Lê Vân - Yêu Và Sống

Năm 1988, tôi vào Sài Gòn làm phim hợp tác với Thái Lan, phải nằm lại khách sạn Tao Đàn một thời gian để làm giấy tờ thủ tục đi quay tiếp ở Paris. Một mình ở lại Sài Gòn, tôi luôn ghi nhớ lời Người ấy dặn trước khi xa Hà Nội: “Sài Gòn nhiều cám dỗ lắm, nhiều cái dễ làm người ta sa ngã lắm. Em nhớ phải cẩn thận”. Tôi bảo anh mà cũng như là tự răn mình: “Anh yên tâm, chẳng có gì có thể quyến rũ nổi em đâu. Tự tôi cũng yên tâm về tôi chứ không đợi anh phải nhắc nhở. Đó là thời điểm anh đang làm thủ tục ly dị vợ.

Những năm đầu của thời kỳ đổi mới, Việt kiều về lại Việt Nam còn khó khăn, tâm lý còn nhiều e ngại. Họ chưa biết thái độ thật của chính quyền trong nước như thế nào đối với những người đã chạy theo Mỹ ra đi. Nhỡ khi trở về có điều gì bất an thì sao? Họ còn rất sợ hãi. Các hội Việt kiều tại nước ngoài lấy cớ tổ chức những tour du lịch. đưa kiều bào về Việt Nam thăm quan thắng cảnh. Thực chất họ chỉ ở lại khách sạn một hai ngày để che mắt, sau đó tỏa đi khắp nơi thăm người thân. Người đàn ông thứ hai của tôi là một trong số những người về nước đầu tiên và tổ chức đưa đón những tour như vậy.

Chàng là người Pháp lai, làm việc cho hội Việt kiều ở Canada. Chàng ra sức tuyên truyền cho những thay đổi có chiều hướng tích cực tại Việt Nam để khuyến khích Việt kiều về thăm quê. Thời gian này, bộ phim có tôi làm vai chính đang được chiếu rộng rãi trong nước và nước ngoài nên rất nhiều Việt kiều đã xem phim và dành nhiều cảm tình cho nhân vật Duyên, vợ liệt sĩ. Gia đình chàng cũng xem và rất ngưỡng mộ diễn viên nữ chính. Trước khi về nước, chàng còn kịp ba hoa với bạn bè: “Bằng mọi giá, tôi sẽ tìm cách gặp được cô diễn viên này cho mà coi”.

Về đến Sài Gòn, tình cờ đọc được bài phỏng vấn “cô Duyên” trên báo Tuổi Trẻ, chàng mừng quá. Nhìn tác giả bài báo, chàng nhận ra tên một bạn học cũ, anh Nghĩa, chồng nhà thiết kế thời trang Minh Hạnh. Chàng bèn vồ lấy anh nài nỉ: “Ông phải giúp tôi gặp bằng được cô này”.

Biết tôi là người dè dặt và giữ gìn, chồng phỏng vấn nhưng phải điệu vợ đi cùng tôi mới dám gặp, anh Nghĩa nói: “Cô này khó lắm, anh mà đứng ra mời thì không bao giờ cô ấy nhận lời. Thôi để tôi bảo Hạnh, cùng là phụ nữ, họ mời nhau dễ hơn”. Tôi nhận lời mời đi ăn tối với vợ chồng Hạnh Nghĩa, bởi sau cuộc phỏng vấn, chủng tôi coi như đã quen nhau và quan trọng hơn, tôi thấy họ rất đàng hoàng.

Đúng năm giờ chiều, tôi lò dò đi xuống, khựng bước: “Lạ nhỉ, cứ tưởng chỉ có hai vợ chồng, sao lại có một ông Tây lạ hoắc”. Cũng thấy hơi khó chịu, nhưng việc cũng không dừng được nữa rồi, đành bước tiếp. Ra đến cửa, họ đon đả: “Giới thiệu Vân đây là anh bạn Việt kiều, bạn chung của bọn mình, vừa từ nước ngoài về thăm quê, bọn mình cũng muốn mời anh đi ăn cơm một bữa nên mời chung luôn các bạn cùng đi”. Bữa cơm chẳng lưu lại một cảm xúc gì, chỉ thấy buồn cười, hóa ra “ông Tây” ấy lại là người Việt.

Ăn tối xong, tôi nhờ chị Hạnh chở đến nhà bà bác ruột ở đường Nguyễn Đình Chiểu. Tôi không hề biết rằng, đêm ấy, chàng Việt kiều đã lượn đi lượn lại mãi trước cửa nhà bác tôi hàng chục lần để chờ tôi ra nhưng không thấy.

Sau đó, chàng tìm cách tiếp cận tôi tại khách sạn. Dần dần trước lạ sau quen, ăn một bữa cơm là thành quen rồi. Mới đầu cũng căng thẳng vì tưởng là Tây, nhưng sau thấy dễ chịu hơn với cảm giác một “ông Tây” nói quá sõi tiếng Việt. Chàng tâm sự, chàng đưa bà con về thăm Việt Nam một vài tuần rồi lại đi.

Quan sát thấy cô diễn viên Hà Nội nghèo quá, sắp đi Pháp mà đồ đạc chẳng có gì, chàng bèn tặng tôi một cái túi du lịch ba tầng mua ở Chợ Lớn để mang đi. Chàng chân tình nói: “Anh muốn tặng em cái túi này em dùng đi Pháp, cuối tuần này anh cũng bay về Canada”. Mọi sự dừng lại ở đó với một khoảng cách như những người quen biết vậy thôi.

Về phía đoàn làm phim lúc bấy giờ, ông đạo diễn muốn tận dụng tôi để chèo kéo làm thân với một số đại gia chủ nhà hàng Ba tàu, khách sạn. Họ là những kẻ thừa tiền thích săn những cô gái nổi tiếng, đặc biệt là con gái Hà Nội.

Họ cho rằng gái Bắc đẹp hơn gái Nam. Ông đạo diễn đưa tôi cùng với ông Thế Anh đi tiệc tùng khắp nơi. Nay ăn ở Maxim, mai ăn cơm thố kiểu Tàu. Có ông chủ tiệm kính xịn mang đến tặng những cái kính mà chẳng bao giờ tôi nghĩ mình có thể mua được. Tôi đã rất ngây thơ nghĩ, chả lẽ cứ tặng chút quà như thế, mời đi ăn như thế là phải có ngầm ý gì? Ở đây, họ vui chơi tiệc tùng là chuyện bình thường, chuyện xã giao. Tôi trở nên quen dần, chấp nhận dần những cuộc ăn nhậu như thế, tất nhiên bao giờ cũng đi cả nhóm hoặc chí ít cũng đi cùng ông đạo diễn.

Sau những cuộc tiệc tùng, tôi luôn tỉnh táo nghĩ bụng, chẳng thể nào mình bị sa vào cái cạm bẫy của tiền bạc hay quà tặng rồi. Lúc ấy, tôi đã thật ngây thơ, chưa hình dung hết được là có những loại người có thể đi xa hơn thế. Trong số các đại gia chuyên mời đi ăn cơm thố, có một người Hồng Kông nói thạo tiếng Việt, sau này tôi mới biết, là người chuyên đi săn các cô gái nổi tiếng trong giới ca sĩ, diễn viên. Hóa ra, tôi được dùng như một cái mồi béo bở để câu những bữa tiệc không mất tiền.

Một đêm, sau bữa tiệc, họ đưa tôi về khách sạn bằng tắc-xi. Vừa bước ra khỏi xe, tôi bỗng thấy nhiều cục tiền rơi tóe xuống đất. Hóa ra, ông ta đã để tiền vào lòng mình từ lúc nào? Thật kinh khủng. Chắc họ nghĩ con gái miền Bắc nghèo, dễ sa ngã. Nhìn thấy những cục tiền rơi ra, tôi sợ hãi đến rụng rời. Trời ơi, chính là mình đang tiếp xúc đúng loại người anh đã dặn là phải tránh xa đây! Tôi bỏ chạy vào khách sạn. Hú hồn hú vía. Họ đấy, họ đang săn mình đấy? Mình bị bỏ bùa mê thuốc lú hay sao mà họ bỏ tiền vào lòng mình từ lúc nào không biết, lại cứ nghĩ chỉ là cái áo khoác vẫn để trên lòng.

Hôm sau, đoàn phim đi quay ở Vũng Tàu. Ông đạo diễn để lại lời nhắn cho tôi đại khái vì xe đông quá nên đoàn đi trước, buổi chiều ông Hồng Kông cũng có việc xuống Vũng Tàu, “Vân đi nhờ xe con của ông ấy cho đỡ khổ”. Bị bỏ lại, tức phát khóc mà không biết xoay xở thế nào. Tôi bị dồn vào đường cùng, buộc phải đi xe của “lão cơm thố” thì mới xuống Vũng Tàu được, chứ mình làm sao biết Vũng Tàu ở đâu? Đi đứng thế nào. Đành liều vậy.

Đang định bước lên xe của ông Hồng Kông thì chàng lãng tử xuất hiện như một người hùng. Vì là người trong Nam, chàng biết tỏng mấy cái mánh “săn người” ấy nên rất bất bình trước cách hành xử của ông đạo diễn. Làm như một người thân thiết của tôi, chàng “đuổi thẳng cẳng” ông Hồng Kông đi: “Không có chuyện cô ấy đi với các ông đâu, tôi sẽ đưa em tôi đi!”. Tôi như người chết đuối vớ được phao cứu sinh.

Mượn đâu đó được chiếc xe máy cà tàng, chàng tình nguyện chở tôi xuống Vũng Tàu. Lúc ấy Việt kiều đi lại phải có giấy tờ nhưng chàng ta vẫn cứ “liều mình như chẳng có”.

Suốt dọc đường đi, chàng tỏ ra là người hết sức đứng đắn, đàng hoàng. Đến nơi, chàng trả tôi về cho đoàn phim, mắng thẳng cánh mấy ông đoàn phim tội bỏ rơi tôi, rồi biến mất.

Sáng ra, lại thấy chàng xuất hiện ở trường quay. Ông Hồng Kông cũng lởn vởn ở đấy, nhưng tôi không thấy sợ nữa, dường như tôi đang có người bảo vệ. Ông đạo diễn rõ là cùng một guộc với “bọn săn người”. Nhờ có chàng, suốt mấy ngày ở Vũng Tàu, tôi không bị rơi vào tay bọn người kia.

Trở về Sài Gòn, mối quan hệ của chúng tôi trở nên thân tình hơn. Tôi không mảy may nghi ngờ lòng tốt của chàng. Đó cũng là thời gian Khanh theo đoàn kịch vào Sài Gòn biểu diễn, tôi rủ Khanh về ở cùng. Khanh lại còn nghĩ ra cách mua bếp điện lén nấu nướng trong khách sạn vì ăn thức ăn Sài Gòn không quen. Khi chàng người hùng xuất hiện, vì được sự tin cậy của tôi rồi nên Khanh cũng tin luôn. Chàng hay rủ chúng tôi đi ăn sáng. Chàng mới thông thạo Sài Gòn làm sao! Như một con chuột. Ngóc ngách nào cũng biết.

Đúng là một gã lãng tử giang hồ. Chẳng may đi vào đường ngược chiều, chàng liền rẽ ngay vào một cái ngách, loanh quanh một tí lại ra ngay cái phố cần đến. Hai chị em ngồi đằng sau, nhìn thấy công an là sợ rúm, nhưng chàng thản nhiên: “Cùng lắm là bị bắt chứ gì, cứ yên trí để anh lo”. Hoàn cảnh nào chàng cũng xoay sở được, cũng vui vẻ sống được.

Phong cách hết sức dân dã, phóng khoáng, chàng dẫn hai chị em đến những chỗ ăn cực ngon mà lại cực rẻ, vốn là những quán ăn vỉa hè nổi tiếng của Sài Gòn trước giải phóng. Hai chị em khoái chí lắm, bỗng nhiên có một ông anh từ trên trời rơi xuống, lo lắng chiều chuộng đủ thứ.

Thời đó, Việt kiều về nước là lộ ra ngay vì lối ăn vận khác thường, son phấn lòe loẹt. Cứ như thể họ muốn cho bàn dân thiên hạ thấy, ta bỏ cái nước này ra đi, khi về ta phải hơn các người, giàu sang hơn, phú quí hơn. Đó là lý do tại sao cứ nhìn thấy Việt kiều là biết ngay. Họ thường xuyên tụ tập ở các nhà hàng, vũ trường, tô mặt nom rất dữ. Chàng lại khác hẳn, với cách ăn vận phủi phủi, bụi đời, chẳng ai biết chàng là Việt kiều. Cứ quần ka ki và áo sơ mi rộng, nom chàng đẹp một cách rất đàn ông, rất ngang tàng bất cần, chẳng sợ gì ai cả. Khi đã khá thân thiết, chàng cởi mở: “Cả đời anh chẳng bao giờ giữ được tiền trong người. Có đồng nào là vung vẩy bạn bè hết. Dịp Tết mà có tiền dắt trẻ con đi mua quà mỗi đứa khoảng 100 đô thì chúng nó cứ trố mắt ra ngạc nhiên”.

Hàng ngày, ba anh em hết hẹn nhau ăn sáng lại hò nhau ăn tối. Đang ham vui và xông xênh như thế, đùng một cái, chàng tuyên bố đến ngày phải về nước. Sát giờ bay, chàng mới giở vé ra, quơ vội đồ vào túi, kêu lên: “Chết rồi, chỉ còn hơn tiếng nữa là máy bay bay rồi”. Thay vì phải có mặt ở sân bay trước hai tiếng để làm thủ tục, chàng vẫn còn ở nhà. Theo kiểu dân chơi, chẳng có qui củ ngăn nắp gì, chàng vơ quàng vài cái quần áo nhét vào túi. Và tất cả bầu đoàn thê tử mới vội vội vàng vàng kéo nhau ra sân bay đưa tiễn. Đến sân bay, chàng còn kịp dúi tiền vào tay một người anh em họ hàng gì đấy bảo mời mọi người đi ăn trưa cho khỏi đói, rồi biến vào bên trong.

Trong bữa ăn, tôi cứ cảm thấy thiêu thiếu một cái gì. Cầm đôi đũa lên định và miếng cơm, chợt nghẹn ngào không thể nào ăn được. Thôi chết rồi, sao lại không thể kiềm chế nổi cái tình cảm lạ lùng này. Hẫng hụt như là bị bỏ lại. Như là bị bơ vơ. Đông đúc thế mà sao trống trải thế? Tôi đành buông bát đũa, xin lỗi mọi người ra ngoài. Và cứ thế úp mặt vào tường con hẻm nhỏ khóc như mưa như gió, như thể vừa đánh mất một vật gì quí giá. Có lẽ, tình cảm thân thiết đã ăn sâu vào mình từ lúc nào! Đang gần gũi vui vẻ thế nay lại phải chia ly xa cách. Gặp gỡ để làm gì, thân thiết để làm gì, bỗng nhiên lại biến mất? Người ta đã đi rồi chẳng bao giờ gặp lại nữa! Sài Gòn bỗng trở nên hoang vắng. Không có ai tin cậy đưa đi chơi trong cái thành phố xa lạ này. Một nỗi lo sợ mơ hồ len lỏi dâng lên… Thế là cứ khóc nức nở, ai dỗ cũng không được. Có lẽ cái bản tính tôi như thế, cứ tự mình lãng mạn hóa tình cảm của mình, bởi lúc đó, giữa chúng tôi chưa có gì sâu sắc.

Tôi được mọi người đưa về khách sạn. Vừa về đến nơi, chưa kịp định thần, đã thấy chàng lãng tử xuất hiện, miệng cười tươi rói. Chàng hớn hở kêu lên: “May quá, anh bị lỡ máy bay rồi. Máy bay của anh nó bay mất rồi!”. Không một chút lo lắng buồn rầu. Có lẽ chàng là hành khách duy nhất “bị” lỡ chuyến bay mà lại hớn hở như vậy. Thế là lại tiếp tục những ngày ba anh em díu vào với nhau, vào chỗ nào ăn cũng gọi “một chai ba ly”, rất oách. Chúng tôi đùa rỡn gọi nhau là “ba anh em trên một chiếc xe tăng”. Khanh khoe với mọi người: “Chị Vân mới chơi với một anh hay lắm, tính tình rất phóng khoáng, dễ chịu”.

Ngày chàng bay về nhà ở Canada, tôi vẫn nằm lại Sài Gòn. Khi đi, chàng “gửi gắm” hai chị em cho một người bạn lớn tuổi nhờ “trông nom hộ hai cô em Hà Nội, hai cô ấy lành lắm chẳng biết gì đâu”. Về nước, ngày nào chàng cũng điện thoại sang. Có ngày chàng gọi về hai lần, lần nào cũng con cà con kê hàng tiếng đồng hồ, ông bạn phải xót ruột nhắc nhẹ “Gọi điện đường dài là tốn tiền lắm đấy”. Nhưng chàng vẫn cứ gọi vì sợ tôi buồn.

Tôi đi Pháp đúng vào dịp Noel Tết tây năm ấy. Ở Pháp, chúng tôi vẫn giữ liên lạc với nhau, tôi chỉ cần điện cho chàng nhắn số điện thoại khách sạn là chàng gọi sang. Khi ở Paris, có người bạn Việt kiều từ Tây Đức qua chơi, anh rủ nhóm làm phim sang Đức chơi rồi ở lại ăn Tết. Người bạn đó có ngầm ý bao che nếu chúng tôi muốn trốn ở lại. Ông đạo diễn xuôi ngay, cố rủ rê khuyến khích tôi. Dứt khoát không nghe, tôi đòi đặt vé về Việt Nam dù đã là Ba mươi Tết.

Về đến Việt Nam, tôi đã thấy chàng đón tại sân bay Tân Sơn Nhất, mừng ơi là mừng. Sung sướng đến sững sờ.

Không thể tin được là người ta vẫn cứ quay đi quay lại vì mình. Bởi tấm chân tình của chàng, tình cảm trong tôi xoay chuyển lúc nào không biết. Đến lúc ấy, chàng đã trở thành một người quá đỗi thân thiết, một cái gì tưởng mất nay lại tìm thấy, tưởng không bao giờ gặp nữa nay gặp lại. Và giữa chúng tôi, bắt đầu nhen nhóm một thứ tình cảm sâu sắc hơn.

Trở lại Sài Gòn đúng năm mới, vì vướng vào chuyện tình cảm với chàng nên tôi im bặt, không tin gì cho gia đình biết tôi đã trở về. Tôi linh cảm thấy mình đang bị hút vào một tình cảm mới, nó cứ len lỏi dần vào tâm hồn mình mà không sao xua đuổi đi được. Nhiều khi cứ tự dối mình, không dám nhìn thẳng vàọ xem nó là cái gì. Tôi thấy rõ, người ta đang tìm cách lại gần mình đây, mình cũng bị hút vào cái trò chơi đó, nhưng lý trí thì vẫn cố bảo rằng đó chỉ là tình cảm anh em bạn bè. Thời gian này, tôi giấu biệt người chồng sắp cưới của mình về sự xuất hiện của chàng. Sau cái Tết đầu tiên ở Sài Gòn với chàng, coi như tôi đã lạc vào một cuộc tình mới…

Gọi là “lạc vào” bởi đôi khi, dù trong trạng thái trên mây trên gió rồi; tôi vẫn cố ngoảnh lại tự đấu tranh với bản thân mình. Tôi đành thú thật: “Em nói thật với anh, ở Hà Nội, em có một mối tình mười năm nay rồi”. Nói với chàng điều này, tôi hi vọng chàng hiểu và giữ gìn cho tôi tránh khỏi vòng tội lỗi. “Anh ạ, người ấy đang làm thủ tục li dị vợ. Em cầu xin anh hãy giúp em. Chúng em đã vượt qua bao khổ tủi, chỉ chờ em về là cưới”. Van xin chàng như thế, tôi mong chàng dùng nghị lực của mình để cứu thoát tôi khỏi vòng sa ngã với chàng.

Ôi, tôi đã thật ngây thơ, tôi đã thật ngu ngốc! Trên đời này, có người đàn ông nào lại cao thượng hoặc giả vờ cao thượng đến mức để tuột khỏi tay một thứ mà người ta theo đuổi mãi và sắp đạt được? Chàng quá hiểu tôi mềm yếu thế nào và cũng có cảm tình đặc biệt nào đó với chàng rồi. Bây giờ nghĩ lại, tôi vẫn chẳng thể nào nghĩ rằng chàng đã cố tình dùng thủ đoạn để chinh phục tôi. Nhưng rõ ràng là cơ hội của chàng đã gần kề. Tôi thì cứ mềm yếu như một con cua lột. Khi cái vỏ của con cua chưa cứng lại thì nó yếu ớt ra làm sao! Tôi cũng vậy, tôi chẳng có phương thuốc nào để chống đỡ cả.

Dù biết khó xa rời con người này quá, đã cảm thấy thân thiết mất rồi, nhưng tôi vẫn còn chút lý trí để bảo mình rằng, mình đang làm một điều không phải, mình không nên, không thể làm cái điều này. Mình có cả một bến bờ yêu thương ở Hà Nội đang từng ngày, từng giờ khắc khoải chờ mình về, mình thừa biết điều đó cơ mà! Nhưng trong cái ranh giới này, lấy được thăng bằng là rất yếu ớt. Đây chính là lúc người đàn ông dễ có được người đàn bà họ muốn. Thực ra, chàng chỉ khơi khơi ham vui thế thôi, chứ không phải là kẻ rắp tâm. Chắc chắn rằng, từ sâu thẳm tim đen, chẳng bao giờ chàng dám nghĩ đến chuyện được tôi yêu. Nhưng khi cơ hội đến tầm tay, đời nào chàng lại bỏ qua? Và tôi chính thức sa ngã.

Ngần ấy yếu tố dẫn dắt khiến tôi tàn nhẫn dứt tình với người đàn ông mười năm trong bóng tối để đến với chàng. Hai người đàn ông này đều yêu tôi hết lòng và tôi cũng đã hết lòng đáp lại. Không thể nói được tôi đến với người này vì người này yêu tôi hơn người kia, hay vì tôi yêu người này hơn người kia. Tình yêu là thứ vô hình, là xúc cảm lãng mạn, không thể đem đong đếm được. Phải thừa nhận, do người ta có lòng tốt, đến với mình bằng tình cảm chân thật, làm mình cảm động rồi dẫn tới tình yêu. Nhưng quan trọng hơn vẫn là sự mới mẻ, lãng mạn trong tình cảm ban đầu mà chàng đem lại cho tôi. Sự hấp dẫn không thể cưỡng lại được của tình yêu chính là bởi trong một thời điểm nào đấy, khi ta có một tình yêu mới, tình yêu ấy đem lại cho ta một cảm giác hoàn toàn mới mẻ…

Yêu chàng, tôi như người bị sốc ánh sáng, như người đang bị cầm tù nơi bóng tối lưu cữu tù đọng, phải khắc khổ, giữ gìn trong vòng kiểm tỏa nay được sổ lồng tung cánh bay vào một thế giới tự do công khai. Tôi bị choáng ngợp, không giữ gìn gì nữa. Từ chỗ không được bộc lộ mình, phải giấu kín con tim mình trong một cái rào cản của xã hội, (ở miền Bắc lúc đó, yêu một người đã có gia đình là mắc trọng tội), nay tôi có thể cùng chàng đi giữa thanh thiên bạnh nhật. Sài Gòn là một thế giới rộng lớn, không ai biết tôi là ai. Không ai thèm để ý đến chuyện riêng tư của tôi, cũng chẳng có ai dò xét, dèm pha hay bình phẩm. Sự thay đổi của ngoại cảnh này tác động sâu sắc, mạnh mẽ vào tâm thức tôi lúc đó. Lâu nay, tôi chỉ thấy vẻ đẹp quyến rũ huyền bí của bóng tối âm thầm đồng lõa, nay chợt nhận ra ánh sáng mặt trời mới thực là đẹp, đó là vẻ đẹp của sự sống, của tính minh bạch và trên hết là vẻ đẹp của đôi cánh tự do…

Tỉnh mộng, chàng về Canada với gia đình, tôi về Hà Nội thú tội, giữa chúng tôi là những cuộc điện thoại đường dài. Suốt một thời gian khá dài, tôi bị giằng xé giữa hai người đàn ông. Một ở gần, một ở xa. Nếu quyết định sống với người ở gần, nghĩa là không bao giờ có thể gặp lại người ở xa nữa. Chỉ mới nghĩ như vậy thôi, cái tiếng gọi từ nơi xa xôi kia bỗng trở nên mãnh liệt hơn. Và tôi đã hoàn toàn cho rằng trái tim mình bị cuốn hút về phía ấy nhiều hơn. Biết là tội lỗi, biết là độc ác với người chồng sắp cưới, nhưng tôi cứ nhắm mắt lao đi, không quay lại được nữa.

Nếu làm một việc rất xúc phạm là đặt lên đĩa cân để so sánh thì thấy, tôi chẳng có lý do gì để chạy theo người đàn ông thứ hai này. Chàng không phải là người có tri thức và tinh tế mà là người sống phóng khoáng, văng mạng. Một số bạn bè ngỡ tôi bị hút hồn bởi sự mạnh mẽ hoang dã rất nam tính của chàng. Không phải! Có người lại cho rằng, bởi chàng là Việt kiều giàu có. Lại càng không đúng. Ngay khi mới quen với chàng, tôi biết mọi người thế nào cũng đặt nhiều câu hỏi về cái “mác” Việt kiều của anh, tôi hết sức tránh đi cùng anh đến những chỗ đông người.

Không chỉ ngại dư luận mình chạy theo Việt kiều, thậm chí tôi còn cảm thấy ngượng và xấu hổ nữa. Tôi biết là dân Hà Nội sẽ chụp cho tôi cái mũ ấy. Trong thâm tâm thấy xấu hổ mà không hiếu tại sao lại xấu hổ. Nhưng đã trót yêu rồi, không lẽ vì ngại dư luận mà phải từ bỏ tình yêu của mình hay sao! Thậm chí tôi còn nghe đâu đó rằng: “Lũ con trai chúng mày chết hết cả rồi hay sao mà để con Vân nó đi lấy một cái thằng Việt kiều vô danh tiểu tốt?”. Mẹ tôi còn nặng lời hơn: “Bao nhiêu thằng trí thức, học thức yêu thì lắc đầu nguầy nguậy, đi đâm đầu vào cái thằng bụi đời”. Đối với dân Bắc, “Việt kiều” chẳng là gì. Thời đó, cái “mác Việt kiều” là một cái gì đó rất có giá với dân Nam. Muốn chinh phục được dân Bắc thì phải có trí tuệ, bằng cấp, địa vị xã hội. Câu nói của ai đó vô tình khía vào nỗi đau của cả một lớp kẻ sĩ miền Bắc, mà người tình đầu của tôi là một thí dụ. Anh đã biết thế nào là nhục vì không kiếm nổi tiền nuôi vợ nuôi con. Mặc dù anh là trí thức, được ăn học đàng hoàng. Nhưng cái đồng lương trả cho “thằng” trí thức rẻ mạt quá, nuôi cái thân còn không xong, thành ra hèn lúc nào không biết!

Sau này, bước quyết định khiến tôi ngả hẳn về người tình thứ hai xuất phát từ một lý do thẳm sâu chỉ mình tôi hiểu. Một lần nữa, tôi lại yêu một người đàn ông đã có vợ con gia đình đầm ấm. Có điều, vợ con chàng ở mãi một phương trời khác những cảnh tan cửa nát nhà không hiện diện trước mắt tôi.

Và khi không nhìn thấy nỗi đau của người ta thì tôi cũng đỡ bị giày vò hơn. Còn với mối tình đầu, tôi luôn thấy sự hiện diện của những con người vô tội ngay bên cạnh mình, luôn mang cái gánh nặng của tội lỗi. Mặc dù, vào thời điểm đó Người ấy đã được tự do và luôn mở rộng cánh cửa đón tôi về…

***

Vâng, Người ấy vẫn hi vọng một ngày nào đó tôi sẽ quay về. Anh không cố níu giữ tôi, anh tin sớm muộn tôi sẽ nhận ra tình yêu với anh mới là tình yêu máu thịt, tình yêu với chàng lãng tử chỉ là sự bồng bột chốc lát mà thôi.

Thỉnh thoảng, nhân dịp nào đó vì công việc, chàng Việt kiều mới về lại Việt Nam. Chúng tôi gặp nhau ở Hà Nội chứ không phải ở Sài Gòn nữa. Và tôi có một quan niệm, hãy thử sống với nhau đi, hiểu nhau, giữ được sự tử tế với nhau mới quan trọng, tờ giấy đăng ký kết hôn chẳng nói lên gì nhiều, chẳng thể giữ nhau lâu dài. Tôi không yêu cầu chàng bỏ vợ. Tôi muốn tạo ra một hướng mở như thế cho cả hai…

Thời gian đầu, mỗi lần ra Hà Nội, chàng phải về Phan Đình Phùng ở. Chả nhẽ lại ra khách sạn ở, mà đâu đã công khai được vì tôi chưa phải vợ người ta. Thời đó, mọi người sợ công an lắm. Sống với gia đình tôi, chàng chứng kiến năm con người sống trong một cái phòng hai tư mét vuông, tôi và Khanh sống trên gác xép, đứng lên một cái là cụng đầu, nhà có khách là mọi người phải rút hết lên gác xép, hoặc chạy sang nhà hàng xóm. Hàng ngày, chúng tôi phải xếp hàng để tắm, xếp hàng hứng nước, xếp hàng đi vệ sinh. Rồi những tiếng cãi cọ chửi bới từ mỗi gia đình vọng ra tất cả đều phải nghe. Những mâu thuẫn riêng tư của từng cá nhân cũng trở thành những tin tức nóng hổi cho cả cộng đồng dân cư dò đoán bàn tán. Sự đụng chạm, va chạm căng thẳng từng giây từng phút khiến con người ta trở nên nhỏ nhen, ích kỷ và tàn nhẫn. Chàng kêu lên: “Trời ơi, sao nghệ sĩ Miền Bắc khổ thế!”. Chàng bảo: “Xin lỗi em, anh không thể đi cầu được. Vì nhà cầu không có cửa, mà bao nhiêu người xếp hàng”. Suốt ngày diễn ra cái cảnh bi hài, nghe tiếng người bên ngoài lẹt quẹt dép thì người bên trong dặng hắng e hèm đánh tiếng có người. Chàng phải đi vệ sinh công cộng rồi trả tiền.

Một lần, chàng mời cả nhà tôi đi chơi Quán gió công viên Thống Nhất. Ở đây có bán cà phê loãng và nước sen dừa, những đồ uống khá xa xỉ so với món chè đỗ đen giải khát duy nhất thời đó. Lần đầu tiên ra Quán gió, được hưởng gió hồ mùa hè mát như quạt hầu, mẹ tôi thốt lên: “Trời ơi, cả đời tôi chỉ ước ao có một nơi nào đó để được hưởng cái không khí trong lành yên tĩnh như thế này”. Câu nói bâng quơ của bà lọt vào tai chàng, chàng ghi nhớ với tình cảm thương xót chân tình. Vì thế, chàng mới động lòng trắc ẩn bảo: “Mỗi lần đưa khách về Việt Nam du lịch thăm thân, để dành được một ít tiền, chúng mình tiết kiệm chứ không tiêu vung đi nữa. Em ở đây thử xem có nơi nào có thể tạm ở được thì mua, ít tiền thôi nhưng phải được riêng biệt”.

Từ đó, chàng có ý thức gửi tiền nhờ tôi giữ hộ, cho đến lúc vừa xoẳn mua được miếng đất của một gia đình đông con. Họ buộc phải bán đi để chia năm xẻ bảy. Vì chẳng ai trông nom nên nó tối thui những cây với muỗi. Miếng đất nằm ở một vị trí sâu hút, đã rẽ vào ngõ, lại quặt vào ngách, rồi lại quẹo nữa không biết gọi là gì. Nhưng nhà mình thì sướng quá, ban đầu chỉ có cái nhà cấp bốn dột nát, nhưng nó là của riêng mình. Chàng bảo, cố gắng thiết kế thật đơn giản, một tầng thôi. Rồi xây một cái toilet chung cho cả nhà. Nghĩ bụng, sáu ba người một cái còn được cơ mà. Đây lại còn có cả lavabo bằng sứ trắng để đứng đánh răng rửa mặt thì đúng là thiên đường. Chàng cũng xác định là xây với một chi phí thấp tối đa vì làm gì có tiền mà xây. Làm sao cho mỗi người có một khoảnh không gian nhỏ nhưng riêng biệt. Bếp thì dùng chung. Vì tất cả là chung một nhà, y như ở Phan Đình Phùng.

Chàng nói ý định đó, hoàn toàn xuất phát từ tình cảm, mong làm được một cái gì đó cho gia đình người chàng yêu thương đỡ khổ, chứ không phải có nhiều tiền để mà vung vẩy. Ai ngờ đâu, bạn tôi, một kiến trúc sư tài hoa mang nhiều chất nghệ sĩ, anh Đoàn, giảng viên trường đại học xây dựng, lại vẽ tặng cho một cái nhà không đơn giản chút nào. Anh bảo, lần dầu tiên vẽ nhà cho nghệ sĩ, anh muốn thiết kế một cái nhà không giống ai. Một ngôi nhà không to nhưng ấm cúng và có nét riêng. Người thiết kế bao giờ cũng muốn thực hiện được trọn vẹn ý tưởng, không lẽ mình lại nói, tôi không đủ tiền đâu, cần phải cắt chỗ này chỗ kia đi à? Tôi đành chấp nhận: “Thôi được, em sẽ cố gắng theo thiết kế của anh, nhưng cũng phải làm dần dần thôi”. Xây nhà, tôi không xin nghỉ ngày nào, ban ngày vào đoàn làm việc, chiều về vác xi măng, xếp gạch. Trông nom thợ, chỉ huy thợ, một tay tôi làm cả.

Trong lúc tôi tất bật như thế, cả gia đình trên Phan Đình Phùng hầu như chẳng ai dòm ngó hỏi han. Thế rồi, xây nhà nó cứ đẻ ra cái này cái kia. Hết tiền, chẳng biết làm thế nào, đúng lúc chàng điện thoại sang, tôi tủi thân òa khóc nức nở. Chàng động viên: “Cố gắng đi vay rồi anh sẽ gửi về sau”.

Thế là, vì muốn tôi theo đến cùng bản thiết kế, chính anh kiến trúc sư lại lén giấu vợ cho tôi vay năm trăm đô la. Không hiểu sao chị vợ vẫn biết. Có lẽ nhờ cái bản năng tự vệ của đàn bà, sợ chồng mình mang tiền cho cô nghệ sĩ dùng, chị đánh tiếng đòi lại. Tôi lo lắng chạy vạy long tóc gáy lên, rồi nhà cũng xây xong.

Khi dọn về, nhà rỗng không, chưa giường, chưa tủ, chưa bàn ghế. Nhưng so với cái gác xép làm phòng ngủ của tôi và Khanh, cái gác xép cao một mét mà lỡ quên đứng dậy thì “ăn” một cái cộc trời giáng đau nổ đom đóm mắt; so với cái bếp năm mét vuông cơi thành nhà của mẹ, so với cái giường kê ngay phòng khách của bố… nó là một toà lâu đài. Cả nhà phấn khởi lắm, tất cả đều cảm nhận được đây đúng là một món quà xuất phát từ tình cảm thương yêu, từ sự chia sẻ…

Từ chỗ chứng kiến gia đình người yêu mình, một gia đình nghệ sĩ nổi tiếng mà sống nghèo sống khổ thế, chàng lãng tử đã tìm cách giúp đỡ. Chàng chẳng bao giờ khoe khoang ai về chuyện này. Và tôi đón nhận nó cũng rất tự nhiên chứ không nghĩ là phải suốt đời hàm ơn. Yêu nhau thì làm cho nhau đỡ khổ, chia sẻ với nhau trong cuộc sống chẳng phải là một lẽ tự nhiên nên làm sao? Tôi chỉ nghĩ rất giản dị như thế. Tôi và chàng cũng có một khoảnh riêng trong căn nhà chung đó.

***

Có rất nhiều lý do để sau một thời gian dài sống chung với nhau, chúng tôi mới đi đến quyết định làm đăng ký kết hôn. Thứ nhất, chàng đã trao cho tôi một tình yêu tuyệt đối chân thành, tin tưởng tôi hoàn toàn cả về kinh tế lẫn tình cảm. Thứ hai, chàng muốn trở về Việt Nam sống nốt quãng đời còn lại. Thứ ba, quan trọng hơn cả, vì là Việt kiều nên chàng cần phải có mối quan hệ chính thức với tôi để được hợp pháp sống tại Việt Nam.

Vì chàng là Việt kiều, lại đã có gia đình nên trong suốt quá trình chúng tôi sống với nhau, công an liên tục rà soát hỏi thăm giấy tờ. Có thời gian, tôi đã phải sống trong trạng thái rất hồi hộp, chàng vừa có công chuyện bay vào Sài Gòn thì lập tức công an ập đến nhà. Ba bốn ông cảnh sát ùa vào nhìn ngó. Tôi bảo: “Anh ấy vừa bay rồi”. Hình như họ nghĩ chàng là một con cáo già, hay tin gì đó nên đã tẩu thoát ngay, họ lập tức thông tin vào Sài Gòn “đón lõng”. Hóa ra, chàng đã bị công an nghi ngờ suốt một thời gian dài mà không biết. Lý do vì sao? Trước giải phóng, chàng quen biết nhiều người cả bên ta lẫn bên địch. Bởi chàng từng làm việc cho một tổ chức từ thiện, nên với danh nghĩa một tổ chức Quốc tế, một số biệt động nội thành có thể vào nhà chàng lánh nạn. Nhưng chàng lại cũng có thời gian đi lính bên kia, nên bây giờ, về nước với danh nghĩa Việt kiều yêu nước, nhưng chẳng ai biết “ông ấy” thuộc loại người gì, ở chiến tuyến nào, Iàm việc cho ai? Trước giải phóng, anh ta biến mất, nay lại lù lù xuất hiện. Lại có người nhìn thấy anh ta nói chuyện với một nhà báo Mỹ ở Sài Gòn. Có lẽ họ tình cờ gặp nhau thế thôi, nhưng với những người có trọng trách, đó là những dấu hiệu không bình thường.

Bị “đón lõng” trong Sài Gòn, chàng được đưa thẳng từ sân bay về đồn cảnh sát, lúc đó ai mà biết liệu có được trở về sau cuộc phỏng vấn ấy không? Còn tôi, tôi cũng không thể nào thanh minh được rằng tôi tin chàng là người tốt. Đời nào người ta tin mình. Họ hỏi: “Anh ta là thế nào với chị. Anh ta có vợ bên kia rồi. Thân nhân anh ta khai là ở Quảng Nam cơ. Hai người chưa phải là gì của nhau cả. Vậy thì cái sự khai thăm thân ở đây là bất hợp pháp!”. Họ lấy cớ đó để bắt bẻ nhiều chuyện, làm tôi đau đầu, tinh thần bất ổn. Còn chàng, lúc nào cũng như ở trong tình trạng hết sức hiểm nghèo. Cũng có khai báo tạm trú nhưng người ta bảo có phải vợ chồng đâu mà được thăm thân, được tạm trú. Có lần xin visa, sát nút rồi vẫn không được, chàng buộc phải ra khỏi Việt Nam, sang nằm chờ bên Thailand vài ngày. Ai ngờ đâu, sau một tháng, người ta vẫn chưa cấp visa. Tiền mang đi đã tiêu hết, không có tiền để về Canada mà cũng không có tiền để ở lại. May quá, tôi nhớ đến một người quen trong sứ quán bên đó, gọi điện sang mượn tiền. Chàng đến sứ quán lấy tiền tiêu cho qua ngày và chờ đợi.

Không thể sống mãi trong tâm trạng bất an như thế, tôi đành bảo chàng: “Anh ạ, em không có lòng nào bảo anh phải bỏ vợ con, nhưng vì để an toàn cho anh, có lẽ chúng mình phải hợp thức hóa mối quan hệ này”. Chàng trả lời: “Anh đã làm cái việc ấy rồi”. Nghĩa là, anh đã làm thủ tục ly hôn với vợ bên Canada” Hành động của chàng làm tôi rất cảm động. Quá gắn bó với tôi, anh muốn mọi sự được chính danh được rõ ràng.

Ngay khi có quan hệ tình cảm với tôi, anh đã nói chuyện thẳng thắn với vợ, rằng anh không thể sống với chị ấy được nữa. Vợ anh, nghe nói là người theo đạo Thiên chúa, là một người đàn bà hiểu biết, hiền lành, lịch lãm. Ba đứa con anh đều ngoan ngoãn bảo ban nhau học hành giỏi giang, đều đã sang Việt Nam chơi. Khi nghe chàng thổ lộ muốn về Việt Nam sống nốt tuổi già, vì sống ở nước ngoài không hợp, chị đã không hề hỏi tại sao anh bỏ em, mà sẵn sàng ký giấy ly dị, để anh về Việt Nam.

Nói đến hành động này của chàng lãng tử Sài Gòn, tôi lại nhớ về Người ấy, một kẻ sĩ Bắc Hà, một nghệ sĩ hàn lâm, người tình đầu máu thịt của tôi. Tại sao gọi đó là mối tình thiêu rụi tuổi trẻ của tôi? Vì mười năm trời đằng đẵng trôi đi, người ấy không quyết định nổi một điều chọn lựa. Cứ đằng đẵng, tràn đầy những ăn năn hối hận, cứ ngột ngạt những day dứt nhớ thương, cứ quặn thắt những lo lắng giày vò. Tôi chẳng thể trách anh tại sao không bỏ vợ con để lấy tôi, nhưng lại suy ra một điều khác, người ta quá nặng lòng với gia đình.

Trong khi đó, chàng lãng tử của tôi, không cần tôi phải một lời thúc giục bóng gió xa xôi, chàng lẳng lặng cắt đứt mối quan hệ chính thức với vợ con. Tấm lòng chân thành của chàng tôi phải ghi nhận. Tôi cũng hiểu quyết định cắt đứt họ như thế không phải vì chàng ác với vợ con, mà còn vì, đời sống của chàng ở nước ngoài thực ra cũng không hạnh phúc gì. Chàng không khổ về vật chất, nhưng khổ về tinh thần. Nhà chàng có năm người thì bốn người thuộc về xã hội bên kia rồi. Vợ con chàng đều nói tiếng Tây, đi học trường Tây, hoà nhập với xã hội Tây… của người ta, thời gian họ dành cho chàng, tâm sự với chàng, đùa vui với chàng là rất hiếm, nên dù muốn hay không, chàng vẫn bị lạc lõng. Nhà có một tầng hầm, suốt ngày chàng làm việc, sống âm u trong đó. Cuộc sống của chàng rất cô đơn. Và chàng đã quyết định chia tay vợ để trở về sống ở Việt Nam.

Về Việt Nam, sống với tôi, chàng có một cuộc sống khác hẳn. Ở chàng, cái đáng quí nhất là niềm tin đặt vào tôi một cách vô điều kiện. Về kinh tế, kiếm được chút tiền bạc nào là lại đưa hết cho vợ. Khi anh muốn về Việt Nam, anh cứ việc tay trắng mà ra đi. Về Việt Nam, dần dần hai vợ chồng mới làm nên. Anh vẫn thường nói, từ ngày có em, anh lại có nhà có cửa. Về tình cảm, chàng đã lặng lẽ hi sinh gia đình có những đứa con tuyệt vời và một người vợ giỏi giang. Ngày xưa, anh chị gặp nhau ở Sài Gòn, lấy nhau, sinh Phú Sơn, con trai đầu lòng ở Việt Nam. Trước khi chiến tranh kết thúc, anh theo vợ con về Canada. Khi Việt Nam cho phép Việt kiều về nước, anh nộp đơn xin về thăm quê ngay. Không phải vì gia đình trục trặc mà chàng phải đi tìm hạnh phúc mới.

Cũng giống như Người ấy, chàng đã tình nguyện hi sinh gia đình vợ con để chứng tỏ tình yêu với tôi! Chàng làm giấy ly hôn trước cả khi hỏi rằng tôi có đồng ý lấy chàng hay không? Điều đó làm tôi thực sự cảm động. Và chúng tôi dẫn nhau ra Sở tư pháp để đăng ký kết hôn. Lúc nào tôi cũng nói, giấy tờ chỉ là hình thức, chẳng thể nào giữ được tình yêu, nên tôi chẳng hề coi việc ký tên vào tờ giấy kết hôn là việc nghiêm túc. Thậm chí, cũng giống lần đi đăng ký trước, tôi coi đó như là chuyện đùa.

Hôm đó, có khoảng ba, bốn đôi cũng lấy người nước ngoài đến nhận giấy đăng ký. Chàng lãng tử của tôi ăn mặc bình thường. Tôi cũng thế, chỉ mặc một cái váy đũi rất giản dị. Ai ngờ đâu, ở Sở tư pháp, họ bày bánh kẹo thuốc lá như một buổi lễ quan trọng. Lúc họ gọi từng đôi lên, trao giấy, hỏi lần cuối: “Anh chị có tình nguyện lấy nhau hay không?”, tôi còn kịp ghé vào tai chàng, nói đùa: “Chả nhẽ em lại nói, tại vì các ông công an nên tôi mới phải làm cái giấy này”.

***

Tôi bàn với chàng, bên cạnh việc tranh thủ tận dụng tuổi trẻ làm nghệ thuật, chúng tôi phải củng cố kinh tế gia đình, để đến khi sự nghiệp nghệ thuật chững lại, là đến thời gian dành cho con cái. Chàng cũng thấy thế là hợp lý. Chúng tôi đi thế chấp cái nhà Thụy Khuê, vay tiền mua một mảnh đất, xây nhà. Chưa xây xong, họ đã đổ xô đến đòi thuê. Mình lại “yêu sách” họ chồng tiền một năm và mình dùng tiền ấy mua trang thiết bị nội thất. Thời đó, nhìn chung cũng ít người có nhà cho thuê nên còn làm ăn được.

Sau khi chính thức kết hôn, mọi việc dần đi vào ổn định Được gia hạn visa lâu dài, bớt cảnh bồng bềnh hồi hộp đi đi về về, cuộc sống bớt phần lãng mạn sương khói. Và một cuộc sống thật trần trụi lộ ra: Sống với chàng, tất cả mọi việc từ A đến Z, từ xây sửa nhà cửa, vay mượn tiền nong, đụng độ với thực tế xã hội, với công an, phòng thuế, cộng với bao nhiêu là rối ren, khó khăn của thủ tục hành chính… tôi đều phải dùng đến “cái mặt mình” để giao dịch. Vì đi đến đâu người ta cũng nhận ra tôi, lập tức tôi có được sự đồng cảm và giúp đỡ. Dần dần, chàng coi việc tôi phải chường mặt ra với đời là lẽ đương nhiên. Chàng cứ đùn tất cả công việc ấy cho tôi. Đã thế, khi tôi đi lo giấy tờ vô cùng mệt mỏi về đến nhà, chàng lại buông thõng một câu: “Có một mình em biến nó thành quan trọng chứ anh thấy người ta cứ cho thuê nhà bừa đi cũng có sao đâu. Mà sao em cứ phải cuống lên chạy nơi nọ chạy nơi kia”. Chàng đâu có chịu hiểu rằng, nếu không có đủ những giấy tờ tối thiểu đó, khi người ta kiểm tra bất chợt, là mình phạm luật. Tôi gắt lên: “Tôi không muốn bị hoạch họe. Hơn nữa, tôi cũng không thích cái sự phải quị luỵ xin xỏ ai. Vậy thì, cách tốt nhất, khi còn kịp, mình hãy hoàn thiện hồ sơ đi để nếu bị hỏi đến, mình còn có cái tư thế của mình chứ! Tại sao lại thích kiểu làm ăn nhuôm nhoam, đại khái, khi bị phạt lập tức quị luỵ xin xỏ, mất hết cả tư cách?”

Kiểu lời qua tiếng lại như thế cứ được tích tụ dần, nó bào mòn sự long lanh lãng mạn. Càng ngày tôi càng nhận ra một thực tế o, dù đã có chồng nhưng tôi vẫn phải làm việc, hành xử, lo lắng như một gã đàn ông! Rõ ràng trong nhà có một người đàn ông nhưng lại quá nhu nhược. Bất cứ cái gì chàng cũng gọi Vân ơi, rồi lẩn sang phòng khác. Và tôi lại phải đương đầu. Thậm chí, ngay chuyện xin ra hạn tạm trú cho chàng, đáng lẽ cả hai cùng đi, nhưng chàng cũng bảo, em đi đi. Ra báo tạm trú cho khách thuê nhà cũng vậy. Thôi thì cứ cầm bao thuốc ra, hôm đó ai trực ban thì mời người ta, rồi khai báo để người ta vào sổ quản lý. Việc đơn giản thế nhưng chàng cũng đùn hết cho vợ. Cứ thế, sự khó chịu được tích tụ, tôi kiệt sức và mệt mỏi, mãi thế này chắc không chịu nổi, lại ao ước: bao giờ mình mới được làm một người đàn bà thực sự đàn bà đây?

Tôi ước được quanh quẩn lo những chuyện nội trợ bếp núc chứ không phải đương đầu với những chuyện to tát. Ví dụ như đi vay tiền chẳng hạn. Phải ngoại giao nhờ cậy đã đành. Đến ngày đáo hạn, lại phải cậy cục đi vay nóng trong một ngày, chồng đủ số tiền mấy trăm triệu, rồi lại mang trả.

Nghĩ lại thấy sao mà liều thế, một thân một mình, ôm một túi du lịch tiền phóng xe máy qua cầu Chương Dương. Vay tiền về, chỉ cho ngân hàng thấy tiền đấy, tôi có khả năng trả, rồi lại mang đi. Đúng là một việc tầy đình chứ, nhưng sao cũng chỉ mình tôi cặm cụi lo toan xoay sở!

Cuộc sống với chàng ngày càng lủng củng, chính vì vậy mà tôi cứ trì hoãn chuyện con cái. Tôi lờ mờ nhận thấy, tại sao mình cứ phải làm đàn ông trong khi đã có chồng? Tại sao chàng lại nhu nhược đến thế, đôi khi còn có biểu hiện… hèn nữa? Và thế là, chẳng còn gì lung linh trong mắt nhau nữa, chỉ còn thấy những điều hết sức bình thường, tầm thường, thậm chí đôi khi tôi còn phản ứng bằng cách quay đi bĩu môi coi thường, chán chẳng thèm nói, không tôn trọng nữa. Những thứ độc tố đó lớn dần lên làm thui chột tình yêu lúc nào không biết. Và khi tình yêu thui chột, sẽ chỉ thấy toàn những cái chưa được của nhau

Sống cuộc đời thường, khi niềm say đắm ban đầu qua đi, một lúc nào đấy nhìn lại, tôi chợt nhận ra rằng, đây không phải là người đàn ông có thể “trị” được mình. Thậm chí còn thấy khó chịu và bất hòa. Và khi mà người vợ đã không chịu phục cái trí tuệ của người chồng thì đến một lúc nào đó, tự nhiên sẽ buột ra những lời nói, cử chỉ coi thường. Nếu người đàn bà bị chinh phục hoàn toàn, họ sẵn sàng nhất nhất đi theo không cần suy nghĩ nhiều.

Nếu chỉ mưu cầu một cuộc sống bình thường đủ cho hai bữa cơm, tôi và chàng đã tạo dựng nên được một cơ ngơi vật chất tạm ổn, có thể thỏa mãn được rồi. Thế là chỉ việc rong chơi? Gặp đâu làm đấy, chẳng có nghề nghiệp ổn định.

Những lúc bực lên, tôi nói với anh thế này: “Anh như là một cái đinh ốc lỏng, phải xiết lại. Em mệt mỏi lắm”. Dường như lúc nào tôi cũng phải gồng mình lên, phải giả đui để cuộc sống an bài. Chàng có cái tốt là rất yêu vợ tin tưởng vợ, nhưng để khoe khoang với đời rằng chồng tôi là ông nọ ông kia thì tôi chẳng có gì để khoe cả, chỉ ngậm ngùi giữ kín trong lòng thôi. Bởi suy cho cùng thì mình là cái gì mà lại mong muốn người khác vừa có tâm hồn lãng mạn, vừa phải biết làm ăn kiếm liền, lại vừa phải có học thức nữa! Nghe nó mỉa mai quá! Làm sao tìm được một người như thế!

Khi mọi thứ ổn định ở Việt Nam, chàng không làm tour du lịch đưa Việt kiều về thăm thân nữa. Càng ngày càng có nhiều người làm hơn nên thu nhập chập chờn không được là bao. Thậm chí còn bị thua lỗ do máy bay trễ giờ, chàng phải bỏ tiền đền cho khách ở lại khách sạn. Về Việt Nam, sau một thời gian bận bịu xây nhà xây cửa, cho thuê xong là hết việc. Chẳng nghĩ ra được việc gì mới, suốt ngày chàng la cà quán cà phê nọ cà phê kia. Người ta hỏi: “Chồng em làm gì?, Trả lời: “Chồng em chẳng làm gì cả”.

Trong khi đó, tôi vẫn phải liên tục làm việc. Khi vất vả quá, tôi thầm khao khát có một người đàn ông gánh vác trụ cột cả trong nhà lẫn ngoài xã hội, người có đủ trí tuệ và bản lĩnh khiến tôi nể phục. Tôi cho rằng, trong gia đình, người chồng nhất định phải là thủ lĩnh, phải gánh vác được những việc lớn. Còn tôi, tôi có thể bỏ nghề để chỉ luẩn quẩn lo thu vén sang sửa căn nhà mảnh vườn, cơm ngon canh ngọt cho chồng con. Tôi thèm được quay về với những điều giản dị như thế thôi. Và cứ ước mong, giá mà mình có một người đàn ông như thế, mình sẵn sàng buông xuôi hết, giã từ hết để được làm một người phụ nữ Việt Nam với đúng chức năng nội trợ trong nhà.

Cuối cùng, sau gần hai chục năm trời gắn bó với hai người đàn ông, một anh trí thức miền Bắc và một chàng lãng tử miền Nam, tôi vẫn không có được cái khát khao bình dị: làm một người phụ nữ bình thường, làm vợ và làm mẹ. Nào tôi đâu có mơ ước điều gì cao siêu đâu mà sao chẳng được! vậy là, chỉ sau hơn một năm kết hôn, tôi đã đề nghị li hôn. Chàng quá bất ngờ. Vì đã đăng ký kết hôn và biết tôi không phải loại người dễ thay lòng đổi dạ, chàng chẳng bao giờ lo mất tôi. Khi đưa nhau ra tòa, chúng tôi làm mọi thứ một cách hết sức lặng lẽ. Tôi thuyết phục chàng rằng, tình thế của chúng tôi là không thể nào cứu vãn nổi, ầm ĩ mà làm gì?

Một cái kết lặng lẽ chẳng tốt cho cả hai ư? Sống với nhau nữa chỉ làm khổ nhau thôi, nhất là khi chúng tôi chưa có con chung, lại có điều kiện kinh tế mỗi người một cái nhà giá trị ngang nhau.

Chàng im lặng nghe tôi phân tích, và chắc cũng có nghe lời anh em bạn bè, thà chia tay trong lặng lẽ còn hơn làm rùm beng, nhỡ gia đình bà ấy bị kích động xúi bẩy mà nổi cơn tham lên thì khéo tay trắng luôn. Trong thâm tâm, không bao giờ tôi nghĩ mình có thể cướp đi một cái gì đó thuộc về của cải tiền bạc của chàng. Chúng tôi đạt được thỏa thuận, khi ở tòa, chẳng nên trách cứ thóa mạ nhau làm gì.

Ở tòa án, thẩm phán giải thích: “Theo chúng tôi, anh chị thỏa thuận được với nhau là thuận lợi nhất, vì cả hai cái nhà này đều đứng tên vợ anh, anh có hiểu pháp luật Việt Nam không? Cứ giả dụ như cả hai cái nhà đều là tiền của anh, nhưng chúng tôi chỉ biết trên giấy tờ nó là của chị Trần Lê Vân, nếu như chị Vân là một người không tử tế, anh sẽ phải ra đi tay trắng. Vì cái gì chứng minh nó là của anh? Tốt nhất, hai người tự thỏa thuận với nhau”. Đáp lại, chàng chỉ run rẩy: “Đây là do Vân tất cả chứ tôi chưa bao giờ có ý nghĩ bỏ Vân”. Nghe thật là xót xa. Tôi không dám nhìn chàng vì sợ bị mủi lòng. Theo qui định, sẽ có hai tuần kháng án, nhưng chàng nói trong mù mờ hi vọng: “Hai tuần này, trong qui định chỉ là hình thức thế thôi, với tôi, bất cứ lúc nào, kể cả sau ly hôn, Vân muốn thì chúng tôi vẫn có thể quay lại”.

Nói vậy, chàng muốn khẳng định rằng, chàng buộc phải theo tôi ra tòa chứ chàng không muốn thế chút nào. Dù tôi gây nên chuyện này, tất cả là do tôi, nhưng bất cứ lúc nào tôi nghĩ lại, chàng cũng sẵn sàng đón tôi về.

Đôi khi, tôi cũng ngẫm lại, liệu có phải mình đã sai lầm trong cuộc tình này không? Rồi tự trả lời, tôi chẳng hối tiếc vì đã yêu thương chàng. Cái gì đến sẽ phải đến. Tình yêu, dù bắt đầu từ một khoảnh khắc, nhưng rồi đến một khoảnh khắc nào đấy, tự nó lại tan rã, thui chột, đành phải chịu thôi.

Đã nghĩ rằng, mình nên dừng ở đây, đừng nên làm khổ ai nữa. Với chàng, tôi đã muốn giằn lòng dừng lại. Nhưng khi tình yêu đã hết, chúng tôi phải chia tay thôi. Đương nhiên, khi tình yêu đã hết, người thứ ba mới có thể chen vào. Đó lại là cả một câu chuyện dài…

Dù thế nào tôi cũng muốn công bằng mà nói, để chúng tôi có được kinh tế ổn định, là do xuất phát từ lòng tốt, sự tin cậy của chàng khi cùng tôi bắt tay vào xây dựng những viên gạch đầu tiên. Khi chia tay, tôi bảo: “Tùy anh, anh đi hỏi xem cái nhà nào giá trị hơn thì anh chọn trước”. Chàng chọn nhà Thụy Khuê, rồi không hiểu sao lại chọn nhà Hồ Tây.

Chàng bảo không muốn về Thụy Khuê nữa vì ngại đụng hàng xóm. Ít lâu sau, chàng nhờ tôi ký giấy bán nhà. Tôi cũng chẳng biết chàng bán cho ai, bán được bao nhiêu. Sau đó, chàng về quê hương Quảng Nam, đầu tư mua đất xây nhà ven sông ở Hội An. Rồi chàng sắm ô tô, thuê nhà sống tại Hà Nội. Ngỡ rằng như vậy, chúng tôi đã có một kết thúc êm thấm. Nhưng rồi xảy ra chuyện bài báo… Một bài báo trả thù.

***

Sau phán quyết li hôn, tôi ẵm con trai lớn sang Ý sống cùng bố cháu khi đó đang làm việc tại Roma. Đó là những tháng ngày ngập tràn hạnh phúc. Thành phố Roma cổ kính.

Tôi như đang được sống giữa một bảo tàng sống của nhân loại. Có lẽ, tôi nảy sinh “tình yêu” với nghệ thuật kiến trúc cũng từ đây. Không thể tin được, với bàn tay và khối óc, con người đã tạo nên được những kiệt tác về kiến trúc như vậy. Bế con thơ trên tay, tôi cứ ngơ ngẩn ngắm nhìn, lòng nhen nhóm ước mơ sau này, con trai tôi sẽ trở thành một kiến trúc sư…

Cũng trong thời gian đó, tôi mời bố sang Rome chơi cho cụ được thỏa con mắt ngắm nhìn. Mở chiếc va li nhỏ đựng quần áo, bố lặng lẽ đưa cho tôi một tờ báo. Hình như là một tờ báo phía Nam. Thú thật, giờ tôi chẳng nhớ tên tờ báo là gì. Bố bảo: “Đọc đi, để biết, khi con đi vắng, ở nhà chồng cũ của con đã bêu riếu nhà ta như thế nào. Mẹ mày bà ấy giận lắm”. Tôi bình tĩnh đọc bài báo của một tác giả tên Đức. Có thể thấy, người viết bài này ngầm ý muốn bênh vực chàng lãng tử, bạn họ. Càng đọc, tôi càng bình tĩnh, nói đúng hơn là bình thản. Tất cả thông tin trong đó đều không đúng sự thật.

Nội dung bài báo, đại loại là chàng đã bị vợ và mẹ vợ lừa để lấy hết cả nhà cửa tài sản. Mẹ vợ đứng tên chiếm nhà? Mẹ tôi có bao giờ đứng tên đâu! Rồi còn nói tất cả là của chàng hết.

Hãy khoan đánh giá về chàng lãng tử tội nghiệp của tôi mà hãy nhìn lại người viết bài báo đó. Họ đã không khách quan. Họ không viết đúng sự thật nên chẳng làm hại được tôi, chẳng khiến tôi bận lòng. Và lại càng không có sức thuyết phục những ai đọc nó. Đặc biệt với những người thân, bạn bè đã chứng kiến cảnh tôi rát mặt đi vay, cong mông lo đi trả lãi mới gây dựng được như thế. Khi tôi về Việt Nam, họ điện thoại, phẫn nộ hỏi: “Rõ ràng tôi thấy Vân một nhà, ông ấy một nhà, thế sao lại viết bậy bạ thế. Sao lại có thể nỏi mẹ vợ đứng tên chiếm nhà”. Mọi người trong gia đình chờ đợi ở tôi một cơn phản ứng thật dữ dội. Trái lại, tôi chỉ thấy mênh mông một nỗi buồn đau và thất vọng.

Nếu chàng ít nhiều tỏ ra cao thượng thì lương tâm tôi còn day rút, nhưng khi người ta đã làm cái hành động bêu riếu tôi và gia đình, thì chẳng còn gì để nói nữa. Giá như chàng im lặng! Tôi đã thầm nghĩ không thể ngờ được là chàng lại không làm chuyện gì ầm ĩ, lặng lẽ chia tài sản, ra tòa không kháng án. Nhưng có lẽ, chính sự nín nhịn, lặng lẽ ấy là dấu hiệu của một cơn giông tố ghê gớm, chỉ cần bị kích động là bùng ra với tất cả sức mạnh hoang dã. Tiếc thay, chàng đã tự bôi nhọ mặt mình, sổ toẹt đi tất cả. Buồn và thất vọng về chàng nhưng lương tâm tôi như rũ bỏ được mặc cảm của tội lỗi. Tôi đã thở phào nhẹ nhõm.

Cầm bài báo trên tay, tôi đến gặp chàng: “Tôi đã tưởng tôi sẽ kính trọng người đàn ông cao thượng trong anh, thật tiếc, anh cũng chỉ là một kẻ tầm thường. Giá như anh đừng cư xử thấp hèn như thế, cả đời tôi sẽ sống trong ăn năn day dứt, dày vò dai dẳng… Thế là hết, chẳng còn gì để nói với nhau”. Nghe tôi nói, chàng run rẩy thanh minh, tại ông bạn nhà báo nghe tâm sự rồi tự ý thêu dệt nên. Tôi hỏi: “Nếu anh không kể ra thì làm sao người ta dám viết. Anh có dám để cho tôi gặp ông ta không? Tôi sẽ kiện ông ta tội vu khống”.

Nói với chàng như vậy, nhưng khi về đến nhà mình, với những người đang chờ đợi tôi nổi cơn tam bành, tôi lại bình.tĩnh giải thích: “Mọi người hãy hiểu và thông cảm cho anh ấy. Khi anh ta đã mất đi tất cả, anh ta phải có nhu cầu trút giận cho hả dạ. Người ta không thể sống với một khối u uất chất chứa trong lòng. Anh đã trút giận một cách tuyệt vọng, không cần biết đúng sai. Hãy quên đi và tha thứ cho anh ấy”.

Bào chữa cho hành động của chàng như vậy, nhưng từ thẳm sâu trái tim, tôi trộm nghĩ, chàng xử sự như vậy phải chăng đúng với bản chất con người chàng? Bấy nhiêu năm yêu thương tôi và được yêu thương lại, cái bản chất ấy, đôi khi cũng thấy chập chờn đâu đó, nhưng không có tình huống cụ thể nào để bộc lộ ra. Chỉ có một lần, khi tôi đề nghị chia tay mỗi người một nhà, chàng đã lồng lên: “Tất cả là của tôi, cô hãy đi di, cô chẳng có cái gì hết”.

Sau chuyện bài báo, một số người bạn nửa đừa nửa thật bảo chàng rằng: “Ông ơi, ông không là cái gì cả, thế mà ông đã có nàng gần chục năm trời, cho dù ông có mất hết, thì cái mà ông được còn hơn thế nhiều. Chúng tôi đây có ai dám mơ là chồng hay người yêu của nàng đâu, thế mà ông có được điều đó một cách quá dễ dàng. Còn chúng tôi, có mơ ước cũng không dám mở miệng, thế mà ông lại còn gào lên là bị lừa”.

Ngẫm lại, cái thuyết phục nhất ở chàng đối với tôi chính là sự chân thành và lòng tin. Chàng đã tự nguyện trao phó cuộc đời cho tôi. Tự nguyện từ bỏ vợ con để sống ổn định với tôi, đó là cái giá trị cao nhất của chàng. Bởi vậy, tôi cũng chẳng đòi hỏi gì hơn, sẵn sàng dừng lại, đi đến quyết định đăng ký kết hôn. Tôi biết, nếu tôi không gây ra tội phụ tình này, chàng vẫn hết sức tử tế với tôi. Tôi biết, chính tôi chứ không phải ai khác, đã đẩy chàng vào đường cùng, giống như một con thú mất miếng mồi của mình. Có đăng ký kết hôn, chàng ngỡ tôi đã hoàn toàn thuộc quyền sở hữu của chàng rồi, nhưng lại bị cướp mất. Và con thú trong chàng mới lồng lộn lên, nó không đủ bản lĩnh để kiềm chế cơn đau. Nóng giận mất khôn. Qua đó để thấy bản lĩnh đàn ông của chàng quá kém cỏi. Đời người ta còn gặp phải nhiều tình huống khó khăn hơn, nhưng vẫn phải cư xử sao cho đáng mặt đàn ông chứ?

Nhiều người cho rằng, những viên gạch ban đầu xây dựng nhà cửa, món tiền ban đầu của chàng là một món tiền lớn. Đúng vậy, nhưng với tôi, món tiền ấy dù có lớn gấp cả trăm lần thì vẫn chẳng là gì để so sánh với tình cảm chân thành, nhân hậu của chàng lúc đó. Chưa bao giờ tôi nghĩ, vì chàng đem lại cho tôi đời sống vật chất khá hơn, mà tôi rời bỏ người chồng sắp cưới để chạy theo chàng. Chàng là người cực kỳ phản đối việc các cô gái lấy chồng Việt kiều chỉ để có cuộc sống vật chất tầm thường hoặc chỉ để ra nước ngoài sống.

Là người có một tấm chân tình thực sự, thương xót những người thân làm nghệ thuật trong cái gia đình nhỏ này, từ đó, chàng thương xót cho cả cái kiếp nghệ sĩ Miền Bắc nữa, những người hoàn toàn trông chờ lương nhà nước, không dám diễn chui, làm chui một cái gì. Cũng như chàng, nhà báo Sâm Thương ra Hà Nội, ông chứng kiến gia cảnh nhà tôi và cũng rất thương xót. Ông thốt lên: “Trời ơi, một cô diễn viên nổi tiếng như thế, khán giả trong Nam yêu thích như thế, bao nhiêu Việt kiều chỉ thầm mong về nước gặp được cô ấy, thế mà cô sống thế này ư?”. Ông Sâm Thương đã làm một việc rất tế nhị, xách xe đạp ra chợ Hòe Nhai, mua về nửa con gà phết nghệ vàng chóe, đưa cho mẹ tôi làm cơm. Ông phải rào đón: “Nhân tiện ghé qua chợ thì mua đại đi”, (bởi nhìn gia cảnh ông biết ngay, làm gì có tiền đi chợ đãi khách). Nhưng ông cũng phải thật khéo để không làm gia đình tôi bị tổn thương. Những nghĩa cử ân tình ấy, tôi không thể nào quên.

Với người đàn ông này, người ta mua được nửa con gà vì thương, thì với người đàn ông kia, người ta vét hết tiền trong túi ra giúp đỡ cho có một chỗ ở, cũng vì thương. Sự trao tặng xuất phát từ tấm lòng làm sao có thể đong đếm? Người nông cạn, ác ý sẽ chỉ nghĩ đến khía cạnh vật chất của món quà tặng, còn tôi, trong tâm mình, tôi chỉ nghĩ đến khía cạnh tình cảm thôi. Mười lăm cây vàng lúc đó chứ một trăm năm mươi cây, tôi cũng chỉ yêu được chàng đến thế chứ không thể yêu nhiều hơn! Chưa hề tồn tại trong đầu tôi mảy may khía cạnh vật chất trong mối tình này. Chàng không chỉ thương mỗi tôi phải sống với căn gác xép mà còn thương cả gia đình tôi nữa. Tình thương ẩy không phải là mép môi mà bằng hành động cụ thể, làm cách nào đấy để giúp gia đình thoát khỏi cảnh sống chung đụng như vậy.

Vào thời điểm gặp chàng, tôi cũng có rất nhiều người đàn ông theo đuổi. Họ đều là những chàng trai chưa vợ. Nhưng làm sao tôi có thể sống nổi với người mình không yêu? Còn chàng, lúc bấy giờ, chính chàng là người biết rõ hơn ai hết, chàng không phải là người giàu có. Cái mà gọi là vật chất ở chàng không phải là điều gì to tát, Ồ ạt, mà rất tự nhiên, rẩt chân tình. Có thế thì tôi mới bị chinh phục chứ? Sau này, chàng “nghênh ngang” lắm, kể lại với bạn bè chiến công có được “cô Duyên”, chàng nửa đùa nửa thật bảo: “Sở dĩ tôi chinh phục được nàng vì khi trời mưa, đi đón nàng ở chỗ quay phim về, đáng lẽ phải mua hai cái áo mưa cho hai người, nhưng tôi bảo chỉ đủ tiền mua một cái thôi, thế là phải trú chung cùng nhau. Thế có phải là lãng mạn hơn không? Đi đâu tôi cũng mời cả cô em, đâu có phải đang yêu cô chị phải chiều cô em”.

Cũng chẳng hiểu tại sao tình yêu của chúng tôi mãnh liệt như vậy mà vẫn có thể lụi tàn, cũng như tình yêu của tôi với người đàn ông đầu tiên, yêu đến chết đi sống lại, thế mà rồi cũng tan! Sau bài báo tội tình đó, chàng có ân hận hay không? Làm tôi bị bôi nhọ, bị mất mặt như thế, chàng hả giận ư?

Chàng quên mất rằng, ở đời này, người ta còn rất nhiều việc phải làm, phải đàm tiếu. Hôm nay, đọc xong chuyện của chàng và tôi, ngày mai người ta lại hăm hở lao vào một xì căng đan khác, hơi đâu dừng ở đây để nói mãi cái chuyện của bà Lê Vân? Thông cảm cho tâm lý của chàng, tôi chấp nhận hành động đó chỉ là biểu hiện của tính nông nổi nhất thời. Đã có lúc tưởng như cả hai không bao giờ có thể nhìn lại mặt nhau được nữa. Nhưng tôi nghĩ tại sao lại biến nhau thành kẻ thù? Mình phải ứng xử thế nào đấy để người ta vơi dần, vơi bớt nỗi đau khổ do mình mang đến. Người ta không còn hằn học với mình mà coi mình như bạn bè.

***

Đã sang một trang mới rồi. Mười năm nữa đã trôi qua. Tôi vẫn thấy chàng quẩn quanh với phố phường Hà Nội. Tóc râu đã bạc trắng, khuôn mặt hằn sâu những nếp khắc của thời gian, anh già sụp đi nhanh quá. Nhưng tôi vẫn nhận ra đâu đó dáng dấp xưa của chàng lãng tử phong trần, cởi mở. Nghe nói chàng xây nhà ở Hội An rất đẹp, ngay cạnh con sông chảy ra Cửa Đại. Ngôi nhà ấy chẳng bao giờ đóng cửa, lúc nào cũng như sẵn sàng mời bạn bè trong Nam, ngoài Bắc ghé chân, như tấm lòng chân thành của chủ nhân, chàng lãng tử một thời của tôi.

Một người bạn kể lại, chàng nói: “Bao giờ Vân đi hẳn, tôi sẽ về Hội An sống nốt tuổi già”.

Vâng, bao giờ tôi sẽ Ra Đi để cho chàng Trở Về? Chàng “lỡ một chuyến bay” để có tình yêu, nhưng rồi tôi và chàng lại mất nhau…

… Và lỡ một kiếp vợ chồng.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui