Kính vạn hoa - Tập 45 - Kính vạn hoa


26
Hôm đó, trừ tôi ra, ba đứa trẻ đều lần lượt nói chuyện với Thơ Hoa. Nói đủ thứ. Trừ một thứ quan trọng nhất: Hỏi xem có thể đến nhà Thơ Hoa để đưa mấy quyển sách có chữ ký và lời đề tặng của tôi hay không!
Chẳng ai nhớ ra chuyện đó. Cả tôi cũng chỉ khi về đến nhà mới sực nhớ ra.
Phát hiện của tôi khiến bọn trẻ nghệt mặt ngó nhau.
Tiểu Long đập tay lên chồng sách, răng nghiến ken két:
- Đoảng thật! Sách cầm trên tay mà lại quên khuấy mất!
Quý ròm xụi lơ:
- Ừ, tao cũng chẳng nhớ. Chị Thơ Hoa vừa nói chuyện vừa nhìn xuống đường, tao mải lo tụi mình bị phát giác.
Nhỏ Hạnh cất giọng an ủi:
- Không sao! Không tặng được hôm nay thì tặng hôm khác. Lúc nãy dù sao tụi mình cũng đã khẳng định được cô gái ngồi bên cửa sổ chính là chị Thơ Hoa.
Quý ròm gật gù:
- Và cũng biết chắc là chị ấy bị tật ở chân.
Tiểu Long chứng tỏ mình thỉnh thoảng cũng "thông minh đột xuất":
- Nếu đi lại được như chúng ta, chị Thơ Hoa đã chẳng ngồi mãi một chỗ như thế. Hơn nữa, việc chị ấy đặt chiếc máy điện thoại ngay chỗ ngồi của mình là một chứng cớ quá rõ ràng.
Tôi ngồi nghe bọn trẻ bàn bạc, không góp một tiếng nào. Bởi vì suy cho cùng, tôi cũng chẳng có ý kiến gì khác. Xét về khả năng suy luận, chưa chắc tôi đã hơn nổi bộ óc của Quý ròm hay nhỏ Hạnh. Ngay cả đứa khù khờ như Tiểu Long, nhận xét vừa rồi của nó cũng xác đáng làm sao!
27
Ngày hôm sau, Quý ròm gọi điện thoại khoe với tôi là tụi nó đã đem sách đến cho Thơ Hoa. Nó hớn hở:
- Chị Thơ Hoa cảm động lắm!
- Thế nào? - Như không nén được, tôi hỏi ngay vào điều tôi đang băn khoăn nhất - Có đúng là chị ấy không đi lại được không hở cháu?
- Ờ... ờ... điều đó thì... hình như vậy ạ...
Quý ròm làm tôi kinh ngạc thực sự, nếu nó đang ở đây và trả lời tôi bằng cái giọng ấm ớ đó, chắc tôi sẽ nhìn nó bằng ánh mắt như thể đang trông thấy một con khủng long trước mặt:
- Sao lại có chữ "hình như" ở đây? Thế cháu không nhìn thấy gì sao?

- Dạ... không ạ...
Tôi chả hiểu đầu cua tai nheo gì cả:
- Thế không phải cháu trực tiếp đến gặp chị Thơ Hoa à?
- Dạ, không ạ.
- Thế mà cũng khoe nhặng lên! - Tôi phì cười - Nhưng dù là Hạnh hay Tiểu Long đem sách tới, ít ra hai đứa nó cũng nhìn thấy được điều gì chứ!
- Chú ơi, cũng không phải là Hạnh hay Tiểu Long đến gặp chị Thơ Hoa đâu ạ.
- Chú chả hiểu gì cả! - Tôi nhăn nhó đưa tay vò đầu, tôi vò mạnh đến nỗi hình như đứt mất vài cọng tóc - Chẳng lẽ các cháu định nói là các cháu đã gửi sách theo đường bưu điện?
Ở bên kia đầu dây, Quý ròm như cảm thấy hơi nóng xịt ra từ lỗ mũi tôi. Nó lật đật giải thích:
- Tụi cháu nhờ nhỏ Xảo đem sách đến.
Xảo là em thằng nhóc Nở, một con bé mồ côi cực kỳ dễ thương sống bên bờ kinh Tàu Hủ. Tôi rất quý hai anh em nó, dù đã lâu không gặp.
- Ra vậy! - Tôi thở hắt ra, giọng không giấu vẻ ngạc nhiên - Thế sao các cháu không tự mình đem sách đến mà phải nhờ nhỏ Xảo?
- Chú ơi, cháu cũng không hiểu tại sao nữa! - Quý ròm có vẻ bối rối trước sự gạn hỏi của tôi, giọng nó nghe như rên rỉ - Tụi cháu, cả cháu lẫn Tiểu Long và Hạnh, đứa nào cũng cảm thấy ngài ngại làm sao ấy!
Thực tình thì tôi không hiểu bọn trẻ ngại chuyện gì. Từ trước đến nay, tôi chẳng thấy tụi nó ngại chuyện gì cả, kể cả những chuyện rất đáng ngại như nửa đêm mò lên đồi Cắt Cỏ hoặc bám theo bọn truy tìm kho báu vương quốc cổ Chămpa tận vùng núi rừng heo hút miền Trung. Thế mà bây giờ, chỉ đem sách đến tặng cho một người bạn mới quen, chúng lại ngại, lạ thật!
- Thế tụi cháu chưa báo trước và xin phép chị Thơ Hoa à? - Tôi nhíu mày hỏi.
- Tụi cháu có gọi điện thoại trước chứ ạ.
- Thôi được! - Cuối cùng, tôi hạ giọng, quyết định không làm khó Quý ròm về đề tài rối rắm này nữa - Thế nhỏ Xảo về nói gì?
- Nói gì là nói gì ạ?
Tôi hừ mũi:
- Nhỏ Xảo đem sách lên tận lầu ba chứ?
- Vâng, lên tận lầu ba.
- Và gặp chị Thơ Hoa?
- Vâng, gặp chị Thơ Hoa.
- Thế nó không phát hiện được gì sao? Về chị Thơ Hoa ấy!

- Dạ không! - Tôi nghe tiếng Quý ròm tặc lưỡi trong ống nghe - Nhỏ Xảo kể lại là khi nó gõ cửa, nó nghe có tiếng nói "Cứ đẩy cửa vào đi em". Nhỏ Xảo đẩy cửa, nhìn thấy chị Thơ Hoa ngồi cạnh cửa sổ, lúc này đang xoay mặt về phía nó. Nhỏ Xảo nói "Chị Hạnh nhờ em đem sách lên cho chị". Chị Thơ Hoa mỉm cười dịu dàng "Cảm ơn em nhé. Em cứ để đó cho chị". Cạnh cửa ra vào có một chiếc ghế thấp, nhỏ Xảo lóng ngóng đặt chồng sách lên đó rồi rón rén quay ra. Chính nó thú nhận không hiểu sao nó cũng thấy ngài ngại. Nó bảo nó muốn nán lại xem chị Thơ Hoa có sẽ đứng lên khỏi ghế không nhưng nó không dám. Nhưng chú ơi, như vậy là rõ rồi phải không chú? Chị Thơ Hoa không bước lại lấy sách mà bảo nhỏ Xảo đặt lên ghế là điều không bình thường chút nào, chú ạ!
28
Bây giờ thì tôi hiểu. Tôi hiểu Thơ Hoa là một cô gái tật nguyền. Tất cả những gì tôi tận mắt trông thấy lúc ngồi dưới tán cây trứng cá hôm qua, lẫn những gì bọn trẻ kể lại với tôi đều nói lên điều đó.
Và tôi cũng hiểu tại sao tụi Quý ròm, Tiểu Long và nhỏ Hạnh đều ngần ngại giáp mặt Thơ Hoa. Cả nhỏ Xảo nữa, dù rất tò mò trước sự bí ẩn của cô gái lạ, nó vẫn không đủ can đảm nấn ná thêm một phút giây nào. Chẳng qua là tụi nó không nỡ, mặc dù tụi nó không tự biết.
Không nỡ nhìn thấy một sự thật phũ phàng. Không nỡ làm cô gái Thơ Hoa bối rối. Không nỡ chạm đến nỗi đau thầm kín của người bạn mới. Mặc dù, trong thâm tâm, đứa nào cũng muốn tận mắt xác định có đúng là Thơ Hoa bị tật đến mức phải ngồi lì một chỗ hay không.
29
Như vậy, cuối cùng tôi đã hiểu được nguyên nhân vô hình nào khiến bọn trẻ nhanh nhẹn, dũng cảm của tôi trở nên rụt rè trước một cô gái lạ.
Nhưng tôi lại bắt đầu không hiểu nổi một chuyện kỳ cục khác. Đó là thái độ thù nghịch dai dẳng của nhóm Quý Hồ đối với bọn trẻ của tôi.
Tôi những tưởng sau tất cả những gì Quý ròm, nhỏ Hạnh và Tiểu Long làm cho nhóm Quý Hồ, tụi nó phải tỏ ra biết ơn bọn trẻ của tôi mới phải.
Thực tế hoàn toàn ngược lại. Hôm đầu tiên bọn Quý ròm theo tôi đến trường quay của Hãng phim TFS, vừa nhác thấy, Đức Long đã mở miệng châm chọc:
- Sao, các bạn đi xem bọn mình đóng phim đấy à?
Tiểu Long cự lại ngay:
- Ê, đừng quên là tụi này cũng được nhận vào đoàn làm phim đấy nhé!
Đức Long nheo mắt:
- Thế các bạn đóng vai gì?
Thấy Tiểu Long ngập ngừng, Đức Long đưa tay quẹt mũi, mặt vênh lên:
- Hay các bạn đóng vai phản diện đưa lưng cho "Song phi cước" Tiểu Long này đấm đá?
Cái kiểu đưa tay quẹt quẹt nơi mũi của Đức Long khiến chúng tôi buồn cười quá sức. Nó lại đem ngón đòn "song phi cước" ra hù dọa Tiểu Long thì đúng là không có chuyện nào tréo ngoe hơn.
Tiểu Long miệng méo xệch:
- Được thôi! Nếu đạo diễn yêu cầu!
Quý Hồ còn tinh tướng hơn. Nó rút viết cầm lăm lăm nơi tay:
- Bạn nào muốn xin chữ ký của Quý ròm nào!

Chỉ có nhỏ Khánh Ly là không gây sự. Việc được chọn đóng vai nhỏ Hạnh có lẽ là niềm vui quá lớn đối với nó. Lớn đến mức nó nhìn nhỏ Hạnh của bọn tôi bằng ánh mắt bao dung của kẻ thắng cuộc:
- Bạn không buồn chứ?
Nhỏ Hạnh chớp mắt:
- Buồn chuyện gì?
- Chuyện bạn không được chọn đóng vai Hạnh trong bộ phim này đó.
- Ồ, không! - Nhỏ Hạnh mỉm cười - Bạn đóng vai Hạnh hợp lắm!
30
Đúng như Quý ròm phỏng đoán, công việc "hỗ trợ khi cần thiết" mà đoàn làm phim phân cho bọn Quý ròm là đi theo phụ khiêng vác đạo cụ cho đoàn.
Sau khi nghe đạo diễn phân công, Quý Hồ nheo mắt nhìn bọn trẻ của tôi, cười cười:
- Vậy là quá tốt rồi!
Đạo diễn an ủi bọn Quý ròm:
- Nếu yêu thích điện ảnh, các cháu nên đi theo đoàn để làm quen với công việc. Khi có dịp, chú sẽ giao cho tụi cháu một vài vai phụ.
Đạo diễn quay sang tôi:
- Nếu anh rảnh, đi theo anh em cho vui. Có gì thì góp ý cho tụi tôi.
- Vâng.
Tôi đáp, mắt không ngừng quan sát bọn Quý ròm. Tôi chờ nhìn thấy những cái mặt xụ xuống, và ngạc nhiên chẳng thấy điều gì giống như tôi chờ đợi cả. Bất chấp công việc làng nhàng vừa được giao phó, bất chấp sự khích bác của bọn Quý Hồ, bọn trẻ của tôi vẫn tỉnh bơ.
Mặt tươi như hoa, Quý ròm nhe răng cười:
- Được đi theo đoàn làm phim là hạnh phúc quá rồi!
Tiểu Long nhanh nhẩu phụ họa:
- Không còn gì hạnh phúc hơn nữa!
Quý ròm nheo mắt:
- Nhưng hạnh phúc nhất là gì, mày biết không?
- Tất nhiên là không.
- Hạnh phúc nhất là... - Quý ròm cố ý ngừng một chút trước khi nói tiếp - là nếu các diễn viên chính đóng quá ẹ, bọn mình sẽ nhảy vào đóng thế!
Tiểu Long sướng quá:
- Chắc chắn là vậy!

Nhìn nó vừa hét ầm vừa huơ tay, đạo diễn mỉm cười độ lượng. Chỉ có bọn nhóc đối thủ là không chịu nổi.
Quý Hồ nhìn Đức Long:
- Những con gì kêu thế?
- Những con ếch.
Quý Hồ vờ ngơ ngác:
- Tại sao là những con ếch?
- Vì chuyện ngụ ngôn có kể về trường hợp con ếch muốn to bằng con bò.
Quý Hồ lắc đầu:
- Tao chưa nghe chuyện đó!
Nó nhún vai:
- Lạ thật! Thế con ếch làm sao để to bằng con bò?
Đức Long chúm chím:
- Nó cố hít hơi vào cho bụng phình to ra.
- Cách hay đấy! - Quý Hồ gật gù - Thế rốt cuộc nó có to bằng con bò không?
- Không! - Đức Long thở dài - Nó nổ đánh "đoàng", ngủm củ tỏi!
- Tội nghiệp con ếch đó ghê! - Quý Hồ cố lấy giọng thương cảm - Nó không biết thân biết phận. Nó cứ muốn làm những chuyện vượt quá sức mình. Vì thế mới có câu thành ngữ...
Bắt chước Quý ròm, nó ngừng lại, quay sang bạn:
- Câu gì mày biết không?
Đức Long chưa kịp trả lời, Quý ròm đã vọt miệng:
- Biết! Đó là câu "Ngu như bò"!
Tôi tái mặt, hối hả kéo Quý ròm ra cửa trước khi bọn Quý Hồ kịp phản ứng. Ở phía sau, Tiểu Long và nhỏ Hạnh lật đật chạy theo.
- Quý nóng quá! - Trên đường về, nhỏ Hạnh cằn nhằn.
- Đúng là nóng thật! - Quý ròm gãi gáy - Nhưng cũng tại tụi nó chứ bộ! Hạnh không để ý sao, cứ mỗi lần gặp bọn mình là tụi nó giở giọng châm chọc, khích bác!
Tôi dàn hòa:
- Nói chung là tại cả hai bên! Chú thấy có đứa nào kém mồm mép hơn đứa nào đâu!


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận