Lẳng Lơ Tao Nhã

Trương Đại, Trương Nguyên ở lại Cư Nhiên Thảo Đường nửa canh giờ, uống hai chung trà nóng, đoạn bèn đứng lên cáo từ. Khi trở về đến quán rượu Ngưng Hương ở bên cạnh tháp Lôi Phong thì đã trống canh hai. Lai Phúc, Năng Trụ chờ đợi đã lâu. Một con thuyền nhỏ đã neo đậu ở bờ nam Tây Hồ đợi sẵn, đúng ra giờ này không còn thuyền đợi khách trên Tây Hồ nữa, là do Lai Phúc nhờ tiểu nhị của quán rượu Ngưng Hương cố ý tìm một nhà thuyền đến.

Bốn người bọn Trương Nguyên lên thuyền nhỏ, Lai Phúc, Năng Trụ mang theo hai hộp đồ ăn lớn lên theo. Trong khoang có một chiếc lò bằng đất sét, than vừa mới đốt, Mục Chân Chân cời lửa hâm rượu. Trương Đại nóng lòng không nhịn nổi, múc một muôi rượu uống, cười nói:
- Lát về nói cho Yến Khách nghe, cho đệ ấy hối hận.

Khi mọi người ngồi vây quanh lò than cười nói, thì những mái chèo cũng được khua động, chiếc thuyền nhỏ chậm chậm tiến ra giữa hồ.

Đầu giờ Hợi, giữa hồ vắng lặng không một tiếng người, vạn vật tĩnh lặng, sương khói ngập tràn. Trời đêm dưới trăng màu trắng, núi xa tuyết phủ, cành cây kết hoa băng, hòa sắc cùng với mây, với nước, trắng toát một màu từ trên xuống dưới. Lúc này nếu mà đứng trên đỉnh cao nhất của tháp Lôi Phong mà nhìn xuống, giữa nền trắng mênh mang này, nhất định sẽ thấy con đê dài của Tây Hồ hằn lên, Hồ Tâm đình như một chấm nhỏ giữa hồ, một con thuyền nhỏ, còn có mấy người trên thuyền nữa.

Thuyền nhỏ chèo tới đảo nhỏ giữa hồ, Trương Đại, Trương Nguyên buộc guốc gỗ vào bên ngoài giày vải, dẫn đầu bước lên bờ, bốn người bọn Mục Chân Chân, Lai Phúc mang theo nào hộp nào bình, cẩn thận đi tới hướng Hồ Tâm đình.

Đang cẩn thận bước từng bước, đột nhiên Trương Đại khẽ kéo tay áo Trương Nguyên, ra dấu cần đi tiểu tiện, Trương Nguyên cười “hắc” một tiếng. Lúc ở chỗ Ngụ Dung tiên sinh, hai người bọn họ đã uống hai chung trà nóng, hồi nãy ở trên thuyền lại uống thêm chút rượu ấm, nên bụng đã ỳ ạch từ nãy, bèn đi đến bên một gốc mai già bên đường giải quyết nỗi buồn, làm ô uế cả một khoảnh tuyết trắng.

Trương Nguyên thầm nghĩ: “hà, đây chính là câu chuyện đằng sau tuyệt phẩm “Hồ Tâm đình khán tuyết” ngày đó, việc này có làm phong cảnh xấu đi không nhỉ?

Đang nghĩ chợt nghe Vũ Lăng đã đi bên Hồ Tâm đình, lúc này đã đến bên cạnh ngôi đình gọi:
- Thiếu gia, trong đình có người!

Trương Đại lấy làm lạ, nói với Trương Nguyên:
- Vẫn có có người tao nhã, biết thưởng thức hơn huynh đệ ta sao?

Trương Nguyên và đại huynh Trương Đại đi đến ngôi đình, thấy có hai người đang giải nệm ngồi đối diện với nhau, một tiểu đồng đốt lò hâm rượu, rượu đang sôi. Một trong hai người nọ vươn vai đứng dậy, cười nói:
- Những người có thú vui hay thật không ít, mời ngồi, mời ngồi, cùng uống vài ly.

Lai Phúc, Năng Trụ cũng đã trải xong nệm, gác xong lò, bày bình rượu, hộp thức nhắm lên.

Trương Nguyên thấy hai người này đều chạc ba bốn mươi tuổi, người vừa cất tiếng gọi hắn và đại huynh ngồi xuống uống vài ly tướng mạo thanh nhã, lời lẽ hào sảng, lại nghe người còn lại xưng hô với người này là “Tiểu Tu huynh”, chấn động trong lòng, cung kính nói:
- Vãn sinh xin mạo muội hỏi một câu, có phải tiên sinh họ Viên không?

Người này kinh ngạc nói:
- Các hạ là ai, sao lại nhận ra Viên mỗ?

Trương Nguyên chắp tay vái, nói:
- Vãn sinh là Trương Nguyên ở Sơn Âm, tham kiến Viên tiên sinh.

Trương Đại cũng vui mừng nói:
- Hóa ra là em trai của Viên Thạch Công, vãn sinh Trương Đại, tổ phụ họ Trương tên húy gọi Túc Chi.

Người tướng mạo thanh nhã, lời lẽ hào sảng này chính là Viên Trung Đạo, tự Tiểu Tu, hai người anh là Viên Tông Đạo và Viên Hồng Đạo đều đã khuất núi, Công An Tam Viên giờ chỉ còn lại một mình Viên Tiểu Tu.

Viên Tiểu Tu cười nói:
- Thì ra là hiền tôn của Túc Công, quả không tầm thường, đáng mừng.
Nói đoạn nhìn khắp lượt Trương Nguyên, lời lẽ ẩn ý, nói:
- Ngươi chính là Trương Giới Tử, ngưỡng mộ đã lâu.

Người còn lại cũng cười, nói:
- Tại hạ là Đàm Nguyên Xuân ở Cách Lăng, tự Hữu Hạ, cũng ngưỡng mộ đại danh Trương Giới Tử của Sơn Âm từ lâu, đêm nay được gặp, quả là danh bất hư truyền.

Hai người đàn ông trung niên đang ngồi cạnh lò than ngắm cảnh tuyết trong Hồ Tâm đình này chính là hai đại danh sỹ ở Công An và Cảnh Lăng đó là Viên Tiểu Tu và Đàm Hữu Hạ. Hai người này miệng thì nói với Trương Nguyên là ngưỡng mộ từ lâu, nhưng ý tứ thì có phần chế nhạo.

Trương Nguyên thầm nghĩ:
“Vương Vi từng theo Đàm Nguyên Xuân học thơ, mấy tháng trước Đàm Nguyên Xuân có đến Kim Lăng, có lẽ là Vương Vi có nhắc đến việc ta xem nhẹ thi phái Cảnh Lăng. Tục ngữ có câu “vợ người đẹp, văn mình hay”, tuy thô tục nhưng bao hàm nhân tình thế thái. Đàm Nguyên Xuân nổi tiếng với đời nhờ tài thơ, ta lại mượn lời bình trong “Đàm nghệ lục” nói thơ của y nhạt nhẽo nghèo nàn, chát chúa vụn vặt, đương nhiên là Đàm Nguyên Xuân không thích. Hơn nữa Đàm Nguyên Xuân lại còn là bạn hữu của Uông Nhữ Khiêm, Uông Như Khiêm bị một phen bẽ mặt ở Tương Chân Quán như vậy, chắc chắn không tránh khỏi nói xấu ta và Vương Vi trước mặt Đàm Nguyên Xuân. Ấn tượng của Viên Tiểu Tu đối với ta đương nhiên cũng chịu sự ảnh hưởng từ Đàm Nguyên Xuân.”

Thái độ của Trương Nguyên là, hắn có thể kính trọng những danh sỹ này, nhưng sẽ không có chuyện bợ đỡ kết thân. Nếu đối phương đã có ác cảm với hắn, thì hắn cũng sẽ chẳng nể nang gì thân phận hay sự từng trải của đối phương mà nhượng bộ này nọ, lúc cần phải phản kích thì tuyệt không nương tay. Nghĩ đoạn bèn lạnh nhạt nói:
- Hai vị đại danh sỹ nói từ ngưỡng mộ với bậc hậu bối như tại hạ, tại hạ thật hổ thẹn.

Đàm Xuân Nguyên nói:
- Hậu sinh khả úy, thơ văn của tại hạ không đáng giá một xu trong mắt Trương công tử, vậy chẳng phải là hậu sinh khả úy sao.
Đàm Xuân Nguyên này có vẻ sốt ruột muốn trút cơn oán hận, bị người ta phê bình văn chương một tí thôi, có cần phải đến mức như thâm thù đại hận thế này không?

Trương Nguyên mặt không chút biểu cảm, nói:
- Thơ văn của Đàm tiên sinh tại hạ cũng từng vinh dự đọc qua, sao lại dám nói là không đáng một xu, chỉ có điều nếu đem ra so sánh trong vòng ba ngàn năm trước và sau thì chưa đến mức được coi là một tác gia lớn mà thôi.

Đây thật ra là một lời nói thật lòng, Đàm Xuân Nguyên sao có thể sánh được với những tác gia như Lý, Đỗ, Âu, Tô, nhưng với một người cậy tài tự phụ như Đàm Xuân Nguyên thì những lời nói đó nghe ra rất khó chịu. Ông ta cười gượng, nói:
- Trương công tử nếu đã giỏi về bình giám như vậy, tất cũng có tài làm thơ, chẳng hay có thể cho tại hạ có vinh dự được nghe đọc vài bài không?

Viên Tiểu Tu mỉm cười đánh giá Trương Nguyên, ông ta cũng rất muốn được một lần mở mắt xem tài học của cái người tên Trương Giới Tử này.

Quả thật là Trương Nguyên chẳng có tâm trạng nào mà luận thơ văn với Đàm Xuân Nguyên, vốn là hắn muốn cùng đại huynh du ngoạn Tây Hồ vào ban đêm để tìm kiếm một chút cảm giác thanh lạnh cô tuyệt, chẳng ngờ lại gặp được hai người cũng có nhã hứng giống mình là Viên, Đàm. Nhưng hai người có cùng nhã hứng khi gặp nhau lại biến thành tầm thường, tranh cường hiếu thắng quả thực là chuyện làm xấu phong cảnh. Nhưng nếu như Đàm Xuân Nguyên cứ nhất định muốn tranh, thì hắn cũng chẳng có lý do gì mà chối cả, một bụng thơ văn đâu phải để uổng công, ưu thế là người của hai thời đại đâu rồi. Nghĩ đoạn bèn nghiêng đầu nhìn đại huynh Trương Đại một cái, thầm nghĩ: “đại huynh, huynh đệ chúng ta như cây một nhà, cùng chung mối thù, hôm nay đệ phải cần đến huynh làm chỗ dựa đây.” Đoạn nói:
- Nếu Đàm tiên sinh muốn chỉ giáo tại hạ, quả là việc tại hạ có cầu cũng không được, chẳng bằng chúng ta cùng viết một bài du ký về chuyến thưởng tuyết giữa hồ đêm nay, Đàm tiên sinh một bài, tại hạ một bài, có được không?

Trương Nguyên vừa nói vừa ngồi xuống nệm, đón lấy một ly rượu trắng Tô Châu từ tay Mục Chân Chân, trên miệng ly khói trắng lượn lờ, mùi thơm sực nức. Hắn uống cạn một hơi, cảm thấy một luồng khí nóng chạy thẳng xuống dạ dày, các mạch máu đều thông suốt, toàn thân thư thái.

Đàm Xuân Nguyên thấy lời lẽ của Trương Nguyên có vẻ rất nho nhã lễ độ, nhưng thần thái thì rõ ràng là có ý khiêu khích, bèn cười nhạt nói:
- Được, xuất khẩu thành thơ, được chứ?

Trương Nguyên nói:
- Cứ theo ý của ngài, Đàm tiên sinh, mời ngài trước.

Đàm Nguyên Xuân nhìn Viên Tiểu Tu cười, lắc lắc đầu, rồi tự rót tự rượu uống một mình, nhíu mày suy tư, sau ba chung rượu bắt đầu mở miệng từ từ nói:
- Năm Vạn Lịch thứ bốn mươi hai, tạm trú ở Hàng thành, được đi du ngoạn Tây Hồ ba lần. Lần đầu đi từ cổng Dũng Kim về mạn phải xuống dưới Đoan Kiều, khi đó tháng năm, trên hồ lá sen phủ kín, che lấp không nhìn thấy mặt hồ. Thất tịch lại đến, lại thấy bên hồ liễu tàn còn trúc, trúc tàn còn lau, lau mọc xanh mướt như một khu vườn. Mùng mười tháng chạp, trận tuyết lớn đầu tiên, Tiểu Tu gọi ta du hồ xem tuyết, cho nên lại vui vẻ mà đi.

Đàm Xuân Nguyên đọc một cách chậm rãi, chỉ với bốn, năm trăm chữ, mà kể lại chuyến du ký một cách rất mới mẻ đáng mừng, Viên Tiểu Tu không khỏi thốt lời khen:
- Hữu Hạ hiền đệ thắng chắc rồi.
Đoạn quay sang nhìn Trương Nguyên, nghĩ thầm: “để xem Trương Nguyên viết ra được gì?”

Trương Nguyên ngâm nga đọc:
- Tháng chạp năm Giáp Thân, ta đạp tuyết trở lại Kim Lăng, neo thuyền lại Hàng thành vào một buổi hoàng hôn. Cùng với đại huynh đi thăm Ngụ Dung tiên sinh ở dưới núi Nam Bình, lúc về đổi ý, nhìn quanh bốn bề, rồi thuê chiếc thuyền nhỏ, mang theo áo lông, lò lửa, đi ra Hồ Tâm đình ngắm tuyết…”


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui