Lẳng Lơ Tao Nhã

Cách hậu viên Vương thị không xa là sông Bạch Hiện. Trương Ngạc nghe không trôi giọng điệu luôn miệng bát cổ văn của Vương Hoán Như, bèn mượn nô bộc Vương thị chiếc cần câu, ra bờ sông câu cá.
Trương Nguyên từ chỗ Vương Hoán Như tìm hiểu được rằng, Đỗ Cối huynh trưởng của Đỗ Tùng vừa qua đời tháng trước là một Lục phẩm Bách hộ của Trấn Hải Vệ. Triều Minh trọng văn khinh võ, đến thời Vãn Minh lại càng hơn thế. Lục phẩm Bách hộ và Lục phẩm Tri châu thực sự có khác biệt tồi tệ. Bách hộ nhìn thấy Tri châu phải quỳ xuống hành lễ, còn không bằng một sinh đồ. Sinh đồ và võ biền kết giao, thì dù đối phương có là nhất phẩm tổng binh cũng chỉ cần dùng bái thiếp ‘Thị giáo sinh’, mà không cần dùng thiếp ‘vãn sinh’, có thể thấy rằng võ tướng triều Minh có địa vị thấp. Bình thường võ tướng ở biên cương, ở Vệ sở thì mới tương đối oai phong, một khi đã về địa phương thì lại rất khiêm tốn.

Đêm đó, bọn Trương Nguyên, Trương Ngạc nghỉ lại dinh thự của Vương Hoán Như. Sáng sớm ngày hôm sau, đám Lai Phúc, Năng Trụ đi mua đồ phúng viếng. Phạm Văn Nhược, Vương Hoán Như thấy Trương Nguyên chuẩn bị lễ vật phúng điếu long trọng như vậy, trong lòng thầm cảm thấy kinh ngạc, không rõ Trương Nguyên tại sao lại xem trọng một vị võ tướng bị bãi chức như vậy, hình như không chỉ đơn giản là vì việc xin tòng quân cho nô bộc nhà hắn?

Phạm Văn Nhược không đi cùng Trương Nguyên, y không muốn a dua theo. Trương Ngạc cũng không đi, tự lo về thuyền đu đánh cờ với Vương Vi. Trương Ngạc chơi cờ vây, cờ tướng đều không thắng được Vương Vi. Gã lại đi ra phố mua một bộ cờ song lục, lại cũng không phải là đối thủ của Vương Vi. Sấu mã Dương Châu từ nhỏ đã có thầy luyện tập chăm sóc riêng, Trương Ngạc chỉ là ngẫu hứng mà tới, bởi thế mới nói Vương Vi chơi những thứ này rất chuyên nghiệp. Trương Ngạc chỉ là nghiệp dư. Vương Vi lại tài cao, đương nhiên người không có nhẫn nại như Trương Ngạc không thể so bì được. Có thể tưởng tượng ra Trương Ngạc buồn bực đến mức nào.


Dinh thự Đỗ thị ở bên cầu Thược Thi. Cầu Thược Thi là cây cầu đôi gồm hai cây cầu nối liền, một đầu tròn một đầu vuông. Nhìn từ xa giống như một chiếc chìa khóa lớn. Trước cổng dinh thự Đỗ thị có treo cờ tang viết danh tính và chức vụ của người đã mất, phòng chái phía tây chính sảnh, thiêm thứ (đệm cỏ mà hiếu tử ngủ trong ngày để tang) buông mà. Đỗ Tùng và ba người cháu mặc áo tang đứng đón khách đến phúng viếng. Sớm ngày hôm nay gia nô đến báo rằng có sinh đồ Vương Hoán Như đến bái tế, đồng thời có dâng bái thiếp và lễ phúng.

Người theo học Vương Hoán Như là con út của Đỗ Cối tên Đỗ Định Phương, được biết Vương Hoán Như tiên sinh đến nhà phúng viếng thì vừa kinh ngạc vừa mừng. Đỗ Cối tuy là võ quan lục phẩm nhưng ở địa phương lại không hề có danh vọng gì. Các cuộc hội họp của hương thân Côn Sơn, Đỗ Cối đều không có tư cách tham gia. Lần này Đỗ Cối qua đời, ngoài một nhóm võ quan Trấn Hải Vệ đến phúng viếng, Côn Sơn huyện lệnh chỉ ủy thác Huyện chủ bộ thay mặt ông ta đến viếng, đây có lẽ là nể mặt Đỗ Tùng. Mười người trong hương đảng đến phúng viếng thì có tám, chín người là không có công danh. Đỗ Tùng tuy đã từng làm tới chức tổng binh ở Liêu Đông nhưng đã bị cách chức, các thân hào địa phương cảm thấy không nhờ vả được gì ở Đỗ Tùng nên tất nhiên cũng không muốn đến. Bởi vậy Đỗ Định Phương nghe nói Vương Hoán Như tiên sinh tới viếng cha mình thì vô cùng cảm kích, nhưng xem bái thiếp thì lại thấy có ba tấm, một tấm là của Vương Hoán Như, còn hai tấm bái thiếp kia lại là Sơn Âm Trương Đại và Sơn Âm Trương Nguyên.


Đỗ Tùng hỏi cháu Đỗ Định Phương:
- Hai người Thiệu Hưng này là bằng hữu của cháu à?

Đỗ Định Phương ngỡ ngàng nói:
- Cháu chưa từng đến Sơn Âm, không quen hai vị này…
Gã đột nhiên ngộ ra, nói:
- Hay chính là Trương Nguyên Trương Giới Tử mà mấy hôm trước cháu gặp ở Hoa Đình nhỉ!

Chuyện Hoa Đình đảo Đổng có thể nói là ở phủ Tùng Giang không ai không biết. Trinh Phong Lý cách Thanh Phổ chưa tới hai mươi dặm. Gia nhân Đỗ thị tuy tang gia bối rối nhưng cũng nghe nói về chuyện này. Đỗ Định Phương là người đọc sách, tất nhiên càng hiểu biết nhiều hơn, gã nói:
- Trương Giới Tử này là tiểu tam nguyên Thiệu Hưng, là cháu trong tộc của Trương Túc Chi, môn sinh của Tiêu trạng nguyên, vô cùng nổi tiếng. Đỗ thị ta và Sơn Âm Trương thị không hề có qua lại, tại sao lại….
Gã nhìn thúc phụ Đỗ Tùng, trong bụng thầm nghĩ hay là thúc phụ từng có giao tình với Trương Nhữ Lâm?


Đỗ Tùng thầm nghĩ:
- Trương Nhữ Lâm là con rể của Thủ phụ Chu Canh đã qua đời, nhân vật trong Chiết Đảng, khi ta còn tại chức tổng binh Liêu Đông, Chu Canh vẫn còn ở nội các, nhưng cũng không hề có quan hệ gì. Biên tướng (tướng ngoài biên ải) thông thường đều không dám có quan hệ cá nhân với nội các, sợ phạm vào kiêng kị… Con cháu Trương thị sao lại tới đây?
Ông nói với cháu Đỗ Định Phương:
- Còn ngẩn ra đó làm gì, mau đi đón khách.

Ba hiếu tử ra đón Vương Hoán Như, Trương Đại và Trương Nguyên vào trắc đường. Khi ba người Vương Hoán Như vái lạy Đỗ Cối, Đỗ Tùng dẫn tam hiếu tử ra bái tạ. Trương Nguyên vừa nhìn thấy liền biết ngay người này chính là Đỗ Tùng.

Đỗ Tùng có khí chất võ tướng điển hình, chừng năm mươi tuổi, thân cao khoảng năm thước ba tấc, tương đương khoảng một mét tám của thời hậu thế, mặt dài, hai má gầy hóp lại, sống mũi cao, ánh mắt kiên nghị hà khắc, râu quai nón dày và ngắn, bàn tay to cánh tay dài, bước đi tuy chậm rãi nhưng khiến người ta cảm thấy được sự mạnh mẽ sắc bén. Đỗ Tùng có thể làm tới chức vụ cao tổng binh là nhờ xung phong chém giết từ rừng đao mưa tên mà có, võ nghệ cao cường tất nhiên khỏi nói, vận khí cũng không tồi, nếu không đã bỏ xác nơi chiến trường lâu rồi.

Trương Nguyên thi lễ nói:
- Vãn sinh là Sơn Âm Trương Nguyên, nghe đại danh tướng quân đã lâu, hôm nay được gặp mặt, thật là vinh hạnh.


Đỗ Tùng đội mũ đay vận áo tang thấy Trương Nguyên khiêm tốn lễ độ thì rất vui mừng, chắp tay nói:
- Trương công tử tuổi nhỏ tài cao, khoa cử liên tiếp sắp tới là trong tầm tay. Đỗ mỗ là người bị cách chức chờ trị tội, danh xưng tướng quân Đỗ mỗ không dám nhận đâu.

Trương Nguyên nói:
- Đỗ tướng quân anh dũng thiện chiến, là cột trụ của đất nước, tuy nhất thời gặp trắc trở nhưng tất sẽ có ngày làm lại.

Đỗ Tùng lim dim mắt quan sát Trương Nguyên, xem lời này của Trương Nguyên có hàm ý châm chọc hay không. Ông ta bị buộc tội cách chức tổng binh Liêu Đông, tội danh là giết người lương thiện giả để mạo công, thực có tội này hay không tự trong lòng Đỗ Tùng biết rõ, nhưng thấy Trương Nguyên thản nhiên nhìn thẳng, lời nói chân thành, Đỗ Tùng thật nhìn không ra, liền cười cười, nói:
- Hổ thẹn, hổ thẹn.

Trương Nguyên nói:
- Vãn sinh tuyệt đối không nói lời khách khí, khi Đỗ tướng quân trấn thủ Diên Tuy, Mông Cổ Thái tử sợ tướng quân như hổ, vãn sinh tuy ở Giang Nam nhưng cũng nghe được uy danh của Đỗ tướng quân.

Đỗ Tùng thầm kinh ngạc, một tú tài Giang Nam làm sao lại biết được chiến công của biên tướng như ông đây, lại nghe Trương Nguyên nói:
- Vãn sinh lần này tới bái kiến Đỗ tướng quân còn có một việc muốn nhờ…


Đỗ tướng quân không đổi giọng, thản nhiên nói:
- Xin cứ nói!

Giao thiệp với người nhà võ tốt nhất là cứ nên thẳng thắn. Để Đỗ Tùng đỡ phải nghi ngờ lung tung, Trương Nguyên nói:
- Vãn sinh có một nô bộc, tên là Mục Kính Nham, là đọa dân Thiệu Hưng, nhưng một thầy tướng tinh thông âm dương thuật số ở Thiệu Hưng lại nói rằng Mục Kính Nham có số làm quan ngũ phẩm. Người người quê nhà cười nhạo, vãn sinh tuy biết thầy tướng Thanh Mặc sơn nhân kia không phải là người ăn nói hàm hồ, lại cũng cảm thấy hoang đường, đọa dân là tầng lớp ti tiện nhất, làm sao có thể làm tới quan ngũ phẩm được! Vị Thanh Mặc sơn nhân đó lại nói rằng Mục Kính Nham trước bốn mươi tuổi có quý nhân giúp đỡ, sẽ xuất thân từ quân đội. Vãn sinh vốn cũng không coi chuyện này là thật….

Trương Nguyên dừng lại một chút, rồi nói tiếp:
- Vãn sinh lần này là đến Nam Kinh Quốc Tử Giám để học. Mục Kính Nham đi theo. Hôm qua ở thị trấn Chu Gia Giác, Mục Kính Nham có nói với vãn sinh rằng mấy đêm liên tiếp ông ta nằm mơ thấy một vị thần mặc kim giáp nói với ông ta rằng quý nhân đang ở Trinh Phong Lý đợi ông ta, tuyệt đối không được để lỡ. Quý nhân họ Đỗ, đội nón trụ trắng và vận bạch giáp, cưỡi đại mã cầm đại đao, lại nói rằng vị quý nhân đó tuy tạm thời gặp khốn khó nhưng năm Mão Thần tất có tin lành…. Nô bộc này của nhà vãn sinh là người thật thà, không biết nói dối. Vãn sinh hôm nay tới Trinh Phong Lý, nghe nói Đỗ tướng quân về quê chịu tang huynh trưởng, quý nhân kia há chẳng phải chính là Đỗ tướng quân hay sao?

Người triều Minh hiếm ai không tin vào quỷ thần, bói toán, mệnh số. Ở trường thi hương, ban đêm thổi kèn đánh trống báo giờ, còn có quan sai hô lớn ‘có oán báo oán, có thù báo thù’, đây là gọi oan quỷ đến tìm những thí sinh làm ác để báo thù, mà võ tướng ở biên ải, một trận quyết chiến sinh tử chẳng lẽ lại không tin vào quỷ thần mệnh số ư!

Đỗ Tùng nghe Trương Nguyên nói vậy, chí ít cũng tin đến bảy phần. Vì điều này giải thích rất rõ ràng rằng Trương Nguyên tại sao lại đến đến tận nhà phúng viếng trong khi không hề có quan hệ gì với ông, mà điều càng khiến Đỗ Tùng cảm thấy hứng thú đó là tên nô bộc kia nói rằng thần thánh dự báo Đỗ Tùng ông sẽ thoát khỏi cảnh khốn khó vào năm Mão Thần. Năm nay là năm Giáp Dần, sang năm là Ất Mão, năm sau nữa là Bính Thìn, tức là sau năm Bính Thìn ông sẽ được triều đình phục chức trọng dụng.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận