Nam Cung Uy giống như con kiến bò trên chảo nóng, bởi vì đêm trước Tết Thanh Minh, Vị Ương cung đột nhiên bốc cháy, lửa lớn tận trời.
Hắn lập tức ra lệnh cho mấy trăm tên binh lính tuần phòng dập lửa, nhưng lại không có bao nhiêu hiệu quả.
Lửa lớn cháy suốt một đêm, ba mươi sáu tòa cung điện ở Vị Ương cung trở thành một mảnh đất khô cằn.
Cũng may Vị Ương cung là cung điện được sửa chữa lại từ Đông Cung tiền triều, nó được xây dựng giống với Cam Tuyền cung, xung quanh có một khoảng đất trống lớn, để tránh thích khách lẻn vào cung điện khác rồi hành thích trữ quân.
Vì vậy, tuy Vị Ương cung bị cháy rụi, nhưng những cung điện khác vẫn không bị làm sao cả.
Đầu mùa xuân khô ráo, năm trước trong cung thỉnh thoảng cũng có cung điện bị hỏa hoạn, nhưng ai mà không biết Trăn Trăn công chúa là bảo bối trong lòng bệ hạ?
Nam Cung Uy bận rộn suốt một đêm, sáng sớm hôm sau khi chủ trì xong triều hội, hắn còn không kịp uống một hớp nước mà đã vội vàng hồi phủ thương nghị đối sách với mưu sĩ.
Mưu sĩ chia làm hai phái, một phái chủ trương: Lập tức phái quan truyền lệnh trình báo chuyện này cho bệ hạ, thừa nhận bản thân sơ suất, mời Thánh Thượng cân nhắc quyết định.
Phái khác thì chủ trương: Nếu bệ hạ đã mệnh Nhị hoàng tử giám quốc, vậy thì nên lấy thái độ giám quốc mà xử lý.
Nếu cung điện bị cháy không phải Vị Ương cung mà là một tòa cung điện bình thường, bọn họ còn sẽ đi báo việc nhỏ này cho bệ hạ sao? Bệ hạ nhìn tấu xong, có phải sẽ cho rằng Nhị hoàng tử không có đủ năng lực làm trữ quân hay không?
Tuy Nam Cung Tĩnh Nữ được sủng ái, nhưng nàng cũng chỉ là một vị công chúa, Nhị hoàng tử chuyện bé xé ra to như thế sẽ chỉ làm bệ hạ xem nhẹ.
Việc nên làm lúc này là tìm ra nguyên nhân Vị Ương cung cháy, giam giữ hết cung nhân thất trách rồi giao cho Đại Lý tự xử lý, sau đó xử lý triều vụ đâu vào đấy.
Nam Cung Uy cảm thấy hai bên nói đều có đạo lý: Trình báo có thể khiến sai lầm giảm đến mức thấp nhất, nhưng lại mất đi phong thái của người giám quốc.
Không trình báo thì phụ hoàng trở về có lẽ sẽ trách tội, nhưng không mất đi phong độ của một vị trữ quân...
Cuối cùng Nam Cung Uy tiếp thu ý kiến thứ hai.
Hắn bắt giam vài vị nữ quan chưởng sự trong Vị Ương cung và thị vệ phụ trách tuần phòng đưa đến Đại Lý tự, cũng phái người ráo riết điều tra nguyên nhân cháy.
Hắn nghĩ: Hắn đã xử lý mọi việc lớn nhỏ trong triều một cách gọn gàng ngăn nắp, phụ hoàng trở về chưa chắc sẽ trách tội.
Nhưng vào hôm qua, Nam Cung Uy nhận được tin mật từ Tứ hoàng tử Nam Cung Chấn: Đêm trước Thanh Minh, mổ tộ đột nhiên nổi lửa, phụ hoàng một mình lên núi tế bái.
Tọa kỵ của Nam Cung Tĩnh Nữ chấn kinh, phò mã Tề Nhan có công cứu giá.
Dư nghiệt thảo nguyên tụ tập gây rối loạn, Tiết độ sứ Bắc Cửu Châu không địch lại, Di Châu thất thủ...
Đôi mắt Nam Cung Uy tối sầm, hắn ngã ngồi trên ghế, nửa ngày cũng không lấy lại tinh thần.
Mộ tổ và hoàng cung cùng cháy trong một ngày, phụ hoàng sẽ nghĩ như thế nào?
Quan truyền lệnh vậy mà dám bỏ qua hoàng tử "giám quốc" là hắn, trực tiếp mang quân báo đến khu vực săn bắn hoàng gia...
Đây không phải là nói rõ cho phụ hoàng, có vài đại thần không tán thành thân phận giám quốc của hắn sao?
Hắn vốn còn hy vọng phụ hoàng đi tuần chuyến này có tâm tình tốt, không truy cứu khuyết điểm của hắn, nhưng xem ra chuyện này là không có khả năng.
Nam Cung Uy cùng mưu sĩ thương nghị một ngày một đêm, nhưng cũng không nghĩ ra biện pháp nào tốt cả.
Thị vệ lo lắng chạy tới, quỳ ở ngoài điện bẩm báo: "Điện hạ, bệ hạ triệu người lập tức tiến cung."
"Cái gì!? Phụ hoàng đã trở lại? Chuyện khi nào?" Làm sao nhanh như vậy!?
"Tiểu nhân không rõ lắm, nghe nói là vừa hồi cung."
Nam Cung Uy không kịp đổi triều phục, cưỡi khoái mã chạy đến hoàng cung.
Nam Cung Nhượng ngồi ở trên cao, nhìn ba phần tấu chương trước mắt, sắc mặt âm trầm như nước.
"Nhị hoàng tử đến."
Nam Cung Uy lê vạt áo trường bào sải bước đến giữa đại điện, cúi người bái lạy: "Nhi thần khấu kiến phụ hoàng."
Nam Cung Nhượng tiện tay cầm lấy cây bút trên bàn, quăng xuống dưới: "Nghịch tử! Nhìn xem ngươi đã làm ra chuyện tốt gì!"
Một tiếng "phanh" vang lên, cây bút làm bằng vàng ròng nện lên đại điện, khiến cho ô gạch huyền sắc cứng ngắc vỡ thành mấy miếng.
Nam Cung Uy nhìn cây bút trước mặt hắn, đổ một thân mồ hôi lạnh: "Nhi thần tội đáng chết vạn lần, xin phụ hoàng bảo trọng long thể."
Nam Cung Nhượng hừ lạnh một tiếng: "Hiện giờ miệng ngươi cũng xảo biện như vậy! Nghịch tử! Uổng phí trẫm khổ tâm phó thác triều đình to lớn như vậy cho ngươi, chỉ mới có một tháng mà ngươi đã làm ra chuyện lớn như vậy!"
Nam Cung Vọng yên lặng cúi đầu ở một bên, lại âm thầm cười trộm: Kế này của Tề Nhan quả nhiên độc ác, lần này lão Nhị tiêu rồi!
"Nhi thần tội đáng chết vạn lần, đã giao toàn bộ cung nhân sơ suất hôm ấy cho Đại Lý tự, hơn nữa đã phong tỏa tin tức, để ảnh hưởng đến người dân ở mức thấp nhất..."
Nam Cung Nhượng trầm mặc một lát: "Ngươi đứng sang bên khác trước đi."
"Tạ phụ hoàng." Nam Cung Uy đứng lên, chủ động đứng ở cuối hàng.
Lúc này hắn mới có thời gian thấy rõ mọi người trong điện, tất cả hoàng tử thành niên và hơn phân nửa quan viên trong triều đều ở đây.
Nam Cung Nhượng đưa cho Tứ Cửu một phần thánh chỉ hắn mới vừa viết xong, người sau đi đến trước bậc thềm, cao giọng nói: "Phụng thiên thừa vận hoàng đế chiếu viết: Tông Chính tự Khanh Công Dương Trung, Lễ bộ Thượng thư Quản Đạt, Vệ Úy tự Khanh Yến Duẫn bỏ rơi nhiệm vụ, cô phụ trẫm phó thác, gây thành đại sai.
Tức khắc cách chức, giam giữ ở thiên lao Hình bộ, đợi đến khi tra xét xong các tội trạng còn lại thì sẽ định tội, khâm thử."
Ba người nghe thánh chỉ và yên lặng quỳ trên mặt đất tạ ơn, chủ động tháo mũ ô sa đặt ở trước người, lui ra cửa điện để thị vệ áp giải xuống.
Từ đầu đến cuối, bọn họ không hề biện bạch nửa câu, mà trong điện có không ít đại thần xưa nay giao hảo với ba người này, nhưng cũng không một người bước ra khỏi hàng cầu tình.
Nam Cung Nhượng dùng một câu "bỏ rơi nhiệm vụ" che giấu chuyện mổ tộ cháy.
Tuy rằng Nam Cung Nhượng cố ý phong tỏa tin tức, nhưng các trọng thần trong triều cũng đều nghe được tiếng gió.
Không có ai dám đứng ra cầu tình, ba người này cũng chỉ có thể nhận tội.
Không liên lụy đến người nhà đã là vạn hạnh trong bất hạnh.
Nam Cung Nhượng xoa xoa giữa mày, cố gắng giữ vững tinh thần, nói: "Thương nghị chuyện khác đi.
Trẫm mới nhận được một phần tấu mới nhất, rằng dư nghiệt dị tộc ở Bắc Cửu Châu âm thầm tập kết, xâm chiếm vô số nông trường, cướp sạch kho phủ và kho quân giới.
Sau Di Châu, Thanh Châu phủ cũng tràn ngập nguy cơ, trẫm đã mệnh Trấn Bắc Tướng quân Thượng Quan Nguyên quay về U Châu lĩnh binh bình loạn, nhưng đám người dị tộc đó lại như châu chấu càng tụ càng nhiều.
Các thần và vài vị hoàng nhi cũng đưa ra ý kiến xem."
Trung thư lệnh Hình Kinh Phú cầm ngọc hốt trong tay, đứng dậy: "Khởi tấu bệ hạ, thần có chuyện muốn nói."
"Nói"
"Thần còn nghe nói: Người dị tộc hung tàn thành tánh, đi đến đâu đều sẽ tàn sát bá tánh địa phương.
Hiện giờ người dân ở Bắc Cửu Châu vô cùng hoảng sợ, bá tánh các phủ dọn nhà chạy nạn.
Nếu cứ tiếp tục như vậy, tám mươi mốt quận ở Lạc Bắc Cửu Châu sẽ trở thành vườn không nhà trống.
Triều đình mười mấy năm khổ tâm kinh doanh cũng sẽ trở thành nước chảy về biển đông, thành trì kiên cố mà chúng ta tu sửa tốt sẽ vào tay người khác, ngân lượng mà lúc trước bệ hạ khen thưởng bá tánh các nơi dời đến Lạc Bắc định cư cũng đều uổng phí.
Bất luận người dị tộc có thật sự thành công hay không, bệ hạ cũng nên nương theo việc này hoàn toàn diệt trừ người dị tộc.
Nếu không, nhẹ thì mất đi châu phủ, nặng thì dao động nền tảng lập quốc."
Nam Cung Nhượng trầm mặc một lúc lâu, thở dài một tiếng: "Không phải tộc ta tất có dị tâm.
Năm đó, trẫm không nên lòng dạ đàn bà, nếu như nghe theo lời khuyên của ngươi và Lục thái úy thì cũng không đến mức gây thành họa hôm nay."
Hình Kinh Phú là đại thần mà Nam Cung Nhượng đề bạt sau khi đăng cơ, giao cho vị trí Trung thư lệnh.
Cho tới nay, hắn luôn là người trung kiên đối kháng với thái úy đảng.
Sau khi thảo nguyên bình định, hai người như nước với lửa này lại hiếm khi thống nhất ý kiến.
Lục Quyền cho rằng người dị tộc ăn tươi nuốt sống, thô bỉ khó dạy, nên tập trung rồi giết ngay tại chỗ, không để lại hậu hoạn.
Mà Hình Kinh Phú chủ trương trói người dị tộc thành từng nhóm, dùng kỵ binh và cung thủ xua đuổi bọn họ nhảy vào Lạc Xuyên, cũng bố trí nỏ thủ ở những nơi bằng phẳng, bắn chết những ai còn sống.
Như vậy có thể tiết kiệm người của triều đình, cũng có thể tránh dịch bệnh bùng phát từ đống thi thể chồng chất.
Nam Cung Nhượng lại gạt bỏ lời khuyên của hai người, nhưng hắn làm vậy cũng chỉ suy xét về mặt chính trị.
Hắn luôn luôn lấy đức hạnh trị thiên hạ, hành vi tàn bạo như thế sẽ làm hắn mất đi lòng dân.
Tuy trong lòng hắn cũng đồng ý cái nhìn về dị tộc của hai người này, nhưng hắn không thể làm vậy.
Hình Kinh Phú xem thấu tâm tư Nam Cung Nhượng, lại lần nữa đề nghị liệt người dị tộc vào tiện tịch, cũng mệnh bọn họ tu sửa thành trì cho triều đình, như vậy cũng có thể tiết kiệm phí tổn...
Có thể nói, sau khi chiến bại, người thảo nguyên có thể có cục diện hôm nay, người thượng vị Nam Cung Nhượng không thể thoái thác tội của mình, nhưng Hình Kinh Phú và Lục Quyền cũng thúc đẩy không ít.
Lại bộ Thượng thư Đặng Hồng Viễn đứng dậy, khuyên can: "Bệ hạ, thời điểm này mất bò mới lo làm chuồng cũng chưa muộn.
Theo thần thấy, triều đình nên phái mấy khâm sai đến Cửu Châu trấn an dân tâm trước, lệnh các châu phủ tích cực áp đặt đề phòng, cũng ra lệnh cho đại quân đến Lạc Bắc bình định phản loạn."
Nam Cung Nhượng gật gật đầu: "Hai vị khanh gia nói có lý, những người khác thì sao?"
Binh bộ Thượng thư Sử Hoằng Trí đứng ra nói: "Khởi tấu bệ hạ, hiện tại trong triều có bốn mươi hai vạn quân sĩ đóng quân ở các giáo trường, ngày đêm thao luyện.
Ngoại trừ tám vạn hộ vệ quân ở kinh thành không dễ điều động ra, còn có ba mươi bốn vạn quân sĩ tùy thời xuất chinh."
Hộ bộ Thị lang Ô Linh Sơn nói: "Kể từ năm Cảnh Gia thứ sáu, hồ sơ cần thống kê ở các nơi đã được trình báo đến Hộ bộ, tính cả dân gian và người trong quân hộ tịch thì có tất cả một trăm tám mươi vạn, có thể tùy thời triệu tập nhập ngũ."
Hình Kinh Phú nói: "Ba mươi bốn vạn đại quân đã đủ để đối phó với bọn tiện nô dị tộc, lúc này là vụ xuân cần phải cày bừa, vẫn là nên để các quân hộ ở nhà làm việc đồng áng đi."
Hộ bộ Thị lang chắp tay: "Trung thư lệnh đại nhân nói rất phải."
Sắc mặt Nam Cung Nhượng hơi nguôi ngoai: "Chư vị ái khanh có tiến cử ai làm tướng quân lĩnh binh hay không?"
Nam Cung Vọng chờ đợi đã lâu, hắn lập tức đứng dậy: "Phụ hoàng, nhi thần tiến cử một người."
"Người nào?"
"Thái uý Lục Quyền, Lục đại nhân."
Nam Cung Nhượng quan sát Nam Cung Vọng, sắc mặt hắn không có một chút dao động làm người không nhìn ra cảm xúc: "Lục ái khanh tất nhiên là sự lựa chọn đầu tiên, nhưng nay hắn đã gần sáu mươi, trẫm không đành lòng tiếp tục làm phiền hắn."
"Nhi thần biết phụ hoàng khổ tâm, nhưng nhi thần vẫn cho rằng Lục đại nhân là sự lựa chọn tốt nhất."
"Ồ? Nói lý do của ngươi xem."
"Vâng.
Nhi thần cho rằng, trận chiến này chúng ta nhất định phải thắng, tốt nhất là có thể tiêu diệt phản tặc dị tộc ngay từ trận đầu tiên.
Chỉ có như thế, bá tánh Lạc Bắc mới có thể an tâm quay về nhà.
Thứ hai, năm đó Lục thái uý nắm giữ ấn soái thân chinh Lạc Bắc, ngắn ngủn mấy tháng đã quét sạch toàn bộ thảo nguyên.
Dù đã nhiều năm trôi qua nhưng uy danh vẫn còn đó, hắn nắm giữ ấn soái thì quân tâm sẽ yên ổn, hùng binh triều đình càng như hổ thêm cánh."
Nam Cung Nhượng gật đầu, ý tưởng ban đầu của hắn cũng như thế này.
Nhưng trên đường đi, hắn đã thận trọng suy tính, thay đổi chủ ý: Hắn thật vất vả mới khiến thái úy mất quyền không lâu, nhưng cuối cùng cũng không thể nhổ cỏ tận gốc.
Nhưng Hình Kinh Phú và hoàng Tam tử nói không sai: Đạo dụng binh của Lục Quyền luôn luôn cương mãnh mau lẹ, tướng lĩnh khác thật sự không bằng hắn.
Nam Cung Nhượng không khỏi nhìn Nam Cung Vọng nhiều hơn, so với lão Nhị "thất trách", Tam nhi tử này nhìn thuận mắt hơn nhiều.
Ngay khi Nam Cung Nhượng chuẩn bị hạ chỉ, đột nhiên có một người xen ngang.
Lại bộ Thị lang Thư Lập Nhân bẩm báo: "Khởi tấu bệ hạ, lúc này thái uý đại nhân không có ở kinh thành.
Tháng trước, vết thương cũ của thái uý đại nhân tái phát, vì thế tự viết thư xin dưỡng bệnh ở suối thuốc Lập Sơn trình lên Lại bộ, đã được Nhị hoàng tử điện hạ phê chuẩn.".