Lẳng Lơ Tao Nhã

Hai vợ chồng người lái thuyền, người trước người sau dùng chân đạp mái chèo, trong tay người chồng còn có một cái cây lái thuyền để tiện cho việc điều chỉnh phương hướng của con thuyền.

Nước sông ngủ say bình yên không một gợn sóng, dù thuyền đang đi ngược dòng nhưng tốc độ không hề chậm, mới một thời thần(đơn vị giờ theo cách tính thời gian xưa, một thời thần thì bằng hai tiếng đồng hồ thời nay) đã đi được hơn hai mươi dặm

Gần trưa, thuyền nương đun một ít canh nóng và bưng lên một ít bánh ngọt cho đám người Trương Nguyên ăn tạm cho đỡ đói. Mọi người ăn một chút, sau bữa trưa thì tiếp tục lên đường.

Phong cảnh hai bên bờ ngắm mãi cũng thấy nhàm, Trương Nguyên liền lấy một quyển “Tính lý đại toàn” ra xem, đây cũng là cuốn sách mà người tham gia khoa cử nhất định phải đọc.

Tổng cộng có bảy mươi cuốn, Trương Nguyên đã đọc được bốn mươi lăm cuốn đầu, hai mươi lăm cuốn sau hắn cũng mang theo để đọc. Đọc được mấy trang thì thấy mắt khá mỏi, đúng là nghe đọc sách vẫn dễ chịu hơn.

Vậy là hắn bèn sai Vũ Lăng tới đọc sách cho hắn nghe. Vũ Lăng ấp a ấp úng, mãi mới đọc xong được nửa trang sách. Trương Nguyên bực mình, nói:

- Thôi thôi, để ta tự xem còn hơn, Tiểu Vũ, ngươi chả tiến bộ lên chút nào cả.

Vậy là hắn không đọc sách nữa mà mài mực chuẩn bị luyện chữ. Mục Chân Chân ngồi xổm một bên dõi theo hành động của hắn.

Trời đã xâm xẩm tối, hai con thuyền mui trắng lần lượt cập bến tại trấn Tiền Thanh.

Trấn Tiền Thanh nằm giữa kênh đào Tây Hưng của sông Vận, giao thông đường thủy hết sức thuận tiện. Đây cũng là một thị trấn lớn, giàu có và sầm uất.

Khi thuyền của Trương Nguyên cập bến, Cảnh Lan, Cảnh Huy đã đứng trên bờ cười tủm tỉm dõi theo thuyền của hắn.

Trương Nguyên nhảy lên bờ, tiểu Cảnh Huy liền tiến lên hỏi:

- Trương công tử ca ca ban nãy đeo cái gì lên mũi đó, chẳng lẽ cũng là kính viễn vọng ư?

Trương Nguyên liền đem kính mắt đưa cho tiểu Cảnh Huy xem. Tiểu Cảnh Huy cũng muốn đeo thử, vừa đeo lên đã thấy hoa mắt chóng mặt, vội vàng tháo xuống, lắc đầu nói:

- Cái kính này chẳng có gì hay cả, không tốt bằng kính viễn vọng.

Thương Cảnh Lan cũng chạy tới đeo thử, đảo mắt một lượt rồi vội vàng tháo xuống, cười rồi nói vừa đeo lên đã nhức hết cả đầu.

Thương Chu Đức lại gần, nói:

- Giới Tử, chúng ta tới thị trấn dùng cơm hay mua đồ ăn sẵn lên thuyền ăn đây?

Trương Nguyên nói:

- Ăn cơm trên thuyền đi ạ.

Thương Chu Đức liền sai người hầu tới cửa hiệu trên thị trấn mua thức ăn về.

Thuyền nương đã nấu sẵn cơm, không tới nửa canh giờ, đồ ăn đã chuẩn bị xong đâu vào đấy, Thương Chu Đức mời Trương Nguyên lên thuyền của gã dùng cơm.

Tiểu Cảnh Huy chạy tới nói:

- Trương công tử ca ca đừng về thuyền kia nữa, ở bên này nói chuyện với bọn muội đi.

Lại quay sang năn nỉ Thương Chu Đức:

- Thúc phụ, được không?

Trời đã về đêm, làm vậy thì không tiện cho lắm, Thương Chu Đức mỉm cười nói:

- Để mai đi, ngày mai sẽ mời Trương công tử qua bên này, để tỷ muội hai người đọc sách cho hắn nghe. Hắn có biệt tài nghe một lần sẽ không bao giờ quên, hai người thử kiểm tra hắn xem.

Quãng đường từ Hội Kê đến trấn Tiền Thanh dài một trăm lẻ năm dặm, từ trấn Tiền Thanh tới Tây Lăng của Tiêu Sơn khoảng sáu mươi dặm.

Quãng đường sông này ban đêm vô cùng yên tĩnh, hai chiếc thuyền nhà họ Thương tiếp tục lên đường, theo dòng sông Vận từ trấn Tiền Thanh hướng về phía Tây Lăng, trên đường có rất nhiều tàu thuyền qua lại.

Ban ngày trời quang mây tạnh, khi màn đêm buông xuống có rất nhiều sao trời.

Được ánh sao soi tỏ, con thuyền mui trắng giống như một con cá lớn vượt sóng tiến lên, tốc độ dường như còn nhanh hơn cả ban ngày.

Trương Nguyên mở rèm ngắm cảnh đêm một lúc, cảm thấy gió thổi có chút lạnh liền hạ rèm xuống.

Vũ Lăng đã ngồi ê hết cả mông, liên tục ngáp ngắn ngáp dài. Mục Chân Chân thì vẫn tỉnh, giữ thẳng lưng ngồi một bên, thấy Trương Nguyên nhìn qua, vội hỏi:

-Thiếu gia có gì sai bảo ạ?

Trương Nguyên cười nói:

- Ngồi thuyền đêm là phải kể chuyện, không thì buồn chết. Chân Chân kể một câu chuyện ta nghe coi.

Vũ Lăng đang buồn ngủ díp cả mắt, nghe thế thì lại tỉnh như sáo, nói:

- Phải đó, Chân Chân tỷ mau kể chuyện đi.

Mục Chân Chân thẹn thùng nói:

- Tiểu tỳ không biết kể chuyện đâu.

Trương Nguyên nói:

- Cứ kể bừa một chuyện đi xem nào, nàng kể xong thì ta sẽ kể, coi như để giết thời gian.

Mục Chân Chân ngẫm nghĩ một chút, ngại ngùng nói:

- Vậy tiểu tì sẽ kể một câu chuyện mà hồi xưa mẹ tiểu tì vẫn thường hay kể cho tiểu tì nghe.

- Có một ông lão bán cà nọ, mỗi vụ cà chín đều bị người ta lấy cắp mất mấy trăm quả. Mấy năm liền rồi đều như vậy, lão tức lắm, bèn tới gặp điển sử ở khoa hình phòng tố cáo.

- Điển sử bày cho ông lão một kế, đợi năm sau khi cà chín thì dùng kim cắm vào trong mỗi trái cà, nếu còn bị trộm thì hãy lên báo quan. Năm sau cà vẫn bị trộm, điển sử bèn lệnh cho mấy sai nha vào thành điều tra tất cả những người bán cà, quả nhiên điều tra được có một nhà bán cà mà bên trong những quả cà đều có kim.

- Điển sử bèn gọi ông lão trồng cà tới đối chất, hóa ra đây lại chính là hàng xóm của lão.

- Thiếu gia, chuyện của nô tì đã kể hết rồi, nô tì kể không được hay mà.

Trương Nguyên khen:

- Chân Chân kể khá lắm, đó là một điển sử rất thông minh. Tiểu Vũ, ngươi cũng kể một câu chuyện đi.

Quay đầu nhìn sang, thấy Vũ Lăng đã nằm lăn ra ngủ từ bao giờ, hắn khẽ mỉm cười, đứng dậy đắp chăn cho y.

Mục Chân Chân thoáng đỏ mặt, nói:

- Thiếu gia cũng muốn đi ngủ rồi sao?

Trương Nguyên nói:

-Hãy còn sớm, ta không ngủ được, để ta kể một câu chuyện cho nàng nghe. Chẳng biết sao ngồi trên thuyền này ta lại nổi hứng muốn kể chuyện và nghe chuyện, vậy mới lạ chứ!!!

Đại huynh Trương Đại sau này sẽ biên ra một cuốn bách khoa toàn thư có tên là “dạ hàng thuyền”(Chuyến thuyền đêm), những chuyện về thiên văn địa lý, chim thú trùng cá, nhân vật đời xưa, quy chế pháp luật đều đủ cả, ban đêm ngồi thuyền rất thích hợp để lấy ra kể.

Mục Chân Chân vui vẻ nói:

- Được. Tiểu tỳ thích nhất là nghe kể chuyện đó.

Trương Nguyên uống một ngụm trà, rồi bắt đầu kể, chợt thấy thuyền khẽ lắc, có tiếng người chèo thuyền kêu lên:

- Trương công tử, cẩn thận đèn lửa, sắp tới đoạn nước xiết đó.

Trương Nguyên đáp:

- Biết rồi.

Liền đứng dậy thổi tắt đèn, nói với Mục Chân Chân:

- Ngồi trong bóng tối vẫn kể chuyện được.

Mục Chân Chân ngồi chìm trong bóng tối, khẽ “vâng” một tiếng.

Trương Nguyên mở rèm lên, bên ngoài có sao soi sáng, không có trăng nhưng vẫn đủ nhìn rõ mặt người. Ánh sáng rọi vào bên trong khoang thuyền, khiến cho người ngồi trong thuyền cũng bớt cảm thấy e ngại.

Trương Nguyên nói:

- Ta sẽ kể chuyện về một vị tú tài. Truyện kể rằng giáo quan của một học thự nọ nổi tiếng là nghiêm khắc, chư sinh huyện học chỉ cần phạm một lỗi nhỏ là sẽ bị gã phạt đánh ngay. Thời đó quyền uy của giáo quan rất lớn, không giống như bây giờ, giáo quan không quản nổi tú tài nữa.

Mục Chân Chân “ vâng” một tiếng, biểu thị nàng đang nghe.

Trương Nguyên tiếp tục kể:

- Hôm đó có một tú tài phạm vào nội quy lớp học, giáo quan liền lệnh cho người, đi truyền vị tú tài ấy tới Minh Luân đường. Gã nổi trận lôi đình, gậy đã chuẩn bị xong xuôi, chỉ cần tú tài vừa đến một cái là sẽ cho ăn roi luôn.

- Tú tài kia chạy tới, vừa bước vào sảnh đường đã vội vàng thi lễ nói:

“Học trò ban nãy tình cờ bắt được một món tiền, tính ra khoảng trăm hai mươi lượng, đang bận thu xếp món tiền đó nên tới chậm, mong tiên sinh thứ lỗi.”

-Giáo quan vừa nghe vậy thì quên béng mất chuyện phạt tú tài, hỏi y xem nhặt được món tiền đó ở đâu.

-Tú tài nói y khi đào vườn sau nhà mình lên thì bắt được.

-Giáo quan lại hỏi y định sẽ xử trí món tiền ấy như thế nào?

-T ú tài đáp y xuất thân bần hàn, muốn dùng chín trăm lượng bạc để mua ruộng, mua dinh thự, sắm nông cụ, còn dư lại một trăm lượng thì một nửa dùng để lo việc đọc sách, nửa còn lại sẽ đem biếu tiên sinh để cảm tạ công ơn tiên sinh đã dạy dỗ bảo ban ân cần cho y.

-Giáo quan mừng lắm, luôn miệng nói không dám nhận, rồi liền lệnh cho người chuẩn bị rượu thịt khoản đãi tú tài kia. Hôm đó thái độ của giáo quan vui vẻ cởi mở hẳn lên, chẳng có vẻ gì là một vị giáo quan nghiêm khắc thường ngày cả.

- Rượu đã ngà ngà say, giáo quan chợt nhớ ra một chuyện, hỏi tú tài vội vã tới học thự như vậy thì có mang tiền theo không, lỡ may có kẻ nào trộm mất thì đúng là uổng phí.

-Vị tú tài đó đáp: “Học trò vừa sắp xếp xong đâu đấy cách sử dụng số bạc đó thì bị thê tử gọi dậy, tỉnh rồi, bạc cũng không còn nữa.”

Mục Chân Chân bụm miệng cười khanh khách, lại hỏi:

- Thiếu gia, giáo quan kia có lại tức giận mà đánh tú tài một trận không?

Trương Nguyên cười nói:

- Giáo quan cũng là người có văn hóa, đã khoản đãi người ta bao nhiêu là thức ăn ngon, rượu ngon như vậy rồi, lập tức trở mặt ngay làm sao được, còn về sau đó như thế nào thì ta cũng không rõ nữa, nghe truyện không nên truy vấn ngọn nguồn, nếu không sẽ chẳng còn gì thú vị nữa.

Mục Chân Chân mỉm cười đáp: “

- Vâng, thiếu gia.

Trương Nguyên lúc này cũng ngáp một cái, nói:

- Ta cũng mệt rồi, nằm nghỉ thôi.

Trong gian vừa đúng có ba chỗ nằm, Vũ Lăng ban nãy nằm ngoài cùng, Trương Nguyên hỏi:

- Chân Chân, ngươi chọn chỗ nào?

Mục Chân Chân giọng khẽ run, đáp:

- Tiểu tỳ nằm bên góc thôi, thiếu gia ngủ trước đi.

Trương Nguyên ra đầu thuyền rửa mặt, lúc sau quay lại hắn nằm vào chỗ giữa.

Một lúc lâu sau nữa Mục Chân Chân mới rón rén bò vào chỗ trong cùng, nhanh chóng chui vào trong chăn như sợ bị ma bắt mất vậy.

Trương Nguyên cười thầm, nghĩ bụng: “Ta đâu có phải tên háo sắc đâu, phụ thân Mục Chân Chân còn đang ở ngay khoang bên cạnh kia kìa, ta có gan to bằng trời cũng không dám ức hiếp nàng đâu.

Nếu là Tam huynh Trương Ngạc, chắc đã kéo ngay Mục Chân Chân vào trong chăn của mình rồi, tam huynh này có lúc cũng khiến người ta phải ngưỡng mộ ra phết.”

Suy nghĩ lung tung một hồi thì chìm vào giấc ngủ từ lúc nào không hay. Con thuyền nhẹ nhàng chao đảo lắc lư như chiếc nôi ru những người trên thuyền chìm sâu vào giấc ngủ, khi vừa mở mắt ra thì đã tới Tây Lăng Tiêu Sơn rồi.

Ngày hôm sau, Trương Nguyên sang thuyền của Thương Chu Đức để tỷ muội Cảnh Lan, Cảnh Huy đọc “Tính lý toàn thư” cho hắn nghe.

Cảnh Huy mới bảy tuổi nhưng đã biết được nhiều chữ hơn Vũ Lăng nhiều, đọc sách rất trôi chảy lưu loát, đọc được mấy trang cô bé lại dừng lại kiểm tra Trương Nguyên xem hắn đã thuộc hay chưa?

Trương Nguyên hễ đọc nhầm một chỗ là tiểu Cảnh Huy lại cười khanh khách, vui vẻ chỉ ra lỗi sai cho hắn. Chập tối hôm đó, thuyền đi qua sông Tiền Đường.

Bờ bắc sông Tiền Đường là Hàng Châu, hay còn gọi là Vũ Lâm. Cảnh Lan và Cảnh Huy lần đầu tiên trông thấy con sông lớn đến vậy, vui mừng thích chí chạy ra mui thuyền ngắm ánh mặt trời hòa vào làn nước trong xanh.

Hai tỳ nữ phải ra sức kéo tay hai tỷ muội họ để tránh xảy ra nguy hiểm.

Sông Tiền Đường có một con kênh nối hai bờ sông Đại Vận. Khi hai chiếc thuyền của Thương thị cập vào kênh thì chiếc thuyền ngũ minh sành khẽ đụng vào một con thuyền mui đỏ.

Trên bến có rất nhiều tàu thuyền đang đậu, lúc ra vào khó tránh khỏi va chạm vào nhau.

Người lái thuyền của Thương thị không để ý mà chỉ lo đậu thuyền của mình, đúng lúc đó thì một thanh niên ăn mặc rất kì quái nhảy ra từ chiếc thuyền mui đỏ lớn tiếng quát:

- Là kẻ nào dám va vào thuyền của ta hả?

Trương Nguyên thấy gã thiếu niên này chỉ tầm mười hai, mười ba tuổi, đầu buộc một tấm khăn xanh, lại mang trên người áo lan của sinh đồ. Chắc không phải người này đã có công danh sinh đồ rồi chứ?

Nhưng trên đầu nó đâu có đội khăn vuông mà chỉ dùng một tấm khăn xanh trùm đầu mà thôi, rốt cuộc ăn mặc như vậy là như thế nào, áo lan của sinh đồ cũng có thể mặc vào tùy tiện như vậy sao?

Thương Chu Đức chưa kịp lên tiếng, từ chiếc thuyền mui đỏ lại truyền tới giọng nói của một vị phu nhân:

- Lân nhi, không được gây sự, mau trở vào trong khoang đi.

Thiếu niên này dậm chân nói:

- Chúng ta bị ức hiếp quá lắm rồi, phụ thân thì đang bị nhốt trong ngục, đến ngồi thuyền mà cũng không được ngồi yên, thật tức chết đi được.

Trương Nguyên trong lòng nghĩ thầm:

“Gã thiếu niên này là ai?”


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui