Khi nói như vậy chắc Thọ đang hối hận về việc nó đã giải thích bức “mật mã” cô Hiền gửi gắm trong sổ học bạ của tôi. Chắc nó đang thầm chửi nó ngu (hi vọng là vậy, vì trước nay chỉ toàn thấy nó mắng người khác ngu!). Thọ càng run khi tôi vẫn giữ bộ mặt lầm lì, không đáp trả một tiếng nào.
Tối nay chỉ có hai đứa tôi đến nhà cô Hiền. Tôi không muốn đi đông, vì có nhiều người quá tôi sợ tôi sẽ không nỡ nhẫn tâm kể tội cô.
Tôi chỉ có Lãnh Nguyệt Hàn bên cạnh. Nó là người giải mã, là bằng chứng sống, nếu cô Hiền hỏi vặn tôi sẽ đùn cho nó giải thích.
Thọ dường như biết ý đồ của tôi, nhưng nó không thể không đi theo. Nó không muốn mang tiếng phản bạn, nhưng sau này nó thú nhận sở dĩ nó đi theo tôi là nhằm chặn họng (hoặc chặn tay) tôi nếu tôi liều lĩnh một cách ngu ngốc.
Cô Hiền đón hai đứa tôi bằng vẻ niềm nở quen thuộc: - Chào hai em.
Cô Mười ngạc nhiên:
- Sao hôm nay chỉ có hai em đến thăm tụi cô vậy? Còn hai em kia đâu?
Thọ chà tay lên chóp mũi, ngập ngừng:
- Dạ, bạn Hòa và bạn Sơn hôm nay bận ạ.
Thọ đáp lời cô Mười nhưng lại nhìn tôi, như muốn bằng ánh mắt ngăn tôi thốt ra một câu bá láp, đại loại như “Hôm nay tụi em đến đây để giải quyết ân oán giang hồ chứ không phải đi chơi ạ”.
Có lẽ tôi định buột miệng một câu gì tương tự như thế thật nhưng rốt cuộc tôi đã không nói gì. Tôi im lặng không phải vì ánh mắt đe dọa của thi sĩ Lãnh Nguyệt Hàn mà vì tôi chợt phát hiện căn phòng trọ của cô Hiền và cô Mười hôm nay trông khang khác.
Tôi nhìn quanh, chớp mắt mấy cái, nhận ra cây đàn tranh không còn trên vách. Cả mớ sách vở trên ngăn tủ nhỏ cũng biến mất. Chỉ còn mỗi lọ hoa trên bàn nhưng trong lọ chùm hoa phượng đỏ đã thay chỗ cho hoa cúc vàng.
Tôi đảo mắt, lòng bất giác se lại khi bắt gặp những thùng các tông nằm ở góc phòng, cạnh hai chiếc vali và túi đựng đàn.
- Cô sắp về thành phố hả cô? – Tôi ngước nhìn cô Hiền, bâng khuâng hỏi.
- Ờ, sắp hè rồi mà em.
Tự nhiên tôi nhớ ra sang năm bọn tôi không được học với cô nữa. Bọn tôi cũng không còn cơ hội đến chơi với cô thường xuyên. Lên cấp ba, khi bọn tôi rời thị trấn ra thành phố học thì cô và cô Mười đã rời thành phố về đây dạy. Cuối tuần lúc bọn tôi về thị trấn thăm nhà, cô và cô Mười lại về thành phố thăm ba mẹ. Ging như sao Mai với sao Hôm, quay hoài mà chẳng gặp.
Ý nghĩ đó khiến tôi bất giác chạnh lòng và trong một lúc tôi không thể nào dời mắt khỏi lọ hoa trên bàn như bị nhành phượng đỏ thôi miên, lòng không biết hướng cảm xúc của mình vào đâu. Tôi như quên bẵng tối nay mình đến tìm cô để làm gì.
Thọ dường như đọc được những rối ren trong đầu tôi, nó không buồn giới hạn tia nhìn của nó vào mặt tôi để đề phòng và ngăn ngừa nữa. Nó quay sang cô Hiền và cô Mười, cất giọng buồn bã (hoặc cố tỏ ra buồn bã để đánh quỵ ý chí của tôi luôn cho rồi):
- Vậy là sắp tới tụi em sẽ không còn được gặp lại hai cô nữa, phải không cô?
Nỗi buông là thứ hay lây. Chắc cô Hiền bị vẻ mặt ảm đạm của tôi và giọng điều u sầu của thằng Thọ ru vào tâm trạng của kẻ sắp “sinh ly tử biệt” nên tôi thấy mắt cô hoe hoe đỏ và khi nghe cô nói thì giọng cô còn giống kẻ sắp chết hơn cả thằng Thọ, nghe buồn rười rượi:
- Cô cũng không biết nữa, các em ạ.
Cả cô Mười hay cười lúc này cũng không cười nữa. Đúng ra thì cô có cười, nhưng cô cười như mếu (nên không tính là cười):
- Ngồi xuống ghế đi các em!
Căn phòng trọ Xuân Lan Đường tối hôm đó như nhuộm một màu xa vắng và mọi khuôn mặt như được đẽo từ những khối sầu.
Chỉ đến khi hai khối sầu là tôi và thằng Thọ ngồi xuống ghế và khối sầu thứ ba là cô Hiền bắt đầu hỏi về Mã Phú thì bầu không khí mới nhen lên một chút ấm áp:
- Truyện Chàng chăn ngựa của nhà vua kết thúc chưa, các em?
- Dạ, tạm thời kết thúc phần một ạ. – Thọ lễ phép – Tuần sau, tụi em sẽ tặng hai cô cuốn đặc san Mùa Hè, trong đó có in trọn vẹn truyện này.
- Hay quá! – Cô Mười reo lên và tôi bắt gặp nụ cười đang thấp thoáng quay về trên môi cô.
Cô Hiền chớp mắt:
- Hôm đó, các em nói cho cô biết Mã Phú là em nào nhỉ?
- Thưa, là bạn Xí Muội ạ. – Tôi nhanh nhẩu.
Cô Hiền mỉm cười, và câu nói kèm theo khiến nụ cười quen thuộc của cô bỗng trở nên bí ẩn:
- Cô cũng nghe học sinh trường mình nói thế, nhưng cô biết Xí Muội không phải là Mã Phú.
- Thưa cô… Thọ ấp úng đáp, vừa nghiêng người qua một bên, hoàn toàn không ý thức, giống như một con thuyền thình lình bị sóng đánh.
- Em không gạt cô được đâu. – Cô Hiền nhìn chằm chằm vào mắt Thọ, từ tốn nói, giọng tự tin đến mức có cảm tưởng cô đang đứng trước bảng và giảng cho hai đứa tôi về môn sinh vật – Cốt truyện đó, cách viết đó, những chi tiết trong đó không thể nào do một cô gái viết ra.
Ánh mắt cô đi qua đi lại giữa tôi và Thọ:
- Cô nói đúng không, các em?
Tôi trả lời bằng cách quay nhìn thủ lĩnh Lãnh Nguyệt Hàn vì tôi biết trong những trường hợp gay cấn như thế này tôi chỉ có thể trả lời bằng cái miệng của nó.
Cái miệng nó lúc này đang há ra, không phải để đáp lời cô giáo (cũng không phải để cắn cô) mà giống như đang bị một lưỡi câu vô hình móc phải và kéo mạnh.
Tôi trân trân nhìn cái miệng đang mở to của Thọ, hồi hộp như đang nhìn vào một cái hang và nơm nớp lo sợ có con gì trong đó nhảy ra hay không.
Nhưng rốt cuộc chả có con gì hay cái gì nhảy ra hết. Chỉ có lời dặn dò của cô Hiền vang lên bên tai:
- Hôm đó các em nhớ nói cho cô biết đó nhé!
Cô Hiền nheo mắt lặp lại yêu cầu lúc nãy, dường như cô không đủ kiên nhẫn đợi thằng Thọ trả lời là đúng hay không, cũng có thể cô xem các cơ mặt đang cứng như gỗ của nó có giá trị còn hơn một lời thú nhận.
Cho đến lúc đó quai hàm Thọ mới bắt đầu nhúc nhích và nó bắt đầu tìm lại được tiếng nói. Chỉ để nói một câu yếu xì - Dạ. Trên đường về, tôi hỏi Thọ:
- Thế là mình buộc phải tiết lộ sự thật về thằng Lợi cho cô Hiền biết hả mày?
- Ờ. – Thọ thở dài – Cô rất tinh, tụi mình không thể giấu cô được.
Lần đầu tiên tôi thấy một Lãnh Nguyệt Hàn ủ ê trong vai trò người thua cuộc, thậm chí nó nói về kẻ chiến thắng bằng giọng khâm phục không giấu giếm.
Tôi ngập ngừng:
- Nhưng thằng Lợi không muốn bất cứ ai biết nó là Mã Phú.
- Mình sẽ hỏi ý kiến nó. Nếu nó đồng ý, mình mới nói cho cô Hiền biết.
Tôi thót bụng lại:
- Thế nhỡ nó không đồng ý?
- Thì một trong bốn đứa tụi mình phải đóng vai Mã Phú. – Thọ nói ngay, gần như không nghĩ ngợi, như thể nó đã dự liệu hết mọi tình huống, chỉ đợi ai hỏi là phun ra.
Ý của Thọ không phải là tồi, nhưng tôi vẫn phấp phỏng:
- Liệu cô Hiền có tin không?
Thọ vỗ vai tôi, rõ ràng bằng động tác đó nó muốn dập tắt nỗi lo vừa chớm trong lòng tôi (nhưng khi nó nói ra thì tôi biết tôi hoàn toàn yên tâm mà không cần đến động tác đó của nó):
- Cô Hiền chỉ không tin Mã Phú là bút danh của một đứa con gái thôi. Tao không nghĩ cô siêu đến mức đoán được Mã Phú là đứa nào trong bút nhóm!
Tối đó trước khi chia tay trước cổng chợ, tôi và Thọ quyết định sẽ nói chuyện thẳng thắn với thằng Lợi càng sớm càng tốt về đề nghị của cô Hiền, xem nó phản ứng thế nào.
Nhưng sáng hôm sau, tôi và Thọ vừa đặt chân vào lớp, mới nhét cặp vào ngăn bàn, Xí Muội không biết từ đâu hối hả xô lại
- Mấy ông ra đây!
Xí Muội dẫn tụi tôi vòng ra phía sau trường, lúc này đã có thêm Hòa, Sơn và Cúc Tần lẽo đẽo đi theo.
- Làm gì đi tuốt ra ngoài này vậy?
Thọ nhăn nhó, nhưng khi nghe Xí Muội thì thầm”Tôi gặp nhỏ Duyên rồi” thì mắt nó lập tức sáng lên:
- Sao?
Xí Muội không trả lời, chỉ có cặp mắt nó láo liên quét dọc các hành lang, chân vẫn không ngừng bước. Đến khi tin rằng cả bọn đã đi đủ xa và đủ khuất để thằng Lợi và nhỏ Duyên không thể nào nhìn thấy, Xí Muội mới dừng lại.
Nó chưa kịp nói, Sơn đã nôn nóng hỏi:
- Bạn có hỏi con nhỏ đó tại sao nó ghét thằng Lợi không?
Xí Muội lườm Sơn, “xì” một tiếng:
- Ai lại hỏi thẳng tuột như thế! Tôi chỉ trò chuyện lòng vòng thôi.
Xí Muội thoắt nghiêm mặt lại:
- Nhưng nhỏ Duyên có tiết lộ một điều cực kì quan trọng: Ba nó không phải là cậu của Lợi.
- Là sao? – Năm cái miệng cùng bật kêu.
- Lợi là con rơi của ba nó. Là anh cùng cha khác mẹ của nhỏ Duyên.
Y như Xí Muội vừa cho nổ một khối bộc phá. Những cẳng chân như muốn nhảy bắn lên và những bộ mặt lật đật chĩa vào nhau như thể đứa này đang so với đứa kia xem bộ mặt đứa nào sửng sốt hơn.
Như vậy là đã rõ.
Trước đây bọn tôi suy đoán nhỏ Duyên không ưa thằng Lợi vì ba nó tự nhiên đem thằng anh họ này về nuôi, làm nhà nó thêm tốn cơm chật đất. Bây giờ biết ra Lợi là con riêng ba nhỏ Duyên, cái sự ghét bỏ của con nhỏ này đối với Lợi càng thêm dễ hiểu.
- Thế biết thằng Lợi là tác giả truyện Chàng chăn ngựa của nhà vua em>không? – Hòa tò mò hỏi.
- Không. – Xí Muội lắc mái tóc – Nó vẫn đinh ninh Mã Phú là tôi.
Giọng Xí Muội chuyển sang hào hứng: - Nó mê truyện này lắm. Nó còn kêu tôi ký tên vô cuốn tập chép truyện của nó nữa.
Cúc Tần thở ra:
- Nếu biết Lợi là Mã Phú chẳng biết thái độ của nhỏ Duyên ra sao há?
Câu hỏi của Cúc Tần như ném vào gió. Chẳng cái miệng nào trả lời, vì thực ra chẳng đứa nào biết tâm trạng của nhỏ Duyên sẽ như thế nào nếu điều đó xảy ra.
Thi sĩ Lãnh Nguyệt Hàn là đứa đầu tiên mở miệng, nhưng không phải để giải đáp thắc mắc của Cúc Tần:
- Như vậy chẳng lẽ thằng Lợi gạt tụi mình. Nó bảo ba nhỏ Duyên là cậu nó kia mà!
Thằng Lợi bị bọn tôi kéo ra quán cà phê trong giờ ra chơi. Trông nó chẳng tỏ vẻ hào hứng gì, thậm chí nó đi theo bọn tôi mà mặt mày nơm nớp. Có lẻ nó linh cảm bọn tôi lôi nó ra quán không phải để đãi nó uống cà phê, mặc dù Thọ luôn miệng lải nhải “Sắp nghỉ hè rồi, ra ngồi chơi với tụi tao chút đi”.
Trước đây, chẳng bao giờ Lợi bén mảng quán xá. Bọn tôi chèo kéo nó vài lần không được đâm chán chẳng thèm rủ nữa. Nhưng hôm nay trước quyết tâm của cả bọn. Lợi đành gượng gạo đi theo. Một đám phía trước một đám phía sau, thằng Lợi bị kè ở giữa, cứ thế tuôn thằng ra cổng, trông rất giống cái cảnh cả bọn vừa đẩy vừa lôi một chiếc xe chết máy.
Bọn tôi áp giải thằng Lợi thì hung hăng như thế nhưng đến khi vào quán, ngồi xuống ghế, cà phê đã được bưng ra để trước mặt từng đứa thì chẳng đứa nào biết phải mở đầu câu chuyện như thế nào. Bây giờ bọn tối mới ý thức được rằng bất cứ câu hỏi vụng về nào cũng có thể biến thành mũi dao khoét vào nỗi lòng của Lợi.
Lúc Thọ bảo phải kéo thằng Lợi ra quán cà phê để “hỏi tội”, giọng nó hùng hồn lắm, nhưng khi đã kéo được tội phạm ra đây rồi thì nó lại nín thinh. Nó móc điếu thuốc cong queo trong túi áo ra, đánh lửa, rồi trầm ngân nhả khói, làm như nó hoàn toàn vô can với khung trước mắt.
Bọn tôi đứa này nhìn đứa kia trong khi thằng Lợi nhìn tất cả mọi đứa, không khí quanh chiếc bàn ngột ngạt đến mức tôi có cảm giác quán cà phê đột ngột bít lại mọi cánh cửa.
Tôi nhìn đau đáu vào mặt thi sĩ Lãnh Nguyệt Hàn, vờ ho lên vài tiếng cố làm cho nó chú ý nhưng nó cứ ì ra.
Sự im lặng càng lúc càng trở nên kỳ cục, đến mực tôi buộc phải mở miệng:
- Uống cà phê đi, Lợi!p>
Câu mời chào của tôi trong khung cảnh nặng trình trịch này dường như có vẻ gì đó gượng gạo nên thằng Lợi múc đường bỏ vô ly khuấy hờ hững vài cái nhưng chẳng buồn bưng ly lên. Vẫn cầm chặt chiếc muỗng trong tay, nó ngước nhìn tôi, ngập ngừng hỏi:
- Tụi mày định nói chuyện gì với tao hả?
- Ờ. – Sơn lên tiếng trả lời thay tôi, nó vọt miệng nhanh đến mức tôi đoán nãy giờ chắc nó đang ở trong tâm trạng của một cái lò xo bị nén – Tụi tao đang muốn hỏi tại sao mày gạt tụi tao.
- Tao gạt tụi mày chuyện gì?
Lợi tròn mắt kêu lên, trông nó vừa có vẻ oan ức vừa có vẻ vờ như oan ức.
Sơn huỵch tẹt:
- Ba nhỏ Duyên không phải là cậu của mày đúng không?
Y như con thú bị trúng đạn, Lợi đột ngột co người lại. Môi nó lập tức vẽ thành hình chữ O, còn câu nói rút gọn thành chữ Ơ:
- Ơ… ơ…
Có vẻ như thằng Lợi sẽ không nói được từ gì khác ngoài từ “ơ” nếu ngay lúc đó Xí Muội không lên tiếng:
- Ông đừng ngạc nhiên. Hôm qua tôi mới gặp em ông.
Lần này thì Lợi bị bắn hạ hoàn toàn. Nó gục đầu vào hai bàn tay, im lặng một lúc rồi buông ra để nhăn nhó khoe bộ mặt của kẻ không còn gì để mà giấu giếm.p>
Cho đến lúc này, tức là khi mọi khó khăn ban đầu đã qua đi, Thọ mới trở lạ là nó. Nó giụi điến thuốc xuống gạt tàn rồi ngước nhìn như đóng đinh vào mặt Lợi, chậm rãi lên tiếng: - Thế câu chuyện về hoàn cảnh gia đình mày là do mày bịa ra hả Lợi?
- Không. – Lợi mím môi – Những gì tao kể đều là sự thật.
Thọ nhíu mày:
- Nhưng ba nhỏ Duyên đâu phải là cậu mày?
Lợi phác một cử chỉ gì đó, giống như là định đưa tay lên gãi đầu nhưng nửa chừng nó lại buông xuống, bối rối đáp:
- Ờ, không phải. - Thấy chưa! – Thọ hớn hở reo lớn, giọng đắc thắng như một quan tòa sắp sửa tống được tên tội phạm ngoan cố vào tù – Vậy mà mày chối là mày không bịa! Ông ta là ba ruột của mày, đúng không! Mày với nhỏ Duyên là anh em cùng cha khác mẹ, đúng không?
Trong khi bọn tôi chong mắt vào mặt Lợi, chờ một cái gật đầu ngượng nghịu thì nó bất thần rên lên, và câu trả lời của nó hoàn toàn ra ngoài tiên liệu của bọn tôi:
- Tụi mày đừng nghe nhỏ Duyên. Nó không biết gì đâu.