Tôi kéo bé Thảo vào trong phòng, nhìn con bé ngồi ngay ngắn trên ghế, tôi liền hỏi:
– Em nói… em là người của cậu Cả?
Bé Thảo gật đầu, biểu cảm khá là chân thật:
– Dạ cô, em là người ở của cậu.
Tôi ngồi xuống ghế, lại hỏi:
– Cậu có nói… cái gì với em không?
Bé Thảo gật đầu:
– Cậu dặn em, biểu em hầu hạ cô thiệt tốt, giúp cô làm mấy chuyện mà cô sai biểu.
– Rồi… còn gì nữa không?
– Cậu nói cô là người tốt, em theo cô, cô sẽ không để cho em thiệt thòi.
Cậu dặn em phải trung thành với cô, phụ giúp cô chuyện chồng con.
Tôi nhìn bé Thảo, nhất thời lại thấy nghẹn ứ không biết phải nói cái gì.
Cậu Cả đâu phải không quan tâm tới tôi, cậu rõ ràng là có để ý tới tôi mà, nhưng sao lại… Tôi không hiểu, tôi thiệt sự không hiểu.
Môi run run mấp máy, tôi tiếp tục hỏi:
– Cậu… sao rồi?
– Cậu vẫn khỏe lắm cô.
– Vẫn khỏe…
– Dạ vẫn khỏe, hàng ngày cậu vẫn ăn uống đi lại bình thường.
Tôi nhìn con bé, trong lòng nửa tin nửa ngờ, con bé trả lời câu nào nghe cũng thật nhưng tôi lại thấy không yên tâm kiểu gì ấy.
Cách tôi hỏi và cách con bé trả lời… có hơi lạ một chút.
Hỏi vài chuyện sơ qua về tên tuổi nhà cửa của bé Thảo, đợi bé Nhỏ về, tôi kêu bé Nhỏ đưa con bé về chỗ ngủ nghỉ của người làm rồi sẵn giới thiệu bé Thảo với mọi người trong nhà luôn, tránh cho con bé thấy bỡ ngỡ.
Nếu là người khác đưa tới thì tôi nhứt định không nhận nhưng nếu là người của cậu Cả, giá nào tôi cũng thu nhận con bé.
Nhìn hai con bé đi rồi, tôi lại thu mình ngồi yên một chỗ mà thở dài.
Cậu Cả… cậu đang toan tính cái gì vậy? Cậu nói không thương tôi nhưng sao lại quan tâm tới tôi như vậy? Tại sao vậy?
…………………
Buổi chiều, tôi có tới thăm dì Nguyệt, lúc tôi vào phòng thì dì ấy cũng vừa ngủ dậy.
Thấy tôi, dì Nguyệt khẽ cười, nụ cười vui mừng yếu ớt, dì đưa tay về phía tôi, giọng nhàn nhạt:
– Út Quân… lại đây ngồi…
Tôi nhoẻn miệng cười thật tươi rồi bước nhanh tới chỗ của dì, dì vừa ngủ dậy nên tinh thần chưa phấn chấn lắm, lại thêm sức khoẻ không được tốt nên càng nhìn càng thấy yếu ớt xanh xao.
Tôi ngồi nhanh xuống rồi nắm chặt lấy tay dì, lo lắng hỏi:
– Dì, sao dì yếu lung vậy hả dì? Con đi có bao lâu đâu mà dì lại bệnh thành ra thế này?
Dì Nguyệt cười yếu ớt, dì vỗ vỗ tay tôi trấn an:
– Bệnh rề rề vậy mà, dì vẫn khỏe chớ có yếu như con nói đâu.
Sao, về lại đây rồi thấy tâm tình sao?
Tôi cười nhạt:
– Cũng… bình thường mà dì.
Thấy tôi hơi ngượng, dì Nguyệt thở dài rồi nói:
– Dì biết, dì biết con về đây đợt này là do bị ép, dì cũng biết hổm rày là con chịu hàm oan nhưng dì cũng không còn cách nào khác.
Con… cũng đừng cứng đầu quá… thằng Ngọc nó thương con thiệt tình nhưng nó là đờn ông mà, tránh sao được tâm tánh chiếm hữu đờn bà.
Trước kia con cũng không có từ chối nó, bây chừ lại từ chối thẳng thừng… cũng hông tránh được thằng nhỏ tức quá mà làm liều.
Nhưng mà con yên tâm, nó chỉ hù con thôi chớ dì cam đoan nó không bao chừ để cho cha con bị bắt bỏ tù đâu.
Tôi mím môi, thái độ có hơi bất mãn khó chịu:
– Con dĩ nhiên biết cậu Hai chỉ hù con thôi, chớ nếu cha con bị bắt tù thiệt thì có chết con cũng không lấy cậu ấy.
Con nói ra đây là những lời thiệt lòng, dì có giận con, có buồn con thì con đành chịu.
Con về đây lần này… không hề có sự tự nguyện, còn sau này sẽ như thế nào… con không muốn đoán trước.
Dì Nguyệt nhìn tôi, trên gương mặt mệt mỏi kia hoàn toàn là nét âu sầu, dì thở dài mấy bận rồi lại ho khan vài tiếng, tôi phải lấy nước ấm cho dì uống cho thông cổ.
Vuốt lưng cho dì, dì lại không chịu được mà nói trong khó nhọc:
– Dì biết tâm tư con hướng về ai nhưng mà không được… hai đứa không được…
Dì Nguyệt vừa nói vừa ho khan tới đỏ hết mặt, nhìn dì cố chấp như vậy để nói cho tôi nghe, trong lòng tôi vừa hoảng vừa loạn.
Thì ra là dì biết chuyện tôi thích cậu Cả, dì như vậy mà biết hết thảy…
– Được rồi được rồi mà dì, dì đừng nói nữa… nằm nghỉ đi… nằm xuống nghỉ đi dì.
Dì Nguyệt cuối cùng cũng nghe lời tôi mà chịu nằm xuống, tôi thấy dì có vẻ mệt nên liền kêu vú Chín vào hầu hạ cho dì.
Tôi mới về lại không quen bệnh tình của dì, sợ tay chân vụng về lóng ngóng làm dì khó chịu.
Vú Chín nghe tôi gọi liền chạy nhanh vào rồi lấy thuốc cho dì uống, uống xong dì mệt mỏi nhắm nghiền mắt nghỉ ngơi trên giường.
Thấy như vậy nên tôi cũng lui ra bên ngoài, không làm phiền dì nghỉ ngơi nữa.
– Vú, sao dì Nguyệt càng lúc càng yếu vậy hở vú?
Vú Chín đang lúi húi bưng thuốc, nghe tôi hỏi, bà ấy liền thở dài trả lời:
– Hông giấu gì cô, kể từ cái bữa mất đứa nhỏ trong bụng, bà chủ sa sút lung lắm.
Lúc mới bà cứ khóc miết, khóc tới mờ hết mắt, tôi với cậu Hai khuyên lơn lung lắm thì bà mới nghe.
Rồi cái đỡ hơn một chút thì bà bệnh suốt, sức khỏe càng ngày càng yếu, thầy Đồ nói là do… tâm bệnh mà thành.
Tôi nghe mà thấy xót trong lòng:
– Rồi thầy Trầm đâu? Sao vú không để thầy vào khuyên giải an ủi dì cho dì đỡ tủi?
Vú Chín trả lời với thái độ bất mãn:
– Ông chủ… kiêng kị gái đẻ nên đâu có bước chân vô phòng bà chủ.
Từ hôm bữa bà sảy thai tới giờ, ông ghé vô thăm có một lần, mà vô thăm là đứng ngoài cửa buồng ngó vô chớ cũng hổng có tới gần bà.
Cô đi nên cô hông biết, thời thế bây chừ thay đổi rồi cô ơi, bà chủ bây chừ bệnh rề rề suốt… người ta cũng coi thường bà.
Hôm bữa hên là cậu Cả thương bà ghé về thăm nên ông chủ mới chịu ghé thăm bà chủ á chứ… phải chi còn cậu Cả ở đây thì đâu ai dám vượt quyền của bà.
Bà chủ của tôi đáng thương lung lắm, bà hiền lành quá mà.
Tôi nghe mà giận thầy Trầm hết sức, bình thường là con người nho nhã có học thức, vậy mà lại đối xử tàn nhẫn với vợ của mình.
Gái đẻ thì có cái gì mà kiêng kỵ, gái đẻ thì không phải là vợ của ông ấy chắc.
– Rồi cậu Hai với Kim Chi đâu? Hai người họ không nói gì hả vú?
Vú Chín cười nhạt:
– Cậu Hai thì cũng thương bà chủ lung lắm nhưng cậu nghe lời Bà Nội với ông chủ nên đâu có dám bước vào thăm bà.
Mới đây thôi… cậu mới dám vô, mà vô cũng lén lút chớ hông thôi Bà Nội rầy.
Còn cô Kim Chi… thôi thôi đừng nhắc tới cổ làm chi, cổ nào có thương bà chủ, ở nhà suốt vậy chớ có khi nào ghé qua chăm sóc cho bà chủ đâu.
Tôi nói hông phải chớ bà chủ có hai người con mà tôi thấy hông ai thương bà chủ bằng cậu Cả hết… còn thua người ngoài là cô nữa đa.
Hết sức tưởng tượng, cậu Ngọc thì cũng không trách nhiều, bởi dù sao cậu ấy cũng là đàn ông, mà thời này thì còn phong kiến cổ hủ lắm.
Nhưng bực là bực Kim Chi, dì chiều cô ấy quá nên sinh hư hỏng, mẹ mình bệnh nặng như vậy mà không lo chăm sóc, suốt ngày rảnh rỗi đi kiếm chuyện sân si với tôi, hết nói nổi mà.
Đang nói chuyện giữa chừng thì dì Dung từ xa đi tới, thấy tôi đứng chung một chỗ với vú Chín, dì liền cười đi tới rồi hỏi:
– Út Quân… con vô thăm dì hả con?
Tôi gật đầu, trả lời:
– Dạ nhưng dì Nguyệt mệt nên ngủ rồi dì.
Dì Dung nhìn vú Chín, dì cau mày không vui:
– Chị Hai sao lại trở bệnh nữa rồi vậy vú? Tôi đã dặn vú có gì là phải báo với tôi liền mà, để chị Hai bệnh hoài đâu có được.
Vú Chín cúi đầu trả lời:
– Dạ bà, bà chủ cũng y chang mọi hôm, lâu lâu ho nhiều nên khó thở.
– Rồi sắc thuốc cho bà chưa? Hết thuốc thì phải báo để tôi cho người đi lấy thêm về cho chị Hai uống.
Bà đó bà vú, bà cứ lề mề, chị Hai có chuyện gì thì bà sống hông yên với ông đâu.
Tôi nhìn dì Nguyệt mà cảm thấy có chút sững sờ, tôi mới đi có bao lâu đâu mà dì ấy thay đổi thái độ hơi bị nhiều ấy chứ.
Trước kia đi đứng ăn nói dịu dàng khép nép, còn bây giờ thì chanh chua soang soảng cái miệng y như mấy bà hội đồng trong phim mà tôi hay coi.
Ghê gớm thiệt, thời thế thay đổi trong lời vú Chín nói là đây sao?
Vú Chín líu ríu trả lời:
– Dạ bà, tôi biết rồi… tôi biết rồi…
Thấy vú Chín có vẻ sợ dì Dung, tôi lại thấy hơi chướng mắt, tôi liền cười nói:
– Có gì đâu mà dì rầy vú tội nghiệp, lỡ có hết thuốc thì để bé Nhỏ nó qua mời thầy Đồ coi bệnh lại cho dì Nguyệt rồi cho thuốc luôn.
Uống thuốc thì uống chớ cũng phải coi bệnh nữa mới được chớ dì.
Dì Dung cười nhẹ:
– Ừ thì là như vậy nhưng mời thầy Đồ đi tới đi lui riết cũng tội cho thầy, mà bệnh của chị Hai là bệnh chữa về lâu về dài, thầy cũng có nói vậy mà con.
Tôi khẽ nhếch môi nhẹ, thái độ cứng rắn hơn trước:
– Í trời, nhà mình nhiều nhứt là bạc muôn bạc vạn, đừng nói là mỗi ngày đều mời thầy Đồ tới, có là rước thầy Đồ về đây ở cũng nên nữa đó dì.
Quan trọng nhứt là chữa trị hết bệnh cho dì Nguyệt chớ cái chuyện mời thầy đi tới đi lui thì có gì là mệt…
Dì Dung nghe tôi nói, nụ cười trên môi dì hơi cứng lại, thấy vậy, tôi lại nói tiếp:
– Nếu mà dì sợ tốn bạc thì để con bỏ bạc ra mời thầy Đồ về, à mà không phải một thầy, con mời hai ba thầy tới luôn cũng được, bao nhiêu bạc con lo được hết thảy á, dì yên tâm.
Còn nếu không thì để con kêu sốp phơ lấy xe đưa dì Nguyệt đi nhà thương, đi một hai lần là hết chớ có gì đâu.
Lần này thì nụ cười ngượng ngùng kia đông cứng lại rồi từ từ tan đi trên gương mặt sắc sảo của dì Dung.
Tôi biết là dì ấy tức giận nhưng tôi vốn muốn để dì ấy giận dữ mà, càng giận tôi càng thích.
Vậy mà trái với suy nghĩ của tôi, dì Dung sau vài giây sượng sùng kia thì dì ấy lại nở nụ cười, lần này lại là nụ cười hòa hoãn chuẩn hiền lành.
– Con nói cũng đúng, chuyện này là do dì sai xót nhưng mà trước mắt thì mình cứ mời thầy Đồ về trước, rồi mà chữa dăm bữa nửa tháng nữa không được thì hãy đưa chị Hai đi nhà thương.
Nhà thương là chỗ đông đúc bệnh tật nhiều, người chết người sống gì mà nằm chung… thôi thôi chị Hai chịu hông được đâu.
Tôi nhìn dì Dung chăm chú, trong lòng đang suy ngẫm vài chuyện nên không trả lời lại dì ấy.
Nói thêm vài ba câu nữa, dì Dung lấy cớ đi thăm Bà Nội nên đi trước, tôi thì ở lại với vú Chín.
Đợi dì Dung đi rồi, vú Chín mới khều tay tôi nói nhỏ:
– Cô, cô đừng chống đối với bà nhỏ làm chi…
Tôi cau mày:
– Sao lại không được hở vú?
Vú Chín lén nhìn xung quanh rồi thấp giọng trả lời:
– Bà nhỏ bây chừ khác xưa rồi, quyền hành quán xuyến nhà cửa đều nằm trong tay bà nhỏ hết… Cô chống đối với bà ấy thì thiệt thân cô thôi, con dâu chưa về làm dâu… đừng để có chuyện với má chồng, nghen cô.
– Vú nói sao mà lạ vậy? Dì con vẫn còn sống sờ sờ ở đây… khi nào thì tới lượt dì ta quản lý?
Vú Chín ghì tay tôi, bà gấp gáp nói:
– Nhỏ nhỏ cái miệng thôi cô, cô cứ bô bô lên như vậy… thì biết là bà chủ còn sống nhưng bây chừ bà bệnh tật… làm sao còn sức mà quán xuyên công lên chuyện xuống.
Thành thử ông chủ giao lại hết cho bà nhỏ, mà ông lại thương bà nhỏ nữa… tôi hông cần nói thì cô cũng hiểu chuyện gì xảy ra rồi.
Tôi giận đùng đùng nhưng vú Chín năn nỉ bảo tôi đừng làm chuyện gì bậy bạ mà liên lụy tới dì Nguyệt nên tôi mới thôi, tạm thời nhịn xuống.
Về lại phòng, tôi càng nghĩ càng thấy bức bối, đúng là đừng có trông mặt mà bắt hình dong, nhìn hiền lành như vậy nhưng chưa chắc đã tử tế, toàn là cáo già đội lốt thỏ con thôi.
Dì Dung, chắc dì ta đợi ngày này đã lâu lắm rồi đây…
________________
Chuyện sức khoẻ của dì Nguyệt, tôi có hơi nghi ngờ một chút nhưng bé Nhỏ đang bận chuyện trả đũa nên tôi không kêu con bé điều tra.
Mặc dù tôi còn có bé Thảo nhưng tôi chưa yên tâm lắm, dùng người thì phải tin người, nếu đã không tin thì không nên dùng.
Mấy bữa nay, ngày nào tôi cũng nói dối cậu Hai là tôi đi về mẹ nhưng thực chất là đi sang nhà cậu Cả chơi.
Tôi một phần muốn thử lòng bé Thảo, một phần lại có kế hoạch khác của riêng mình.
Sáng nay cũng như mọi khi, tôi sửa soạn để đi sang cậu Cả, tôi cũng đã dặn dò với bé Thảo là tôi đi, kêu con bé ở nhà có gì canh chừng cậu Hai.
Với lại tôi cũng giao cho con bé nhiệm vụ điều tra thuốc thang của dì Nguyệt, tôi biết là trong phòng dì ấy hoặc là chỗ thuốc kia có vấn đề nhưng tạm thời mấu chốt nằm ở chỗ nào thì tôi chưa rõ.
Hôm trước cậu Cả có cho người ra nói với tôi, cậu ấy bảo là bé Thảo sai biểu được không cần phải lo nên hôm nay tôi mới thử giao nhiệm vụ cho con bé.
Tin thì tôi tin cậu Cả nhưng còn con bé có được chuyện hay không thì phải coi thêm, mà tôi thấy chắc là cũng ổn vì khi thấy tôi giao nhiệm vụ, con bé có vẻ phấn khích lung lắm.
Nó có nói với bé Nhỏ là nó khoái mấy chuyện điều tra này kia, khoái làm thám tử.
Như thường lệ, tôi để bé Nhỏ ở bên này sông rồi đi đò qua bên kia sông để tới nhà cậu Cả.
Lại như thói quen, người nhà cậu Cả vui vẻ mở cửa cho tôi vào rồi lại dọn trái cây bánh mức trà nóng đem lên cho tôi.
Tôi ngồi một mình ở ngoài vườn hoa, vừa ăn bánh vừa ngắm chim muôn cây cảnh, mặc dù không vui nhưng cũng coi như được xả stress.
Cậu Cả vẫn như vậy, vẫn không chịu ra gặp tôi, tôi sang đây bao nhiêu bữa là bấy nhiêu lần cậu trốn tịt trong nhà không chịu ra.
Mà tôi, tôi cũng không ép cậu làm gì, mục đích tôi sang đây chỉ để ăn bánh uống trà ở nhà cậu, còn cậu cậu ra hay không… thì tùy vậy.
Ngồi một buổi trời, thấy đã tới giờ nên về nên tôi liền đứng dậy đội nón bà ba vào rồi xách túi đi ra cổng.
Ra chưa tới cổng thì anh quản gia ở trong liền réo tên tôi, nghe anh ta kêu, tôi liền quay lại, trong lòng cũng có chút chờ mong.
– Cô Út… cô chờ một lát.
Tôi trả lời lại ngay:
– Có chuyện gì vậy anh quản gia?
Anh quản gia đưa cho tôi một túi nhỏ, trong đó là gì thì tôi không biết.
Tôi nhận lấy túi nhỏ cầm trên tay, anh ta liền dặn dò:
– Cậu Cả biểu tôi đưa cái này cho cô, cậu nói cái này cô giữ rồi đọc cho kỹ.
Tôi sờ sờ túi nhỏ, bên trong chắc là đồ vật gì đó, ngước mắt lên, tôi lại hỏi:
– Cậu… có nói gì nữa không?
Anh quản gia lắc đầu:
– Cậu chỉ nói vậy thôi, cậu kêu cô về sớm đi, mai lại tới.
– Cậu… vẫn khỏe chứ hả?
Anh quản gia gật đầu nhưng ánh nhìn có hơi lảng tránh:
– Vẫn khỏe lắm… cô yên tâm.
Vừa lúc ấy, phía ngoài cổng có người cõng một bao gì đó giống như là cây thuốc, anh quản gia thấy tôi nhìn người kia nên liền ra lệnh cho người kia đi nhanh nhanh vào bên trong.
Tôi thì không rành lắm về thuốc nam nhưng một vài cây thuốc thì tôi lại nhìn được, chắc chắn cái bao kia là thuốc, cây thuốc còn tươi chưa được phơi khô.
– Cô về đi, tôi phải đóng cổng.
Anh quản gia lên tiếng đuổi khách, tôi cũng không thể chai mặt đứng hoài không chịu đi.
Ngày mai tôi lại tới, có gì tôi sẽ điều tra sau vậy.
Ra khỏi cổng, tôi không nhịn được mà mở túi ra xem ngay, bên trong túi chính là mặt dây chuyền mà Út Quân đưa cho cậu Cả ở bờ sông, bên trong còn có kèm một bức thư, chắc là của cậu Cả, bên trong viết.
“Tôi tìm được ông thợ làm vàng ở tiệm vàng Bích Bảo, ông thợ mà tôi từng đặt bốn sợi dây chuyền vàng, ông ta xác nhận cậu Ba Bảo con trai ông hội đồng Trầm từng mua một sợi dây chuyền có mặt bông hoa giống y như đúc bốn mặt chuyền vàng mà tôi đã đặt, sợi đó cũng do chính ông ta làm ra nhưng không có ký hiệu T của nhà hội đồng.
Tôi cũng đã hỏi qua Thục Oanh, em ấy có nói là Ba Bảo từng tặng sợi dây chuyền đó cho em ấy nhưng em ấy không nhận.
Nói tới đây, chắc em hiểu tôi đang nói gì rồi đúng không, tiếp theo là phần của em.
Út Quân, nhớ cẩn trọng…
Cậu Cả!”.