Lại Một Câu Chuyện Tình Yêu Khác

Tiếp tục câu chuyện thời cấp hai.

Tính tôi từ bé đã đãng trí hoặc như cách nói của mẹ tôi là “vung quăng
bỏ vãi”, “đoảng vị” nên cho dù làm cán bộ lớp, đôi khi tôi vẫn không
tránh được một số “tai nạn” vì cái tật nhớ nhớ quên quên này.

Hôm đấy vốn không phải ngày mặc đồng phục nhưng từ trước thầy hiệu
trưởng đã dặn dò cả trường phải mặc vì có đoàn kiểm tra. Và tôi thì đểnh đoảng quên mất.

Tới khi dừng xe trước cổng trường, thấy các bạn mặc đồng phục nghiêm
chỉnh tôi mới giật mình nhìn lại chiếc áo khoác màu nâu quá sức nổi bật
của mình. Đám cờ đỏ lượn lờ trước cổng trường tất nhiên sẽ không tha cho tôi. Thật ra bình thường tôi không sợ bị ghi tên tội không mặc đồng
phục nhưng trước đó một ngày tôi mới ăn roi tội ngủ gật trên bàn học nên nếu thêm cái bản kiểm điểm vì bất cứ lý do gì thì bố sẽ tiếp tục cho
tôi nếm mùi “Đả cẩu bổng pháp”. Nghĩ tới đó mặt tôi đã hơi tái đi.

- Sao chưa vào, thập thò cái gì thế? – Bách đứng đằng sau vỗ vai tôi hỏi kiểu công an bắt kẻ gian.

- Em quên đồng phục, giờ vào sẽ bị ghi sổ, bố em lại cho ăn đòn. – Mặt tôi xịu xuống, giọng thiểu não.

- Tưởng gì ghê gớm. – Nó nói rồi cởi áo khoác đồng phục đang mặc đưa tôi. – Cầm đi.

- Anh thì sao?

- Thế có lấy hay không?

- Có chứ.

Tôi nhanh tay cầm lấy choàng lên người. Ngày ấy Bách rất nhỏ con nên áo
nó tôi mặc vừa khít, hai đứa hiên ngang đi qua cửa. Thằng đội trưởng đội cờ đỏ nhác thấy chúng tôi, phi ra định ghi tên thì bỗng khựng lại nhoẻn miệng cười với Bách:

- Ơ mày đấy à?

- Ờ.

- Đồng phục đâu? – Nó gãi đầu vẻ áy náy. – Hôm nay bọn tao nhận lệnh bắt đồng phục gắt lắm.

- Quên mất rồi, lát tao đổi ca trực nhật không xuống xếp hàng là được chứ gì?

- Ừ, thôi vào đi, nhớ ngồi trên lớp. – Nó nói rồi ra hiệu cho mấy đứa cờ đỏ khác về lại vị trí.

Tôi tròn mắt nhìn Bách, không nghĩ nó lại “quyền năng” đến thế.

- Anh quen thằng đấy à?

- Ừ, bạn chơi game cùng.

- …

- Anh cô có quan hệ tốt lắm. – Nó ưỡn ngực cười vẻ đầy tự hào.

Bách hay gọi tôi là cô xưng anh, làm tôi luôn có cảm giác nó đích thực
là người anh lớn của tôi. Cái cảm giác đó tồn tại từ lớp sáu cho tới tận lúc trưởng thành.

Nhưng chạy trời không khỏi nắng, hôm đó Bách đổi ca trực nhật cho một
đứa trong lớp để né tập trung dưới sân trường thì lại bị cô chủ nhiệm
chỉ mặt điểm tên. Tiết một là của cô, và điều đầu tiên cô nhận ra là nó
không mặc đồng phục. Bách đợi cho cô mắng mỏ xong mới đi thẳng lên bục
giảng, thì thầm với cô mấy câu, tay chỉ chỉ vào tôi. Hai hàng lông mày
cô bỗng giãn ra vẻ thông cảm, miệng còn tủm tỉm cười. Bách về chỗ mà
không phải chịu bất cứ hình phạt nào.

- Anh nói gì mà được bỏ qua thế? – Tôi trố mắt.

- Lại đây nói nhỏ cho nghe. – Nó ngoắt tôi ngồi gần lại rồi ghé đầu thì thào vào tai tôi. – Anh bảo cô đến tháng dây ra áo phải cởi cất vào
balo, anh cho cô mượn áo anh mặc tạm.

- Hả… hả…?

Tôi há hốc mồm, đánh chết cũng không tưởng tượng được nó có thể bịa ra
cái lý do kinh dị tới mức ấy. Lúc đó tôi học lớp bảy, đã “có tháng” nên
hiểu nó nói gì nhưng một thằng con trai như nó sao có thể rành như vậy?

- Hiểu biết không phải cái tội. – Nhìn vẻ mặt hốt hoảng đỏ bừng của tôi, nó thản nhiên phẩy tay.

…………………

Vẫn là chuyện thời cấp hai.


Thực ra Bách là một thằng nghịch ngầm dù bề ngoài trông rất hiền lành, thành tích học tập lại tốt nên ít bị để ý.

- Thủy, giúp anh một việc. – Một ngày đầu giờ sáng nó sáp vào tôi với vẻ mặt cực kỳ nghiêm túc.

- Làm gì?

Bách thì thầm với tôi mấy câu, mặt tôi liền biến sắc.

- Sao được?

- Anh giúp cô bao nhiêu lần, cô giúp anh lại một lần thì sao? Việc quan trọng lắm.

Vốn tôi là đứa hết lòng vì bạn bè, lại thích những trải nghiệm mới mẻ nên ngẫm nghĩ một lát thì gật đầu.

Tiết ba.

- Em thưa cô. – Ngay khi cô giáo vào lớp được năm phút, Bách bỗng giơ
tay đứng lên dõng dạc nói. – Bạn Thủy bị đau bụng quá, em xin phép đưa
bạn xuống phòng y tế ạ.

Trong lúc nó nói tôi ôm bụng quằn quại, trên trán còn lấm tấm mấy giọt
nước, mặt nhăn nhó tưởng chừng chết đi sống lại. Không ngoài dự đoán, cô lo lắng đi xuống sờ tay lên trán tôi:

- Em có sao không?

- Dạ… em đau bụng quá… – Tôi thều thào như đứt hơi tới nơi. – Em xin phép xuống phòng y tế.

- Ừ, được rồi, được rồi. – Cô lắp bắp.

- Lên đây mình cõng đi. – Bách quay lưng, hạ người trước mặt tôi để tôi trèo lên lưng nó.

Bách hồi đó còn thấp hơn tôi nên cảnh nó cõng tôi không khác gì con mèo
tha con chuột, nhìn rất buồn cười nhưng không ai còn tâm trạng mà đùa
cợt. Hai đứa bọn tôi nhanh chóng rút khỏi lớp.

Vừa khuất qua góc hành lang, nó hất ngay tôi xuống.

- Giờ em xuống phòng y tế hả?

- Hâm à? Bệnh tật gì mà xuống đó. – Nó khoát tay. – Đi với anh.

- Đi đâu?

- Hỏi làm gì? Học sinh mẫu mực như cô lần đầu tiên bùng học thì phải làm cái gì đó hay ho chứ.

Câu nói này đã đánh trúng tâm lý sâu kín của tôi bởi tôi vốn chưa từng
muốn làm học sinh chăm ngoan. Tôi ghét cái hình tượng chị tôi đã tạo
dựng từ trước khi tôi chào đời, trở thành hình mẫu mà tôi không hề muốn
noi theo. Chỉ vì bố mẹ thúc ép mà tôi phải khoác lên cái áo quá rộng so
với bản thân suốt nhiều năm. Đâu đó trong lòng tôi thường xuất hiện sự
ghen tị với mấy đứa học sinh cá biệt luôn có vẻ rất tự do tự tại. Vì lẽ
đó, tôi liền bốc đồng đi theo Bách về phía một góc kín của sân trường.
Nó giúp tôi trèo tường ra ngoài.

Hóa ra Bách không đi đâu xa mà sà ngay vào một trong mấy hàng nét đối diện trường Ams.

- Chơi games lúc nào chẳng được, sao phải trốn học đi chơi?

- Hôm nay là ngày đặc biệt.

Về sau tôi mới biết, hôm đó Bách tham gia giải Poker Tournament, một
giải đấu quốc tế giành cho những tay chơi poker toàn thế giới. Kể cả khi đã trưởng thành, tôi vẫn không sao nắm được cách chơi poker nên ngày đó đương nhiên là càng mù tịt, đành ngồi cạnh nhìn đăm đắm vào màn hình
máy tính của nó. Tôi chỉ mù mờ biết được giải thưởng vô cùng lớn và số
người có thể thắng là rất ít. Nhìn nó tập trung căng thẳng đến độ mồ hôi túa ra hai bên thái dương, tôi cũng cảm thấy ái ngại.

- Đừng lo, anh mà thắng thì cô thích gì anh cũng chiều, mua cho cô cả
Hà Nội luôn. – Nó nói chắc như đinh đóng cột, mắt không liếc sang. – Còn giờ cô muốn ăn gì cứ gọi, anh bao cô tất.

Biết mình đứng cạnh chẳng giúp được gì mà còn làm nó mất tập trung, tôi
liền lấy máy khác chơi Pikachu và gọi một đống nem rán, bô bô cha cha,
khoai chiên, Sting dâu để chật kín cả bàn.

Thế nhưng ước mơ làm giàu của Bách đã tan thành mây khói bởi khi nó còn
đang mải tập trung cho cuộc đấu, tôi đang căng mắt ghép đôi Charmander
và chóp chép đồ ăn vặt thì cả hai đứa bỗng bị xách tai lôi ra ngoài.

- Giỏi quá nhỉ, dám trốn học đi chơi.


Cho tới hôm đấy chúng tôi mới biết thầy giám thị có thói quen đi tuần
quanh trường để xử lý những trường hợp thế này. Đứa nào thường xuyên
trốn học đã biết đi xa xa khỏi khu vực hồ Giảng Võ, chỉ có bọn tôi ngây
thơ mới đóng quân tại nơi cách trường chưa tới năm chục mét để bị bắt
như vậy.

Hậu quả đương nhiên là một trận đòn thừa sống thiếu chết và bài giảng
kinh vô tận. Mẹ tôi nước mắt lã chã vẽ ra viễn cảnh đen tối của tôi
trong trại cải tạo hoặc làm ăn xin ngoài vỉa hè. Chị Sa đứng bên cạnh
nhân tiện góp thêm mấy câu là trông tôi thế này ăn xin cũng không ai
cho, cùng lắm thì chỉ có quẩy đôi quang gánh đi thu mua đồng nát.

- Xin lỗi cô nhé. – Hôm sau Bách vác bộ mặt bầm tím sưng vù tới lớp, áy náy nói. – Anh không ngờ ông giám thị lại cẩn thận như thế.

- …

- Giận à?

- … – Tôi chẳng thèm trả lời, người hơi nghiêng nghiêng vì mông vẫn còn đau rát bởi trận đòn.

- Thôi đừng giận, anh mời cô một bữa. – Nó nói rồi nhoẻn miệng cười. –
Nhưng mà học sinh không có mấy vụ này thì chán chết lên được, cô công
nhận không?

- Chiều mai đi học thêm về khao em ăn ốc. – Tôi dẩu mỏ.

- Được được, cô muốn mấy đĩa cứ gọi thoải mái.

Vì vụ scandal này, tôi mất chức lớp phó, bị cả lớp nhìn vào bằng ánh mắt thương hại nhưng chỉ riêng tôi biết mình nhẹ nhõm thế nào khi thoát
khỏi cái gông đeo cổ đó. Không còn áp lực phải gương mẫu, tôi như trút
được gánh nặng vô hình đè trên vai suốt mấy năm đầu cấp hai.

Bố mẹ tôi tất nhiên nghe qua chuyện Bách rủ tôi trốn học nên đặc biệt ác cảm, còn định cấm tôi không được tiếp tục chơi với nó. Cho đến hai
tháng sau, tin nó được vinh danh trước toàn trường với hai giải nhất
thành phố toán và vật lý mới khiến các cụ tạm quên đi cái tội ác tày
trời kia. Dù sao thì giải nhất cũng hơn rất nhiều cái giải khuyến khích
ngoại ngữ lẹt đẹt của tôi.

Và khi tất cả qua đi, tôi mới nhận ra Bách nói không sai. Vụ bùng học đã in vào ký ức tôi rõ ràng hơn nhiều lần các công thức vật lý, đại số khô khan tôi luôn phải tụng hàng ngày.

…………………

Đôi lúc sau này nhớ lại tôi mới phát hiện ra kỷ niệm thời học sinh của
tôi tràn ngập hình bóng Bách, hiện hữu mọi nơi mọi chỗ. Ngoài cây chổi
phất trần và nước mắt rơi trên tập vở, hắn là người để lại ấn tượng sâu
đậm nhất trong tôi những ngày thơ ấu. Hồi còn cấp hai, Bách là một thằng nhóc xinh trai, gầy gò, mồm miệng tía lia nhưng chỉ sau ba tháng hè năm lớp chín, nó bỗng hoàn toàn thay đổi tới mức tôi suýt không còn nhận ra người bạn chung bàn suốt bốn năm. Nó cao vọt lên mười mấy xăng ti mét,
trước còn thấp hơn tôi mà tới khai giảng lớp mười đã cao hơn tôi nửa cái đầu. Chiều cao của nó không dừng lại cho tới khi chạm mốc một mét tám
trong khi tôi vẫn dậm chân tại chỗ từ năm lớp tám.

- Sao ba tháng hè cô lùn đi nhiều thế?

- Kệ em, đồ cao như sào chọc ***. – Tôi cay cú nói.

- Không kệ cô thì anh cầm chân cô kéo ra được chắc? – Nó đáp lại giọng mỉa mai.

- …

Thế nhưng, điều thay đổi lớn nhất ở Bách năm đó không phải duy nhất
chiều cao, mà tính tình gần như cũng không còn như trước. Từ một thằng
nhóc nghịch ngợm, nó nói ít đi, thậm chí chỉ mở miệng khi cần, thái độ
cũng điềm tĩnh, nghiêm túc như người lớn.

Lên cấp ba, bước vào tuổi nổi loạn, không chỉ Bách mà tôi cũng thay đổi, nhưng theo hai hướng khác nhau. Vào lớp mười một, vì một số sự việc
tình cờ, tôi bắt đầu gia nhập hội “dân chơi” gồm toàn thành phần cá biệt đến từ hệ B trường tôi, Trương Định, Quang Trung, thậm chí cả Đinh Tiên Hoàng. Tôi thường xuyên bùng học, tối thì tập tành đi bar. Tuy tôi
không uống rượu, hút thuốc, lên bar chỉ ôm chai nước suối hay lon Coca,
nhưng tôi thích cảm giác mình thuộc về hội đó, thích những ánh mắt người khác nhìn vào.

Bố mẹ bất lực, lần đầu tiên cây chổi phất trần không còn phát huy tác
dụng. Bạn bè cùng lớp xúm vào khuyên nhủ nhưng lúc đó tôi chỉ cảm thấy
tội nghiệp cho một đám gà công nghiệp cả đời chỉ biết sách vở không biết cuộc sống là gì. Đúng là lời khuyên của những người thiếu kinh nghiệm,
chỉ nói lý thuyết suông thường không mấy hiệu quả. Nếu dân chơi là mấy
đứa ngu dốt, xấu xí gầy nhẳng, gãi sồn sột khi lên cơn nghiện thì chẳng
một ai muốn làm dân chơi cả. Ngược lại, đám bạn tôi toàn những người

hiểu biết, ngoại hình đẹp đẽ, phong thái tự tin, phóng khoáng. Bên cạnh
chúng nó, ngoài mớ kiến thức trên lớp, tôi khả dĩ không có nổi một ưu
điểm nổi trội, tất yếu là nảy sinh ngưỡng mộ, và tự hào vì mình thuộc về đó. Tôi nhớ có người nói đại ý rằng trẻ con thích bạn hư hơn bạn ngoan
vì chúng không cần thêm người nhắc lại những gì bố mẹ, thầy cô đã nói.
Điều đó đã từng rất đúng với tôi.

- Cô đi đâu đó? – Một lần sau giờ ra chơi, thấy tôi thu xếp sách vở,
Bách cau mày hỏi. Đây là ngày thứ ba liên tiếp tôi trốn học.

- Em có hẹn.

- Hẹn đi đâu?

- Mấy con bạn rủ em đi lượn lờ, mua đồ.

- Cô trốn học quá nhiều đấy.

- Giấy phép đây, nếu thầy hỏi anh điền ngày tháng vào rồi nộp hộ em
nhé. Nhưng hai hôm vừa rồi có ai hỏi đâu, hôm nay chắc cũng vậy thôi. –
Tôi cười, nháy mắt với nó rồi xách balo đi.

Nhưng Bách đã không trình giấy phép giúp tôi. Ngược lại, khi thầy hỏi
còn khai tuốt tuột việc tôi trốn học đi chơi với bạn bên ngoài. Kết quả
là tôi bị kỷ luật trên trường, về ăn đòn và nghe một bài trường ca từ bố mẹ.

- Tại sao anh lại làm thế? – Tôi gào lên ngay khi gặp lại Bách. – Bạn
bè, anh em mà hại nhau thế à? Ngày xưa anh trốn học em giúp anh còn giờ
sao anh phá em?

- Vì anh thấy cô không ổn. – Nó điềm tĩnh trả lời. Không hiểu sao thái độ thản nhiên của nó càng làm tôi điên tiết hơn.

- Hừ… Anh chẳng bảo là những kỷ niệm quậy phá sẽ sâu đậm hơn một cuộc sống đều đều nhàm chán còn gì?

- Một, hai kỷ niệm chứ anh không muốn toàn bộ thời gian của cô đắm chìm trong chơi bời, buông thả, hiểu không?

- Không cần dạy đời nhau, anh em gì, mày cũng chỉ là bạn cùng lớp với
tao thôi. – Tôi hừ mũi. – Mày thì hơn gì tao, đừng có ra vẻ nguy hiểm
nữa. Tao cóc cần loại bạn đâm sau lưng như mày.

Chúng tôi chiến tranh lạnh mấy tuần liền. Không chơi với Bách tôi càng
chán hơn, suốt ngày đi cùng hội bạn bên ngoài. Chỉ khi đi với chúng nó
tôi mới thấy vui vẻ, thoải mái, mọi chuyện buồn phiền đều được dẹp qua
một bên.

- Thủy, tối nay đi chơi nhé?

- Tao chưa biết. – Tôi hơi ngập ngừng. – Mai tao có kiểm tra một tiết.

- Ha ha, mày nói gì cơ? – Mấy đứa cười phá lên. – Tưởng lý do gì nghe hợp lý hơn.

Mỗi đứa một câu, cuối cùng tôi đành gật đầu vì kể cả ở nhà tôi cũng chẳng học được.

Chúng tôi lên bar, tiếng nhạc chát chúa khiến đầu óc tôi như mụ đi. Tôi
thèm thuồng nhìn bọn nó say sưa, lắc lư hết mình theo điệu nhạc nhưng
lại không đủ can đảm thử rượu. Nói sao nói, lúc đó tôi mới mười sáu
tuổi, vẫn có những giới hạn không dám vượt qua.

- Em không uống rượu hả? – Tiến, anh chàng thủ lĩnh của nhóm đến gần tôi hỏi vẻ quan tâm.

- Vâng, em không uống được. – Tôi luyến tiếc lắc đầu.

- Anh cũng không uống rượu. – Anh ta ghé tai tôi thì thầm. – Em thử cái này xem.

Tiến xòe tay cho tôi xem mấy viên thuốc nhỏ, chỉ to hơn hạt đậu một chút. Tôi hơi giật mình.

- Đừng sợ, không như những gì báo chí vẫn viết đâu. Bọn anh dùng suốt ý mà. Kẹo này xịn đấy, bọn nó đang xin mà anh chưa cho, ưu tiên cho em.

Tôi còn đang ngập ngừng, nửa muốn thử, nửa không, thì bọn bạn bỗng xôn xao:

- Ô, anh Hà quản lý kìa, lâu lắm mới thấy anh ấy. – Theo lời nói tràn
đầy ngưỡng mộ của đám bạn, tôi và Tiến cùng ngước về phía góc phòng, thì thấy một anh chàng xấp xỉ ba mươi trông rất phong độ đang bước về phía
chúng tôi.

Tiến nhanh tay cất đống kẹo vào túi, còn tôi thêm một lần giật mình khi
anh quản lý dừng lại ở một bàn ngay gần bàn tôi. Anh ta đứng nói chuyện
rất vui vẻ với vị khách duy nhất ngồi ở đó, không ai khác chính là Bách.

- Ai đang nói chuyện với anh Hà thế nhỉ? Đẹp trai quá. – Trang nói vẻ háo hức.

- Ủa, thằng Bách, lâu lắm mới thấy nó. – Tiến bỗng kêu lên.

- Anh quen hả? – Không chỉ tôi mà cả đám đều tròn mắt hỏi lại.

- Ừ, trước đi chơi gặp vài lần, anh chưa thấy thằng nào trì như nó. –
Anh ta nhún vai. – Thằng đấy chơi đẹp, sống vì anh em nên rất được lòng
mấy ông anh lớn, từ hồi nó cấp hai các ông ấy đã gọi đi cùng suốt. Sau
thì tự nhiên nó biến mất.

Hà đứng nói chuyện với Bách một lát rồi bỏ đi. Sau đó đột nhiên có mấy
tay an ninh ra chỗ tôi, nhã nhặn đề nghị cả bọn rời đi vì “chưa đủ

tuổi”.

- Cái gì? Bọn này là khách quen ở đây kia mà. – Tiến sừng sổ.

- Bọn anh cũng biết thế, bình thường không sao nhưng đợt này kiểm tra đang gắt, các cô chú thông cảm. – Một người nhún vai.

Tranh cãi không được, cuối cùng bọn tôi đành thanh toán rồi về sớm.

- Thủy!

- Bách, mày đi đâu sao lâu lắm không thấy? – Tôi chưa kịp trả lời thì Tiến đã bước tới bắt tay nó.

- Tao bận. – Bách thờ ơ nắm tay Tiến.

- Lâu lâu mới lên mà cũng bị đuổi hả? Tưởng mày thân với ông Hà.

- Thấy bảo đợt này đang làm gắt, tao cũng không muốn làm khó ông ý, về
cho lành. – Nó nói rồi chỉ vào tôi. – Thủy là em tao, để tao đưa nó về
cho.

- Ồ, Thủy là em mày hả? Hà Nội bé quá nhỉ.

- Ừ.

Tuy rất không muốn nhưng vì Bách đã nói thế, tôi đành leo lên xe nó nhưng vẫn câm như hến dù có hàng trăm câu hỏi chực tuôn ra.

- Không muốn hỏi gì à?

- Tưởng là học sinh ngoan ngoãn, hóa ra… – Giọng tôi mỉa mai.

- Cô biết hồi cấp hai anh nghịch mà.

- Anh đã chơi từ hồi đó? Sao không kể với em? – Sự tò mò khiến tôi quên cả hờn giận, buột mồm hỏi.

- Cô đâu có kể với anh là chơi với hội thằng Tiến? Hồi đó anh cũng vậy thôi.

Tôi bất giác cảm thấy phục Bách vô cùng. Vì chơi với hội này mà kết quả
học tập của tôi tụt dốc không phanh trong khi từ bé đến lớn, tôi chưa
từng thấy lúc nào Bách học không giỏi. Nếu không vì ca mổ ruột thừa
không đúng lúc, chắc chắn nó đã phải là học sinh chuyên Tổng hợp.

- Em nghe Tiến bảo lâu lắm rồi không thấy anh…

- Ừ, anh không quan hệ với nó hay mấy ông anh nữa. Khoảng từ cuối năm ngoái đến giờ.

- Vì sao?

Bách im lặng một lát rồi mới nói nhỏ nhưng giọng nặng trĩu:

- Một thằng bạn đã chết ngay bên cạnh anh vì sốc thuốc.

- Hả? Ý anh là heroin? – Tôi tròn mắt.

- Ừ, hôm đó nó lên cơn co giật trước khi anh kịp dùng. Bọn anh đưa nó
đi cấp cứu nhưng quá muộn. Anh bị ám ảnh nặng nề với suy nghĩ người chết cũng có thể là mình, đến mức từ đó anh hầu như không qua lại với mấy
ông anh nữa.

- Thế sao hôm nay…

- Anh đến đón cô. Chính anh nhờ ông Hà quản lý đuổi cả đám đi đấy. –
Bách thở hắt ra. – Anh không cản cô chơi nhưng phải biết điểm dừng. Nhà
cô không giàu như nhà bọn nó, bố mẹ cô không nuôi cô ăn chơi được cả đời đâu. Nếu không chịu khó bây giờ, sau này không có công việc tốt, không
kiếm ra tiền thì lấy gì mà chơi?

- …

- Hay cô định bán thân lấy mấy viên kẹo, vài bộ váy và cái mác dân chơi?

A, cũng vẫn là những lời bố mẹ và chị Sa ra rả hàng ngày nhưng chỉ khi
Bách nói ra tôi mới cảm thấy thấm thía. So với thằng đàn ông chững chạc, hiểu chuyện trước mặt, tôi bỗng cảm thấy đám thằng Tiến thực tầm
thường.

Sau sự kiện kia, tôi vẫn duy trì quan hệ với hội của Tiến nhưng bắt đầu
chú tâm hơn vào học hành. Nhờ sự giúp đỡ tận tình của Bách, kết quả học
tập bết bát của tôi được cải thiện trở lại. Cuối cùng, cộng thêm chút
may mắn, tôi đã đỗ Ngoại giao, trở thành thành viên duy nhất trong hội
là sinh viên trường thuộc nhóm “Ivy League Việt Nam” [1].

Nếu có thể, tôi tin chắc bố mẹ đã trang trọng trao cho Bách Huy chương
vì sự nghiệp giáo dục hay bất cứ giải thưởng danh giá nào khác tương
đương!

............................

Chú thích:

[1] Ivy League: nhóm tám trường đại học hàng đầu nước Mỹ như Havard,
Yale, Princeton, etc. Nói IL Việt Nam ý là chỉ những trường hàng đầu:
Ngoại thương, Kinh tế, vv.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận