Chương 8
Chiều đó, Quý ròm, Tiểu Long VÀ nhỏ Hạnh lại kéo nhau đến nhà Lệ Hằng.
Bội Linh và Lệ Hằng ngạc nhiên:
- Ơ.
- Mấy bạn siêng quá há?
Quý ròm trố mắt, xem ra còn ngạc nhiên hơn:
- Siêng với chẳng siêng! Chẳng lẽ tụi này không đến mà được à?
Trước vẻ ngẩn ra của hai cô bạn gái, Quý ròm đập tay lên chiếc hộp giấy mang theo:
- Phải sửa chữa lại thiết bị chứ! Tối hôm qua, “nhiên liệu” đã dùng hết rồi còn đâu!
Lệ Hằng chợt mỉm cười, bây giờ nó mới nhớ ra:
- Ờ há! Thế mà Lệ Hằng bỗng quên béng mất!
Lần này, hai thợ phụ việc lẽo đẽo bám theo Quý ròm vẫn là Đức Thắng và Lệ Chi.
Đức Thắng không ngớt hít hà:
- Anh đặt bẫy hay ghê!
Quý ròm khoái chí:
- Còn phải nói!
Đức Thắng say sưa tán tụng:
- Hôm qua bác Sáu nhắm tịt mắt, mãi một lúc mới he hé được.
Lệ Chi hớn hở bổ sung:
- Bác hắt xì hơi liên tục.
Quý ròm chợt thở dài:
- Bác ấy gặp số xui. Anh mày chỉ muốn bắt trộm thôi.
Đức Thắng nhìn chiếc hộp giấy trên tay Quý ròm, tò mò hỏi:
- Hôm nay anh đem theo bột tiêu nhiều không vậy?
Quý ròm lắc chiếc hộp:
- Trong này không phải là bột tiêu.
- Chứ anh đem bột gì? – Đức Thắng mở to mắt – Bột ớt hở?
Quý ròm hừ mũi:
- Bột tiêu anh mày còn sợ người ta mù mắt nữa là bột ớt.
Nhỏ Lệ Chi nhíu mày:
- Nhưng đây là bọn trộm mờ.
- Trộm cũng thế! – Quý ròm nhún vai – Mình chỉ làm cho bọn chúng hoảng vía, bó tay chịu trói thôi. Sau đó mình giao cho công an. Còn làm chúng mờ mắt là không nên.
Rồi Quý ròm đặt chiếc hộp xuống đất, từ từ mở cửa ra trước cặp mắt thô lố của hai đứa nhóc.
- Bột gì vậy hở anh? – Nhỏ Lệ Chi buột miệng hỏi, nó trông thấy một loại bột trăng trắng nhưng chẳng biết là bột gì.
- Bột mì đấy!
Thằng Đức Thắng chợt cười hi hi:
- Anh đi bắt trộm mà cứ như đi làm bánh.
- Bánh này bọn trộm không xơi nổi đâu.
Quý ròm nói giọng lạnh lùng. Rồi quay sang thằng nhóc, nó ra lệnh:
- Em chạy tìm cho anh hai chiếc thùng nhựa nào!
Đức Thắng đem hai thùng nhựa lên, ngạc nhiên thấy Quý ròm trút tất cả bột trong hộp giấy vào đó:
- Ơ, anh không cho vào bình xịt à?
- Không! – Quý ròm lắc đầu – Lần này hai cái bình xịt chỉ đựng nước lã thôi!
Đức Thắng vò đầu:
- Lạ ghê! Em chẳng hiểu gì cả.
- Rồi nhóc mày sẽ hiểu.
Nghe ông anh nói vậy, Đức Thắng không hỏi nữa, dù bụng vẫn thắc mắc ghê quá. Nó và Lệ Chi lặng lẽ đi theo Quý ròm chăng dây và buộc lại những đầu mối bị bác Sáu làm đứt tối hôm qua.
Những bình xịt vẫn được Quý ròm gắn vào hai bên cửa, nhưng bây giờ b trong chỉ toàn nước.
Sau cùng, Quý ròm trèo lên ghế, dùng dây kẽm bắc hai thanh gỗ vào tường, tít trên cao, chính giữa cửa trước. Rồi đặt “thiết bị” quan trọng nhất là thùng bột mì lên đó. Hẳn nhiên thùng bột này được nối với “hệ thống chống trộm” bằng mớ dây nhợ lòng thòng. Cửa sau cũng được “thiết kế” y như thế.
- Em hiểu rồi! – Sau khi tỉ mỉ quan sát cách bố trí của Quý ròm, Đức Thắng vỗ tay reo lên – Nếu bọn trộm vướng phải sợi dây, thùng bột này sẽ ụp ngay lên đầu chúng.
- Đúng vậy! – Quý ròm xoa tay – Thế là bọn chúng hết thấy đường!
Đức Thắng cười hích hích:
- Bọn chúng sẽ tưởng là tuyết rơi! – Quý ròm phụ họa.
- Thế còn các bình xịt! – Nhỏ Lệ Chi chớp mắt – Các bình xịt để làm gì?
- À quên, có các bình xịt này mới có tuyết rơi được! – Quý ròm cười hì hì – Sau khi thùng bột rơi xuống, những chiếc bình sẽ xịt nước vào bọn trộm.
Nhỏ Lệ Chi nhảy tưng tưng:
- Hay lắm! Lần này em được xem “người tuyết” rồi.
Thấy con nhóc hào hứng quá, Quý ròm vờ hỏi:
- Thế nhỡ tối nay trộm không tới thì sao? “Người tuyết” ở đâu mà xem?
- Tới! – Nhỏ Lệ Chi mím môi – Nhất định chúng sẽ tới!
Quý ròm nheo mắt, tinh nghịch:
- Thế em mong cho trộm vào nhà à?
Câu hỏi cắc cớ của Quý ròm làm Lệ Chi khựng mất một lúc. Nhưng rồi nó tìm được ngay câu trả lời:
- Bọn trộm làm sao vào nhà được! Anh đặt bẫy ở phía trước cơ mà. Bọn chúng chỉ làm “người tuyết” ở đằng trước cửa thôi.
Quý ròm xoa đầu con nhóc:
- Ừ, bọn trộm không vào nhà được đâu! Nếu bọn chúng dại dột mò tới, em cứ đứng trong kẹt cửa nhìn ra, tha hồ mà xem “người tuyết”.
Cũng như hôm qua, trước khi ra về, nhỏ Hạnh nhìn Lệ Hằng, cười cười:
- Tối nay chúc ba chị em ngủ ngon nhé!
Lệ Hằng cũng cười:
- Tối nay chắc chắn là ngủ ngon rồi.
- Sáng mai mẹ bạn lên rồi hở?
- Ừ. Ba chị em mình chỉ còn “chống chọi” đêm nay nữa thôi.
Quý ròm khịt mũi:
- Nhưng muốn ngủ ngon thật sự thì không được đăt bẫy trước mười giờ đấy! Kẻo lại mích lòng hàng xóm!
Bội Linh đáp thay bạn:
- Quý yên tâm! Lát tối mình sẽ gọi điện thoại nhắc Lệ Hằng cho!
Bội Linh nói nhắc tức là nhắc Lệ Hằng đừng đặt bẫy sớm. Nhưng Bội Linh thì ở xa, trong khi thằng Đức Thắng ở sát rạt bên cạnh Lệ Hằng.
Và thằng oắt toàn nhắc ngược lại:
- Chị đặt bẫy đi, chị Hai!
- Mấy giờ rồi?
- Ờ, ờ, tám giờ.
Lệ Hằng nạt:
- Mới tám giờ mà bẫy biếc gì! Em không nhớ chuyện hôm qua sao!
Bị rầy, Đức Thắng làm thinh. Nhưng thằng Đức Thắng bị rầy chứ nhỏ Lệ Chi đâu có bị rầy. Cho nên tới phiên nhỏ Lệ Chi mở miệng:
- Chị Hai ơi.
- Gì?
- Tám giờ rưỡi rồi.
Biết tỏng con nhỏ muốn gì nhưng Lệ Hằng vẫn vờ vịt:
- Tám giờ rưỡi thì sao?
Tấm gương trước mắt của Đức Thắng khiến Lệ Chi dè dặt. Nó lấp lửng:
- Thì đặt cái đó đó.
Lệ Hằng cố nén cười:
- Cái đó đó là cái gì?
- Cái anh Quý làm cho nhà mình đó.
- Em đừng có bắt chước Đức Thắng! – Lệ Hằng quay phắt lại, hừ giọng – Anh Quý đã dặn rồi. Chỉ được nối dây từ mười giờ trở đi kia.
Đức Thắng nhăn mặt:
- Đó là anh Quý dặn phòng thế thôi. Đợi đến mười giờ lâu lắm.
- Lâu cũng phải đợi! – Lệ Hằng nhún vai – Các em học bài rồi đi ngủ đi. Chuyện đặt bẫy để chị lo.
Nhưng Đức Thắng và Lệ Chi dễ gì chịu đi ngủ. Học bài xong, chúng lại ngồi ngóc cổ nhìn đồng hồ:
- Chín giờ rồi, chị Hai.
- Chín giờ cũng mặc.
Một lát:
- Chín giờ mười lăm rồi, chị Hai.
Lệ Hằng chịu nổi:
- Sao hai em cứ lằng nhằng hoài vậy? Chị đã nói mười giờ là nhất định mười giờ!
Lệ Hằng nói như vậy là cương quyết lắm. Nhưng thằng Đức Thắng lại muốn chứng minh đ********* cũng thể dai bằng nó. Nó rầm rì như nói với chính mình:
- Chẳng ai đi lại ngoài đường vào giờ này.
Thấy bà chị không phản ứng gì, Đức Thắng lại tiếp tục:
- Qua thăm hàng xóm lại càng không.
Lệ Hằng vẫn không ừ không hử.
- Bác Sáu giờ này chắc đã đi ngủ rồi! – Đức Thắng tặc tặc lưỡi.
Lệ Hằng chán quá, xoay lưng lại phía thằng oắt, như muốn bảo ta đây không buồn nghe những lời lải nhải của nhà ngươi đâu, đừng nói nữa mất công.
Biết không lay chuyển được bà chị, Đức Thắng quay sang nhỏ Lệ Chi tìm đồng minh:
- Bác Sáu giờ này ngủ rồi, Lệ Chi há?
Lệ Chi chưa kịp trả lời thì bác Sáu đã trả lời thay. Ở ngoài sân, tiếng bác thình lình vọng vào:
- Mấy đứa nhỏ còn thức không?
- Còn, bác Sáu!
Lệ Hằng nói lớn. Nó quay lại nguýt thằng Đức Thắng một cái rồi lật đật chạy ra mở cửa.
Bác Sáu thò đầu vào:
- Ủa, bữa nay tụi bây không gài cái máy gì gì đó hả?
- Dạ, lát nữa tụi cháu mới đặt.
- Hôm qua tụi bây làm tao ớn quá! – Bác cười hề hề – Nãy giờ tao đứng xớ rớ ngoài sân, đâu có dám lại gần gõ cửa.
Vừa nói bác vừa bước hẳn vào nhà. Bây giờ bọn trẻ mới thấy bác đang ôm trong tay mấy gói mì.
- Mỳ ở đâu vậy chứ bác Sáu? – Lệ Hằng ngạc nhiên.
- Tao mua chứ đâu! – Bác Sáu đặt mấy gói mì xuống bàn.
Lệ Hằng gật đầu vẻ hiểu biết:
- Chắc là mẹ cháu gọi điện thoại nhờ bác?
- Bữa nay thì mẹ tụi bây không nhờ! – Bác Sáu vui vẻ – Nhưng hôm qua tao làm rớt mấy cái bánh giò, bữa nay đem mì gói qua bù lại.
- Trời ơi, bác Sáu! – Lệ Hằng kêu lên – Bánh giò hôm qua tụi cháu vẫn ăn được mà.
- Ăn được thì mấy cái bánh cũng đã bị rớt xuống đất rồi! – Bác Sáu xua tay – Lượm dưới đất lên coi như không tính!
Suy nghĩ lạ lùng của b tác Sáu khiến kh ngẩn ngơ quá đỗi. Đến mức bác ra về cả buổi rồi, nó vẫn không hay.
Chỉ đến khi tiếng thằng Đức Thắng hào hứng vang lên bên tai thì nó mới choàng tỉnh:
- Đặt bẫy được rồi đó, chị Hai!