Lối đi ngay dưới chân mình


Vết xước
Chị Mùi của tôi đột ngột trở về.
Hai mươi lăm tuổi mà bụng chị đã xệ ra, dáng vẻ đường bệ như một bà chủ.
Chồng chị là con trai của một ông giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn chuyên sản xuất bao bì carton, bao bì nhựa các kiểu, các loại giấy in, giấy pelure, giấy gói, dây nhựa niền thùng... Ở đất cảng Hải Phòng, nơi các tàu buôn quốc ngoại lẫn quốc nội ra vào tấp nập, công ty đó làm ăn trúng lắm.
Tiếng võng đưa cứ như rít lên.
Bố mẹ và tôi, ai cũng gầy gầy, bé nhỏ, có lên võng nằm đưa mạnh, tiếng võng cũng chẳng bao giờ rít lên như thế, có lẽ tại trọng lượng của mỗi người chẳng lấy gì làm ghê gớm.
Sau khi sinh con, người chị tôi cứ xồ ra, “cũng đã tập cả mấy khóa thể dục thẩm mỹ rồi mà không gọn lại được, nên thôi luôn” - Tôi nhớ, chị đã viết thư về cho bố mẹ tôi bảo thế. “Sáu mươi lăm ký, không tụt xuống hơn được”. Sáu mươi lăm ký ột trăm năm mươi tám centimet chiều cao, vị chi mỗi centimet gánh... Tôi bật cười khi quẹt cục than xuống nền bếp làm một con tính.
Tôi nấu cơm xong thì bố mẹ tôi cũng đi làm đồng về.
Bữa cơm có rau muống xào, mấy cái trứng cáy chưng lên và tô nước rau có dầm một quả cà chua. Đang nấu cơm thì chị Mùi lù lù xách túi đi vào ngõ, tôi pha cho chị cốc nước chanh rồi chạy ù ra chợ mua mấy bìa đậu. Tôi ráng đậu vàng lên, cắt ra xếp cũng được đầy một đĩa nhỡ. Trong hủ vẫn còn một ít mắm tôm, tôi múc ra bát giã ớt tỏi cho vào, vắt thêm một chút chanh. Mùi đậu ráng thơm phức, lẫn với mùi mắm tôm, chanh ớt khiến chị tôi nhổm dậy khỏi võng, và chừng như không kìm lòng được chị xuống bếp nhón một miếng đậu chấm vào bát mắm rồi nhai ngon lành. Tôi nhìn chị, chợt thấy gần gũi và thương thương...
*
Long Xuyên.
Chị tôi đặt phòng đôi ở khách sạn Thái Bình rồi kêu xe hon đa lôi chở hai chị em đến Minh Hương Hội Quán. Nhìn chị sì sụp khấn vái trước bàn thờ Ông Bổn tôi lại thấy thương thương...
Em chồng chị là một cậu bé bị bệnh bạch tạng. Mái tóc nó vàng như râu ngô và cặp mắt cứ suốt ngày nheo lại - Nó cận thị khá nặng. Khi xem ảnh, nếu chị không nói có lẽ tôi sẽ bảo rằng đó là một đứa bé lai. Nó học không giỏi lắm và suốt ngày lờ đờ như một người ngái ngủ. Trong căn phòng sang trọng của bố chồng chị, nó lạc lõng và chẳng cần cho bất cứ ai. Mười lăm tuổi, lần đầu tiên có người trong nhà cần nhờ đến nó giúp đỡ. Đang lau dỡ căn phòng khách, chợt nghe tiếng cu con khóc ré lên ở phòng ngủ trên lầu, chị tôi tất tưởi vứt giẻ lau đấy, chạy lên, ngoái cổ bảo nó lúc ấy đang ngồi im lìm ở một góc ghế sa lon:
- Bình! Lau tiếp nhà giúp chị với.
Nó ngẩn người ra một lúc, rồi bắt đầu cầm giẻ lau nhà. Nó lau rất kỹ, tẩn mẩn chùi từng kẻ gạch một. Lau xong được chỗ nào, nó lại cúi sát xuống đất xem đã sạch chưa. Nó bò vào dưới gầm bàn chùi đi chùi lại thật kỹ vệt cà phê ai làm sánh dưới sàn. Hài lòng với công việc của mình, nó cứ thế mà đứng thẳng lên, và đội nguyên cả cái bàn nước lên theo. Tấm kính đặt trên bàn nhào xuống đất vỡ tan, cả cái bình hoa bằng pha lê tuyệt đẹp bố chồng chị tôi mua về từ một chuyến đi Thái Lan làm ăn cũng vỡ nốt. Hoảng hốt, nó cố vẫy ra cho thoát khỏi cái bàn đang đè nặng trên đầu. Choảng! Cái bàn văng vào góc tường, đập vỡ tanh bành cả cái tủ buýp-phê lắp kính màu bày toàn ly, tách ngoại...
Chị tôi đã cho nó mấy cái tát nên thân và rít lên:
- Đồ ăn hại! Cút đi đâu thì cút, còn đứng đó định ăn vạ nữa hả?
Nó đã cút đi thật. Cả năm tháng rồi. Chị tôi khi nguôi giận, cảm thấy mình đã tàn ác với nó quá. Bố chồng chị tôi cho nhắn tin trên đài, trên tivi mấy lần mà cũng không thấy phản hồi gì. Bà vợ của ông sau khi sinh nó được ít lâu thì mất. Nó cứ lừng lững mà lớn lên như một túm cỏ dại. Ông cũng chẳng buồn để ý xem tại sao trông nó lúc nào cũng lờ đờ như người ngái ngủ, tại sao nó cứ nheo mắt muôn thuở, tại sao... Ông biết mình không yêu nó bằng những đứa con khác. Biết chắc nó là đứa con mình đã rứt ruột tạo ra nhưng ông vẫn thấy khó chịu mỗi khi nhìn thấy nước da trắng bủng và mái tóc vàng hoe của nó...
Hai chị em về lại khách sạn. Chị tôi đem các thứ quà đã chuẩn bị trước để biếu người đã viết thư báo tin về thằng Bình ra gói thành một gói. Riết mối dây cuối xong, chị ngồi thừ ra:
- Chị không biết ăn nói ra sao khi gặp nó đây. Chị tát nó mấy cái mà nó giận bỏ nhà đi từ bấy đến giờ. Năm tháng. Nó làm cách nào mà trôi dạt từ Hải Phòng vào đến tận An Giang này chứ.
Tôi ngã người trên giường nệm trải drap trắng. Cậu em chồng của chị tôi sẽ xử sự ra sao khi gặp lại bà chị dâu nhỉ?
*
Giữa những vùng đồng bãi hoang sơ của châu thổ Cửu Long có một giống lúa trời mọc lên như huyền thoại. Không ai gieo, không ai cấy, lúa tự mọc lên, tốt mịt mù và khỏe như thần thánh, không chuột bọ nào phá nổi, không con nước lụt nào phá nổi...
Cây lúa trời cứng cỏi, lá to, hạt nhỏ. Những hạt chín lưa thưa xen lẫn lớp hạt còn xanh... Những mùa đồng nước mênh mông như biển lớn, khạp trong nhà không còn một hạt gạo, rau muống đồng, bông điên điển cũng nhọc nhằn lắm mới kiếm nổi... Lúa trời là những hạt ngọc cứu những người nghèo qua khỏi bước gieo neo. Hạt chín đem về xay, giã, nấu ăn. Hạt xanh còn lại trên cây cho đến khi chín tiếp. Không ai mang về tất cả những hạt chín xen lẫn những hạt xanh. Họ biết nâng niu những hạt ngọc của trời gieo xuống...
*
Roàn... roạt, roàn... roạt...
Tiếng cưa gỗ ở trong sân vang ra tận ngoài ngõ.
Hai chị em tôi đứng lại. Căn nhà của người báo tin đây rồi. Ba cây dưa xếp một hàng thẳng bên cổng trái. Chị tôi e dè đánh tiếng...
Tiếng cưa gỗ dừng lại, rồi một người trông rất khó đoán tuổi bước ra. Anh ta (hay ông ta nhỉ?) có dáng vóc của một đứa trẻ mười hai tuổi, tóc còn rất đen, nhưng mặt thì đầy nếp nhăn như một ông già.
- Thưa, cô hỏi ai vậy ạ?
- Cho tôi hỏi đây có phải là nhà ông Ba Dừa?
- Thưa, phải. Mời hai cô vào chơi, tôi đi kiếm ảnh liền.
“Lâu rồi, cũng mấy năm rồi, khi cái lần đầu vợ chồng thằng Ba đưa về nhà nuôi dưỡng một cụ ông đang sống vật vưởng ở trong chợ Long Xuyên, chòm xóm ai cũng ngạc nhiên, nghĩ cả hai vợ chồng nó điên hết rồi hay là đang tính chơi nổi để lên báo chơi, chứ có được lợi gì từ ông già đó đâu. Hổng biết con cái ổng đâu mà để ổng lê lết ăn xin tội quá. Người ngợm ghẻ lở tùm lum à... Vợ chồng thằng Ba đưa về, phục dịch thuốc thang, chăm sóc cũng hết khẳm mới lành lặn đó. Được ít bữa tụi nó lại chở thêm một cụ cũng vậy nữa về nhà phụng dưỡng... Cái thằng thiệt tốt mà con vợ nó cũng thiệt lành nữa. Nhà tụi nó thì cũng xơ rơ xác rác như cái quán của tao đây thôi. Hiểu nó rồi thì cả làng, cả xóm ai cũng thương. Tụi thanh niên ở đây cũng xúm vô phụ với thằng Ba, chứ bây coi, chăm ấy ông già bà lão sắp xuống lỗ như tụi tao thì biết mấy tiền cho đủ? Già cỡ tao, đau ốm hoài à...”
Tôi ngồi trên cái ghế cây ở ngoài vườn, nhớ lại lời bà già chủ quán nước kể cho nghe khi hai chị em tôi hỏi đường đến nhà anh Ba. Ngoài đời cũng có những người tốt đến thế sao?
Chi tôi đã trở lại, vẻ mừng mừng, tủi tủi:
- Chị gặp thằng Bình rồi. Nó đang tắm ột đứa nhỏ. Nó lạ lắm...
Chị kéo tay tôi đi.
Tôi nhận ra Bình ngay. Mái tóc vàng và nước da thật trắng. Cái lạ mà chị tôi nói đó là cặp kính cận trên mặt Bình. Quả thật, trông nó dễ coi hơn, không có vẻ ngơ ngác như tấm hình nó chụp với cả nhà với cặp mắt nheo muôn thuở.
Nó nói với chị tôi, giọng chậm rãi:
- Em không về nhà đâu. Em sẽ ở đây, vì ở đây em là người cần thiết ít ra là cho đứa bé này.
Nó chỉ vào đứa bé trai chừng hai tuổi đang ngóc đầu lên nhìn nó. Đứa bé đã ngừng vọc nước trong cái chậu tắm từ khi hai chị em tôi đến.
Thằng Bình với tay lấy cục xà bông để trong hộp, trên cái giá gỗ đóng cạnh bờ giếng xuống xoa khắp người thằng bé, kỳ cọ rồi múc từng gáo nước nhỏ dội cho trôi bọt xà bông. Thằng bé nhảy như choi choi, nó cười, và vỗ tay đen đét vẻ thích thú...
- Em còn phải về đi học nữa chứ?
- Ở đây, em cũng được đi học. Em còn đi làm nữa. Em đã biết đánh xe trâu và biết gặt lúa. Em còn biết chẻ củi và nấu cơm. Anh Ba cũng cần em, thằng nhỏ này cũng cần em...
- Anh Ba đã viết thư cho chị về em...
- Em biết rồi. Ảnh có hỏi qua em, ảnh nói cần cho cả nhà biết tin là em còn sống và hiện đang ở đâu để cả nhà không phải lo buồn. Em nói tùy ảnh thôi, nhưng em sẽ không về. Em ở lại. Ở đây em cần ọi người hơn ở nhà.
*
Hai chị em tôi về khách sạn.
Chị tôi nằm vật ra giường nghĩ ngợi. Có mỗi cặp kính cận thôi là thằng Bình đã hết vẻ lờ đờ ngái ngủ. Mỗi một điều đơn giản ấy thế mà sao cả nhà không ai nghĩ ra được nhỉ?
*
Tôi hỏi thằng Lâm:
- Ông hồi trước ở đâu vậy?
Thằng Lâm bứt tóc, vẻ suy nghĩ, rồi nó lắc đầu:
- Tui không kể đâu.
Cứ “tôi không kể đâu” hoài. Nãy giờ tôi hỏi mãi mà chẳng được gì cả về nó, ngoài cái tên, điều mà khi tôi hỏi, nó cũng phải bứt tóc một lúc rồi mới trả lời được.
Lâm chính là cái ông cụ non mà hai chị em tôi gặp hôm đến hỏi thăm anh Ba Dừa. Bằng tuổi với thằng Bình - mười lăm, nhưng Lâm có vẻ mặt của một ông già, thêm cái cung cách bứt tóc mỗi khi suy nghĩ càng làm nó giống ông già hơn.
Bình kể:
- Nhà thằng Lâm ở Định Quán, Đồng Nai. Bố nó mù và nó phải dắt bố đi ăn xin từ khi còn bé tí. Mỗi lần ế ẩm, ông bố nó lại giơ gậy đánh nó giải buồn. Lỳ đòn rồi, nó cũng chẳng ngán mấy đòn gậy đập như đuổi ruồi của ông bố mù đâu, chỉ có điều từ những lúc đó nó đâm ra có thói quen bứt tóc. Ban đầu thì chẳng để làm gì cả, ngồi buồn, nó nhẩn nha tự nhổ từng sợi tóc. Sợi tóc giựt khỏi ra đầu nghe tê tê, êm êm... nó khoái, cứ nhổ mãi, đầu trọc từng mảng nhỏ.
Thằng Lâm xách quần áo ra giếng giặt. Người nó còm nhom, xương sườn lộ ra đếm được từng dẻ.
Thằng Bình tự dưng mĩm cười:
- Chị mà gặp thằng Lâm hồi nó mới đến đây thì sợ phát khiếp lên được. Nó rất lười tắm, sợ nước vô cùng, suốt ngày cứ ru rú trong góc nhà rồi bứt tóc thôi. Nó bỏ ông bố mù đi vì nghe mấy người bảo ông ấy không phải là bố nó, chỉ là người thuê mướn nó thôi. Nó bỏ đi để tìm bố mẹ thật của nó đấy.
Tôi theo Bình vào nhà. Thằng bé mà Bình tắm hồi trưa không chịu cho tôi bế, nó chưa quen tôi. Nó ôm lấy cổ Bình, khua khua hai bàn tay bé xíu lên mặt, lên tóc Bình.
- Ba Bình ru Đức ngủ nha.
Thằng bé cười ngỏn nghẻn. Nó vỗ vỗ vào miệng Bình rồi ngửa cổ ra sau cười hắc hắc.
Bình đặt nó xuống giường, buông màn cẩn thận, rồi vỗ về nó, vừa hát nho nhỏ bài gì đó.
Tôi ngồi ngoài sân chờ Bình ra.
Nó ngồi xuống một khúc cây chưa xẻ, nói mà không nhìn tôi:
- Anh Ba đưa thằng Đức về nhà khi nó lên cơn sốt. Ai đó bỏ nó ở bến phà Long Xuyên. Thằng nhỏ được bọc trong mấy cái tã rách nát, cũ vàng, khóc không thành tiếng nữa rồi. Nó còn đang bú mẹ, vậy mà... Chị Ba phải bế nó đi khắp xóm xin người ta cho nó bú nhờ. Cụ Tiến trong nhà đặt tên cho nó là Đức. Khi em đến, nó đã biết chạy lũn cũn, nó cứ bám theo em hoài gọi em là “ba, ba”. Em thấy thương nó quá. Không biết nó gọi tên anh Ba hay nó coi em là bố của nó. Nhưng em không rời nó được. Nó cần có em mà.
*
Người ta kể, những con trai có ngọc là nhờ những hạt cát lọt vào trong kẻ mắt của trai. Đau, nước mắt trai ứa ra, bọc tròn lấy hạt cát. Ngày lại ngày, nước mắt cô thành ngọc. Soi lên trong nắng, hạt ngọc nào cũng có một tâm cát ở trong.
Có những con trai có ngọc và có những con trai không có ngọc.
Những con trai có ngọc - khởi đầu từ một vết đau...


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui