Ngày xửa ngày xưa, có một cô gái lưu manh tên là Lã Thiên Ân.
Trước khi kể tiếp, tôi muốn các bạn biết rằng đây không phải là một câu chuyện cổ tích. Nó một trăm phần trăm là câu chuyện hiện đại ở thế kỷ hai mốt. Vậy tại sao tôi lại bắt đầu bằng câu “ngày xửa ngày xưa” – Câu nói kinh điển dùng để mở đầu bất cứ một câu chuyện cổ tích nào?
Tại sao ư?
Vì tôi muốn nó thần kỳ giống một câu chuyện cổ tích chăng?
Có thể.
Vì tôi muốn gây ấn tượng cho câu chuyện?
Nhiều phần trăm.
Nhưng cái lý do lớn nhất đó là cô gái lưu manh này có hoàn cảnh khá giống một nhân vật cổ tích được yêu thích – Lọ Lem. Thế nên tôi chọn cách bắt đầu câu chuyện giống như truyện “Cô bé Lọ Lem” để kể về nàng Lọ Lem đường phố của tôi.
Một Lọ Lem không nhu mì, chẳng đảm đang, chưa bao giờ tháo vát. Một Lọ Lem tin vào những điều kỳ diệu nhưng không tin vào bà tiên. Với cô, những điều kỳ diệu là do tự mình tạo ra. Đừng trông chờ thứ từ trên trời rơi xuống! Ngu ngốc nhất là dựa dẫm vào một niềm tin phi thực tế.
Lọ Lem đường phố – Cô gái lưu manh, trong từ điển của cô không có hai từ “cam chịu”. Cô mạnh mẽ và vô cùng ngạo mạn. Ông trời thử thách cô? Cô sẽ thách thức ngược lại. Làm tổn thương cô? Cô sẽ đạp bẹp tất cả tổn thương. Một Lọ Lem không cho phép ai đứng trên đầu mình mà sai bảo.
Viết về Lọ Lem thì không thể không nhắc đến bạch mã hoàng tử. Thế nhưng Lọ Lem của chúng ta lại là người đặt tình yêu sau nhiều thứ. Với cô, tình yêu không quá quan trọng và cũng chẳng phải là tất cả. Tương lai mới là thứ phải bỏ nhiều công sức.
Nói bấy nhiêu đó đủ rồi, bây giờ chúng ta bắt đầu câu chuyện thôi nào!
Ngày xửa ngày xưa, có một cô gái lưu manh tên Lã Thiên Ân. Giống như bao cô gái lưu manh khác, trước khi trưởng thành thì cô là một đứa trẻ và chắc chắn rằng cô có một tuổi thơ, một tuổi thơ mà nói là vui cũng đúng mà nói buồn thì cũng chẳng sai. Nhưng dù sao nó cũng đã trôi qua nên hãy thôi nhắc lại quá khứ.
Và hôm nay chính là ngày số phận của Lọ Lem được ứng nghiệm vào cô – Ngày ba cô mất.
Những lẵng hoa tươi đủ màu sắc rực rỡ đặt khắp nhà như để làm rõ hơn nét héo úa trên gương mặt những người đang đội chiếc khăn tang. Khói nhang trầm bay nghi ngút làm căn nhà có phần mờ ảo, ảm đạm. Cảm giác mất mát thê lương bủa vây mọi ngóc ngách trong ngôi nhà.
Trên bàn thờ, đặt ngay trước linh cữu là tấm hình người đàn ông có gương mặt phúc hậu cười hiền từ. Trong chiếc quan tài láng bóng còn thơm mùi sơn PU, cũng chính người đàn ông đó đang nằm duỗi thẳng hai chân, hai tay đan trước ngực, gương mặt bình thản với đôi mắt đã nhắm mãi không bao giờ mở ra.
Mọi người đều quá mệt mỏi vì đã khóc quá lâu, chỉ có hai người lì lợm vẫn còn quỳ dưới đất khóc rũ rượi như sợ người ta không biết mình đau lòng.
Một trong số đó là người không thể thiếu trong việc làm nên cuộc đời Lọ Lem – Bà mẹ kế – Nguyễn Ánh Mai. Bà đang gục đầu vào vai cô con gái của mình mà gào thật to, gương mặt nhăn nhó quằn quại để người ta không thể nhìn thấy rằng mắt bà không hề có một giọt nước mắt nào.
Bên cạnh bà, người đang bị mẹ mình gục đến rã vai là cô con gái ruột – Lã Uyên Đan. Một cô gái vô cùng duyên dáng và thướt tha. Đến cả cái cách lau nước mắt và nấc lên cũng duyên dáng và thướt tha. Dù sao cũng là cha ruột, những giọt nước mắt kia có thể tính là thật lòng.
Còn cô gái đang đứng phía xa dựa người vào bức tường, gương mặt trơ ra như gỗ đá, chẳng có vẻ gì là đau buồn trước cái chết của ba ruột chính là cô gái của chúng ta – Lã Thiên Ân.
Bà con họ hàng xì xào chỉ trỏ không ít. Những câu hỏi kiểu như “Ba mất mà sao con bé vẫn tỉnh bơ vậy?” cứ lạo xạo bên tai cô.
“Chết tiệt! Muốn biết thì tới hỏi thẳng tôi này, ở đó bàn tán thì có thể tìm ra câu trả lời sao?” – Ân lẩm bẩm, đôi mắt cơ hồ ánh lên vẻ khó chịu.
Rời khỏi bức tường, với những bước chân lững thững, cô tiến về phía quan tài.
Không quỳ, không khóc, một nén nhang cũng không đốt, cô đứng trơ ra nhìn chằm chằm vào người đàn ông đã trút hơi thở mười hai tiếng trước.
__Nhắm mắt xuôi tay rồi là có thể thảnh thơi chứ gì! Giỏi thì dậy mà sống tiếp đi. Nằm đấy làm gì? Muốn xem mọi người khóc hết nước mắt à? Đồ xấu xa!__
Sau một hồi nhìn không chớp mắt, Ân quay người bỏ về phòng mình. Họ hàng nội ngoại lại được thêm một phen xì xào.
Quả nhiên như lời đồn, con gái lớn của Lã chủ tịch có dung mạo và khí chất y như… phù thủy.
Tiếng bàn tán còn đang rộ lên thì Ân xuất hiện trong bộ đồng phục trường Thiên Hạ. Một tay bỏ túi áo khoác, tay kia giữ cái quai cặp đang được khoác sau lưng.
“Cháu muốn đi đâu vậy?” – Thấy Ân tiến về phía cửa lớn, bà bác vội lại gần.
“Bà không thấy cháu mặc đồng phục à?” – Bất ngờ xoay người lại nhìn thẳng vào bà bác, Ân chau mày.
“Ba cháu mới mất mà cháu muốn đi học sao?” – Bà bác có vẻ không vừa ý.
“Thế không cần học nữa à? Ở lại thì ba cháu sẽ sống lại sao?” – Ân nhướn mày nhìn bà bác của mình. Thấy bà không thể thốt lên lời nữa, cô khẽ cúi đầu rồi xoay người bỏ đi.
Nhìn theo bóng Ân, bà bác chậm rãi lắc đầu. Sự tức giận trong ánh mắt nhanh chóng bị thay thế bằng tia nhìn thương cảm.
__Không có mẹ bên cạnh nên tính tình kỳ quái. Đáng thương thật!__
Ân là thế, ánh mắt thờ ơ, nét mặt vô cảm, ăn nói khó nghe. Mặc kệ người khác nghĩ gì về mình, cô vẫn bình thản như không.
Trung học cơ sở Thiên Hạ là ngôi trường điểm hàng đầu Đà Lạt. Đầu vào lấy điểm rất cao vì thế học sinh khá ít và chất lượng học tập thì vô cùng đảm bảo. Học sinh của trường chính là sự lựa chọn hàng đầu của các nhà hảo tâm muốn đài thọ cho nhân tài ra nước ngoài du học.
Trong trường, mỗi khối có sáu lớp và hệ thống lớp học được chia theo năng lực học tập. Cao nhất là lớp A, gồm những học sinh có thành tích gần như tuyệt đối về các môn và hạnh kiểm tốt. Thấp nhất lớp F, là những học sinh học giỏi nhưng không đều các môn và có chút quậy phá.
Mỗi tháng, trường đều tổ chức một cuộc thi đánh giá lại năng lực học tập và xếp lại lớp học. Với truyền thống này, học sinh không học cố định một lớp lâu vì bảng xếp hạng thường thay đổi liên tục. Tuy nhiên, cái tên luôn giữ vị trí đầu bảng lại không hề thay đổi – Lã Thiên Ân.
Là nhân vật nổi tiếng trong trường và là niềm tự hào của các giáo viên, không lạ gì khi chuyện gia đình Ân có tang nhanh chóng truyền đến tai mọi người, trở thành chủ đề để giáo viên chủ nhiệm lớp 9A đề cập trong mười lăm phút đầu giờ.
“Các em, nhà bạn Thiên Ân hôm nay có tang, sau giờ học lớp chúng ta hãy đến viếng và an ủi bạn.” – Thầy giáo chủ nhiệm vừa nói xong thì lập tức cả lớp nhao nhao bàn tán.
“Không cần đâu.” – Chất giọng ngang phè đặc trưng của Ân vang lên ngoài cửa lớp làm cả giáo viên lẫn học sinh giật mình.
“Thiên Ân? Sao giờ này em lại ở đây?” – Quay nhìn ra cửa lớp như còn sợ mình nhận nhầm giọng, thầy chủ nhiệm không khỏi ngạc nhiên.
“Giờ này không ở đây thì ở đâu?” – Ân làu bàu.
Cô thừa sức hiểu ý tứ của thầy nhưng sở thích của cô là cố tình không hiểu gì. Bằng điệu bộ tỉnh bơ, cô đi xuống chỗ của mình ở cuối lớp.
Suốt các tiết học, giáo viên bộ môn hầu hết dành riêng cho Ân ánh mắt ngạc nhiên. Sự xuất hiện của cô trong lớp học vào thời điểm này quả là điều không tưởng.
Đến tiết Ngữ văn, mọi thứ còn được cường điệu hơn một bậc. Nguyên một tiết học, cô giáo Hân chỉ dành để giảng về “nỗi buồn sinh ly tử biệt”.
Cố nén tiếng thở dài, Ân đảo mắt nhìn ra cửa sổ như đang truyền sự chán nản ra bên ngoài.
Mùa hè sắp đến, ánh nắng trưa cũng trở nên gay gắt hơn. Chói mắt, cô miễn cưỡng thu tầm nhìn vào trong lớp, những khối hình vuông, hình tròn ảo giác cũng theo đó mà xuất hiện.
Cuối cùng, một tiếng chuông kết thúc tất cả những chịu đựng cũng vang lên, Ân trở về nhà trong tâm trạng khá tệ.
Đám tang nào mà chẳng ngập trong nước mắt, nghĩ đến đó thôi là cô đã đủ phát hãi rồi. Cảnh tượng ở nhà, không cần nhìn cũng biết.
Trong ánh nắng trưa như đổ lửa, những tiếng khóc đủ mọi cung bậc, đủ mọi âm điệu quyện vào nhau rồi tỏa đều vào không gian như lời than trách ông trời.
Đứng dựa người ngoài cổng một hồi lâu để lắng nghe bài ca ai oán đang vọng ra từ trong nhà, Ân nhắm hờ hai mắt, gương mặt có vẻ trầm tư:
__Không lẽ con phải đến đó đưa ba về sao? Còn không mau dậy đi! Tính đem con bỏ chợ à? Sinh ra thì phải nuôi, nuôi rồi còn phải dạy nữa chứ. Con còn chưa thành người mà ba bỏ đi kiểu đó sao?__
Mặc kệ những suy nghĩ vừa nài nỉ vừa oán trách của cô con gái, mặc kệ nhiệt độ nóng bỏng của lò thiêu, người đàn ông kia vẫn nằm im không hề tỉnh lại, không hề bước ra khỏi quan tài. Và… ông đã thành tro bụi, quay về điểm khởi đầu của con người.
Tro được rải xuống dòng sông trong một buổi sáng trời không có nắng và gió cứa vào tim như sợ những người đưa tiễn chưa đủ đau lòng. Rặng cỏ lau ven bờ ngả rạp xuống như lời chào tiễn biệt. Thế là hết! Oanh liệt thế nào, tài ba thế nào đến cuối cùng cũng chỉ còn lại một nắm tro tàn nằm lặng lẽ nơi đáy sông.
Bà Mai vẫn không ngừng vật vã rồi ngất đi. Mọi người đưa bà về nhà. Buổi tiễn biệt cũng đến lúc phải kết thúc, người chết thì đã chết, người sống tiếp tục con đường phải đi. Bên bờ sông chỉ còn lại gió và một cô gái đang đứng trong gió với thân hình xơ xác.
__Vậy là nhất định phải đi à? Nếu vậy thì đi mạnh khỏe nhé! Hãy thay con ôm mẹ!__
Ân xoay người bước đi, không một lần ngoái đầu nhìn lại. Trên mặt nước, lớp bụi tro vẫn còn lờ mờ trong gió. Người thì đi hết rồi nhưng tro vẫn còn đó. Cuối cùng là ai tiễn ai đây?
Trong những ngày này, ở trường, Ân luôn bị mọi người vây quanh an ủi, động viên.
Nhìn qua một lượt, cô vốn chẳng quen biết ai trong tất cả.
Từng lượt người đến rồi đi như khách du lịch. Vốn văn chương được tận dụng một cách triệt để nhằm mục đích nói ra những lời an ủi cảm động nhất.
Đáp lại sự xởi lởi đáng mệt mỏi đó, Ân cười hời hợt rồi dựa người vào bức tường phía sau, hai mắt nhắm hờ mặc kệ cho những kẻ dư nước mắt đi khóc người dưng kia vây quanh mình nói những lời có cánh, một chữ cũng không lọt tai.
Một ngày chịu đựng thường là một ngày dài hơn bình thường. Nhưng dù dài cỡ nào thì nó cũng phải kết thúc thôi. Tiếng chuông cuối cùng cũng vang lên giải thoát cho Ân.
Chuông vừa dứt, cô xách cặp đi nhanh ra khỏi lớp và chạy một mạch về nhà trước khi bị vây quanh lần thứ n trong ngày.
“Chị có còn là con người không vậy?” – Vừa mới đi đến phòng khách, cái giọng ẻo lả không lẫn vào đâu của Đan đã vang lên. Tiếp sau đó là bước chân dồn dập về phía Ân.
“Chứ mày nghĩ tao là con gì?” – Ân chau mày nhìn Đan đùa cợt.
“Chẳng có đứa con nào mà ba mất vẫn đi học tỉnh bơ như chị.” – Đan quát.
“Thế mày ở nhà khóc lóc thảm thương ba có dậy cười với mày không?” – Ân trừng mắt nhìn đứa con gái trước mặt mình.
“Làm sao có thể?” – Đan cũng không vừa, trừng mắt nhìn lại chị mình ngay lập tức.
“Thì vậy mới bảo mày thôi làm việc thừa thãi đi.” – Ân nhún vai.
“Nói như chị thì đám tang nào cũng có người làm việc thừa thãi à?”
“Chứ còn gì nữa. Ngồi khóc một chỗ có thể giải quyết được vấn đề sao?”
“Sao lại có người máu lạnh như chị cơ chứ?” – Đan tức tối.
“Không lạnh đâu, mày đang làm tao nóng máu đấy.”
“Con làm gì ầm ĩ vậy Đan?” – Bất ngờ, một giọng nói khác vang lên từ phía cầu thang. Nếu không có sự xuất hiện này, có lẽ bao nhiêu bực tức tích tụ mấy ngày nay của Ân sẽ trút lên đầu Đan.
“Không có gì đâu mẹ.”
“Không có gì thì lên phòng nghỉ đi! Mệt mỏi mấy ngày nay rồi.”
Nói rồi bà Mai vẫy tay gọi Đan lại gần và hai mẹ con cùng nhau đi lên cầu thang mà không biết ở phía sau họ, một nụ cười nửa miệng vừa xuất hiện.
__Cảm ơn vì đã sống thật với tôi, người đàn bà tồi tệ!__
Đúng! Việc tốt duy nhất mà bà Mai làm được là bà luôn sống thật với Ân. Không phải con đẻ thì không việc gì phải quan tâm. Không la mắng lại càng không đánh đòn. Hồi bé, Ân và Đan mà cùng quậy phá gì thì cũng chỉ có Đan bị la, còn Ân muốn làm gì thì làm, không đốt nhà là được.
Đảo mắt nhìn quanh ngôi nhà nay thiếu mất một hình bóng (dù rằng hình bóng ấy chẳng mấy khi xuất hiện ở nhà) cuối cùng đôi mắt Ân dừng lại ở bàn thờ, nơi đã có thêm một tấm hình nữa.