Lời Nguyền Lỗ Ban

Mấy ngày trước, Chu thiên sư mang theo lời giải từ núi Long Hổ tới Thái Hồ, không ngờ bị đối phương bám sát. Trong tình cảnh bất đắc dĩ, buộc phải dẫn theo đám Lỗ Thiên Liễu nhân khi trời tối chèo thuyền trốn khỏi Tam Đảo. Bọn họ chèo thuyền suốt đêm không nghỉ trong Thái Hồ, may mắn là không gặp phải bất cứ nguy hiểm nào. Sau khi trời sáng, bọn họ đáp vào một vụng nước hoang vắng phía nam Thái Hồ, bỏ thuyền lên cạn. Song Chu thiên sư đã vô cùng kinh ngạc khi phát hiện ra ở chốn hoang vu không một dấu chân người này lại xuất hiện ám hiệu của Thiên Sư giáo: mây Liệt yêu.Chu thiên sư dẫn cả đám người lần theo ám hiệu đi suốt hơn ba dặm đường, cuối cùng, trong một ngôi miếu đổ nát, đã tìm ra được người lưu ám hiệu. Đó là lão bếp già chuyên lo việc bếp núc trong Thiên Sư giáo. Sự việc này khiến Chu thiên sư hết sức bất ngờ, vì tất cả những người làm công lo liệu tạp vụ trên núi đều thuê từ bên ngoài, không phải người của Thiên Sư giáo, nên chắc chắn sẽ không thể hiểu được các ám hiệu mật truyền trong giáo.

Thiên Sư giáo ăn uống không câu nệ ngon dở, chỉ cần no bụng, vì vậy mặc dù người đông, nhưng không mời đầu bếp, mà chỉ mời người nấu ăn bình thường. Lão bếp già lôi thôi này, Chu thiên sư có biết, vì mặc dù lão không phải là đầu bếp có nghề, nhưng khi nấu nướng thường hay táy máy sáng tạo với những nguyên liệu tầm thường, mùi vị cũng không đến nỗi. Lão lại rất thích uống rượu đấu khẩu, bầu rượu không lúc nào rời khỏi tay, chửi bới đặc biệt ngoa ngoắt, nên người trong giáo chẳng ai không biết đến lão ta. Chu thiên sư từng hỏi tên họ lão, song lão nói lúc nhỏ là trẻ mồ côi, đến già là người neo đơn, cả đời không tên không họ. Từ sau khi theo nghề đầu bếp, mọi người đều gọi lão là Thuỷ Du Bạo, có nghĩa là nước dầu nổ. Có lẽ do lão vốn thích tìm tòi sáng tạo món mới, món luộc trong nước thì đổi sang chiên trong dầu, món rim bằng dầu lại đổi sang hầm với nước; cũng có lẽ do lão rất hay chửi bới, lối chửi rất điêu ngoa, giống như nước bắn vào dầu nóng mà nổ tưng bừng, nên mọi người mới đặt cho lão biệt hiệu này.

-Tôi là Thuỷ Du Bạo đây! Chu thiên sư, ông mới xuống núi có mấy hôm đã quên mất lão già này rồi ư? – Nhìn khuôn mặt đầy vẻ hoài nghi của Chu thiên sư, lão bếp vội buông chiếc bầu sàng bên miệng xuống, vừa cười hềnh hệch vừa lên tiếng trước, hơi rượu nồng nặc phả thẳng đến trước mặt Chu thiên sư.

-Đương nhiên là tôi nhận ra ông rồi! Nhưng tại sao ông lại đến đây?

Vừa nghe câu hỏi, Thuỷ Du Bạo lập tức chỉnh trang nét mặt cho thật nghiêm túc.

-Là thế này! Sau khi mọi người xuống núi, núi Long Hổ chẳng có ngày nào yên ổn. Mới đầu chúng tôi cứ ngỡ là yêu ma tác oai tác quái, nhưng nghĩ lại thấy không đúng, làm gì có chuyện yêu ma quỷ quái dám kéo lên núi Long Hổ làm càn. Chưởng giáo thiên sư nói rằng kẻ gây rối là người, dặn chúng tôi cứ sinh hoạt như ngày thường, việc cần làm cứ làm, chuyện khác không cần để ý đến! - Thuỷ Du Bạo nói liền một mạch rồi lại đưa bầu rượu lên miệng tợp một ngụm.

-Nhưng mấy hôm trước, trời vừa bảnh mắt, chưởng giáo thiên sư đã đích thân đến nhà bếp tìm tôi, bảo tôi xuống núi, đi về phía bờ nam Thái Hồ. Lại dạy cho tôi cách làm ám hiệu. Cái đầu già này phải vất vả lắm mới nhớ được ba thứ hình thù quái quỷ kia đấy!

Chu thiên sư khẽ gật đầu. Nếu quả thực núi Long Hổ bị kẻ nào ngấm ngầm theo dõi, để một lão bếp già chẳng hiểu chuyện gì xuống núi đưa tin, chắc hẳn sẽ không bị đối phương chú ý.

-À, phải rồi, sợ mọi người không tin, chưởng giáo thiên sư còn đưa cho tôi một cái thẻ chả ra đồng cũng chả ra vàng. Nếu mấy ngày nữa mà mọi người không đến, chắc tôi mang cái của nợ ấy đi đổi béng lấy rượu uống cho rồi! – Lão bếp vừa nói vừa lôi tấm thẻ bài ra.

Chu thiên sư giật bắn cả mình mẩy, vì ông vừa liếc qua đã nhận ra ngay đó là Thiên sư lệnh, tín phù của chưởng giáo thiên sư. Tấm thẻ bài này do tổ sư của núi Long Hổ dùng vàng đen ở biển Đông chế tác thành, chỉ có một. Nếu không phải tình thế cực kỳ nguy cấp, tấm Thiên sư lệnh này tuyệt đối sẽ không rời khỏi tay chưởng giáo. Nhưng lúc này đây, Thiên sư lệnh lại đang ở trong tay một lão bếp tầm thường, chỉ để chứng minh cho mức độ tin cậy của lão. Đến lúc này, Chu thiên sư mới thực sự ý thức được mức độ nguy hiểm và cấp bách của tình hình trước mắt.

-Còn cái này nữa, tôi cũng chẳng biết nó đựng cái của khỉ gì! - Thuỷ Du Bạo lại lôi ra một túi vải màu xanh chàm. Thứ này thì người trong Thiên Sư giáo ai ai cũng có, dùng để cất những vật phẩm tuỳ thân như chu sa, bùa chú...

Quả tình Thuỷ Du Bạo không thể biết được bên trong túi vải đựng thứ gì, cho dù lão có táy máy mở ra xem, cũng không thể nhận ra được. Nhưng vừa nhìn thấy chúng, thần sắc của Chu thiên sư lập tức trở nên nghiêm trọng. Vì chỉ ông mới biết, bên trong những thứ này ẩn giấu những thông tin cực kỳ hệ trọng.

Tất cả mọi người đều chia nhau canh chừng ở bốn xung quanh ngôi miếu dột nát, trong miếu chỉ còn lại Lỗ Thiên Liễu, Lỗ Thịnh Nghĩa, Du Hữu Thích, Thuỷ Du Bạo và Chu thiên sư.

Chu thiên sư đổ từ trong túi ra một đống gỗ vụn với hình thù quái dị. Lỗ Thịnh Nghĩa, Du Hữu Thích đều không hiểu mấy miếng gỗ kia ngoài đốt lửa nhóm lò ra còn có thể dùng vào việc gì khác.

Chu thiên sư rất kiên nhẫn, ông ngồi lì một chỗ suốt một canh giờ, cuối cùng đã ghép xong các mẩu gỗ vụn thành một đồ hình hoàn chỉnh. Đó là một Bát quái bằng gỗ, chính xác hơn, nó là chiếc Bát quái gỗ tinh xảo trăm mảnh được Thiên sư giáo trên núi Long Hổ dùng để truyền thông tin tuyệt mật. Song Bát quái gỗ trông rất cũ kỹ, vừa nhìn đã biết không phải là vật dụng của mấy đời thiên sư gần đây. Lỗ Thiên Liễu cũng kiên nhẫn không hề thua kém Chu thiên sư, cô cũng ngồi lì phía trước đống gỗ vụn không chịu rời đi. Cũng nhờ cô mấy lần đưa ra gợi ý, nếu không có lẽ Chu thiên sư phải hì hục thêm một hồi lâu nữa mới có thể ghép xong.

Bát quái đã ghép xong, song lại không phát hiện ra manh mối gì đặc biệt, không biết chưởng giáo thiên sư muốn gửi gắm thông tin gì trong đó?

-Không thấy gì à? Để tôi xem nào, không chừng lại ở mặt sau cũng nên! – Thuỷ Du Bạo vừa nói vừa xăm xắn giơ tay cầm luôn lấy Bát quái. Những người khác còn chưa kịp ngăn cản, Bát quái gỗ đã nằm gọn trong tay lão.

-A!

-Ồ!

Mọi người cùng kinh ngạc bật kêu lên. Chẳng ai ngờ được chiếc Bát quái mới được ghép lại từ gỗ vụn khi bị lão bếp già giằng lấy lại không hề vỡ thành từng mảnh, mà vẫn nguyên lành như cũ.

Thuỷ Du Bạo lật úp bàn tay, thẳng cánh đập ngược Bát quái lên mặt bàn. Mọi người không vội tìm kiếm xem mặt sau Bát quái có manh mối gì hay không, mà châu đầu vào tìm hiểu xem tại sao Bát quái lại không bị vỡ. Thì ra những mảnh gỗ vụn tuy có vẻ lộn xộn, nhưng nếu được ghép đúng vị trí, giữa các mảnh gỗ sẽ có khả năng nâng đỡ lẫn nhau. Chỉ cần nâng toàn bộ Bát quái lên với một lực đạo nặng nhẹ thích hợp, nó sẽ không bị vỡ. Song cách lựa chọn tư thế cầm và cách khống chế lực đạo cho vừa vặn chắc hẳn vẫn nằm ngoài khả năng của một lão bếp già thô vụng.

Có người nhìn thẳng vào mặt lão, có người nhìn chằm chằm vào bàn tay lão, trong mọi ánh mắt đều toát lên vẻ ngạc nhiên và nghi hoặc.

Từ trong ánh mắt của mọi người, dường như Thuỷ Du Bạo đã ý thức được điều gì. Song lão lại không biết có điều gì cần phải giải thích, nên còn tỏ ra ngạc nhiên nghi hoặc hơn cả những người còn lại.

Lỗ Thiên Liễu đưa ngón trỏ gõ nhẹ lên một cạnh Bát quái, vài mảnh gỗ vụn lập tức vung ra. Khi ánh mắt của Thuỷ Du Bạo dừng lại trên những mảnh gỗ vụn rơi rớt, lão chợt nghe thấy một giọng Ngô êm dịu:

-Ông giỏi thế, làm sao có thể cầm lên mà không vỡ được?

Tiếng Ngô vốn mượt mà êm ái, nhưng không phải ai nghe cũng hiểu. Nhưng lời Lỗ Thiên Liễu vừa nói, Thuỷ Du Bạo lại hiểu được, vì trước đây lão từng làm phụ bếp ở quán ăn lớn, nên thường xuyên tiếp xúc với đủ hạng khách từ nam bắc đông tây.

-Ý cô nói là tại sao tôi có thể cầm nó lên à? Hì hì, chiêu này của tôi gọi là “dính tay chặt”, không có mấy người học được đâu. Không phải tôi khoác lác, nhưng công phu này không phải một hai ngày là có thể luyện thành, không biết đã phải đập vỡ bao nhiêu bát đĩa rồi đấy! Nhớ năm xưa khi tôi còn làm ở quán thịt của tay Đông Râu, suốt ngày từ sáng đến tối quần quật đến mồ hôi lút mặt, dẫu mỡ ngập tay, dọn dẹp bưng bê tối mắt tối mũi, nếu không nhờ vào một chiêu “dính tay chặt”, chắc đã bị đuổi đi đổ bô từ lâu rồi!

Mấy người hình như cũng đã nghe thủng nguyên do từ những lời lẽ lộn xộn không đầu không cuối của Thuỷ Du Bạo. Thì ra lão đã tự mày mò luyện được cách khống chế tư thế và lực đạo từ việc làm bếp. Nghĩ cũng phải, bàn tay lúc nào cũng dầu mỡ trơn trượt, lại cầm vào cái đĩa nhẫy mỡ, cầm chặt không được, cầm hờ cũng không xong, quả thực cũng cần có kỹ xảo và lực đạo thích hợp mới được.

-Tôi làm thế này này! - Thuỷ Du Bạo nói xong, lại thò tay chụp về phía Bát quái. Lần này mọi người vẫn không kịp phản ứng, không kịp ngăn cản. Nhưng Thuỷ Du Bạo không nhấc Bát quái lên, bàn tay lão vừa chạm vào Bát quái đã khựng ngay lại - Ở đây có chữ! Còn có đường gì loằng ngoằng nữa kìa!

Thông tin ẩn giấu trong đống vụn gỗ không ngờ lại bị một lão bếp lôi thôi vô tài vô tướng phát hiện ra trước nhất.

Các nét chữ lẫn lộn trong đồ hình hào tượng của Bát quái, trông rất cũ kỹ, lại mảnh và dày đặc. Nhưng sau khi phát hiện và quan sát kỹ lưỡng một hồi, vẫn đọc ra được nội dung: “Theo đạo trời ban ơn ra uy, như nước dâng tràn trề tận biển. Phụng mệnh vua men theo dòng nước, bỏ thân tàn tìm kiếm vật thiêng. Lời minh của Tam Bảo”.

-Đôi câu đối này là lời thề tỏ ý chí của Tam Bảo thái giám Trịnh Hoà trước chuyến hải hành. – Không ai có thể ngờ Du Hữu Thích vừa nghe thấy nội dung, đã vanh vách nói ra lai lịch của dòng chữ.

-Ông chắc chứ? – Chu thiên sư chưa thực tin vào phán đoán của tay đầu sỏ thổ phỉ Du Hữu Thích.

Du Hữu Thích ưỡn ngực thẳng lưng, duỗi căng cần cổ, nói rất hùng hồn:

-Tôi bảo đúng là đúng! Nói thực với mọi người, sở dĩ tổ tiên tôi được phát tài bất ngờ là nhờ đưa thuyền buôn đi theo đoàn thuyền viễn dương của Tam Bảo thái giám, thực hiện được mấy cuộc làm ăn lớn với người nước ngoài, sau khi phát tài mới trở về khoanh sông khoanh hồ, mua đất xây cảng. Vị Trịnh Tam Bảo đó chính là ân nhân của tổ tiên nhà chúng tôi, mọi lời nói hành vi của ân nhân, gia tộc chúng tôi đời đời truyền tụng, chẳng nhẽ tôi lại không biết!

-Vậy thì đúng rồi! – Nghe Du Hữu Thích nói vậy, vẻ mặt Chu thiên sư rạng rỡ hẳn lên – Do Trịnh Hoà đưa thuyền đi biển lập được công lớn, nên đã được Vĩnh Lạc đế ban cho tên Tam Bảo, người đời sau đều gọi ông ta là Tam Bảo thái giám. Bởi vậy, nên dòng lạc khoản “Lời minh của Tam Bảo” cũng rất phù hợp. Việc này trở qua trở lại cuối cùng vẫn có liên quan đến hoàng đế Vĩnh Lạc, xem ra lần này chúng ta đã đi đúng hướng!

-Ông không nghe tôi nói gì à? Cái tên Tam Bảo đã được ban tặng ngay trước khi Trịnh Hoà khởi hành chuyến đi biển đầu tiên. Ban cho cái tên này cũng là có dụng ý, nghe nói là muốn nhắc nhở Trịnh Hoà không được quên điều gì đó. Chưa biết chừng giống như trên Bát quái gỗ đã viết, cái gì mà tìm dấu vết bảo bối, nhớ tìm lấy vật thiêng nào đó cho hoàng thượng cũng nên! – Du Hữu Thích có vẻ không được lễ phép cho lắm với Chu thiên sư, cũng vì Chu thiên sư tỏ ra không mấy xem trọng một gã cướp sông cướp hồ như hắn. Lúc này, khó khăn lắm mới túm được cơ hội, nên hắn đã ăn nói xóc óc để trả đũa Chu thiên sư.

Chu thiên sư là người tu hành đạo hạnh thâm sâu, đâu thèm chấp nhặt vài lời với một kẻ như Du Hữu Thích. Nhưng lão Thuỷ Du Bạo đứng bên cạnh miệng lưỡi chẳng phải loại vừa, thấy Du Hữu Thích nói năng với Chu thiên sư có phần bất kính, lập tức chen ngang:

-Cậu lớn kia miệng lưỡi thật hay ho! Trông cũng tốt mã đấy nhỉ! Nói năng thì hơn cả con vệt tỉa lưỡi ba lượt, người ngợm thì hệt như con cá tròn nấu canh hành!

Lời của lão nửa như khen lại nửa như dè bỉu, khiến mọi người nghe mà ngẩn ra không hiểu ý lão muốn nói gì.

Lỗ Thiên Liễu là người hiểu ra đầu tiên. Thì ra Thuỷ Du Bạo đang chửi Du Hữu Thích là con rùa[40] luộc nước sôi. Cô liếc sang nhìn Du Hữu Thích, thấy hắn người ngợm béo lùn chân tay ngắn ngủn, lại vai rộng lưng bè, cần cổ thường xuyên co rụt, lắc lư một cách vô thức, quả thực trông rất giống con rùa. Cô không nhịn nổi bèn phì cười.

Liền sau đó, Chu thiên sư cũng nhanh chóng hiểu ra, thì hơi giật mình, vội lách người vào giữa Du Hữu Thích và Thuỷ Du Bạo, nói vội vàng mấy câu xoa dịu:

-Nói đùa thôi! Nói đùa thôi! Uống nhiều quá rồi! – Ông ta vội vã dàn hoà, bởi vì người bị lão bếp xếch mé là đầu sỏ của băng cướp trên hồ, là kiểu người hễ ra tay là sẵn sàng đoạt mạng.

Nhưng thật bất ngờ là Du Hữu Thích không hề tức giận, mà ngược lại còn bật cười:

-Cái lão cua già chết tiệt! Chửi hay lắm, mới hai câu mà đã biến ta thành món ăn!

Vì bản thân Du Hữu Thích có biệt hiệu là Rùa gai, đương nhiên sẽ không phật ý khi bị người khác nói mình là con rùa. Hơn nữa khi nghe lão bếp nói đến “cá tròn” với “nấu canh hành”, hắn cảm thấy rất thú vị và tức cười.

Thuỷ Du Bạo thấy mọi người đều bật cười vui vẻ trước câu chửi của mình, cảm thấy rất đắc ý, nên lạ há miệng nói tiếp:

-Chỉ có điều...

Nhưng lão mới bật ra được mấy chữ đã dừng ngay lại. Chặn họng gã không phải là mũi Nga Mi thích của Du Hữu Thích, mà là ánh mắt sắc bén của Chu thiên sư:

-Cây không cười nhạo cỏ yếu, cỏ không tranh gió của cây, cùng là anh em không nên gây chuyện thị phi, hãy quay lại chuyện chính đi! – Chu thiên sư nói đoạn, lại quay về chủ đề câu đối - Mọi người hãy nhìn xem, vế trên của câu đối “nước dâng tràn trề tận biển” có lẽ là cùng một ý tứ với ba chữ “hư hải tế” trên tấm lụa vàng. Lại thêm năm xưa, quả thực là hoàng đế Vĩnh Lạc đã phái Tam Bảo thái giám đưa đoàn thuyền viễn dương vượt biển. Bây giờ chỉ còn lại ba chữ cuối cùng “thực nhạn linh”. Có lẽ câu này mới là điểm mấu chốt nhất của vấn đề, có lẽ phải liên kết toàn bộ nội dung với nhau mới hiểu được ý nghĩa thật sự...

-Mực phục linh? Hê hê, Chu thiên sư thật là người sành ăn! Đó là một món ăn nổi tiếng của Phúc Kiến, màu sắc, hương vị đều tuyệt vời, lại cực kỳ bổ dưỡng. Nhớ năm xưa... – Xem ra Thuỷ Du Bạo không những không sợ Du Hữu Thích, mà ngay cả Chu thiên sư lão cũng chẳng coi ra gì. Lời của Chu thiên sư còn chưa dứt, lão đã chen ngang mà thao thao bất tuyệt.

Nhưng mới nói được nửa chừng, dường như lão chợt phát giác ra điều gì, nên lập tức đổi giọng.

-Này! Này! Này! Con bé kia, vừa đưa mắt gì với cha ngươi thế? Ra hiệu à? Nói thầm à? Sợ mọi người nghe thấy à? Không công bằng! Thật không công bằng! Muốn nói thì cứ nói, muốn chửi thì cứ chửi, bộ da mặt già xác của lão Thuỷ ta đây được cái rất dày, trông ta ngứa mắt thì ngươi cứ nói toẹt ra!

Lỗ Thiên Liễu là người thật thà, bị Thuỷ Du Bạo nói vậy thì đỏ bừng mặt. Cô không ngờ hành động kín đáo đưa mắt cho Lỗ Thịnh Nghĩa đã bị lão già lè nhè nát rượu kia phát hiện, lại còn ầm ĩ nói toạc ra, khác nào mình vừa làm việc gì mờ ám.

Song Chu thiên sư lại như choàng tỉnh khỏi cơn mơ, vội vàng tiếp lời Thuỷ Du Bạo:

-Đúng rồi đúng rồi, tại sao tôi lại hồ đồ như vậy nhỉ! Tấm lụa vàng là do nhà họ Lỗ lấy được, bí mật trong đó người Lỗ gia hẳn phải biết được nhiều nhất mới đúng. Chúng tôi đã tập trung được toàn bộ manh mối thu được đến đây, mà mọi người vẫn chưa đưa ra nửa lời kết luận.

-Yên lặng! Đừng làm ồn! Mồm miệng của ông chẳng khác gì nổ bỏng ngô! - Lỗ Thiên Liễu vừa nói vừa bực bội nguýt Thuỷ Du Bạo một cái.

Lỗ Thịnh Nghĩa vẫn im lặng, nét mặt đầy vẻ đăm chiêu.

-Được rồi! Được rồi! Tôi nói nhỏ, nói nhỏ lại là được chứ gì. Mà ông Lỗ này, ông nói gì đi chứ. Chuyện không nói không rõ, ngờ không nói không tỏ. Ông cứ nói vài lời để tôi biết được chuyện này đầu cua tai ốc ra sao, không thì phí hoài công tôi lặn lội biết bao nhiêu đường đất. Ông nói cho tôi biết, sau này lúc rượu chè còn có chuyện để tán dóc nữa chứ! - Thuỷ Du Bạo đoán chừng ở đây có chuyện thú vị, liền gặng hỏi không tha.

-Đúng đấy Lỗ sư phụ! Núi Long Hổ chúng tôi đã vì gia tộc của ông mà điều động biết bao nhiêu công sức nhân lực, chuyện đó tạm chưa nói đến, nhưng bây giờ đến môn phái cũng gặp phải rắc rối, không được sông an lành. Chi bằng ông hãy nói rõ sự tình, rồi tất cả chúng ta cùng hợp sức giải quyết. Như vậy núi Long Hổ mới có thể yên bình trở lại, bọn anh Du đây cũng có thể quay về Thái Hồ sống những ngày tháng vô lo như trước kia! - Lời của Chu thiên sư nghe rất thấu tình đạt lý.

-Anh cả Lỗ, anh cứ nói đi! Dù thế nào đi nữa tôi cũng quyết theo anh đến cùng! Chỉ cần tìm được cách hoá giải chỗ phá bại trên phần mộ tổ tiên, dù là địa ngục hay bể máu, tôi cũng không sợ! – Du Hữu Thích vừa nói, vừa giật giật cần cổ theo thói quen.

Lỗ Thịnh Nghĩa chỉ rũ đầu ngồi bất động, hai bàn tay to lớn xiết chặt vào nhau, gân xanh nổi lên chằng chịt, cơ bắp rung giật khe khẽ.

Cuối cùng, ông đã hạ quyết tâm, bèn ngẩng đầu đứng bật dậy, đưa mắt nhìn một vòng khắp lượt mọi người:

-Lần này quả thực đã lớn chuyện rồi! Tôi không ngờ chỉ vì mấy con chữ mà núi Long Hổ đã phải điều động đông người đến vậy, lại còn liên luỵ đến các anh em của chú Du đây. Nhưng mọi việc giờ đã xé ra to, muốn giấu giếm không phải dễ dàng; chuyện đã nghe vào tai, muốn bỏ đi cũng đã quá muộn. Trước tiên xin được nói rõ, việc chúng tôi đang làm là để tích đức tạo phúc cho nhân loại, cho đời sau, song để thực hiện được lại vô cùng gian nan, hiểm nguy chồng chất. Các vị hãy suy nghĩ cho kỹ lưỡng, nếu như bây giờ nói ra sự thực với các vị, thì hai cha con chúng tôi sẽ phải nhờ cậy đến các vị đấy!

Kỳ thực những lời này chủ yếu là nói cho Chu thiên sư nghe, còn Du Hữu Thích vốn là bằng hữu lâu năm với Lỗ Thịnh Nghĩa, đã biết ít nhiều về chuyện của nhà họ Lỗ.

Chu thiên sư không nói gì, chỉ gật đầu. Lỗ Thịnh Nghĩa biết, với những bậc chân tu cao đạo như ông, một cái gật đầu đã là quá đủ.

-Một lời thôi! Nếu cần đến tôi, anh cứ nói! Không cần đến tôi thì tôi đi ăn cơm đây! - Thuỷ Du Bạo nói oang oang, song giọng nói lại lè nhè không rõ, có lẽ do ngụm rượu trong miệng còn chưa kịp nuốt xuống.

-Anh Thuỷ, chuyện này anh không cần phải nghe đâu, không lại hại anh chẳng còn cơ hội để uống rượu thì nguy to! - Lỗ Thịnh Nghĩa nói.

-Không cho tôi nghe? Cũng được! Tôi đi! À, phải rồi, chưởng giáo thiên sư còn nhắn tôi chuyển lời gì cho các vị nữa, nhưng hình như tôi quên phéng mất rồi! - Thuỷ Du Bạo nói xong, lập tức ngoay ngoảy đi ra ngoài.

-Ông nói thật đấy ư? Nhờ đưa tin mà cũng giấu lại một phần? – Lỗ Thiên Liễu trách móc.

-Chịu thôi! Nấu bếp lâu ngày thành bệnh rồi, cắt thái cái gì cũng phải xà xẻo lại cho mình mấy thứ ngon lành chứ!

-Đừng đi! – Khi Thuỷ Du Bạo đi ngang qua trước mặt Du Hữu Thích, đã bị hắn giơ tay chặn lại – Anh Lỗ, cứ để ông ta nghe, khi hành sự cũng dẫn ông ta theo, tôi sẽ coi chừng! – Du Hữu Thích đã suy nghĩ kỹ càng, người như thế này, nếu không gây trở ngại thì giữ, nếu gây trở ngại thì giết người bịt miệng là xong. Trước tiên cứ tìm cách moi hết những thông tin mà lão đã biết rồi tính tiếp.

Kỳ thực những lời vừa rồi của Lỗ Thịnh Nghĩa cũng là để thăm dò Thuỷ Du Bạo. Ông đã lờ mờ phát hiện ra rằng lão bếp già bộ dạng lôi thôi nói năng bạt mạng này chắc chắn không phải hạng tầm thường. Chỉ nhìn vào những lời nói thật giả lẫn lộn và công phu “dính tay chặt” của lão, cho dù không phải kẻ giang hồ già đời, cũng là thành phần ranh ma được nhào nặn từ nơi chợ búa. Còn nữa, chưởng giáo thiên sư là một nhân vật thần thông, người được ông đích thân phái đến chắc chắn phải có huyền cơ dụng ý nào khác nữa.

-Như vậy cũng được! Bây giờ tôi sẽ kể lại tường tận mọi việc, anh Thuỷ cũng lại đây nghe luôn đi!

Lỗ Thịnh Nghĩa bắt đầu kể qua một lượt về sứ mệnh chôn bát bảo định cõi phàm của tổ tiên họ Lỗ xưa kia, sau đó lại kể đến chuyện bảo bối do họ Mặc cất giấu bị chiếm đoạt, hai nhà Lỗ, Mặc hợp sức tranh giành bảo bối với họ Chu.

-Họ Chu lợi dụng khí số của bảo bối để đoạt lấy thiên hạ, trong chuyện này có một người đã đóng vai trò quan trọng, chính là Lưu Cơ Lưu Bá Ôn. Cũng chính vì nhà họ Chu có được sự trợ giúp của vị cao nhân nửa tiên nửa phàm này, nên hai nhà Mặc, Lỗ tới giờ vẫn chưa đoạt được bảo bối từ trong tay họ.

-Một lần, trong một cuộc tranh đoạt, nhà họ Lỗ chúng tôi đã vô tình đoạt được một hộp vàng mệnh lý[41], qua đó biết được rằng Lưu Cơ vì muốn giúp họ Chu đoạt thiên hạ, nên đã xem trộm thiên cơ, động đến binh đao, nên công sức tu hành bị hao tổn, dương thọ sụt giảm, buộc phải nhanh chóng rời xa thế tục để tu lại cái gốc tiên thiên. Nhưng nếu rời xa thế tục để tu hành, thì khí số đời người sau này lại phải dựa vào khí hoàng gia của nhà họ Chu mới được bảo toàn, ngày sau mới có được cơ hội xuất đạo. Nhưng ông ta cũng biết rằng bảo bối mà nhà họ Chu đoạt được đã đến giai đoạn bảo khí cạn kiệt. Nếu muốn giữ vững giang sơn cho họ Chu, buộc phải tìm ra một cách thức khác.

Lỗ Thịnh Nghĩa kể lại sự việc này một cách hết sức chắc chắn, vì thông tin này ông đã trực tiếp thu được từ hộp vàng mệnh lý. Còn những nội dung tiếp theo, đều là thông tin mà hai nhà Lỗ, Mặc thu thập được sau một thời gian dài bí mật theo dõi nhà họ Chu, hoặc nhờ mua chuộc những người trong cung cấm nhà Minh, nên mức độ tin cậy không biết được mấy phần.

-Trước kia rời xa thế tục, Lưu Cơ đã đi khắp thiên hạ, tìm kiếm huyền số thiên cơ có lợi cho giang sơn nhà họ Chu, tổng kết nên những phương pháp hiệu quả và khả thi nhất cung cấp cho Chu Thái Tổ, để ông ta cứ theo đó mà làm. Nhưng khi đó Thái Tổ tuổi tác đã cao, không muốn lao lực nữa, nên đã truyền lại bí mật này cùng với ngôi vị cho hoàng tôn Chu Doãn Văn, đồng thời cũng nói cho ông ta biết ý nghĩa thực sự ẩn giấu bên trong, dặn ông ta sau khi kế vị hãy dốc sức thi hành.

-Nhưng Lưu Cơ có giỏi tính toán đến đâu cũng không thể ngờ được rằng Vĩnh Lạc đế Chu Đệ lại cướp đoạt giang sơn, Chu Doãn Văn mang theo bí mật kia bỏ trốn biệt tích. Sau khi đoạt được ngai vàng, hoàng đế Vĩnh Lạc cũng hiểu rõ chỗ yếu của xã tắc nhà họ Chu, nên đã cho tìm kiếm khắp trong điển tích sách vở, cùng những ghi chép bí mật trong cung, rồi tập trung đông đảo nhân tài văn học biên soạn thành bộ sách “Vĩnh Lạc đại điển”. Mục đích chính là muốn tìm kiếm thông tin có liên quan tới bí mật kia, những mong giữ vững hoàng quyền đời đời bền vững.

Nói đến đây, Lỗ Thịnh Nghĩa bèn ngừng lời.

-Quá hay! Quá hay! Câu chuyện thật là hấp dẫn. Sau đó thế nào, kể tiếp đi chứ! - Thuỷ Du Bạo thấy Lỗ Thịnh Nghĩa dừng lại, thì sốt sắng thúc giục ông kể tiếp.

-Vậy họ Chu đã động tới bảo vật nào trong bát bảo? - Mặc dù Chu thiên sư đã lờ mờ đoán ra họ Chu đã đoạt được bảo bối nào, nhưng vẫn muốn xác nhận rõ hơn.

Lỗ Thịnh Nghĩa lại đưa mắt nhìn Lỗ Thiên Liễu. Thấy Lỗ Thiên Liễu không có ý ngăn cản, ông mới chậm rãi kể tiếp:

-Là Hoả bảo trong Ngũ hành!

-Nói như vậy, thì mười hai chữ kia chính là bí mật mà Chu Doãn Văn đã mang theo? – Chu thiên sư biết Lỗ Thịnh Nghĩa không muốn tiếp lộ thêm thông tin nào nữa, thế nhưng đây lại chính là điểm mấu chốt của vấn đề trước mắt, ông cần phải hỏi rõ.

-Chúng tôi cũng không dám khẳng định! - Lỗ Thiên Liễu đáp lời Chu thiên sư bằng giọng Quan Thoại tròn vành rõ chữ - Cần phải xem xem ý nghĩa chính xác của chúng là gì đã!

-Ồ! Nhưng nếu điều đó là sự thật, thì hoàng đế Vĩnh Lạc cũng đã tìm ra được một phần nội dung từ những nơi khác! – Chu thiên sư nói.

-Đúng thế! Sau khi thầy kể cho con nghe những điều đã chứng kiến trên núi Võ Đang, mọi người cũng cho là như vậy. Nhưng hôm nay, khi đọc được câu đối thề nguyện của Tam Bảo thái giám trên Bát quái gỗ, e rằng những gì hoàng đế Vĩnh Lạc thu thập được năm xưa chưa hẳn đã nhiều như thầy nói. Nhưng giờ đây, con băn khoăn một điều, đó là nếu Vĩnh Lạc đế đã tìm được bí mật kia từ những nơi khác, thì nội dung trên tấm lụa chưa chắc đã phải là chìa khoá do Lưu Cơ để lại! - Lỗ Thiên Liễu đưa ra nhận định.

-Suy nghĩ của con cũng rất có lý. Quy luật hưng suy của bảo bối là ba trăm năm một vòng luân hồi, trong đó một trăm năm hưng, một trăm năm bình, một trăm năm suy. Vì vậy sư hưng vượng suy bại của những gia tộc nương tựa vào bảo vật cũng phải tuân theo quy luật trên, trừ phi lại đoạt được bảo bối khác, hoặc áp dụng một thủ đoạn khác để thay đổi cách cục. Vận số hai trăm bảy mươi sáu năm của triều Minh, lại cộng thêm khoảng thời gian từ khi Minh Thái Tổ nổi dậy cho đến khi đoạt được thiên hạ, vừa vặn khoảng trên dưới ba trăm năm. Nếu nhìn vào đó, có thể thấy rằng những gì hoàng đế Vĩnh Lạc đã tìm được và thực thi đều không hề có tác dụng.

-Chẳng phải mọi người vừa nói còn nói thiếu một câu gì đó ư? Có lẽ đó mới là mấu chốt! – Du Hữu Thích tỏ ra vô cùng hào hứng với cuộc thảo luận, vì hắn đã nghe ra lần hành sự này có liên quan tới một món bảo bối có thể thay đổi số trời, cải biến vận mệnh. Hắn có thể nhân cơ hội này để hoá giải phá cục phong thuỷ của gia tộc. Bởi vậy hắn chăm chú lắng nghe không sót một từ.

-Còn nữa! - Lỗ Thịnh Nghĩa lên tiếng, song lại dừng một lát mới nói tiếp – Có lẽ năm xưa hoàng đế Vĩnh Lạc vẫn chưa giải mã được ý nghĩa huyền vi thực sự của những câu này, nên tất cả những việc ông ta đã làm đều không đúng cách.

Chu thiên sư đưa tay vuốt vuốt chòm râu, khẽ gật đầu:

-Cũng có thể! Nhưng nếu chỉ xét về mặt chữ, cách làm của hoàng đế Vĩnh Lạc đã rất chu toàn. “Hoả linh kế” có thể giải thích là tiếp nối tác dụng của Hoả linh, cũng có thể giải thích là sức mạnh của Thuỷ minh, thứ đứng tiếp sau Hoả linh, nói thẳng ra là cần tìm Thuỷ bảo. Khi Hoả bảo suy bại, cũng là lúc Thuỷ minh hưng vượng. Hoàng đế Vĩnh Lạc cho xây điện vàng Chân Vũ, đúc tượng Chân Vũ giả, là cầu mong được Thuỷ thần Chân Vũ bảo vệ phù trì. Dẫn sấm sét luyện điện, mượn lửa trời để kéo dài uy lực của Hoả bảo trong tay, cách làm này hiệu quả rất nhỏ, sức mạnh của lửa trời cũng chỉ đủ để duy trì một ngọn đèn nhỏ nhoi trong điện sáng mãi không tắt mà thôi. Về sau lại phái Trịnh Hoà đi thuyền vượt biển. Nhìn lại các đời hoàng đế mọi triều đại, tất cả đều kết mối bang giao với nước ngoài thông qua đường bộ, duy chỉ có hoàng đế Vĩnh Lạc dùng đường thuỷ, lại ban tên cho Trịnh Hoà là Tam Bảo thái giám. Tất cả các hành động này đều nhằm mượn lấy sức mạnh của Thuỷ minh, săn lùng các bảo bối trong dự tính và cả ngoài dự tính.

-Thế nhưng chúng ta không thể tiến hành giải mã giống như hoàng đế Vĩnh Lạc, vì phương pháp của ông ta, chúng ta không có khả năng thực hiện. Và quan trọng nhất là ông ta đã làm như vậy nhưng vẫn không tìm được Thuỷ minh thực sự. - Lỗ Thiên Liễu nói.

-Bây giờ cần thiết nhất là phải giải mã được câu cuối cùng “thực nhạn linh” có ý nghĩa gì. - Lỗ Thịnh Nghĩa nói.

-Đúng vậy! Sau khi ý nghĩa của cả bốn câu đã sáng tỏ, kết hợp chúng lại với nhau để giải thích, có lẽ sẽ có được phát hiện mới! – Chu thiên sư cũng có cùng quan điểm.

Lỗ Thiên Liễu đột nhiên sức nhớ ra một điều, vội kêu lên:

-Này, ông Thuỷ Du Bạo, tại sao ông không nói gì? Ông hãy nói ra thông tin truyền khẩu của chưởng giáo thiên sư đi chứ! Ông nói mau lên!

Ánh mắt của tất cả mọi người đều đổ dồn về phía Thuỷ Du Bạo. Lão bếp già cười rất đắc ý, đưa bầu rượu lên miệng tợp lấy một hớp, rồi mới ghé sát về phía mọi người, khẽ thì thào trong hơi rượu nồng nặc:

-Đến đỉnh núi Bút Đầu núi Giang Lang tại Cù Châu, Chiết Giang để tìm người đưa tin thứ hai!

Chú thích

[40] Trong thói quen của người Trung Quốc, nói người khác là con rùa là câu chửi mắng rất nặng nề, có phần thô tục.

[41] Chiếc hộp gói tóc, móng, Bát tự ngày sinh, và vị trí sao trời vào ngày sinh của một người.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui