Kính vạn hoa - Tập 41 - Kho báu dưới hồ


Chương 9
Tên Chom kể:
- Tôi là người Hrê, giỏi tài cắt rừng xuyên sơn, xưa nay sống bằng nghề dẫn đường cho các đoàn du lịch, săn bắn, địa chất, khảo cổ dọc vùng rừng núi Tây Nguyên.
Ông Thạch Miên không biết tôi nhưng ông quen với bạn tôi. Thông qua bạn tôi, ông gặp tôi và đề nghị tôi giúp đỡ ông Tài:
- Đúng nghề của mình, lại nghe ông Tài hứa trả thù lao rất hậu nên tôi nhận lời không do dự.
Thỏa thuận xong, tôi lập tức đi cùng ông Tài từ thành phố Hồ Chí Minh ra đây. Theo dấu hiệu trên tấm bản đồ da dê, không đầy một tuần lễ chúng tôi đã đến được vùng này.
Thạch Miên khi đề nghị tôi cộng tác với ông Tài đã không nói gì về kho báu của vương quốc Chămpa, chỉ bảo phải tìm ra địa điểm có dấu mũi tên trên tấm bản đồ thôi. Ngay cả ông Tài suốt đường đi cũng không hề hé môi về chuyện này. Chỉ đến khi đến được đây rồi, ông mới kêu tôi lặn xuống hồ xem có gì lạ không.
Lần đầu tiên lặn xuống hồ, tôi phát hiện một pho tượng đồng đen ngồi trên tòa sen, với một con rắn quấn quanh người. Khi tôi trồi lên, báo với ông Tài biết, ông hét lên “Đây rồi! Kho báu của kinh đô Chămpa quả chôn giấu ở đây rồi! Hà hà, Thạch Miên không lừa ta!”.
Rồi ông cười sằng sặc như người điên. Cho tới lúc đó tôi mới biết ông thuê tôi dẫn đường để làm gì.
Tìm thấy kho báu, ông hào hứng quá nên quên mất chuyện giữ bí mật, mà lúc này có muốn giữ cũng không được nữa vì ông đã buột miệng ra mất rồi.
Sau một hồi nghỉ ngơi, tôi lặn xuống đáy hồ lần thứ hai. Lần này tôi tìm thấy một số tượng vũ nữ, không rõ bằng đồng hay bằng vàng, vì tôi không đủ thời gian ở lâu dưới nước để kiểm tra.
Tôi lại vội trồi lên báo lại với ông Tài. Nhưng phản ứng của ông lần này trái ngược hẳn với lần trước. Ông không tỏ vẻ gì mừng rỡ. Ông cũng không nói gì, mặt mày đăm chiêu, thỉnh thoảng lại nhìn tôi với vẻ dò xét, phân vân.
Thái độ khác lạ bất thường của ông Tài khiến tôi thấy chờn chợn. Tôi như cảm thấy một mối nguy hiểm vô hình đang đe dọa mình.
Bữa ăn trưa hôm đó thật nặng nề. Ông Tài cắm cúi ăn, trầm ngâm không nói tiếng nào Tôi thì phập phồng trong bụng, vừa ăn vừa lo lắng cảnh giác nên cũng làm thinh nhai cơm.
Từ hồi tôi và ông Tài lên đường đến giờ, thực tình mà nói đây là lần đầu tiên xảy ra tình trạng này. Một bầu không khí nghi kỵ lặng lẽ bao trùm suốt bữa ăn và kéo dài suốt những ngày sau.
Trong thời gian đó, sự xuất hiện của các bạn trẻ ở khu vực thác nước khiến cuộc thăm dò đáy hồ tạm thời ngưng lại.
Tôi và ông Tài buộc phải rút vào hang để tránh mặt. Phải nói thẳng là thời gian ở trong hang đối với tôi thật kinh khủng. Bây giờ tôi đã lờ mờ hiểu ra tại sao ông Tài thay đổi thái độ đột ngột như vậy.
Ấy là chẳng qua ông không muốn tin tức về kho báu lọt ra ngoài …
Quý ròm thình lình chen ngang:
- Cũng có thể ông ta không muốn trả nốt tám cây vàng cho Thạch Miên.
Tên Chom lắc đầu:
- Tôi không biết gì về giao kèo giữa Thạch Miên và ông Tài nên không nghĩ đến lý do đó …
Theo những gì tên Chom kể tiếp thì lúc đó hắn ta chỉ nghĩ ông Tài muốn hãm hại hắn do sợ bí mật về chuyện khai thác kho báu bị lộ ra ngoài hoặc cũng có thể sợ hắn sẽ bất thần hạ thủ mình để chiếm kho báu.
Tên Chom đã sống chung với ông Tài trong hang Dơi một cách thấp thỏm. Hắn không dám ngủ, không dám di chuyển nhiều, không dám đến gần ông Tài. Bất cứ một tiếng động nhỏ nào cũng khiến hắn giật bắn. Hắn trải qua một thời gian dài như vậy cho đến khi toán người của anh Phong bỏ đi.
Lúc cả hai trở lại bên hồ, ông Tài bảo tên Chom lặn xuống lần nữa để tìm cho ra tượng bò vàng. Nhưng lần này Chom từ chối. Hắn bảo đã xem xét kỹ nhưng không hề có tượng bò vàng nào dưới đáy hồ. Vả lại hắn cảm thấy người như nhuốm bệnh. Dĩ nhiên đó chỉ là cái cớ để thoái thác. Tên Chom sợ lặn xuống nước sẽ rơi vào bẫy của ông Tài. Người ở dưới nước là người không có điều kiện tự vệ. Chỉ cần một khúc cây, ông Tài có thể đập bể sọ hắn khi hắn vừa trồi lên mặt nước, ít ra ông ta cũng thừa sức đẩy hắn ra xa bờ cho đến lúc hắn đuối sức chìm xuống đáy hồ.
Nghĩ vậy nên Chom dứt khoát không chịu xuống hồ. Sự phản kháng đó càng làm ông Tài thêm điên tiết. Ông chửi rủa hắn tơi bời nhưng hắn vẫn một mực giả điếc.
Suốt cả mấy ngày trời, ông Tài cứ đi lòng vòng quanh hồ, hết oang oang mắng nhiếc đến hạ giọng lẩm bẩm, mắt lúc nào cũng ngầu đỏ.
Thấy tính khí ông Tài càng ngày càng trở nên thất thường, tên Chom thêm hoảng. Và hắn tìm cách chuồn về thành phố Hồ Chí Minh.
Cuối cùng, nhân một lần ông Tài đi vệ sinh sau một bụi rậm, Chom bỏ trốn. Nhưng xui cho hắn, ông Tài phát giác được. Thế là ông tức tốc rượt theo.
Lúc bắt kịp tên Chom, ông tóm vai hắn, xoay hắn lại, mắng “Đồ xảo trá!”. Chuyện ông Tài chửi hắn, tên Chom không thấy lạ. Lúc đó, điều bất ngờ nhất đối với hắn là khẩu súng ngắn trên tay ông Tài.
Cùng đi cùng ăn cùng ngủ với ông Tài suốt cả chục ngày trời, hắn không hề phát giác ông có mang súng theo người. Thế mà giờ đây, đang chĩa ngay ngực hắn là một mũi súng lạnh ngắt.
Mắt tên Chom như đứng tròng khi nhìn thấy khẩu súng. Hắn chồm người tới định bóp cổ ông Tài nhưng không kịp. Hắn chỉ nghe một tiếng “đoàng” và thấy nhói bên ngực trái. Rồi đổ sụp xuống, mê đi.
- Chú mày bịa chuyện hay lắm! – Ông Tài cười khảy, từ nãy đến giờ ông vẫn cùng mọi người im lặng nghe tên Chom kết tội mình! – Hay! Rất hay! Thoạt nghe qua thì giống y như thật!
Mặt ông thoắt nghiêm nghị:
- Nhưng rất tiếc vì đây là câu chuyện bịa nên ai cũng thấy rõ có quá nhiều chi tiết phi lý trong lời kể của chú mày.
- Tôi không bịa chuyện! – Tên Chom đáp lời ông Tài nhưng mắt lướt qua bọn trẻ như để thanh minh – Những điều tôi kể hoàn toàn là sự thật.
- Không có chút sự thật nào ở đây cả! – Ông Tài khẽ lắc đầu – Nếu tôi cố tình giết chú thì với khoảng cách gần như thế, không thể nào tôi bắn trật được. Phát đạn phải đi ngay tim chú ấy chứ. Thứ hai, theo như lời chú nói thì tôi chỉ bắn có một phát, chú đã ngã lăn ra, trong khi trên thực tế các bạn trẻ đây nghe thấy tất cả là bốn tiếng nổ. Tại sao như vậy, chú có biết không?
Ông Tài đột ngột cao giọng:
- Tại vì tôi không hề bắn chú, chỉ có chú muốn giết tôi. Chú rượt tôi, bắn theo tôi tất cả bốn phát nhưng may mà không trúng. Sau đó, theo như các bạn trẻ đây cho biết, chú còn muốn giết cả bọn họ để bịt miệng. Tóm lại, thực tế cho thấy khẩu súng nằm trong tay chú, nó là của chú, còn tôi, tôi không hề có khẩu súng nào cả …
Lập luận của ông Tài vững chắc đến mức tên chom chỉ biết ú ớ:
- Ông … ông …
Và khi thấy bọn trẻ đưa mắt nhìn mình, tên Chom xám hẳn đi. Hắn đưa tay ra trước mặt khua qua khua lại như cố vén một tấm màn vô hình đang ngăn cách hắn và bọn trẻ trước đây dăm phút còn tỏ ra tin tưởng hắn. Hắn nói, giọng nghe như rên rỉ:
- Không, đừng tin ông ta! Ông ta nói láo …
- Tôi không nói láo! – Giọng ông Tài vang lên dõng dạc – Thực ra đây mới là điều quan trọng nhất: Tôi không dại gì giết chú. Vì chú là người được Thạch Miên cử đi theo tôi. Tôi mà thủ tiêu chú, Thạch Miên sẽ biết ngay. Và chắc chắn tôi sẽ bị tòa xử tội chết, bét ra cũng ngồi tù đến mãn đời, còn nói gì đến kho báu với kho biếc.
Ông Tài quay sang bọn trẻ:
- Các cháu thử nghĩ xem, chú nói có đúng không?
Cú đòn cuối cùng của ông Tài quả là đòn hiểm. Tên Chom dường như bị sức nặng của cái lý lẽ kia đè bẹp nên chẳng thấy hắn phản ứng gì, chỉ thở hổn hển. Trông hắn lúc này thảm thương như con gà bị trói trước khi làm thịt.
- Chú nói không đúng!
Anh Phong thình lình lên tiếng. Câu nói của anh không chỉ khiến ông Tài giật thót mà còn khiến những người đứng quanh tròn mắt ngơ ngác. Chỉ có nhỏ Hạnh và Quý ròm là nhìn anh mỉm cười.
Nhưng không một ai hé môi. Ai cũng chờ đợi anh nói tiếp.
Trước những ánh mắt dò hỏi của mọi người, anh Phong vẫn ung dung. Anh nhìn thẳng vào mặt ông Tài, bình tĩnh hắng giọng:
- Ông Chom không bắn chú. Chính chú đã bắn ông Chom.
- Chú bắn? – Ông Tài vò đầu – Cháu không nói lộn đó chứ? Nếu chú cố tình giết hắn, làm sao hắn còn sống đến bây giờ.
Anh Phong vẫn bình thản:
- Chính phản xạ của ông Chom lúc đối diện với mũi súng đã giúp ông thoát chết. Cái động tác chồm người lên định bóp cổ chú đã vô tình khiến mũi súng đang chĩa ngay tim bị lệch xuống phía dưới. Vì thế đạn đã không xuyên qua tim.
- Cháu thật giỏi tưởng tượng! – Ông Tài nhún vai – Nhưng cứ cho là như thế thì tại sao sau đó các cháu còn nghe thấy ba phát súng nữa? Ai đã bắn ba phát súng đó? Trong khi vết thương trên ngực tên Chom chỉ do một viên đạn gây ra?
- Ừ, thế thì ai bắn ba phát súng đó? – Thằng Mạnh không nén được tò mò, buột miệng hùa theo.
- Chính ông Tài bắn!
Anh Phong nhìn Mạnh, cười đáp. Rồi quay sang ông Tài, anh nheo mắt nói:
- Chú chưa hề lại gần quan sát vết thương trên ngực ông chom mà đã khẳng định vết thương đó chỉ do một viên đạn gây ra, riêng chi tiết này đã tố cáo chú rồi.
Ông Tài ấp úng:
- Đó là … đó là …
- Chú không cần biện hộ! – nhỏ Hạnh đột nhiên lên tiếng – Thực ra, việc làm của chú rất dễ suy đoán. Này nhé, hôm qua trong rừng vang lên tổng cộng là bốn tiếng nổ. Nhưng nếu để ý một chút sẽ thấy ba tiếng sau vang lên liên tiếp và cách quãng đều đặn. Riêng khoảng cách giữa tiếng nổ đầu tiên và tiếng nổ thứ hai lâu hơn nhiều. Tại sao như vậy? Tại vì sau khi bắn ông Chom, chú hoảng hốt khi đột ngột phát hiện ra tụi cháu, càng hoảng hốt hơn khi thấy tụi cháu sắp tiến vào rừng. Chú sợ xác chết của ông Chom sẽ tố cáo tội ác của chú. Do đó, sau một thoáng suy nghĩ, chú bắn thêm ba phát rồi chạy ra vờ như bị bọn buôn lậu rượt bắn đồng thời tìm cách ngăn cản không cho tụi cháu tiến vào rừng.
Ông Tài dang hai tay:
- Nhưng chú đâu có khẩu súng nào.
- Sau khi bắn tiếp ba phát, chú đã nhét súng vào tay ông Chom, phòng có cớ chối tội nếu chẳng may thi thể của ổng bị tụi cháu phát giác.
- Hà hà, – Tiểu Long cười nói – rốt cuộc ông Chom không chết, mà còn có súng bắn tụi mình.
- Lúc đó ông Chom thấy bóng người là đã hồn vía lên mây. Ổng tưởng tụi mình là người ông Tài sai đến.
Quý ròm vừa nói vừa nhìn tên Chom. Trông hắn bây giờ đã tươi tỉnh hơn nhiều. Được những bộ óc sáng suốt như anh Phong và nhỏ Hạnh bào chữa, thật không còn gì vững dạ bằng. Những lời buộc tội của ông Tài khi nãy như một tấm lưới bền chắc càng lúc càng thít chặt lấy hắn, tưởng không còn cách nào thoát ra, không ngờ lại bị lập luận sắc bén của bọn trẻ làm đứt tung một cách dễ dàng.
Nhỏ Hạnh vẫn không rời mắt khỏi ông Tài, giọng vẫn đều đều:
- Khi bị đưa về thành phố, chú rất nóng ruột. Vì khi vờ bất tỉnh, chú đã biết tụi cháu vẫn quyết tâm tiến vào rừng. Cho nên, khuya hôm qua chú đã lén rời khỏi bệnh viện và quay trở lại đây, trốn vào hang để theo dõi tụi cháu. Thật ra chú chỉ sợ kho báu bị lộ. Còn về ông Chom, chú đã yên tâ. Không thấy thi thể ông, chú nghĩ chắc chú là thú rừng đã ăn thịt hoặc tha đi rồi.
Nhỏ Hạnh nói đến mọi việc rành mạch, lớp lang y như thể từ hôm qua đến nay nó nấp đâu trên cây và tận mắt chứng kiến không sót một hành động nào của ông Tài.
Mặt ông Tài xị xuống theo từng lời của nhỏ Hạnh.
- Tuyệt! Tuyệt! – Cuối cùng, như không nhịn nổi nữa, ông đưa tay lau mồ hôi trán, kêu lên bằng giọng châm biếm – Với óc tưởng tượng phong phú của mình, các cháu có thể trở thành những nhà văn nổi tiếng đấy. Nhưng cũng giống như tên Chom, các cháu đã bỏ qua một điều quan trọng …
Nhỏ Hạnh chưa kịp thắc mắc, anh Phong đã nheo mắt hỏi:
- Điều gì ạ?
Ông Tài nhếch mép:
- Chú không dại gì giết tên Chom. Vì Thạch Miên đã biết rõ về chuyến đi này.
Lần thứ hai, ông Tài đưa ra lý lẽ này để chối tội. Và phải nói thẳng, đó là một lý lẽ có sức nặng đáng kể, gần như khó có thể bác bỏ được. Quả thực, đã gọi là âm mưu giết người thì phải hoàn toàn bí mật, phải quỷ không hay thần không biết. Kẻ giàu thủ đoạn như ông Tài càng phải tính đến chuyện đó. Ông không thể giết người bừa bãi để sau đó phải ra trước vành móng ngựa, nhất là trong thời điểm ông sắp sửa sở hữu một kho báu khổng lồ.
Không chỉ ông Tài, nhiều người có mặt cũng nghĩ như vậy. Cho nên có không ít ánh mắt xoáy vào anh Phong và nhỏ Hạnh, hồi hộp chờ xem hai bạn mình đối đáp ra sao.
Nhưng ai nấy đều hoài công. Nhỏ Hạnh chẳng giải thích gì cả. Còn anh Phong thì khẽ liếc lại chỗ tên Chom một cái rồi quay nhìn ông Tài, thản nhiên nói:
- Đối với chú, chuyện ông Thạch Miên biết rõ về chuyến đi của chú và ông Chom có phải là điều quan trọng hay không thì còn phải xem lại. Cháu tin rằng chỉ trong một thời gian ngắn tụi cháu sẽ chứng minh những điều tụi cháu nói là hoàn toàn đúng.
Sau khi tuyên bố một câu đầy bí hiểm, anh Phong quay sang mọi người:
- Bây giờ tôi nghĩ chúng ta nên thám hiểm đáy hồ …
Trong khi ông Tài xanh mặt trước đề nghị của anh Phong thì thằng Mạnh hớn hở reo:
- Đúng rồi đó. Để em lặn xuống cho. Em muốn xem kho báu của kinh đô Chămpa nó ra làm sao.
- Chẳng có kho báu nào dưới đó đâu em! – nhỏ Hạnh lắc đầu.
Lời khẳng định của nhỏ Hạnh khiến ông Tài ngơ ngác:
- Cháu nói sao?
Nhỏ Hạnh bình tĩnh lặp lại:
- Cháu nghĩ chẳng có kho báu nào dưới đáy hồ này cả.
- Cháu đừng có nói vu vơ! – Ông Tài nhíu mày – Chính Thạch Miên đã kể về kho báu này rất tường tận. Và chính tên Chom cũng đã mắt thấy tay sờ …
- Có lẽ đã có sự nhầm lẫn gì đây! – nhỏ Hạnh đưa tay đẩy gọng kính trên sống mũi – Bở một lẽ đơn giản, địa phương này chưa bao giờ là kinh đo của vương quốc Chămpa.
- Ai bảo cháu vậy? – Ông Tài giật bắn, rồi ông bỗng ngẩn tò te – Ừ, mà nếu cháu định nghiên cứu kỹ lưỡng, cháu có thể xác định được …
Như để xác nhận lời nói của ông Tài, nhỏ Hạnh từ tốn giải thích:
- Kinh đô cũ của Vương quốc Chămpa đóng ở Trà Kiều, Quảng Nam trong tổng thể với khu Thánh địa Mỹ Sơn. Đến thế kỷ thứ 8, kinh đô Chămpa chuyển xuống Nha Trang. Giữa thế kỷ thứ 9 lại chuyển trở ra Đồng Dương, cách Trà Kiều khoảng 15 cây số. Qua thế kỷ thứ 10, dưới sức ép của Vương triều nhà Lý và các nước Chân Lạp, một lần nữa kinh đô Chămpa lại dời đến thành Đồ Bàn, Bình Định. Như vậy, trong lịch sử di dời của mình, kinh đô của Vương quốc Chămpa chưa bao giờ tọa lạc trên vùng đất chúng ta đang đứng …
Nghe nhỏ Hạnh thao thao một hồi, ông Tài mới toát mồ hôi trán. Ông đưa tay lau mặt:
- Nhưng rõ ràng tên Chom đã nhìn thấy …
- Nếu đúng như vậy thì đó là một cái tháp lẻ bị chìm xuống hồ. Nhưng nó không thuộc quần thể di tích của kinh đô Chămpa cổ và chẳng có kho báu gì ở cái tháp này …
- Lạ thật! – Ông Tài bóp trán – Chính tên Chom đã chỉ cho chú thấy dấu vết khu tập trung dân cư của người Chămpa trong cái hang kia. Chú đã tận mắt nhìn thấy những cái bếp hoang, những mẩu gậy, những cán dao …
- Chú nhầm rồi! – Quý ròm đột nhiên phì cười – Những dấu vết đó cho biết cái hang này là nơi trú quân của một đơn vị bộ đội thời chiến tranh chứ không phải là khu quần cư của người Chămpa cổ.
Vừa nói Quý ròm vừa rút từ trong túi quần ra một cái khăn rằn, giơ cao lên:
- Cháu đã nhặt được cái vật này trong hang.
Trước đôi mắt trố ra của ông Tài, Quý ròm nhún vai nói thêm:
- Cháu còn tìm thấy một đôi dép cao su và một chiếc mũ tai bèo trong đó nữa.
Quý ròm làm thằng Mạnh cảm thấy ngứa ngáy quá. Để chứng tỏ đây cũng là “nhà khám phá” vĩ đại không thua gì ông anh ròm của mình, nó ngoác miệng gần như gào lên:
- Em nữa! Khi nãy em cũng phát hiện được một bi-đông đựng nước của bộ đội.
Chứng cớ của bọn trẻ khiến ông Tài đi hết ngỡ ngàng này đến hụt hẫng khác. Trong một thoáng, ông nghe lòng mình nặng trĩu như có ai vừa đổ đầy chì. Việc khai thác kho báu của ông mặc dù đã không còn là chuyện bí mật, nhưng dù sao nếu quả thực có cái kho báu đó, ông tin rằng ông vẫn có thể thương lượng với bọn trẻ. Nhưng nếu cái kho báu kia không có thật trên cõi đời này thì giấc mộng làm giàu của ông coi như bỗng chốc tan tành.
Ông Tài nuốt nước bọt, cố bám víu vào mẩu hy vọng cuối cùng:
- Nhưng còn tấm bản đồ da dê với mũi tên chỉ dẫn chú mua được của Thạch Miên? Nếu khu vực này không chôn giấu kho báu, ai lại bỏ công sức vẽ nên tấm bản đồ chính xác và tỉ mỉ như thế để làm gì …
Nhỏ Hạnh chậm rãi:
- Theo quy cách và ký hiệu ghi trên tấm da dê này thì đây là loại bản đồ chụp từ trên máy bay hoặc thậm chí chụp từ vệ tinh. Bản đồ này chỉ dẫn nơi chôn cất kho báu của người thời xưa chắc chắn không giống như loại bản đồ này …
Ông Tài há hốc miệng:
- Theo ý cháu thì …
Quý ròm tằng hắng, xen lời:
- Có khả năng đây là một góc bản đồ không ảnh được Thạch Miên hoặc người nào đó chép lại trên da dê nhằm mục đích lừa gạt.
- Chính xác là như vậy! – Anh Phong gật đầu – Đây là tấm bản đồ ngụy tạo!
Ông Tài run rẩy, cố vớt vát:
- Thế chẳng lẽ cái mũi tên trên tấm bản đồ cũng do Thạch Miên vẽ thêm vào? Nó đã chỉ đúng vị trí của cái hồ này kia mà?
- Mũi tên thì không giả! – Anh Phong nhún vai – Căn cứ vào chuyện cái tháp bị văng xuống hồ, căn cứ vào sự kiện ngọn đồi này bị sạt lở một mảng lớn, có thể suy ra đây là bản đồ của không quân chế độ Sài Gòn trước 1975, và dấu vết của sự sụp đổ kia rõ ràng là hậu quả của một trận ném bom ác liệt.
Anh Phong huơ tay phác ra một cử chỉ:
- Mũi tên trong bản đồ thực ra không phải chỉ cái hồ mà chỉ ngọn đồi nơi bộ đội trú quân. Đó là mục tiêu oanh kích của không quân Mỹ trước đây. Và người ta đã lợi dụng nó để gạt gẫm những người tham lam và cả tin.
Anh Phong nói một cách bình thường, tự nhiên nhưng ông Tài có cảm giác chàng tai đang xỏ xiên mình. Vừa đau khổ vì mất của vừa xấu hổ vì bị lừa, bị chê bai, mặt ông thoạt xanh thoạt đỏ, như da tắc kè.
May làm sao, mọi người không ai chú ý đến ông. Vì ngay lúc đó, anh Nhựt đã quay sang anh Phong:
- Mình cho người lặn xuống hồ đi anh!


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui