Ký Ức Tựa Mùa Rơi

Đã gần ba tháng kể từ ngày đầu tôi đi dạy.

Gần đây dù thời tiết đã dần ấm lên nhưng về đêm vẫn lạnh. Mấy hôm trước trong lúc ngủ, tôi lại sơ sẩy để lộ chân ra khỏi mền, sáng dậy liền bị cảm. Lần cảm này so với những lần trước hình như có phần nặng hơn. Dù đã uống thuốc nhưng hôm nay bệnh của tôi càng trở nặng, mũi nghẹt đặc và họng đau rát, ăn vào vài lát bánh mì cũng bị nôn ra.

Tám giờ, tôi mệt mỏi ra khỏi nhà. Cô hiệu trưởng vừa gọi điện thoại nhắc tôi lên trường ký tiếp hợp đồng.

Nhờ cô Nga xin nghỉ đến hết năm học, tôi được kéo dài thời hạn dạy thêm vài tháng. Hợp đồng mới của tôi chỉ khác lần trước phần ngày tháng, cho nên rất nhanh chóng, tôi chỉ mất mười lăm phút đi xe lên trường và hai phút ba mươi giây cho việc hoàn tất nó.

Hôm nay là thứ sáu, tôi không có tiết dạy, sau khi ký hợp đồng liền về luôn. Lúc về đi ngang qua phòng hiệu trưởng, tôi thấy cô và vị khách thường xuyên của cô ngồi ở trong.

Tôi không rõ về kiện tụng lắm nên mỗi lần thấy anh ta, trong đầu luôn không khỏi thắc mắc, chuyện đất đai có gì mà phức tạp đến thế? Đất anh anh xài, đất tôi tôi xài, lẽ nào sai rành rành ra đấy mà vẫn gân cổ lên cãi được.

Nhưng mà đó là chuyện người ta, còn tôi hiện giờ đang phải đối mặt với sự hành hạ của cơn cảm cúm. Chẳng biết từ lúc nào chân tay tôi trở nên bủn rủn, đầu óc choáng váng và hai tai chỉ nghe ù ù.

Nhìn mấy liều thuốc và chai nước treo trên xe ban nãy vừa mua, tôi chẳng nghĩ nhiều liền uống một liều. Tôi tưởng ổn, nào ngờ lúc đang dắt xe, cổ họng tôi nhờn nhợn, mấy viên thuốc vừa uống muốn trào ngược lên trên. Tôi vội buông xe chạy về hướng gốc cây bên cạnh, cúi rạp người nôn thốc ra, dịch nhờn từ dạ dày dội ngược lên cổ họng, tanh nồng, dạ dày quặn thắt từng cơn.

Nôn xong, tôi đứng dậy, quay người đưa lưng dựa vào gốc cây, toàn thân không còn tí sức lực. Sau một hồi cứ đứng tại chỗ mà thở dốc, tôi mới để ý ngón chân mình hơi đau. Nhìn xuống thì thấy máu me be bét cả, móng ở ngón cái bàn chân phải đã bị bung ra gần hết, chỉ còn dính tí thịt treo lủng lắng. Miệng tôi chua lét, lại nôn khan thêm phen nữa.

Quá mệt mỏi, tôi cố gắng bước cẩn thận trở về nhà xe. Vì mắt cứ mải để ý ngón chân nên lúc ngẩng đầu lên mới nhận ra có người đang nhìn mình. Thấy gương mặt tôi tái nhợt, anh ta vội chạy đến.

- Bị sao vậy?

- A, không có gì.

Tôi trả lời qua loa, toan đi đến dắt xe của mình. Anh ta nghiêng người đi theo, mắt nhìn chằm chằm vào chân tôi.

- Anh thấy em đứng nôn đằng kia… Còn móng chân bị bong ra kìa, coi chừng bị nhiễm trùng uốn ván.

Tôi cười trừ, hơi thở ngắt quãng, nói:

- Xin lỗi… nhưng mà giờ anh… rãnh không?

- …

- Nhờ anh chở… em qua bệnh viện được không?

Lời tôi vừa dứt, anh ta không do dự liền gật đầu, tiếp đó nhẹ nhàng tiến đến dìu tôi.

***

Lần cuối cùng tôi lên tiếng nhờ ai đó đã là từ năm hai đại học. Lần ấy tôi có nhờ cô bạn gần nhà mang lên ít đồ mẹ gửi, sau đó vì bận rộn quá mà quên không đi lấy. Mấy hôm sau, bạn mang thùng đồ qua phòng tôi, đập cửa rầm rầm:

- Đã mang lên cho rồi còn không qua lấy, hành người ta phải mang đến tận nơi, ai mà rãnh chứ. Phòng tớ đã chật chội lắm rồi…

Bạn về rồi tôi vừa áy náy vừa ấm ức, bởi rõ ràng là mình sai nhưng không phải mình cố tình làm như thế. Càng khó chịu hơn khi bị bạn nói xa xả vào mặt mà không chống chế được lấy một câu. Từ đó, trừ gia đình và người thân, dù có khó khăn thế nào đi chăng nữa tôi cũng cố gắng không nhờ vả hay phiền hà ai.

Nào ngờ phút này đây tôi lại nhờ một người lạ mà quen thế này.

Nếu nói rằng tôi không có ý gì với người này thì đó là nói dối. Sau buổi sáng No-en kia, mỗi lần đi qua khu hiệu bộ, tôi đều cố tình nhìn vào xem anh ta có trong phòng hiệu trưởng không, xem anh ta mặc gì, khuôn mặt có thay đổi gì không? Đối với người ưu tú như vậy, một cô gái bình thường đại chúng như tôi sao có thể không bị thu hút được.

Lâu lắm rồi tôi mới được ai đó chở sau xe, lâu lắm rồi tay mới không lạnh cứng vì vặn ga, lâu lắm rồi mắt mới được thư giản thay vì cứ nheo mắt nhìn đường.

Tôi kiệt sức, đầu đặt lên lưng anh ta, hai mắt nhắm nghiền. Sức khỏe của tôi vốn không tốt, hay bị bệnh vặt, trong một năm không đến xuể được bao nhiêu lần cảm cúm hay dị ứng. Vậy nên từ nhỏ bố mẹ đã luôn nhắc tôi phải bảo vệ sức khỏe của mình. Sau này sống xa nhà, tôi dần trở nên chểnh mảng, chả mấy quan tâm, tần suất bị bệnh dày đặc hơn.

Mỗi lần bệnh tôi đều không dám cho bố mẹ biết, càng không muốn phiền cô bạn đang bận yêu đương. Có lần thèm sự quan tâm quá, tôi bèn lên facebook đăng status, mới đăng xong lại xóa đi ngay, cứ sợ người khác đọc được sẽ nghĩ mình giả bộ, mà theo cách nói của dân mạng bây giờ chính là gieo “thính tàu” ấy.

Tôi nằm trên lưng người kia, đang lúc mơ màng, tay chợt có cảm giác bị ai đập nhẹ. Tôi ngẩng đầu dậy, rụt tay về.

- Đừng ngủ, té đấy!

Tôi ừm một tiếng, cố gắng giữ tỉnh táo, mở to mắt nhìn quanh.

Sang xuân rồi, hoa Ban Trắng đã nở trắng muốt hai bên đường. Nắng sóng sánh và mây trắng quẩn quanh, xốp tựa đôi ba chiếc kẹo bông gòn mềm mịn. Vùng trời trước mắt tôi yên ả vô cùng.

Đột nhiên tôi thấy mình xúc động, đột nhiên nước mắt rơi.

Tôi lại tủi thân rồi.

***

Tôi để xe trên trường mãi đến sang tuần. Thứ hai đi dạy, bệnh cảm của tôi đã đỡ nhiều, riêng ngón chân vẫn còn phải băng lại, vết bong chưa lành.

Tôi gõ cửa phòng cô hiệu trưởng, bước cà thọt vào xin nói chuyện với cô.

- Cô ơi…

- Ừ sao em? Sao chân lại băng bó thế kia?

- Dạ, em bị chân chống xe gạt vào.

- Ẩu quá đi. Bị hôm thứ sáu phải không? Cô thấy xe em để trong góc nhà xe từ hôm đó tới giờ.

- Dạ. À cô ơi, cô cho em xin số điện thoại anh Quân luật sư được không cô?

- À, ờ, được… Em có việc gì à.

- Dạ, họ hàng nhà em có chuyện kiện tụng, em định hỏi dùm thôi. Em cảm ơn cô.

Tôi vốn định kể rõ với cô lý do mình xin điện thoại nhưng rồi không kể. Tôi sợ dài dòng, sợ có gì đó làm cô sẽ đánh giá sai khác về tôi.

Nhớ về hôm đi bệnh viện tôi lại xấu hổ không chịu được. Lúc vào viện, tôi nằm bẹp trên giường cấp cứu, nước mắt nhòe nhoẹt, mặt mũi tèm lem, đợi cả buổi mới có người đến thăm khám cho mình. Vị bác sĩ già mặt lạnh hỏi bệnh xong thì viết một đống giấy, bắt tôi đi làm đủ thứ sinh thiết, xét nghiệm và chích ngừa uốn ván. Tôi khổ sở lê lết mấy chục vòng, đến gần giờ nghỉ buổi trưa mới mang đủ các phiếu kết quả trở về phòng thăm khám.

Vị bác sĩ kia nhận lại giấy rồi đeo kính mắt lên trông như thầy bói. Sau một hồi chăm chú nghiên cứu, ông đột nhiên nói:

- Mấy đứa thanh niên bây giờ, ỷ y còn trẻ, cứ để bệnh nặng mới chịu đi bệnh viện. Uống thuốc thì bữa bãi, ưng thì uống, ưng thì không.

- Sức đề kháng yếu đó, ăn uống đàng hoàng vào, uống thêm vitamin đi.

- Bị trào ngược thực quản, biết không?

Tôi đang cúi gằm mặt nghe chửi, chỉ dám lí nhí trả lời:

- Dạ không.

- Không biết?

- Dạ.

- Ăn vào có hay bị nôn không?

- Dạ có.

- Sao không đi khám?

- …

Tôi im lặng. Vị bác sĩ thở dài, vẻ bất lực.

- Bây giờ tôi kê thuốc uống. Cái ngón chân thì nhớ thay băng sạch sẽ, để khô ráo.

Ông ấy cứ thế tỉ mỉ dặn dò tôi cách uống thuốc, chế độ dinh dưỡng, cách phòng bệnh cảm… Tôi thở dài, đúng là khám dịch vụ có khác, đáng đồng tiền bát gạo.

Vị bác sĩ nói lâu đến nổi lúc tôi mơ mơ, tỉnh tỉnh, sắp ngủ gật mới nói xong. Câu cuối cùng ông nhắn lại là:

- Anh kia về nhớ nhắc nó. Nãy giờ tôi nói chả biết nó nghe gì không?

Cũng may anh ta ghi nhớ hết, trước khi đưa tôi về đã ghi lại cẩn thận rồi nhét lại vào bọc thuốc cho tôi.

Hôm đó anh ta chắc hẳn cũng thân tàn ma dại, bởi đã rất có tình người mà theo tôi đi khắp khắp bệnh viện. Lúc thì dìu tôi, lúc lại ngó nghiêng tìm phòng này kia. Còn chạy qua chạy lại đóng tiền dùm tôi.

Khi được chở về đến dưới nhà tôi cũng không nghĩ được nhiều, chỉ nói được mấy lần cảm ơn rồi lên phòng, chẳng mấy chốc nằm trên giường ngủ thiếp đi.

Giờ đã khỏi bệnh, tôi nghĩ mình nên cảm ơn anh ta lại thật đàng hoàng.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui