Một trăm hai mươi bài thi gốc và một trăm bài sao được đánh số giống nhau đặt cùng một chỗ, bài thi đứng đầu phòng Ngũ kinh đặt ở giữa, cái này gọi là rải bài, phải thẩm tra đối chiếu số của bài gốc và bài sao để không có nhầm lẫn, bắt đầu hủy số, xướng danh, viết bảng.
Khi hủy số có chú ý, phải bắt đầu từ người xếp cuối cùng, thư lại mở một trăm hai mươi bài thi được niêm phong ra dưới cái nhìn chăm chú của mọi người, bên cạnh một vị thư lại khác nhìn bài lớn tiếng đọc:
- Sinh đồ của Ninh Ba phủ Từ Khê huyện toàn bộ hoàn thành xong.
Sau đó thư lại sẽ cầm bài thi này đi vòng một vòng bàn bát tiên cho đề điều quan, giám thị quan và phó chủ khảo quan kiểm tra, cuối cùng mới giao cho người viết tên lên bảng danh sách.
Công việc hủy niêm phong, xướng danh viết bảng như vậy, nhìn đơn điệu, nhưng không khí hiện trường vẫn rất khẩn trương, mười lăm vị phòng quan hết sức chăm chú nghe xướng danh, thấy có sinh đồ nổi danh ở phòng của mình thì đều là vui vẻ ra mặt. Đây là vinh quang của phòng quan, mấy sinh đồ trúng cử đó phải bái sư đấy. Hai vị chủ khảo quan gọi là tọa sư, phòng quan thì gọi là phòng sư, danh phận thầy trò cả đời không thay đổi, loại quan hệ này về sau sẽ được lợi rất nhiều.
Đã hủy tới bài thi thứ sáu mươi lăm, thư lại xướng danh nói:
- Thiệu Hưng phủ Sơn Âm huyện sinh đồ Trương Đại.
Bản kinh của Trương Đại là "thi", ở phòng "thi " thứ ba, phòng quan kia mặt mày hớn hở, Trương Đại là trưởng tôn của Trương Nhữ Lâm, có phần có tài danh, đương nhiên, thanh danh của Trương Đại không bằng tộc đệ Trương Nguyên, không biết Trương Nguyên xếp thứ mấy?
Thư lại mở ra bài thi xếp thứ sáu mươi bốn, xướng danh nói:
- Thiệu Hưng phủ Sơn Âm huyện sinh đồ Chu Mặc Nông.
Xếp thứ sáu mươi ba:
- Thiệu Hưng phủ Sơn Âm huyện sinh đồ Lục Hồng Tiệm.
Xếp thứ sáu mươi hai
- Thiệu Hưng phủ Hội Kê huyện sinh đồ Vương Bính Lân.
...
Liên tiếp bảy cái tên đều là ở hai huyện Sơn Âm, Hội Kê của Thiệu Hưng phủ, các phòng quan đều thầm khen Sơn Âm, Hội Kê địa linh nhân kiệt, coi như Giang Tây Cát Thủy chính là đất của khoa cử.
Đêm thu tĩnh lặng, ngàn sao rực rỡ, Hàng Châu Cống viện to lớn như vậy dường như tất cả ánh sáng đều tụ về phía công đường. Ngoài công đường quân sĩ đang đi tuần, trên công đường ngồi đầy quan lớn. Ngoài những tiếng xướng danh của thư lại, chỉ có mấy chục cây nến trong nhà lưỡng vu (nhà nhỏ đối diện với nhà chính ở hai bên) thỉnh thoảng phát ra một tiếng vang nhỏ “phụp”, trên nút bấc xuất hiện một đóa hoa đèn, ánh nến đó liền mờ đi, lập tức có chấp dịch đến cắt hoa đèn, đèn lại sáng trở lại.
Sách phong, xướng danh, ghi bảng kéo dài mãi tới sau canh ba. Trên bàn Bát Tiên chỉ còn lại tập bài của thủ khoa Ngũ kinh. Người đứng đầu Ngũ kinh sắp được công bố, thủ khoa chính quy cũng sắp được chọn ra. Một vài phòng quan uể oải bắt đầu phấn chấn trở lại. Thủ khoa Ngũ kinh là người ở phòng nào, sẽ là vinh hạnh của phòng đó, càng không cần phải nói phòng sư của Giải Nguyên rồi.
Bắt đầu sách phong từ thủ khoa “xuân thu”. Một thư lại mở niêm phong, một thư lại khác cao giọng xướng danh:
-Trương Nguyên huyện Sơn Âm phủ Thiệu Hưng.
Tiếng nói vừa phát ra, cả sảnh đường đều yên lặng, thanh danh của Trương Nguyên quả thật quá lớn. Người thư lại xướng danh đó lập tức cảm thấy không khí trong sảnh đường có chút bất thường, đưa ánh mắt kinh ngạc nhìn quanh đám quan viên.
Dương Liên ngồi ngay ngắn, “xuân thu” chỉ có một phòng. Danh sách y đề cử đã được hai vị chủ khảo xác nhận, đó chính là kinh khôi (cuộc thi trong khoa cử phân thành ngũ kinh để chọn sĩ, trong năm người đỗ đầu mỗi khoa thi hương và thi hội, phân biệt chọn một trong đó, gọi là kinh khôi). Chuyện này đã nằm trong dự liệu.
Đề Điều quan, Chiết Giang Bố Chính Sứ Hà Như Thân lén gật đầu, thầm nghĩ:
“Tên Trương Nguyên này quả nhiên là người có thực tài, có thể đứng thứ nhất phòng “xuân thu” quả không đơn giản.”
Phó chủ khảo Vương Biên vô cùng kinh ngạc, y vẫn cho rằng người đứng đầu danh sách mà Dương Liên đề cử không phải Trương Nguyên. Người được sách phong bây giờ lại là Trương Nguyên thật sự khiến y vui mừng khôn xiết. Y vốn lo lắng bài thi của Trương Nguyên không được chọn. Mấy hôm trước còn cố ý đi xem những bài thi bị loại của phòng “xuân thu”.
Sắc mặt của Tổng Tài Tiền Khiêm Ích không thay đổi, trong lòng nghĩ đến ba người Trương Nguyên, Dư Diêu Hoàng Tôn Tố và Gia Thiện Ngụy Đại Trung ở Sơn Âm mà Trâu Nguyên Tiêu đã tiến cử. Trâu Nguyên Tiêu nói ba người này nhất định sẽ làm rạng rỡ sư môn. Gia Thiện Ngụy Đại Trung xếp thứ 28. Bây giờ Trương Nguyên lại xếp ở vị trí thủ khoa “xuân thu”, nhưng những chuyện liên quan tới Trương Nguyên mà Đổng Kỳ Xương nói trước lúc xuất kinh y vẫn canh cánh trong lòng.
Hai chấp dịch đem một đôi nến đỏ đến trước mặt Dương Liên, những khảo quan khác cũng chắp tay chúc mừng Dương Liên. Đây là tục lệ của Cống viện. Ngũ Kinh Khôi là người của phòng quan nào sẽ đem một đôi nến đỏ cắm ở phòng quan đó để biểu thị sự vinh hạnh.
Tiếp theo là thủ khoa “dịch”, thư lại xướng danh:
- Sinh đồ Hoàng Tôn Tố phủ Thiệu Hưng huyện Dư Diêu.
Phòng quan của “dịch” phòng thứ năm lập tức cười đến mức miệng kéo dài tới tận mang tai. “Dịch” không giống với “xuân thu” chỉ có một phòng mà là năm phòng chọn ra từ năm người đầu danh sách của năm phòng “dịch”. Phòng quan này đã tự cảm thấy vinh hạnh.
Tiền Khiêm Ích thầm nghĩ:
-Nghe nói Hoàng Tôn Tố cũng là trụ cột của Hàn xã, bây giờ Trương Nguyên giành giải nhất “xuân thu”, Hoàng Tôn Tố giành giải nhất “dịch”, Hàn xã đã chiếm hai vị trí Ngũ Kinh Khôi. Đổng Huyền Tể nói Hàn xã sẽ chiếm hết giải Ngũ Kinh Khôi của thi Hương Chiết Giang lẽ nào là thật?
Sau “dịch” là “lễ”. “Lễ” cũng chỉ có một phòng, thư lại xướng danh:
-Sinh đồ Úc Bang Thần phủ Hàng Châu huyện Phú Dương.
Úc Bang Thần không quá nổi danh, cũng không biết có phải là xã viên của Hàn xã hay không. Tiền Khiêm Ích bưng chén trà trước mặt nhấp một ngụm, lắng nghe thư lại xướng danh giải “thư” chính là sinh đồ Kỳ Bưu Giai phủ Thiệu Hưng huyện Sơn Âm.
Kỳ Bưu Giai là thần đồng của Sơn Âm, phụ thân Kỳ Thừa Tùng hiện đảm nhận làm Binh Bộ Lang Trung. Tiền Khiêm Ích đã nghe nói qua, y thầm nghĩ:
-Lại một sinh đồ của Hàn xã.
Y không khỏi nhíu mày, quan chủ khảo không như phòng quan, quan chủ khảo phải suy xét toàn cục, lựa chọn nhiều người trong cùng một văn xã, hơn nữa đã quyết định có ba người là Kinh khôi. Tuy những bài thi đều do phòng quan tiến cử, y không hổ thẹn với lương tâm nhưng vẫn có cảm giác không ổn.
Phó chủ khảo Vương Biên lại vô cùng yên tâm. Kỳ Bưu Giai là tú tài mới xuất hiện mà y đánh giá cao, năm nay mới 14 tuổi đã giành được giải nhất phòng “thư”, thật hiếm thấy.
Cuối cùng là phòng “thi”. Kinh Khôi được chọn từ phòng số một, là sinh đồ Tiền Sĩ Thăng huyện Gia Thiện phủ Gia Hưng.
Đến lúc này, Ngũ Kinh Khôi đã được xác định. Mấy tên thư lại, chấp dịch theo nề nếp cũ kia bây giờ bỗng nhiên cãi nhau om xòm, tranh nhau nến đỏ của sư án các phòng. Các phòng quan, Bố chính sứ và Ngự Sử tuần án đều mỉm cười không nói gì, vẫn nghe nhưng không quản, đây cũng là tập tục của kì thi hương, gọi là náo Ngũ Kinh. Thư lại đem nến đỏ mình tranh được ra ngoài Cống viện bán với giá cao, mục đích chính là để được may mắn.
Thư lại làm công việc ghi bảng đã viết tên của một trăm mười lăm tú tài mới được chọn lên trên một bảng văn, cái này gọi là phó bảng, chính bảng là tên của năm thủ khoa, thứ tự cuối cùng của năm thủ khoa sẽ do quan chủ khảo quyết định, gọi là giải Nguyên. Đây là quyền lực và vinh hạnh của quan chủ khảo.
Các quan trên công đường và lại dịch bên dưới đều chăm chú nhìn cánh tay phải đặt trên bàn của Tiền Khiêm Ích, và nhìn vào bài thi được chọn ra từ cánh tay đó.
Bài thi của năm thủ khoa cũng được bày ra trước mặt của Tiền Khiêm Ích. Y lật bài đầu tiên của một trong năm thủ khoa, đối chiếu từng bài từng bài một, mãi vẫn chưa thể đưa ra quyết định.
Những giọt nến rơi xuống không một tiếng động, thời gian lặng lẽ trôi, tuy nói không thể can thiệp vào chuyện chọn giải Nguyên của quan chủ khảo nhưng cũng không thể cứ kéo dài mãi như này. Đề Điều quan Hà Như Thân cuối cùng cũng không chịu được nữa, lên tiếng nhắc nhở:
- Tiền Tổng tài, đã gần canh tư rồi.
Tiền Khiêm Ích cười cười, lấy ra một bài, tự mình xướng danh:
-Tú tài Kỳ Bưu Giai huyện Sơn Âm phủ Thiệu Hưng.
Các quan ngồi đó đều thở phào nhẹ nhõm, quan chủ khảo cuối cùng cũng đã bắt đầu xếp thứ tự Ngũ Kinh khôi. Tên thư lại ghi danh kia nhanh chóng viết “Kỳ Bưu Giai Sơn Âm Kinh khôi thứ năm cuộc thi hương Chiết Giang năm Ất Mão.”
Quy tắc ghi danh đều là từ dưới lên trên.
Nha môn của Chiết Giang Bố Chính Sứ Ti ở bên phải phường Thanh Hà và bên trái phường Thái Bình, tiếp giáp với nha môn Đô Chỉ Huy Sứ Ti, trước nha môn có một tấm bia phía trên viết hai chữ “Phương Nhạc”. Bố Chính Sứ còn được gọi là Phương Bá chính là vì thế. Hai bên trái phải của nha môn có hai phường, phường phía đông là “Bảo Ly”, phường phía tây là “Tuần Tuyên”, còn có nha môn đông, nha môn tây. Bên ngoài nha môn đông có một bức tường xây bằng đá xanh. Bức tường ở ngoài cửa chính còn được gọi là tường ngoài. Bức tường ngoài này cao một trượng sáu tấc, có ba mái hiên, trang nghiêm sạch sẽ, hai bên có tranh điêu khắc trên gạch.
Ngày Nhâm Dần 28 tháng 8, phía trước bức tường của nha môn Chiết Giang Bố Chính Sứ Ti có vô số người đứng xem. Bắt đầu từ nửa đêm, liên tục có những thí sinh đến tham gia kì thi hương Chiết Giang cùng bạn bè đợi trước bức tường. Bởi vì canh năm Long Hổ bảng của cuộc thi Hương sẽ được đem đến treo trên bức tường, ba năm chờ đợi khoảnh khắc này, lo đỗ lo trượt, cả đêm khó yên giấc.