Lẳng Lơ Tao Nhã

Lời nói vừa dứt, đã thấy Năng Trụ quay lại, đưa năm lượng bạc cho đội trưởng Đặng, nói:

- Thiếu gia nhà ta nói là giữ lời.

Mấy tên sai dịch đều vui mừng hết cỡ, quát ra lệnh cho mấy người nhà họ Đổng khiêng Bặc Thế Trình lên thuyền, nhanh chóng rời khỏi Thanh Phổ.

Trương Nguyên, Lục Thao cùng với các học trò Thanh Phổ về lại Lục phủ, nhưng không thấy Trương Ngạc đâu, Lục Đại nói:

- Yến Khách công tử đi đến bến tàu Thành Nam rồi, nói là có việc, còn dẫn theo mấy người đi cùng nữa.

Trương Nguyên và Trương Đại đưa mắt nhìn nhau, không nhịn nổi cười. Hai người bọn họ quá hiểu tính cách Trương Ngạc. Năm ngoái ở Sơn Âm, Trương Ngạc dẫn theo một đám người đi đuổi đánh Đổng Tổ Thường nhưng không đuổi kịp, nên rất tức tối. Lần này chắc chắn là gã lại đi đuổi đánh tên môn khách Bặc Thế Trình của nhà họ Đổng đây mà. Mặc dù lúc trước gã cũng đánh người ta rồi, nhưng trên công đường Bặc Thế Trình không phải chịu đòn, nên Trương Ngạc tức khí, nhất định là vì thế nên đuổi theo đánh bù. Lục Thao vào nhà trong bẩm báo lại sự việc hôm nay với cha mình là Lục Triệu Khôn, Lục Triệu Khôn bị liệt, chỉ có bàn tay phải có thể cử động, vỗ vỗ xuống thành ghế, luôn miệng nói:

- Đánh hay lắm, đánh hay lắm…

Liễu thị ở bên cạnh lo lắng nói:

- Bọn chúng trở về liệu có đánh Dưỡng Phương để trút giận không.

Lục Thao nói:

- Nhị đệ đang bị nhốt ở nhà lao phủ Tùng Giang, chứ đâu có phải trong nhà Đổng thị, hơn nữa còn có người nhà họ Lục ta lo liệu bên đó, nhị đệ sẽ không phải chịu khổ đâu.

Liễu thị gật đầu nói:

- Ta lo nhất là đệ đệ con, con phải mau nghĩ cách cứu nó ra mới được, tiêu tốn tiền bạc là chuyện nhỏ, quan trọng nhất là phải giữ được người.

Lục Thao nói:

- Mẫu thân yên tâm, điều này con hiểu.

Lục Thao quay ra tiền sảnh, Trương Ngạc cũng đã trở về, kể lại cảnh tượng trên bến tàu, mọi người cười phá, đều khen Trương Ngạc có hiệp khí.

Trương Ngạc nói:

- Đội trưởng Đặng đó nói cái gì mà “tha được cho người thì nên tha”, ta thì không tha cho một ai hết, tuyệt đối không bỏ qua.

Hai học trò người Hoa Đình là Ông Nguyên Thăng và Tưởng Sỹ Kiều nói:

- Hôm nay đúng là hả dạ, xem ra cần phải liên hiệp các học trò lại gây áp lực cho quan phủ mới được.

Trương Ngạc nói:

- Giờ mới trừng trị được mấy tên gia nô của Đổng thị thôi, có gì mà hả hê chứ, ngày nào phải đánh cho Đổng Tổ Thường vãi cả phân thì lúc đó mới hả dạ.

Lúc này trời đã hoàng hôn, hơn hai mươi học trò Thanh Phổ đều ở lại Lục phủ dùng bữa tối, rượu qua tam tuần, Liễu Kính Đình nói:

- Các vị tướng công, tại hạ đã đem những việc ác của Đổng hoạn biên soạn thành sách truyện, để ta kể cho các vị tướng công nghe trước.

Mọi người bèn giữ yên lặng nghe Liễu Kính Đình kể chuyện. Trong cuộc hành trình năm ngày từ Hàng Châu đến Thanh Phổ, thỉnh thoảng Liễu Kính Đình lại ngồi một mình, cầm cuốn “ Đổng hoạn ác hành lục “ do Trương Nguyên viết, tập trung suy nghĩ, hôm nay rốt cục cũng cải biên xong và ghi nhớ cả. Bây giờ kể lại một cách rõ ràng mạch lạc những hành vi hung dữ gian ác của cha con chủ tớ nhà họ Đổng, rồi nỗi oan khuất bi phẫn của những người dân bị hại, tất cả đều hợp tình hợp lý, ngấm vào tận xương tủy, khiến người ta nghe thấy phải tức giận. Trương Ngạc đập bàn mắng chửi Đổng Kỳ Xương, hai học trò Hoa Đình là Ông Nguyên Thăng và Tưởng Sỹ Kiều lòng đầy căm phẫn, nói với Trương Nguyên:

- Giới Tử huynh, ngày mai hai người bọn ta về Hoa Đình trước để liên lạc với các học trò, đợi các huynh đến là nhất tề tố cáo Đổng thị lên tri phủ, yêu cầu trừng trị Đổng Tổ Nguyên, Đổng Tổ Thường, cùng với bọn ác nô của chúng.

Trương Ngạc hỏi:

- Sao lại không đề cập đến việc trừng trị Đổng Kỳ Xương?

Ông Nguyên Thăng nói:

- Đổng Kỳ Xương là trí sỹ Hàn Lâm, rất khó trị tội, có thể trừng trị hai đứa con trai lão ta và đám ác nô là tốt lắm rồi.

Tưởng Sỹ Kiều nói:

- Đổng Kỳ Xương đã sáu mươi tuổi rồi, chẳng sống được mấy năm nữa, cứ để ông trời trừng trị lão ta.

Trương Nguyên thầm nghĩ: “Sử sách ghi chép lại là Đổng Kỳ Xương sống đến hơn tám mươi hai tuổi, bây giờ mới sáu mươi, còn sống khỏe hơn hai mươi năm nữa”. Nghĩ đoạn hắn nói với Liễu Kính Đình:

- Kính Đình huynh, huynh kể chuyện không cần kể đích danh cha con Đổng Kỳ Xương, có thể dấu tên chúng đi, mượn chuyện của thời khác mà kể, như vậy có thể tránh được những phiền toái không cần thiết.

Trương Đại gật đầu nói:

- Giới Tử nói đúng, dù sao chỉ cần những chuyện cụ thể được kể ra, thì người nghe sẽ biết ngay là việc xấu của cha con nhà họ Đổng, không cần phải nói rõ tên họ.

Liễu Kính Đình hiểu là Trương Nguyên, Trương Đại làm vậy là để bảo vệ cho y, bọn Trương Nguyên là học trò có công danh, còn Liễu Kính Đình y chỉ là một người kể chuyện lưu lạc giang hồ, nếu Đổng Kỳ Xương kiện y tội phỉ báng thân sỹ thì y ắt phải chịu khổ. Nhưng Liễu Kính Đình không sợ, cùng lắm là mai danh ẩn tích, lánh đến vùng khác thêm một lần nữa thôi. Trương Ngạc lại cho rằng, kể chuyện mà không chỉ đích danh cha con Đổng Kỳ Xương thì không thỏa, Trương Nguyên phải giải thích với hắn:

- Việc này cũng giống như chuyện “ Kim Bình Mai “ lấy cớ là kể về thời Tống, nhưng nhân tình thế thái, không có tình tiết nào là không nhắm vào Đại Minh sau những năm Gia Tĩnh.

Trương Ngạc thích “ Kim Bình Mai “ nhất , cười nói:

- Thì ra là thế, hay!

Buổi sáng ngày mười sáu tháng năm, chủ tớ Kim Lang Chi, Ông Nguyên Thăng, Tưởng Sỹ Kiều lên thuyền rời khỏi Thanh Phổ trở về Hoa Đình. Bọn Trương Nguyên, Lục Thao ra tận bến tàu tiễn chân, Trương Nguyên nói:

- Kim huynh, các huynh về Hoa Đình liên lạc với các học trò cứ nên cẩn thận bí mật một chút là tốt hơn cả, tạm thời đừng xung đột trực diện với nhà họ Đổng, tránh bị chúng phản đòn.

Kim Lang Chi nói:

- Bọn ta hiểu, khi nào thì Giới Tử huynh đến Hoa Đình?

Trương Nguyên nói:

- Trong vòng bảy ngày nữa sẽ tới.

Kim Lang Chi nói:

- Được, ta sẽ chuẩn bị sẵn sàng nghênh đón.

Sau khi tiễn ba người Kim Lang Chi xong, Lục Thao, Trương Đại, Trương Nguyên, Trương Ngạc cùng đi đến Dư Sơn kiểm tra rừng dâu và ruộng bông của nhà họ Lục. Đây là ý của Trương Nguyên. Trương Nhược Hi cũng đòi đi cùng, Trương Nhược Hi sắp tới sẽ giúp phu quân Lục Thao quản lý ruộng dâu và nghề dệt của gia tộc họ Lục.

Dư Sơn nằm cách huyện thành Thanh Phổ mười lăm dặm về hướng nam, sáu trăm mẫu rừng dâu ở đó là vùng sản xuất dâu tằm chính của nhà họ Lục, còn có năm trăm mẫu ruộng bông nữa. Ở phía chân núi phía bắc, nhà họ Lục có bảy mươi hộ trồng bông, tám mươi hộ nuôi tằm, hai trăm hai mươi hộ dệt, còn có tổng cộng hai trăm sáu mươi cỗ các loại máy móc nghề dệt như máy phun thêu, đánh bông, trộn bông và máy dệt. Xét về máy móc thiết bị nghề dệt là đứng đầu Thanh Phổ. Mỗi năm bán ra hơn mười ngàn tấm vải bông và lụa các loại. Trong số các loại tơ lụa mà nhà họ Lục sản xuất ra, có đến một phần ba là những sản phẩm tinh xảo ứng dụng kỹ thuật máy phun thêu, loại tơ lụa phun thêu này, mỗi tấm có thể bán được hai ba mươi lượng bạc. Nghề nuôi tằm dệt lụa của nhà họ Lục mỗi năm lãi ròng không dưới mười ngàn lượng bạc trắng, nhưng từ cuối năm ngoái đến nay, gia nô Đổng thị và đám lưu manh du côn không ngừng đến sơn trang của Lục thị ở Dư Sơn quấy nhiễu, các hộ trồng dâu nuôi tằm, với nông dân trồng bông cũng đã tổ chức thanh niên tự vệ, nhưng bọn lưu manh đó ít nhiều cũng có chút võ nghệ, thủ đoạn lại tàn độc, thấy người đông thì chạy, người ít thì đánh. Các hộ trồng dâu nuôi tằm, và trồng bông trong trang viên lại không đồng tâm hiệp lực với nhau, gặp chuyện không ai dám đứng lên trước, khiến cho việc nuôi tằm vụ thu năm ngoái và vụ xuân năm nay của nhà họ Lục bị ảnh hưởng nặng nề, bây giờ không đủ tơ để cung cấp cho máy dệt. Phía đông nam của Dư Sơn chính là nơi giáp ranh với huyện Hoa Đình, Hoa Đình Đổng thị có thể lợi dụng điều đó mà cho đám lưu manh đến hành hung bất cứ lúc nào. Phụ nữ và trẻ em của những hộ trồng dâu nuôi tằm, trồng bông trong sơn trang còn không dám bước chân ra khỏi cổng lớn của sơn trang, đã có hộ tằm chuẩn bị rời khỏi Lục thị, về đầu quân cho gia tộc khác ở Thanh Phổ, điều này cũng nằm trong âm mưu của Đổng thị. Điều Đổng thị muốn là làm cho sơn trang nhà họ Lục không được yên ổn, ép Lục thị nhượng lại sáu trăm mẫu rừng dâu này. Trương Nguyên, Lục Thao cùng đi đến sơn trang ở mạn bắc chân núi Dư Sơn, Trương Nhược Hi cùng với mấy bà vú và nô tỳ vào trong trang viên dặn dò người chuẩn bị cơm nước, còn Lục Thao dẫn bọn Trương Nguyên đi thăm xung quanh trang viên.

Lục thị có hơn hai ngàn mẫu ruộng tốt, hơn một nửa trong số đó dùng để trồng dâu, trồng bông, lợi ích thu được từ nuôi tằm trồng bông lớn hơn nhiều so với trồng lúa. Phủ Tùng Giang là kinh đô bông của triều Đại Minh, được xưng tụng là “Y bị thiên hạ” (nơi làm ra chăn và áo cho cả thiên hạ), thu lời rất lớn từ nghề nuôi trồng. Đây cũng chính là nguyên nhân chính của việc tuy Giang Nam trù phú, nhưng một khi gặp phải thiên tai thì lương thực không đủ ăn. Ruộng đồng đương vụ, xanh ngắt một màu, sườn núi bằng phẳng phía tây Dư Sơn chính là rừng dâu và vườn chè của nhà họ Lục, trên đỉnh núi là từng khoảng rừng trúc lớn. Ánh mặt trời lúc gần chính ngọ chiếu xuống, rừng trúc xanh biếc một màu, phát sáng như phỉ thúy ngọc bích vậy.

Lục Thao nói:

- Măng lan trúc trên núi này rất ngon, nên Dư Sơn còn có tên gọi khác là Lan Duẩn Sơn.

Trương Nguyên nói:

- Nơi này thật đẹp, Đổng thị với lòng tham không đáy của chúng đương nhiên là muốn chiếm cho bằng được rồi.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui