Liêu Trai Chí Dị II

Núi Tra Nha ở huyện Chương Khâu (tỉnh Sơn Đông) có cái hang núi như miệng giếng, sâu xuống mấy thước, phía bắc của hang chạy ngầm theo dãy núi. Gặp lúc có mấy người trong thôn bên cạnh nhân tiết Trùng dương (ngày chín tháng chín âm lịch) đi chơi, uống rượu ở đó rồi bàn nhau xuống xem thử. Ba người đốt đuốc dong dây leo xuống, thấy hang to như cái nhà, đi được vài chặng thì hẹp dần lại, cuối vách hang lại có một cái huyệt sâu ngoằn ngoèo phải bò mới vào được. Soi đuốc vào thấy tối om om mà sâu không biết tới đâu, hai người lo sợ bỏ ra, một người giật lấy đuốc cười hai người kia là nhát rồi chui vào. Qua khỏi chỗ hẹp lại tới một đoạn rộng rãi có thể đứng thẳng, lại đi tiếp. Trên nóc hang thì đá rủ xuống như sắp rơi mà không rơi, hai bên vách dụng thẳng, đá lô nhô như hình chùa miếu, có cả hình chim thú người quỷ. Chim như đang bay, thú như đang chạy, người thì kẻ đứng kẻ ngồi, quỷ thì đủ dạng như đang tức giận, trông rất kỳ quái xấu xí, y rùng mình sợ hãi. 

Qua khỏi một đoạn bằng phẳng, đi thêm vài trăm bước, thấy vách phía tây mở ra một cái thạch thất. Bên trái có một khối đá mặt quỷ hình người đứng trợn mắt ngoác miệng, răng nanh lởm chởm trông rất dữ tợn, tay trái nắm thành quyền đặt ở hông, tay phải vươn năm ngón ra như bắt người. Y vô cùng hoảng sợ, lông tóc dựng đứng cả lên. Nhìn thấy trong cửa có đống tro, như có người từng tới đây, thấy yên tâm trở lại. Bèn bước thẳng vào trong, lại nhìn thấy trên mặt đất có chén bát, trong đầy bụi bặm nhưng đều là những thứ gốm sứ gần đây chứ không phải là đồ cổ. Cạnh đó có bốn cái bầu rượu bằng thiếc, y nảy lòng tham, bèn cởi dây lưng ra buộc đeo lên hông. Kế lại thấy có một cái xác nằm ở góc phía tây, tay chân giang rộng, sợ lắm, nhưng dần dần tới gần nhìn kỹ, thấy chân mang hài nhỏ, vẫn còn vết chỉ thêu hoa mai, biết đó là một thiếu phụ. Không rõ là người ở đâu, chết năm nào, quần áo đã mủn ra không nhận ra màu gì, mớ tóc xỏa tung như tơ rối đắp lên đầu lâu. Chỗ mắt và mũi chỉ còn bốn cái hốc, hai hàm răng vẫn còn, trắng phau phau, y biết đó là miệng. Lại nghĩ có thể trên đầu còn vật trang sức bằng vàng ngọc, bèn soi ngọn đuốc tới gần đầu lâu, thì như có hơi trong miệng thổi vào ngọn đuốc, ánh lửa cứ như chập chờn lay động, manh vải áo cũng lay lay. Y cả kinh run tay, ngọn đuốc tắt phụt, nhưng còn nhớ đường vội chạy mau trở ra. Không dám sờ lên vách, sợ đụng vào khối đá hình con quỷ nên húc đầu vào đá ngã lăn ra, vội chồm ngay dậy, thấy trên đầu ươn ướt lành lạnh, biết là máu nhưng không thấy đau, cũng không dám kêu. Ra tới chỗ đáy huyệt, vừa nằm xuống để bò ra thì chợt thấy như có người nắm chặt lấy tóc, y sợ quá ngất đi luôn. 

Mọi người bên ngoài chờ lâu quá, lấy làm ngờ vực, lại dòng dây thả hai người xuống. Họ khom người chui vào, thấy y nằm sấp trên mặt đá, máu me bê bết, thân thể cứng đờ. Hai người mất vía không dám tới gần, ngồi đó run rẫy. Lát sau bên trên lại dòng dây thả thêm hai người nữa xuống, trong đó có kẻ gan dạ, mới dám chui hẳn vào kéo y ra đưa lên, nửa ngày mới tỉnh lại, kể rõ mọi việc. Đáng tiếc là y chưa đi tới chỗ tận cùng, nếu đi tới ắt là thấy được nhiều cảnh đẹp chuyện lạ. Sau quan huyện Chương Khâu nghe được chuyện, sai lấy đất đá lấp kín chỗ miệng huyệt, không ai vào được nữa. 

Khoảng năm Khang Hy thứ 26, 27 (1677-1678) phía nam động Dương Mẫu bị lở sụt xuống, để lộ ra một cửa hang, nhìn vào thì thấy thạch nhũ san sát như rừng tre, không ai dám vào xem. Chợt có người đạo sĩ tới tự xưng là đệ tử của Chung Ly Quyền* nói rằng thầy sai tới trước để dọn dẹp động phủ. Người ở đó đưa cho đèn đuốc, đạo sĩ nhận lấy leo xuống, rơi lên đám thạch nhũ lởm chởm, bị đá đâm xuyên qua bụng mà chết. Báo lên quan, qua cho lấp kín cửa hang. Bên trong ắt có cảnh lạ, tiếc là đạo sĩ đã siêu thăng, không ai biết mà kể lại. 

*Chung Ly Quyền: người thời Đường, là một trong Bát tiên (tám vị tiên) theo truyền thuyết Trung Quốc, được giới đạo sĩ tu tiên luyện đạo trước kia thờ phụng như sư tổ. 


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui