Chương 8.
Đón Quý ròm và nhỏ Gái ngay trước sân là thằng Thời.
- Mày dẫn đứa nào về nhà vậy, Gái? – Thằng Thời nheo mắt nhìn Quý ròm, tò mò hỏi.
Nhỏ Gái chưa kịp trả lời, Thời đã nhìn thấy ngón tay đang băng trắng của nó:
- Í, tay mày bị sao vậy?
Nó vội vàng chạy lại, nhưng nhỏ Gái đã giấu cánh tay ra sau lưng.
- Mày đưa tao coi thử nào!
- Có gì đâu mà coi.
- Quần băng kín mít thế kia mà bảo là không có gì! – Thằng Thời giằng tay em – Giấu, giấu cái gì! Đưa tao coi nào!
Nó kéo cánh tay nhỏ Gái đưa lên sát mắt, cúi đầu quan sát:
- Mày bị đứt tay à?
- Dạ. Có chút xíu à.
- Vậy mà chút xíu! – Thằng Thời lo lắng nhìn em – Mày có đau lắm không?
- Không đau tẹo nào hết.
- Xạo đi mày!
- Em nói thiệt mà. – Rồi sợ ông anh không tin, nó vội gật đầu - Ờ, đau sơ sơ. Nhưng chỉ như kiến cắn thôi.
Thằng Thời cau mày:
- Mà sao mày ra nông nỗi này?
Nhỏ Gái khẽ liếc Quý ròm:
- Tại em… em… không cẩn thận…
- Không cẩn thận là sao?
- Là sao hả? – Nhỏ Gái ngập ngừng – Không cẩn thận tức là… là… cẩu thả…
- Tao mệt mày quá, Gái! – Thời hừ giọng – Có chuyện gì thì mày nói đại ra xem, cứ vòng vo hoài!
- Tại tao đó!
Quý ròm bất thần lên tiếng. Nó biết nhỏ Gái không muốn nói ra sự thật. Nhỏ Gái sơ thằng Thời sẽ xót ruột cho em gái mà hành hung nó.
Thằng Thời hành hung nó thật. Quý ròm vừa buột miệng, Thời đã túm ngay cổ áo nó:
- A, thì ra mày là thủ phạm!
- Không phải đâu, anh Hai! – Nhỏ Gái quýnh quíu kêu lên.
Phớt lờ nhỏ em, Thời vẫn không buông tay. Nó ghim mắt vào mặt Quý ròm, giọng ráo hoảnh:
- Đầu đuôi ra sao, nói tao nghe coi!
Quý ròm run run nói “đầu đuôi”.
Thời gầm lên, mặt đằng đằng sát khí:
- Vậy mày đúng là thủ phạm rồi!
Nó lập tức buông cổ áo Quý ròm. Không phải để tha bổng, mà để lấy đà tung một cú đấm như trời giáng vào vai “thủ phạm”, kèm theo tiếng rít:
- Cho mày bỏ cái thói ăn hiếp em gái tao nè!
Quý ròm nếu không ròm cũng không thể nào chịu nổi một cú đòn dữ dằn như thế. Đằng này Quý ròm lại ròm. Nên nó ngã bật gọng, cẳng chổng lên trời.
Nghe tới đây, thằng Lượm không thể làm thinh được nữa. Nó đá chân vào đống rơm, mặt hầm hầm:
- Thằng du côn!
Tắc Kè Bông thở ra:
- Thì ra vết bầm trên vai mày là do chuyện này.
Tiểu Long hậm hực:
- Tao sẽ đập nó. Thế nào tao cũng sẽ đập nó.
- Đập, đập cái gì! Bỏ qua đi! – Quý ròm tặc lưỡi – Mọi chuyện là do tao gây ra hết.
- Nhưng mày đâu có cố ý. – Tắc Kè Bông bênh bạn.
Quý ròm cười buồn:
- Tao cố ý hay không thì ngón tay nhỏ Gái cũng đã bị đứt rồi.
Lượm nhấp nhổm:
- Sau đó thì sao hở anh?
Tiểu Long nói kháy, nó vẫn còn tức chuyện thằng ròm không cho nó “trả thù”:
- Té xuống thì bò dậy, lóp ngóp giống như con mèo ướt vậy chứ sao!
- Mày nói đúng đó, mập. – Quý ròm tỉnh bơ – Nhưng tao không tự bò dậy.
Theo lời Quý ròm thì lúc đó nhỏ Gái ba chân bốn cẳng chạy lại đỡ nó dậy.
Vừa dựng Quý ròm lên, nhỏ Gái vừa cự nự thằng anh:
- Anh Hai kỳ quá! Tư dưng lại đánh người ta!
Thằng Thời không thèm nghe em nó nói gì. Nó chỉ tay ngay mặt Quý ròm, gằn giọng.
- Mày nghe đây! Em gái tao là lao động chính trong nhà. Mày làm em gái tao què tay, mày phải thay thế nó. Hằng ngày mày phải tới đây nghe tao sai bảo. Khi nào em tao lành hẳn ngón tay rồi, mày mới được tha. Rõ chưa?
Gặp lúc bình thường, nghe cái giọng hách dịch của thàng Thời, Quý ròm đã ngoác miệng cãi nhau chí chóe rồi. Nhưng trong “vụ án ngón tay” này, ngay từ đầu Quý ròm đã vô cùng bứt rứt. Nó cảm thấy nó là người có lỗi. Nó đã hứa với nhỏ Gái nó sẽ giúp nhỏ Gái làm tất tật mọi việc cho đến chừng nào ngón tay nhỏ bạn lành lặn. Thằng Thời ra điều kiện như vậy thật là hợp ý nó.
- Rõ. – Quý ròm đáp nhẹ tênh.
Thấy thằng ròm đồng ý ngay tút xuỵt, Thời hơi chột dạ. Nó lừ mắt nhìn Quý ròm từ đầu tới chân rồi từ chân lên đầu, hất hàm hỏi:
- Nhà mày ở đâu?
- Tao ở xóm Trên.
- Khôn hồn thì mày đừng có trốn luôn. – Thời nheo nheo mắt – Từ nhà tao đến xóm Trên gần xịt. Mày mà không dẫn xác đến đây, tao sẽ tới xóm Trên tóm cổ mày.
Rồi sợ Quý ròm không ngán, nó lại đe:
- Nếu mày làm tao điên lên, tao sẽ kiện vụ này ra tòa. Chắc chắn mày sẽ đi tù.
Quý ròm ngoan ngoãn:
- Tao sẽ không trốn đâu.
Quý ròm dễ bảo quá chừng khiến thằng Thời cứ nhìn nó hoài. Ánh mắt nghi ngại của thằng Thời đọng lại trên mặt Quý ròm lâu đến mức thằng này nghe đầu cổ nóng ran.
- Làm gì mày nhìn tao hoài vậy. – Quý ròm nhăn nhó – Xưa nay tao đã hứa là không bao giờ nuốt lời đâu.
- Tốt lắm. Tao tạm tin mày. – Thời gục gặc đầu – Bây giờ là việc đầu tiên đây: mày chạy ra chỗ nhà máy xay xát gánh gạo về đây cho tao. Gạo hồi sáng nhỏ em tao còn vứt ngoài đó.
Nhỏ Gái vùng kêu:
- Để em đi gánh về cho.
- Mày đang bị thương mà gánh con khỉ gì! – Thời nạt em – Để thằng ròm làm!
- Anh làm được mà. – Quý ròm nhìn nhỏ Gái, mỉm cười trấn an.
Nhỏ Gái cũng nhìn lại Quý ròm. Ánh mắt nó có bao điều muốn nói. Tâm lý con gái vốn phức tạp, có những điều Quý ròm không đọc được.
Nó chỉ đọc được mỗi một điều: “Còm nhom như anh mà gách ghiếc cái nỗi gì hở trời!”.
*_* o0o &_&
Bữa đó rốt cuộc Quý ròm cũng đem gạo về được.
Nó không gánh. Vì nó không biết gánh.
Nó mượn ông chủ máy xay hai cáo bao tải. Một bao đựng gạo, một bao đựng trấu. Rồi mượn thêm mấy sợi cao su, bao cột chằng sau xe, chở về. Nó phải chở làm ba lần. Hai lần đầu mỗi lần chở một bao. Lần thứ ba tha về các thứ quang gánh thúng mủng.
Thằng Thời đi tới đi lui trong sân, mỗi lần thấy Quý ròm đun đầu xe vô cổng, lại khen:
-Khá lắm, ròm!
Quý ròm kể tới chỗ này, Tiểu Long thờ một hơi đánh thượt:
- Thế là từ bữa đó mày trở thành người giúp việc không công cho thằng Thời?
Tắc Kè Bông bĩu môi:
- Làm lính gác cho nó thì đúng hơn!
Thằng Lượm buồn xo:
- Như vậy không chỉ lão nhà giàu mà ngay cả cô Út cũng ra sức bóc lột anh làm công…
- Mày không biết thì đừng có đoán mò! – Quý ròm liếc xéo thằng nhóc – Có tao phụ một tay, thực sự thì nhỏ Gái cũng đỡ lo. Nhưng nó đâu có muốn anh nó hành hạ tao. Cách đây mấy hôm, nó tháo băng trên ngón tay, hí hửng khoe với anh nó “Vết thương lành rồi nè, anh Hai. Em tự làm mọi chuyện được rồi”. Thằng Thời săm soi ngón tay nhỏ em nó một hồi rồi giận dữ quát ầm “Băng lại ngay! Lành đâu mà lành! Bộ mày muốn tiêu luôn ngón tay hả Gái?”…
Thằng Lượm nuốt nước bọt:
- Vậy ngón tay nhỏ Gái chưa lành hả anh?
- Ờ. – Quý ròm chép miệng – Bị thương nặng như thế, mới có vài hôm làm sao lành được. Nó làm vậy chẳng qua nó muốn “phóng thích” tao thôi.
- Con nhỏ đó tốt ghê anh há? – Lượm vuốt tóc, xuýt xoa.
- Còn phải nói! – Quý ròm gật đầu, sung sướng khi thấy thằng nhóc khen nhỏ Gái – Vì tốt với tao mà nó bị anh nó mắng hoài. Những chuyện lặt vặt trong nhà, nó cứ lui cui làm suốt. Nó muốn chia sẻ bớt với tao. Vì vậy mà hôm qua nó bị sốt. Ngón tay nó động đậy hoài mà.
- Thế còn thằng Thời? – Tiểu Long vụt thắc mắc – Sao nó chẳng làm gì hết vậy?
Quý ròm rầu rầu:
- Nhỏ Gái nói với tao là anh nó hư lắm. Mà tao cũng thấy thằng này hư hỏng thiệt. Suốt ngày nó cứ đi nhong nhong ngoài đừng, chẳng bao giờ động tay động chân vào việc gì…
- Ủa, sao nó giống mày quá vậy?
Tiểu Long bất thần chêm ngang một câu khiến Quý ròm như người bị nấc cụt:
- Giống… giống… sao được mà giống! Ít ra tao cũng còn ham học. Còn thằng Thời chẳng biết học hành cách sao mà năm nay nó tụt xuống học chung lớp với em gái nó.
- Thằng Thời đâu có ham chơi. – Lượm vọt miệng – Em lên lần nào cũng thấy nó ở nhà mà.
- Từ ngày “tóm” được tao, nó mới khoái ở nhà. – Quý ròm cười như mếu – Nó muốn ra oai với tao. Nó tưởng tao sợ nó thật.
Câu chuyện đến đây tự nhiên chùng xuống. Quý ròm không nói thêm tiếng nào. Mấy đứa bạn nó cũng không buồn thắc mắc nữa. Chuyện “trừ tà ma” của Quý ròm đến lúc này đã không còn là bí mật. Con ma treo cổ như vậy là không hề có. Trên cõi đời này, chỉ có thằng Thời hách dịch. Quý ròm không hề đánh nhau với ma. Chỉ có thằng Thời đánh nó.
Quý ròm xưa nay không quen nhịn ai. Thế mà vì nỗi hối hận với nhỏ Gái, nó đã bấm bụng nhịn nhục thằng Thời. Tội nó ghê!
Một bầu không khí khắc khoải chạy quanh đống rơm. Tiểu Long, Tắc Kè Bông, và Lượm thần mặt ra một lúc lâu. Lúc bọn trẻ trò chuyện rôm rả thì chẳng đứa nào để ý, còn lúc tất cả lặng thinh tụi nó nghe mồm một tiếng dế gáy phát ra từ đâu đó dưới đống rơm.
Tiếng đàn réo rắt của chú dế nghệ sĩ càng khiến Tiểu Long buồn nẫu ruột. Nó ngước nhìn những vì sao lấp lánh bên trên những tàng cây, khẽ mấp máy môi:
- Quý ròm nè.
- Gì hở mày?
- Ngày mai ấy mà.
- Ngày mai sao?
Tiểu Long nói một cách khó khăn:
- Ngày mai… ngày mai… tụi tao sẽ lên nhà thằng Thời với mày.
Quý ròm sầm mặt:
- Tao đã nói là mày không được *****ng vô thằng Thời kia mà.
- Ý tao không phải vậy. – Tiểu Long quẹt mũi – Tụi tao muốn phụ với mày quét nhà…
- …phụ quét sân, xắt chuối, nấu cám heo, xách nước đổ vô lu nữa! – Như khẩu liên thanh nãy giờ bị kẹt đạn, thằng Lượm hào hứng xả một tràng, cứ như thể câu nói của Tiểu Long đột ngột nhảy qua miệng nó.
- Thế tao kèm toán cho nhỏ Gái, tụi mày có kèm phụ tao được không?
Chỉ với một câu hỏi đơn giản, Quý ròm đã lập tức dán miệng tụi bạn nó lại. Mặt ngớ ra, Tiểu Long ú ớ như một con chuột vừa sa bẫy:
- Ơ… ơ…
Bên cạnh, Tắc Kè Bông và Lượm đứng ngẩn tò te. Tiểu Long là học sinh thành phố, nghe chữ “toán” mặt đã không còn một chút máu, huống gì tụi nó là học trò thôn quê, lại kém anh em nhỏ Gái những một, hai lớp. Hết hè này, Tắc Kè Bông lên lớp tám, còn thằng Lượm mới lên lớp bảy.
Quý ròm phủi quần đứng dậy, nghiêm nghị lướt mắt qua từng đứa, lạnh lẽo:
- Nếu tụi mày không phụ tao dạy toán cho nhỏ Gái được thì không đứa nào được bén mảng lên nhà thằng Thời đấy nhé.
Quý ròm làm mặt lạnh thế thôi. Chứ lòn nó đang rưng rưng cảm động. Nó biết tụi bạn nó muốn đỡ đần công việc cho nó. Tụi bạn nó không nỡ giương mắt ra nhìn nó làm lụng vất vả. Cảm động nhất là không đứa nào trách móc gì nó về chuyện con ma treo cổ. Quý ròm là chúa bịa chuyện. Nhưng đây là lần đầu tiên tật bịa chuyện của nó được cảm thông một cách dễ dàng.
Hôm sau, Quý ròm ló mặt vô cổng nhà thằng Thời với cảm giác lâng lâng. Lần này nó không cần phải lén lút gừi xe đạp nơi nhà ông Sáu Cảnh nữa. Nó đạp xe thẳng tới “chỗ làm”.
- Mày kiếm đâu ra chiếc xe cà tàng này vậy? – Thằng Thời liếc chiếc xe của Quý ròm, nhếch mép hỏi.
- Tao mượn. Chiếc xe hôm trước tao chở gạo đó.
- Hay lắm! – Thời gật gù – Có chiếc xe này, tao có thể sai mày khối việc.
Trong khi Quý ròm hóp bụng lại thì Thời cúi đầu ngẫm nghĩ.
- A, có chuyện cho mày đây rồi! – Thời ngẩng phắt lên, mặt nở ra – Mày khoan quét sân đã.
Bây giờ mày đạp xe ra chợ Ngã Ba mua cho tao quả bóng nhựa. Sau đó, mày chạy lên…
- Anh Hai! – Tiếng nhỏ Gái vọng ra, không biết từ lúc nào nó đứng ngay trước cửa nhìn ra – Anh tự đạp xe đi mua đi. Đừng sai anh Quý nữa.
Thằng Thời ngoái nhìn nhỏ em qua vai, vẻ phật ý:
- Mày làm sao thế, Gái? Ngón tay mày đã lành đâu, thằng ròm này có nhiệm vụ phải…
- Để ảnh ở nhà bày em làm toán. – Một lần nữa, nhỏ Gái phụng phịu cắt lời ông anh.
- Thằng Thời là đứa hung hăng, nhưng nó lại rất thương em gái. Có lẽ vì vậy mà Quý ròm tuy bị thằng này sai phái tối mày tối mặt.vẫn không cảm thấy ghét nó lắm. Thằng Thời làm Quý ròm nhớ tới em gái mình. Xưa nay Quý ròm rất thương nhỏ Diệp. Thương ơi là thương. Cũng như Tiểu Long rất thương nhỏ Oanh. Bây giờ Quý ròm phát hiện thêm một đứa anh thương em không thua gì nó và Tiểu Long. Là thằng Thời.
Thằng Thời đó, lúc này đang đứng gãi đầu sồn sột ở giữa sân, ấp a ấp úng:
- Mày phải làm toán à? Ờ… ờ… nếu vậy thì tao để thằng ròm ở nhà…
Nó khẽ liếc Quý ròm:
- Nhưng hổng biết thằng ròm này có giỏi giang thiệt không nữa.
Bữa đó, lần đầu tiên Quý ròm “đi làm” mà không thấy mỏi chân, mỏi tay, mỏi vai, mỏi lưng, mỏi cổ.
Suốt buổi sáng, nó ngồi đằng bàn, khoái chí giảng giải cho nhỏ Gái từng li từng tí. Kèm toán là “nghề” của Quý ròm, mặc dù các đệ tử ruột của nó như Tiểu Long và nhỏ Diệp đều tuyên bố học toán với một ông thầy ưa quát tháo và mắng mỏ như Quý ròm thì thà ở nhà đi lượm bao ni – lông còn hơn.
Nhưng đó là với Tiểu Long và nhỏ Diệp.
Với nhỏ Gái, Quý ròm ngạc nhiên thấy mình kiên nhẫn và dịu dàng như thể có một người nào đang giả mạo chính nó. Chứ hằng này, làm gì mà nó nói được một câu ngọt ngào như ướp cả hũ mật thế:
- Chỗ này khó hiểu quá phải không? Em đừng lo, để anh giảng lại lần nữa cho em hiểu nhé.
Mà thật ra cái chỗ “khó hiểu” đó là chỗ dễ hiểu nhất trên đời. Là cái chỗ mà nếu nó giảng cho hoài Tiểu Long vẫn không hiểu thế nào nó cũng ngoác miệng tru tréo: “Trời ơi là trời! Trên cổ mày là cái cục gì vậy hả, Tiểu Long?”.
Trước mắt nhỏ Gái, có cho vàng Quý ròm cũng không dám ăn nói văng mạng như thế. Suốt buổi nó rủ rỉ rù rì, kiên trì giảng đi giảng lại cả chục lần những chỗ lẽ ra chỉ cần giảng một hai lần là đủ.
Nó dạy học nhiệt tình đến mức mẹ nhỏ Gái nằm trong buồng phải sốt ruột nói vọng ra:
- Sao con chậm hiểu thế hả Gái? Bạn con nói đi nói lại đến khan cả cổ rồi kìa.
Mẹ nhỏ Gái vẫn đinh ninh Quý ròm là bạn học của thằng Thời và nhỏ Gái. Hôm đầu tiên nghe tiếng người lạ, bà hỏi, thằng Thời đáp bừa “Bạn học của tụi con đó, mẹ”.
Cái đứa “bạn học” đó thực ra đâu có sợ khan cổ. Nó chỉ sợ quét nhà, quét sân, xắt chuối hay xách nước. Nó chỉ sợ thằng Thời bắt nó đạp xe chạy cả chục cây số giữa trưa nắng.
- Không sao đâu, dì.
Quý ròm trấn an mẹ nhỏ Gái rồi tiếp tục vui vẻ giảng bài…. lần thứ mười một.
Quý ròm vui vẻ đến thế thực ra cũng có lý do riêng. Nếu nhỏ Gái thông minh quá, nếu nhỏ Gái học một hiểu mười thì nó chẳng nghỉ xả hơi được mấy chốc. Thằng Thời sẽ lại bắt nó làm việc quần quật. Không cần phải thông thái Quý ròm mới nhận ra ngồi trên bàn học chắc chắn là sung sướng hơn ngồi trên chiếc đòn kê kế chuồng heo phía sau nhà bếp để xắt nguyên cả cay chuối dài thoòng.
Vì vậy, cổ thì khan cứng mà mặt nó vẫn tươi roi rói.