ nhìn mặt nhau nữa. Cho nên hôm nay nghe Văn Châu khoe sẽ giúp Dũng cò, nó không khỏi sững sờ.
- Ừ, Dũng cò.
Văn Châu thản nhiên đáp, không để ý đến thái độ khác lạ của bạn.
Nhỏ Hạnh liếm môi:
- Thế Dũng cò hết giận bạn rồi hay sao?
- Hết rồi! – Văn Châu chớp mắt – Dũng cò bây giờ khác trước nhiều lắm. Cả cậu tôi, mợ tôi cũng khác.
Nhỏ Hạnh đưa tay đẩy gọng kính lên sống mũi:
- Thế bây giờ Dũng cò làm gì?
- Nó đi học nghề.
- Học nghề?
- Ừ, học nghề sửa xe gắn máy. Ban đêm học nghề, ban ngày bán báo.
Tiết lộ của Văn Châu khiến nhỏ Hạnh bất giác động tâm. Nó nhớ cách đây mấy ngày, khi nó tiếp tục nhờ ba nó kê ra giùm nó những trường hợp khó khăn cần giúp đỡ, ba nó đã ngạc nhiên hỏi lại:
- Con cần biết những chuyện này để làm gì thế? Hôm trước con đã hỏi cách góp tiền cho các quỹ từ thiện, rồi sau đó ngày nào cũng hỏi về những người có hoàn cảnh không may?
Nhỏ Hạnh không dám nói thật Văn Châu trúng số độc đắc. Văn Châu đã dặn nó rồi. Rằng ngoại trừ tụi nó ra, tuyệt đối không cho ai biết về bí mật này.
Nhỏ Hạnh đành học “chiêu” của Quý ròm đã kể cho nó nghe mình đã phịa chuyện với nhỏ Diệp như thế nào.
- Có một đoàn công tác xã hội đến trường con. Họ nhờ tụi con tìm hiểu …
Nhỏ Hạnh ngập ngừng giải thích, lần đầu tiên nói dối ba, nó thấy ngượng miệng quá. Áy này nữa.
Ba nhỏ Hạnh nheo mắt:
- Để họ cứu trợ chứ gì?
- Dạ! – Nhỏ Hạnh cắn môi.
- Ba hiểu rồi! – Ba nó gật gù nói.
Nhỏ Hạnh chưa kịp thở phào, bỗng giật mình thấy ánh mắt ba nó đột nhiên lấp lánh vẻ giễu cợt:
- Nhưng chuyện này nghe khó tin quá!
- Khó tin hở ba? – Thần trí hoang mang, nhỏ Hạnh ngô nghê hỏi lại.
- Ừ, không thể tin được.
Ba nó gật đầu đáp, và ông mỉm cười hiền lành:
- Nhưng ba tin con đang làm một điều tốt.
- Ba tin?
- Ừ, ba tin. Cũng như ba tin trong chuyện này con có điều khó nói! – Giọng ba nó dịu dàng, ấm áp – Mà trong cuộc đời, thỉnh thoảng chúng ta vẫn gặp phải những điều khó nói con ạ. Cũng chả sao, miễn điều đó không làm lương tâm ta cắn rứt là được.
Ba làm nhỏ Hạnh cảm động quá. Ba biết nó nói dối nhưng ba không rầy la, quở trách. Ba cũng không vặn hỏi lý do. Ngược lại, ba tỏ ra tôn trọng và thông cảm với quyết định của nó.
- Chuyện con đang làm hiện nay là chuyện tốt ba ạ! – Nhỏ Hạnh lí nhí.
- Ba hiểu.
Ba nó gật đầu, rồi như không muốn quay lại đề tài đó, ông nói luôn:
- Và bây giờ thì con nghe đây. Theo thông tin trên báo chí mấy ngày nay thì những trường hợp này đang kêu gọi sự giúp đỡ của mọi người …
Nhỏ Hạnh lật đật lấy giấy bút ra cặm cụi ghi ghi chép chép.
Sau khi kể một vài trường hợp báo chí đã nêu, ba nó bỗng chép miệng:
- Có một cậu bé mười sáu tuổi, bỏ học mấy năm nay, hiện ban ngày đi bán báo, ban đêm đi học nghề. Nhưng thật ra tiền kiếm được do bán báo không đủ để đóng học phí …
Nhỏ Hạnh chớp chớp mắt:
- Ba đọc đâu câu chuyện này trên báo hở ba?
- Không! – Ba nhỏ Hạnh thoắt trầm ngâm – Ba đã gặp cậu bé này ngoài đời. Gia đình cậu ta rất khó khăn. Thời gian qua chính ba đã âm thầm phụ thêm tiền để đóng học phí cho cậu ta.
- Thế cậu ấy không biết hở ba?
- Không biết. Đó là một cậu bé rất cương nghị và tự trọng. Mỗi tháng ba bảo cậu ta đưa số tiền kiếm được cho ba để ba đóng giúp. Cho đến nay cậu ta vẫn chưa biết học phí thực sự phải đóng là bao nhiêu.
Rồi trước đôi mắt mở to của nhỏ Hạnh, ba nó chậm rãi thuật lại cho nó nghe câu chuyện cảm động giữa ông và gia đình cậu bé sau cuộc nói chuyện qua tổng đài 1080, rằng ông đã nhận lời tìm kiếm cậu bé như thế nào, khuyên nhủ cậu ta quay trở về nhà ra sao …
Nghe xong, nhỏ Hạnh khẽ cắn môi:
- Đây cũng là một trường hợp cần giúp đỡ ba ạ.
- Ba cũng nghĩ thế.
Nhỏ Hạnh nhìn ba:
- Cậu ta tên gì hở ba?
- Dũng.
Nhỏ Hạnh ghi tên cậu bé vào tờ danh sách trên tay, đã định đứng lên, không hiểu sao đến phút chót nó lại buột miệng:
- Con có thể gặp cậu ấy được không hở ba?
- Tất nhiên là được. Một ngày nào đó ba sẽ dẫn con đi gặp Dũng.
Bây giờ nghe Văn Châu kể về Dũng cò, nhỏ Hạnh đã tin đến chín phần mười cậu Dũng mà ba nó nói đến hôm trước là Dũng cò chứ không ai khác. Nghĩ đến chuyện nó háo hức đòi ba nó dẫn đi gặp mặt Dũng cò, nhỏ Hạnh không nén được, liền bật cười khúc khích.
- Hạnh cười gì thế? – Văn Châu ngơ ngác.
Nhỏ Hạnh chúm chím:
- Bạn không cần phải lên kế hoạch giúp đỡ Dũng cò nữa. Dũng cò đã có tên trong bản danh sách của Hạnh rồi.
- Sao lại thế được? – Văn Châu kêu lên – Bạn đâu có biết dạo này Dũng cò làm gì, sống như thế nào mà đưa vào danh sách!
- Biết! – Nhỏ Hạnh lắc mái tóc – Hạnh còn biết chuyện Dũng cò đánh cắp vàng trong cái hũ của ba nó, sau đó bỏ nhà ra đi.
Văn Châu há hốc miệng:
- Lạ thật! Sao bạn lại biết những chuyện này?
Nhỏ Hạnh không trả lời, thản nhiên tiếp:
- Sau đó Dũng cò gặp một người đàn ông ở công viên Văn Lang. Chính ông đã khuyên Dũng cò quay về nhà, rồi giới thiệu nó đến trung tâm dạy nghề và giúp nó hành nghề bán báo cho đến tận hôm nay.
Nhỏ Hạnh làm một tràng khiến Văn Châu ngẩn tò te. Nó đưa tay dụi mắt:
- Ôi, tôi có nằm mơ không vậy nè?
Nhỏ Hạnh cười:
- Bạn đang thức mà.
Một ý nghĩ chợt lóe lên trong óc Văn Châu. Nó liền “à” một tiếng:
- Tôi hiểu rồi. Nếu tôi không nằm mơ thì dứt khoát bạn đã gặp Dũng cò rồi.
Nhỏ Hạnh nhún vai:
- Sau lần đụng độ với “đảng Chim Ưng”, Hạnh chưa hề gặp lại Dũng cò.
Không để Văn Châu kịp tỏ ý nghi ngờ, nó nói luôn:
- Vả lại, có những chuyện Hạnh biết mà Dũng cò không biết. Chẳng hạn, cuộc gặp gỡ giữa người đàn ông và Dũng cò ở ngoài công viên không phải là cuộc gặp gỡ ngẫu nhiên mà thực ra là nằm trong kế hoạch của người đàn ông. Sự thực là ông ta đã tiếp xúc và trò chuyện với ba mẹ Dũng cò trước đó rồi.
Nhỏ Hạnh ngừng một chút, rồi thao thao tiếp:
- Dũng cò cũng không biết sở dĩ người đàn ông không để Dũng cò trực tiếp đóng học phí mà muốn chính tay mình đi đóng bởi vì số tiền Dũng cò kiếm được không đủ để trả tiền học. Người đàn ông mỗi tháng phải bù thêm tiền của mình và không muốn Dũng cò biết điều đó.
Nhỏ Hạnh làm Văn Châu đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Nó không ngờ nhỏ Hạnh biết rõ về cuộc sống của Dũng cò đến thế. Khi nãy, nó chỉ báo cho nhỏ Hạnh biết Dũng cò hiện nay buổi sáng đi bán báo buổi tối đi học thêm. Chỉ vậy thôi. Nó chưa hề tiết lộ thêm bất cứ điều gì khác. Vậy mà nhỏ Hạnh biết tỏng hết mọi chuyện. Nhỏ Hạnh nói vanh vách về vai trò của người đàn ông, thậm chí còn biết cả những điều lắt léo bên trong, những điều này ngay cả Dũng cò cũng mù tịt, và nó, người nghe lại câu chuyện từ Dũng cò, dĩ nhiên cũng mù tịt nốt.
Hôm qua, khi nghe Dũng cò bảo mình không tự đi đóng học phí mà phải giao cho người đàn ông nọ đi đóng giùm, Văn Châu không hiểu tại sao. Nó thấy lạ quá. Nhưng hôm nay nhỏ Hạnh đã vô tình giải đáp thắc mắc giùm nó.
- Bây giờ thì tôi tin là bạn biết được chuyện này không phải do Dũng cò! – Văn Châu thở phì – Nhưng nếu thế thì …
Nhỏ Hạnh mỉm cười ngắt lời bạn:
- Bạn thắc mắc lắm phải không? Có gì đâu, người đan ông đã gặp Dũng cò chính là ba Hạnh đó.
- Là ba bạn? – Đôi môi Văn Châu vẽ thành hình chữ O.
- Ừ, là ba Hạnh. Ba Hạnh là một thành viên của tổ tư vấn thuộc tổng đài điện thoại 1080 …
Rồi trước vẻ mặt ngẩn ra vì bất ngờ của Văn Châu, nhỏ Hạnh lần lượt thuật lại những gì ba nó đã kể …
Câu chuyện ly kỳ về sự thay đổi của cuộc đời Dũng cò đã kết thúc luôn bản danh sách các trường hợp cần giúp đỡ của bọn trẻ tốt bụng.
Và ngày trọng đại nhất cuối cùng đã đến: ngày cả bọn đem tờ vé số đi đổi thành tiền để thực hiện những ước mơ.
Sáng đó, bọn trẻ tập hợp đầy đủ. Quý ròm, Tiểu Long, nhỏ Hạnh, Văn Châu và anh em thằng Nở, tất cả đều có mặt.
- Đi ngay bây giờ chứ? – Quý ròm nhìn quanh, liếm môi hỏi.
- Ừ, ngay bây giờ! – Văn Châu sốt sắng.
Tiểu Long xúc động khụt khịt mũi:
- Nhưng đổi tiền tại đâu?
- Tụi mình cứ đi rảo qua các đại lý vé số! – Văn Châu ra vẻ sành sõi! – Thấy nơi nào có để tấm bảng “Đổi vé số trúng” là tụi mình vào.
Nhỏ Xảo nhảy tưng tưng;
- Vậy thì chúng ta đi nhanh đi! Em sốt ruột quá!
- Khoan đã, em!
Nhỏ Hạnh vừa nói vừa rút từ trong túi ra một tờ giấy. Nó ngồi chồm hổm, trải tờ giấy xuống đất.
Bọn trẻ lập tức ngồi xuống theo, dán mắt vào tờ giấy. Và chúng nhận ngay ra đó là bản danh sách nhỏ Hạnh vẫn mang kè kè theo bên người.
- Trước khi đi đổi tiền, chúng ta phải kiểm tra lại một chút.
Tuyên bố xong, nhỏ Hạnh rà tay lên các dòng chữ, lớn giọng đọc:
- Đồng bào vùng lũ lụt miền Trung: mười triệu đồng, đúng không?
Bọn trẻ đồng thanh:
- Đúng.
- Trường khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu: năm triệu đồng, đúng không?
Năm, sáu cái miệng lại hô vang:
- Đúng.
Cứ thế nhỏ Hạnh cao giọng đọc to từng dòng, hết các trường hợp tập thể đến các trường hợp cá nhân.
Xong, lại đọc tới danh sách “đối tượng” của từng đứa:
- Tiểu Long giúp Đặng Đạo, đúng không?
- Quý ròm giúp Quới Lương, đúng không?
- Nở, Xảo giúp các bạn trong nhóm Lửa Hồng, đúng không?
- Hạnh giúp Mỹ Linh, đúng không?
Câu cuối cùng, nhỏ Hạnh tự hỏi rồi tự đáp “Đúng” khiến nhỏ Xảo thích chí cười khúc khích.
Riêng Văn Châu không có đối tượng riêng. Dũng cò, “đối tượng” của nó, đã bị nhỏ Hạnh gộp chung vào bản danh sách phía trên rồi.
Dò xong, nhỏ Hạnh nhìn quanh:
- Các bạn còn bổ sung hay điều chỉnh gì nữa không?
Bọn trẻ tươi cười:
- Không.
- Vậy thì chúng ta đi!
Quý ròm chìa tay sang phía nhỏ Hạnh:
- Hạnh cho mình mượn bản danh sách đọc lại chút coi!
Quý ròm cắm mắt vào tờ giấy, miệng lẩm nhẩm, chân lẽo đẽo đi theo các bạn.
Văn Châu dẫn đầu cả bọn, vừa ngoặt qua hai dãy phố đã reo lên:
- Đây rồi!
Đập vào mắt bọn trẻ là một cửa hiệu đại lý vé số ngay bên đường đang tấp nập người ra kẻ vào. Tấm bảng kẻ chữ lớn “Tại đây nhận đổi vé số trúng” kê ngay cạnh lối đi.
Nhỏ Xảo hào hứng:
- Đúng là ở đây! Chúng ta vào đi!
Vừa nói, nó vừa hăm hở băng lên.
Nhưng nhỏ Hạnh đã giữ tay nó lại:
- Từ từ đã em! Chúng ta không thể ùa vào cùng một lúc được!
- Chị Hạnh nói đúng đấy! – Thằng Nở khều vai em – Không cần phải kéo hết vào. Chỉ để mình chị Văn Châu vào thôi!
Văn Châu gật đầu:
- Ừ, để tôi vào. Các bạn đợi ở ngoài này nhé!
Bọn trẻ tụm lại một chỗ, hồi hộp nhìn theo từng bước chân của Văn Châu.
Nở đột nhiên lo lắng:
- Số tiền lớn quá, nhỡ bọn xấu giật mất thì nguy!
Nhỏ Hạnh trấn an:
- Không sao đâu! Bọn mình đông thế này!
- Tôi cũng cho là không sao! – Quý ròm nhìn Tiểu Long tươi cười! – Chúng ta có “võ sư vô địch đại lực sĩ song phi cước thiết đầu công” đi theo bảo vệ mà sợ gì!
Tiểu Long chưa kịp lên tiếng đã nghe nhỏ Xảo reo:
- A, chị Văn Châu ra kìa!
Bọn trẻ lập tức nhướn mắt dòm, tim đứa nào đứa nấy đập thình thịch.
- Sao lẹ thế nhỉ? – Nhỏ Hạnh chớp chớp mắt – Đếm một số tiền cỡ năm mươi triệu là lâu lắm!
Quý ròm ra vẻ hiểu biết:
- Bây giờ người ta đếm bằng máy mà lại!
Tiểu Long chợt kêu lên đầy ngạc nhiên:
- Ơ, sao Văn Châu không ôm tiền ra theo?
Bấy giờ bọn trẻ mới phát hiện Văn Châu đang đi tay không trở ra.
- Ờ, sao lạ thế nhỉ? – Nở lẩm bẩm.
Quý ròm lại tỏ thông thái:
- Chắc đại lý cho người đem tiền về tận nhà khách hàng để đảm bảo an toàn.
Nhưng nếu đúng như lời Quý ròm nói thì tại sao mặt Văn Châu nom buồn thỉu buồn thiu thế kia? Bọn trẻ ngờ vực nghĩ.
Ngay cả Quý ròm cũng thế. Đang hăng hái bình luận, đến khi Văn Châu lại gần, thấy mặt mày bạn khó coi quá xá, nó cũng đâm chột dạ:
- Có chuyện gì thế hở Văn Châu? Bạn bỏ quên tờ vé số ở nhà à?
- Không!
Văn Châu lắc đầu và buồn bã moi tờ vé số trong túi ra.
Tiểu Long nhìn chằm chằm vào tờ vé số trên tay bạn, giọng lo lắng:
- Hay là tờ vé số bị rách?
Văn Châu trả lời bằng một cái nhún vai uể oải.
Thằng Nở liếm môi:
- Chắc là chị Văn Châu mua phải tờ vé số giả?
Văn Châu lại lắc đầu. Trước ánh mắt dò hỏi của tụi bạn, nó lưỡng lự một thoáng rồi thở một hơi sườn sượt:
- Tờ vé số này không giả, cũng không rách!
Nhỏ Xảo tròn mắt:
- Thế sao chị không đổi được tiền?
Văn Châu tặc lưỡi:
- Chỉ vì nó không trúng.
Câu trả lời của Văn Châu khiến tụi bạn nó thoắt sững sờ. Không đứa nào nghĩ sự thật lại oái oăm như vậ. Nỗi hào hứng trong lòng bọn trẻ bỗng chốc xẹp lép như quả bóng xì.
Còn Văn Châu sau khi nói lên sự thật phũ phàng đó, nó ngoảnh mặt ngó lơ chỗ khác, vẻ bứt rứt vô hạn.
Mãi một lúc, nhỏ Hạnh lên tiếng phá tan sự im lặng:
- Thôi, không trúng thì thôi! Dò những con số, ai mà chả có lúc nhầm!
- Những con số vẫn trúng, thế mới tức! – Văn Châu cười khổ – Nhưng đây là tờ vé số tỉnh Tiền Giang, còn lô độc đắc có dãy số 18557 kia là của tỉnh Kiên Giang.
Tiết lộ của Văn Châu khiến bọn trẻ dở khóc dở cười. Hai tỉnh Tiền Giang và Kiên Giang đều có phát hành vé số kiến thiết và cùng xổ trong một ngày. Hôm trước thay vì dò bảng kết quả xổ số của Tiền Giang, Văn Châu lại bộp chộp dò bảng kết quả của Kiên Giang. Vì thế mới xảy ra chuyện tréo ngoe này.
Khi sự hụt hẫng qua đi, Tiểu Long đưa tay đập khẽ lên cánh tay Văn Châu, mỉm cười:
- Áy náy làm gì, bỏ qua đi! Dù sao cũng nhờ vậy mà tụi này hiểu được tấm lòng của bạn.
Văn Châu cảm động nhìn Tiểu Long:
- Và của cả các bạn nữa chứ!
Nhỏ Xảo quên ngay nỗi buồn. Nó toét miệng cười hì hì:
- Của em và anh Nở nữa!
Quý ròm bắt đầu giễu. Nó đập tay lên ngực.
- Tức quá, thật xấu hổ khi mang danh là nhà ảo thuật! Mai mốt tôi phải tầm sư học đạo, quyết luyện bằng được “chiêu” biến tỉnh Tiền Giang ra đỉnh Kiên Giang mới thôi!
Chợt nhớ mình đang cầm tờ giấy trên tay, nó liền vo tròn lại:
- À, bản danh sách này hết dùng được rồi, để tôi cho nó đi vào … quá khứ!
Nhưng Quý ròm chưa kịp ném tờ giấy, nhỏ Hạnh đã gọi giật:
- Gượm đã, Quý!
- Gì thế? – Quý ròm ngoảnh lại.
Nhỏ Hạnh chìa tay ra:
- Trả tờ giấy cho Hạnh.
- Hạnh đòi lại làm gì?
Quý ròm đưa tờ giấy cho bạn, mặt ngơ ngác.
Nhỏ Hạnh chậm rãi vuốt phẳng tờ giấy trên tay rồi gấp làm tư, cẩn thận cất vào túi áo. Xong, nó nhìn các bạn, long lanh mắt:
- Biết đâu mai mốt tụi mình chẳng trúng số độc đắc thật, lúc đó tụi mình chỉ cần điều chỉnh bản danh sách này thôi, khỏi phải suy nghĩ và tìm hiểu lại từ đầu làm chi cho mất công!
Nguồn: hgth /diendan/showthread.php?20635-Kinh-van-Hoa-Tap-35-Trung-so-doc-dac#ixzz2OBd8Qg2a


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui