Mấy ngày sau đó tôi nằm trong bệnh viện tĩnh dưỡng, Vũ không hề xuất hiện. Suy nghĩ tôi rời bỏ anh có lẽ không cần thiết, bởi chính anh đã rời bỏ tôi trước rồi. Buổi sáng ngày thứ tư kể từ lúc tỉnh lại, khẽ thở dài một hơi, tôi đánh răng rửa mặt xong bước từ toilet trở lại giường. Cảm thấy muốn về nhà, dù lúc này ba mẹ tôi vẫn còn đi nghỉ mát chưa về, tôi thu dọn lại chăn gối, chải lại tóc tai bước ra cửa định gọi cho cô y tá tên Hạnh. Bất chợt tôi sững lại khi nghe thấy tiếng Hạnh. Cô ấy đang nghe điện thoại cách tôi một chậu cây cao quá đầu người.
– Anh Vũ ạ? Sức khỏe chị Linh tốt hơn nhiều rồi, em nghĩ chị ấy đã có thể xuất viện. Sao anh không đến thăm chị ấy thế ạ?
– …
– Em biết rồi, giờ em đi mua phở cho chị ấy ăn sáng đây ạ.
Trái tim tôi vô thức đập thình thình, cảm giác ấm áp từ đâu lan tỏa khiến tôi bực bội. Vũ vẫn quan tâm đến tôi, chỉ là anh không muốn gặp tôi mà thôi. Vì tôi đuổi anh đi, nên anh tức giận tôi sao? Người tức giận phải là tôi mới phải. Nhưng… có gì là quan trọng nữa?
Hạnh bước một bước khỏi chậu cây đã thấy tôi đứng chết trân, cô ấy hơi giật mình hỏi:
– Chị Linh, sao chị lại ra đây thế này? Em đi mua phở bò cho chị ăn sáng nhé, ăn cháo mãi chán chị nhỉ?
– À… không cần đâu Hạnh, chị muốn về nhà. Thủ tục xuất viện… giờ phải thế nào hả em?
Trong tay tôi lúc này không có bất cứ giấy tờ, tiền bạc hay thậm chí là điện thoại, chỉ biết mình đang ở một bệnh viện tư nhân gần nơi tôi bị nhóm người kia hành hạ. Hạnh mỉm cười nói:
– Vâng, vậy chị để em làm thủ tục xuất viện cho chị ạ. Nhà chồng chị đã trả trước viện phí đủ để chị ở đây nghỉ ngơi cả tháng nên giờ chị lĩnh lại là được.
– Cảm ơn Hạnh. Những ngày qua cảm ơn em đã chăm sóc cho chị.
– Công việc của em thôi ạ, chị đi theo em.
Tôi không có quần áo để thay, đành mặc bộ đồ bệnh nhân ra ngoài cổng bệnh viện mua một bộ quần áo rồi mới đem trả lại bệnh viện. Số tiền bệnh viện trả lại cho tôi khá lớn, bởi lẽ viện phí nơi này rất đắt. Tôi không trả lại cho Vũ ngay được, cũng cảm thấy mình không muốn liên lạc với anh, thế nên cầm theo rời khỏi bệnh viện.
Chẳng còn gì lưu luyến ở ngôi biệt thự lạnh lùng kia, tôi chỉ đến quán cà phê Mimosa hỏi về túi xách của tôi còn để lại ở đó bởi trong túi có giấy tờ tùy thân quan trọng. Vừa bước khỏi cầu thang, nhìn về quầy thu ngân tôi không ngờ lại chạm mặt Kim Anh, cảm giác sững sờ khiến tôi tê tái. Không phải Vũ đã đuổi việc cô ta rồi sao? Tại sao cô ta lại xuất hiện ở đây thế này? Bất giác… trái tim tôi nhói đau, tôi mặc kệ ánh nhìn thách thức của cô ta, chỉ hỏi con bé nhân viên quán tên Mai:
– Mai à, hôm chị bị bắt cóc, túi xách của chị ai đang giữ giúp chị nhỉ?
– À… em để nó vào trong phòng nghỉ của nhân viên chị ạ, không ai động vào đâu chị.
– Ừ, cảm ơn em.
Tôi nghẹn giọng bước vào phòng nghỉ của nhân viên, vừa bước ra Kim Anh đã nhếch miệng:
– Chị quản lý thay tôi mấy ngày mà làm ăn vớ va vớ vẩn, làm tôi mất bao nhiêu công sửa lại đấy!
Tôi không muốn đôi co với cô ta, cảm thấy cơn ghê tởm Vũ dâng lên khiến tôi lợm giọng. Phạm Hoàng Vũ là kẻ giả dối đáng khinh bỉ nhất trên đời! Anh lừa tôi, anh vẫn giữ cô ta bên mình, chẳng qua chỉ muốn giữ tôi yên để chăm đứa con trong bụng cho anh nên anh nói dối tôi! Chắc chắn bức ảnh kia thám tử chụp không lầm, anh và cô ta…
Tôi nín lặng trong cơn ức chế đến tối tăm mặt mũi, không thèm đáp lại cô ta quay phắt người bỏ đi. Không ngờ khi tôi xuống chân cầu thang lại gặp Vũ. Đôi mắt lạnh tanh Vũ lướt qua tôi như hai người xa lạ. Tôi tự cười mình, cứ nghĩ anh có tình cảm với tôi cơ đấy, hóa ra tất cả chỉ là ảo tưởng của tôi. Con không còn, tôi không còn bất cứ giá trị gì với anh nữa. Khốn nạn thật! Con người anh… chẳng lẽ không còn tình cảm với tôi lại có thể khốn nạn đến vậy sao? Mà… tôi hi vọng gì ở một chủ quán bar như anh chứ?
– Cô khỏe rồi đấy à?
Tôi sững người, đôi chân đang bước khựng lại, lạnh giọng trả lời Vũ: . Truyện Hài Hước
– Anh không thấy sao còn hỏi?
– Tiền viện phí còn thừa cô cứ giữ đi, tẩm bổ sức khỏe.
– Tôi giữ, anh không cần phải dặn. Một lần sảy bằng bảy lần đẻ, như vậy còn ít.
– Cần thêm bao nhiêu thì nói.
– Khỏi.
Tôi không nói thêm bất cứ câu nào nữa, bước nhanh ra đường lớn vẫy taxi. Tôi và Phạm Hoàng Vũ… sẽ chẳng bao giờ còn thấy nhau nữa… Tất cả đã kết thúc rồi! Trách móc, hờn giận, tất cả cũng chỉ là vô nghĩa! Ngồi sau ghế lái của taxi, nước mắt tôi cứ rơi xối xả không sao kiềm chế được. Bao cảm xúc bùng nổ khi tôi được yên tĩnh một mình. Tôi còn gì đây sao cuộc hôn nhân với Vũ? Một đời chồng, một thân xác tàn tạ, một người đàn ông lừa dối mà trái tim tôi vẫn đập nhanh vì anh, vẫn cứ đau nhói vì anh… Cảm giác chua xót đầy ắp tôi thấy mình đang ở tận cùng địa ngục tối tăm không lối thoát. Thế rồi… khóc mãi cũng phải ngừng, chẳng nỗi đau nào là mãi mãi, đến khóc cũng cần có sức khỏe… mà tôi thì… lúc này tôi không khỏe…
Gạt nước mắt tôi trả tiền cho chú lái taxi có ánh mắt thông cảm nhìn tôi, chẳng buồn giấu giếm tâm trạng tôi thẫn thờ mở cửa. Tôi bấm chuông gọi cổng, chị Ngân ra mở, vừa thấy tôi trong thân xác phờ phạc chị lập tức giật mình mở cổng hỏi han:
– Linh, sao nhìn em mệt mỏi thế? Mà sao lại về giờ này, hôm nay không đi làm à em?
Tôi gượng cười vâng dạ cho qua chuyện, lên phòng nằm vật ra giường. Dù sao thế giới của tôi vẫn còn có ba mẹ, có ông anh trai gánh vác được gia đình lại quan tâm em gái. Tôi không phải kẻ cô độc, cuộc đời rất dài, cứ chìm vào u buồn cũng chẳng có ích gì.
Điện thoại tôi bỗng có tiếng chuông, tôi thở hắt một hơi, rút dây sạc lấy ra xem ai gọi. Hôm trước Mai nhặt điện thoại rơi ở nơi tôi bị gã béo dí dao vào cổ, con bé cất vào túi xách giúp tôi, nếu còn để ở người có lẽ cũng bị lũ bất lương ném đi mất rồi.
Mẹ tôi quan tâm hỏi ở đầu dây bên kia:
– Hôm nay con có đến quán không, chắc phải mấy ngày nữa ba mẹ mới về được, trong này tự nhiên lại có bão. Mẹ thấy cái vòng bạc này xinh xinh đeo tay trẻ con thì yêu lắm, mẹ mua làm quà cho cháu mẹ nhá!
– Mẹ mua làm gì… nó còn bé quá mẹ đừng sắm gì… xui lắm mẹ.
– Ừ, mẹ biết rồi. Thế nhé, con làm gì thì làm đi!
Tôi nghẹn giọng đáp lời mẹ, lúc này không phải là lúc nói ra mọi chuyện. Mẹ và ba ở xa, cứ để hai người thoải mái những ngày còn lại ở đảo, họ biết chuyện cũng chẳng để làm gì.
Mấy ngày ở nhà tôi thả mình vào miên man suy nghĩ, tối đến phòng tối om om điện đóm cũng chẳng bật. Đến bữa, chị Ngân gõ cửa đưa thức ăn vào phòng tôi rồi lại đưa ra quá nửa bởi tôi nuốt không trôi. Chị đã đoán ra chuyện dù tôi không nói, tôi chỉ biết xin chị đừng nói gì với ba mẹ tôi. Lúc này tôi chẳng khác nào đứa con gái trầm cảm của sáu năm về trước. Nếu nói tôi là sao chổi của Vũ thì có lẽ anh cũng chẳng khác tôi là bao, anh chính là sao chổi của cuộc đời tôi. Cảm giác đau đớn trong lòng tôi lúc này còn sâu sắc hơn, đáng sợ hơn cách đây sáu năm nhiều, rất rất nhiều. Những gì anh gây ra cho tôi còn hơn cả một vết cắt trong lòng, nỗi đau ấy như vết dao lam sắc lẹm cứa vào tim tôi đến tứa máu, chắc chắn sẽ không bao giờ liền sẹo.
Tạch!
Tiếng công tắc vang lên, đèn phòng tôi vụt sáng. Mẹ tôi lo lắng tròn mắt bước vào phòng. Đã năm ngày tôi trở về nhà, lúc này mẹ mới về đến nơi. Lập tức mẹ thốt lên:
– Linh, con làm sao thế hả con?
– Con… huhuhu… cháu mẹ không còn nữa rồi…
Tôi cứ thế nước mắt như mưa rơi xuống, nói trong tiếng nấc nghẹn ngào. Mẹ vội lao đến ôm tôi vào lòng, nước mắt cũng tuôn rơi theo con gái, sốt sắng hỏi han, dù buồn lắm nhưng mẹ cố gắng nén lại để dỗ dành con gái:
– Làm sao lại thế? Ngã hay thế nào hả con… Khổ thân con gái mẹ!
– Con… con bị… bị người ta đá vào bụng… huhuhu…
– Quân khốn nạn! Bọn nó là bọn nào? Làm sao có thể để chúng nó yên được?
– Bọn nó bị công an bắt rồi! Bọn nó là kẻ thù của anh Vũ, bọn nó trả thù anh ấy. Con của con… con của con vĩnh viễn không còn nữa rồi…
Nước mắt tôi rơi không ngớt. Mẹ gật đầu hiểu chuyện cố gắng trấn tĩnh lại, lau nước mắt trên mặt tôi sụt sịt khuyên:
– Thôi… đứa bé không có duyên với con, có níu cũng không được con ạ. Giờ quan trọng con phải giữ gìn sức khỏe, nhìn con thế này mẹ xót lắm!
Tôi hờ hững gật đầu, mẹ áy náy nhìn tôi nói tiếp:
– Thế thằng Vũ thế nào? Nó còn quan tâm đến con không hay lại bỏ mặc luôn?
– Con với anh ấy… kết thúc rồi.
– Thằng khốn nạn!
Mẹ tôi gằn giọng căm hờn. Tôi không muốn mẹ ghét bỏ Vũ, nghe mẹ nói vậy bỗng cảm thấy khó chịu trong lòng nên liền nói:
– Tại con nói không cần anh ấy. Mẹ nghĩ xem, anh ấy không yêu con, lúc trước còn vì đứa con, giờ… chẳng vì điều gì thì nên giải thoát cho nhau. Mẹ đừng trách anh ấy mẹ ạ.
Mẹ tôi chẳng thể nói gì trước câu bao biện cho Vũ của tôi, chỉ thở dài một tiếng, đứng dậy nói:
– Mẹ không biết trước ngày cưới hai đứa thế nào nhưng đã có con với nhau thì chắc cũng không đơn giản. Nếu con đã nghĩ được như vậy thì đừng chìm đắm vào quá khứ nữa. Con cứ thế này người đau lòng không phải là người ngoài mà là ba mẹ con hiểu không?
Tôi vẫn biết là thế, tôi về ngôi nhà có ba mẹ tôi trong suy nghĩ đó, chỉ là… trước mắt tôi không làm thế được. Lý trí đâu phải là thứ có thể điều khiển được tất cả, nhất là khi tôi đang trong cơn sốc thế này? Tôi chỉ biết bặm môi trấn an mẹ:
– Vâng… con hiểu mà mẹ. Chẳng qua mắt con khóc nhiều nên hơi ngại ánh sáng, từ giờ con để đèn là được.
Mẹ ậm ừ không bàn chuyện này nữa, giục tôi:
– Vào nhà vệ sinh rửa mặt đi rồi xuống nhà, ba mẹ mang về nhiều quà lắm! Ăn uống tốt cho mau hồi người con ạ, gầy rộc cả đi rồi!
Tôi hít một hơi đứng lên theo mẹ. Lúc này tôi không chỉ sống cho bản thân mà còn cho những người yêu thương tôi. Tôi gầy mòn ốm yếu, thậm chí có chết đi thì con người vô tình bạc bẽo kia cũng chẳng lo lắng cho tôi đâu, chỉ có ba mẹ là đau xót vì tôi mà thôi.
Ba mẹ cùng anh trai tôi nghỉ ở nhà đến hết tuần, vừa để hồi người sau chuyến đi dài ngày gặp bão phải ở lại ngoài kế hoạch, vừa để chăm sóc vỗ về tôi. Ba người thường xuyên kéo tôi xuống phòng khách xem các tiểu phẩm hài, lại còn bày trò tú lơ khơ rủ tôi một chân.
Khi tôi bước vào phòng khách tối om, bất chợt có tiếng tuýt của kèn giấy, sau đó có tiếng vỗ tay vang lên. Đèn neon bật sáng choang, những khuôn mặt thân quen đội mũ giấy nhiều màu cùng lời bài hát Happy birthday vang lên. Tôi chợt giật mình. Hôm nay… là sinh nhật tôi.
Gượng cười nhìn ba người trong nhà cùng những người bạn thân thiết của tôi, có Trúc, Hà, Dung và… cả Hùng nữa, tôi bất ngờ quá, vừa xúc động lại vừa vui vẻ trong lòng. Tôi nghĩ ngợi nhiều quá đến sinh nhật của mình cũng không nhớ, tệ thật!
– Chúc mừng sinh nhật Đan Linh!
Chiếc bánh gato sinh nhật trên tay, Hùng nhẹ giọng, đôi mắt cậu ấy chứa nhiều nỗi niềm chiếu vào tôi. Tôi tránh ánh mắt cậu ấy, quay sang cái Trúc, nó cười toét miệng nói:
– Lâu lắm mới gặp mày, nghe mẹ mày gọi đến sinh nhật mày bọn tao bỏ hết việc đến với mày đấy nhá!