Lật Mở Thiên Thư

Tôi ngồi xuống châm điếu thuốc lá, thở dài, bụng vẫn thầm trách mình hấp tấp vụng về. Lúc này, chú Nam là nhạc phụ của ông anh họ tôi ngồi bàn bên cạnh, bước đến ngồi bên tôi, nói: “Vừa nãy, coi như cháu gặp may đấy!” Chú Nam nói thế, tôi rất lấy làm lạ. Chú là cảnh sát kỳ cựu ở thành phố J, hiện đã lùi về tuyến hai, ngày trước chú từng là cảnh sát hình sự, về sau được điều sang phụ trách đại đội an ninh quốc gia, những người đường hoàng cũng như những kẻ ám muội ở thành phố J này đều biết chú.

Thấy tôi có vẻ băn khoăn không hiểu, chú Nam mời tôi hút điếu thuốc lá thơm Phù Dung Vương, rồi nói: “Có biết gã ăn mày vừa rồi làm nghề gì không?”

Tôi đáp: “Chuyên đi ăn xin. Ai cũng gọi là ăn mày...”

Chú Nam cười, rồi nói: “Cháu đã bao giờ thấy kẻ ăn mày nào có nước da trắng trẻo như thế chưa?” Tôi cố nhớ lại. Đúng thế thật, gã ăn mày vừa nãy mặt mũi lem nhem nhưng có nước da rất ưa nhìn, quần áo rách rưới nhưng không giống như quần áo nhặt ở thùng rác; hình như cố ý làm cho quần áo rách bươm, các chỗ rách rất không tự nhiên.

Tôt gật đầu với chú, rồi nói: “Chú nói vậy... đúng là thế thật.” Chú Nam lại mỉm cười, rồi bước lại bàn tiệc vừa nãy cầm cốc bia sang, đặt trên quầy trước mặt tôi, nói: “Trời lạnh thật, cháu cùng uống với chú một cốc cho ấm người.”

Nói đến “uống”, cái đầu tôi lại ong ong. Tôi vừa mới thoát nạn rượu chè chưa đầy 24 giờ, chú ấy lại lôi tôi vào cuộc hay sao? Nếu tôi uống, khách khứa sẽ nhìn thấy, họ không thể không chạy lại kéo tôi vào uống. Tôi bèn kéo chú Nam vào gian nhà kho nho nhỏ ở bên cạnh bếp. Vào rồi, chú Nam nói: “Thế này không được. Cháu không ra ngoài đó hay sao?”

Tôi lắc đầu: “Không cần ạ. Nếu có việc, sẽ có người gọi cháu.”

Chú Nam nói: “Không! Ý chú là cửa hàng, nếu cửa hàng có việc thì sao?”

Tôi không hiểu chú nói gì, bèn hỏi lại “Là việc gì ạ?” Chú bèn kéo tôi trở ra quầy, cùng tôi uống cạn cốc bia, rồi nói: “Cháu ạ, đang dịp tết nhất, ai cũng phải ăn tết, ăn tết thì phải tiêu tiền; dù làm nghề gì thì cũng nhân dịp này tranh thủ kiếm thêm tí tiền tiêu, kẻ ăn mày cũng thế, bọn trộm cắp sắm vai ăn mày thì lại càng hoạt động mạnh hơn.”

Tôi ngớ ra, nghĩ bụng, lẽ nào gã ăn mày vừa nãy là một tên trộm cắp?

Chú Nam đã ngà ngà say. Chú ấy vốn rất kỳ lạ, tuy tửu lượng không khá mấy nhưng rất thích uống mỗi khi rỗi rãi. Có thể là do ngày trước công tác bận rộn nên rất ít uống cũng nên? Nghe vợ của anh họ tôi kể rằng, hồi đó chú Nam rất ít nói, nhất là khi trở về nhà, tuyệt đối không bao giờ nhắc đến các vụ án ở đơn vị, chú luôn giữ mồm giữ miệng kín như bưng, sau khi lui về, chú thích nhâm nhi vài chén, nên mới cởi mở hơn trước.

Chú Nam nhìn ra ngoài cửa, nói: “Tên trộm lúc nãy, thuộc loại tương đối thông minh. Bọn trộm cắp mà bọn chú biết, thường hoạt động ở chợ, ở bến ô tô, cùng lắm là ở trung tâm thương mại. Tuy nói rằng ngày tết thì ai cũng cảnh giác hơn, nhưng tâm trạng vui vẻ vẫn là chính; hễ vui thì kém cảnh giác. Ở bến xe hoặc trung tâm thương mại, rất dễ nhận ra ai trong người có nhiều tiền, ít tiền. Điều này đương nhiên là ngón nghề cơ bản của bọn trộm cắp. Gã lúc nãy, thuộc nhóm rất đẳng cấp. Trong dịp tết, những người nào ít cảnh giác nhất? Đương nhiên là những người đang lâng lâng men say. Có rất nhiều người hễ uống vài rượu là quên béng mình đem theo bao nhiêu tiền, lúc đó dù đánh rơi thứ gì cũng không kịp có phản ứng gì hết. Nếu bị những tên trộm sắm vai ăn mày nhìn chằm chằm vào mình, cũng không nhận ra, không nghi ngờ gì cả, hoặc chỉ cảm thấy đáng ghét là cùng. Còn cửa hàng lẩu, hiện nay phần lớn các tiệm ăn đều lắp cửa kính chấm sàn, đứng ngoài nhìn thấy hết bên trong; thực khách, có người vắt áo trên ghế, ví tiền lòi ra ngoài, thậm chí có người đặt luôn ví tiền lên bàn. Bọn trộm cắp sắm vai ăn mày sẽ lò dò vào xin tiền, chúng đi vòng quanh khắp lượt để tăm tia mục tiêu; vào mỗi tiệm ăn ra tay một lần là ổn!”

Chú Nam nói đến đây, tôi thấy rất hứng thú, vội rót thêm bia cho chú. Nhưng chú che tay lên miệng cốc, nói rằng thôi không uống nữa. Rồi chú bảo tôi pha trà. Tôi liền lấy ra một túi trà Trúc Diệp Thanh pha cho chú. Chú châm điếu thuốc lá, rồi nói: “Chú biết cháu rất thích nghe những chuyện này, hồi nọ cháu cứ đòi chú kể về các vụ án ngày trước đấy thôi! Có nhiều vụ việc không thể nói ra, nhưng về chuyện trộm cắp thì chú có thể kể một vụ, một vụ điển hình.”

Chú Nam vừa nói gã trộm sắm vai ăn mày lúc nãy thuộc loại rất to gan, nghĩa là sao? Gã trộm cắp đi vào các quán lẩu, nói chung đều đi cùng một tên nữa. Tên này ăn mặc rất nhếch nhác, khiến người ta thoạt nhìn biết ngay là gã có vấn đề; gã thường lượn khắp các bàn ăn, cố ý tỏ ra lấm lét gian giảo, làm cho mọi người đều để ý đến gã. Kẻ sắm vai ăn mày thường ra trước, gã này ra sau, cả hai tản ra ngược chiều nhau. Một khi có người bị mất cắp, phản ứng đầu tiên của người ấy sẽ là tìm cái gã này chứ không tìm gã ăn mày. Gã này nhìn thấy có người đuổi theo, gã sẽ chạy bộ mấy bước, người ta sẽ tóm được gã nhưng trên người gã chẳng có tang vật gì hết. Những gã này thường có một công việc ổn định ở đâu đó, nếu cảnh sát điều tra sâu thêm thì cũng không tìm thấy tiền sự tiền án gì.

Tôi ngạc nhiên hỏi: “Đúng là ngành nghề nào cũng có ‘trạng nguyên’, không sai! Kẻ cắp mà cũng bợm như thế ư?”

Chú Nam mỉm cười, nhìn ra ngoài và chỉ tay: “Cháu nhìn kia, lúc này đang có một gã ăn mày, na ná như gã ăn mày lúc nãy; hắn ngồi đó cứ như đang bới rác thực ra mắt hắn vẫn tia vào trong này. Thằng nhãi ấy, chú biết, nó tên là Trần Tứ Oa, trộm cắp chuyên nghiệp. Hắn nhìn thấy chú ngồi đây, chắc chắn hắn không dám vào.” Nói rồi chú Nam quay người, cười hề hề nhìn ra gã ăn mày ở bên thùng rác. Gã cũng cười với chú Nam, sau đó gã bước đi.

Tôi hỏi chú Nam: “Chú đã biết hắn là tên trộm cắp, sao không bắt?”

Chú nói, một là mình đã về hưu, hai là, muốn đối phó với hạng người như thế cần bắt tại chỗ cả người lẫn tang vật, nếu không sẽ vô ích. Huống chi, vào dịp tết hiện nay, khắp nơi đều bố trí “cá chìm”, thì bọn cao thủ trộm cắp sẽ không ló mặt ra. Tôi hỏi chú, tại sao bọn cao thủ không ló mặt ra. Chú bảo, những kẻ trộm cắp sừng sỏ sẽ không hành động gây án trong tình hình cạnh tranh dữ dội và đầy nguy hiểm như thế này.

Chú Nam nhấp một hụm trà, sau đó bắt đầu kể chuyện về một “thiên tài” trong làng trộm cắp...

Hồi đó là những năm 90 của thế kỷ trước, chú Nam còn là đồn trưởng một đồn cảnh sát ở một thành phố khác. Ở thành phố J này, có một thị trấn nhỏ trực thuộc, thị trấn ấy vốn là nơi phát tích của thành phố J; vì nhà nước xây dựng một nhà máy luyện thép đồ sộ ở thị trấn, cho nên trung tâm thành phố J mới chuyển về vị trí hiện nay. Nhà máy đó hình thành, đã thu hút người dân chuyển đến, toàn thị trấn trở nên đông vui nhộn nhịp hơn ngày trước.

Hồi đó chú Nam chỉ làm đồn trưởng tạm thời, vì ở Sở công an còn có vài vụ án lớn đang phải xử lý. Chú gần như bận tối mắt tối mũi gần nửa năm, rồi mới tạm hồi sức. Có vụ đã xử lý xong, vụ nào chưa xong thì cùng các đồng nghiệp tiếp tục làm, cho nên gánh nặng của chú cũng đã nhẹ đi rất nhiều.

Dịp đó có một vụ án khiến chú Nam phải đau đầu rất lâu. Trong vòng ba tháng, khu tập thể công nhân viên nhà máy luyện thép xảy ra 8 vụ trộm, tiền mặt và tài sản mất trộm không lớn lắm nhưng cũng là tổn thất nghiêm trọng. Sau khi phân tích hiện trường, cơ bản có thể nhận định là do cùng một tên trộm gây ra. Chú Nam nói, trong làng trộm cắp, những tên trộm già đời đều có một thói quen riêng của mình. Những tên nhãi ranh theo sư phụ vài năm “học nghề”, thường chọn thời gian, hay nhận định mục tiêu để hành động na ná như kiểu của sư phụ; nhưng sau đó ít lâu, chúng sẽ tạo ra thói quen của riêng mình. Chính sư phụ cũng đã dạy điều này. Cho nên, cảnh sát cũng không dễ gì mà tóm được cả lò bọn tội phạm.

Các vụ trộm này là do một tên làm, tên ấy tương đối táo tợn: gọi là 8 vụ trộm nhưng chỉ xảy ra ở bốn gia đình; cũng tức là nói rằng nghi phạm ra tay hai lần đối với một hộ gia đình. Bốn hộ này đều là các vị có chức sắc như quản đốc, trưởng ca... của nhà máy. Tổn thất, đều là dây chuyền vàng, hoa tai, và các vụ trộm đều có chung đặc điểm: lần thứ nhất mất tiền mặt, lần thứ hai mất đồ trang sức. Dù sau vụ mất trộm thứ nhất, họ có báo cảnh sát, nhà máy cũng phối hợp với cảnh sát để tăng cường tuần tra bảo vệ khu tập thể, nhưng vẫn cứ xảy ra vụ trộm thứ hai.

Kể đến đây, chú Nam thở dài, nói: “Cháu có biết, một khi tái diễn các vụ trộm na ná lần trước, thì người dân ai oán và trút giận cho ai không? Đương nhiên là cảnh sát. Trong thời gian ấy, đầu chú chỉ muốn nổ tung.”

Thời kỳ đó, chú Nam cũng bí, chú đành “triệu tập” các cơ sở để hỏi. Gọi là “cơ sở” tức là những quần chúng đắc lực hỗ trợ cảnh sát. Chớ coi thường những quần chúng này, vì họ luôn luôn và lâu dài “cận kề” với những kẻ mờ ám, có những quần chúng cuộc sống rất khó khăn, tính mạng của họ cũng không được bảo đảm. Cho nên, vào dịp tết nhất, chú Nam thường có chút quà biếu, hoặc món tiền nho nhỏ để động viên an ủi họ. Chú nói, nếu không có các “cơ sở” như thế giúp đỡ thì cảnh sát điều tra xử lý các vụ án sẽ vô cùng khó khăn.

Tất nhiên cảnh sát không thể triệu tập một lần toàn bộ các “cơ sở”, chú Nam chỉ có thể lần lượt gặp từng người một cách kín đáo, ví dụ giả vờ đi câu cá ở đập nước, hay bảo họ giả vờ gây sự đánh nhau nho nhỏ rồi “bắt” về đồn xét hỏi... để gặp và trao đổi thông tin. Phải mất hơn nửa tháng, chú mới có được một chút manh mối. Một cơ sở quen gọi là “Voi béo” cho biết, gần đây có một thằng bé khoảng 14-15 tuổi thường xuyên đến quán trò chơi và tiêu tiền rất xông xênh. Ở đây gọi quán trò chơi, không giống như những nơi vui chơi mà hồi còn bé chúng tôi hay đến; quán trò chơi này ngoài kinh doanh các máy trò chơi ra, còn lén lút đặt các máy đánh bài. Hồi đó có rất nhiều người dựa vào những cái máy đánh bài này mà ăn nên làm ra, phất to.

Voi béo còn nói, thằng bé đó có biệt hiệu là “chó hoang”, không rõ tên thật của nó là gì, chỉ biết vóc người nó thấp và còm, có vẻ như một đứa bé bị suy dinh dưỡng từ nhỏ. Cách đây hơn một năm, Voi béo thường xuyên nhìn thấy nó. Ngoài lăn lộn ở quán trò chơi này, thằng bé cũng hay xuất hiện ở khu vực gần đó. Nó đã nhiều phen trộm cắp vặt.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui