Vậy là tôi cũng đã tới công trường thủy điện Nậm Xu được một tuần. Công việc hàng ngày chủ yếu của tôi là buổi sáng thì nhận thực phẩm và sơ chế, buổi chiều ra công trường kiểm tra và.. đứng ngắm cảnh. Thì dĩ nhiên rồi, công việc kỹ thuật, chỉ một lần thì công nhân thao tác nửa ngày tới một ngày, có khi còn hơn là điều rất bình thường. Đó là kỹ thuật công trường thôi, kỹ thuật xưởng thì không đâu, việc này chưa hết thì việc khác đã giao, làm xong phần mình còn hộ thêm người khác, có khi còn là phòng ban khác nhờ nữa. (Lắm lúc nghĩ kiểu như là "thợ tiện" ấy, tức là.. tiện cái gì thì làm cái đó chứ không phải thợ đứng máy tiện đâu). Thành ra thời gian rảnh rỗi của tôi rất là nhiều. Tận dụng thời gian rảnh rỗi đó tôi đã quen với chị Mai và chú Tùng, hai người rảnh rỗi còn hơn cả tôi. Qua thời gian trò chuyện, tôi biết chị Mai quê Hòa Bình, được thuê làm nấu ăn cho đội xe cơ giới có năm người, cửa hàng tạp hóa này là chị tranh thủ mở luôn để kiếm thêm (thời buổi kinh tế thị trường, đầu óc ai cũng rất nhanh nhạy nha). Còn chú Tùng là người ở Sơn La, nhà chú ở thị trấn Mường Hoa, trong nhà chú không vợ con gì, được chủ đầu tư thuê lên đây làm việc. Vì trong nhà không còn ai nên chú cũng ít khi rời khỏi công trường lắm. Vì thế mà thời gian rảnh rỗi của tôi chủ yếu là tiêu ở chỗ chú nghe kể chuyện. Còn bên chị Mai, dù gì chị cũng là phụ nữ nên tôi có hơi ngại khi nói chuyện thường xuyên với chị (dù rằng nói chuyện với bông hoa duy nhất ở công trường này thì thằng nào chả thích). Câu chuyện chủ yếu tôi nói với chú Tùng là những câu chuyện về vùng rừng sâu này, một đứa thích các câu chuyện kỳ lạ như tôi luôn luôn muốn nghe nhiều về những câu chuyện nhuốm đầy màu sắc kinh dị, ma mị nơi rừng sâu núi thẳm. Một lần tôi hỏi chú:
"Chú à, ở đây trong rừng chắc nhiều chim thú lắm nhỉ, vậy thì đồ rừng tươi sống chắc là không phải lo nghĩ nhỉ?"
Chú liếc tôi rồi nhếch miệng trả lời với giọng hình như hơi chế giễu:
"Ờ, đồ nhiều lắm, nhưng mà có ăn được không thì lại là chuyện khác."
"Sao lại thế ạ, cháu nghĩ ở đây rừng sâu như vậy thì thi thoảng mọi người có thể săn bắt chút ít về cải thiện chứ."
"Mày nghĩ hay lắm, có thấy con suối mày hay tắm có con cá nào không? Cá còn chẳng có thì mày ở đó mà nghĩ ra thịt rừng."
"Ồ ha, giờ chú nói cháu mới để ý, xuống suối tắm mãi mà chưa nhìn thấy con cá to nào." Tôi ngạc nhiên nhớ lại.
"Biết tại sao không?" Chú Tùng hỏi. Tôi lắc đầu tỏ vẻ không hiểu.
"Muốn nghe chuyện không?" Chú tự nhiên hạ giọng trầm trầm làm tôi khó hiểu quay sang nhìn. Thấy chú cười một cách nham hiểm, tôi hơi chột dạ nhưng vì tính tò mò nên vẫn rụt rè gật đầu. Chú tự rót cho mình một chén nước vối rồi từ từ kể:
"Ở vùng rừng núi hay sông hồ vắng lặng, nơi nào cũng có những truyền thuyết của riêng nó, có những sự việc không giải thích được, người tin thì coi như có mà người không tin thì cũng chẳng tìm được chứng cứ gì để bác bỏ. Tao kể chuyện cho mày nghe nhưng đêm về mà gặp ác mộng thì đừng có trách tao không báo trước."
Tôi tự tin đáp lại chú: "Chú yên tâm, cháu tuy nhỏ người nhưng chủ yếu là sợ người chứ chẳng tin sợ ma bao giờ, nhà cháu trước giờ đến bói còn không bao giờ đi xem kể cả những ngày trọng đại. Thế nên mấy chuyện này cháu chỉ nghe để tìm kích thích thôi, chú cứ kể cho cháu đi ạ."
Chú Tùng nhếch mép nhìn tôi một cái rồi quay ra cửa bắt đầu kể:
"Cái công trình này bắt đầu xây dựng phá đá, phá núi từ cách đây sáu năm rồi, làm cơ sở gần xong thì mới đến lượt chúng mày tới đây lắp thiết bị. Trước đây làm gì có đường cho xe cơ giới chạy ầm ầm như bây giờ, lúc đó chỉ có một con đường mòn do dân làng trên đỉnh núi đi lại tạo thành thôi."
"À cái làng đó cháu có thấy rồi, lần trước lên trên đó lắp ống cháu có thấy nhưng không vào, chỉ đứng ngoài nhìn, chỗ đó cũng phải cách đây 7-8km ấy chú nhỉ!" Tôi chen vào.
"Ừ, cả làng ấy có gần trăm hộ thôi, chắc tầm hơn hai trăm người, nghe nói họ ở đây đã bao nhiêu đời rồi đó." Chú Tùng không vì tôi chen ngang mà tức giận, vẫn tiếp tục kể. "Hồi tao mới vào đây, có lên đó mấy lần để mua thịt thú rừng cho đội thi công cải thiện nên cũng quen biết với người làng đó. Ngày đó, tao cùng với thằng Bách nấu ăn trong đội hay lên đó lắm, thân quen đến nỗi có khi lên đó xin họ cũng cho đồ ăn nữa. Một lần, trong lúc vô tình thằng Bách có vô tình nói chuyện rằng đội thi công có thể tự săn thú, vừa cải thiện lại còn giải trí. Hôm đó, đang ở nhà ông trưởng bản mua gà, ông ấy nghe thấy vậy liền biến sắc rồi ra sức ngăn cản." Ông ấy nói:
"Các anh đừng dại, nếu thiếu thốn gì cứ lên đây mua hoặc trở ra thị trấn đều có cả, đừng vì chút ham vui mà rước họa vào người".
Tao thấy lạ liền hỏi ông ấy xem có chuyện gì thì ông ấy kể rằng:
"Trong rừng thì chim thú rất nhiều, nhưng kể cả những người sống lâu ở đây như chúng tôi cũng không dám săn bắn bừa bãi bởi vì sợ động đến thần rừng. Cái gọi là thần rừng là để thể hiện sự tôn kính của chúng tôi chứ thực ra là những thứ đáng sợ ẩn nấp trong rừng sâu này. (kiểu nôm na chính là ma rừng hoặc yêu quái). Nơi đây có một truyền thuyết kể rằng, tất cả muông thú, sản vật của rừng đều được bảo hộ bởi thần rừng. Thần có thể cho phép những người con sinh sống ở đây được phép sử dụng nhưng không được lấy quá nhiều, chỉ được phép lấy đủ cho cuộc sống của mình mà thôi. Vậy nên, mỗi lần chúng tôi đi săn liền chỉ lấy đủ là dừng, không được phép lấy hơn để dự trữ. Nếu làm trái thì sẽ bị thần trừng phạt bằng bệnh tật, tai nạn hoặc có khi mất cả tính mạng. Mà đặc biệt, các anh là người nơi khác tới, nếu tự ý lấy đi sản vật của rừng vậy thì sẽ bị trừng phạt nặng nề hơn rất nhiều."
Tao nghe vậy thì cũng hơi rén, dù sao tao là người ở đây, những câu chuyện như vậy tao nghe quá nhiều và cũng từng thấy những người bị thần trừng phạt. Tuy tao không tin hoàn toàn nhưng nếu không vì bất đắc dĩ, tao tuyệt đối sẽ không bao giờ thử mang an toàn của mình ra đùa. Thằng Bách thì khác, nó hình như cũng cùng quê với mày ở Quảng Ninh, trước đây từng buôn lậu qua biên giới, sau vì thấy nguy hiểm quá nên mới bỏ. Vốn dĩ nó cũng gan, mà lại có chút liều nên nó không cho là thật. Nhưng ở nhà ông trưởng bản nó cũng chỉ vâng dạ mà thôi, nó nói:
"Vâng ạ, cháu chỉ đùa thế thôi chứ cháu làm gì có công cụ với cả thời gian mà đi đuổi bắt với mấy con thú ạ."
Ông trưởng bản liền bảo:
"Tôi nhắc nhở mấy anh để tránh rước họa vào người. Có thể mấy anh không tin nhưng có những việc chúng tôi đã dùng cả mạng của cha ông mình mà đúc kết ra được. Đừng dẫm vào vết xe đổ của những người đi trước."
Hai thằng tao nghe vậy cũng gật đầu đồng ý, ngồi nói chuyện thêm một lúc rồi ra về. Sau đó tao cũng không để ý nữa nhưng thằng Bách thì lại xảy ra chuyện.