Lẳng Lơ Tao Nhã

Cùng ngày, Lục Thao bẩm chuyện với phụ thân Lục Triệu Thân, cùng Sơn Âm Trương thị hợp tác “hiệu buôn Thịnh Mỹ”, kinh doanh vải bông, tơ lụa và dệt thêu, muốn mở các phân hiệu ở Hoa Đình, Thượng Hải, Tô Châu, Nam Kinh, Hàng Châu. Lục Triệu Thân nói:
- Con cứ làm đi, hiện giờ con làm chủ đương gia, hợp tác với Trương thị rất tốt, họ là một chỗ dựa vững chắc.

Muốn kinh doanh, phát tài, trong triều không ai không làm. Đại thương nhân đều mời danh sư dạy con cháu đọc sách, hy vọng chúng có thể nhờ khoa cử mà làm quan. Còn có người dùng khoản tiền lớn hối lộ quan lớn trong triều, thời điểm mấu chốt có được một phong thư nâng đỡ của quan lớn thì có thể vượt qua nguy cơ, bằng không tiền có nhiều đi chăng nữa thì cũng thành con dê béo mặc người ta mổ xẻ, vì vậy một số đại thương nhân gia tài lên đến ức vạn trong triều đều có người phát ngôn. Lục Triệu Thân những tưởng mình có công danh cử nhân thì cũng miễn cưỡng trụ được, nào ngờ bị Đổng thị quấy nhiễu suýt làm nhà tan cửa nát, thật đúng là bài học xương máu. Vì vậy nghe thấy con trai Lục Thao muốn hợp tác với Sơn Âm Trương thị mở hiệu buôn vải, ông đương nhiên là tán thành rồi.

Hiện tại Trương Ngạc cũng biết Trương Nguyên phát tài lớn từ việc Đổng thị đắm thuyền, tuy y miệng lưỡi bép xép nhưng cũng không phải thằng ngốc, hiểu được lợi hại trong việc này, đương nhiên sẽ không nói loạn trước mặt kẻ khác. Trương Nguyên lấy danh nghĩa ba huynh đệ để đầu tư thư cục Hàn Xã và hiệu vải Thịnh Mỹ, điều này khiến Trương Ngạc rất hài lòng, Giới Tử rất chú ý đến tình nghĩa huynh đệ.

Ngày hai mươi tám tháng năm, khế ước hùn vốn của “hiệu buôn Thịnh Mỹ” được ký kết. Trương Nguyên giao mười ngàn lượng bạc cho tỷ tỷ Trương Nhược Hi, chỗ bạc này dùng để mua tơ tằm, máy dệt, chiêu dụ thợ dệt. Theo ý của Trương Nguyên, hiệu buôn Thịnh Mỹ còn phải thiết kế một ký hiệu, hay còn gọi là nhãn hiệu, trước cửa hàng phải có ký hiệu bắt mắt, mỗi đầu xấp vải bán ra đều phải in nhãn hiệu này. Đương nhiên là nhãn hiệu trước cửa hàng phải to, còn nhãn hiệu trên đầu vải nhỏ cỡ hạt dưa là vừa. Nhãn hiệu này nhất thời nghĩ chưa ra, cũng không cần gấp, thiết kế vài mẫu rồi quyết định sau, phải để người khác vừa nhìn đã nhớ, khi quyết định rồi thì không thể đổi, chớ để qua hai năm lại đổi nhãn hiệu, đó là việc làm ngu xuẩn.

Tuyển tập văn bát cổ đó cũng được tuyển bình xong, chỉ đợi khắc bản in ấn thôi. Đây là quyển sách đầu tiên mà thư cục Hàn Xã khắc ấn, sự vụ Tùng Giang đại khái đã lo xong. Ba huynh đệ Trương Nguyên phải đến Nam Kinh học ở Quốc Tử Giám, bọn họ sẽ rời Sơn Âm sau tiết Đoan Ngọ.
Hiện đã đến cuối tháng năm, lại trì hoãn ở lại Tô Châu vài ngày, vì vậy họ phải gấp gáp lên đường. Tông Dực Thiện theo Trương Nguyên đến Nam Kinh, hắn đọc sách tại đó, y thì đến giúp Tiêu Thái sử chỉnh lý danh mục sách ở Tàng Thư lầu. Cha mẹ Tông Dực Thiện tạm thời lưu lại Thanh Phổ, đợi đến khi Trương Nguyên quay về Thiệu Hưng vào cuối năm, Tông Dực Thiện sẽ đón song thân cùng đi. Thanh Phổ cách Hoa Đình quá xa, y khó mà yên tâm, vẫn nên để cha mẹ an cư ở Sơn Âm thì tốt hơn.

Trương Nguyên lấy bạc trắng năm mươi lượng tạ ơn Liễu Kính Đình, y chỉ chịu nhận hai mươi lượng, xem như tiền thù lao khi Trương Nguyên mời y thuyết thư, mỗi ngày một lượng bạc, Trương Nguyên đành chiều theo.
Sớm ngày hai mươi tám hắn tiễn Liễu Kính Đình và tiểu đồng tùy tùng lên thuyền về Hàng Châu, hẹn nhau lần sau tái ngộ tại Hàng Châu.

Chập tối, ba huynh đệ Trương Nguyên thu xếp hành trang chuẩn bị sáng mai khởi hành, Trương Đại hỏi Trương Nguyên:
- Giới Tử, có cần phái người đến Đông Xa Sơn báo Trần Mi Công một tiếng, nói mai ta khởi hành, nếu nữ đệ tử Vương Vi của Mi Công muốn cùng đi thì mời sáng mai đến Thanh Phổ, thế nào?

Trương Ngạc vội hỏi:
- Nữ đệ tử gì vậy?

Trương Đại cười nói:
- Chính là nữ lang vừa giống quỷ vừa giống tiên mà chúng ta gặp vào đêm trăng Tây Hồ lần trước, đó là nữ đệ tử của Trần Mi Công.

Trương Ngạc bật dậy, reo lên:
- Hay quá, Trương Tông Tử, Trương Giới Tử, hai người giấu ta chi vậy, huynh đệ gì chứ, thật là ác độc mà!

Trương Nguyên cười nói:
- Trách ai được chứ, tại huynh không chịu đi cùng với đệ và đại huynh đến thăm Trần Mi Công.

Trương Ngạc nói:
- Vậy lúc về cũng phải nói ngay cho ta biết chứ, lại giấu đến tận bây giờ. Đáng ghét! Đáng hận!

Trương Đại nói:
- Chẳng phải ngay sau đó đã đi Hoa Đình rồi sao, ai đủ kiên nhẫn mà kể cho đệ được?

Trương Ngạc trợn mắt nhìn trời:
- Thôi bỏ đi, không thể dựa vào huynh đệ, thấy sắc quên nghĩa!
Oán giận một hồi, y lại nói:
- Đại huynh, huynh kể rõ việc hôm đó cho đệ đi. Không ngờ lại có diễm ngộ như thế, quả là trùng hợp, ngày đó đuổi đến mộ phần Nhạc Vương thì bị vấp ngã, lúc bò dậy lại không thấy tăm hơi, cứ tưởng là quỷ.

Trương Đại kể chuyện hôm đó đến Đông Xa Sơn thăm Trần Mi Công, cả chuyện Giới Tử cùng Mi Công, Vương Vi so tài đánh cờ. Trương Ngạc reo hò:
- Diệu kế, diệu kế, vậy nữ lang kia không phải gia đình tử tế, vậy thì dễ quyến rũ rồi.
Y hết sức cảm khái:
- Mỹ nữ trên thế gian này luôn ẩn sâu trong chốn nhà cao cửa rộng, ta muốn liếc nhìn một cái cũng khó khăn. Thiên giáo có nữ tử tuyệt như thế này, vừa xinh đẹp lại đa tài, quả là an ủi kiếp tài tử tịch liêu như ta.

Trương Đại lắc đầu cười:
- Yến Khách, đệ thật trâng tráo, dám xưng là tài tử.

Trương Ngạc nói:
- Lẽ nào biết viết chút văn bát cổ và thơ từ thối tha thì là tài tử à? Đệ thì đánh bài, bắn tên cưỡi ngựa, đánh trống xướng khúc, gảy đàn ném thẻ vào bình rượu, thứ nào cũng giỏi, nếu không thì sao được xưng là con cháu ăn chơi. Phải rồi, hai câu thơ “Nam tử hiện giờ biết bao nhiêu, luôn nói quan lớn tức là tiên” mà hồ tiên nữ lang ở Tây Hồ nói chẳng phải là ngầm khen đệ hay sao, đệ xem công danh như cặn bã, không giống như hai người luôn nói quan đạo là tiên, một lòng muốn khoa cử thành danh.

Trương Nguyên và Trương Đại nhìn nhau, hai người đành câm lặng.

Trương Ngạc háo hức nói:
- Ta sẽ đi Đông Xa Sơn nói với Vương Vi cô nương, mời cô ấy ngày mai cùng đi với chúng ta.
Nói rồi y để Lục Đại dẫn đường, dẫn theo Năng Trụ và Phùng Hổ hăng hái lao đi.

Trương Đại bất đắc dĩ nói:
- Giới Tử, đệ xem bộ dạng đói khát của Yến Khách, sợ là sẽ dọa chết cô nương đó, cô ấy chắc sẽ không đi cùng chúng ta đâu.

Trương Nguyên cười nói;
- Tam huynh có chừng mực đấy, có vẻ ác tục nhưng lại có chân khí, ừm, ngây thơ chất phác đó mà!

Trương Đại bật cười.

Từ Thanh Phổ Lục phủ đến chỗ ở của Mi Công trên Đông Xa Sơn chừng ba mươi mấy dặm. Trương Ngạc hấp tấp chạy đi, không màng gọi kiệu, xuất phát từ giờ Dậu chập tối đến cuối giờ Tuất mới quay lại, thấy Trương Nguyên và Trương Đại liền rên:
- Chân muốn gãy rồi, chân muốn gãy hết rồi.
Y đặt mông lên ghế, Phúc Nhi nhanh chóng đấm bóp chân cho tam thiếu gia, người hầu Lục thị dâng trà.

Trương Đại cười hỏi:
- Yến Khách, sao rồi, thấy hồ tiên nữ lang đó chứ?

Trương Ngạc hớp mấy ngụm trà, nói:
- Xúi quẩy, không thấy mỹ nữ đâu, chỉ thấy một nhà Nho nghèo cùng con lừa ngu nói bậy hết nửa ngày, bàn cái gì mà Nho Phật hợp lưu.

Trương Nguyên, Trương Đại cười sằng sặc, hỏi hòa thượng đến từ đâu, Trương Ngạc kể:
- Nói là hòa thượng Bảo Hoa tự, ta nghe hòa thượng giảng Phật pháp mãi không dứt, nghe đến mất kiên nhẫn, liền hỏi hòa thượng có biết Trần Tân Trúc hay không. Hòa thượng nói không quen, còn hỏi ta Trần Tân Trúc là ai, Trần Mi Công không vui, nói trời tối rồi, liền kêu ta mau về nhà. Lão Nho nghèo này, không niệm chút giao tình giữa tổ phụ và ông ta, không ngờ không giữ ta ở lại qua đêm.

Trương Đại cố nhịn cười, hỏi:
- Nói vậy đệ uổng công một chuyến rồi, ta biết đệ đi sẽ hỏng chuyện mà, chốc nữa hồ tiên nữ lang đó chắc sẽ không đồng hành với chúng ta.

Trương Ngạc cực kỳ ủ rũ, đi đi về về hết ba mươi mấy dặm, từ nhỏ chưa từng chịu khổ như thế. Y cộc cằn mắng con lừa ngu và nhà Nho nghèo, đi tắm rồi ngủ ngon lành, hôm nay y quả thực rất mệt.

Trương Nhược Hi đến gần hỏi:
- Yến Khách mắng ai thế? Gì mà con lừa ngu, rồi mỹ nữ nữa?

Trương Nguyên và Trương Đại nhìn nhau, hai người nín cười, đồng thanh đáp:
- Yến Khách luôn nói hươu nói vượn, tỷ tỷ đừng nghe y nói.

Trương Nhược Hi ngồi trong phòng Trương Nguyên một lát, nhìn đệ đệ viết thư cho mẫu thân. Nghĩ đến sớm mai hắn phải rời Thanh Phổ, Trương Nhược Hi rất luyến tiếc. Đợi Trương Nguyên viết xong, nàng cầm lên đọc, cười nói:
- Chuyện đảo Đổng Hoa Đình sao nói hời hợt vậy, đệ cả gan làm loạn, phải để mẫu thân mắng đệ mới tốt.
Nàng cười hì hì, lại nói:
- Chẳng hay phụ thân có rời Khai Phong hồi hương hay không, đến Nam Kinh đệ nhớ chú ý hỏi thăm, nếu phụ thân trở về nhất định sẽ đi ngang qua Nam Kinh.

Trương Nguyên nói:
- Đệ biết, đến Nam Kinh đệ sẽ nhờ dịch trạm gửi thư hỏi thăm đến Chu vương phủ, xem phụ thân có đi hay không.

Hai người nói chuyện một hồi, Trương Nhược Hi thấy đêm đã khuya, đệ đệ ngày mai còn phải lên đường, nàng bèn dặn hắn sớm nghỉ ngơi, sau đó liền rời đi.

Đầu giờ Thìn ngày hai mươi chín tháng năm, hai mươi người Trương Nguyên đến bến tàu Đại Hoàng ở nam thành Thanh Phổ, chuẩn bị đi thuyền ngược dòng đến hồ Tiết Điến, kế đến chuyển qua Đại Vận hà đi Tô Châu.

Có mấy chục chư sinh Thanh Phổ đến bến tàu tiễn ba huynh đệ Trương thị, từng người một từ biệt rất mất thời gian. Trương Nguyên đang đáp lễ thì thấy một đồng tử tóc rối lẫn trong đám chư sinh, cậu chừng mười tuổi, lông mày trái có nốt ruồi đỏ. Thấy Trương Nguyên nhìn mình, cậu tiến đến chắp tay nói:
- Trương tướng công, nữ lang nhà tôi đã đến, đang đợi dưới tán cây hương thung.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui