41
Sự rắc rối không dừng lại ở đó. Trong một cảnh quay vào hai ngày sau, đạo diễn bắt Đức Long thực hiện một cú đá liên hoàn.
Trong cuốn Nhà ảo thuật, nhân vật Tiểu Long chưa hề tung một cú đá nào. Khi Quý ròm ghé "luyện võ đường" đằng sau nhà bạn, Tiểu Long còn đang ngồi ủ rũ trên ghế. Nhưng có lẽ muốn tăng sức hấp dẫn trong phần giới thiệu nhân vật, đạo diễn phim cứ muốn Tiểu Long phải biểu diễn một vài cú đá.
Để thực hiện cảnh quay này (và cả cho những cảnh sôi động ở các tập sau), đạo diễn phim đã mời một võ sư Taekwondo làm cố vấn võ thuật cho phim. Nhưng mặc dù được ông võ sư hướng dẫn và uốn nắn từng động tác một cách tỉ mỉ, Đức Long vẫn chẳng thể nào nhập vai "Song phi cước" Tiểu Long nổi.
Những cú đá như mèo quào của nó khiến Quý ròm và Tiểu Long đứng xem cứ cười bò. Nhỏ Hạnh giỏi trấn tĩnh hơn, nhưng dù không bật cười thành tiếng, mỗi khi thấy Đức Long lóng ngóng "song phi" nó cũng phải quay mặt đi chỗ khác, không dám nhìn.
Một mình Đức Long tung liên hoàn cước nhưng có tới ba người nhễ nhại mồ hôi. Ông đạo diễn ngán ngẩm ngó ông võ sư, ông võ sư rầu rĩ ngó ông đạo diễn: cả hai như đang nhìn vào gương, vì ai cũng đang nhăn nhó đưa tay lau trán, lau cổ.
- Làm sao giờ? - Mãi một lúc ông đạo diễn mới thốt được một câu cụt lủn.
Ông võ sư thở ra:
- Phải luyện tập thêm một tuần nữa thì may ra!
- Không được! - Ông đạo diễn lắc đầu quầy quậy, giọng dứt khoát - Một tuần nữa thì lâu quá, sẽ phá hỏng kế hoạch mất! Hơn nữa, trong những ngày tới các diễn viên phải tập trung quay những cảnh khác, lấy thì giờ đâu ra mà luyện với chả tập!
Trong khi bọn Quý Hồ áy náy đứng túm tụm vào nhau thì ông đạo diễn đưa mắt nhìn bâng quơ sang chỗ bọn Quý ròm. Ông nheo mắt nhìn Tiểu Long, tặc tặc lưỡi:
- Phải chi cậu mập mập này có thể đá được thì hay biết mấy!
- Đừng hy vọng hão! - Ông võ sư nhún vai - Cậu bé kia tập đã mười ngày mà còn đá chẳng đâu ra đâu!
Ông đạo diễn dường như không nghe thấy gì. Ông vẫn mơ màng lẩm bẩm theo những ý nghĩ trong đầu:
- Ngoại hình khá giống, không xê xích nhau mấy. Cậu bé này hoàn toàn có thể đóng thế vai cho cậu bé kia trong những cảnh gay go...
Trường quay lúc này đang lặng phắt nên những lời lầm rầm của ông đạo diễn, mọi cái tai đều nghe rõ.
Quý ròm huých cùi tay vào hông Tiểu Long, thì thào:
- Có vẻ như mày sắp sửa đi theo con đường của anh Tuấn mày rồi đấy!
- Con đường của anh Tuấn tao? - Tiểu Long ngơ ngác - Tao chả hiểu mày muốn nói gì!
- Tại mày chóng quên đó thôi! - Quý ròm cười khì - Năm ngoái anh Tuấn mày chẳng phải đã đóng thế vai cho diễn viên chính trong phim Cạm bẫy giữa ban ngày đó sao! Ông đạo diễn đang muốn nâng mày từ một tên khuân vác tép riu trong đoàn lên thành một cascadeur vĩ đại đấy.
- Chúc mừng Long nhé!
Nhỏ Hạnh đứng bên cạnh tủm tỉm xen lời khiến Tiểu Long bất giác nghe mặt mình nóng ran.
42
Tiểu Long vẫn không quên câu chuyện năm ngoái. Vì muốn kiếm tiền mua cho mẹ một chiếc máy giặt, anh Tuấn nó đã nhận lời đóng một số cảnh nguy hiểm trong phim Cạm bẫy giữa ban ngày. Anh lao mình từ trên cầu Sài Gòn xuống mặt sông xa hút trông đã hãi, đằng này anh còn liều lĩnh nhảy từ tầng lầu năm ở chung cư Trần Hưng Đạo xuống mặt sân xi măng nom mới khiếp làm sao! Phía dưới, người ta chỉ lót sơ sài vài tấm nệm đặt trên những thùng các-tông rỗng. Lần đó, nó và Quý ròm đã mò tới tận nơi trước khi anh Tuấn thực hiện cú nhảy kinh hoàng kia khoảng vài phút. Bây giờ, tuy đã một năm trôi qua, mỗi khi nhớ lại khung cảnh lúc đó, nó còn nghe rờn rợn sống lưng. Chỉ cần anh Tuấn nó nhảy chệch ra khỏi tấm nệm một tấc thôi, chắc chắn hai anh em sẽ chẳng còn dịp nào gặp nhau nữa.
Dù sao thì sau pha mạo hiểm đó, anh Tuấn nó cũng đã từ giã phim trường. Chiếc máy giặt cho mẹ đã mua xong, anh nó không muốn làm nó lo lắng nữa. Cascadeur, cái nghề mà mỗi khi nghĩ tới, Tiểu Long vừa phấn khích lại vừa sợ hãi. Thế mà bây giờ, oái oăm thay, có vẻ như nó sắp sửa đi vào cái nghề mà trước đây nó khăng khăng buộc anh nó phải chia tay.
Nhưng công việc của cascadeur Nguyễn Minh Long khác xa với công việc của cascadeur Nguyễn Minh Tuấn. Biểu diễn những cú đá so với việc nhảy từ lầu cao xuống đất chỉ là trò trẻ con. Đó là chưa kể, công việc này lại tình cờ phù hợp với ước mơ mà nó hằng nung nấu lâu nay: trở thành một diễn viên võ thuật thượng thặng. Cascadeur tất nhiên không được liệt vào hàng diễn viên chính hiệu, nhưng đối với Tiểu Long, thế cũng tuyệt lắm rồi. Nó sẽ có cơ hội tập dượt để chờ ngày công khai ló mặt ra với đời.
Tiểu Long càng nghĩ càng háo hức. Trong một thoáng, nó nghe máu nóng dồn lên mặt, tay chân đột nhiên ngứa ngáy râm ran.
Quý ròm dĩ nhiên đi guốc vào bụng Tiểu Long. Liếc bộ tịch bồn chồn của bạn, nó biết nếu nó không lên tiếng, ruột gan thằng mập sẽ cháy ra tro mất.
- Chú ơi! - Quý ròm ngước nhìn ông đạo diễn, hắng giọng - Chú cứ cho bạn cháu đóng thử xem! Biết đâu...
Quý ròm bỏ lửng câu nói, hồi hộp theo dõi phản ứng của ông đạo diễn.
Nhưng ông đạo diễn chưa kịp lên tiếng, ông võ sư đã lắc đầu lia lịa:
- Không được đâu, cháu à! Võ thuật là thứ dựa trên công phu tập luyện chứ không phải dựa trên sự ngẫu hứng...
Ông đạo diễn lập tức dựng đứng bàn tay lên như một lưỡi dao. Lưỡi dao đó cắt ngang câu nói của nhà cố vấn võ thuật.
- Tôi quyết định rồi! - Ông trầm giọng - Cứ để cậu bé này đóng thử!
43
Dĩ nhiên nếu không nói thì ai cũng biết Tiểu Long đã khiến cả trường quay (trừ hai đứa bạn thân của nó là Quý ròm và nhỏ Hạnh) kinh ngạc như thế nào.
Khi ông võ sư hướng dẫn các động tác, Tiểu Long phớt lờ những tiếng cười chế giễu vọng lại từ phía bọn Quý Hồ. Mặt mày nghiêm nghị, nó mở to mắt ngoan ngoãn lắng nghe.
Khi ông võ sư thao diễn những cú đá mà cảnh phim yêu cầu, Tiểu Long vẫn không lộ vẻ gì khác lạ. Nó chăm chú theo dõi từng động tác, hệt như đứa học trò mới nhập môn đang say sưa tiếp thu bài học mới mẻ đầu đời.
Trong khi Tiểu Long quan sát ông võ sư thì ông đạo diễn lặng lẽ quan sát nó.
Đến khi ông võ sư ngừng lại, ông đạo diễn hồi hộp lên tiếng:
- Thế nào hở cậu bé? Nhắm có làm nổi không?
Tiểu Long lễ phép:
- Dạ, cháu sẽ cố!
- Cố sao đừng "chụp ếch" đấy! - Tiếng Quý Hồ nhăn nhở - Gần đây không có bệnh viện nào đâu!
Ông võ sư chỉ tay vào bao cát treo lơ lửng trước mặt:
- Bây giờ cháu đá vào đây! Chân duỗi thật thẳng! Đá như chú đá ấy!
Trước những đôi mắt mở căng của mọi người, Tiểu Long tung chân đá đánh "bịch" một tiếng. Nó gần như không lấy đà, nhưng cú đá gọn và mạnh đến mức bao cát phải lắc lư.
Ông đạo diễn nhảy cẫng lên như trẻ con.
- Tuyệt quá! - Ông hớn hở reo ầm - Quả là ta đã không nhìn lầm người!
Trong khi ông đạo diễn bay lên không trung thì ông võ sư dính chặt chân xuống nền nhà. Thậm chí đôi môi ông dường như cũng dính chặt vào nhau:
- Cháu... cháu...
- Vâng ạ! - Tiểu Long mỉm cười, đoán ra ông võ sư muốn hỏi gì - Cháu đang theo học Taekwondo!
Ông võ sư tung một cú đá gió:
- Khỉ thật! Thế sao ông tướng con không nói phứt từ đầu cho rồi!
Ông nhìn ông đạo diễn, thở phào:
- Vậy là ổn!
Mặt ông đạo diễn rạng lên, ông đáp trả như để tự khen mình:
- Tôi đã nói mà!
Nhỏ Hạnh không dám nhìn về phía bọn Quý Hồ, nhưng nó đoán bọn nhóc kia chắc đang thộn mặt trước màn biểu diễn của thằng mập.
Tiểu Long còn làm bọn Quý Hồ ngỡ ngàng thêm nhiều lần nữa khi nó trổ tuyệt kỹ bay người trên không tung "liên hoàn cước" vào hai bao cát trong tiếng trầm trồ không ngớt của ông đạo diễn.
Quý ròm không trầm trồ. Nhưng câu bình phẩm của nó lọt vào tai bọn Quý Hồ nghe còn nhức nhối hơn ong chích:
- Đá thế mới gọi là đá chứ! Còn đá nghều ngào như khi nãy là "thế võ Oshin" chứ đâu phải Taekwondo!
44
Nghe hai ông tướng kể tới đây, tôi vừa bực vừa tức cười:
- Thế ra lần này chính cháu khiêu khích trước...
- Cháu đâu có khiêu khích! - Quý ròm chống chế - Cháu chỉ nhận xét khách quan thôi!
Tôi lắc đầu:
- Khách quan như thế thì chẳng ai nuốt trôi đâu!
Tiểu Long xen lời:
- Việc bọn cháu "nhắc tuồng" và đóng thế, bọn Quý Hồ chỉ ấm ức trong bụng chứ không có lý do gì để to tiếng với tụi cháu. Cho nên tụi nó xoay qua gây sự chuyện xưng hô.
- Chuyện xưng hô? - Tôi tròn mắt - Là sao?
Tiểu Long khụt khịt mũi:
- Nghe tụi cháu kêu nhau là Hạnh, Quý ròm và Tiểu Long, tụi nó bực mình lắm. Thằng Quý Hồ còn nói "Đã bị loại mà bày đặt xưng hô như thế rõ là không biết ngượng!".
Lời tố cáo của Tiểu Long khiến tôi méo xệch miệng. Đúng là oan cho bọn nhóc của tôi quá.
- Chúng còn bắt tụi cháu không được gọi nhau như thế nữa! - Mặt Quý ròm hầm hầm - Chúng bảo tụi cháu cứ xưng hô nhặng xị như thế làm tụi nó không tập trung được. Chúng bảo ở phim trường chỉ có một nhỏ Hạnh, một Quý ròm và một Tiểu Long thôi!
Tôi gãi cằm:
- Gay thật! Rốt cuộc lại thì sao? Tụi cháu có bảo tụi cháu chính là Hạnh, Quý ròm và Tiểu Long không?
- Chú ơi, ai lại khoe ra như thế! - Quý ròm kêu lên - Mà có nói ra, chưa chắc tụi nó đã tin!
Nhỏ Hạnh mỉm cười:
- Cho nên rốt cuộc tụi cháu đành bỏ tên thật, chỉ gọi nhau bằng biệt danh.
- Biệt danh?
- Đúng thế ạ! - Tiểu Long tặc tặc lưỡi - Quý ròm bây giờ là Tăm Tre, Hạnh là Kiếng Cận, còn cháu là... là...
Tới đây Tiểu Long tự nhiên ấp úng.
- Là gì mà khó nói thế hở cháu?
Mặt Tiểu Long đỏ bừng:
- Dạ, là... là... Trư Bát Giới ạ!
- Chậc, - tôi nheo mắt nhìn Quý ròm, cố nín cười - cái biệt danh khủng khiếp này chắc là Quý đặt cho bạn phải không?
Quý ròm toét miệng cười:
- Nhưng Tiểu Long có vẻ thích cái biệt danh đó lắm chú à.
- Thôi, thế cũng được! - Cuối cùng, tôi đành phải phì cười - Gọi nhau bằng biệt danh cũng hay!
- Chú ơi, không được cũng phải được! - Tiểu Long vọt miệng, giọng chưa hết tấm tức - Vì chính ông đạo diễn cũng tán thành đề nghị vớ vẩn này của bọn Quý Hồ!
Nhỏ Hạnh đẩy gọng kính trên sống mũi, chúm chím:
- Theo mình thì đề nghị đó cũng không hoàn toàn vớ vẩn và vô lý đâu! Chỉ tại họ không biết tụi mình là ai thôi!
45
Chuyện bọn trẻ của tôi không chịu nói rõ mình chính là Quý ròm, Tiểu Long và nhỏ Hạnh, lại chọn cách gọi nhau bằng các biệt danh ấm ớ, đã kéo theo những rắc rối khác.
Trong thời gian đó, rất nhiều độc giả của Kính vạn hoa gửi thư về tha thiết xin ảnh của nhóm Quý ròm nhưng đã trót "giấu mình", bọn trẻ của tôi không thể đáp ứng yêu cầu của bạn đọc được.
Một cô bé không đề tên, ở số nhà 1007/2A đường 30-4, Vũng Tàu, khẩn khoản: "Chị Hạnh ơi, chị có thể cho em xin một tấm ảnh của nhóm chị được không?". Tất nhiên "nhà thông thái" của chúng tôi buộc phải tìm cớ thoái thác: "Ẳnh của bọn chị thì để từ từ, chờ hôm nào rảnh rỗi, bọn chị mượn máy ảnh của nhỏ Diệp kéo nhau đi chụp đã".
Thấy xin nhỏ Hạnh không ăn thua, độc giả xoay qua "níu áo" Quý ròm. Em Vũ Minh Phương ở đội 1 Khánh Hải, Yên Khánh, Ninh Bình, năn nỉ "thần đồng toán học": "Anh Quý ơi, em muốn xin các anh chị một tấm ảnh chụp chung (để em có cái khoe với lũ bạn), nếu có thêm Quỳnh Dao càng tốt vì em rất giống tính Quỳnh Dao, anh đồng ý nhé". Cũng như nhỏ Hạnh, Quý ròm đành chơi trò dóc tổ: "Muốn xin hình bọn tớ để làm kỷ niệm thì dễ thôi, có điều hiện nay bọn tớ còn bận quá, chưa rủ nhau đi chụp chung được". Lẽ ra chỉ cần trả lời như vậy là đủ, đằng này Quý ròm lại nổi hứng ba hoa theo thói quen: "Nếu cậu ái mộ mỗi mình tớ, xin hình và chữ ký mỗi mình tớ thì có ngay!".
Chỉ vì trót huênh hoang trong một phút bốc đồng mà sau đó Quý ròm suýt bị chết bẹp dưới một núi thư xin hình của mình. Nhỏ Hạnh, Tiểu Long, Văn Châu và cả bọn thằng Mạnh, thằng Lượm, Tắc Kè Bông, Dế Lửa... cũng bị vạ lây. Thư xin hình cá nhân bay về Chi nhánh Nhà xuất bản Kim Đồng như bươm bướm.
Nhìn đống thư cao ngất trên bàn, tôi sốt ruột bảo bọn trẻ:
- Hay là các cháu cứ tặng ảnh quách...
- Không được đâu, chú ơi! - Tiểu Long lắc đầu - Bọn Quý Hồ mà biết được, chúng xỏ xiên nhức đầu lắm, tụi cháu không chịu nổi đâu.
- Nhưng đây là sự thật! - Tôi liếm môi - Tụi cháu đâu có mạo danh...
- Sự thật thì sự thật ngay từ đầu! - Quý ròm nhăn nhó ngắt lời tôi - Bọn Quý Hồ đã nhập vai Quý ròm, Tiểu Long và Hạnh, đã đinh ninh bọn nó là "độc nhất vô nhị", bây giờ tự nhiên phát giác ra tụi cháu mới đúng là... thứ thiệt, chắc chắn tụi nó sẽ hụt hẫng...
- Bạn Quý nói đúng đó chú!
Tiếng nhỏ Hạnh nhẹ nhàng vang lên bên tai tôi như một lời ru khiến tôi không thể không nhắm mắt lại. Chưa bao giờ tôi thấy lòng mình êm đềm đến thế. Bây giờ thì tôi thực sự hiểu ra tại sao bọn trẻ của tôi dứt khoát không chịu tiết lộ thân phận của mình, tại sao tụi nó bấm bụng gọi nhau bằng những biệt danh bông đùa mà đáng lẽ tụi nó có quyền từ chối. Chẳng qua tụi nó không muốn phá hỏng niềm vui và sự cao hứng của bọn Quý Hồ. Trên đời này, có ai đối xử với địch thủ của mình tốt như thế chăng?