Lá nằm trong lá


Trước khi vào truyện
Đôi khi tôi nằm mơ, những giấc mơ mùa hè với rất nhiều gió thổi qua cành dương liễu chạy dọc hàng rào ngôi trường thời trung học.
Năm đó, tôi học lớp chín. Một năm đáng nhớ, với rất nhiều mối tình đầu nảy nở ở cái tuổi chuẩn bị đặt chân vào cấp ba.
Đã có rất nhiều cặp đôi trong bọn tôi vào năm cuối cấp lắm chuyện vui buồn đó.
Chúng tôi thường chở nhau đi bằng xe gắn máy, bằng cách bịa ra đủ thứ lý do chính đáng để lừa các ông bố giao chìa khóa xe ình.
Từng cặp, cả bọn đèo nhau đi vào rừng sim, đi trên bãi đá Tiên Nông hay ra sông Ly Ly – những nơi chốn nên thơ nhất trong thị trấn.
Ra suối, bọn con trai cởi hết quần áo ném trên bờ, chỉ mặc độc cái quần xà lỏn nhào xuống nước, thi bơi chán lại chia làm hai phe, một phe leo lên một mỏm đá nhô giữa sông trấn giữ, còn phe kia cố sức đánh chiếm.
Trong khi bọn con trai bì bõm vật nhau và hò hét ầm ĩ, bọn con gái ngồi túm tụm dưới những rặng tre ngà, thủ thỉ trò chuyện và nhằn hạt dưa đem theo trong cặp sách.
Tôi không biết bọn con gái nói gì với nhau trong những lúc đó, thậm chí suốt những năm tháng đó. Ngay cả lúc ngồi sau yên xe, Thỏ Con nói với tôi những gì và tôi đã trả lời nó như thế nào, tôi cũng không nhớ rõ. Những giấc mơ cũng chẳng giúp tôi biết nhiều hơn, khi những trường đoạn Thỏ Con xuất hiện bên cạnh tôi những lúc riêng tư bao giờ cũng giống như những khúc phim câm.
Có lần mẹ tôi bất ngờ xuất hiện trong những thước phim. Phát giác ra tôi cùng chiếc honda biến mất khỏi nhà ngay sau giờ cơm, mẹ tôi lặn lội đạp xe đạp đi kiếm tôi giữa trưa nắng chang chang. Chẳng phải mẹ tôi khắt khe gì với tôi, chẳng qua bà sợ ba tôi thức dậy sẽ biết tôi đánh cắp chìa khóa xe của ông rong chơi cùng bạn bè.
Trước khi tìm thấy tôi đang lặp ngụp giữa con sông Ly Ly, tôi đoán mẹ tôi đã lùng sục nhiều nơi khác.
Bà giận dữ gom hết quần áo của tôi và ba thằng bạn, cột thành một nùi trên yên xe sau, định bỏ về. Tôi chắc là bà rất mệt sau cuộc trường chinh tìm kiếm thằng con lêu lổng nên bà mới giận đến thế.
Bốn đứa tôi đứng dưới sông, trông thấy mồn một cảnh mẹ tôi hăm hở tịch thu quần áo nhưng với những chiếc quần đùi mỏng teng dính bết vào đùi, chẳng đứa nào dám bước lên bờ.
- Cô ơi, cô! Tụi con lạy cô! Cô trả quần áo cho tụi con đi cô!
Trong khi ba thằng bạn tôi đứng ngâm nửa người dưới nước gân cổ đồng ca thì tôi chỉ biết mếu máo:
- Mẹ ơi!
Hôm đó, cuối cùng thì mẹ tôi cũng trả lại cho bọn tôi mớ quần áo, tất nhiên phần lớn nhờ những tiếng năn nỉ thảm thiết của bọn con gái đang vây quanh mẹ tôi. Tụi nó vừa túm ghi-đông xe vừa làm cách nào đó chỉ có tụi nó biết khiến cho nước mắt chảy vòng quanh như thể cả bọn sắp ngất.
Nhưng mọi chuyện không dừng lại ở đó. Mẹ tôi còn trở lại giấc mơ niên thiếu của tôi nhiều lần nữa. Như những gì tôi sắp kể ra sau đây…
Tôi cặp kè với Thỏ Con suốt một năm trời mà chẳng nhớ nổi tụi tôi đã tâm tình với nhau gì đặc biệt, có lẽ vì tụi tôi yêu nhau theo cái kiểu trẻ con học đòi làm người lớn.
Tôi chở Thỏ Con lượn vòng vèo ngoài đường với vẻ kiêu hãnh của người chở một chiếc tivi đời mới, nhằm khoe khoang hơn là biết cách sử dụng cái tivi đó. Thực tình thì bao nhiêu lần dắt nhau ra sông, chui rúc vào rừng sim hay giữa các khe đá của bãi Tiên Nông, tụi tôi chưa hôn nhau một cái nào.
Tôi hỏi tụi thằng Hòa, thằng Sơn, thằng Thọ, hóa ra tụi nó cũng thế. Cũng như tôi, tụi nó chở đám Cúc Tần, Xí Muội, Hạt Dưa đi loăng quăng những chốn thơ mộng rốt cuộc cũng chỉ để rút máy ảnh ra bấm tanh tách, kiếm vài pô hình về nhét đầy album làm kỷ niệm học trò.
Cái trò yêu đương nhăng nhít này do thằng Thọ bày ra. Nó lớn hơn tụi tôi ba tuổi mặc dù cả bọn đều ngồi chung một lớp.
Một ngày, Thọ rút trong cặp ra một cuốn sổ các-nê khoe tôi.
- Gì vậy? – Tôi không cầm lấy ngay mà nhìn cuốn sổ, tò mò hỏi.
- Mày xem đi! – Thọ nheo mắt đẩy cuốn sổ về phía tôi.
Tôi vớ lấy cuốn sổ, lật lật vài trang, miệng xuýt x
- Ôi! Của mày à? Làm sao mày có được?
Đối với bọn tôi hồi đó đi học toàn được ba mẹ sắm cho loại tập “100 trang tính luôn bìa”. Đứa nào có được cuốn tập 200 trang đã là một báu vật. Còn một cuốn các-nê là điều gì đó thật đặc biệt. Bìa cứng, không sợ quăn. Trong ruột, không phải là giấy kẻ dòng song song như tập học trò. Đây là giấy kẻ ca-rô. Bạn muốn vẽ hình trang trí, muốn viết chữ N, chữ O… thật to và thật ngay ngắn, giấy ca-rô là một phương tiện tuyệt vời.
- Tao đánh cắp của mẹ tao.
Nhà thằng Thọ là tiệm tạp hóa lớn ở Hương An. Điều này về sau tôi mới biết vì thỉnh thoảng nó mới về nhà. Phần lớn thời gian Thọ ở nhà ông chú, chủ tiệm bánh mì ở bến xe thị trấn, để đi học cho gần. Tôi có ghé nhà nó chơi mấy lần, lần nào cũng sung sướng khi nó đánh cắp bánh kẹo trong lọ để đãi tôi. Bây giờ nghe nó bảo nó đánh cắp, tôi tin ngay.
- Mày đọc đi! – Thọ giục, khi tôi mải săm soi cuốn sổ mà chưa chịu xem nó viết gì trong đó.
Cuốn sổ các-nê của Thọ chép toàn thơ. Thơ Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Đinh Hùng.
- Hay không? – Tiếng Thọ bên tai.
Tôi nhẩm đọc “Ta yêu em, mê từng ngón bàn chân/ Mắt nhắm lại để lòng nguôi gió bão” và gật gù:
- Hay!
- Mày lật ngược cuốn sổ lại đi!
Tôi lật ngược cuốn sổ và giở ra. Lại thơ. Lần này là thơ của thi sĩ có cái tên rất kêu: Lãnh Nguyệt Hàn.
Tôi đọc thơ Lãnh Nguyệt Hàn: “Tôi gọi tên em là Hạt Dưa/ Em trồng mùa nắng hái mùa mưa”…
- Hay không? – Lại tiếng Thọ hỏi. Tôi nghe rõ nó đang nuốt nước bọt - Hay!
Mắt Thọ sáng trưng:
- Mày biết Lãnh Nguyệt Hàn là ai không?
- Là ai?
- Là tao đấy
- Là mày? - Lãnh Nguyệt Hàn là bút danh của tao.
- Bút danh của mày à? Thế nó có nghĩa là gì?
- Là trăng lạnh
Tôi tròn mắt:
- Nhưng “lãnh” là lạnh, “hàn” cũng là lạnh…
- Tao muốn trăng của tao thật lạnh. Trăng của tao là trăng ở Bắc cực!
- Thế Hạt Dưa là đứa nào? – Tôi lái sự quan tâm của tôi sang phía khác, mặc dù tôi không biết tại sao Thọ lại muốn làm trăng ở Bắc Cực
Thọ nheo mắt:
- Đó là con Lan sún. Nó chuyên ăn hạt dưa, mày cũng biết rồi đó. Ăn đến mẻ răng luôn!
- Thế mày thích nó à?
- Ừ. – Thọ nhịp nhịp tay lên bàn, nói bằng cái giọng như thể cả thế giới đã đồng ý với nó từ lâu rồi – Mày cũng phải thích một đứa nào đó. Tụi thằng Sơn, thằng Hòa cũng vậy. Mỗi thi sĩ phải có một nàng thơ của mình
- Tại sao phải là ba đứa tao?
- Vì ba đứa mày là tinh hoa của lớp. Tao đã đọc thơ của ba đứa mày năm ngoái. Đó là những bài hay nhất trên báo tường của lớp,
Được Thọ xếp vào hạng tinh hoa, tôi sướng rơn. Và dễ dãi:
- Ừ, tao sẽ cố thích một đứa.
Đứa đó là Thỏ Con. Dĩ nhiên Thỏ Con là tôi đặt tên cho nàng thơ của tôi.
Tên thật của nàng là Nguyễn Thị Giàu – một cái tên hợp với lãnh vực kinh doanh hơn là thi ca.
*
*      *
Sau khi nhỏ Lan sún biến thành Hạt Dưa, nàng Nguyễn Thị Giàu hóa thành Thỏ Con, hai nàng lọ lem khác trong lớp tôi cũng nhanh chóng khoác lên mình những cái tên mỹ miều: Cúc Tần và Xí Muội.
Các nàng tập hợp quanh bốn nhà thơ Lãnh Nguyệt Hàn, Cỏ Phong Sương, Trầm Mặc Tử và Hận Thế Nhân – những bút danh mà bây giờ nhớ lại chẳng thấy khác gì bốn hũ mứt để ngoài gió (có thể chảy nước bất cứ lúc nào). Những bút danh kêu rổn rảng đó có vẻ phù hợp với một gánh cải lương hơn là một bút nhóm văn chương. Nhưng lúc đó bọn tôi rất vênh vang với những bút danh xủng xoẻng và lòe loẹt đó.
Việc thành lập bút nhóm cũng do Thọ bày ra. Lúc này nó đã là trưởng ban báo chí của lớp, rồi nhanh chóng thăng tiến lên chức trưởng ban báo chí của trường.
Một hôm, nó tập hợp bọn tôi tại quán cà phê trước cổng trường:
- Tụi mình phải thành lập một bút nhóm.
- Để làm gì? – Thằng Hòa thắc mắc.
- Hỏi ngu! – Thọ nhún vai – Sao lại để làm gì? Mày có biết nhóm Tự Lực văn đoàn không?
- Biết. Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam…
Thọ chém tay vào không khí:
- Tụi mình sẽ là những Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam trong tương lai.
Nó chém gió thêm một cái nữa:
- Do đó, tụi mình phải thành lập bút nhóm.
Viễn ảnh Thọ vẽ ra huy hoàng đến mức chẳng đứa nào buồn thắc mắc tại sao phải có bút nhóm mới có thể trở thành những nhà văn lớn được. Những Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan, Tô Hoài có thuộc bút nhóm hay văn đoàn nào đâu. Tưởng tượng mình sẽ trở thành Nhất Linh, Khái Hưng, mũi đứa nào đứa nấy thi nhau khụt khịt và trong khi bị vinh quang làm cho lóa mắt, chẳng đứa nào nghi ngờ gam màu tươi sáng thằng Thọ vừa phết bừa lên bức tranh tương lai và dĩ nhiên ba cái đầu cùng gật.
Có bút nhóm thì phải có tên của bút nhóm.
Cỏ Phong Sương, Trầm Mặc Tử và Hận Thế Nhân hào hứng đề nghị hết tên này đến tên khác nhưng đều bị Lãnh Nguyệt Hàn thô bạo gạt phắt:
- Dở!
- Nhảm!
- Tầm thường!
Sau khi chê bai ba đứa tôi không tiếc lời (bằng bộ mặt lạnh băng như.. trăng Bắc cực), Thọ chép miệng:
- Đầu óc tụi mày kém quá! Nghe đây nè! Bút nhóm của mình là bút nhóm Mặt Trời Khuya!
Sơn há hốc miệng:
- Mặt Trời Khuya?
- Ừ.
Hòa gãi tai:
- Khuya làm gì có mặt trời? Coi chừng người ta kêu mình hâm!
- Lại hỏi ngu! – Thọ quắc mắt – Văn chương bao giờ cũng đòi hỏi sự độc đáo, hiểu chưa? Khả năng của văn chương là biến những điều không thể thành có thể, hiểu chưa?
Cứ nói một câu, thi sĩ Lãnh Nguyệt Hàn lại đệm hai tiếng “hiểu chưa”, y như gí súng vào người đối diện.
Tôi “chưa hiểu” nhưng không muốn bị thằng Thọ mắng ngu, nên lật đật đáp:
- Hiểu rồi!
Thằng Sơn cũng hoan hỉ “Hiểu rồi” nhưng nhìn bộ mặt đực ra như ngỗng ỉa của nó tôi ngờ nó cũng không hiểu gì sất.
*
*      *
Để bút nhóm Mặt Trời Khuya có đất dụng võ, Thọ lại đánh cắp của mẹ nó một cuốn sổ các-nê khác.
Trang đầu tiên của cuốn sổ, Thọ kẻ bằng mực đỏ thật đậm, chữ nào chữ nấy to cồ cộ: BÚT NHÓM MẶT TRỜI KHUYA.
Ngay bên dưới là một tuyên ngôn hết sức khệnh khạng: “TƯƠNG LAI CỦA VĂN CHƯƠNG NƯỚC NHÀ”
Tiếp theo là dòng chữ nhỏ hơn: SÁNG TÁC VĂN THƠ.
Cuối trang là tên bốn thành viên được đóng khung trang trọng.
Chung quanh được trang trí bằng hoa lá, chim bay cò bay nhìn rối cả mắt. Tất nhiên không thể thiếu mặt trời. Mặt trời khuya.
Tôi nhìn trang sổ chằng chịt những chữ và hình bằng ánh mắt kính cẩn:
- Mày vẽ đấy à?
- Tao thức suốt đêm qua đấy. – Thọ kể công
Hòa ngơ ngác:
- Bọn mình làm gì với cuốn sổ này?
Thằng Hòa là chuyên gia “hỏi ngu” nhưng lần này Thọ không buồn mắng nó.
Nó lật qua trang kế tiếp, kiêu hãnh chỉ tay vào bài thơ của Lãnh Nguyệt Hàn:
- Đây là bài thơ của tao. Tao là người mở đầu
Nó đập tay lên vai tôi:
- Thi sĩ Cỏ Phong Sương sẽ là người kế tiếp.
Nó giúi cuốn sổ vào tay tôi:
- Mày cầm về, sáng tác được gì viết vào đây. Sau đó chuyền cuốn sổ cho đứa khác. Cứ xoay vòng như thế.
Văn thơ (thực ra cả bốn đứa tôi đều làm thơ) của bút nhóm Mặt Trời Khuya không chỉ có đề tài tình yêu. Bọn tôi còn viết về tình bạn, tình thầy trò, tình quê hương nhưng đã là nhà văn nhà thơ thì dứt khoát phải có.. người yêu, nếu không chỉ làm được những bài thơ, bài văn vứt đi, Thọ quả quyết thế
Không phải tự nhiên mà các nàng Hạt Dưa, Thỏ Con, Cúc Tần, Xí Muội quấn quít quanh bọn tôi. Tất cả là do mưu kế và miệng lưỡi của Thọ.
Nó gặp bốn nàng thơ, đề nghị các nàng vào ban báo chí của nhà trường.
Quyền lợi của ban báo chí là gì? Đó là thỉnh thoảng được nghỉ học để đi… làm báo, tức là đi mua giấy, đi đánh máy, đi quay ronéo – toàn chuyện trọng đại. Từ khi nhậm chức trưởng ban báo chí của trường, Thọ nảy ra sáng kiến làm đặc san dưới hình thức in ronéo.
Các trường bạn cũng làm đặc san vào dịp Tết. Riêng trường tôi, Thọ bày ra đặc san Mùa Thu, đặc san Mùa Xuân rồi đặc san Mùa Hè. Thầy hiệu trưởng vốn thích văn chương, thi sĩ Lãnh Nguyệt Hàn tha hồ thao túng.
Thế là ban báo chí gần như chuồn học quanh năm.
Gì chứ được nghỉ học là bọn học trò mê tít, nhất là được nghỉ những tiết phải lên bảng trả bài.
Bọn Thỏ Con, Cúc Tần nghe Thọ hứa hẹn khoản “nghỉ học”, gật đầu không nghĩ ngợi. Nhờ công của Thọ, bốn chàng thi sĩ của bút nhóm Mặt Trời Khuya đi đâu cũng có bốn nàng thơ kè kè bên cạnh.
Cái cách bọn tôi chuồn khỏi lớp mới thật là oai. Trống đổi tiết vừa vang lên, cả bọn lục đục thu dọn sách vở vô cặp sách
Cô Hiền vừa xuất hiện chỗ cửa lớp, Thọ đã dẫn đầu ban báo chí rồng rắn bước ra khỏi bàn, lễ phép:
- Thưa cô, tụi em xin phép cô được nghỉ tiết hôm nay để đi… làm báo ạ.
Cô Hiền vui vẻ:
- Các em đi đi! Cô đã được thầy hiệu trưởng báo rồi. Thế là cả bọn hiên ngang đi lướt qua mặt cô giáo trước ánh mắt ngưỡng mộ và ghen tị của tụi bạn.
Oách như vậy, làm sao bọn con gái không mê!
*
*      *
Cô Hiền dạy môn sinh vật, nhưng lại thích văn thơ.
Tôi thích văn thơ nhưng lại không thích học môn sinh vật.
Tuần nào tôi cũng xúi Thọ lựa tiết sinh vật để xin đi làm báo.
Cô Hiền, người giống như tên, chẳng phàn nàn gì về chuyện ban báo chí cứ nhè tiết dạy của cô mà chuồn ra ngoài.
Hồi đầu năm, có lần thấy bọn tôi chuyền tay nhau cuốn các-nê của bút nhóm Mặt Trời Khuya, cô bảo đưa cô xem.
Trong khi cô ngồi xem sáng tác của bọn tôi thì bọn tôi hồi hộp ngóc cổ ngồi xem cô. Thấy cố mê mải, quên cả dò bài, Thọ khều tôi:
- Mày thấy không? Cô đọc say sưa! - Ờ. Tôi gật đầu, sung sướng chưa được năm giây đã cụt hứng khi Thọ vênh mặt: - Cô đọc thơ của tao đấy!
Bọn tôi nghỉ học môn sinh vật hoài, lòng không khỏi ái ngại.
Một hôm, tôi bảo Thọ:
- Tối nay tụi mình lên nhà cô Hiền chơi!
- Mày biết nhà cô ở đâu không?
- Cô và cô Mười trọ ở tiệm thuốc bắc Xuân Lan Đường.
Cô Hiền và cô Mười từ thành phố về đây dạy học nên phải ở nhà trọ. Cô Mười là giáo viên của trường nhưng không dạy bọn tôi. Nhưng tôi biết cô Mười rất quý bút nhóm Mặt Trời Khuya. Cô Hiền thỉnh thoảng vẫn mượn cuốn sổ các-nê của bọn tôi đem về nhà đọc. Tôi không biết cô thích gì trong đó. “Dĩ nhiên là cô đọc thơ tình của thi sĩ Lãnh Nguyệt Hàn”, Thọ nói giọng chắc như đinh đóng cột.
Tôi không biết Thọ đúng không, nhưng cô Hiền đọc chắc chắn cô Mười thế nào cũng đọc. Nếu không, mỗi lần tình cờ giáp mặt bọn tôi trên trường, cô không mỉm cười với đuôi mắt nheo nheo tuyệt đẹp như thế.
Cô Mười không dạy lớp tôi, nhưng có vẻ cô biết rõ từng thành viên trong bút nhóm Mặt Trời Khuya.
Thọ vung tay:
- Dĩ nhiên cô Hiền đã hãnh diện giới thiệu bọn mình với cô Mười. Giờ ra chơi, chắc chắn hai cô đứng trong phòng giáo viên ngắm trộm bọn mình qua cửa sổ.
Nó hùng hồn mô tả, chi tiết và sống động cứ như thể lúc đó nó đứng ngay sau lưng hai cô:
- Cô Hiền chỉ tay vào từng đứa, sung sướng nói “Kia là thi sĩ Cỏ Phong Sương”, “Còn đây là thi sĩ mặt mụn Hận Thế Nhân”… “Còn anh chàng đẹp trai này là thi sĩ Lãnh Nguyệt Hàn”…
- Đẹp trai cái đầu mày! – Thằng Sơn nổi cáu – Tao mặt mụn còn hơn mày mặt rỗ!
- Lại thêm một thằng ngu! – Thọ trừng mắt – Mặt rỗ là dấu hiệu của thiên tài! Nó toát ra vẻ đẹp… tinh thần, hiểu chưa?
Thiên tài Lãnh Nguyệt Hàn giành là người đầu tiên gõ cửa tiệm thuốc bắc Xuân Lan Đường.
- Chào cô ạ.
Nó cúi đầu lễ phép khi nhác thấy cô Hiền bước ra.
Cô Hiền có vẻ ngạc nhiên trước sự xuất hiện bất ngờ của bốn chàng thi sĩ. Cô tròn mắt ra một lúc, ngay sau đó cô nhoẻn miệng cười:
- A, chào các em. Các em đi thăm cô đấy à?
Cô vẫy tay niềm nở:
- Các em vào nhà đi!
Phòng của cô bày biện đơn sơ nhưng ngăn nắp. Sách vở chất đầy một ngăn tủ nhỏ. Một chiếc đàn tranh trên vách. Trên bàn, cạnh xấp bài cô chấm dở là một lọ hoa tươi – hoa cúc vàng chắc cô xin ở nhà ai.
Thấy bọn tôi đứng khép nép cạnh cửa phòng, cô mỉm cười:
- Các em ngồi đi!
Trong phòng chỉ có bốn chiếc ghế con nên bốn đứa tôi ngần ngại đưa mắt nhìn nhau.
Cô Mười vén tóc, cười nói:
- Các em cứ tự nhiên! Cô và cô Hiền ngồi trên giường được rồi!
Cô Mười cười với bọn tôi bằng mắt ngay từ lúc bọn tôi bước vào. Trông cô vui tính và thân thiện, cảm giác cô có thể cười suốt ngày. Đợi bọn tôi ngồi xuống ghế, cô Hiền chỉ tay vào từng đứa vui vẻ giới thiệu:
- Học trò mình đó, Mười.
Lạ lùng là cái cách cô giới thiệu sau đó giống hệt những gì thằng Thọ tưởng tượng:
- Kia là thì sĩ Cỏ Phong Sương! Còn đây là thi sĩ Hận Thế Nhân… Còn anh chàng này là thi sĩ Lãnh Nguyệt Hàn…
Tất nhiên, các từ “mặt mụn” và “đẹp trai” không có trong câu nói của cô.
Cô Mười lặng yên quan sát bọn tôi, miệng tủm tỉm trong khi bọn tôi nóng ran mặt mày vì sung sướng và cả vì mắc cỡ trước lời giới thiệu trang trọng của cô Hiền.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui