[Lão Cửu Môn] Phiên Ngoại Trần Bì A Tứ

Trần Bì đứng xem mãi ở sới gà chọi suốt một ngày một đêm mà không ném ra một đồng tiền nào. Hắn đang chờ con Sát Tần Hoài kia, nhưng hôm nay, con Sát Tần Hoài lại không lên đài, cuối cùng hắn cũng tê cứng cả người, đi mua chút rượu, rồi đến trước lều đặt các lồng gà, dòm vào bên trong. Con Sát Tần Hoài đang bị nhốt trong cái lồng gỗ lim khắc hoa, cái lồng nào cao cỡ nửa người, phía trên có hai cái đòn gánh, nom như một cỗ kiệu con con vậy. Qua bức mành lều, Trần Bì lạnh lùng nhìn con gà chọi, con gà cũng lạnh lùng nhìn hắn, chẳng có chút sợ hãi nào. Gần đó có gã làm thuê đang cầm dao chặt thịt. Lũ gà chọi này vốn được nuôi bằng thịt. Thấy Trần Bì lại gần, gã dừng việc lại, trợn mắt nhìn hắn.

Trần Bì đành phải quay đầu, yên lặng bỏ đi. Hắn vung vẩy hai cánh tay, rồi đến bên bờ đê ngồi một lúc.

Trời dần sáng. Đám thuyền cá lại bắt đầu ra khơi. Kể từ sau hôm cả nhà Xuân Tứ bị giết hại, trên sông lại yên bình thêm được vài ngày. Nhưng hắn vẫn luôn cảm thấy đó chỉ là sự tĩnh lặng trước cơn cuồng loạn. Phần lớn các thuyền câu đều bắt đầu đổ từ hồ ra ngoài sông rồi.

Quay lại nhà tắm. Trời đã sáng trưng, Xuân Thân nằm ngủ trên bậc thang, đầu ngoẹo vào vách tường, cái bát rơi bên cạnh, trong bát còn ít cơm thừa canh cặn. Trần Bì nhặt lên, thấy cơm trong bát đã được xẻ một nửa rất cẩn thận, ăn một nửa chừa lại một nửa, trong đó còn có một cái bánh bao. Hiển nhiên Xuân Thân không dám ăn hết một mình, mà chờ hắn quay về.

Cơm đã bắt đầu bốc mùi ôi thiu, Trần Bì bới mãi, vẫn chẳng tìm thấy một xu nào. Rồi hắn lại lục túi Xuân Thân, moi từ trong ra ngoài, vẫn chẳng thấy gì cả.

Trần Bì lạnh lùng nhìn Xuân Thân đang say ngủ, cơn bực dọc trong bụng không cách nào trút ra nổi, hắn dốc hết chỗ cơm thừa ra đất, rồi đột ngột giơ tay lên như muốn tát Xuân Thân một cú trời giáng.

Nhưng hắn suy nghĩ một chút, lại buông tay xuống. Hắn suy nghĩ về mục đích của mình, hắn không chờ được nữa. Hắn nghĩ đến con Sát Tần Hoài kia, căm hận bản thân còn không sung sướng bằng một con gà.

Hắn bèn móc từ trong túi ra một đồng xu, ném vào bát Xuân Thân, sau đó bước vào trong nhà tắm.

Nhưng mới đi được mấy bước, hắn lại lùi ra ngoài, nhìn trời.

Hắn cảm thấy Hỉ Thất đang ở trên trời nhìn xuống, làm thế này không hiệu nghiệm được. Hỉ Thất tú tài là một kẻ ghi chép sổ sách, chắc chắn không để lọt một xu nào đâu.

Hắn chán nản bước đến chỗ Xuân Thân, lấy lại đồng xu. Mấy ngày bài bạc liên tiếp đã mài mòn hết cả lệ khí trên người hắn, hắn rúc vào trong một góc, mệt mỏi thiếp đi mất. Ngày mai là ngày cuối cùng, hắn tự nhủ, đến ngày mai, bất kể thế nào cũng phải có được một trăm đồng.

Lúc Xuân Thân tỉnh lại, Trần Bì đã ngủ say như chết. Xuân Thân thấy cơm thừa bị đổ vương vãi ở một bên, bèn nhặt nửa cái bánh bao kia lên, lại bẻ làm đôi. Nó ăn một nửa, chừa lại một nửa, đem đặt lên trước ngực Trần Bì đang say ngủ. Đoạn nó cầm bát lên, tập tễnh bước ra ngoài.

Khí trời buổi sáng mát mẻ trong lành, Xuân Thân nheo mắt lại, bưng cái bát đi vào trong chợ. Nhiều cửa tiệm đang lục đục mở hàng.

Cửa hàng gạo ở thành Đông đã đóng cửa, ông chủ đã bỏ chạy lên Tây Bắc. Ngày hôm đó là ngày kinh doanh cuối cùng trước khi ông chủ rời đi, còn thừa chén đậu hũ, ông ta bèn cho Xuân Thân một chén. Thực ra Xuân Thân không biết, thói đời là thế, nếu cái bát của một kẻ ăn mày đã đầy, người ta sẽ nghĩ rằng không cần phải bố thí thêm cho kẻ đó nữa. Hơn nữa, người ta còn cho rằng, một kẻ ăn mày mà còn tham lam thì thực là đáng ghét.

Xuân Thân bước đi giữa đám người, tay giơ bát lên, không ai nhìn nó, nó đi từ đầu phố đến cuối phố, rồi lại quay về.

Xuân Thân ngồi trước cửa tiệm gạo, đặt cái bát xuống dưới chân, nhìn người đi đường qua lại phía trước. Quần áo nó phong phanh, hai chân đầy vết nứt nẻ vì lạnh. Đành phải cho chân lên.

Nó ngồi ngẩn ra, cho đến buổi trưa, tiệm bánh bao đối diện bắt đầu lục đục dọn quầy, lần này không ai cho nó bánh bao nữa. Hôm nay tiết trời khá lạnh, chủ tiệm bánh bao có một đứa con gái nhỏ, hôm nay đứa bé đã mặc một chiếc áo bông dày. Xuân Thân nhìn cô bé, cô bé cũng nhìn Xuân Thân.

Trời ngày càng rét, cũng ngày càng âm u.

Nó rụt tay vào trong ống tay áo, co rúm người lại thành một trái bóng tròn. Trong lúc ngẩn ngơ, bỗng nhiên, nó cảm thấy có một bóng người ngồi xuống bên cạnh mình.

Nó dụi mắt, ngẩng đầu lên nhìn, thấy một người đàn ông ở trần, da trắng bệch, đang ngồi bên cạnh nó.

Gã đàn ông này dường như chẳng sợ lạnh chút nào, gã hít vài hơi trong cơn gió buốt lạnh, rồi cúi đầu nhìn Xuân Thân, từ tốn nói: “Nhóc con, lần trước trong lúc ta đang chơi trên thuyền nhà tụi bay, có để quên một vật. Cờ của ta đâu?”

Xuân Thân run bắn lên, nó nhận ra ngay người này. Đó chính là gã Pháo Đầu đã giết cả nhà nó.

“Vất vả lắm mới tìm được chú mày, ta cũng chỉ nghe người trên bến tàu nói thôi, vẫn còn một thằng bé, may mà đương gia nhà ta nói, cờ miễn thuế một mặt là một mặt, nếu người không còn thì phải cầm cờ về. Nhóc con, ta đã tìm trên thuyền của chú mày rồi, không thấy cờ đâu. Có người nói chú mày đã cầm đi rồi.” Pháo Đầu xoa đầu Xuân Thân. “Bé ngoan, trả cờ lại cho chú, rồi đi gặp cha mẹ, có được không nào?”

Cả người Xuân Thân run lên bần bật như người sốt rét, nó ngơ ngác nhìn Pháo Đầu, không nói năng gì.

Pháo Đầu nhặt cái bát của nó lên, thả vào tay nó, rồi định ôm lấy nó.

Xuân Thân lập tức co rụt lại, không để gã ôm. Người đi đường xung quanh đều dừng lại, nhìn Pháo Đầu lôi Xuân Thân đi xềnh xệch.

Pháo Đầu nhìn chung quanh, vẻ mặt có chút nóng nảy, nhưng gã vẫn không buông tay. Gã ngồi xổm xuống, cầm một đồng xu, thả vào trong bát. “Bé ngoan, ngoan nào, đi theo chú nhé.”

Xuân Thân cứng ngắc ở đó, nhìn đồng xu lăn trong bát. Nó cứ nhìn chằm chằm đồng xu, do dự một chút, rồi thò tay ra nhặt lấy. Ngay khi vừa thả lỏng, nó liền bị Pháo Đầu bế thốc lên, đi về phía đê sông.

Xuân Thân nằm sấp trên bả vai Pháo Đầu, không giãy giụa gì cả. Nó nhìn con phố lớn xa dần, mọi người quay đầu nhìn nó vài lần rồi lại đi tiếp. Không còn ai để ý tới nữa.

Xuân Thân chỉ nắm chặt lấy đồng xu kia, như thể đang nắm lấy tia hy vọng duy nhất.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui