31
Cách đây hai ngày, chính cô bé Thơ Hoa thú nhận mình là người có số phận không may, Quý ròm kể với tôi như vậy.
Dạo này, bọn Quý ròm thường trò chuyện với Thơ Hoa qua điện thoại.
Nó bảo tôi:
- Chính miệng chị ấy nói ra điều đó.
Tôi thắc mắc:
- Tự nhiên nói ra?
- Không phải là tự nhiên. Trước đó, Tiểu Long rủ chị ấy đi chơi...
Tôi cau mày:
- Đã biết chị ấy bị liệt hai chân, sao tụi cháu còn rủ đi chơi?
- Thực ra, lúc đầu tụi cháu cũng hơi ngại! - Quý ròm tặc tặc lưỡi - Nhưng nhỏ Hạnh bảo tụi cháu nên tìm cách giúp chị ấy khuây khỏa. Tụi cháu đã tính rồi, nếu chị ấy ngồi xe lăn thì tụi cháu sẽ đẩy đi...
- Thế chị ấy trả lời sao?
- Chị ấy bảo chị ấy đi đứng không tiện lắm.
Mắt Quý ròm chợt sáng lên:
- À, chị ấy nhờ gửi lời cảm ơn chú về những cuốn sách. Chị ấy bảo nhìn thấy những cuốn sách có chữ ký và lời đề tặng của chú, các bạn của chị ấy cứ trầm trồ mãi.
Tôi không nói gì, chỉ trầm ngâm nhìn ra sân nắng. Không hiểu sao tôi thấy lòng mình buồn buồn. Hình ảnh cô bé Thơ Hoa ngồi dán mình bên cửa sổ trên tầng ba chung cư hiện lên rõ mồn một trong óc tôi. Tôi nhớ đến làn da trắng, suối tóc dài và đôi mắt chắc là tròn xoe và đen lay láy của cô.
Cô bé chỉ lớn hơn bọn trẻ của tôi chừng bốn, năm tuổi thôi, nghĩa là cô còn rất trẻ, thế mà phải sớm nhốt đời mình vào một chỗ, thật tội biết bao!
Tự nhiên tôi thầm cảm ơn Quý ròm, Tiểu Long và nhỏ Hạnh, những đứa trẻ hiếu động của tôi. Tôi thầm cảm ơn tụi nó đã kết bạn với Thơ Hoa, và dù hai bên chưa gặp mặt nhau, tôi vẫn tin tình bạn mà tụi nó dành cho cô bé đáng thương này sẽ giúp lòng cô thêm ấm áp.
32
Trong thời gian đó, tôi phải ra Hà Nội làm việc với Nhà xuất bản Kim Đồng. Trước khi đi, tôi dặn dò Quý ròm, Tiểu Long và nhỏ Hạnh ở nhà phải lo phần Câu lạc bộ Kính vạn hoa trên bộ sách cho chu đáo, nhớ đừng bỏ sót thư bạn đọc và đặc biệt cố gắng trả lời đầy đủ tất cả các thư. Cuối cùng tôi cẩn thận dặn tụi nó phải hết sức nhường nhịn bọn Quý Hồ.
Cuốn Nhà ảo thuật viết về sinh hoạt của nhóm Quý ròm ở thành phố nên đoàn làm phim không phải đi xa, do đó hầu như ngày nào bọn trẻ cũng tới trường quay.
Tôi sợ vắng mặt tôi, bọn trẻ sẽ không kềm chế nổi trước những màn khiêu khích của bọn Quý Hồ. Thực tình mà nói, cho đến lúc này tôi vẫn không hiểu tại sao Quý Hồ và Đức Long thù nghịch bọn trẻ của tôi ra mặt như vậy. Bọn Quý Hồ đã được chọn đóng phim, và chính nhờ sự gợi ý của Quý ròm, tụi nó mới có được ngày hôm nay. Lẽ ra, khi đã ngồi trên đỉnh vinh quang chót vót đó, tụi nó phải cảm kích bọn trẻ của tôi mới hợp lẽ.
Nhưng trên thực tế, ngày nào tụi nó cũng tìm cách này hay cách khác để tấn công bọn Quý ròm. Đã nhiều lần, nếu không có tôi kịp thời giảng hòa, hai bên đã xích mích với nhau to.
Thấy tôi lo lắng, nhỏ Hạnh trấn an:
- Chú cứ yên tâm! Tụi cháu sẽ nhường nhịn mà!
Tiểu Long khụt khịt mũi:
- Tụi nó muốn nói gì kệ tụi nó, tụi cháu nhất mực giả điếc là xong!
- Giả điếc cũng không xong đâu! - Quý ròm hừ giọng - Điếc thật thì may ra!
Thái độ của Quý ròm khiến tôi chột dạ. Trầm ngâm một hồi, tôi dè dặt nói:
- Nếu không chịu nổi, sao các cháu không ở nhà quách? Đi theo đoàn làm phim làm gì cho sinh chuyện!
- Không được đâu chú ơi! - Nhỏ Hạnh kêu lên - Tụi cháu phải đi theo để nhỡ có chỗ nào các bạn diễn không đúng, tụi cháu góp ý chứ!
- Phim đóng về tụi cháu mà! - Quý ròm làu bàu phụ họa.
Ra vậy! Tôi gật gù, bây giờ tôi mới vỡ lẽ tại sao bọn trẻ của tôi hăng hái với việc đi theo khuân vác phụ đoàn làm phim đến thế. Hóa ra tụi nó sâu sắc hơn tôi tưởng. Hôm trước, nhà đạo diễn có ngỏ ý mời tôi đi theo đoàn, nhưng công việc của tôi khá bận rộn, chỉ lúc nào rảnh tôi mới tạt qua chỗ đoàn làm phim một lát, rồi lại vội vã đi ngay. Có lẽ biết vậy nên bọn Quý ròm quyết định nhận công việc nhỏ mọn "hỗ trợ khi cần thiết" một cách vui vẻ. Tụi nó muốn "hỗ trợ" tôi. Tụi nó muốn hình ảnh của các nhân vật Quý ròm, Tiểu Long và Hạnh trong phim không khác quá xa so với hình ảnh trong sách.
Tôi tươi cười nhìn bọn trẻ:
- Nhưng để đạt được mục đích đó, các cháu cần phải...
- Chú ơi, cháu biết rồi! - Quý ròm ngắt lời tôi, nó nói mà mặt nhăn như quả mướp héo - Phải kềm chế nè, nhẫn nại nè, nhường nhịn nè, chịu đựng nè, rụt đầu rụt cổ nè, co rúm người lại nè...
Quý ròm làm một tràng khiến tôi phì cười:
- Không đến mức phải rụt đầu rụt cổ hay co rúm người lại đâu! Chỉ phớt lờ đi là được rồi!
33
Ngồi bên bờ hồ Tây, trong khi chờ món bánh tôm bưng ra, ông giám đốc Nhà xuất bản Nguyễn Thắng Vu và biên tập viên Lê Phương Liên đề nghị tôi tiếp tục viết bộ Kính vạn hoa ít nhất là tới tập 50.
Ông giám đốc nói:
- Con số 50 là con số đẹp!
Biên tập viên Lê Phương Liên mỉm cười bổ sung:
- Vì đó là con số chẵn.
Tôi nhìn ông Nguyễn Thắng Vu, tự hỏi không biết ông có nhớ cách đây bảy năm ông đã dang rộng hai tay và hóm hỉnh tuyên bố "Bộ Kính vạn hoa sẽ gồm 70 tập, dài bằng sải tay của mình" không. Hồi đó, ông mong muốn bộ Kính vạn hoa sẽ kéo dài đến con số 70, bây giờ ông chỉ ao ước nó lết tới con số 50. Sở dĩ có sự "điều chỉnh chỉ tiêu" này, có lẽ do trong bảy năm qua, ông đã nhiều lần nghe tôi than vãn, đã nhiều lần chứng kiến sự mệt mỏi và căng thẳng của tôi và nhất là đã nhiều lần sửng sốt thấy tôi dợm kết thúc bộ truyện.
Chẳng hạn hồi tôi viết tập 25 Hiệp sĩ ngủ ngày. Tôi ở trong Nam, bộ phận biên tập và in ấn lại nằm ở ngoài Bắc, nên mỗi lần viết xong một tập tôi phải gửi bản thảo ra Hà Nội cho chị Lê Phương Liên. Đọc xong, chị trao đổi với tôi qua điện thoại. Sau đó, tôi gửi bản nhũ, tranh bìa của Đỗ Hoàng Tường, một họa sĩ tâm huyết, gắn bó với bộ Kính vạn hoa ngay từ những ngày đầu và bị bộ sách "hành" không kém gì tôi, kèm đoạn văn ngắn giới thiệu tập tiếp theo để in ở bìa 4.
Các tập trước đều tuân theo qui trình này. Nhưng khi viết xong tập Hiệp sĩ ngủ ngày, tôi cảm thấy uể oải, người ran ran như muốn đổ bệnh. Và trong cơn suy sụp, tôi đột ngột quyết định kết thúc cuộc hành trình đang ngon trớn của bộ Kính vạn hoa.
Sáng hôm sau là đến kỳ hạn chót gửi bản nhũ và bìa sách ra Hà Nội, tối đó tôi ngồi cặm cụi viết lời chia tay độc giả. Tôi đã quyết định rồi: ở bìa 4 của tập Kính vạn hoa 25, thay vì in lời giới thiệu nội dung tóm tắt của tập 26, tôi sẽ cho in "lời nói cuối cùng" của tác giả.
Khi mọi thứ đã soạn thảo xong, tôi bỏ đi nằm, đầu óc trống rỗng như quả bầu khô. Tôi nhớ rõ hôm đó là một ngày tháng tư năm 1998, tháng nóng nhất trong năm, trời bên ngoài hầm hập, còn trong lòng tôi muôn nỗi rối ren.
Tôi trằn trọc trên giường, không biết quyết định của mình là đúng hay sai. Tôi gác tay lên trán, tưởng tượng đến vẻ mặt bàng hoàng của ông Nguyễn Thắng Vu khi hay tin này. Cho đến giờ phút này, tôi chưa nói gì với ông về quyết định kết thúc bộ truyện của tôi. Chị Lê Phương Liên cũng chưa hay. Cả Quý ròm, Tiểu Long và nhỏ Hạnh cũng không biết chút gì. Và nhất là các độc giả nhỏ tuổi của tôi, các em chắc đang náo nức chờ những tập tiếp theo và khi tập 25 phát hành, đọc những lời chia tay của tôi, hẳn các em thất vọng ghê lắm. Chia tay như thế, người ta gọi là cuộc chia tay không báo trước. Nó như một nhát cắt lạnh lùng, có chút gì đó tàn nhẫn. Tự nhiên tôi cảm thấy mình có lỗi với mọi người.
34
Thực tình thì tôi cũng thấy bộ truyện chấm dứt bất ngờ như thế có điều gì đó không ổn. Tôi có cảm giác bộ Kính vạn hoa vẫn chưa đi hết chặng đường mà lẽ ra nó phải đi. Nhưng tôi đã mệt mỏi đến mức muốn buông xuôi tất cả.
Cho đến thời điểm này, bộ Kính vạn hoa đã "hành" tôi đúng ba năm trời. Trước đó, tôi đã viết hàng loạt sách cho tuổi mới lớn: Cô gái đến từ hôm qua, Hoa hồng xứ khác, Bong bóng lên trời... nhưng chưa có tác phẩm nào khiến tôi vất vả bằng bộ Kính vạn hoa. Mỗi tập của Kính vạn hoa tôi phải viết đúng mười chương, số chữ khi in ra phải tròn 192 trang sách, kinh khủng nhất là các tập của bộ truyện phải được in định kỳ. Những ràng buộc đó đã thử thách thần kinh của tôi ghê gớm.
Cuối năm 1995, Kính vạn hoa ra mỗi tuần một tập. Qua năm 1996, mỗi tháng một tập. Năm 1997, hai tháng một tập. Tới năm 1998, tức lúc tôi đang viết cuốn Hiệp sĩ ngủ ngày, nhịp độ sáng tác của tôi có vẻ như muốn đòi hỏi tới con số ba tháng. Khoảng cách giữa các tập ngày một xa, độc giả của tôi la trời, một số em vì nản vì giận, cả vì lẫy, không thèm chờ mua sách của tôi nữa. Nhưng dẫu có viết ba tháng một tập, cơ thể tôi có vẻ như vẫn phản đối đến cùng.
Gần một năm trước đó, chính xác là vào ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6-1997, tôi được Ban biên tập báo Sài Gòn Giải Phóng giao phụ trách trang Thiếu Nhi vừa ra mắt. Công việc vinh quang nhưng nặng nhọc này đã lấy nốt chút sức lực dự trữ của một người đàn ông 42 tuổi. Cơ thể tôi không muốn ngã quỵ vì phải vừa viết Kính vạn hoa mỗi ngày vừa phải giữ mục trả lời hằng tuần trên báo Thanh Niên vừa chăm sóc trang Thiếu Nhi trên báo Sài Gòn Giải Phóng mỗi chủ nhật. Cơ thể tôi bảo tôi: Hãy kết thúc bộ truyện loằng ngoằng đó đi!
35
Có vẻ như số phận bộ Kính vạn hoa đã được định đoạt vào cái đêm tháng tư oi bức đó.
Tôi nằm thao thức trên giường, nghe hàng mớ những cảm giác khác nhau xoắn lấy hồn tôi: nhẹ nhõm, buồn rầu, tiếc nuối, hụt hẫng. Tôi không ngủ được, đầu nghĩ ngợi miên man, nhưng cương quyết không ngồi dậy, dù chỉ để uống một ly nước.
Tôi biết nếu tôi rời khỏi giường lúc đó, thế nào tôi cũng sẽ mon men lại chỗ bàn viết, sẽ cầm lên bài "diễn văn chia tay" của tôi, sẽ bùi ngùi căng mắt đọc và rất có thể trong một cơn xúc động bất chợt, tôi sẽ vò nát nó đi và ném vào sọt rác.
Không! Tôi sẽ không để cho mình yếu lòng đến mức đó. Tôi sẽ nằm lì trên chỗ nằm, tôi sẽ làm mọi cách dán mình vào giấc ngủ. Để sáng sớm ngày mai, tôi sẽ ba chân bốn cẳng chạy thẳng ra bưu điện gần nhà mà không cần phải ăn điểm tâm hay uống cà phê như thường lệ. Đến khi trao được chiếc phong bì dày cộm kia cho cô bưu tá viên quen mặt, chờ cô ta nhấc nó lên cân và tính tiền, thế là xong. Lúc đó, tôi chẳng phải nhức đầu nghĩ ngợi làm gì nữa. Mũi tên đã rời khỏi dây cung, tôi chỉ còn cách đồng ý với quyết định của mình.
Đang nghĩ ngợi vẩn vơ, tôi bỗng giật nảy người vì tiếng reo bất thần của chuông điện thoại. Tôi nhìn lên đồng hồ, thấy cây kim giờ đang chỉ con số 12. Ai gọi mình giờ này kìa? Tôi làu bàu trong bụng và lẹp xẹp bước lại chỗ đặt máy.
- A lô!
Đáp lại tôi là một giọng trầm trầm quen thuộc:
- Ánh hả? Vu đây!
- Ủa, anh Vu! - Tôi ngạc nhiên - Anh ở Hà Nội gọi vào hả?
- Không, mình vào thành phố được ba hôm rồi. Cậu ngủ chưa?
Tôi dụi mắt:
- Chưa.
- Mình cũng chưa ngủ.
- Anh gọi giờ này chắc có chuyện gì? - Tôi hỏi.
- Tự nhiên không ngủ được, mình gọi cậu nói chuyện chơi thôi. Thế nào, cậu gửi tập 25 đi chưa?
- Sáng mai tôi gửi! - Tôi nói, và trong tích tắc tôi buột miệng tiết lộ luôn, nhanh đến mức tôi có cảm giác những lời nói đang nấp sẵn đâu đó nơi cửa miệng, chỉ chờ tôi hé môi là tuôn ra ngoài - Tập này cũng là tập cuối đấy, ông anh ạ!
Ông giám đốc nhà xuất bản có lẽ chưa hiểu tôi muốn nói gì:
- Cậu nói gì thế? Tập cuối là sao?
Tôi cố nói thật chậm rãi, như thể đang đếm từng tiếng:
- Tập cuối tức là tập chót. Tức là sau tập này không còn tập nào nữa.
- Cậu không nói đùa đấy chứ?
Ông giám đốc kêu lên, lớn đến mức tai tôi nghe u u.
- Tôi nói thật đấy! - Tôi thở dài, nhích cái ống nghe ra xa - Tôi mệt quá rồi, bộ Kính vạn hoa phải kết thúc thôi.
- Nếu vì mệt mà kết thúc bộ truyện thì cậu đã kết thúc nhiều lần rồi! - Ông giám đốc phản đối, không rõ nhằm động viên hay để giễu cợt tôi - Nhưng rồi lần nào cậu cũng vượt qua được kia mà!
Mặt tôi nóng lên như bản lề cửa sắt. Tôi nói nhanh như sợ chần chờ những lời nói sẽ biến mất:
- Nhưng lần này tôi quyết tâm lắm rồi. Tôi đã viết sẵn lời chia tay bạn đọc ở bìa 4, nội trong chiều mai Hà Nội sẽ nhận được.