Chương 5.
Ngày hôm sau, TiểuLong bí mật bám theo Qúy ròm.
Lần này thì Quý ròm vứt chiếc nón bảo hộ ở nhà. Cầm theo chẳng được tích sự gì, chỉ thêm lướng vướng. Chưa kể, nếu nhỏ Hường trông thấy chiếc nón, lại hỏi, nó chẳng biết phải đối đáp như thế nào. Nó không thể tiếp tục bảo đó là “đồ dùng dạy học”được. “Chiêu” này chỉ dùng được một lần.
Trên đường tới nhà thằng Hiện, bữa nay Quý ròm không ngừng quan sát kỹ lưỡng hai bên. Đi gần hết con ngõ, nó nhận ra ngay chỗ nó bị “phục kích” hôm qua. Nhưng Quý ròm lại không xác định được kẻ giấu mặt nấp bên phải hay bên trái. Quý ròm ăn đạn từ phái sau, chân cẳng quáng quàng, chạy bay tóc trán, thì giờ và tâm trí đâu để ý luồng đạn đến từ phía nào.
Quý ròm tiến đến sát lũy tre, nhón gót dòm, thất vọng khi thấy phía sau là con mương cạn mọc đầy dương xỉ và dứa dại. Con mương chạy thông từ vườn nhà này sang vườn nhà nọ, điều đó cho biết nếu xác định được thủ phạm đứng từ chỗ này bắn ra thì cũng không có nghĩa hắn là người ở trong căn nhà này.
Quý ròm đá chân vào một bụi cỏ dại, thở hắt một tiếng rồi chán nản đặt chân lên con đường mòn chạy dọc ruộng khoai, tiếp tục rảo bước.
Chỉ đến khi bước vào nhà, nhìn thấy vẻ mặt rạng rõ của cô học trò, Quý ròm mới trút bỏ được sự bực bội đeo bám nó nãy giờ.
Nhỏ Hường xinh xắn, khi nó cười tươi Quý ròm tưởng như nhìn thấy một bông hoa đang nở ngay trên bàn học.
Nhỏ Hường đẩy cuốn tập đến trước mặt Quý ròm, mặt hơn hớn:
-Mấy bài toán hôm trước anh ra cho em, em làm xong hết rồi nè.
- Em siêng học ghê.
Quỷ ròm vui vẻ khen và kéo cuốn tập lại gần, chăm chú dò từng dòng. Quý ròm ra cho nhỏ Hường năm bài toán về hàm số, con nhỏ làm đúng được bốn bài. Bài thứ năm chỉ sai một chút xíu.
Nhỏ Hường hồi hộp quan sát từng chuyển động trên mặt thầy nó, thở phào khi thấy thầy nó gật gù và hào phóng, khen tiếp:
- Em giỏi quá.
- Đúng hết hả anh?
- Gần hết. Chỉ trật có tí tẹo. Như vậy là xuất sắc lắm rồi.
Hết khen “siêng”, khen “giỏi” đến khen “xuất sắc”, Quý ròm khiến mặt nhỏ Hường ửng hồng như hắt nắng. Nó nhìn thầy nó, long lanh mắt:
- Nhờ anh đó.
Bao giờ cũng vậy, hễ đôi mắt nhỏ Hường thoáng long lanh là Quý ròm hấp tấp ngó lơ chỗ khác. Quý ròm nhìn chiếc nong phơi củ cải trước sân, ngẩn ngơ nhủ bụng: Sao mình không thể nhìn thẳng vào mắt nhỏ Hường nhỉ? Nó chợt nhớ nó đợc được ở một cuốn sách náo đó, người ta bảo rằng những người đàng hoàng khi trò chuyện bao giờ cũng nhìn thẳng vào mắt người đối diện. Còn những người khi trò chuyện mà ngó lỡ chỗ khác là những người không thành thật, những kẻ gian manh. Quý ròm khẽ nhăn mặt khi nghĩ tới đó. Cũng lạ, Quý ròm là chúa bốc phét, chúa bịa chuyện và những lúc ba hoa thiên địa nó thường nhắm tịt mắt hoặc nhìn lên trời để người đối diện không nhìn thấy tròng mắt đảo lia đảo lịa của nó. Nhưng nó lại không hề băn khoăn gì. Những lúc đó nó chẳng quan tâm đến chuyện “đàng hoàng” hay “gian manh”. Thế mà lúc này, buộc phải tránh ánh mắt của một đứa con gái, nó lại nghĩ ngợi quá thể.
Quý ròm nghĩ và nghĩ, nhìn chiếcnong mà không biết đang nhìn chiếc nong, tia nhìn chăm chăm đến mức có cảm giác không phải nó nhìn, mà ánh mắt nó bị mắc kẹt chỗ chiếc nong, đọng lại ở đó, không dời đi đâu được. Đến mức nhỏ Hường phải quay đầu nhìn theo ánh mắt của thầy nó, hiếu kỳ hỏi:
- Anh nhìn cái gì ngoài sân thế anh?
- Nhìn gì đâu! – Quý ròm giật mình đáp.
Nhỏ Hường cười khúc khích:
- Chứ không phải anh thèm ăn củ cải hả?
- Đâu có. – Quý ròm cười méo xẹo – Đang dạy học ai lại thèm ăn.
Quý ròm quay lại cầm lên cuốn sách toán, “e hèm” một tiếng, cố lái câu chuyện ra xa đề tài khó nói này:
- Bây giờ anh dạy em học tiếp nè.
Nhỏ Hường vội vàng chỉnh lại thế ngồi:
- Dạ.
- Hôm nay anh dạy em hai bài một lúc, em phải cố lên nhé.
- Học gì nhiều thế anh?
- Như vậy cũng chưa gọi là nhiều đâu. Ngày mai, ngày mốt, có khi anh phải dạy ba bài một lúc mới kịp.
Nhỏ Hường ngơ ngác:
-Kịp gì hở anh?
Quý ròm lại ngó ra chỗ chiếc nong, giọng đột nhiên chùng đi:
- Anh không còn ở đây lâu nữa. Anh sắp về lại thành phố rồi.
Nhỏ Hường nín khe sau câu nói của Quý ròm, mặt xịu xuống. Cái cảm giác mà nó đang cảm thấy lúc này là cảm giác của người đang đi đột ngột va phải tường. Trong hàng trăm câu nói mà thầy nó có thể nói, đây là câu nói nó ít chờ đợi nhất. Cũng có thể là nó không hề chờ đợi. Mải chìm đắm trong niềm vui được học với một ông thầy giỏi giang, vui vẻ, mải hào hứng với viễn ảnh sắp được cắp sách tới trường, nhỏ Hường quên mất thầy nó không phải là người làng này. Thầy nó chỉ về đây nghỉ hè. Hết hè, thầy nó phải chia tay nó.
Nhỏ Hường buồn thỉu buồn thiu. Nó ngồi làm thinh như vậy lâu thật lâu. Quý ròm không quay lại, nói đúng ra là muốn quay lại nhưng khôgn dám. Không nghe nhỏ Hường ừ hử gì, nó biết học trò nó đang buồn. Nó cũng thế thôi, nó cũng đang buồn.
Quý ròm biết nó và Tiểu Long chỉ còn ở lại làng này chừng một tuần lễ nữa thôi. Vì vậy mà nó không tiếc công sức và thời gian để chỉ vẽ, kèm cặp cho anh em thằng Thời và nhỏ Hường. Mải lo lắng cho các “học trò”, Quý ròm không có thời gian để nghĩ đến cảnh chia tay. Bây giờ, đột nhiên nhắc tới chuyện đó, nó mới thẫn thờ nhớ ra nó chỉ gặp mặt nhỏ Hường một thời gian ngẵn nữa thôi. Trong một lúc, nó bùi ngùi hình dung ra một ngày nào đó nó sẽ không còn thấy nhỏ Hường nhìn nó bằng ánh mắt long lanh cảm kích, không còn nghe nhỏ Hường luôn miệng khen nó “hay ghê”, “đúng ghê” nữa.
Có cảm tưởng thằng Hiện vừa khuân về hai tượng đá đặt trong nhà. Thầy một đống, trò một đống, cả hai như đang cố thi nhau xem ai bất động lâu hơn ai, giống hệt cảnh Tam Tạng thi ngồi yên với Hổ Lực đại tiên, quốc sư nước Xa Trì trong truyện Tây Du.
Mãi một lúc, người lên tiếng phá tan sự im lặng khắc khoải là nhỏ Hường:
-Chừng nào anh về lại thành phố?
- Chừng một tuần nữa.
Quý ròm khẽ đáp, nó liếc nhanh cô học trò một cái rồi lại nhìn ra sân, như thể chiếc nong phơi bữa nay đột ngột trở nên đầy thu hút.
Nhỏ Hường lại nói, giọng như đang nghẹt mũi:
- Còn một tháng nữa mới khai giảng mà anh.
Quý ròm hiểu câu nói của cô học trò có nghĩa là “Sao anh về sớm vậy?”, liền khào khào đáp:
- Tụi anh phải về sớm để ôn tập.
Lý do của Quý ròm chính đáng đến mức nhỏ Hường không tiện thắc mắc nữa. Nó lặng lẽ nhìn thầy nó bằng đôi mắt ngân ngấn nước. Và khi nó nói tiếp, giọng nói của nó như cũng chứa đầy hơi nước, dù nó cố tỏ ra cứng cỏi:
- Anh dạy em bài mới đi.
Quý ròm tằng hắng một tiếng thật lớn để nhấn chìm cơn xúc động.
-Ờ há.
Nó lật sách lọat soạt:
- Bây giờ anh ôn cho em bài Mặt phẳng tọa độ trước nhé.
Quý ròm cố lấy giọng bình tĩnh để giảng cho nhỏ Hường cách làm thế nào để xác định được vị trí của một điểm trên mặt phẳng. Nó vẽ nguệch ngoặc một tấm bản đồ ra giấy rồi trỏ cây thước trên tay vào một điểm.
- Ví dụ như đây là thành phố Hồ Chí Minh. Tọa độ địa lý của thành phố Hồ Chí Minh là 10 22’33” – 11 22’17” độ vĩ Bắc và 106 01’25” – 107 01’10” độ kinh Đông…
Quý ròm thao thao, không biết học trò nó chẳng nghe thấy gì. Nhỏ Hường dường như vẫn chưa ra được ngoài rìa của nỗi buồn. Cho nên Quý ròm giảng khô nước miếng, hỏi lại:
- Em biết thế nào là các trục tọa độ chưa?
Nhỏ Hường lại hỏi lại một câu trớt quớt:
- Ở thành phố, anh ở đường nào vậy?
Quý ròm nói tên đường, rồi hỏi:
- Em phân biệt được trục tung và trục hoành chưa?
- Nhà anh ở số mấy vậy?
Tới đây thì Quý ròm ngờ ngợ nhỏ Hường bị điếc đột xuất. Nó hỏi một đường, nhỏ Hường cứ nói một nẻo. Nó đành phải nói số nhà. Rồi ngẩn ngơ hỏi lại:
-Em hỏi số nhà anh chi vậy?
- Viết thư cho anh chứ chi.
- Viết thư cho anh?
- Ờ. Mai mốt đi học, gặp chỗ nào không hiểu, em sẽ viết thư hỏi anh.
Quý ròm gật đầu:
- Ừ. Nếu em bí chỗ nào thì cứ viết thư cho anh.
Giọng nhỏ Hường đột nhiên giống như hờn dỗi:
- Nếu em không bí chỗ nào thì không được viết thư cho anh hả?
- Ơ… ờ… - Quý ròm bối rối – Anh đâu có nói vậy. Em cứ viết thư cho anh thoải mái.
- Anh nói thiệt đó hả?
- Anh nói láo Hà Bá rút cẳng anh liền! – Quý ròm giơ tay lên trời, hùng hồn – Anh trông thư em từng ngày từng giờ mà.
Nói xong, Quý ròm bỗng nghe nóng ran nơi gáy. Thấy nhỏ Hường buồn buồn, Quý ròm muốn làm cho học trò vui. Nhưng vừa mở miệng ba hoa, nó chợt thấy câu nói của nó có vẻ kỳ kỳ. Quý ròm cựa quậy vai và hông, hai bàn tay lúng túng duỗi ra nắm lại dưới gầm bàn, miệng ho liên tục, như thể làm thế thì cô học trò sẽ không nghe mình vừa nói gì.
Nhưng làm sao nhỏ Hường không nghe được. Mặt nó ửng lên sau câu nói của Quý ròm.
Nhưng nó không thấy kỳ kỳ. Nó chỉ thấy cảm động.
Nó nói:
- Cái ông Pythagore ấy.
- Ông Pythagore sao hở em?
- Ổng có một câu nói hay ghê.
- Ổng nói gì vậy?
- Câu này nè. – Nhỏ Hường chỉ tay vô trang sách đang mở trước mặt.
Quý ròm nhẩm đọc “Hoa trái của đất chỉ nở một vài lần trong năm, còn hoa trái của tình bạn thì nở suốt bốn mùa”, rồi tặc tặc lưỡi:
-Ờ, hay thật.
Nhỏ Hường lắc mái tóc:
-Nhưng anh và em là tình thầy trò chứ đây phải tình bạn.
- Thầy trò gì! – Quý ròm cười méo xẹo – Anh và em chỉ là bạn bè thôi.
- Bạn bè sao được mà bạn bè. Anh dạy em học mà.
- Cái này là kèm học thôi. Giống như anh Tiểu Long bạn anh đó, trước đây anh vẫn kèm toán cho ảnh. Đó là bạn bè giúp nhau.
Nhỏ Hường chớp mắt:
- Sao anh Tiểu Long không xuống nhà em chơi? Em chỉ gặp ảnh có mỗi một lần.
Nhỏ Hường tự nhiên hỏi đâm ngang khiến Quý ròm giật thót. Nó hóp bụng lại như tránh một lưỡi kiếm vô hình:
- Anh Tiểu Long hả? À, anh có rủ chứ. Ngày nào anh cũng rù mỏi cả miệng nhưng ảnh đâu có chịu đi.
Nhỏ Hường không nhận thấy thầy nó đang nói năng ấp a ấp úng, lại hỏi:
- Sao ảnh không chịu đi?
- Tại sao hả? – Quý ròm quay đi chỗ khác để nhỏ Hường không thấy cái nhăn mặt của nó, đầu xoay tít – Tại vì ảnh bảo ngày nào cũng gặp anh chả có gì vui. Ảnh bảo bạn bè mà thấy mặt nhau hoài chán lắm. Chỉ chơi với tụi Dế Lửa thì ảnh mới thấy vui.
Nhỏ Hường không biết Quý ròm đảo ngược hoàn toàn câu nói của Tiểu Long. Nên nó cứ ngồi thừ ra ngẫm nghĩ. Nói muốn nói với Quý ròm là nó hổng có chút xịu gì giống như vậy. Nó gặp Quý ròm mỗi ngày mà nó đâu có chán.Ngày nào không gặp thầy nó, lúc đó lòng nó mới không vui.
Nhưng rốt cuộc nhỏ Hường đã không nói gì với thầy nó.
Chỗ này, nhỏ Hường khác Quý ròm. Nó nhận thấy ý nghĩ của mình kỳ kỳ nên nó ngại ngùng không nói ra. Quý ròm thì khác, bao giờ Quý ròm cũng nói ra rồi mới giật mình thầy kỳ kỳ. Có lẽ tại Quý ròm là con trai còn nhỏ Hường là con gái chăng?