36
Lần này bên kia đầu dây im lặng khá lâu. Có lẽ ông giám đốc không ngờ tôi cương quyết đến thế. Chắc ông ngỡ ngàng lắm, tôi đoán thế khi đợi mãi không thấy ông nói gì.
- Theo mình, cậu nên suy nghĩ kỹ! - Mãi một lúc, ông mới cất tiếng, giọng du dương như tiếng sáo - Chuyện này không thể quyết định vội vàng được!
- Tôi đã suy nghĩ kỹ lắm rồi! - Tôi đáp với vẻ chắc nịch, thậm chí hơi hùng hổ, cố không để cái giọng ngân nga của ông làm lay động.
Tiếng ông giám đốc tặc lưỡi trong ống nghe:
- Mình có cảm tưởng bộ truyện chưa thể kết thúc, ít ra là vì nội dung của nó.
Chỗ này thì ông nói đúng, mặc dù tôi không rõ ông có đọc hết những cuốn sách tôi viết hay không.
- Nhưng về sức khỏe...
- Mình biết, mình biết! - Ông giám đốc cắt ngang, rồi ông làm một tràng như sợ tôi bất thần buông ống nghe - Mình nhớ có lần cậu trả lời phỏng vấn trên báo về bộ truyện này. Mình không nhớ đó là tờ báo nào, nhưng những điều cậu nói thì mình không quên. Cậu bảo sự tồn tại của bộ Kính vạn hoa tùy thuộc vào ba yếu tố: cảm hứng, sức khỏe và sự đón nhận của bạn đọc, đúng không nào?
Tôi ấp úng, ngạc nhiên về trí nhớ của ông:
- Ờ... ờ...
Không để tôi kịp định thần, ông giám đốc nói nhanh:
- Về cảm hứng thì cậu không có vấn đề gì phải không?
Tôi lại "ờ, ờ".
- Về sự đón nhận của bạn đọc thì cũng thế. Tôi làm xuất bản, tôi biết điều đó rõ hơn cậu. Số lượng bản in vẫn ở mức cao. Các em nhỏ vẫn kiên trì chờ đợi cậu viết tiếp! - Giọng ông càng nói càng hùng hồn, cứ như thể ông đang thuyết trình trước đám đông chứ không phải nói với tôi vào lúc đêm hôm khuya khoắt - Đó là vinh dự cũng là nghĩa vụ của một nhà văn viết cho thiếu nhi. Trong tình hình sách ngoại đang chiếm lĩnh thị trường hiện nay, cậu là người lính đang chiến đấu trên mặt trận văn hóa, cậu không được buông súng nửa chừng!
Chết rồi, ông ta lại nói những lời có cánh! Tôi hốt hoảng nhủ bụng và cố máy môi để yên chí là mình vẫn đang tập trung. Vẻ mặt tôi lúc đó chắc chẳng khác mấy người chiến sĩ đang đứng nghiêm nhận mệnh lệnh trước viên sĩ quan chỉ huy.
- Cậu có bao giờ nghe nói một chiến sĩ đầu hàng chỉ vì mệt không?
Ông giám đốc tinh quái dụ tôi như tôi vẫn chứng kiến cảnh Quý ròm dụ Tiểu Long. Và tôi, lúc đó đúng là "đồ ngốc tử".
- Làm gì có chuyện đó! - Tôi ngô nghê đáp, đầy sơ hở.
- Thế là xong rồi nhé! - Bên kia đầu dây vang lên tiếng cười khà khà sảng khoái - Cậu không thể ngưng bộ truyện chỉ vì mệt. Mệt thì cậu có thể nghỉ ngơi một thời gian. Cậu có thể nghỉ vài ba tháng, nửa năm cũng không sao, nhưng sau đó đừng quên... các độc giả nhỏ tuổi là được!
Khi tôi biết mình vừa đút đầu vào tổ ong thì đã muộn. Trước khi kết thúc cuộc nói chuyện, ông giám đốc nhà xuất bản rủ tôi hôm sau đến Chi nhánh Kim Đồng nằm trên đường Nguyễn Đình Chiểu để "anh em tâm sự thêm" nhưng tôi đã không đến.
Đến làm gì nữa, khi vừa buông ống nghe xuống, tôi đã ngồi vào bàn, rút "lời chia tay bạn đọc" ra khỏi bao thư, và bóp trán để nghĩ cách viết lời giới thiệu cho tập Kính vạn hoa 26.
37
Mỗi lần nhớ lại chuyện này, tôi thấy không chỉ con người mà một bộ sách dường như cũng có số phận của nó.
Nếu không có hồi chuông điện thoại định mệnh vào lúc mười hai giờ khuya đó, bộ Kính vạn hoa có thể sẽ vĩnh viễn dừng lại ở con số 25.
Ông giám đốc nhà xuất bản đã ngẫu nhiên gọi đúng vào khoảnh khắc tôi vừa quyết tâm vừa vô cùng do dự, vừa nhẹ nhõm thở phào lại vừa day dứt băn khoăn. Ông đã gọi đúng vào lúc tập 25 sắp bước qua giờ thứ 25, nghĩa là trễ một chút thì quá muộn mà sớm một chút có khi tôi cự tuyệt đến cùng.
Sau đó dĩ nhiên tôi không nghỉ ngơi theo lời đề nghị của ông giám đốc, tôi ngồi viết tập 26: Tiết mục bất ngờ. Lại một ngẫu nhiên nữa, vì tôi không cố ý dùng cái tên này để ám chỉ cú điện thoại bất ngờ kia.
Nhưng để đánh dấu cái mốc này, tôi viết một bài báo đăng trên Tuần san Sài Gòn Giải Phóng thứ bảy, có tựa đề Kính vạn hoa vẫn trên đường đến nhà in...
Bài báo có những đoạn nghe rất "thảm thiết":
"Đến nay bộ Kính vạn hoa đã ra đến tập 25, một điều mà bản thân tôi cũng không dám nghĩ đến. Hơn hai năm qua, tôi đã nhiều lần đột ngột mất cảm hứng, nhiều lần đột ngột sa sút sức khỏe, nghĩa là nhiều lần đã định ngồi bệt xuống giữa đường, nhưng sự nồng nhiệt của các bạn đọc nhỏ tuổi đối với bộ sách đã giúp tôi cố gắng đứng dậy đi tiếp. Bên cạnh đó, sự động viên của anh chị em ở Nhà xuất bản Kim Đồng, của các phụ huynh và thầy cô giáo, của những bạn viết trong nghề cũng giúp tôi rất nhiều trong việc vượt qua những khó khăn tưởng chừng không thể nào vượt qua nổi.
Thực ra, việc quyết định kết thúc một bộ truyện như Kính vạn hoa không hề là chuyện đơn giản. Trong trường hợp này, nó đã vượt ra ngoài những phạm trù chuyên môn. Bạn hãy tưởng tượng suốt hai năm rưỡi bạn đã sống chung với các nhân vật tháng này qua tháng khác, bạn đã thuộc làu cá tính của các nhân vật, thậm chí có thể hình dung ra diện mạo của từng người, và có lúc dường như bạn có thể nghe được bên tai giọng cười, tiếng thở dài hay sự cãi cọ vốn rất triền miên của bọn trẻ, hẳn bạn sẽ thấy rằng nếu vì lý do nào đó bạn quyết định ngưng viết, thì điều đó không có nghĩa là bạn quyết định kết thúc một tác phẩm mà sự thực là quyết định chia tay những người bạn thân thiết. Quyết định này cũng khó khăn và để lại nhiều tổn thương không kém gì những cuộc chia tay trong tình yêu. Viết hay không viết nữa một tác phẩm, lúc này không còn là chuyện văn chương mà đã là chuyện tình cảm mất rồi. Bạn hãy thử đặt mình vào hoàn cảnh của tôi đi, khi nhà văn quyết định chia tay nhân vật nhưng nhân vật quyết không chịu chia tay với nhà văn thì bạn sẽ làm thế nào?".
38
Ở tập 21 trước đó và tập 32 sau đó, tôi cũng định kết thúc bộ truyện Kính vạn hoa, tất nhiên với những lý do hoàn toàn khác, nhưng cái lần tôi vừa kể là đáng nhớ nhất.
Bây giờ, ngồi trò chuyện giữa làn gió man mác bên bờ Hồ Tây, có lẽ ông giám đốc nhà xuất bản chưa quên những lần đó, nên ông không còn nhắc đến con số 70 đầy mơ mộng lúc khởi đầu nữa.
Về phía tôi, đến giờ phút này, sau bảy năm cặm cụi viết hết tập này đến tập khác, tôi thấy con số 50 không có gì là đáng sợ nữa. Như tôi đã nói ở trên kia, viết truyện liên hoàn cũng giống như ta búng một đồng xu. Khó ở cái búng đầu tiên, còn nếu đồng xu đã có cái thế vững vàng rồi, nó sẽ tự lăn.
- Tôi thấy không có vấn đề gì! - Tôi mỉm cười nhìn ông Nguyễn Thắng Vu và chị Lê Phương Liên - Dĩ nhiên để viết đến tập 50, tôi sẽ cho đám nhóc của tôi lên lớp. Tôi cần có khung cảnh mới, thầy cô mới, bạn bè mới để cốt truyện có thể phát triển.
Biên tập viên Lê Phương Liên nói, tôi có cảm giác gương mặt chị dãn ra:
- Mình tin Ánh sẽ làm được!
Chị Lê Phương Liên là thế, hiền lành, điềm đạm, và bao giờ cũng tin tôi. Chị xuất thân từ nhà giáo, sau trở thành nhà văn viết cho thiếu nhi, con đường đi của chị và tôi giống hệt nhau. Có lẽ vì thế mà chị đồng cảm và tin tưởng tôi chăng?
- Cũng như Liên, mình biết là cậu sẽ làm được! - Ông giám đốc nhà xuất bản cười khà khà - Thậm chí cậu có thể làm hơn thế nữa. Nhưng thôi, để cho cậu nghỉ ngơi. Vả lại, con số 50 cũng đã đẹp lắm rồi!
Hôm đó, trước khi ra về, ông bắt tay tôi chặt hơn thường lệ, không phải để từ giã mà chính là để cam kết:
- Thế nhé! Mình sẽ chờ đợi để ăn mừng tập Kính vạn hoa 50!
Lúc đó, nhìn vẻ mặt tươi roi rói của ông, tôi có cảm tưởng cuốn Kính vạn hoa 50 vừa mới phát hành và ông đã thủ sẵn một cuốn ở trong túi áo.
39
Tôi từ Hà Nội trở về thành phố Hồ Chí Minh với ý nghĩ sẽ không làm các vị ở nhà xuất bản Kim Đồng thất vọng.
Quý ròm, Tiểu Long và nhỏ Hạnh ra đón tôi ở sân bay khiến tôi vừa cảm động vừa bực mình.
- Sao kéo cả lũ ra đây thế? - Tôi nghiêm mặt - Chú đã dặn rồi, đừng có đi đón chú! Tụi cháu chẳng chịu nghe lời chú gì cả!
Như thường lệ, Quý ròm chẳng coi sự giận dữ của tôi ra cái củ cà rốt gì. Nó toét miệng cười hì hì:
- Tụi cháu đi đón không phải vì chú mà vì tụi cháu!
- Vì tụi cháu? - Tôi ngờ vực hỏi.
- Đúng thế ạ! - Tiểu Long xác nhận giùm bạn - Tụi cháu có quá nhiều chuyện thú vị muốn kể với chú nên không thể ngồi đợi ở nhà được!
Tôi hừ mũi, giọng châm biếm:
- Lại thế nữa cơ đấy! Quá thú vị đến không thể đợi được?
- Thật đó chú! - Nhỏ Hạnh chen lời - Gần đây bạn Quý và bạn Long có nhiều chuyện vui lắm!
Tôi nhếch môi:
- Bao giờ mà hai tướng này chẳng có chuyện vui!
Quý ròm nheo nheo mắt và tuyên bố bằng giọng đắc ý:
- Nhưng chuyện này liên quan đến đoàn làm phim Nhà ảo thuật!
Câu nói của Quý ròm khiến tôi giật thót.
- Thế nào? - Giọng tôi lộ vẻ hốt hoảng - Lại xảy ra chuyện với nhóm Quý Hồ nữa à? Chú đã dặn rồi...
- Không có đâu chú ơi! - Nhỏ Hạnh đẩy gọng kính trên sống mũi, nhẹ nhàng trấn an tôi - Quý và Long chẳng gây sự gì với các bạn ấy đâu!
Quý ròm hừ giọng:
- Chỉ có tụi nó tìm cách gây với bọn cháu thì có!
Ánh mắt lo lắng của tôi di chuyển từ Tiểu Long qua Quý ròm và ngược lại:
- Và các cháu đã kềm chế...
- Vâng, đã kiềm chế, đã nhường nhịn, đã chịu đựng, đã rụt đầu rụt cổ, đã co rúm người lại, nói tóm lại là đã làm tất cả những gì một con người nhút nhát có thể làm!
Quý ròm lém lỉnh tuôn một lèo, với đúng ngữ điệu và hình ảnh nó đã nói cách đây mấy hôm, lúc tôi sắp sửa bay ra Hà Nội.
Tôi nhìn nó, định hỏi thêm thì một chiếc taxi trờ tới.
40
Câu chuyện này do Quý ròm kể, và Tiểu Long bổ sung, ngay trên xe.
Thực sự thì tôi hơi mệt, tối hôm qua lại thức khuya. Lúc này, ngả người ra nệm ghế một cách biếng nhác, tôi rất muốn bảo Quý ròm hãy tóm tắt câu chuyện trong vòng hai mươi từ, nhưng tôi biết nếu tôi có đề nghị, ông tướng con cũng chẳng nghe. Tụi nó đã lần ra tận sân bay để có thể thuật với tôi một cách sốt dẻo những câu chuyện chắc là rất thú vị của tụi nó, có nghĩa là tụi nó đã nung nấu cái ý định này ghê lắm rồi, đừng có hòng chặn lại được.
Theo lời hai ông mãnh kể lại thì hôm đoàn làm phim quay cảnh Quý ròm biểu diễn ảo thuật, bọn Quý Hồ đã nhầm lẫn lung tung tên gọi các hóa chất đến nỗi đạo diễn phát cáu gắt om cả lên.
Khi nghe "nhà ảo thuật" Quý ròm huênh hoang sẽ cắt ngón tay để trình diễn màn "lấy máu vẽ tranh", Tiểu Long lo lắng hỏi:
- Ghê quá! Thế có nguy hiểm không hở mày?
Theo kịch bản, Quý ròm phải tủm tỉm trả lời:
- Chả nguy hiểm tẹo nào! Tao chỉ vờ cắt ngón tay thôi. Còn máu là do sắt clorua bôi trên ngón tay phản ứng với dung dịch kali thioxynat bôi sẵn trên lưỡi dao mà thành!
Đối với thần đồng Quý ròm thứ thiệt, cái kiến thức xoàng xĩnh đó chỉ là trò trẻ con. Nhưng Quý Hồ không phải Quý ròm. Nó đóng vai Quý ròm, cứ ấp a ấp úng:
- Máu là do... do... sắt clorua gặp phải chất... chất... ête mà có...
- Cắt! - Đạo diễn giơ tay ra lệnh cho máy quay, rồi quay sang Quý Hồ, ông nhăn nhó - Không phải chất ête! Nhớ lại đi ông tướng! Chất gì?
Quý Hồ đực mặt, chẳng nhớ nổi.
- Chất gì? - Đạo diễn hất đầu về phía Khánh Ly và Đức Long.
Nhưng cả hai đứa này cũng nhíu mày cau trán lấy lệ rồi ngây ra.
Thấy vậy, Quý ròm ngứa ngáy quá, bật cười hê hê:
- Đó là dung dịch kali thioxynat! Còn chất ête êtylic chỉ có trong trò "biến nước thành lửa" ở cảnh sau thôi!
Quý ròm vọt miệng nhanh đến mức nhỏ Hạnh muốn cản cũng không kịp.
Trí nhớ của Quý ròm khiến nhà đạo diễn bất ngờ một cách thích thú. Lập tức ông quay sang bọn Quý Hồ, nheo nheo mắt:
- Thấy chưa! Các bạn trẻ này chỉ đi theo phụ việc thôi đấy, thế mà thuộc lời thoại vanh vách. Trong khi các cháu đóng chính, lại được giao hẳn mỗi người kịch bản về nhà, thế mà cứ lẫn lộn lung tung!
Quý Hồ đưa cặp mắt ác cảm nhìn sang chỗ bọn Quý ròm. Chắc nó nghĩ tại bọn nhóc này mồm miệng nhanh nhẩu nên nó mới bị đạo diễn xài xể.
Không biết có phải vì "no mất ngon, giận mất khôn" như ông bà từng khuyến cáo hay không mà khi đạo diễn cho bấm máy quay lại cảnh đó, Quý Hồ vẫn tiếp tục nói trật:
- Máu là do chất sắt kali phản ứng với chất... clorua thioxynat mà thành.
Nhà đạo diễn nghiến răng ken két. Ông hét ầm, tưởng như khói đang phun có vòi qua lỗ mũi:
- Cái gì? Máu là do chất gì, nói lại coi, nhóc!
Thấy ông đạo diễn sửng cồ như con gà chọi, Quý Hồ hồn vía lên mây. Nó lắp bắp như người mê sảng:
- Dạ, dạ, máu là do... hồng cầu, bạch cầu và huyết tương...
Mặt nhà đạo diễn tím lại. Ông đưa hai tay lên trời:
- Trời ơi là trời! Đây đâu phải là giờ sinh học! - Ông đập "bốp" một phát lên đầu mình - Chắc tôi phát điên mất!
Như chưa hả, kêu trời xong, ông ngoảnh đầu lại kêu Quý ròm:
- Này cậu bé, hãy dạy cho các diễn viên của chú một bài học xem nào! Máu là do chất gì phản ứng với chất gì?
- Thưa, chất sắt clorua phản ứng với chất kali thioxynat ạ!
Quý ròm trịnh trọng đáp, bàn tay nó áp lên ngực và đầu khẽ cúi xuống như thể đang lịch sự đáp lại những tràng pháo tay của một rừng khán giả vô hình.
Cử chỉ của Quý ròm hoạt kê đến nỗi dù đang cáu, ông đạo diễn cũng phải phì cười.
Phản ứng của hai đám trẻ lúc này là cả một sự trái ngược. Trong khi mặt mày Tiểu Long và nhỏ Hạnh xanh lè xanh lét thì sắc diện của bọn Quý Hồ lập tức chuyển sang màu cà chua chín.