Liêu Uyển Hồng

3. Chuyện về bà ngoại tôi
Trong ký ức của tôi, bà ngoại thực sự là một đại mĩ nhân, bà đẹp vô cùng. Lúc tôi còn nhỏ, nghe mẹ tôi kể lại, hai chị em gái của mẹ cộng lại cũng không thể bì được với sắc đẹp của bà. Bà ngoại sinh năm 1929, là năm mà đất nước đang trong cơn chiến tranh loạn lạc. Bà chính là người cháu gái đích tôn được kị ngoại tôi vô cùng yêu quý mà tôi đã kể ở đoạn trên. Lúc bà chín tuổi, tận mắt chứng kiến cảnh bà ngoại của mình treo cổ tự vẫn, thật thê thảm. Sau đó vì kế sinh nhai, bà phải cùng mẹ ra ngoài giúp người ta giặt quần áo. Không những thế, bà còn tự mình cáng đáng nhiệm vụ chăm sóc hai đứa em, một trai một gái của mình.
Tuy nhiên số phận của bà ngoại tôi tốt hơn nhiều so với mẹ mình, hai số phận ấy về bản chất thực sự không giống nhau. Trước hết, bà ngoại tôi không phải là người mù chữ, mà là một người phụ nữ có tri thức, có văn hóa. Vì sao lại như vậy ư? Khi nói đến điều này thì công đầu thuộc về mẹ của bà, tức là cụ ngoại tôi. Cụ ngoại tôi luôn cho rằng, bản thân mình, ngay trong đêm đầu tiên động phòng hoa chúc đã gặp phải cảnh bị chồng ruồng bỏ, hoàn toàn là do bản thân mình không biết chữ, là người không có văn hóa. Cho nên bà đã hạ quyết tâm, con gái của bà, bà cũng sẽ quyết để cho con gái được đi học. Cho nên lúc bà ngoại tôi bảy tuổi, đã được đưa đến trường tư thục của Tô gia để học. Cái giá phải trả cho việc này là cụ ngoại tôi mỗi ngày bắt buộc phải giặt nhiều hơn ba chậu quần áo lớn, ngoài ra còn phải thức đêm để nhận may thêm quần áo mới cho những người có tiền.
Ở thời đại ấy, mọi người đều nói “Phụ nữ không có tài thì là người có đức”, nhưng chính từ cảnh ngộ mà bản thân mình gặp phải, cụ ngoại tôi nhận thức được rằng, người phụ nữ không có tài thì cũng sẽ là người không có đức, họ rất dễ rơi vào hoàn cảnh bị chồng ruồng bỏ, coi khinh. Chính vì nghĩ như vậy mà cụ ngoại tôi đã dốc hết sức, đem cả tính mệnh của mình ra để đổi lấy việc cho con gái được đi học.
Bà ngoại của tôi, không hổ là người xuất thân từ gia tộc họ Tô, bà có tư chất thông minh, chỉ cần đọc qua một lần là nhớ, ngâm thơ làm phú, xuất khẩu thành thơ, lại thêm việc viết chữ rất đẹp, chỉ trong một thời gian ngắn, bà đã trở thành đứa trẻ nổi trội nhất trong đám trẻ con của gia tộc họ Tô. Các chú thím trong họ, người nào cũng đều khen ngợi bà, đều nói bà là cô bé họ Tô xuất sắc, tiền đồ ngày sau nhất định sẽ rộng mở thênh thang.
Dưới sự cổ vũ và khích lệ của mọi người, bà ngoại tôi càng cố gắng chăm chỉ học hành hơn nữa, rất nhanh sau đó bà đã thi đỗ đầu vào trường trung học của huyện. Sau khi tốt nghiệp trung học, lại trải qua vô số gian khổ, thi đỗ vào một trường đại học danh tiếng của tỉnh. Trong cả quá trình cầu học của bà, cụ ngoại tôi đã đổ không biết bao nhiêu mồ hôi, nước mắt và tâm huyết!
Đến năm 1949, tức là sau một năm bà ngoại tôi đi học đại học ở trên tỉnh, xã hội Trung Quốc đã có một sự thay đổi lớn, Đảng Cộng sản với khí thế cuồn cuộn, sức mạnh như vũ bão, uy lực cực lớn đã dồn Quốc dân đảng đến tận Đài Loan. Dưới sự hiệu triệu của Đảng Cộng sản, bà ngoại tôi và tất cả những sinh viên tiến bộ giống như bà, trong lòng nhiệt huyết cách mạng đang trào dâng mãnh liệt, họ sẵn sàng dấn thân vào đội ngũ cách mạng. Đối với riêng bà ngoại tôi mà nói, con đường cách mạng của bà so với những sinh viên khác còn triệt để hơn vài phần, bởi bà là người có thân thế quá bi thảm. Bà vươn lên từ đáy tận cùng của xã hội này. Con đường mưu cầu tri thức của bà, là do mẹ mình dùng cả tính mạng và sức khỏe để đổi lấy, là dùng từng đồng từng cắc đắp dựng nên. Bà mong muốn giải phóng được càng nhiều càng tốt những bà mẹ phải lao động khổ sở vất vả giống như mình, để tất cả các bà mẹ trong thiên hạ này đều không phải lo lắng vì không có cơm ăn, để mỗi đứa trẻ đều được đến trường. Lý tưởng như vậy chắc chắn đã trở thành niềm tin của bà.

Đó cũng chính là niềm tin cách mạng thuần chất nhất của bà ngoại tôi, chính niềm tin ấy đã khiến bà quyết định rất nhanh từ bỏ việc tốt nghiệp đại học, cùng những người đồng chí cùng chung chí hướng gia nhập vào đại quân cách mạng. Bà gia nhập vào giải phóng quân ở một đoàn văn công quân khu của bộ 4 Tứ Xuyên. ở thời điểm này có rất nhiều thanh niên có học thức gia nhập cách mạng giống như bà, trong lòng họ tràn trề những lý tưởng về một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Sau đó, bà ngoại tôi với tài năng nghệ thuật xuất chúng và diện mạo vô cùng xinh đẹp đã nhanh chóng nhận được sự quan tâm của đội ngũ lãnh đạo trong đoàn văn công. Trải qua một thời gian rèn luyện và khảo sát, cuối cùng bà cũng được kết nạp và trở thành đảng viên Đảng Cộng sản. Từ đó bà nhận được ánh mắt ngưỡng mộ của không ít những đồng chí nam giới trong đội ngũ cách mạng. Trong thời kỳ đầu của những năm năm mươi, rất nhiều quân nhân xuất thân từ công nhân nông dân đã trải qua nam chinh bắc chiến, có ít nhiều cống hiến cho Đảng Cộng sản, đa số những người đàn ông này đều sớm đã có vợ ở quê nhà. Những người vợ bị để mặc ở quê, do không hiểu biết, nên họ đã bị những người chồng của mình trói buộc trong gông cùm xiềng xích của những thủ tục hôn nhân của xã hội cũ còn rơi rớt lại, bị họ sẵn sàng từ bỏ. Họ theo đuổi, săn đón những chiến sĩ tham gia trong đội ngũ cách mạng vừa trẻ trung xinh đẹp phù hợp với thân phận là chiến sĩ cách mạng của họ lại vừa có văn hóa, tri thức. Trong số bọn họ, có không ít người đã dành sự quan tâm chú ý cho bà ngoại tôi.
Bà ngoại tôi tuy lớn lên trong một gia đình nghèo khổ bần hàn, nhưng dòng máu đang chảy trong người bà là dòng máu của một gia tộc có dòng dõi thư hương nổi danh thiên hạ. Chính vì vậy mà tận trong cốt cách của bà vẫn toát ra chút khí phách kiêu ngạo, khiến bà có chút xem thường những vị lãnh đạo thô lỗ quê mùa một chữ bẻ đôi cũng không biết ấy. Bà biết những người này có địa vị, có thực quyền, nếu lấy họ thì cuộc đời của bà có thể suốt đời nhàn nhã, một bước lên mây. Nhưng rồi bà cũng nghĩ đơn thuần rằng, làm cách mạng và lấy chồng là hai việc khác nhau. Đương nhiên, chẳng có chút nghi ngờ gì, mục đích của bà là nhất định phải tìm được một người đồng chí nam trong đội ngũ cách mạng, nhưng đồng thời đồng chí ấy cũng phải là người có tri thức, một người đàn ông vừa có thể ngâm thơ vẽ tranh, vừa có sắc thái tình cảm của giai cấp tiểu tư sản đáp ứng đúng với những gì bà mong muốn trong tiềm thức của mình để làm người bầu bạn trọn đời. Trong cả quân khu, những người tiếp xúc nhiều nhất với những nữ đoàn viên trong đoàn văn công chính là mấy nam đồng chí thuộc sở tuyên truyền bộ chính trị. Trong đó có một đồng chí trông khôi ngô tuấn tú, dáng người cao cao, hay đeo một cặp kính gọng đen, nghe nói trước khi tham gia cách mạng cũng là một sinh viên.
Lúc mà bà ngoại tôi để mắt đến người đàn ông ấy, thì đồng thời, người đàn ông này cũng để mắt đến bà ngoại tôi.
Mỗi lần bà ngoại tôi biểu diễn ở trong đoàn văn công, người đàn ông này đều ngồi ở hàng ghế đầu tiên vô cùng hứng thú theo dõi từng cử động của bà. Sau mỗi buổi biểu diễn kết thúc, người đàn ông này lại là người đầu tiên đứng dậy trong đám người xem, vỗ tay nói: “Đoàn văn công có thể biểu diễn thêm một lần nữa được không?”. Lúc này kiểu gì cũng sẽ là nhất hô bách ứng, tất cả mọi người có mặt đều lập tức đứng hết lên vừa vỗ tay vừa nói: “Thêm một lần nữa, thêm một lần nữa!” và bà ngoại tôi đóng vai chính trong buổi biểu diễn cùng các bạn của mình trong đoàn lại tiếp tục ca hát trong tiếng vỗ tay hoan hô nhiệt liệt của mọi người.
Tình yêu nam nữ dần nảy sinh từ trong những hoạt động cách mạng như thế, nó hiện lên rất mơ hồ và lãng mạn. Thật khó tưởng tượng, trong lúc đấu tranh giai cấp đang đến hồi gay cấn kịch liệt, đánh cường hào, chia ruộng đất, dẹp phản loạn, trong cái nôi của cách mạng, dưới ô đỏ của đội quân cách mạng, vậy mà cũng có thể nở ra một đóa hoa tình yêu mang đậm tính chất của giai cấp tiểu tư sản, vô cùng lãng mạn.

Bà ngoại tôi còn nhớ món quà đầu tiên mà bà tặng cho người ấy chính là tập thơ của nhà thơ cách mạng người Nga Maiacốpxki một nhà thơ Nga đại diện tiêu biểu nhất của trường phái thơ vị lai của thế kỷ XX. Người đàn ông đó đã đọc một mạch hết cả quyển thơ trong đêm, cả đêm không hề chợp mắt. Ngày hôm sau, người đó khe khẽ nhét vào tay bà một mẩu giấy, trên đó viết:
“Đây là những câu thơ hay và đẹp nhất mà tôi đã từng đọc trong cuộc đời, đây cũng là món quà quý giá nhất mà tôi nhận được trong cuộc đời.”
Lúc bà ngoại tôi cùng những nữ chiến sĩ trong đoàn văn công được cử đi lưu diễn ở vùng dân tộc thiểu số khu vực miền tây Tứ Xuyên, dọc đường đi bà thường ghi lại những phong tục tập quán đặc sắc của người dân tộc thiểu số và những phong cảnh tuyệt đẹp còn giữ được những vẻ nguyên sơ của vùng đất miền tây. Mỗi lần đến một trạm nghỉ nào đó, bà liền gửi cho người ấy một bức thư, kể về những nơi bà đã đi qua. Còn người ấy, khi nhận được những bức thư của bà, đều giữ chặt trong tay, đọc đi đọc lại, nói những bức thư này chính là những bài tản văn hay nhất mà anh đã từng đọc. Trong những lá thư hồi đáp, người ấy đều tán dương bà là “băng tâm đệ nhị”, một người con gái cách mạng tài giỏi chân chính.
Còn người thanh niên cách mạng thư sinh đeo cặp kính gọng đen ấy, cuối cùng được sự đồng ý và giúp đỡ của tổ chức đảng đã cùng bà ngoại tôi kết thành phu thê.
Trước khi kết hôn và thời kỳ đầu của hôn nhân, bà ngoại tôi luôn cảm thấy mình là người phụ nữ hạnh phúc nhất trên đời này. Sự kết hợp giữa hai người có văn hóa, vừa theo cách mạng vừa lãng mạn theo kiểu tiểu tư sản chính là mối quan hệ nam nữ hài lòng nhất và là cuộc hôn nhân mĩ mãn nhất. Bà luôn cảm thấy cuộc hôn nhân của mình so với mẹ thì hạnh phúc hơn không biết bao nhiêu lần. Thật đúng là ông trời có mắt, đã bù đắp cho bà tất cả những khổ đau mà mẹ bà phải gánh chịu. Từ tận đáy lòng, bà thật sự cảm ơn mẹ mình, là mẹ đã cho bà kiến thức, cho bà văn hóa, mà nhờ có văn hóa bà mới có thể tìm được một người bạn cách mạng có văn hóa, mới có thể có được sự bình đẳng như thế này. Trong cuộc sống gia đình, mình luôn tôn trọng đối phương và cũng được đối phương rất tôn trọng.

Sau khi bà sinh người con gái thứ hai - người đó chính là mẹ tôi - không lâu, Đảng Cộng sản bắt đầu tiến hành một cuộc thanh lọc chính trị với quy mô lớn nhất lần đầu tiên từ sau khi giành được chính quyền, cuộc thanh lọc ấy gọi là cuộc vận động “Tam phản ngũ phản”, đồng thời cũng thanh lọc luôn cả đến quân đội. Người chồng trí thức cách mạng của bà, là ông ngoại của tôi, lúc bấy giờ đối với cách mạng luôn một lòng trung thành son sắt, nhưng trong một đêm bỗng bị vạch trần ra là “có vấn đề về lý lịch chính trị”, nói ông trước khi gia nhập vào bộ đội đã từng tham gia vào đoàn thanh niên của Quốc dân đảng. Trong phút chốc tất cả đã hoàn toàn thay đổi, ông ngoại lập tức bị bắt nhốt lại, bị cách ly để thẩm tra. Rồi theo đó, nhà cửa cũng bị tịch thu, bà ngoại cũng bị cách ly để khai báo rõ một cách thành thực về vấn đề của chồng bà.
Trong cái rủi có cái may, và điều vô cùng may mắn ấy là ông ngoại đã tìm được người cấp trên cũ của mình, người cấp trên ấy đã chứng minh ông ngoại tham gia vào đoàn thanh niên của Quốc dân đảng là do nhận nhiệm vụ hoạt động bí mật của đảng trà trộn vào hàng ngũ của địch để tiến hành hoạt động xúi giục làm phản. Ông ngoại nhờ thế mà thoát khỏi việc bị cách ly thẩm tra, vẫn giữ nguyên thân phận đảng viên của mình. Nhưng những dòng chữ “đã từng tham gia vào đoàn thanh niên Quốc dân đảng” đã trở thành một vết đen trong lý lịch của ông, khiến cho ông từ đó về sau trong cả chặng đường đời dài của mình đã phải nếm trải biết bao nhiêu khổ cực.
Đầu tiên là ông lập tức bị đá ra khỏi đội ngũ của mình, rồi bị thuyên chuyển đến làm một chân thư ký nhàn rỗi có cũng như không của một cơ quan thành ủy. Sau đó, bà ngoại tôi cũng bị điều đi khỏi đoàn văn công, chuyển đến làm giáo viên dạy nhạc ở một trường trung học. Trong các lần hoạt động chính trị, họ bị ép buộc viết tài liệu tố giác đối phương, từ đó mà giữa hai vợ chồng xảy ra những bất hòa lớn. Rất nhiều người bạn thân thiết của bà ngoại tôi có ý tốt đã khuyên bà ly hôn với người chồng “vận động viên” kia, anh đi đường anh, tôi đường tôi, để tránh về sau này gặp nhiều liên lụy phức tạp. Nhưng bà ngoại tôi nhìn hai đứa con trước mặt, nghĩ về tuổi thơ của mình đã phải trải qua những ngày tháng vô cùng buồn đau khi không có sự chăm sóc của cha, nên đã quyết định dù có thế nào đi nữa bà cũng không thể để con gái của mình không có cha được.
Đòn cuối cùng đánh vào mối quan hệ vợ chồng vốn đã rạn nứt mong manh, gần tan vỡ của bà ngoại chính là cuộc “Đại cách mạng văn hóa” diễn ra ở cuối những năm 60. Ông ngoại do “có vấn đề về lý lịch” nên bị điều xuống công xưởng dệt làm công việc quét dọn vệ sinh, chịu sự cải tạo lao động và giáo dục lại của giai cấp công nhân. Khi cải tạo được đến năm thứ hai, ở nơi mà mỗi ngày ông đều phải đến để quét dọn nhà vệ sinh, ông đã lén lén lút lút quan hệ với một nữ công nhân dệt ở đó. Có một đêm, sự việc bị bại lộ, ông ngoại và người nữ công nhân dệt ấy quần áo xộc xệch bị bắt dẫn đến công xưởng của ủy viên hội cách mạng, bọn họ phê phán ông là phần tử phản cách mạng cũ, lấy nhục thể làm công cụ phản cách mạng để dụ dỗ nữ công nhân cách mạng, hòng mưu đồ hủ hóa đội ngũ giai cấp công nhân, thực hiện giấc mơ khôi phục địa vị cũ của giai cấp chủ nghĩa tư bản. Trong lúc bị lăng nhục, lợi dụng lúc người đội viên tuyên truyền công nhân không chú ý, ông đã từ cửa sổ trên lầu nhảy xuống, chết ngay tại chỗ. Thi thể của ông được bên phía công xưởng dệt thông báo cho bà ngoại tôi đến nhận về và đem đi hỏa táng. Đây là lần thứ hai trong đời, bà ngoại tôi tận mắt chứng kiến cảnh người thân nhất của mình tự sát. Sự ra đi của ông ngoại tuy giúp bà có được sự giải thoát trong chính trị, nhưng điều khiến bà đau lòng nhất và không thể nào hiểu được là người giống như ông ngoại tôi, vừa có tri thức có văn hóa, có nhân cách và có mục đích sống, lại là phần tử trí thức nhận được sự giáo dục có quy phạm nghiêm khắc của Đảng Cộng sản, vì sao lại có thể phản bội tình cảm với người đã từng cùng ông yêu thương khăng khít, vô cùng lãng mạn, sau đó lại còn vì ông mà đã phải chịu biết bao điều khổ cực để đi tằng tịu với một người nữ công nhân? Bà yêu thương chân thành hết mực đối với người đàn ông này, đã vì người đàn ông này mà giao phó tất cả, và còn chuẩn bị vì ông mà hy sinh nhiều hơn nữa, nhưng đổi lại, điều bà nhận được chính là một số phận cay đắng chịu sự phản bội và ruồng bỏ của chồng giống như mẹ mình.
Rất nhiều rất nhiều năm sau nữa qua đi, bà ngoại vẫn còn nói, chỉ cần ngày nào bà còn sống, thì vĩnh viễn ngày ấy bà không bao giờ tha thứ cho ông.
4. Chuyện về mẹ của tôi
Người mà tôi luôn gần gũi yêu thương nhất chính là mẹ. Kể từ khi tôi bắt đầu biết nhớ, thì tôi cảm thấy mẹ là người có vẻ đẹp rất đặc biệt. Mẹ tôi không phải kiểu người vừa nhìn là khiến cho người ta kinh ngạc vì vẻ đẹp rạng rỡ như những tiên nữ trên trời. Vẻ đẹp của mẹ tôi không chỉ toát ra từ dung mạo bên ngoài, mà nó còn tỏa ra nhiều hơn từ con người bên trong của mẹ. Mẹ đẹp theo kiểu khi có một người đàn ông nào đó lướt qua, thường sẽ không để ý đến, nhưng sau khi đi được vài bước, lại giật mình nghĩ phải quay đầu lại để nhìn cô gái mình vừa đi lướt qua một cái. Mẹ là người phụ nữ điềm đạm, nho nhã, hiền thục, nhưng độc lập trong suy nghĩ.

Mẹ tôi là con gái út của bà ngoại, cho nên trong gia đình, mẹ cũng được bố của mình, tức ông ngoại tôi, yêu chiều hơn chút ít. Mẹ tôi dường như cũng cảm nhận được trong hai chị em gái của mình chỉ có mẹ là người được thừa hưởng dung mạo xinh đẹp truyền thống của Tô gia. Mẹ cũng giống tôi, có một đôi mắt phượng đặc biệt, và cũng là một người viết chữ rất đẹp. Mẹ tôi sinh năm 1957. Sau khi mẹ ra đời không lâu, mẹ của mẹ, tức bà ngoại của tôi, do có vài “ý kiến hữu khuynh” nên bị cách ly để thẩm tra. Do sau khi sinh không được ăn uống và nghỉ ngơi đầy đủ, nên cơ thể của mẹ bị suy nhược, yếu hẳn đi, mẹ thường xuyên bị những cơn đau đớn quấy rầy.
Lúc cha của mẹ nhảy lầu tự sát trong cuộc “Đại cách mạng văn hóa”, thì mẹ mới 12 tuổi, sự việc ấy đã khiến cho mẹ bị sốc nặng, có thể nói đó như là một sự hủy diệt. Trong rất nhiều những năm về sau, sau khi cha nhảy lầu chết, xác được khiêng đi, trên nền xi măng ở lầu dưới vẫn còn hai vết lõm sâu do thân thể cha khi nhảy xuống tạo ra, hình ảnh ấy vĩnh viễn in sâu trong óc mẹ, khiến mẹ thường xuyên mơ thấy ác mộng, sau khi tỉnh lại thì thường khóc không ngừng. Một trong những sự việc khiến bà ngoại tôi sau này hối hận nhất chính là không nên dẫn theo hai đứa con đến hiện trường đã xảy ra sự việc, để chúng tận mắt nhìn thấy cảnh tai họa của mối quan hệ giữa người với người, mà người đó lại là cha của chúng!
Sự việc ấy còn để lại cho ba người phụ nữ trong gia đình này một sự sỉ nhục vĩnh viễn không bao giờ xóa đi được. Thật khó có thể tưởng tượng được lúc ấy bọn họ đã phải chịu bao nhiêu nhục nhã khi ở trường và cơ quan.
Phải mất vài năm sau, việc của ông ngoại tôi mới được dư luận dần quên lãng. Chị gái của mẹ tôi hưởng ứng lời hiệu triệu của Mao Chủ tịch, làm người thanh niên trí thức, trở về quê nhà ở vùng xa xôi hẻo lãnh Tứ Xuyên. Sau khi chị gái đi rồi, chẳng có ai bầu bạn cùng mẹ, cuộc sống của mẹ tôi lại càng trở nên cô đơn. Đa số thời gian trong những năm tháng ấy mẹ tôi đều ở nhà đọc hết đống sách cũ mà ông ngoại tôi để lại. Do lúc sinh thời, ông ngoại tôi thông thạo nhiều ngoại ngữ, nên mẹ tôi đã giữ lại cuốn “Mác - Lê nin toàn tập” với bản tiếng Anh, tiếng Đức và tiếng Pháp để tự học mấy ngôn ngữ này, sai sót ngẫu nhiên là đã tự mình lựa chọn một con đường nghề nghiệp cho tương lai.
Sau khi tốt nghiệp trung học, dựa theo chính sách lúc bấy giờ, vì mẹ tôi là người con còn lại duy nhất trong gia đình, nên không cần phải giống như chị tôi đi về những vùng nông thôn định cư ở đó để chịu sự tái giáo dục của đội ngũ bần nông và trung nông lớp dưới. Nhưng mẹ tôi lại khăng khăng nhất định muốn đi khỏi ngôi nhà này, đi khỏi thành phố này, rời xa nơi đã khiến cho bà vô cùng đau khổ vì phải chịu biết bao điều tủi nhục và sự khinh bỉ của mọi người xung quanh. Bà muốn đi đến một nơi thật xa, càng xa càng tốt. Tuy bà ngoại tôi không bằng lòng chút nào, nhưng nghĩ đến việc nếu cứ giữ con ở lại nơi này, những vấn đề của chồng còn lưu truyền lại đến ngày sau có thể sẽ ảnh hưởng đến tiền đồ của con, cuối cùng bà cũng hạ quyết tâm tiễn con đến một nơi thật xa, để con được tự do tự tại bay đi trên đôi cánh của mình.
Chính vì vậy mà mẹ tôi tự nguyện xin đi đến vùng núi dân tộc thiểu số xa xôi nhất của tỉnh Tứ Xuyên. Cũng may nơi mẹ tôi đến là khu vực đồng bằng duy nhất của vùng núi đó, và cũng là nơi tập trung sinh sống của người dân tộc Hán, sản vật phong phú, điều kiện tốt hơn rất nhiều so với nơi mà chị gái của mẹ đã đi. Những người nông dân ở vùng đó đặc biệt rất yêu quý những thanh niên trí thức dân tộc Hán đến từ thành phố. Có sáu đội lớn của mẹ tôi đi đến công xã ấy, mỗi một đội lớn đều bố trí các thanh niên trí thức đến từ năm sáu thành phố khác nhau. Những thanh niên này hoặc là tập trung lại sống cùng nhau, hoặc là tản ra đến ở nhờ trong những gia đình nông dân bản địa. Cho dù là ở đâu, thì những người nông dân nơi này cũng giành những phòng tốt nhất cho họ ở, chia những loại gạo và mì tốt nhất cho họ ăn. Sự thuần phác và lương thiện của những người dân quê nơi đây đã làm mẹ tôi vô cùng cảm động. Từ nhỏ, ở trong một cơ quan lớn, điều mẹ trải qua toàn là những việc đấu tranh, tranh giành cấu xé lẫn nhau và cuộc vận động cách mạng đẫm máu, mẹ chưa bao giờ có thể hình dung ở trên thế giới này vẫn còn có một nơi tốt đẹp như vậy, vẫn còn một kiểu chân thành và thuần phác như vậy.
Do mẹ là một người viết chữ rất đẹp, lại cộng thêm việc đã từng học qua mấy ngoại ngữ, đúng lúc trường trung học trong công xã khôi phục lại việc dạy học tiếng Anh nhưng chưa tìm được giáo viên Anh ngữ, mẹ liền được chọn đến trường trung học của công xã làm giáo viên dân lập. Giáo viên dân lập không phải là trọn đời làm giáo viên công chức nhà nước, có công ăn việc làm ổn định, mà chỉ là công việc tạm thời giúp đỡ cho công xã dạy học, tất cả lương thực và toàn bộ tiền trợ cấp được khấu trừ ở trong đội sản xuất, và cùng với nông dân ở trong đội chia rau, chia lương thực, chia thịt. Bình thường lúc trường học bắt đầu khai giảng, thì ở trường dạy học, sau khi học sinh tốt nghiệp hoặc nghỉ đông, nghỉ hè, thì giáo viên dân lập lại quay về đội sản xuất của mình cùng với nông dân làm việc, sinh sống.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận