Trọng Tín đá mạnh một cái, cánh cửa bật tung ra.
Anh bước vào phòng với gương mặt lầm lì dễ sợ.
Anh vừa đi học về, hay tin Mỹ Liên bỏ đi, liền vội vàng chạy tới đây.
Chắn chắc ba anh lại sai ông Khiêm tới nói gì đó, Mỹ Liên mới bỏ đi đột ngột thế.
Khó khăn lắm anh mới thuyết phục được Mỹ Liên đồng ý để anh lo lắng, bảo bọc cô.
Vậy mà… Tín bực không thể tả.
Anh lớn tiếng gọi:
- Ông Khiêm! Ông Khiêm! Ông đâu rồi? Ông Khiêm!
Vãn Hà tất tả từ dưới bếp chạy lên, nói:
- Ba em chở bác Lãm đi Bình Dương rồi.
Có chuyện gì không anh Tín?
Tín gườm gườm Vãn Hà:
- Nói với ba cô hãy tự lo cho mình.
Đừng có tối ngày chõ mũi vào chuyện người khác – Tín giơ tay chỉ chỉ - May là lần này ông ấy không có ở nhà.
Nếu không, không phải có những lời nhắc chừng vậy thôi đâu.
Tránh xa cuộc sống tôi ra.
Còn một lần nữa, đừng trách tôi không biết tôn trọng người lớn tuổi.
Vãn Hà phân trần:
- Thật ra ba em chỉ…
Trọng Tín phẩy tay bỏ đi.
Anh có thời gian đâu nghe con ranh này nhiều lời.
Không thể có chút cảm tình bất cứ người nào trong gia đình này.
Anh phải đi tìm Mỹ Liên ngay.
Không biết cô ấy có thể đi đâu? Đuổi theo gấp biết đâu chừng bắt gặp cô lang thang đâu đó.
Nghĩ gặp ông Khiêm sẽ có chút ít manh moi, ai dè công toi:
- Tôi chẳng có thời gian nghe cô nói đâu.
Cô chỉ cần đợi ba cô về, nhắn lại như thế là đủ.
Vãn Hà cụp mắt, đứng lặng giữa phòng khách.
Đây không phải là lần đầu tiên Trọng Tín có thái độ coi thường những người trong gia đình cô.
Nhưng Vãn Hà vẫn thấy tự ái kinh khủng.
Cái tự ái của những người nhạy cảm rất thâm trầm, sâu sắc, không ngớt dày vò Vãn Hà.
- Thằng quý tử lại xuống nay quậy hả? – Bà Hậu từ phòng ngủ bước ra, vừa che miệng ngáp, vừa hỏi – Mới sáng sớm đã vào nhà người ta la ó um sùm, không cho ai ngủ nghê hết.
Đúng là đồ ôn thần.
Buông phịch người xuống ghế, bà Hậu chì chiết:
- Cũng tại ba mày, đã nói bao nhiêu lần, đừng xía vô chuyện của thằng con hoang đó mà không nghe.
Vãn Hà gọi khẽ:
- Má.
Bà Hậu lập tức sừng sộ:
- Má, má cái gì? Bộ tao nói không đúng sao?
- Tại bác Lãm kêu ba làm, sao ba từ chối được.
Bà Hậu sẵng giọng:
- Vậy ổng kêu ba mày đi chết ba mày cũng phải đi à? Sao từ chối không được chứ? Ba mày đã vừa làm trợ lý, vừa làm tài xế.
Giờ lại kiêm thêm chức gì mà phải can thiệp vào chuyện tình cảm nhăng nhít của thằng con hoang đó? Để nó xuống đây quậy hoài coi có được không?
Vãn Hà đan chéo tay:
- Nhưng bác Lãm đối xử với gia đình mình rất tốt mà má.
- Hừ, tốt cái quái gì?
Dù miệng nói thế nhưng trong lòng bà Hậu vẫn thầm công nhận lời Vãn Hà nói là đúng.
Ông bà Lãm đã cho gia đình bà cất nhà ở một góc trong khuôn viên của ngôi biệt thự, trả lương cho chồn bà rất cao.
Chỉ một mình ông đi làm vẫn nuôi cả gia đình năm miệng ăn được sung túc.
Đặc biệt là đối với Vãn Hà, ông bà Lãm đối xử như con gái ruột.
Tên nó là do bà Lãm đặt.
Quần áo nó mặc là do bà Lãm lo.
Nó còn được ông bà Lãm cho đi học tiếng Anh, tiếng Pháp, cắm hoa, chơi đàn… y như một tiểu thư chính hiệu.
Kể ra chồng bà làm công cho gia đình ông bà Lãm hơn hai mươi năm rồi.
Không hiểu sao bà vẫn thấy có vấn đề gì đó không ổn trong qua hệ giữa hai nhà.
Cái cảm giác này không giải thích bằng lời được.
Chừng ấy thời gian đã trôi qua mà bà vẫn không thấy gần gũi, thân thiết với bà Cầm, vợ ông Lãm được.
Mỗi lần chạm mặt nhau là bà thấy ngượng ngập, khó chịu.
Bà ghét cay ghét đắng cái gương mặt xinh đẹp, kiêu kỳ đó.
Ghét luôn cái dáng dấp sang trọng, quý phái.
Ghét cả những cử chỉ nhẹ nhàng, thanh thoát.
Ghét luôn cái xuất thân từ danh gia vọng tộc của bà Cầm.
Tất cả những thứ ấy làm bà luôn có những cảm giác hèn kém trước bà ta.
Chính bà Hậu cũng không hiểu sao mình lại có tâm lý như vậy.
Vì xét cho cùng cuộc sống của bà có nhiều điểm may mắn hơn bà ta.
Bà có ba đứa con, đứa nào cũng khỏe mạnh, bình thường.
Không như bà ta, chỉ có một đứa con trai mà lại dở điên, dở khùng nữa chứ.
Còn đức ông chồng lại vác một đứa con riêng về nuôi.
Cứ nghĩ đến chuyện này là bà lại thấy hả hê vô cùng.
Bà Hậu thở ra khoan khoái, đưa tay búi lại tóc mình:
- Mày vô làm cái gì đó cho tao ăn coi.
- Dạ.
Lát sau, Vãn Hà trở ra với tô bún gạo.
Đặt nhẹ cái khay lên bàn, Hà nói:
- Con lên nhà bác Lãm dạy anh Tân học nha má!
Bà Hậu lấy đũa trộn tô bún:
- Hừ! Khùng như nó mà học hành cái gì không biết.
Khéo bày vẽ.
Biết rõ tính má nên Hà không nói gì.
Cô lẳng lặng lấy vài cuốn sách mang theo.
Bà Hậu gọi giật lại:
- À, mày làm đồ ăn xong chưa?
- Cơm, canh con đã nấu rồi.
Cá con đang ướp.
Lát trưa con về chỉ cần chiên cá và hâm đồ ăn lại là xong.
- Ừ, vậy thì mày đi đi.
- Dạ.
Muốn lên nhà bác Lãm, Vãn Hà phải băng qua khoảng vườn rất rộng.
Theo thói quen, Hà đưa mắt nhìn về phía bờ tường.
Cô thấy trái nổ đã già đen cả rồi (một loại trái nhỏ, dài chừng 02 cm, bỏ vào nước là nó bung ra làm đôi, kêu cái tách).
Chừng nào học xong, Hà sẽ rủ anh Tân ra hái.
Anh Tân rất thích chơi trò này.
Nghĩ đến Tân, Hà thoáng thấy bâng khuâng.
Không biết khi nào anh Tân mới khỏi bệnh nay.
Vợ chồng bác Lãm rất cố công chạy chữa cho con trai.
Nhưng xem chừng đã hoài công vô ích.
Nghe nói, các bác sĩ đều chẩn đoán được anh Tân bị bệnh “hoang tưởng tình yêu” (một dạng bệnh tâm thần).
Song, mọi người đều phải bó tay bởi chính anh Tân không muốn mình khỏi bệnh.
Đó là sự thật, dù có vẻ hơi khó tin.
Anh Tân yếu đuối tới mức không dám trở về thực tại đương đầu với cuộc sống.
Anh tìm mọi cách trốn tránh trong cái tháp ngà kiên cố của tâm linh.
Mắt Hà dõi ra xa, nhìn tận đâu đâu…
Anh Tân phát bệnh cách nay mười hai năm, khi ấy Hà là con bé sáu tuổi.
Ký ức vế một anh Tân bình thường khá mờ nhạt.
Chỉ có ấn tượng sâu nhất là anh Tân thương cô lắm.
Anh hay qua nhà nựng nịu, ẵm cô đi ăn quà vặt.
Ừ, gia đình bác Lãm ai cũng thương cô cả, ngoại trừ… Trọng Tín.
Bất giác, Vãn Hà chớp mắt thật sâu…
Sau này lớn lên, Vãn Hà mới biết nhiều hơn về anh Tân, qua lời kể của bác Cầm (vợ bác Lãm) và qua cuốn nhật ký của anh.
Vào năm anh Tân học năm thứ ba ở trường pháp lý (tiền thân trường đại học Luật TP.
HCM bây giờ)* thì có một cô giáo từ Bắc vô dạy tiếng Pháp.
Không có gì khoa trương khi nói rằng, sự xuất hiện của cô giáo này đã gây xôn xao cho toàn trường, bởi cô rất trẻ, rất xinh, rất giỏi.
Hầu như mọi thầy giáo chưa vợ và các nam sinh trong trường đều cảm mến cô.
_____________________________________
* Năm 1982, sau khi tái thành lập Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ra Quyết định số 199-QĐ/ĐT ngày 16/10/1982 về việc thành lập Trường Trung học Pháp lý TP Hồ Chí Minh trên cơ sở Trường Cán bộ tư pháp trước đây.
Trường có nhiệm vụ đào tạo cán bộ có trình độ trung cấp pháp lý.
Từ năm 1983 -1988, Trường phối hợp với Trường Đại học Pháp lý Hà Nội mở lớp đại học pháp lý.
Ngày 25/12/1987, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã ra Quyết định số 357-CT về việc thành lập Phân hiệu Đại học Pháp lý TP Hồ Chí Minh trực thuộc Bộ Tư pháp.
Phân hiệu có nhiệm vụ phối hợp với Trường Đại học Pháp lý Hà Nội đào tạo cán bộ có trình độ đại học pháp lý cho các tỉnh phía Nam.
Ngày 6/7/1993, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 368/QĐ-TC về việc đổi tên Phân hiệu Đại học Pháp lý TP Hồ Chí Minh thành Phân hiệu Đại học Luật TP Hồ Chí Minh.
Ngày 30/3/1996, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo ký Quyết định số 1234/GD&ĐT thành lập Trường Đại học Luật trực thuộc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh trên cơ sở sáp nhập Phân hiệu Đại học Luật TPHCM và Khoa Luật Trường Đại học Tổng hợp TPHCM.
Ngày 10/10/2000, Thủ tướng chính phủ đã ra Quyết định số 118/2000/QĐ-TTg tách Trường Đại học Luật trực thuộc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh thành Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh.
Dù thời bay giờ tiếng Nga rất thịnh, nhưng hễ tới giờ cô đứng lớp thì giảng đường luôn nay ắp sinh viên.
Các nam sinh đa phần đến nay là để… ngắm cô giáo.
Trong số những người đó, anh Thạch Nhật Tân là si nặng hơn cả.
Cứ mỗi lần cô giáo lên lớp, anh Tân lại chiếm ngay vị trí bàn đầu để có thể ngắm cô ở cự ly gần hơn, để nghe chất giọng trong trẻo của cô rõ hơn.
Điều quan trọng nữa là cô giáo hay để sách, giáo án ở chiếc bàn đó.
Thật thuận tiện cho anh Tân ép những bài thơ tình tặng cô.
“… Tình có cho đi chẳng có về
Lòng kêu gọi mãi chẳng ai nghe
Cho nên từ đấy tôi ngơ ngẩn
Làm những bài thơ lạc cả đề”
(Nhặt nắng-Nguyễn Bính)
Lâu ngày, dài tháng ban bè phát hiện ra.
Thói thường, chuyện tình yêu nảy nở giữa thầy giáo và nữ sinh viên bao giờ cũng dễ được moị người chấp nhận hơn là giữa cô giáo với nam sinh viên.
Đó không hẳn là vấn đề tuổi tác.
Vì cô giáo này học hệ phổ thông mười năm ở ngoài Bắc, trong khi ở miền Nam muốn tốt nghiệp phổ thông trung học phải mất mười hai năm (Trước nay miền Bắc đào tạo hệ phổ thông giống như Liên bang Nga cũ, chỉ có mười lớp).
Như vậy, khi tốt nghiệp đại học sư phạm, cô giáo chỉ mới hai mươi, hai mươi moat tuổi.
Sinh viên năm ba ở miền Nam cũng trạc tuổi này.
Đó là chưa kể những người vì lý do riêng đi học trễ, thi rớt thi lại… thì còn lớn hơn nữa.
Có lẽ, nay là vấn đế xuất phát từ quan niệm sống.
Dù cho xã hội ngày nay tiến bộ hơn, tư tưởng con người thoáng đi rất nhiều, nhưng người ta vẫn còn định kiến với chuyện tình cảm giữa học trò-cô giáo.
“Vả lại, cô giáo là cô giáo của chung, là thần tượng chung.
Thế mà thằng Tân dám có ý cưa cẩm cô cho riêng mình, láo thật”.
Cả bọn sinh viên đều có suy nghĩ như thế nên ra sức trêu ghẹo anh Tân.
Càng bị ghẹo, anh Tân càng phản ứng gay gắt, càng co cụm mình lại.
Cao trào của vụ này là anh Tân đã đánh một người bạn nhừ tử, rách mí mắt.
Nguyên nhân là vì người này dám bịa chuyện chọc Tân.
Anh ta nói đã hẹn được ôc giáo ra quán uống cà phê, bày tỏ tình cảm, và còn được cô giáo cho nắm tay.
Ai cũng rõ mười mươi là anh chàng kia bịa chuyện, chọc ghẹo anh Tân vui thôi.
Riêng anh Tân không nghĩ vậy.
Anh nghĩ đây là chuyện có thật.
Rằng anh bạn kia đã dụ dỗ, đã “cướp người yêu của anh”.
Kết quả cả hai bị nhà trường kỷ luật nặng.
Sau chuyện đó, bạn bè không ai dám trêu ghẹo anh Tân nưã.
Trong suy nghĩ mọi người, anh Tân là người quá cộc tính, manh động.
Không một ai hay biết căn bệnh anh Tân đã khởi phát.
Số là gia đình có mỗi mình anh Tân là con nên cả bác trai, bác gái đều hết mực chìu chuộng, chăm chút, nhất là bác gái.
Tính anh Tân thì trầm, lãng mạn, nhút nhát.
Hai yếu tố gộp lại tạo nên một anh Tân yếu đuối, hay mơ mộng, giàu tưởng tượng, độc đoán, quyền hành, ích kỷ.
Với cô giáo dạy tiếng Pháp, anh Tân là cậu sinh viên ngoan ngoãn, chuyên can.
Thỉnh thoảng, cô nhìn qua anh, hơạc cười với anh trong lớp học.
Anh Tân liền vội vàng, cả quyết cô giáo cũng yêu anh.
Để rồi anh âm thầm dệt mộng.
Càng ngày anh càng bộc lộ tính chiếm hữu nhiều hơn.
Tối tối, anh kiếm cớ đến phòng tập thể cuả cô giáo nhờ cô giảng bài, thảo luận vấn đề nào đó mà cô quan tâm…
Khi không còn nguyên cớ gì thì anh vẫn đến, ngồi im lặng ngắm nghía cô giáo.
Cô giáo bắt đầu thấy phiền toái với cậu sinh viên.
Cô từ chối khéo, cô tránh mặt, cô nói thẳng thừng không tiếp anh nữa nhưng anh vẫn cứ tới, lảng vãng xung quanh phòng cô,
Dần dà, mỗi khi rảnh rỗi, anh Tân lập tức chạy đi tìm cô giáo, mua quà tặng cô, tỏ ra chăm sóc, lo lắng cho cô một cách thái quá.
Đến lúc này, cô giáo hoảng sợ thật sự.
Cô đem chuyện phản ánh với nhà trường.
Nhà trường bèn gọi anh Tân lên nhắc nhở.
Chỉ vậy, không thể can thiệp sâu hơn.
Vì làm sao có thể cấm cản được tình cảm con người.
Anh Tân cũng không hề có cử chỉ hoặc lời nói suồng sã nào, không đe dọa, không dùng vũ lực ép buộc.
Đơn thuần là anh Tân tìm cách tiếp can, bày tò sự quan tâm đến cô giáo.
Một ngày kia, người yêu của cô giáo đến thăm cô.
Anh ấy làm nghề thủy thủ.
Cái nghề mà một thời các cô gái tôn vinh, mơ ước khi lựa chọn người yêu.
Và người yêu của cô giáo là người tự trung những ưu điểm của một chàng thủy thủ: đạp tra, phong trần, dí dỏm, lãng mạn, hào hiệp.
Những ngày gặp gỡ ngắn ngủi, cô giáo chưa kịp kể cho người yêu nghe về nổi cám ảnh của mình thì anh Tân đã tìm đến với sự rắp tâm giết chết anh chàng thủy thủ.
Tất nhiên sự việc không thành.
Người yêu cô giáo khỏe mạnh hơn anh Tân nhiều nên không gặp khó khăn gì khi tước con dao, và trói anh Tân lại nộp cho công an.
Cô giáo hỏang quá xin chuyển chỗ dạy ngay sau đó.
Anh Tân bị nhà trường buộc thôi học.
Trong lúc tạm giam để điều tra thì người ta phát hiện ra anh Tân bị mắc bệnh tâm thần, liền chuyển giao anh cho bệnh viện.
Được chữa trị liên tục nên dù không khỏi nhưng bệnh tình anh Tân khá ổn định.
Anh rất hiền.
Từ đó đến nay chưa hề tấn công ai thêm một lần nào nữa.
Anh cứ sống ngây ngô như con nít.
Đặc biệt tỏ ra yêu thích tiếng Pháp cực kỳ.
Bởi thế, vợ chồng bác Lãm cho Hà đi học tiếng Pháp để về dạy lại cho anh Tân.
Mãi đến khi đặt chân lên bậc tam cấp dẫn vào phòng khách, Vãn Hà mới thôi nghĩ miên man.
Cô mỉm cười thật tươi:
- Con chào bác, chào anh Tân.
Nghe tiếng của Hà, Tân liền bỏ cuốn truyện tranh xuống, cười toe miệng:
- Cô giáo Hà tới, tới rồi kìa.
Hà tự nhiên ngồi xuống cạnh Tân:
- Đã nói đừng gọi em là cô giáo Hà, gọi Vãn Hà thôi.
Anh Tân lại quên nữa rồi.
Tân lắc đầu nói tỉnh:
- Không quên.
Nhưng thích gọi sao thì gọi.
Vãn Hà không tranh cãi, cô lật sách ra chỉ vào hình nhà ga xe lửa:
- Hôm nay mình học bài này nha anh Tân!
Tân lấy tay che quyển sách:
- Không học.
Anh muốn nghe hát.
Vãn Hà hỏi lại:
- Hát à?
- Ừ! Em hát đi.
Cô giáo Hà hát hay lắm - Tân vừa nói vừa vỗ tay.
Bà Cầm khều vai Hà:
- Chìu ý nó đi con.
Vãn Hà ra điều kiện:
- Hát xong anh Tân phải học đó.
Nhật Tân không tỏ ra đồng ý hoặc từ chối.
Anh bước đến cây đàn dương cầm, ngồi xuống, vỗ vỗ lên phần ghế trống bên cạnh:
- Cô giáo vừa đàn vừa hát mới hay.
Vãn Hà nhoẻn miệng cười với Tân.
Tay cô bập lên phím đàn, bắt đầu khúc dạo đầu bài ‘Poupée de cire, poupée de son’ (tạm dịch: ‘búp bê bằng sáp, búp bê bằng cám’, một nhạc sỹ đã chuyển tải bài này sang tiếng Viết với tựa đề ‘búp bê không tình yêu’).
Vãn Hà hơi nghiêng đầu nhìn Tân, cất tiếng hát:
- ‘Je suis une poupée de cire, une poupée de son.
Mon coeur est gravé dans mes chansons.
Poupée de cire, poupée de son’.
Tiếng hát, tiếng đàn hòa quyện nhau tạo nên những âm thanh réo rắt, trong trẻo rồi cùng bay vút cao, phủ vào khọng gian nét buồn lãng mạn.
Kết thúc bài hát, Vãn Hà nắm tay Tân đứng dậy:
- Mình học bài đi há anh Tân!
Nhật Tân cau mày:
- Hát tiếp đi! Không học đâu.
Vãn Hà nhỏ nhẹ:
- Hồi nãy đã giao kèo rồi mà.
Anh Tân ngoan đi.
Tân quay mặt sang hướng khác:
- Không biết.
- Học bài đi anh Tân.
Một lát hãy hát tiếp.
- Không chịu.
Vãn Hà quay sang tìm bà Cầm dọ ý.
Nhận được cái gật đầu của bà, Hà mới trở lại bên cây đàn.
Cô dạo một chuỗi hợp âm:
- Ừ, thì hát.
Anh Tân nhớ tên bài hát nào em sẽ hát bài hát đó.
Tân tỏ vẻ suy nghĩ:
- Vậy nếu anh không nhớ tựa bài hát nào thì em không hát phải không?
Thấy Tân nói năng tỉnh táo như người bình thường, Hà vui vẻ gật đầu:
- Đúng rồi anh.
Nhật Tân nhiu nhíu mày:
- ‘J’ai peut être tort’ đi (tạm dịch ‘có thể tôi đã sai lầm’).
Nhắc xong tựa bài hát, Tân còn nghêu ngao hát vài câu nữa:
- ‘...!J’ai peut être tort, j’ai peut être raison de l’adorer.
Sans chercher de raison...’
Nét mặt Tân lúc này buồn bã và hiền lành chi lạ.
Tim Vãn Hà chợt se lại.
Cảm thông cho tâm sự vủa Tân ư? Hay là chính bản thân cô cũng đang trong tâm trạng đó?
‘Có thể tôi sai, có thể tôi đúng.
Khi tôi yêu mà chẳng cần tìm hiểu lý do’.
Những ngón tay Hà xúc động lướt trên phím đàn.
Hà không dạo đầu, cô hát tiếp lời của Tân:
- ‘...!J’ai peut être tort, j’ai peut être raison.
Mais cet amour est mon seul horizon.
Quand parfois mon coeur fait une comparaison.
Jé n’envie pas ce que les autres ont, je suis.
Toute à lui, j’ai choisi ma prison.
J’ai tort peut être à mins que j’ai raison’.
( Tạm dịch:
Có thể tôi sai, có thể tôi đúng
Nhưng mối tình đó là khung trời duy nhất của tôi
Đôi lúc trái tim tôi cũng làm phép so sánh
Nhưng tôi lại không muốn người khác làm như thế
Tôi hòan tòan thuộc về người ấy
Tôi đã tự chọn cho mình một nhà tù
Tôi có thể sai, trừ khi tôi đúng...’
Sao trên đời lại có những giai điệu, ca từ đẹp như thế.
Chúng cứ như suối nguồn tuôn chảy vào hồn người.
Và rồi sau đó lại nhả ra những sợi tơ mong manh quấn riết con tim, làm hằn lên những vết nhỏ nhưng sâu, nhói buốt..