Cố Cửu và Thiệu Dật ở lại thêm hai ngày để dự hôn lễ của Phạm Vịnh Trăn và Phương Bích Xảo, sau đó nhận thù lao cha Phương gửi cho rồi lên xe lừa đi tiếp vào quận Vĩnh Bình.
Trên đường rời khỏi thôn Hồ Thượng, bọn họ có đi qua một vách núi, khi đến đây bỗng dưng mấy con sơn mị nằm dưới móng Tiểu Đệ cứ lúc la lúc lắc không ngừng.
Tiểu Đệ cúi đầu ngậm một con đặt lên đầu gối của Cố Cửu rồi ngẩng lên meo một tiếng.
Thiệu Dật lập tức dừng xe, nơi này đúng là chỗ người câm Trương bị ngã, đã hơn một tháng trôi qua, những dấu tích còn lại của vụ tai nạn đã sớm biến mất không còn gì cả.
Nhóc người giấy đang ngồi trên vai Thiệu Dật nhanh nhẹn nhảy sang vai Cố Cửu, theo cậu xuống xe.
Cố Cửu bốc cả hai con sơn mị còn lại lên cầm hết trong tay, cậu lần lượt thò tay chọt từng con một.
Ba đứa nhóc này đi theo người câm Trương hơn một tháng, bởi vì hắn ta bận rộn chuẩn bị hôn lễ cho nên bọn chúng hầu như chỉ bị sai vặt tới lui chứ chưa kịp tham gia làm việc ác, chưa tới nỗi hoàn toàn hư hỏng.
Hai ngày nay Tiểu Đệ và bé người giấy đã thay phiên nhau “giáo dục” lại bọn chúng, chắc chắn cho dù sau này chúng có cơ may lớn lên đi nữa, trở nên mạnh hơn thì cũng không dám đi hại người ta đâu, vì bị ám ảnh tâm lý.
Cố Cửu tiến hành làm công tác tư tưởng cho chúng lần cuối: “Bây giờ ta sẽ tha cho bọn mi về núi, sau này ngoan ngoãn ở trong đó không được ra ngoài nữa.
Nếu lần sau còn gặp phải quỷ xấu thì phải biết đường mà chạy cho nhanh, kẻo lại bị bắt làm nô dịch nữa, biết chưa? Cũng tuyệt đối không được làm chuyện sai trái, nếu không nghe lời sẽ bị móng mèo xé nát chẳng còn một mẩu luôn!”
“Ê a!” Nhóc người giấy vô cùng nghiêm túc phụ họa bài giảng của Cố Cửu.
Nhìn ba đứa sơn mị run lập cập dán dính vào nhau thành một cục là đủ để thấy lời nói của Cố Cửu rất có trọng lượng.
Tiếp đó, cậu vung tay lên thả bọn chúng ra, ba con sơn mị vội bay cái vèo thoát khỏi tay cậu, cắm đầu bay về phía trước, thế nhưng sau khi bay xa được một đoạn thì bọn chúng bất ngờ quay đầu lại nhìn nhóm Cố Cửu, có vẻ hơi lưu luyến.
Cố Cửu thấy vậy bèn vẫy vẫy tay với chúng nó, lần này ba con sơn mị mới thực sự quay người bay về rừng không ngoái đầu lại nữa, ba cụm khí nho nhỏ nhanh chóng mất hút sau những tán cây rậm rạp.
“Hây da.” Cố Cửu thở dài.
Thật ra sơn mị ngây thơ cũng rất đáng yêu, chúng nó dễ dàng thành hình nhưng lớn lên thì lại khó.
Sơn mị rất chậm lớn, cả chục năm vẫn chỉ to bằng cục nắm, không lớn lên được bao nhiêu.
Cố Cửu chợt nghĩ tới việc sau này nuôi vài con sơn mị để cho vui cửa vui nhà lúc tuổi già cũng hay.
“Y~” Người giấy bé bắt chước Cố Cửu thở dài một hơi.
Cố Cửu dở khóc dở cười, xòe tay ra cho nó trèo vào, chọt chọt vào đầu nhóc ta: “Nhóc thở than cái gì hử? Ghiền nuôi trẻ con rồi đấy phỏng? Anh đây nhìn thấy nhóc mới phải thở dài đây này.”
Đứa bé này chỉ còn sống được năm ngày nữa mà thôi, năm ngày sau nó sẽ vĩnh viễn ngủ say.
“Ê a….” Người giấy ôm lấy ngón tay của Cố Cửu mà cọ cọ, an ủi để cậu đừng buồn.
Nó vốn là một tờ giấy trắng bình thường, là Cố Cửu đã cho nó sinh mệnh và ý thức để nó được trải qua một cuộc đời đầy màu sắc, dù cuộc đời đó có ngắn ngủi đi nữa thì nó đã rất rất vui vẻ rồi.
Cố Cửu bị nó cọ đến nỗi lòng mềm nhũn cả ra, cậu chép miệng thở dài, phải chi gặp được một cơn mưa công đức Cam Lộ thì tốt rồi, như vậy thì nhóc người giấy có thể có thêm được năm ngày tuổi thọ, thế nhưng công đức Cam Lộ rất hiếm thấy, chỉ khi nào siêu độ được ác quỷ tội ác tày trời hoặc một lượng lớn vong hồn một lúc thì mới được, phải có cơ duyên.
Cố Cửu mặc cho bé giấy chạy chơi lung tung trên người mình, nhìn nó nắm vạt áo mình rồi rướn người qua kéo lấy cái đuôi xù của Tiểu Đệ khiến mèo đen nhe răng gầm gừ với nó thì khẽ mỉm cười, cảm giác buồn rầu cũng vơi đi nhiều.
Đi đường hơn một ngày, đêm đó nhóm Cố Cửu ngủ tạm ngoài trời, sáng hôm sau vào đến quận Vĩnh Bình.
Sau khi vào thành, Cố Cửu và Thiệu Dật tìm một quán trọ thuê phòng, cất hành lý xong xuôi cũng không nghỉ ngơi mà ra ngoài đi dạo.
Trời đã trở lạnh, họ cần mua sắm một ít đồ dùng cho mùa đông, hầu như đều là đồ để vũ trang cho Cố Cửu hết, dù sao thì Thiệu Dật có mặc quần áo mùa hè vào mùa đông cũng chẳng thấy lạnh, Cố Cửu thì ngược lại, ước gì trên người mình mọc được một lớp lông xù thiệt dày để ngủ đông cho rồi.
Dân gian truyền rằng muốn ấm thân thì phải ấm chân cho nên việc giữ ấm tay chân được Cố Cửu đặt lên hàng đầu, mỗi năm trời bắt đầu lạnh thì cậu sẽ đi tìm mua bông tốt về để may mấy đôi vớ dày.
Biết Cố Cửu dễ bị bệnh vặt nên Thiệu Dật còn ghé ngang hiệu thuốc mua thêm ít thuốc bổ để sẵn, có thể về sắc cho Cố Cửu uống trước để phòng bệnh.
Cuối cùng hai người như thường lệ tìm đến tiệm bán đồ cúng mua giấy vàng vẽ bùa và chu sa, gạo nếp cũng mua thêm luôn.
Hai người ôm một đống đồ quay về quán trọ vừa lúc gặp một đoàn cỡ hai mươi mấy người lục tục tiến vào mướn phòng, nam có nữ có, người lớn nhất khoảng bốn mươi tuổi, nhỏ nhất là mấy đứa bé mới chừng năm, sáu tuổi.
Bọn họ ai nấy mặt ủ mày chau, có người còn khó chịu ra mặt, liên tục bàn tán chuyện gì đó vô cùng rôm rả, trông có vẻ bức xúc lắm, làm cả sảnh dưới của quán trọ ồn ào cả lên.
Đã sắp đến giữa trưa, Thiệu Dật xách đồ đạc lên phòng, Cố Cửu thì tìm bàn trống ngồi vào gọi món chuẩn bị ăn cơm.
Ông chủ quán đang sắp xếp phòng ở cho đoàn người kia, Cố Cửu ngồi gần đó tình cờ nghe được ông ta hỏi người đàn ông trung niên lớn nhất trong đoàn: “Chẳng phải các vị là gánh hát nhà họ La mới mời đến sao? Sao lại ra đây thuê phòng? Chẳng lẽ các vị cũng bị đuổi ra ngoài à?”
Người đàn ông rầu rĩ nói: “Ông cũng nghe chuyện rồi à? Tôi là bầu gánh của gánh Vinh Hoa này đây.
Chúng tôi đi đường xa đến đây, mới vào nhà họ La ở được có hai ngày đã đột ngột bị mời đi.
Ông nói xem bọn họ có quá đáng không cơ chứ? Chẳng lẽ trêu đùa chúng tôi thế vui lắm à?”
Ông chủ tỏ vẻ đồng cảm nhìn bọn họ, nói: “Tôi nói thật nhé, các vị thế này là đã may mắn rồi đấy, gánh hát vừa được mời tới trước các vị còn bị dẫn lên quan cơ.
Nhà họ La bảo gánh hát đó muốn mưu hại người nhà bọn họ.”
Ông bầu gánh vừa nghe đã há hốc miệng, giật mình hỏi dồn: “Sao lại thế được? Chuyện thế nào?”
Ông chủ nhìn xung quanh cảnh giác xem có ai nghe lén không rồi hạ giọng nói: “Có phải gánh của ông bị đuổi ra vì có người nói con nít trong đoàn không nghe lời, nửa đêm còn ra ngoài hát tuồng không?”
“Đúng đúng!” Ông bầu gật đầu lia lịa, ông ta cũng đã thắc mắc chuyện này rất lâu, lấy làm lạ nói: “Con nít trong đoàn chúng tôi làm sao chúng tôi lại không biết được.
Mấy nhà giàu có này quy tắc nhiều ghê lắm, chúng tôi luôn trông chừng bọn trẻ kĩ càng, ngoại trừ lúc dựng kịch ra thì không bao giờ để chúng chạy trong sân cả, càng khỏi nói tới nửa đêm, đêm hôm khuya khoắt có ai điên đâu mà không lo ngủ còn ra ngoài hát tuồng?”
Ông chủ tỏ vẻ quả nhiên là thế, tiếp tục kể: “Các vị là gánh hát thứ ba được nhà họ La mời đến rồi, hai đoàn đầu cũng bị đuổi ra ngoài vì cùng một lý do như thế.
Mà đoàn thứ hai là thảm hơn cả, không những bị đuổi mà còn bị mời lên quan nữa, ông nói xem có xui xẻo không cơ chứ.
Tôi nói khí không phải chứ các vị đây thế là còn may, đừng có tìm cách trở lại đó nữa, dẫn bọn nhỏ đi chỗ khác đi, có nhiều người đồn rằng nhà họ đang bị quỷ ám đấy.”
Cố Cửu đang bưng tách trà nóng nhâm nhi nghe đến đây nhịn không được phải liếc sang xem thử.
Cậu ngồi gần quầy, tai lại thính nên dù ông chủ đã cố tình nói nhỏ nhưng cậu vẫn có thể nghe được hết không sót một chữ.
“Quỷ ám sao?” Bầu gánh Vinh Hoa rụt cổ lại, lạnh cả sống lưng.
Ông nhìn thấy ông chủ đã sắp xếp phòng xong hết bèn xua mấy diễn viên và bọn trẻ về phòng, ông ta thì ở lại tiếp tục hỏi chuyện về nhà họ La.
Ông chủ thấy ông ta tò mò nên cũng sẵn lòng kể.
Nhà họ La là một nhà phú hộ trong thành.
Ông La sinh được ba đứa con, hai nam một nữ.
Con trai trưởng tên là La Minh Đạt, là con của vợ cả, con trai thứ hai La Minh Thông và con gái út La Minh Nhã cũng là dòng chính nhưng không cùng mẹ với La Minh Đạt mà là con của vợ kế.
Năm năm trước, cậu cả La quậy một trận tưng bừng, khăng khăng cưới một người đàn ông về làm vợ, người này từng là kép hát đầu bài trong một gánh hát nổi tiếng, chuyên trị vai thanh y, tên là Tiểu Ngọc Nhi.
Vì chuyện cưới xin có một không hai này mà La Minh Đạt bị tước quyền thừa kế, vốn nhà họ chưa phân ra ở riêng nhưng y lại tự ý dẫn Tiểu Ngọc Nhi dọn ra ngoài ở, thế nhưng chưa đầy một năm thì Tiểu Ngọc Nhi đã ốm liệt giường rồi qua đời.
Kết cục này khiến rất nhiều người ái mộ nhan sắc và tài năng của Tiểu Ngọc Nhi tiếc thương vô hạn, nhưng rồi thời gian trôi qua, cái tên này cũng dần chìm vào quên lãng.
Thoáng cái mà đã năm năm, trong khoảng thời gian này ông La cũng già yếu rồi ra đi.
Năm nay vừa đến hạn mãn tang ông La, lại đúng là năm đại thọ của bà kế La nên nhà họ muốn ăn mừng lớn, mướn gánh hát nổi tiếng về hát giúp vui.
Ai mà ngờ được gánh hát vừa đến thì nhà họ La cũng bắt đầu chuỗi ngày tháng sống không yên ổn.
Cứ mỗi khi đêm về là lại có một giọng hát tuồng văng vẳng văng vẳng khắp khu nhà rộng lớn, thế nhưng họ điều tra mãi mà không tìm ra ai là thủ phạm.
Tiếng hát đó tựa như tiếng kêu khóc thảm thương ai oán, khiến những người tình cờ nghe thấy không tài nào quên được, có mấy người còn bị ám ảnh đến muốn phát bệnh luôn.
“Dáng vẻ yêu kiều của Tiểu Ngọc Nhi năm xưa nói hoa nhường nguyệt thẹn cũng không quá, không những vậy cậu ta còn được trời ban cho một giọng ca như oanh như yến, lúc ấy không biết bao nhiêu người đã vung tiền như rác vì Tiểu Ngọc Nhi.
La Minh Đạt là kẻ ăn chơi, đá gà chọi chim không ngón nào không thạo, học hành sự nghiệp thì lại chẳng đến đâu.
Hắn ta ưa đến chốn phong lưu, nghe đồn năm đó hắn say mê Tiểu Ngọc Nhi đến phát cuồng nên đã ép cưới cậu, khiến cậu buồn rầu rồi sinh bệnh, chống chọi không được bao lâu đã đi mất.” Nghe giọng điệu trong lời thuật lại của ông chủ là đủ biết ông ta coi thường nhà họ La và tiếc thương Tiểu Ngọc Nhi thế nào.
“Tôi nghe nói tiếng hát u sầu mỗi đêm trong nhà bọn họ giống như đúc với tiếng của Tiểu Ngọc Nhi khi còn sống.
Tôi đồ rằng chính là oan hồn của cậu ấy quay về báo thù.”
Bầu gánh Vinh Hoa ngẩn ngơ lẩm bẩm: “Thì ra có cả một câu chuyện như thế…”
“Chuyện còn chưa hết đâu.” Ông chủ bĩu môi.
“Trước kia La Minh Đạt đùng đùng dọn ra ở riêng, sau khi Tiểu Ngọc Nhi chết đi hắn vẫn lưu linh lưu địa sống ở ngoài một năm trời, cuối cùng nhân dịp La lão gia qua đời liền dọn về nhà trở lại, tiếp tục cuộc sống đàng điếm như trước đây.
Hiện giờ nhà họ La do cậu hai La Minh Thông quản lý, mỗi khi tiêu pha hết sạch hắn lại quay về vòi tiền em trai mình.”
Ông chủ quán trọ này đúng là một người ưa hóng hớt, kể tuốt tuồn tuột hết chuyện nhà người ta rồi mà còn chưa đã thèm muốn nói tiếp, nhưng cũng nhờ vậy mà Cố Cửu nghe ké được đầu đuôi câu chuyện.
Thiệu Dật cất đồ xong đi xuống lầu ăn cơm liền nhìn thấy sư đệ mình đang ngồi uống trà, thoạt trông thì có vẻ nghiêm túc chỉn chu đấy, nhưng mà nhìn kĩ lại mới thấy cậu chỉ ngồi có phân nửa mông thôi, sắp lọt xuống sàn đến nơi.
Thiệu Dật tiến lại gõ gõ lên bàn, ý bảo Cố Cửu ngồi cho cẩn thận đừng có mà để té lăn cù.
Cố Cửu nhìn thấy sư huynh bèn hăng hái vẫy tay ra hiệu cho hắn lại gần, hí hửng kể lại câu chuyện cậu mới vừa nghe được.
Hai người họ cần công đức và cần kiếm tiền, nếu người ta khó khăn quá thì thôi, nhưng mà nào có ai đi chê tiền đâu chứ, vì vậy những gia đình giàu có như nhà họ La cũng không thoát khỏi tầm ngắm của Cố Cửu, dù sao bản chất cũng đều là bắt quỷ cả, lợi cả đôi đàng, tội gì bỏ qua.
Thế là sau khi ăn cơm trưa xong hai người bèn xuất phát đi đến khu vực gần nhà họ La xem thử.
Nhà họ La quả nhiên là phú hộ giàu có nhất nhì vùng này, chỉ một khu nhà ở của bọn họ thôi mà đã chiếm diện tích gần bằng phân nửa dãy phố rồi.
Lúc này trước cửa nhà họ ngựa xe nườm nượp, những chiếc xe ngựa liên tục đến rồi đi, mỗi lần xe đỗ xịch lại là có khoảng mười mấy gia đình túa ra khiêng đồ từ trên xe xuống mang vào nhà, chắc hẳn đây là những thứ cần dùng cho lễ mừng thọ của bà kế La.
Nhưng mà có lẽ vụ hát tuồng ban đêm đó cũng ảnh hưởng không ít đến tinh thần của mọi người, cứ như một cụm mây đen u ám che phủ trên nhà họ vậy, ai nấy đều chỉ chăm chú làm cho xong việc chứ không trò chuyện rôm rả.
.
Cố Cửu và Thiệu Dật tránh trong góc khuất quan sát một lúc lâu mà không thấy có gì bất thường, đang định rời đi thì bỗng nhìn thấy một người đàn ông cao lớn tuấn tú nghênh ngang bước ra từ cửa chính.
Người nọ bước đi xiêu vẹo, trong tay còn cầm theo một cái lồng chim, vừa đi vừa huýt sáo trêu đùa con chim trong lồng, phía sau có hai tên hầu đi theo, nhưng rõ ràng ánh mắt bọn họ nhìn người đó không hề tôn kính mà mang theo vẻ khinh khi và chán chường.
Ba người dừng ngay trước cửa, Cố Cửu nghe thấy người nọ quát hỏi tên quản sự đang coi chừng người hầu dỡ hàng: “Xe ngựa đại gia ta cần đâu? Sao giờ này còn chưa thấy nữa hả?!”
Tên quản sự kia cười đầy nịnh nọt nhưng vẫn không giấu được vẻ coi thường: “Đại gia, ngài cũng biết hai ngày nay trong nhà rất bận, mấy chiếc xe ngựa đều được tận dụng tối đa.
Ngài chỉ ra ngoài vui chơi thôi, không điều xe cho ngài được, ngài chịu khó sai người mướn xe ngựa ngoài đi vậy.”
Gã còn đang nói thì một chiếc xe ngựa khác từ cửa ngách trờ tới, sau đó lại có mấy người nữa từ cửa chính bước ra, là một người đàn bà dẫn theo một đám nha hoàn và ma ma.
Tên quản sự vừa nhìn thấy nhóm người đó liền vội thay đổi thái độ ngay tắp lự, tiến đến ân cần hầu hạ người đàn bà kia bước lên xe.
Người đàn ông thấy vậy bèn nổi trận lôi đình, mắng um lên: “Không phải ngươi vừa nói không có xe sao? Thế chiếc xe này trên trời rớt xuống đấy à?!”
Tên quản sự cười khẩy: “Đại gia à, đó là xe ngựa chuẩn bị cho phu nhân, bà chủ của nhà ta nên đương nhiên đãi ngộ không giống với người khác rồi.”
“Ngươi!” Người đàn ông giận dữ chỉ thẳng vào mặt tên quản sự định chửi cho một trận, nhưng sau đó y được hai kẻ hầu khuyên nhủ vài câu bèn miễn cưỡng nuốt cơn giận xuống bỏ đi, trước khi đi còn mắng một câu: “Đồ mắt chó, có mắt không tròng!”
Người này ắt hẳn là cậu cả La theo lời kể của ông chủ quán trọ, La Minh Đạt.